N
hững đêm mùa đông trôi qua bình yên, chứa chan hy vọng, cùng tiếng kêu xì xì của những viên đạn bay vèo xuống nước và tiếng xèo xèo của những quả táo lớn đỏ ối Annie nướng cho tôi. Chúng tôi luôn làm những công việc buổi tối bên cạnh lò sưởi của gian bếp sau. Có đủ chỗ để kê bàn ghế, bất kể lửa đang cháy rần rật. Bên phải là một cái lò to tổ chảng mà Betty vẫn hay dọa cho chúng tôi vào nướng, bên trái là những hàng dài thịt lợn muối, được làm từ những con ỉn béo tốt, chúng đang ngả sang màu nâu trông thật ngon mắt. Annie biết hết tên lũ lợn, thỉnh thoảng khi một ký ức nào đó nhẹ nhàng ùa về khiến em xúc động, em thường chạy đến bên chúng và hỏi chúng khỏe không, và khi nào chúng muốn được mổ. Rồi em lại rơi những giọt nước mắt ngớ ngẩn khi nghĩ đến thực tế không tránh khỏi đó. Còn tôi, ủy mị theo cách khác, quyết định không ăn thịt lợn muối xông khói.
Thế nhưng, cầu Chúa ban phước cho quý vị! Không ăn thì sống làm sao? Bất kỳ khi nào đến giờ ăn sáng, sau ba tiếng đồng hồ ngoài truông, tôi thường quên béng mất tụi ỉn mà chỉ nhăm nhăm vào mấy lát thịt muối. Quê chúng tôi vốn cằn khô sỏi đá, nếu đúng là có một vùng như thế ở nước Anh. Ý tôi là một nơi mà người ta phải ăn cho thật no mới có đủ sức làm lụng. Không khí ngoài truông mát mẻ, trong lành, khuấy động trong ta ký ức về những điều tốt đẹp đã qua, làm dậy lên niềm hy vọng về những điều còn tốt đẹp hơn đang chờ đón ở phía trước. Đến lúc ngồi vào bàn thì chẳng còn nghĩ gì nữa ngoài việc lấp đầy dạ dày.
Gần như ai cũng biết, ít nhất là dân quê chúng tôi, đất đai quanh nông trại Plover’s Barrow rất mỡ màng, phì nhiêu. Bên trên là rặng núi sừng sững, thạch nam mọc tràn lan, làm nên khung cảnh hoang vu. Được cái nhà chúng tôi nằm trong thung lũng nên được che chắn và ấm áp. Ở đây bạt ngàn cây cối, cỏ mọc xanh mướt, các vườn cây trái thì sum sê, lại còn có tiếng nước chảy róc rách, đứng chỗ nào cũng nghe được dù chẳng thấy suối đâu. Thực tế là có một đoạn suối chảy xuyên qua sân trại nhà tôi, thỉnh thoảng nước dâng tràn bờ khi những đám mây sà thấp vắt ngang đỉnh đồi. Tít bên dưới, nơi thung lũng cong xuống, dòng Lynn nương theo nó, những cánh đồng cỏ tươi tốt cũng thoai thoải theo và mặt trời tuôn ánh sáng ê hề xuống mặt nước. Gần như tất cả thuộc về chúng tôi, cho tới tận ranh giới đất nhà bác Nicholas Snowe.
Khoảng hai dặm bên dưới nông trại của chúng tôi, nước dòng Bagworthy chảy vào con suối Lynn, làm thành một con sông thực thụ. Tại đây, nó hối hả chảy, mải miết, quyết liệt, ngang ngạnh, dưới chân một ngọn đồi trọc, tiếp tục chảy tới những phiến đá rồi bị che khuất bởi những khu rừng và cản lại bởi những vực sâu tối tăm, nguy hiểm. Suối có rất nhiều cá, càng đi xa cá càng to vì nước càng sâu thì càng có nhiều thức ăn cho chúng. Thỉnh thoảng vào những tháng mùa hè, mẹ miễn cho tôi việc ở nông trại, tôi lại xuống đây, có cả Annie đi cùng (vì nó quá vắng vẻ), hai anh em bắt được gần một giỏ đầy cá hồi nhỏ cùng cá tuế, lấy giun hoặc ruồi làm mồi câu, còn cần câu làm từ cây phỉ.
Trong tất cả những thứ học được tại trường Blundell, tôi chỉ giữ lại có hai thứ: một là mánh câu cá, hai là tài bơi lội. Ở đấy, tụi học trò học bơi theo một cách khá là thô bạo. Tụi học trò lớn có trách nhiệm dạy bơi cho tụi học trò nhỏ, theo một quy trình cố định, được gọi là “tắm cừu”. Trên cánh đồng cỏ thứ ba tính từ cổng trường, ngược lên con sông, có một cái hồ đẹp ở Lowman, nơi suối Taunton đổ vào, có tên là hồ Taunton. Nước chảy xuống khá mạnh rồi đột ngột rẽ, lững lờ trôi. Một bên có bờ khá dốc, cao một hoặc có khi một mét rưỡi, nhô hẳn ra và nhiều mùn. Một bên thì đất phẳng, phủ đá sỏi, là nơi lý tưởng để tụ tập. Tụi học trò lớn dẫn tụi học trò nhỏ (tụi này khóc lóc, van xin ỉ ôi, chắc đang thầm gọi mẹ) bằng cách túm chặt gáy chúng, lôi ngược lên chỗ cao nhất bên bờ mạn đông, bắt chúng cởi hết quần áo ra. Tụi học trò nhỏ quỳ cả xuống, vừa bù lu bù loa vừa ngước nhìn lên vẻ thảm thương, nhưng tụi học trò lớn nhất định không mủi lòng. Tụi học trò lớn ném tụi học trò nhỏ xuống nước, hết đứa này đến đứa kia, đứng nhìn chúng chìm nghỉm mất tăm rồi vùng vẫy ngoi lên, phun nước phì phì, ngáp ngáp. Thấy vậy nhưng không có gì nguy hiểm cả, bởi lẽ dù đúng là hồ sâu thật nhưng dòng nước chắc chắn sẽ đẩy tụi nó tấp vào những tảng đá. Còn tôi chẳng đợi bị ném lần hai, tôi tự nhảy tùm xuống, thầm nghĩ cái hồ này nhằm nhò gì so với dòng Lynn hung hãn quê mình. Nói thế thôi chứ tôi đã biết bơi ở đó, như tất cả những đứa khác, vì điều quan trọng nhất trong việc học bơi là nhận ra rằng một khi ở dưới nước rồi, bạn không còn cách nào khác ngoài việc... bơi. Tôi yêu nước một cách tự nhiên, không thể thiếu nó lâu được. Ngay cả những đứa ghét nước nhất cũng bắt đầu bơi được kiểu này hay kiểu kia, sau khi bị ném một cách không thương tiếc xuống hồ Taunton suốt một, hai năm.
Thuở đó, dù có Annie đồng hành (hai anh em luôn sát cánh bên nhau, tôi cõng em bất cứ khi nào em không thể lội qua được một khúc đầy tráo trở của dòng Lynn) nhưng chưa đứa nào tình cờ mon men tới dòng Bagworthy. Chúng tôi biết nó chứa một lượng nước dồi dào, ê hề cá và sỏi, nghĩ rằng chắc nó phải ghê gớm lắm nên chẳng ai dám tới, ngay cả một con bò thiến có muốn uống nước cũng không dám. Hồi ấy chúng tôi có sợ nó hay không, tôi không nhớ lắm vì chuyện xảy ra đã quá lâu rồi. Nhưng tôi chắc chắn một điều. Dòng Bagworthy bắt nguồn từ thung lũng Doone.
Năm mười bốn tuổi, tôi tình cờ có cơ hội khám phá dòng Bagworthy. Hôm ấy tôi mặc quần áo đẹp, cài khóa đầu gối, đi tất mẹ đan cho. Nói tóm lại, khá là bảnh.
Chuyện là thế này.
Mẹ tôi phiền não đã lâu, không ăn được nhiều. Dân quê chúng tôi sợ nhất là chứng chán ăn. Tôi sực nhớ có lần vào một ngày lễ nào đó, từ Tiverton, tôi mang về cho mẹ một hũ cá chạch dầm, do tôi tự bắt ở suối Lowman. Tôi nướng cá bằng lò trong nhà bếp, cùng với giấm, một ít lá nguyệt quế và chừng chục hạt tiêu khô. Mẹ bảo cả đời bà chưa từng ăn thứ gì ngon bằng. Bà khen tôi bắt cá giỏi và nấu ngon. Bà khen cho tôi vui hay khen thật lòng, tôi cũng không biết nữa, dù tôi tin là bà khen thật, vì hầu hết mọi người nếm nó đều bảo vậy. Bất kể thế nào, lúc bấy giờ tôi nhất định tìm bắt cho được vài con cá chạch và tự dầm chúng theo cách cũ, chỉ mong sao mẹ ăn được nhiều hơn một chút.
Đến tận bây giờ, vẫn có nhiều người chả biết cá chạch là gì, sống ở đâu, làm sao bắt được nó hay dầm nó. Tôi sẽ không cho họ biết tường tận đâu, vì nếu tôi làm vậy, rất có thể sẽ không còn một mống cá chạch nào sót lại mười hay hai mươi năm sau khi cuốn sách này ra đời. Cùng lắm thì cá tuế cũng được, nhưng đối với tôi, nó chỉ như dây thừng nhúng trong bia khi đem so với cá chạch được dầm đúng cách.
Quyết chí bắt cho được vài con cá chạch bất kể khó khăn ra sao, một buổi sáng ngày Thánh Valentine (hình như năm 1675 hay 1676 gì đó), tôi cứ thế đi mà không cho ai hay biết. Tôi không đưa Annie theo vì sợ em lạnh. Lúc bấy giờ, mùa đông ngự đã lâu khiến tuyết phủ trắng khắp nơi thành từng mảng hai bên bờ sông, hệt đôi găng tay của một quý bà bị bỏ quên. Mùa xuân đang ngấp nghé, chực chờ mùa đông rời đi là thế chỗ ngay, như nó vẫn luôn thế ở Devonshire này. Thế nên dù chẳng thấy đâu nhưng vẫn cảm giác được mùa xuân lẩn khuất trong không khí.
Tôi thấy rối trí rồi đây. Làm sao tôi nhớ hết những chi tiết nhỏ nhặt như thế được trong khi lúc đó tôi nào có để ý gì đến chúng. Ấy thế mà chúng vẫn trở về rõ rành rành trong màn sương xám của ký ức. Tôi như ông lão đeo đôi mục kỉnh dày cộp nhìn thấy hình ảnh cháu trai chơi trò ú tim với mình sau khi chùi sạch lớp bụi phủ mờ mặt kính.
Suốt đời này tôi không thể nào quên được ngày hôm đó và việc nước sông lạnh khủng khiếp ra sao. Tôi cởi giày, quần bó chẽn, bỏ chúng vào một cái túi cột quanh cổ (tôi không mang theo áo khoác nhỏ), rồi vén cao tay áo sơ mi lên đến tận vai. Với chiếc chĩa ba ngạnh được cột chặt vào cần câu, một miếng bánh mì được gói trong chiếc khăn vải bạt, tôi thả chân xuống làn nước lổn nhổn đá sỏi, cố nghĩ sao mà nó ấm thế. Suốt hơn một dặm dọc theo dòng Lynn, hầu như không một hòn đá nào tôi không lật lên, do đã quá rành những chiêu trò của lũ cá chạch và biết chúng trốn ở đâu. Vì thân lốm đốm xám rất dễ thấy (gần giống mực nang, nhưng chắc thịt hơn), con cá chạch sẽ đứng im bên dưới một dải rong đung đưa trong làn nước chảy xiết, hy vọng không bị phát hiện. Khi bị quấy rầy, nó vội lao bắn đi, hệt một phiến sừng từ ngón tay, dúi cái đầu nhọn bên dưới một tảng đá hoặc có lúc vùi mình vào bùn, chỉ lộ ra sống lưng. Còn chần chừ gì nữa! Cầm chĩa cho thật chắc và xiên vào nó. Ngon ơ!
Nhưng nếu con cá chạch lì lợm không chịu lộ diện, cứ núp mãi trong hang, hãy nhúc nhích mấy hòn cuội, thể nào nó cũng vì tò mò mà ló đầu ra, hoặc đung đưa vây, giương mắt nhìn rồi phóng vút đi như một vệt xám nhỏ. Đừng bỏ cuộc. Hãy lần theo dấu vết của nó. Khẽ thôi. Sau đó, tại một vũng cát, hãy rón rén lại gần đằng sau nó. Nó chả phát hiện ra đâu vì đầu luôn hướng về phía trước. Nó sẽ đứng yên tại đó, hiền hòa và từ tốn. Trông nó cứ như chả hay biết gì khiến ta chắc mẩm đợt này vớ bở bất kể dòng nước chảy, mặt trời chiếu rọi chỗ mờ chỗ tỏ và đôi bàn tay run rẩy. Nhưng khi ta đang dương dương tự đắc chuẩn bị xiên nó thì... A lê hấp! Nó biến mất tựa một cái bóng, để lại đám mây bùn trêu ngươi mấy cái ngạnh chĩa.
Thằng nhóc là tôi hôm ấy mang trong mình một mục đích duy nhất: bắt thật nhiều cá chạch. Tôi men theo dòng nước trong suốt, lạnh ngắt, sáng hệt một tảng băng. Hình như lũ cá biết tôi được trời phú cho tài bắt chúng và có ý định tận dụng nó, hơn nữa con người còn có khuynh hướng tàn phá hơn là làm giàu cho trái đất. Một con bò có thể đến nhìn vào làn nước mát rồi vục mõm xuống; một con chim bói cá, hệt như mũi tên xanh, lao bổ xuống những ngóc ngách tối đen, hoặc đậu trên một cành cây liễu gai dìm trong nước, xỉa mỏ vào đám lông ngực; ngay cả một con rái cá cũng thả mình trôi theo chiều chảy của dòng sông, tựa một súc gỗ, với cái đầu bẹt ngang bằng với mặt nước, đôi mắt sáng mở he hé, lờ đờ. Tất thảy an nhiên và vô lo. Nỗi kinh hoàng chỉ ập xuống khi con người xuất hiện.
Xin quý vị đừng vội cho rằng tôi mới tí tuổi đầu mà đã nghĩ được như thế, tôi không hề vậy. Kỳ thực, tôi khá hãnh diện khi mình là nỗi sợ cho những loài khác tại những nơi quạnh vắng ấy, trong khi bản thân tôi chắc chắn cũng bạt vía nếu có bất kỳ chuyện gì xảy đến. Thật vui khi nhìn thấy những cái cây lớn lên tươi tốt từng ngày, làn nước róc rách, hai bên bờ trải rộng miên man. Thế nhưng một thằng nhóc thì nào có để tâm đến phong cảnh xung quanh, trừ phi cu cậu muốn làm thơ (tài này tôi không được trời phú), mà chỉ thích một quả táo ngon hoặc thậm chí một quả táo hỏng, nếu trộm được.
Tôi đi được chừng hai dặm, thỉnh thoảng bước ra khỏi nước để xoa chân cho bớt cóng, chỉ câu được vài chỗ vì nước chảy xiết quá thì đột nhiên, trong một không gian thoáng đạt mênh mông cỏ xanh rì, tôi phát hiện một con suối tuôn nước hiền hòa vào con suối của chúng tôi. Nó mang theo nguồn nước dồi dào hơn dòng suối Lynn (tôi đoán vậy nhờ vào sức chảy luồn bên dưới xương bánh chè), chỉ có điều nó chảy êm hơn vì không bị cản lại bởi những bậc thang như dòng Lynn phải chịu, trôi đi dứt khoát và mạnh mẽ, như thể hướng tới một cái đích đã được vạch sẵn.
Tôi dừng lại tại đây, thấy hơi nhụt chí bởi nước quá lạnh, mấy ngón chân bé tẹo thì đau nhức. Tôi bèn lên bờ, cố xoa chúng thật mạnh bằng búp tầm ma và nhảy loi choi một chốc cho ấm người. Sau đó, tôi dỡ bánh mì ra nhai.
Tôi nào hay biết rằng chỉ một chốc nữa thôi, cuộc đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi. Khi ngồi nhai trệu trạo mẩu bánh mì nâu ngọt của vú Betty Muxworthy cùng một miếng thịt lợn muối xông khói nguội ngắt, đá gót chân nhỏ xíu, đỏ ửng xuống lớp đất mùn khô để giữ ấm, tôi chẳng biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh ngoài việc làm sao xiên cho trúng thật nhiều cá chạch. Buồn biết mấy nếu phải trở về bảo Annie rằng tao chẳng bắt được con cá chạch nào. Tệ hơn nữa, việc làm của tôi sẽ bị phát giác vì quê tôi chưa từng có người đàn ông trưởng thành nào dám mon men đến dòng Bagworthy. Xin quý vị nhớ cho rằng ngày đó tôi chỉ là một thằng nhóc con ưa phiêu lưu mạo hiểm chứ đâu ngờ mình chưa đủ lớn để chống chọi với hiểm nguy.
Ấy vậy mà càng ăn, tôi càng lên tinh thần. Tôi nghĩ cha đã từng là người như thế nào, ông đã nói với tôi cả trăm lần đừng bao giờ là kẻ hèn nhát ra sao. Thế là người tôi lại ấm lên, trái tim nhỏ bé của tôi xấu hổ vì những nhịp đập run rẩy, tôi tự nhủ: “Nếu bây giờ nhìn thấy, cha sẽ nghĩ mình là đứa biết vâng lời.” Vậy là tôi lại cột cái túi quanh lưng, kéo quần lên quá gối phòng chỗ nước sâu, băng qua dòng Lynn, quả quyết lội ngược lên dòng Bagworthy, dưới những tán cây phủ kín bên trên.
Dòng Bagworthy ngoằn ngoèo, uốn khúc, liên tục đổi hướng, nhưng không lởm chởm đá như dòng Lynn, dòng chảy có vẻ êm ả hơn. Những nhánh cây cong mình vươn từ bờ ra xa tới tận giữa dòng, hai bên bờ, những thảm cỏ mọc xanh rì, tươi tốt, từng làn gió hiu hiu thổi khiến cái biển xanh màu ô liu ấy chuyển động dập dờn trong sự tĩnh lặng đến thổn thức. Mặt trời rải xuống những đốm sáng như thể được chảy qua một cái rây, nhảy nhót bên trên những cơn sóng, che bóng những hòn cuội.
Mặc dù thỉnh thoảng thấy kinh sợ những đoạn sâu và tối, tôi vẫn giữ ý nghĩ một khi đã tiến rồi thì đừng nói đến chuyện lùi. Ở đây phải nói cơ man là cá. Cá chạch, cá hồi, cá tuế. Tôi đâm bằng chĩa vài con, cù chọc cho vui vài con, xua mấy con khác tới những góc nông để lừa chúng vào bờ. Nếu quý vị đã từng đi câu cá thì sẽ hiểu sự say mê đến mức quên đi tất cả hiểm nguy chực chờ, chẳng còn nhớ gì đến thời gian, chỉ hét vang sung sướng mỗi khi bắt được “một con bự tổ chảng” (như cách chúng tôi gọi cá lớn ở Tiverton). Quả thật ở đây có ối cá chạch, vì chúng có nhiều chỗ nấp hơn dòng Lynn gập ghềnh, dù chả to bằng ở Lowman, nơi tôi có khi bắt được con nặng đến hơn hai lạng.
Chẳng có gì đáp lại những tiếng reo vui của tôi, ngoại trừ tiếng vọng dội ra từ đá, một con chim thất kinh vụt bay, hoặc một con chuột lang bất thình lình lao xuống nước. Xung quanh mỗi lúc một rậm rạp, những lùm cây bên trên trở nên tối hơn, tôi trộm nghĩ lũ cá có thể nhân cơ hội này ăn tươi nuốt sống tôi, thay vì bị tôi ăn.
Nắng dần tắt đằng sau những đỉnh đồi màu nâu, đám cây trơ trụi lá hệt những gã khổng lồ chờ chực tấn công tôi. Sương giá giăng khắp nơi trắng xóa, nước mỗi lúc một lạnh, tôi òa lên khóc. Trong tình cảnh thảm thương đó, tôi mò mẫm tìm đến một lỗ hổng giữa đám cây bụi, ngay đằng trước có một vực nước lớn đen ngòm. Tuyết phủ trắng xóa hai bên bờ - ấy là tôi tưởng vậy chứ khi đến nơi mới biết hóa ra đó là bọt.
Khi lại gần vực nước, dù có thể bơi dễ như bỡn vì vốn chẳng sợ nước sâu, nhưng tôi lại chẳng muốn lao đầu vào đấy trong tình trạng tê cứng, kiệt quệ, lạnh đến tận xương tủy dù chỉ ướt nửa người, đó là chưa kể hai cánh tay và vai. Chỉ cần nhìn thấy cái hũ nút này thôi là chả ma nào dám lao đầu xuống, ngay cả vào ngày hè oi bức chan hòa ánh nắng (đương nhiên là nếu mặt trời từng rọi đến.) Thế là tôi rùng mình, lùi lại. Không chỉ vì bản thân vực nước và thứ không khí đen đặc bao quanh nó, mà còn vì cái cách nó cuộn xoáy, trôi lềnh bềnh bên trên những vòng tròn bọt trắng nhưng chính giữa vẫn giữ nguyên một màu đen ngòm lặng như tờ.
Ngay lập tức tôi hiểu được nguyên do vực nước chuyển động theo cách đó, cũng như độ sâu và âm thanh ồn ào của nó. Đang chật vật lần mò theo một bên bờ với những tảng đá cao, dốc, rìa đá bên dưới lại quá hẹp, tôi sững sờ phát hiện ra một điều có nằm mơ cũng chẳng thấy. Tôi đang đứng dưới chân một thác nước dài trắng xóa, thong dong chảy tới chỗ tôi, chẳng bị đứt đoạn hay ngăn trở bởi bất kỳ thứ gì. Nước không hề chảy xiết hoặc tuôn ầm ào, mà là một dòng chảy xuôi trơn tru, phẳng lặng, như thể nó vừa được cào hoặc bào phẳng, trông cứ như một tấm ván bằng gỗ thông được gác lên làm thành một cầu thang tối, dốc. Chỉ có điều chiếc cầu thang ấy chẳng có tay vịn hay bậc thềm, chỉ tuyền một dòng nước miên man cùng những vách đá cheo leo dựng đứng hai bên chặn lối màn đêm.
Toàn bộ khung cảnh ấy chẳng hiểu sao khiến tôi sợ kinh hồn bạt vía, sẵn sàng hy sinh bất kỳ thứ gì chỉ để lại được ở nhà, có em Annie nấu cho bữa tối ngon lành, con Watch hếch mõm lên khịt khịt. Nhưng làm gì có chuyện muốn là được. Điều này tôi đã nghiệm ra từ lâu.
Tôi bèn tự trấn an mình: “John Ridd, chỉ là đám cây, mấy vũng nước, những tảng đá đơn độc và thiếu sáng một chút thôi mà. Mày làm gì mà sợ ghê thế? Mày định cứ thế vác cái mặt dày về nhà núp váy mẹ, mà vẫn mong được bà tung hô là đứa con trai gan dạ của bà ư ?”
Thú thật, thứ khiến tôi đưa ra quyết định không phải là cảm giác xấu hổ thuần túy, vì thực tình mà nói, quay về cũng nguy hiểm chẳng kém gì so với tiếp tục đi, thậm chí có lẽ còn nhọc nhằn hơn do đường đi vòng vèo, quanh co. Cái ngăn tôi quay về là sự khát khao tìm hiểu (rất không thích hợp với một thằng nhóc ở tuổi tôi). Nói ngắn gọn, tôi sẽ mạo hiểm để biết được tại sao nước chảy xuống như thế, và trên đỉnh có gì.
Thế là tôi xốc lại quần, cài khóa chặt hơn, vì những cái đai sũng nước bị kéo căng và có lẽ hai chân tôi lạnh đến mức bị teo lại. Rồi tôi buộc chùm cá bắt được quanh cổ chặt hơn, hạn chế dừng lại nhìn ngó quanh quất kẻo bị nỗi sợ lấn át, bò dọc theo mấy tảng đá lởm chởm bị nước khoét sâu lỗ chỗ, nhờ thế tránh xa cái gờ từ đó nước trồi lên hệt bờm một con ngựa bạch, đổ vào vực nước đen phẳng lì, tôi se sẽ thò chân vào luồng nước.
Tôi đã không hề lường trước khó khăn, cứ thế lội xuống vực nước lớn đen ngòm, chỉ có mỗi cái chĩa đâm cá chạch hỗ trợ. Luồng nước xanh ngăn ngắt hệt những cái chai khổng lồ đổ xuống tôi, khiến tôi hụt chân mất một lúc, không có thời gian để ồ lên kinh ngạc, chỉ kịp nghĩ về mẹ và em Annie. Tôi tối tăm cả mặt mày, óc quay cuồng (nếu như quả thực có một thứ như thế trong đầu tôi). Ngay lập tức, trước khi tôi kịp biết chuyện gì xảy ra, ngoại trừ nguy cơ chết đuối đến nơi dưới cái gầm gào của luồng nước mạnh như muốn cuốn phăng mọi thứ, cái chĩa (tạ ơn Chúa) bị mắc kẹt trong đá, và tôi bị tấp mạnh vào nó. Tôi không nghĩ được gì ngoài việc mình sắp phải đương đầu với một khó khăn khác; nó có thể đáng, hoặc cũng có thể không đáng để đương đầu. Nhưng rồi nhờ nước xối mạnh lên mặt, tôi hồi sức lại, tai bắt đầu quen với tiếng gầm gào, thầm nghĩ thế này đã thấm vào đâu so với lần đầu tiên bị quẳng không thương tiếc xuống dòng Lowman.
Tôi từ từ dồn hai chân như thể đang lừa cá, dừng lại mỗi khi cảm thấy nước tuôn quá mạnh giữa hai đùi, thận trọng nương theo dòng chảy kẻo bị cuốn phăng. Cứ như thế tôi bám hai chân thật vững, khom người về phía trước với tư thế ngựa kéo xe, cố giữ thăng bằng trong khi cây gậy tần bì chống phía sau. Rồi tôi tự nhủ: “John Ridd, mày mau ra khỏi chỗ này theo cách mày đến sớm chừng nào tốt chừng nấy.” Nhưng vì mất tinh thần và sợ chết khiếp, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bằng mọi giá phải leo lên cho được bên trên thác nước, nếu không muốn bị cuốn phăng vào vũng nước xoáy, bị quay mòng mòng cho đến khi chết chìm. Giờ đây có muốn quay trở lại theo đường cũ cũng không được, hơn nữa hai bên bờ là những vách đá sừng sững cao đến cả trăm mét, có chỗ chắc đến tận năm trăm, và không tìm thấy chỗ nào khả dĩ để bám chân vào mà leo lên được.
Sau khi lầm rầm cầu nguyện (tôi vốn dở khoản này), tôi chống cây gậy tần bì cho thật chắc, dùng tay trái giữ thăng bằng, buông một tiếng thở dài tuyệt vọng, bắt đầu chuyến hành trình ngược lên dòng nước đáng sợ. Cứ như thể cả một thác nước dài ít nhất nửa dặm đổ xuống bên trên tôi vậy, nhưng kỳ thực chỉ chừng hai trăm mét thôi (sau này tôi mới biết). Lội ngược một dòng nước chảy êm ả đã khó rồi, đằng này... Thực tình tôi không mấy hy vọng mình sẽ lên được đỉnh. Tuy nhiên, lúc này tôi chẳng thấy sợ gì nữa, tôi phải đối mặt với nó và sẵn sàng đương đầu với điều tồi tệ nhất. Tôi lấy lại tinh thần, cố hết sức chống chọi bằng sự bền bỉ, dẻo dai. Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì cả, sau này nhìn lại, tôi vẫn không hiểu tại sao một thằng nhóc có thể làm được điều đó.
Nước chỉ sâu chừng nửa mét, nhiều lắm là một mét, tôi có thể nhìn thấy hai chân mình trắng bợt trong lòng suối tối lờ mờ. Thỉnh thoảng tôi dừng lại một lúc để nghỉ, bám tay vào vách đá, thở hổn hển. Dần dà tôi cảm thấy lên lại tinh thần khi nghĩ về lòng dũng cảm của mình, thầm nghĩ có lẽ trước tôi chưa từng có ai dám làm điều này, và tự hỏi mẹ sẽ nói gì khi biết chuyện. Rồi tôi lại nghĩ về cha, tự nhiên hai chân bớt đau nhức đi ít nhiều.
Tôi chỉ nhớ mình đã dò dẫm từng bước cẩn trọng, luôn đưa hai cánh tay về phía trước, không bao giờ dám đứng thẳng gối. Tôi phải thừa nhận một điều rằng nguy hiểm nhất là lúc ta chẳng thấy nguy hiểm. Tôi đánh bạo đặt chân lên một mảng cỏ mọc lẫn trong bùn đen một cách rất hợm hĩnh, vì khoảng cách từ đây đến đỉnh không còn xa nữa.
Thế rồi tôi ngã đánh oạch, có cảm giác như gãy xương bánh chè, một bên chân bị dòng nước xoắn lấy trong khi tôi bận lo cho bên chân bầm. Bất thần một cơn chuột rút tấn công, tôi chỉ biết thét lên cho đến khi miệng đầy nước, toàn thân trôi tuột đi. Nỗi sợ bị cuốn phăng giúp tôi gượng lại được, ngoắc khuỷu tay vào một hốc đá. Rồi tôi thận trọng hơn, bớt tự đắc hơn.
Thời khắc kinh khủng nhất là đây. Đỉnh thác đã ở ngay trước mặt. Trong lòng khấp khởi hy vọng, tay chân hoạt động cật lực, tôi đi hệt một cái cối xay và lầm rầm khấn vái. Cuối cùng, luồng nước tòe ra, phủ xuống từ miệng thác, hút tôi vào chính giữa khiến tôi mắc kẹt ở đấy một lúc trong khi hai bàn chân cố bám vào lớp cỏ trơn trượt. Tôi không dám ngoái lại nhìn. Thế rồi tôi quyết định mình sẽ chết tại đây để hai chân không còn đau đớn, hơi thở sẽ không làm ngực buốt nhói nữa. Chỉ có điều tôi thấy giờ mà bỏ cuộc cũng tiếc thật vì đã trải qua bao nhiêu gian nan, nhọc nhằn mới tới được đây. Thế rồi ánh sáng lại tìm đến với tôi, một lần nữa tôi cố đi về phía nó. Đột nhiên tôi cảm thấy một luồng không khí trong lành, và buông mình vào nó.