T
hời gian còn lại của mùa đông năm ấy diễn ra như thế nào, tôi còn nhớ rất ít, vì dẫu sao tôi vẫn chỉ là một thằng oắt con, và tôi nhớ cha khôn xiết. Nhất là mỗi lúc bắt chim, lần theo dấu vết của lũ thỏ trong tuyết, hoặc huấn luyện lũ chó chăn cừu. Đôi khi tôi ngắm nhìn khẩu súng của ông, một món đồ cổ tìm được ngoài biển mà ông rất hãnh diện dù chỉ là một khẩu súng hỏa mai. Nhớ những lúc tôi cầm kíp nổ trong khi cha nhắm bắn một con thỏ, có lần là một con nai len lỏi giữa đám cây phỉ. Và tôi rơi nước mắt. Nghĩ lại thấy mình thật trẻ con. Rồi một ngày John Fry lấy nó xuống khỏi cái móc mà chính tay cha tôi đã treo nó lên, tôi đau lòng quá đỗi khi nhìn thấy cách John cầm nó, như thể chú chẳng nhớ gì cả.
“Dá như cái đêm gặp bọn Doone, ông chủ chịu mang theo nó thì đâu ra nông nỗi. Tui nghĩ cỡ ông chủ, tiễn bọn chúng về chầu ông vải giễ như bỡn, chớ đâu lại ra cớ xự. Nếu vậy thì giờ đây ông chủ đang thong dong đi chợ chớ đâu có nằm lạnh lẽo ngoài kia. Cậu chủ Jan, cậu có thể nhìn thấy mộ ông chủ nếu cậu nhìn qua nòng xúng á. Thôi mà, xụt xùi nữa đấy hử? Tui thật là, nói chi zậy không biết.”
“John Fry, cháu có khóc đâu nào. Chú lầm to rồi, John.
Chỉ Annie mới thế thôi. Cháu thỉnh thoảng bị ho vào mùa đông, và cha cho cháu ăn ngon… ý cháu là… ý cháu là… từng cho. Nào, đưa khẩu súng cho cháu đi, John.”
“Đưa xúng cho cậu chủ á? Cậu trưa đủ khỏe để đỡ nó trên vai đâu. Nặng lắm đấy!”
“Cháu vác nó làm gì! Chú đúng là chả biết gì về súng ống. Tránh ra đi, John. Chú đang đứng trước họng súng đấy, nhỡ đâu đạn nạp rồi thì sao?”
John Fry nhảy bật ra, nhanh hơn gấp mấy lần khi chú làm việc. Tôi gác họng súng lên một chạc cây, cảm thấy một sự chắc chắn kỳ lạ khiến tôi nghĩ mình có thể bắn trúng cánh cửa đối diện đằng kia, hoặc bét ra cũng là bức tường đất bên cạnh nó, mà không làm hại gì đến vườn cây ăn quả. Nhưng John chắc chắn không cho tôi kíp nổ, tôi mừng về điều đó (dù vẫn muốn thực hành) vì nghe cha bảo súng Tây Ban Nha giật mạnh cỡ một cú đá của ngựa. Với lại, chính tay ông đã nạp đạn cho nó nên tôi muốn giữ nguyên vậy làm kỷ niệm. Nhưng tôi chưa từng thấy nó giật mạnh như thế, và bám trên vai rất chắc, trừ khi bị nạp đạn tồi. Thực tế, độ dày của lớp kim loại đủ khiến bất kỳ ai cũng phải há hốc miệng. Những gì người ta kháo nhau về nó cũng có thể đúng, dù họ hầu hết là những kẻ dối trá - ý tôi là họ mắc sai lầm, con người mà lại. Có lẽ chẳng sai khi cho rằng khẩu súng cổ này vốn là của một quý tộc Tây Ban Nha, thuyền trưởng một con tàu lớn tên là “Invincible Armada”, đã bị người Anh chúng tôi chinh phục, nhờ ơn Chúa và cả thời tiết thuận lợi, cách đây một trăm năm hay hơn tôi không rõ.
Lát sau, John nổ súng vào một con chuột cống bằng số đạn tôi vẫn giữ khư khư, không cho ai động tới. Và, như một lẽ tự nhiên, tôi bắt đầu tập bắn với khẩu súng lớn đó, thay vì khẩu etpigôn của John Fry, thứ trông cứ như một quả chuông gắn vào thân cây ấy. Đối với một thằng nhóc mới tập tành bắn súng như tôi, có một cái cối xay gió để làm bia thì lý tưởng biết mấy. Mấy thứ đó chỉ có ở những vùng địa hình bằng phẳng, chứ chỗ tôi đồi núi hoang vu thế này, tìm đâu cho ra. Cơ mà dùng cánh cửa kho thóc cũng tốt, cả mấy hố đất nông nữa. Thế này nhé! Sửa soạn thế ngồi trong lòng hố sao cho thật chắc chắn, ngắm mục tiêu và bắn. Nếu chịu khó gác má lên nòng súng, cố dằn nỗi sợ thì khả năng bắn trúng cánh cửa khá là cao.
Dần dà tôi bắn thuần thục hơn. Đứng ở mái hiên phía bắc của nhà thờ, tôi có thể bắn gần như bách phát bách trúng vào cánh cửa kho thóc. Mỗi khi nhớ về việc này, tôi thường thấy ăn năn, nhất là với tư cách người trông giữ nhà thờ, cũng do điều đó mà tôi nhiều lần tha thứ cho mấy đứa con trai không ngoan. Nhưng cha tôi không được chôn ở phía đó của nhà thờ.
Suốt thời gian ấy, trong khi tôi nhởn nhơ rong chơi khắp những ngọn đồi hay nông trại, thậm chí còn lắng nghe John Fry cà kê dê ngỗng, mẹ tôi già đi nhiều, phiền muộn hơn. Bà cứ quanh quẩn trong nhà hoặc ở cùng những cô hầu gái và bầy gà vịt. Bà chẳng buồn trò chuyện với họ, chỉ thỉnh thoảng than thở về việc ông chủ qua đời là một mất mát lớn đối với tất cả. Bầy gà vịt chẳng để ý đến, ngoài việc kêu tục tục đòi lúa mạch; còn những cô gái, dù rất quý ông chủ, lại mải nghĩ về người yêu. Mẹ nghĩ họ không biết trước, biết sau, ích kỷ và vô ơn. Ấy thế nhưng có lúc bà lại tự hào rằng không ai khóc thương chồng được như bà. Chỉ có Annie cứ thơ thẩn đi ra đi vào và khóc, vì chẳng có ai bên cạnh. Em thường chui vào mấy ngóc ngách, xó xỉnh nơi có những con ong và hòn đá mài. Chẳng hiểu sao con bé không bao giờ để bất kỳ ai trông thấy mình, cứ nhất quyết suy đi ngẫm lại về việc đó, và giúp bản thân nguôi ngoai bằng cách khóc ti tỉ. Nhiều lần tôi bắt gặp em, nhiều lần em không thèm nhìn tôi, thế là tôi cũng không nhìn em, mà chỉ hỏi bâng quơ chừng nào đến bữa trưa.
Trong cái khắc nghiệt của tháng mùa đông (đó là cách chúng tôi gọi tháng Mười hai), hai tuần sau khi đặt cha vào huyệt mộ, tôi hết sạch thuốc súng để tập bắn hòng mai này trả thù cho cha. Lúc nào bóp cò tôi cũng nghĩ: “Phát súng này dành cho kẻ giết cha”, John Fry bảo rằng nét mặt tôi trông rất buồn cười như thể sửng sốt mỗi khi súng nổ. Cho dù tôi gần như không thể cầm chắc được khẩu súng, trừ phi tựa lưng vào một rào chắn, tôi vẫn thấy lòng dâng lên một niềm sung sướng mê ly khi nghe viên đạn xé gió lao vút đi, và hy vọng đã bắn trúng kẻ thù.
Một ngày nọ, ngay sau bữa trưa, trong khi mẹ ngồi nhìn tôi, gần như thốt lên (dạo này tôi thấy ngày nào bà cũng như thế): “Con càng lớn càng giống cha! Jack, đến đây hôn mẹ cái nào!” thì tôi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, cho con xin một si linh1!”
1. Một si linh xưa bằng 12 penny.
“Gì mà cho với chả xin, có mỗi một si linh thôi mà. Để làm gì thế, con trai?”
“Con muốn mua cái này ngoài chợ Porlock. Con sẽ cho mẹ biết sau.”
“Cầu Chúa ban phước cho con trai mẹ. Mới từng ấy tuổi mà xem tướng tá kìa, cứ như ông lão sáu mươi ấy. Hôn mẹ cái nào, Jack, rồi mẹ cho con một đồng si linh.”
Những ngày đó tôi cực ghét hôn và bị hôn. Kỳ thực là không riêng gì tôi; bọn con trai đều thế cả, vì chúng tôi được xem là phái mạnh. Muốn có đạn tập bắn nên tôi đành phải hôn mẹ trong sượng sùng, sau khi nhìn quanh quất vì sợ Betty trông thấy.
Mẹ cho tôi một si linh. Tôi không dám xin bà thêm một si linh nữa, nhưng nếu bà cho thì tôi cũng lấy. Tôi vội chạy biến đi với đồng si linh trong túi, nhảy phóc lên con Peggy, phi ra đường dẫn tới chợ Porlock mà không cho mẹ biết. Giờ đây mẹ đâm hãi con đường ấy, như thể đám cây cối là quân giết người, và không bao giờ để tôi đi một mình quá một trăm mét trên con đường đó. Nói thật, tôi cũng cảm thấy sợ hãi trong suốt nhiều năm. Ngay cả bây giờ, mỗi khi tôi cưỡi ngựa trên con đường đó vào ban đêm, thấy có người nấp sau mô đất là tôi rùng hết cả mình cho đến khi tiến tới tóm cổ y. Nhưng lần ấy tôi rất gan lì vì có khẩu etpigôn trong tay, và chĩa họng súng về phía bất kỳ chỗ nào khả nghi. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy toàn cừu, gia súc nhỏ và bọn hươu nai, cho đến khi gần tới thị trấn Porlock, rồi phi thẳng tới cửa hàng của ông Pooke, ở biển hiệu Spit và Gridiron.
Ông Pooke đang lơ mơ ngủ, điều này cũng chẳng có gì lạ vì đang lúc vắng khách. Tôi cột con Peggy lại khiến nó chỉ đứng yên một chỗ, không làm được gì ngoài việc khụt khịt và thở phì phì. Xong xuôi, tôi bước vào bên trong, tay cầm khẩu etpigôn của John Fry với bộ dạng làm ra vẻ người lớn. Ngày ấy, Timothy Pooke là một người ôn hòa, sống an nhiên, còn tôi đã cao lớn gần bằng một thanh niên trưởng thành. Ông Pooke, ngay khi mở choàng mắt, bất thần ngồi thụp xuống bên dưới quầy, rút xoẹt một cái chảo rán lớn ra, chụp vội lên đầu, như thể bọn Doone đến cướp phá cửa hàng ông vậy (theo thói quen của bọn chúng vào chiều tối). Tôi thấy khá bực và khó chịu khi bị tưởng lầm là cướp, đồng thời cũng hãnh diện về điều đó.
“Ô hay, cái bác Pooke này!” Tôi dùng lối nói lượm lặt được từ những năm tháng học ở Tiverton. “Bác nghĩ tôi không biết cách cầm súng đấy à? Ở nhà tôi còn có một khẩu hỏa mai Tây Ban Nha cổ nữa kìa, chứ khẩu etpigôn này nhằm nhò gì. Khẩu đó có thể bắn xa đến mười dặm hoặc hơn thế. Tôi có thể chĩa họng súng vào bác - như thế này này - suốt một giờ đồng hồ hoặc hơn, đạn sẽ không bao giờ nổ, trừ phi kéo mạnh cò súng. Thế này này. Cong ngón trỏ lại, pằng. Chỉ có vậy thôi. Bác Pooke, chuyện vặt ấy mà.”
“Chúa ơi, John Ridd, Chúa ơi, nhóc thân mến.” Pooke giờ mới nhận ra tôi, la toáng lên. “Đừng, xin đừng, đừng có biểu diễn trước mặt tôi, nhóc ạ. Hãi lắm. Hạ họng súng xuống đi nào, muốn gì cứ việc lấy thoải mái.”
“Ố, ồ!” Tôi đáp vẻ khinh khỉnh, cố tình đu đưa khẩu súng, hất cả vòng nến chưa được thắp xuống. “Ố, ồ! Bác nói cứ như thể tôi cầm súng không chắc tay ấy! Mới ở dưới truông lên nên hai tay lạnh cóng, nếu không thì chĩa họng súng vào bác suốt một giờ dễ như chơi, bác không sao đâu mà lo.”
Bất chấp lời cam đoan ấy, trông ông có vẻ như mong muốn đây là lần cuối cùng nhìn thấy khẩu súng của tôi và tôi. Tôi dám chắc “thứ diêm tiêu bẩn thỉu”, như cách gọi của nhà soạn kịch tài ba1, chưa bao giờ rẻ đến thế. Chỉ với một si linh, ông Pooke bán cho tôi hai gói thuốc súng to tổ chảng, chả vừa mấy cái túi, và một khoanh chì cũng lớn tướng, được cột lên lưng con Peggy. Như thể bấy nhiêu đó chưa đủ, ông còn thêm cho tôi mớ kẹo hạnh nhân mang về cho Annie. Ai cũng thích con bé vì nét mặt hiền lành và tính nết dễ thương.
1. Ý tác giả là William Shakespeare. Ông nhắc đến chi tiết này trong bài sonnet Henry IV phần I.
Nắng vẫn chưa tắt hẳn khi tôi đi ngược lên quả đồi bên trên Porlock, thầm nghĩ không biết mẹ đang lo sốt vó hay bà vẫn chưa biết gì. Lủng lẳng đằng sau lưng là hai gói thuốc súng to tướng, va vào nhau mạnh đến mức tôi sợ chúng hoặc là đổ ra hoặc nổ tóe lên, hất tung tôi khỏi tấm len vắt ngang lưng con Peggy và bay qua đầu nó. Cha tôi vốn thích lót len để ngồi cho êm mỗi khi đi đường xa mệt nhọc. Cha luôn bảo yên ngựa dành cho đàn ông lớn tuổi, nặng ký, không còn nhanh nhẹn. Ở nông trại, không đứa con trai nào dám ngồi lên yên ngựa, bởi vì tất cả đều biết sẽ bị ông chủ tống cổ ngay lập tức. Còn tôi, vì hiếu kỳ, đã thử ngồi yên ngựa một lần. Kết quả là mất hai, ba ngày không thể đi được vì da yên làm trầy xước cả đầu gối.
Con Peggy chở tôi trên lưng, bình thản gõ vó, hếch mũi khụt khịt trong bầu không khí đẫm sương đêm. Trăng đã nhô lên bên trên sườn đồi, khiến con ngựa lùn và tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì có ánh trăng soi sáng, lo vì không biết trong những cái bóng tối đen kia có hiểm nguy nào rình rập. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào khẩu etpigôn và sẵn sàng bắn vào bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng hy vọng sẽ không phải làm điều đó. Đến khi tôi đi ngang qua lối đi hẹp nơi bọn Doone đã giết cha, một nỗi sợ bùng lên choàng lấy khiến tôi nằm rạp người xuống, ôm lấy cổ con Peggy, nhắm tịt hai mắt, toàn thân lạnh toát. Tuy nhiên, chả thấy mống nào xuất hiện, cho đến khi tôi về đến sân nhà, thấy mẹ khóc lóc, còn vú Betty Muxworthy thì làu bàu rầy la.
“Này, Annie!” Tôi thì thào với Annie, sau khi xong bữa tối. “Nếu mày chịu giữ mồm, tao sẽ cho mày xem cái này.”
Con bé mặt mày hơn hớn đứng bật dậy ngay, khiến tôi buộc phải trừng mắt nhìn lảng đi. Cảnh tượng đó không tránh khỏi cặp mắt của vú Betty. Bà nghĩ tôi giấu gì đó trong phòng để đồ phía sau đồng hồ tường, và càng tin vào suy đoán của mình hơn khi tôi một mực chối đây đẩy. Chẳng phải vú Betty Muxworthy, hay bất kỳ ai khác, từng chứng kiến tôi nói dối, bởi vì tôi chưa hề làm vậy, thậm chí đối với mẹ hay người yêu (khi tôi đủ lớn). Chỉ là cách đây mấy chục năm, chồng vú Betty kiếm cớ ruồng rẫy vợ nên mãi đến giờ bà vẫn sống trong nỗi thù hận đàn ông. Bà tin rằng đàn ông điêu trá, từ trong nôi đến lúc xuống mồ, và phụ nữ có ngốc mới để mắt đến họ.
Khi không phát hiện tôi phạm tội gì, Betty lập tức phớt lờ tôi, như thể tôi chẳng là gì hết, và bắt đầu nựng nịu “Cô chủ Annie”, như bà vẫn luôn gọi con bé. Bà vuốt ve mái tóc em, thì thầm vào đôi tai nhỏ nhắn của em. Trong khi đó, mẹ gà gật ngủ, do mệt vì quá lo lắng cho tôi. Còn con Watch, con chó cưng của cha, cứ dụi dụi lên lòng mẹ.
“Annie, mày đi không?” Tôi rủ rê, vì muốn nhờ con bé giữ hộ cái môi trong khi làm tan chảy chì. “Mày đi liền không Annie? Nếu không tao tìm Lizzie1 và cho nó xem hết nhé?”
1. Tên gọi thân mật của Eliza.
“Anh sẽ không làm thế đâu.” Annie nói. “Cứ để Lizzie đi mà xem, John. Nó đâu có khuấy được một nồi bánh mì trộn nước thịt, cũng chẳng phân biệt được đâu là lưỡi bò, đâu là đùi lợn nữa kìa. Đã vậy còn bảo chúng giống nhau, vì đều ngon! Betty này, vú nghĩ mớ sách của em con có mang lại lợi lộc gì không?”
“Chúa ơi, vú không nghĩ thế.” Betty trả lời cụt lủn, vì bà chả bao giờ buồn tranh luận, trừ phi vấn đề có liên quan đến bà. “Tạ ơn Chúa đã cho con luôn đi đúng đường. Đàn ông thật tồi tệ. Nhưng sách còn hơn thế. Nhiều người còn giả bộ khóc khóc cười cười khi đọc chúng nữa chứ, ối dào. Cầu Chúa tha thứ cho những kẻ dối trá!”
Chính sự ngoan cố của Betty khiến bà không bao giờ tin vào việc đọc sách hay những thứ có ở trong sách. Bà quả quyết rằng người ta học thuộc lòng mọi thứ, rồi vờ viết chúng ra nhằm khiến cho những người thật thà trầm trồ ồ à kiểu như cách của những pháp sư. Thậm chí nhìn tận mắt linh mục và mục sư đọc sách cũng không đủ để thuyết phục bà. Bà bảo: “Có gì mới lạ đâu, họ cũng giống như chúng ta thôi.” Tính đến lúc ấy, bà đã ở nông trại được gần bốn mươi năm, chăm sóc cho cha tôi, may quần áo cho ông, nấu ăn cho ông, rồi đặt ông vào hòm. Bấy nhiêu đó đã đủ để bà trở thành người có uy quyền trong ngôi nhà này.
Annie là tình yêu và niềm vui của bà. Vì Annie, bà sẽ làm mọi thứ, ngay cả việc cố mỉm cười, khi con bé cười khanh khách và nhảy chân sáo đến bên bà. Quả thực tôi không biết sao lại như vậy nữa, mọi người đều “phải lòng” Annie ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy con bé. Em dễ thương, tử tế, đôi mắt xanh lúc nào cũng lấp lánh thứ ánh sáng dịu nhẹ của niềm vui và sự tin cậy. Người nào nhìn thấy em dường như cũng trở nên tốt đẹp hơn, vì em không biết gì đến cái xấu. Rồi tài nấu nướng của em nữa chứ, quý vị không bao giờ tưởng tượng được đâu. Em vui như tết mỗi lần biết mình làm ai đó vui lòng. Tôi cũng đi đây đi đó nhiều (quý vị sẽ biết sau), nhưng chưa bao giờ gặp hoặc nghe nói đến người nào bằng Annie về khoản làm vui lòng người khác.