T
ôi cam đoan với quý vị, và không hề nói dối (như John Fry vẫn thường tuyên bố mỗi khi chú kể một câu chuyện), rằng tôi bò trở lại miệng hố như bị ma đuổi. Tôi cảm thấy rất ăn năn về hành động rồ dại, trẻ con của mình, hoặc có thể gọi là hành động liều lĩnh, khi cả gan vác xác vào cái thung lũng đáng nguyền rủa ấy một mình trong khi chả bị ai ép. Khi đã an toàn ra khỏi chỗ đó, tôi nghĩ thầm trong đầu nếu tới đó lần nữa mà không bị ngã gãy cổ, tôi sẽ chịu mất con lừa mới sinh vốn để dành tặng cho thầy hiệu trưởng.
Tôi giữ “vững” cái quyết tâm đó ra sao, quý vị sẽ biết sau. Giờ để tôi kể quý vị nghe tôi đã thoát khỏi cái hang nọ vào đêm ấy như thế nào. Trước tiên, tôi ngồi xuống cái khe hở nhỏ Lorna chỉ, băn khoăn không biết ý em là gì. Tôi thoáng ngậm ngùi nghĩ rằng chắc mình sẽ trôi tuột vào cái hố này rồi chết đuối luôn, thế là chẳng còn gây thêm rắc rối gì nữa. Nhưng chưa đầy một phút sau, tôi liền thấy xấu hổ với cái ý nghĩ vớ vẩn đó, nhớ lại em đã phật ý thế nào khi nghĩ rằng ngay cả một con cá chạch cũng biết quý mạng sống của mình. Rồi tôi tự nhủ: “Chắc chắn là em quý mình hơn cả ngàn con cá chạch, nên đường thoát em chỉ cho mình dứt khoát không thể sai.”
Do vậy tôi bắt đầu lục soát hết sức cẩn trọng và kĩ càng, dù hai hàm răng va vào nhau lách cách, xương cốt đau nhức vì ngâm trong nước lạnh quá lâu. Chẳng bao lâu sau, trăng lên, trải ánh sáng bàng bạc khắp núi rừng. Tôi trông thấy những bậc đá gồ ghề, lởm chởm như thể được làm bằng một chiếc búa tạ. Những bậc đá hẹp, dốc, cách quãng nhau bắt đầu từ bên cạnh lối vào rồi uốn quanh một vách đá nhô ra, hệt những vết lằn trên một ổ bánh mì nâu khổng lồ bị một đứa trẻ đói ngấu hấp tấp xé. Ngược lên cao nữa, nơi ánh trăng chiếu rõ hơn lên vách đứng, hình như có một vết nứt gớm ghiếc, hệt bóng của một cái que bị uốn cong hằn trên tường nhà.
Thoạt tiên, tôi nghĩ hay mình cứ thế nằm xuống rồi chết quách cho xong, nhưng ý nghĩ ấy tan biến ngay lập tức. Tôi nghĩ đến Chúa và tin là Người sẽ không bỏ mặc tôi. Với lại, ngay lúc ấy, tôi nhác thấy ánh sáng chấp chới ở đầu thung lũng, như thể những chiếc đèn lồng đang rượt đuổi theo tôi, khiến hai chân tôi cuống lên, trong đầu không có điều gì khác ngoài việc phải thoát ra khỏi đây nhanh nhất có thể.
Ngay lập tức, tôi đặt chân lên “bàn đạp ngựa” thấp nhất (có thể gọi như vậy), bấu chặt vào đá, gắng hết sức nhảy lên “bàn đạp ngựa” thứ hai. Và tôi làm được, với sự trợ giúp của cây gậy, mặc dù, thưa thật với quý vị, vào thời gian đó tôi không nhanh nhẹn bằng bọn con trai có khổ người nhỏ hơn, vì vóc dáng tôi lớn nhanh hơn so với tuổi, các cơ bắp không bắt kịp tốc độ đó, các khớp xương chưa thực sự ổn định. Nhưng bậc thứ ba khó nhằn nhất, vì có một phiến đá nhô ra bên trên ngực tôi, trông có vẻ như không thể nào nhảy lên đó được, cho đến khi tôi trông thấy một sợi dây thừng chắc bền treo đung đưa. Tôi nhanh chóng nắm được đầu dây.
Làm cách nào tôi leo lên khỏi chỗ đó, băng qua khoảng rừng thưa và tìm được đường về nhà xuyên qua khu rừng Bagworthy, giờ đây tôi không còn nhớ cho thật rành rẽ. Tôi xem tất cả phần còn lại giống như trong một giấc mơ vì lúc ấy tôi kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Quả thực tôi không hề hy vọng mình có thể kể được nhiều như vừa rồi, vì lúc tôi bắt đầu kể, tất cả hệt như nằm đằng sau một màn sương mờ giăng trước mặt tôi. Tuy nhiên, sau khi uống một chút rượu nhẹ, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và tôi lần lượt nhớ ra từng chi tiết một, đó là một mảng ký ức nhuốm màu sợ hãi.
Lực nước chảy mạnh của con thác, sự nguy hiểm chết người của việc cố leo lên nó, cuộc gặp bất ngờ với một cô bé xinh đẹp, nỗi sợ hãi bọn giết người, cuộc chạy trốn trong tuyệt vọng - tất cả thực sự vẫn còn quá sức đối với tôi, ngay cả lúc đã trở thành một người trông giữ nhà thờ khỏe mạnh, kiên cường, ngồi nhàn nhã bên cạnh lò sưởi, sau khi kinh qua nhiều cuộc phiêu lưu còn khủng khiếp hơn. (Tôi sẽ kể sau nếu Chúa phù hộ.) Chỉ có điều viết ra chuyện này (nhất là để giải thích, thử thách năng lực của một độc giả về từ loại và hy vọng anh ta hiểu), tôi nghĩ mình cũng đáng bị nện một trận bằng cái ống điếu tôi đang cầm đây, như hồi xưa, mỗi khi tôi bôi bẩn vở là ông giáo già Twiggs lại quát ầm lên: “John Ridd, đồ đần này, tụt quần ra!”
Thôi mặc ra sao thì ra. Tôi đáng bị đánh một trận nên thân vào đêm hôm ấy, sau khi làm một chuyện vô cùng dại dột, liều lĩnh, lại còn làm sờn hỏng cả áo quần. Lúc tôi về đến nhà, bữa tối đã dọn lên sẵn sàng. Cánh đàn ông ngồi tại bàn trắng, mẹ cùng hai em Annie và Lizzie ngồi gần đó. Tất cả đều hăm hở, sốt sắng (chỉ có mỗi mẹ là cứ dõi mắt nhìn ra cửa). Bên bếp, vú Betty Muxworthy vừa nấu nướng vừa luôn miệng càu nhàu, rồi nêm nếm - tất cả chỉ trong một hơi thở, như cách người ta thường nói. Tôi đứng trong bóng tối bên đống củi, nhìn vào cửa, những muốn ở luôn ngoài đó như một chú chó, vì sợ bị ăn mắng và đánh đòn, nhưng ánh mắt đau đáu của mẹ cùng những mẩu xúc xích rán vàng béo ngậy đã đánh bật nỗi sợ hãi ấy.
Không ai có thể moi được từ tôi tí gì về việc tôi đã ở đâu suốt cả ngày hôm đó, dù họ chưa bao giờ quấy rầy tôi nhiều đến vậy, và muốn dần tôi nhừ xương, nhất là vú Betty Muxworthy, bà thì có bao giờ biết để người khác yên là thế nào đâu. Chẳng phải họ buộc tôi phải nói dối hay gì (dù điều đó hẳn cũng đáng với họ lắm vì cứ thích xía vào chuyện riêng của người khác), mà do tôi cứ ngậm tăm, thản nhiên ăn bữa tối của mình, để họ mặc sức mắng nhiếc, chế nhạo, rồi sau bữa tối, tôi khiến họ gần như tức điên lên bằng nụ cười tủm tỉm đầy ranh mãnh. Thực ra tôi đã suýt kể cho họ nghe mọi chuyện, và có một, hai lần tôi đã bóng gió xa xôi. Thế rồi vì Betty đáng thương và em Lizzie quá háo hức, cộng với việc tôi thấy mình thật quan trọng nên tôi đành chào thua, tiết lộ vài điều thì mới mong được yên thân.
Tôi chẳng biết tâm trí hoạt động như thế nào nữa (nếu quả thật nó có hoạt động, và chẳng ăn nhịp với cơ thể). Chỉ biết là sau chuyến phiêu lưu đến thung lũng Doone, gần như đêm nào tôi cũng nằm mơ (điều trước đây chưa từng có), và tôi trở nên sốt sắng, kiên quyết luyện bắn súng hơn trước gấp mười lần. Không phải vì tôi mong bắn chết gia tộc Doone, từng người một, hoặc thậm chí khát khao làm điều đó, bởi trong tôi không chứa đựng hiềm thù. Mà là do không hiểu sao tôi thấy mình cần phải thuần thục việc đó.
Lúc bấy giờ tôi có thể bắn trúng phóc vào cánh cửa kho thóc bằng khẩu hỏa mai Tây Ban Nha, thậm chí với khẩu etpigôn, từ khoảng cách mười mét mà không có bệ đỡ. Tôi thật sai lầm (dù lúc ấy tôi không hề nhận ra) khi bắt John Fry ở bên cạnh để vỗ tay mỗi lần tôi bắn trúng đích, thường từ sau bữa trưa cho đến khi chạng vạng, trong khi lẽ ra chú phải làm việc ngoài đồng. Và lẽ ra tôi cũng nên vậy, hoặc đánh xe ngựa, nhưng John lúc nào cũng sẵn lòng, miễn là đừng có đi sau cái cày. Thực tế chúng tôi có một câu ngạn ngữ:
“Để thảnh thơi tôi sẵn lòng chịu đẫm ướt,
Hơn là có mười cục vàng cho mỗi giọt mồ hôi.”
Đây không phải một ngạn ngữ dở, dù không bằng một ngạn ngữ của Scotland:
“Chúa giúp lúa mì mọc xanh tốt hơn,
Trong khi nông dân đang dùng cơm trưa.”
Không một người dân nào ở Devonshire, hoặc Somerset (tôi thuộc cả hai), từng nghĩ mình nên làm lụng vất vả hơn ý Chúa muốn.
Ấy thế mà tôi lại cực nhọc với khẩu súng. Trước khi đánh bật tung mấy cái máng xối mái nhà thờ xa nhất có thể xuyên qua cánh cửa bằng gỗ thông đỏ, tôi bắt đầu mong có một khẩu tốt hơn, gây ít tiếng ồn và đạn đi thẳng hơn. Nhưng đã đến kỳ xén lông cừu, cắt cỏ, thu hoạch ngũ cốc, đào khoai lang (một loại mới nhưng ngon, na ná khoai tây), hái táo chất vào kho, chuẩn bị ép nước rồi ủ, xếp củi thành đống, lót ổ cho lũ chim dẽ gà, coi ngó mấy cái bẫy trong vườn và hàng rào, nơi lũ chim hét nhảy nhót quanh những ụ đất nhỏ do bọn chuột chũi đùn lên trong những buổi sáng tháng Mười mù sương và lũ chim lông xám chăm chỉ tìm ốc sên lúc mặt trời đang lên.
Thời gian cứ thế trôi đi, êm ả và thanh bình với cảnh điền viên thôn dã. Tôi thật chẳng hiểu nổi làm thế nào người ta có thể sống ở thành phố, nơi chẳng có cừu hoặc chim chóc (ngoại trừ trong vài cửa hàng bán thú cưng), cũng chẳng có ngũ cốc hay cánh đồng cỏ, thậm chí một que củi để nhặt hoặc một cái bục để leo lên ngồi. Làm thế nào những con người đáng thương kia có thể sống hết quãng đời lê thê của mình mà không thấy rã rời mệt mỏi, chết dần chết mòn trong sự lười nhác ẩm ương, đó là điều chỉ có Chúa mới biết, nếu lòng thương của Người cho phép Người nghĩ về nó.
Năm đó trôi qua ra sao tôi chẳng rõ. Chỉ nhớ là tôi suốt ngày ở ngoài, bắn súng, câu cá, coi sóc nông trại, cưỡi ngựa tìm một con vật đi lạc nào đó, hoặc ra bờ biển bên dưới Glenthorne, thả hồn mình theo những con sóng lớn, quyết tâm nay mai sẽ làm thủy thủ. Những ngày đó, giống như tụi con trai khỏe mạnh khác, trong tôi có một niềm tin sắt đá rằng chúng tôi sinh ra để làm thủy thủ. Thú thực tôi đã lên thuyền được gần hai lần; và lần thứ hai bị mẹ phát hiện, lôi cổ về. Sau lần đó, mẹ khóc dữ đến mức tôi buộc phải hứa là không tự ý làm như thế nữa.
Vú Betty Muxworthy thì cứ sa sả không ngớt miệng trong lúc vắt chiếc quần dài của tôi để phơi lên sào.
“Thủy thủ thủy thiếc gì! Cậu thấy cậu khiến mẹ mình ra nông nỗi gì chưa? Bà chủ thiếu điều nhào xuống nước kiếm cậu. Tôi cũng phát mệt vì thế đấy. Cậu thích cái nỗi gì mà lên con tàu ấy? Sung quanh toàn nước là nước thôi. Lại còn xóng to dó lớn. Cậu thử đi lần nữa sem.”
Rát cả tai. Chung quy lại bà cũng chỉ muốn ngăn tôi đi. Còn hơn cả những lời ca cẩm của mẹ nữa. Lúc bé, tôi không ưa vú Betty, như bọn trẻ con vẫn thường ghét một người hầu bẳn tính và thích một người ngon ngọt hơn. Nhưng Betty, như phần đông phụ nữ bận rộn khác, vờ mắng cho qua chuyện, trong đầu thầm nghĩ xong lại đâu vào đó thôi mà, rồi quày quả bỏ đi, tay cầm cái xô, dính chặt vào nó như bị đóng đinh. Ấy thế nhưng nếu ta không chịu nghe mà lại bỏ đi thì thể nào vú cũng tủi thân rồi nước mắt ngắn, nước mắt dài cho mà xem.
Trẻ con đâu thể biết những chuyện tương tự, thuở ấy tôi cũng chả khác gì. Ngay đến tận bây giờ, khi đã kinh nghiệm đầy mình, tôi cũng không bao giờ biết được phụ nữ có ý gì, ngoại trừ họ nói ra đằng miệng thật tường minh. Thôi bỏ qua chuyện này đi. Bây giờ, dù đã có chút uy quyền trong tay, tôi vẫn chả thấy ai chịu quan tâm đến những gì tôi nói cả, khi tôi cố đưa ra luật lệ, mà chờ cho đến khi tôi làm dữ, thúc ép này nọ mới chịu nghe. Do vậy tôi nghĩ độc giả thường không mấy quan tâm đến sự khôn ngoan hoặc suy nghĩ điên rồ của nhà văn (vì biết rõ anh ta khôn ngoan chẳng bao nhiêu, còn điên rồ thì bát ngát), mà rất muốn biết người ta làm gì và làm như thế nào. Nếu có ai có thể kể chuyện này thì người đó chính là tôi, vì tôi là người dự phần trong đó.
Cái đêm ở thung lũng Doone đáng sợ nọ đã dập tắt máu phiêu lưu trong tôi suốt một thời gian dài sau đó. Tôi không dám mon men đến những cánh đồng hay khu rừng cách xa nông trại nếu không có John Fry đi cùng. John bất ngờ lắm và hí hửng ra mặt vì tự nhiên đâm ra có giá với tôi. Thế rồi, vừa khát khao được khoe khoang, vừa mong được tiết lộ bí mật cho đỡ bứt rứt trong người, tôi dần dà kể cho chú nghe tất tần tật những gì đã xảy đến hôm đó, ngoại trừ về Lorna (thú thật là chẳng rõ một nỗi e thẹn nào đó đã ngăn tôi nhắc đến em.) Chẳng phải vì tôi không nghĩ về em, hoặc không muốn được gặp lại em. Nhưng dù sao lúc đó tôi vẫn chỉ là một thằng nhóc thò lò mũi xanh như mọi thằng nhóc khác - vốn coi khinh tụi con gái chẳng làm nên trò trống gì mà chỉ giỏi vâng lời. Tụi con trai chúng tôi vẫn thường kháo nhau về con gái như vậy, nếu chúng tôi chịu hạ cố nhắc đến chúng: là công dân hạng hai, sinh ra để đàn ông sai vặt và chăm chút cho bầy con trai.
Nói thế thôi chứ em gái Annie của tôi hơn gấp ti tỉ lần tất cả con trai giáo xứ này, và cả Brendon với Countisbury gộp lại, mặc dù lúc đó tôi không đời nào nghĩ thế, và hẳn sẽ cười phá lên nếu ai nói vậy. Annie có khuôn mặt dễ thương, tính tình hiền lành, hệt một tiểu thư như vài người nhận xét. Nhưng dù thế nào em cũng chẳng có điệu bộ màu mè, ra vẻ ta đây cốt để làm hài lòng người khác. Nếu thất bại, em sẽ bỏ đi, khóc một mình chứ không để ai biết, vì tin rằng lỗi hoàn toàn là ở mình, trong khi hầu hết là do người khác. Nhưng nếu em thành công trong việc làm hài lòng quý vị, thật đáng yêu khi thấy em cười, vuốt ve chiếc cằm mềm mại theo cách rất riêng giống như mỗi khi em chép ra những điều cần ghi nhớ để lần sau lại làm đúng như thế. Thế rồi với cặp má ửng hồng, đôi mắt xanh trong veo như bầu trời xuân, em đứng thẳng lên hệt một cây táo non, khiến ai cũng phải mỉm cười với em, vỗ vỗ những lọn tóc nâu của em tỏ vẻ hài lòng, và lúc nào em cũng nhún gối đáp lễ. Em không bao giờ lảng tránh khi ai đó cần mình. Ngay cả trong sân, em cũng sẽ đến giúp quý vị xuống ngựa, và bảo (không chờ quý vị hỏi) bữa ăn hôm nay có món gì.
Sau này, em lớn lên thành một thiếu nữ cao ráo, duyên dáng. Em có chiếc cổ yêu kiều, đôi vai trắng trẻo bên dưới những lọn tóc xoăn. Than ôi! Em Annie đáng thương của tôi, như hầu hết những cô gái hiền lành, chân chất khác… Nhưng mà thôi, tôi khoan kể chuyện này đã. Vì hiện tại Lorna Doone xinh đẹp chiếm vị trí số một trong lòng tôi mất rồi.