Ô
ng trẻ Reuben Huckaback, người mà nhiều dân Dulverton còn nhớ đến khá là lâu sau thời của tôi, là cậu ruột của mẹ tôi. Ông sở hữu một cửa hàng gốm sứ phát đạt ở thị trấn, buôn bán rất đắt hàng, nhất là vào lễ Giáng sinh. Gia đình chúng tôi là họ hàng duy nhất của ông (ngoại trừ cô cháu gái, Ruth Huckaback bé nhỏ, mà chẳng ai buồn để ý đến). Mẹ xem việc giữ mối thân tình với ông sâu đậm hết mức có thể là phận sự của một tín đồ Cơ đốc, vừa vì lòng yêu quý dành cho một ông già tử tế, vừa vì lợi ích cho những đứa con của bà. Dân Dulverton vẫn kháo nhau rằng ông là người giàu có nhất thị trấn, đủ khả năng mua hết nửa số thân sĩ của hạt. Nếu đúng thế thật, họ muốn biết liệu có người nào ở Bampton hoặc Wivelscombe, thậm chí cả Taunton, nhiều đồng vàng hơn ông.
Nhà quý tộc luống tuổi này - ông được gọi thế nhờ túi tiền của mình (tôi đã từng thấy nhiều người tệ hơn, hung dữ hơn và ít giàu có hơn) - đến ăn mừng năm mới cùng chúng tôi. Chẳng phải ông muốn điều đó (vì ông vốn ghét cuộc sống ở thôn quê), mà vì mẹ tôi, như cách các bà mẹ thường làm đối với một bao vàng to tướng, cố nài từ ông một lời hứa. Niềm kiêu hãnh duy nhất của cuộc đời ông là chưa bao giờ thất hứa, ít nhất là từ khi trở thành một thương gia.
Giáng sinh luôn là thời gian tấp nập những chuyến hàng đến Dulverton. Bất chấp sương mù, đoàn ngựa thồ vẫn đến nơi an toàn. Gần phân nửa số hàng là của ông Reuben, ông biết cách làm cho chúng sinh lãi nhiều nhất có thể. Sau khi cân đối các khoản nợ và tiền gửi ngân hàng, gửi giấy báo đến các con nợ, ông mặc chiếc áo khoác to sụ, ấm áp, thắng yên ngựa, nhằm hướng Oare thẳng tiến như một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo nên làm vào dịp Giáng sinh. Ông để lại cho cô cháu gái Ruth và người trông coi cửa hàng nhiều công việc cần làm nhưng thức ăn thì chẳng thấm vào đâu.
Hai bên thống nhất là chúng tôi sẽ đón ông ngay sau buổi trưa ngày cuối cùng của tháng Mười hai. Vì bọn Doone vốn lười nhác, thích chăn êm nệm ấm (những kẻ bất lương vẫn thế) nên muốn thoát khỏi bọn chúng, chắc ăn nhất là đi vào buổi trưa, trước khi bọn chúng ra khỏi giường và đi loanh quanh. Nhưng chúng tôi quá sơ suất khi không tính đến những tình huống ngoài mong đợi, vì sau khi chè chén linh đình, bọn cướp - những tín đồ Gia tô ngoan đạo - không muốn đi ngủ, thay vì thế chúng cưỡi ngựa ra khỏi nhà vào buổi sáng của năm cũ. Chẳng phải đi công chuyện to tát gì mà chỉ thuần túy gieo tai ương cho người khác.
Hôm đó, mãi đến một giờ gia đình tôi mới dùng bữa trưa và ăn tối lúc sáu giờ. Những ca sĩ mang đèn lồng đến hát bên ngoài cửa sổ phòng khách, uống rượu ấm cho đến lúc đầu óc váng vất sau khi chén đẫy thức ăn. Mặc dù bấy giờ không có người nào trong gia đình tôi là người trông coi nhà thờ xứ Oare, mọi người đều thừa nhận rằng chúng tôi mặc nhiên tiếp quản bổn phận cao quý đó. Trên danh nghĩa, bác Nicholas Snowe đảm nhận công việc đó, nhưng là dưới sự tư vấn của mẹ tôi. Bác làm khá chật vật, lắm khi chả ra làm sao, nên ai cũng mong tôi lớn nhanh để còn thay thế bác. Bác Nicholas Snowe sẽ đến vào buổi tối cùng với ba cô con gái cao ráo, khỏe mạnh, giỏi làm bơ và phô mai. Khắp giáo xứ rộ lên tin đồn (theo trí tưởng tượng vớ vẩn của John Fry) rằng tôi lẽ ra nên phải lòng cả ba cô rồi chọn lấy một. Bốn người nhà Snowe phải đến, phần vì ông trẻ Huckaback thích chuyện trò với những cô gái trẻ trung, xinh xắn, phần vì khắp vùng này chả ai hút tẩu được ngoài bác Nicholas. Đương nhiên là không tính đến những người đức cao vọng trọng mà có cho vàng chúng tôi cũng chẳng dám mời. Ông trẻ Ben nổi danh là một tay mê hút tẩu. Ông có thể ngồi im lặng hút tẩu hàng giờ trong góc bếp, bên cạnh lò sưởi ấm áp, chỉ mong có ai đó hút thi với mình.
Một giờ kém, sau khi lo cho bầy gia súc xong xuôi đâu ra đó (sương mù năm nay dày đặc chưa từng thấy nên chúng tôi phải giữ gia súc ở gần nhà để giữ an toàn cho chúng), tôi trở vào nhà, cứ ngỡ sẽ bắt gặp ông trẻ ngồi bên lò sưởi, làm công việc ưa thích của mình là nhấc hết nắp vung này đến nắp vung kia, hít hà. Ông không thích thịt lợn muối xông khói nhà chúng tôi mấy, ở Dulverton lại chẳng có tỏi tây ngon, mà ông thì ưa tự mình làm lấy. Nhưng thay vì nhìn thấy ông nhăn mặt trêu chọc tôi rồi ngay lập tức lạnh lùng như cũ vì sợ tôi lờn mặt, chỉ mỗi vú Betty Muxworthy lóc cóc chạy ra, chọc nắp chảo vào tôi.
“Bỏ trò đó đi, vú Betty!” Tôi nói bằng giọng lễ phép nhất, vì đến giờ Betty đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Bà luôn làm theo ý mình, và trong tất cả, điều khổ sở nhất với một người đàn ông là cố cãi lý.
“Máy ép nước táo.” Betty lại kêu lên. Bà nghĩ đấy là một cách đùa nhã, vì vóc người của tôi, và vì tôi ghét bị gọi thế. “Công ziệc lâu lâu mới có một lần xong rồi đây.”
“Một bữa ăn ngon hiếm hoi, ý vú là thế hả, Betty? Được, cháu cũng đang trong cơn thèm ăn hiếm hoi đây ạ.” Nói xong, tôi muốn tới ngửi nó ngay.
“Cậu thì lúc nào chả thế. Nhưng chắc phải đợi lâu đấy, Máy ép nước táo ạ.”
“Ý vú là ông trẻ Ben chưa đến hả, Betty?”
“Đến đâu mà đến! Tôi chả biết ông già đó đi lạc đâu rồi. Hay gặp phải bọn Doone rồi cũng nên.”
Betty ghét ông trẻ Ben vì ông chưa bao giờ chịu xì cho bà một xu lẻ, cũng không cho bà dùng bữa cùng ông. Vú Betty Muxworthy cười ngoác tới mang tai, lại chọc cái nắp chảo dính đầy dầu mỡ vào tôi. Tôi chẳng ưa đùa giỡn kiểu thế vì lớn tồng ngồng thế này rồi mà vú Betty cứ làm như tôi là em Eliza vậy, bèn tức tối bỏ đi.
“Ôi, Johnny, Johnny!” Mẹ vừa chạy ra khỏi phòng khách lớn, nơi trưng bày cái hộp đựng những con chim nhồi, mấy chiếc lông công và con thỏ trắng ông nội săn được vừa kêu lên. “Đợi mãi con cũng về, mẹ mừng quá! Có chuyện không hay rồi, Johnny.”
Mẹ đeo trên hai cổ tay thứ gì đó rất đẹp nhưng vô dụng, như chúng tôi vẫn thường nói. Bà vốn thích như vậy, vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn vải phát đạt, cao sang hơn so với tiểu điền chủ. Tôi thì lại khó chịu về điều đó, phần vì cảm thấy nó hơi lạc quẻ so với nơi đây, phần vì ghét những món đồ lòe loẹt, phần vì thấy nó có vẻ chẳng liên quan gì đến cha, phần vì tôi chẳng thể nói ra được lý do mình không ưa nó. Người mẹ đáng thương của tôi đeo chúng chẳng phải để tôn vinh đôi tay (còn đẹp hơn cả món trang sức bà đeo) mà chỉ vì lợi ích của bầy con, bởi đó là quà tặng của ông trẻ Ben. Nói ngoài lề một tí, tôi rất ghét bị gọi là “Johnny”. “Jack” hay “John” gì cũng được, miễn đừng là “Johnny”. Ấy là tôi nói thật lòng, chẳng phải tôi nhỏ mọn, hẹp hòi gì đâu.
“Mẹ, có chuyện gì vậy?”
“Con không được nổi giận nhé, Johnny. Mẹ hy vọng là sự việc không quá tệ. Con vốn hiền lành, mẹ biết, John Ridd, có lẽ đôi khi còn quá hiền lành nữa là khác.” Ý mẹ muốn nói đến mấy cô gái nhà Snowe, tôi gật đầu. “Con nghĩ sao nếu bọn người đó…” Mẹ không bao giờ gọi đích danh “gia tộc Doone”. “… đã tóm ông trẻ Ben tội nghiệp, tước hết ngựa, áo khoác, tất tần tật mọi thứ?”
“Mẹ này, vậy thì bọn họ tới số rồi đấy. Ông nhất định sẽ tạo dựng một cửa hiệu bên bờ sông, rồi ra đi với tất cả tiền bạc của bọn họ.”
“Con nói vậy là mẹ yên tâm rồi, John! Bữa trưa đã sẵn sàng, thức ăn cho bữa tối cũng đâu vào đó rồi. Chỉ việc ăn thôi chứ không phải lo gì cả! Đã bày xong tất cả số đĩa gốm Watchett mới với màu xanh đặc trưng được vận chuyển bất chấp tính mạng của mọi người…”
“Mẹ ơi, con rất tiếc. Nhưng nhà ta ăn thôi mẹ. Mẹ đã hứa là chỉ đợi ông đến một giờ thôi mà. Đợi thêm nữa đói sao chịu nổi. Thức ăn sẽ hỏng hết. Nghĩ tới thôi đã tiếc rồi! Ăn xong con sẽ đi tìm ông. Sương mù dày đặc. Mà sương mù dày đặc thế kia thì tìm có ra không cơ chứ…” Thấy mẹ đăm chiêu, tôi nói tiếp. “Mẹ nỡ để con bụng rỗng đi tìm ông sao?”
“Ôi không, John, mẹ nào có nghĩ thế. Thôi, nhà ta dùng bữa vậy. Cầu Chúa phù hộ cho ông con.”
Vậy là cả nhà ăn một bữa thịnh soạn, dù ước rằng có ông ăn cùng, tự hỏi không biết nên để phần cho ông bao nhiêu là vừa. Sau đó, chờ mãi chẳng nghe thấy tiếng vó ngựa của ông, tôi cầm súng đi tìm.
Tôi men theo con đường mòn bên sườn đồi, từ khu vực sân bãi, nơi đầy dấu xe trượt tuyết - vì ở Exmoor xe trượt tuyết chưa được gắn bánh, hoặc sẽ không bao giờ, tôi đồ vậy. Dù thế, vào mùa đông năm ngoái, một kẻ ngốc đã cố làm điều đó, phá hỏng mất trục xe và suýt nữa gãy cổ. Sau đó, tôi đi dọc theo một vách đá, dưới chân có dòng suối nhỏ chảy qua. Rồi băng qua dòng Lynn, đi ngược lên quả đồi và con truông. Sương mù quây kín lúc tôi lên đến chỗ cao nhất. Những bụi kim tước mọc xung quanh hệt như đám người đang mai phục. Chưa đến ba giờ nên trời vẫn sáng, khi một bầy nai đi ngang qua, tôi biết chúng là nai chứ không bị nhầm thành cừu. Tôi toan bắn một phát vì trẻ con vốn ưa thịt thú rừng, nhưng chúng trông rất hiền lành (một điều dường như rất khó xác định). Nếu một con lồng lên, chạy lao đi, chắc tôi đã nổ súng rồi.
Tôi tiếp tục đi theo con đường mòn, lê từng bước chậm chạp, khó khăn, tính ra tôi cuốc bộ cũng suýt soát ba dặm đường rồi. Hàm râu quai nón (bấy giờ đã bắt đầu lún phún, tôi rất lấy làm hãnh diện) ướt sũng và có cảm giác như kim châm. Khung cảnh hoang vắng, đìu hiu. Những đám mây cuồn cuộn trong muộn phiền, sầu não. Giả sử lúc này, một con cừu hoang chạy ngang qua, chắc nó tưởng tôi muốn giết nó, còn tôi thì không thể hiểu được ý nghĩa của những dấu vết trên mình nó. Vùng này không thuộc giáo xứ chúng tôi, được chúng tôi gọi là “Truông đất Giá treo cổ”. Giá treo cổ có thể được nhìn thấy khắp nơi, nhưng hầu hết các thi thể đã biến mất để phục vụ cho thực tập sinh ngành phẫu thuật học. Tuy nhiên, tôi chẳng sợ gì cả, giờ đây tôi không còn là một thằng nhóc ngờ nghệch nữa, mà đã là một thanh niên thông thuộc Exmoor như lòng bàn tay. Khẩu các bin cũng đã được nạp đạn đầy, tôi biết mình có thể địch nổi một lúc hai người bất kỳ nào quanh đây, trừ ở thung lũng Doone. Tôi được đặt cho biệt danh “Jan Ridd đô vật”, ai cũng sợ phải đấu vật với tôi. Tôi đã phát chán vì nghe cụm từ đó suốt, thường ước gì thân hình mình nhỏ hơn. Hầu như Chủ nhật nào cũng vậy, mỗi khi tôi buộc phải xuất hiện tại nhà thờ nhỏ xíu trong giáo xứ thì mấy cô gái lại nhìn tôi, cười khúc khích.
Sương mù trắng đục mỗi lúc một dày hơn, vây bọc lấy tôi khi màn đêm buông xuống, khiến những bãi than bùn nằm rải rác và những lùm kim tước còn sót lại từ mùa hè trông lờ mờ, không rõ hình dạng. Rốt cuộc, tôi bắt đầu hoang mang, không biết mình đang ở đâu hay đến đây bằng cách nào, vì nãy giờ chẳng còn thấy cái giá treo cổ nào nữa. Rồi tôi nghe tiếng gió lùa ngược lên từ một chỗ trũng có đá bao quanh, và lần đầu tiên, nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi (hệt một cơn toát mồ hôi lạnh). Sau đó, tôi thấy mình đúng là đồ ngốc, không sợ gì lại đi sợ một âm thanh! Khi tôi dừng lại để lắng nghe thì chẳng có âm thanh nào cả ngoài tiếng trống ngực phát ra từ người mình. Thế nên tôi tiếp tục đi, lấy chính mình làm người đồng hành, giữ khẩu súng ở tư thế sẵn sàng bắn.
Thế rồi tôi đến một nơi chẳng chút quen thuộc, trông thấy một hòn đá được dựng ngược, trên đó có một dấu chéo đỏ mờ nhạt. Tôi dồn hết can đảm để dừng lại, suy nghĩ, vì nãy giờ cứ cắm đầu, cắm cổ đi thật nhanh. Tôi kê khẩu súng lên tảng đá, cố giữ bình tĩnh nhưng chẳng được mấy, rồi chẳng biết làm gì kế tiếp. Về việc đi tìm ông trẻ Ben, đó là việc riêng của ông hoặc người thi hành di chúc của ông. Còn tôi, tôi phải lo cho thân mình trước đã, và sẽ tạ ơn Chúa lắm lắm khi lại được về nhà an toàn, vì lợi ích của cả gia đình.
Những đám sương mù đặc quánh cuồn cuộn quây kín lấy tôi như những súc gỗ lớn lù lù tiến tới hết đợt này đến đợt khác. Sau đó, tất cả chìm lút trong một màu trắng đục mịt mù. Tôi mừng vì vẫn còn tảng đá tựa lưng và nhìn được đôi giày dưới chân mình. Rồi từ xa vẳng lại tiếng ồn, như thể có nhiều người đang phi nước đại. Trong cơn hốt hoảng, tôi giương súng lên. “Tới số rồi.” Nhưng chẳng có gì xuất hiện cả, khẩu súng hạ xuống trở lại cứ như tự động mà chẳng cần đến tôi.
Nhưng khi tôi nghĩ “Đúng là dở hơi!” thì thứ âm thanh đơn độc ma quái lại cất lên như thể từ bên dưới chân tôi, khiến tảng đá lớn rung lên. Trong một lúc, tôi đứng như trời trồng, tay chân bất động, tóc bắt đầu dựng ngược, khiến mũ bị đẩy lên, hệt một con ốc sên nhấc cái nhà của nó; còn tim như một con thoi thoăn thoắt đi tới đi lui. Nhận ra âm thanh đó chẳng mang đến mối nguy hại nào, cũng chẳng đưa đến thứ gì có hình thù rõ rệt, tôi đưa tay quệt ngang trán, hy vọng điều tốt nhất, quyết tâm cắm đầu chạy thục mạng cho đến khi kéo then cửa lại sau lưng.
Nhưng tôi lại thất vọng, vì ngay khi đến ngã tư bên cái hồ đen trong vịnh nhỏ, tôi nghe xen lẫn trong tiếng bước chân của mình một âm thanh khác rõ mồn một trong sương mù, lộp cộp hệt một con cừu đang đi tập tễnh. Tôi căng tai lên lắng nghe. Sợ nhưng vẫn lắng nghe, dù không muốn. Vì đang vội ra đường cái về nhà, tim lúc này đập như trống trận, tôi ghét phải dừng lại trong đêm tối đen vì một con cừu thiến già. Nhưng phần vì tình yêu dành cho muôn loài, phần vì sợ chủ nó ghét, tôi không thể không cứu nó. Âm thanh đó đến mỗi lúc một gần hơn. Một tiếng thở khò khè ngắn, đanh, bị chặn lại bởi những cơn ho và sự lấy hơi. Giờ thì tôi có thể đoán đó là gì rồi.
“Cầu xin Chúa rủ lòng thương! Cầu xin Chúa rủ lòng thương! Tuần trước con có lừa gạt Sam Hicks thật, nhưng Chúa cũng thừa biết hắn ta đáng bị vậy lắm mà. Ôi Chúa ơi, con đang ở đâu thế này?”
Câu nói bị ngắt quãng nhiều lần đi xuyên qua màn đêm đến tai tôi, kế tiếp là một tiếng rên kéo dài cùng một tiếng nấc nghẹn. Tôi chạy bổ về phía âm thanh đó, va phải đầu của một con ngựa lùn hoang. Trên lưng nó vắt vẻo một người đàn ông bị trói, hai chân đằng cổ, đầu đằng đuôi, hai cánh tay buông lủng lẳng hệt như bàn đạp ngựa. Con ngựa hoang nhỏ xíu sợ chết khiếp vì cái vật nặng xa lạ trên người, cứ dùng dằng nảy người lên, những mong hất quách cái thứ đó xuống đất cho rảnh nợ.
Trước khi con ngựa nhỏ kịp quay đi, tôi túm lấy nó vì giờ nó đã kiệt sức, bờm mướt mồ hôi. Nó biết mình khó lòng thắng nổi, nhưng vẫn cố ngoạm lấy tay tôi, cho đến khi bị tôi đánh mạnh vào mũi.
“Không sao rồi, thưa ông.” Tôi nói với người đàn ông tội nghiệp nọ. “Không có gì phải sợ, không ai làm hại ông đâu.”
“Cứu tôi với!” Ông thở hổn hển, nhưng không thể ngẩng lên nhìn tôi được. “Chúa đã gửi chú em đến, không phải để cướp tôi nữa, vì việc này kẻ khác đã làm rồi.”
“Trời ơi, ông trẻ Ben!” Tôi kêu lên, bàng hoàng buông con ngựa ra khi biết rằng đó chính là người giàu có nhất Dulverton. “Ông trẻ Ben mà có lúc lại rơi vào hoàn cảnh khốn khổ này sao! Trời ơi, ngài Reuben Huckaback ơi là ngài Reuben Huckaback!”
“Một nhà buôn hàng dệt kim và vải lương thiện.” Ông rên rỉ. “Ngay tại biển hiệu Gartered Kitten ở Dulverton. Vì Chúa, chú em tốt bụng, làm ơn thả ta xuống khỏi con vật chết tiệt này; ta sẽ trả cho chú em một số tiền hậu hĩnh đang nằm trong chỗ an toàn ở nhà ta tại Dulverton. Nhưng hãy nhớ cho rằng con ngựa này là của ta, cũng chẳng thua kém gì so với con ngựa bị cướp mất.”
“Ông trẻ Ben, ông không biết cháu sao, cháu trai ngoan của ông - John Ridd đây mà!”
Không chần chừ thêm nữa, tôi cắt dây trói, đỡ ông ngồi giạng chân trên con ngựa nhỏ. Vì ông quá yếu để tự ngồi một mình, tôi bèn cõng ông thẳng tiến về hướng nông trại Plover's Barrows, tay dắt theo con ngựa lùn bằng sợi dây cột quanh mũi nó.
Ông trẻ Ben lập tức ngủ thiếp đi trên lưng tôi vì quá kiệt sức sau khi bị rung lắc vượt xa sức chịu đựng của một người ở tuổi sáu mươi lăm như ông. Ngay khi cảm thấy an toàn, ông không nói gì nữa. Nói thật, ông ngáy to đến mức tôi gần như tin rằng âm thanh đáng sợ cất lên trong sương mù mỗi đêm là đến từ hướng Dulverton.
Ngay khi tôi đưa ông vào nhà, chúng tôi dựng ông ngồi bên lò sưởi nhà bếp, ấm áp và thoải mái. Tôi mừng húm khi thả ông xuống khỏi lưng vì như của cải của mình, ông trẻ Ben có thân người béo tròn, múp míp. Ông giũ giũ áo khoác mấy lượt, bước quanh nhà bếp cho đến khi chắc chắn mình đang ở nơi nào, rồi ông ngủ trở lại cho đến khi bữa tối sẵn sàng.
“Nó sẽ cưới Ruth.” Sau cùng, ông tự nói với chính mình, chứ không phải với tôi. “Nhờ sự việc này, nó sẽ cưới Ruth và sẽ thừa hưởng của cải dành dụm cả đời của ta, ngay khi hai đứa xứng đáng. Dù sao thì bọn bất lương kia lấy của ta cũng chẳng bao nhiêu.”
Mẹ tôi đương nhiên nhặng xị cả lên về việc ông trẻ Ben gặp nạn. Tôi bèn để bà và Annie chăm sóc rồi cho ông ăn, còn tôi ra ngoài để xem thử con ngựa lùn bị bắt về thế nào. Thực tế là sau đó, nó phục vụ chúng tôi rất tốt, dù ông trẻ Ben nhăm nhăm muốn đưa nó về Dulverton để chở hàng họ trong khi ở đó có đầy xe ngựa các loại. Tôi bảo: “Ông cứ tự nhiên lấy nó đi ạ, nếu ông cưỡi nó về nhà theo cách cháu tìm thấy ông.” Khi nghe tôi nói thế, ông không đả động gì đến việc đòi con ngựa nữa.
Huckaback quả là một ông già kỳ cục, người thì to béo, tính thì nhỏ nhen, ưa làm chuyện không ai ngờ tới, luôn xét nét người khác như thể ai cũng chực lừa gạt ông. Thoạt đầu tôi cũng khá bất ngờ, vì ông chẳng hiểu gì về cánh nông dân chúng tôi - vốn ngay thẳng, chính trực, hiếm khi lường gạt ai, ngoại trừ ngoài chợ, mà cũng chẳng mấy khi. Lối sống đơn giản của chúng tôi luôn là điều khó hiểu đối với ông. Tôi thường xuyên nói cho ông nghe, nhưng ông chỉ bật cười, đưa mu bàn tay già nua lên xoa miệng, tôi nghĩ chắc ông nhớ việc buôn bán, mặc cả ở nhà. Tôi có ý muốn trả ông con ngựa lùn, vì ông nghĩ mình bị lừa, nhưng thể nào ông cũng kết luận tôi làm thế vì muốn thừa kế gia sản của ông.
Đương nhiên chính bọn Doone đã cướp sạch tiền bạc của ông trẻ Ben, tiện thể lấy luôn ngựa của ông (một con ngựa thuần chủng ), cột ông lên một con ngựa hoang, coi như sự trao đổi nhỏ (ấy là họ bảo ông vậy). Suốt hai, ba giờ đồng hồ, họ khoái chí đuổi theo ông trong sương mù, lấy tiếng rên rỉ, kêu van của ông làm trò tiêu khiển. Đến khi thấy đói, bọn họ bỏ đi, mặc ông ra sao thì ra. Hiện ngài Huckaback đã có thể đi lại được sau vài ngày tĩnh dưỡng, bắt đầu thấy sốt suột, không thể hiểu nổi tại sao mình lại bị cướp.
“Ta đâu có đáng bị như vậy.” Ông nói với chính mình. Ông vốn ít tin vào mệnh trời, vì đó chẳng qua là cái người ta bám víu vào để an ủi mình. “Ta không bao giờ đáng bị như vậy, nhân danh Đức vua, ta nhất định sẽ không để yên chuyện này. Nhất định không là không!” Nhiều lúc ông thốt lên: “Sáu mươi lăm năm cuộc đời ta sống lương thiện và cần mẫn, chưa một lần bị cướp. Vậy mà đến tuổi xế chiều lại bị!”
Đương nhiên sau đó, chúng tôi sẽ bảo rằng ông nên tạ ơn Chúa vì chưa từng bị cướp, dù đã sống lâu như thế rồi. Ông thật vô ơn, nếu không muốn nói là bạc bẽo, nên cứ thấy bực dọc, phiền não, nếu là người khác thì hẳn đã quỳ thụp xuống mà rối rít tạ ơn Chúa vì thoát chết. Nhưng chúng tôi có nói gì thì cũng tự mình nghe thôi bởi ông trẻ Ben vẫn một mực khăng khăng rằng ông chẳng có gì phải tạ ơn Chúa cả.