M
ặc dù tôi không thể gặp người yêu của mình suốt hai tháng trời - “một là vì anh, hai là vì em”, em đã ngẩng đầu lên thì thầm với tôi như vậy - nhưng tôi vẫn thấy khá yên tâm. Tôi biết em an toàn nhờ vào tín hiệu đã giao ước giữa hai đứa. “Giờ em không sợ gì nữa cả, John.” Lúc chia tay, em đã nói như vậy. “Đúng là em bị theo dõi thật, nhưng em còn có Gwenny - em ấy rất lanh trí. Đành rằng nhờ ông nội nên em mới tránh được bạo lực và có Gwenny luôn canh chừng những kẻ giám sát em, nhưng anh, nhất là anh, John à, hãy luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy đến với em. Đừng có nắm tay em chặt quá thế, John. Em an toàn mà. Với lại, anh không ý thức được sức mạnh của mình đâu.”
Tôi ý thức được sức mạnh của mình chứ. Đồi và thung lũng dù có dốc đến mấy với tôi cũng như đồng bằng, lũ gia súc hung dữ nhất cũng dè chừng tôi (thậm chí tôi còn sợ làm đau chúng nữa kìa), ngay cả đám cây đã bén rễ sâu dưới tay tôi cũng hệt những cái que bé xíu mà tôi có thể quật ngã dễ dàng. Chỉ có điều, tôi yêu tất thảy, không làm tổn hại đến thứ gì.
Rồi mùa gặt đến. Những biển vàng trải dài khắp các sườn đồi. Bầy chim non náu mình trong các ngóc ngách yên tĩnh ùa ra khỏi bìa rừng kiếm ăn. Kể từ khi cha tôi dừng thu hoạch, lưỡi hái của ông được treo cất đến han gỉ, chưa bao giờ miền quê chúng tôi tràn ngập không khí rộn ràng đến thế. Chưa nông dân nào ở Exmoor dùng được cái lưỡi hái đó kể từ khi chủ nhân của nó ngã xuống giữa lúc còn sung sức, dẻo dai trước một gã thợ gặt1 khác mạnh hơn. Giờ đã đến lúc tôi lấy nó xuống khỏi bức vách, nơi mẹ tôi đã tự hào treo nó lên, trong khi bà ngắm nhìn tôi, gần như không biết nên cười hay khóc.
1. Ý nói thần chết.
Giáo dân tập trung cả lại ở sân trên, vì năm đó nhà tôi gặt mở màn, như đã thống nhất với bác Nicholas và Jasper Kebby, chủ nông trại thứ ba và cũng là nông trại nhỏ nhất. Rồi chúng tôi bắt đầu thực hiện các nghi thức theo đúng trình tự như thông lệ. Trước tiên, Đức cha Josiah Bowden, mặc áo choàng và áo thầy tu, cầm cuốn Kinh thánh trong tay, giắt lưỡi hái sau lưng. Khi Cha quả quyết bước đi, cả nhà tôi theo sau, tôi một tay cầm tay mẹ, tay kia cầm lưỡi hái của cha, cùng một ổ bánh mì nhà làm và một thùng rượu táo trên lưng. Đằng sau chúng tôi là Annie và Lizzie, đội vòng hoa thanh cúc được tết rất khéo. Nếu cha còn sống thì người đội nó là mẹ. Vì là góa phụ nên mẹ chẳng đeo trang sức gì hết. Chiếc mũ để tang cha đã được gỡ xuống, mẹ để tóc xõa, nhìn cứ như thiếu nữ. Tóc mẹ rất bóng mượt, dù lòng mẹ có sầu não, buồn khổ thế nào.
Sau chúng tôi là mấy cô gái, các cô vắt sữa và những người còn lại, do Betty Muxworthy dẫn đầu. Ngay cả lúc này, vú cũng không thôi làu bàu, gắt gỏng, bởi vì họ sẽ không chịu đi nghiêm túc. Họ chỉ tủm tỉm cười, và bà biết có càu nhàu cũng chẳng ích gì, khi mà đi sau họ là cánh đàn ông.
Rồi gia đình nhà Snowe tiến tới với bác Nicholas ở giữa, hăng hái như thể sắp sửa gặt cho nhà mình, dáng vẻ hài lòng cứ như mình là người dẫn đầu. Thỉnh thoảng bác còn ra hiệu cho người này, người kia, như thể tôi chẳng là cái thá gì. Ba cô con gái tuyệt vời của bác, khỏe mạnh và xinh xắn, đi sát hai bên, cứ như sợ bị ai đó cuỗm đi mất - chính điều này giúp tôi quý trọng Lorna và sự giản dị, thuần khiết của em.
Sau cha con bác Snowe là Jasper Kebby cùng với người vợ mới cưới. Họ là một đôi vợ chồng chất phác, chỉ sống nhờ vào một trăm mẫu ruộng và quyền được hưởng trên đất công của người khác. Sau họ là cánh đàn ông ồn ào, mất trật tự, cứ cố nhìn các cô đi trước, chọc ghẹo họ, khiến các bà vợ cười rộ lên (nhưng về nhà thì biết tay các bà ấy). Theo sau cánh đàn ông và mấy bà vợ của họ là đám con nít, vừa tung tăng đi vừa ngắt hoa, nói cười rổn rảng (đúng là trẻ con có khác). Chắc phải đến sáu mươi người cả thảy, khiến con đường làng tấp nập, huyên náo. Lúc chúng tôi tới cổng cánh đồng lớn, Cha Bowden nhấc thanh chắn lên, yêu cầu mọi người lắng nghe, dù lúc này đã thở hổn hển. “Nhân danh Chúa, Amen!”
“Amen!” Viên thư ký (thực ra là một thợ đóng giày) ở tít đằng sau hét lên.
Cha Bowden đọc vài câu từ Kinh thánh, bảo chúng tôi ngắm nhìn những cánh đồng chín vàng, rồi đặt cuốn Kinh thánh lên bề mặt vuông của trụ cổng, chẳng kể gì đến xống áo lướt thướt, Cha cắt ba nắm lúa mì, đặt chúng xuống thật thẳng thớm. Trong khi đó, đám giáo dân túm tụm lại với nhau bên ngoài cổng và dọc theo đường làng, không dám quấy quả Cha, thì thào khen Cha làm sao mà khéo thế.
Khi Cha đang xếp lúa mì gọn ghẽ, mẹ đi vào, tựa vào tôi, cả hai mẹ con cùng cất tiếng: “Tạ ơn Chúa lòng lành, vì đã ban cho chúng con vụ mùa bội thu!” Rồi viên thư ký hát một bài thánh ca. Ông ta làm rất tốt việc này dù hắt xì liên tục vì bộ râu quai nón bằng lúa mì được làm bởi người thợ chữa giày ở Brendon cứ chọc vào mũi ông ta. Khi bài thánh ca được hát lên hùng hồn đến mức đám cây mao địa hoàng trên bờ rung lên hệt một chùm chuông, Cha bắt đầu uống một chén rượu táo, còn tất cả chúng tôi bắt đầu gặt.
Ý tôi là đàn ông thôi, dù tôi biết nếu được phép, phụ nữ cũng gặt giỏi chẳng kém đàn ông. Tuy nhiên thế thì đàn ông phải luôn trông chừng liềm gặt của phụ nữ, kẻo bị đứt tay oan. Trong vùng chúng tôi, phụ nữ làm những công việc được xem là thích hợp với họ. Đó là theo sau đàn ông, cẩn thận với những lưỡi hái lia xoèn xoẹt, gom những thân lúa mì do cánh thợ gặt quăng ra, ôm bằng cả hai tay, rồi kê một đầu gối lên đó để gom chúng sát lại, bó thành từng bó thật chặt, lớn và đẹp, rồi xếp chúng thành đống. Bọn trẻ con cũng tự mình gom thành bó, kích cỡ tùy sức, cho đến khi mỗi đứa có một bó to chừng thân người chúng nhưng dài hơn, rồi loạng choạng khuân đi.
Cánh đàn ông tiếp tục vụt liềm loang loáng trên cánh đồng vàng ruộm, cho đến khi lưỡi liềm cần được mài, cổ họng cần được làm ẩm, và tấm lưng cần được nghỉ ngơi. Cánh đàn ông muốn tán gẫu một chốc, còn phụ nữ muốn được khen ngợi.
Tin hay không tùy quý vị, trong khi tay thoăn thoắt đưa liềm xén ngọt từng nắm lúa mì, trong đầu tôi hiện ra hình ảnh Lorna - lúc em cụp mắt xuống vì bất ngờ trước tình yêu mãnh liệt của tôi. Rồi em ngước đôi mắt long lanh lên nhìn tôi - ánh mắt sáng bừng hơn cả ánh mặt trời xuyên qua lúa mì, chiếu rọi tận sâu thẳm trái tim tôi, thắp lên trong lòng tôi niềm hy vọng tràn trề. Tôi thậm chí còn mường tượng những gợn sóng của con sông nơi thượng nguồn, những chú chim và những bóng râm trong khu rừng Bagworthy như thể chúng đang ở ngay trước mặt tôi. Có lẽ em đang đi dạo trong thung lũng, ngước nhìn chúng âu yếm. Ôi chao, ước gì tôi là một chú chim ở chốn ấy! Tôi có thể nhìn thấy sương giăng bảng lảng bên trên thung lũng Doone. Có lẽ nó đang rải đám bụi nước li ti lên em. Sao trời không cho tôi làm một hạt mưa nhỉ? Làn gió làm những cành lúa mì đong đưa, cọ vào ngực tôi dịu dàng, hẳn là nó đến từ chỗ Lorna, mang theo giọng nói ngọt ngào của em. Đúng rồi, cơn gió nô đùa quanh em, mơn man gò má tươi tắn của em, vờn rèm mi em, thổi tung cả tóc em và phô bày gương mặt kiều diễm của em…
Trong lúc tôi vừa thả hồn theo những hình ảnh ngọt ngào ấy vừa lơ đãng gặt, mắt không nhìn vào tay mà cứ đau đáu dõi về những cánh rừng xa xa, cánh đàn ông lẩn đi đâu tự lúc nào, bỏ mặc tôi một mình giữa biển vàng. Tức chết mất thôi, đồ sâu bọ này! Tất cả đã tập trung lại chỗ hàng rào để nốc rượu táo, tọng bánh mì và thịt. Dù đầu vẫn còn lấp đầy những mơ tưởng về Lorna, tôi có thể nhận ra họ đang túm tụm bên mâm thức ăn ê hề trước khi đồng hồ nhà thờ điểm mười một tiếng!
“John Fry, đồ đểu to xác kia!” Tôi hét lên, túm lấy cổ áo, nhấc bổng chú lên, trong lúc chú vẫn còn cầm dao và nĩa, miệng ngậm một cái chân ngỗng. “John Fry, thế này là thế nào?”
“Cho tôi suống đi, chớ thế này nói làm xao được.” John đáp khó khăn. Tôi bèn thả chú xuống, phải thú nhận rằng chú có lý. “Thưa ngài!” John gọi tôi như vậy kể từ khi tôi trở về từ London, vì chú tin chắc rằng Đức vua bét ra cũng đã phong cho tôi chức thẩm phán, chỉ có điều tôi không chịu tiết lộ thôi. “Bớt nóng đi nào. Ăn đi rồi còn gặt típ. Mọi thứ đã giọn ra hết rồi, chẳng lẽ cậu chủ muốn phụ lòng người nấu xao?”
Tôi không còn cách nào khác, đành đón lấy cái môi đầy khoai lang rán, thuận theo số đông, ăn bữa trưa cùng đám thợ gặt, dù vẫn còn quá sớm.
Trong cuộc đời dài và đầy biến động của mình, tôi thấy bữa trưa được ăn vào lúc mười hai giờ là hợp lý nhất. Lối sống lành mạnh đó và sự giác ngộ về nó được thể hiện trong một câu ca cổ của chúng tôi:
“Bình minh, bữa sáng; chính ngọ, bữa trưa;
Hoàng hôn, bữa tối; biến kẻ tội đồ thành thánh nhân.”
Những lưỡi hái rít lên, lúa mì đổ rạp! Thoắt cái ta có bữa trưa ngon lành. Chiều hôm đó, chúng tôi gặt rất nhanh. Tôi không chỉ luôn là người dẫn đầu, mà còn giữ cho cánh đàn ông duy trì tốc độ. Chúng tôi làm xong mười mẫu trước khi mặt trời khoác tấm áo choàng đỏ ối nơi rặng núi đằng tây rồi trôi vào giấc ngủ lơ mơ màu xám.
Chúng tôi lau chùi lưỡi hái, phủi sạch người, ra đường cái về nhà và nghĩ về bữa tối ngon lành đang đợi.
Theo thông lệ, cánh thợ gặt sẽ về nhà chúng tôi dùng bữa tối. Mục sư Bowden đọc kinh trước giờ cơm cũng như giúp chúng tôi lạng thịt. Quý vị biết đấy, cánh thợ gặt ăn rất khỏe nên chúng tôi cần người phụ giúp. Thêm nữa, gần như bà vợ nào cũng đang mang thai, buộc phải ăn cho con đủ dưỡng chất. Tôi chẳng lấy đâu ra thời gian để hỏi han, quan tâm vì mải lo dọn thịt và múc nước thịt. Suốt thời gian đó, em Annie xắn cao tay áo, dáng người xinh xắn thoăn thoắt chạy tới chạy lui bê một xô khoai tây nghiền với mỡ lợn và cải bắp. Đến em Lizzie cũng tạm gác lại mấy cuốn sách của mình để dọn bia cùng rượu táo, trong khi mẹ bày bánh pút đinh mận trên đĩa thiếc với thịt cừu. Còn vú Betty Muxworthy, vốn luôn miệng cằn nhằn, giờ chẳng còn hơi đâu mà làm việc ấy, vì phải luôn tay thay đĩa, phục vụ thịt, cời lửa, nấu thêm thức ăn. Nhưng John Fry chẳng động vào thứ gì, ngoại trừ dao và nĩa của mình, làm như là khách, còn vợ chú liên tục thúc chú ăn, cho đến khi tôi nghĩ chuyện này sẽ không có điểm dừng.
Sau khi chén sạch sành sanh thức ăn, họ chuyển sang uống. Trước hết, họ cầm thân cây lúa mì được cột ruy băng đẹp mắt, đặt lên nắp lò sưởi, rồi tất cả đồng thanh hát một bài ca về nó. Ban đầu có hơi lộn xộn, người sớm kẻ muộn, nhưng chẳng hiểu sao đến đoạn điệp khúc thì tất cả ăn nhịp với nhau, không lệch tẹo nào. Tôi xin mạn phép viết ra đây bài ca mùa gặt của Exmoor thời của mình, phòng khi có quý vị nào quan tâm muốn biết (đương nhiên tôi đã bỏ đi các phương ngữ cho dễ hiểu).
Bài ca mùa gặt của Exmoor
1
Trông kìa, ngũ cốc đã chín vàng!
Bạn ơi, hãy bước ra ngoài dưới ánh trăng,
Để thấy cánh đồng vàng rực lên như thế nào: Mùa gặt đến rồi, ta đi gặt thôi
(Điệp khúc)
Trông kìa ngũ cốc vàng ươm!
Nào ta cùng đi, mang theo cốc chén
Chúng ta gặt suốt ngày, và sẽ tiếp tục công việc vào sáng mai
Rồi mang chúng về sân nhà, tạ ơn Chúa.
2
Trông kìa lúa mì đã chín vàng! Bông trĩu nặng
Mùa gặt đến, công sức của chúng ta đã được đáp đền.
(Điệp khúc)
Trông kìa lúa mì vàng óng!
Nào ta cùng đi, mang theo bánh mì
Chúng ta đã gặt cả ngày, không bao giờ biết mệt
Rồi mang chúng về sân nhà, tạ ơn Chúa.
3
Trông kìa lúa mạch đã chín rộ! Xào xạc theo từng làn gió
Đợi chờ bàn tay người gặt. Mùa gặt đến rồi ta đi gặt thôi. (Điệp khúc)
Trông kìa lúc mạch chín vàng! Nào ta cùng đi, mang theo bia Ta đi gặt thôi
Mang hết về sân nhà, nghỉ ngơi và tạ ơn Chúa.
4
Trông kìa yến mạch đã chín rộ
Suốt ngày nhảy múa hát ca
Đợi bàn tay người gặt, mang đến lũ ngựa niềm vui
Mùa gặt đến rồi, ta đi gặt thôi. (Điệp khúc)
Trông kìa yến mạch chín rộ! Ta đi giữa biển vàng
Khi tất cả được đưa về sân nhà, ta sẽ quỳ tạ ơn Chúa.
5.
Trông kìa ngũ cốc vàng ươm!
Bạn ơi hãy bước ra ngoài dưới ánh trăng, Ngắm nhìn biển vàng dập dờn
Như ánh hào quang chiến thắng, khi Chúa được sinh ra. (Điệp khúc)
Trông kìa ngũ cốc vàng ươm!
Cảm ơn ngũ cốc, cho ta bánh mì thơm ngon
Ta hãy tỏ lòng biết ơn ngũ cốc
Hãy lạy tạ ơn Chúa giữa đất trời.
Lần đầu tiên chúng tôi ca bài này rất hay, vì có ca đoàn của giáo xứ chỉ huy, có đệm đàn clarionet, và Cha xứ dành thời gian uống rượu cùng chúng tôi. Rồi chúng tôi hát lại lần thứ hai. Nếu quý vị có mặt, chắc hẳn sẽ không ngớt lời khen tặng, dù Cha xứ đã ra về, và viên thư ký không thể so được với Cha trong việc giữ nhịp. Nhưng khi bài hát được hát lần ba, tôi thách bất kỳ ai (dù tỉnh táo đến đâu) có thể hát ăn ý và đều như chúng tôi.
Kỳ thực mùa gặt là dịp phù hợp để tạ ơn Chúa, Người sẽ không nghĩ chúng tôi đạo đức giả. Năm ấy, chúng tôi đã dành nhiều đất để trồng lúa mì hơn, sản lượng tăng gấp đôi năm trước. Trong bầu không khí rộn rã ấy, tôi không thể không nhớ đến cha đang nằm trong lòng đất lạnh ở nghĩa trang nhà thờ, nghĩ chắc ông sẽ hãnh diện lắm. Còn mẹ tôi, nãy giờ không biết bỏ đi đâu, quay lại vì mọi người thúc giục, muốn uống chúc sức khỏe bà (ít nhất hai mươi lần). Nhìn nét u uẩn trong mắt mẹ, tôi biết bà cũng đang nhớ về cha. Tôi bèn lánh khỏi những ồn ã, rộn ràng cùng khói thuốc (dù chả ai hút mấy, ngoại trừ bác Nicholas), băng qua khoảng sân ngập tràn ánh trăng vằng vặc, lững thững ra mộ cha để tìm chút lắng dịu trong tâm.