C
húng tôi tiếp tục khiêu vũ đến khuya. Mẹ nhảy say sưa đến mức chẳng nhận ra là đã đến giờ đi ngủ.
Ấy thế nhưng mẹ vẫn không quên đưa ánh mắt từ chàng Marwood đang trò chuyện mải mê với Annie sang tôi và Ruth Huckaback. Cô bé lúc này đã trở nên hoạt bát hơn hẳn. Chao ôi, người mẹ đáng thương! Nhìn mặt mẹ ngời ngời hãnh diện; mẹ đâu hay biết rằng mưu đồ của mình hoàn toàn thất bại.
Vì sáng mai phải dậy sớm để còn đi gặt, tôi không vào phòng, sợ làm phiền mẹ, quyết định đặt lưng trên gác xép một lúc. Chỗ này mát mẻ, thoáng đãng, dễ chịu với mùi cỏ khô ngọt ngào. Thú thật là sau khi trở về từ thành phố (nơi tôi lúc nào cũng cảm thấy mình y hệt một con ngựa trên lò vôi), tôi vẫn chưa thỏa cơn thèm khát cuộc sống nông thôn. Tiếng bê rống là âm nhạc, tiếng cục cục của bầy gà là niềm vui, và tiếng hí của lũ ngựa là nguồn sống đối với tôi.
“Cậu chủ muốn ngủ chỗ nào tùy thích, Jan.” Betty nói, giọng uể oải vì buồn ngủ sau khi dọn dẹp, rửa ráy mọi thứ. “Kể cả chuồng lợn.”
Mặc bà muốn nói gì thì nói (đó là quyền của phụ nữ mà), tôi đứng trong sân, sững sờ mất một lúc trước ánh trăng mùa gặt đẹp đến nao lòng, thế giới ngập trong màu bàng bạc huyền hoặc. Rồi tôi trông thấy một dáng người thấp đậm băng nhanh qua sân, giữa tôi và cánh cổng sáu chấn song. Thay vì đuổi theo, như lẽ ra nên vậy, tôi bắt đầu tự hỏi đấy có thể là ai và đang làm cái quái gì ở đây, khi cả nhà đã lên giường cả, còn cánh thợ gặt thì đã về nhà.
Cuối cùng, sau khi thầm nhủ rằng đó chẳng thể nào là người của chúng tôi được, dù không một con chó nào sủa, thầm đoán đó có thể là một cô gái hoặc một phụ nữ lớn tuổi hơn, tôi chạy hết tốc lực đuổi theo. Nhưng đã quá trễ.
Tôi quyết định không nói chuyện này với ai (dù khá là hoang mang), sau khi thầm nghĩ sẽ theo dõi vào đêm khác, tôi quay trở lại gác xép, đánh một giấc cho đến sáng.
Có thể nhiều người muốn biết (kể cả tôi) điều gì đã khiến ngài Huckaback lặn lội từ Dulverton đến đây vào thời gian này trong năm, khi mà công việc kinh doanh vải vóc đang hồi cao điểm, lúa mì thì bắt đầu chín rộ (vì ông cũng buôn bán cả ngũ cốc), và chúng tôi không thể chăm sóc ông chu đáo vì bận việc đồng áng. Điều khiến tôi còn ngạc nhiên hơn là ông lại mang theo cô cháu gái thay vì một đội kỵ binh, trong khi trước đây ông một thề hai thốt với tôi rằng sẽ không bao giờ quay về đây một lần nào nữa nếu không có đội ấy. Không hiểu bằng cách nào ông có thể vào nhà cùng với cô cháu gái, ngồi chễm chệ trong phòng khách, mà tôi chẳng chút gì hay biết hoặc nghi ngờ. Về điều này, mẹ bảo cũng dễ hiểu thôi, vì điệp khúc của bài ca mùa gặt có thể nhấn chìm cả một cơn động đất, tiếng bước chân có sá gì. Nhưng về ý định và động cơ của ông, đến mức bỏ bê công việc, chỉ có ông mới giải thích được. Vì ông không tiện nói ra nên chúng tôi không thể hỏi sỗ sàng.
Có vẻ như ông định ở nhà tôi dài dài hay sao ấy, dù chuyến tới thăm lần này của ông quá bất tiện cho chúng tôi, vì ông phải được chăm sóc chu đáo, mà chúng tôi thì công việc lu bù. Tôi nghe em Lizzy, đứa mồm miệng ngoa ngoắt nhất, bảo rằng em tin là ông cố tình đến nhà tôi vào thời gian này để ông mặc sức theo đuổi mục tiêu gì đó mà không bị chúng tôi phiền nhiễu. Mẹ trừng mắt nhìn em Lizzy, vì bà không nghĩ vậy, nhưng em Annie và tôi thống nhất rằng cũng nên để mắt đến ông.
Làm thế nào chúng tôi “để mắt” được nếu không theo dõi ông trẻ Reuben bất kỳ lúc nào ông ra ngoài, cố nghe lỏm những gì ông nói khi ông đi dạo vào ban đêm. Dù tỏ ra căm ghét việc chè chén say sưa sau khi gặt xong đến thế nào, ông vẫn luôn là người thích vào nhà bếp của chúng tôi nhất. Ông chỉ lẳng lặng vào, không để quá nhiều người trông thấy. Theo dõi bất kỳ vị khách nào, ngay cả khi người đó thiếu trung thực (chúng tôi không có quyền nghĩ ông trẻ Ben như vậy) là một điều mà thậm chí kẻ hạ tiện nhất cũng khinh miệt. Tôi chẳng biết có công bằng không khi theo dõi một vị khách trong phạm vi đất đai nhà mình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ông trẻ không thể hiện đúng vai trò một vị khách tại nhà tôi, ngày nào ông cũng âm thầm ra ngoài từ sáng sớm đến tối mịt, kéo chúng tôi vào những rắc rối mà chúng tôi không hề hay biết.
Viêc thường ngày của ông là ăn sáng, cầu nguyện, rồi cưỡi con Dolly đi (đó là con ngựa lùn hiền, ngoan của em Annie), mang theo một túi thức ăn ngon treo đằng sau và hai khẩu súng lớn đằng trước. Ông luôn mặc quần áo lôi thôi lếch thếch như thể nghĩ mình sẽ bị cướp, hoặc để làm tiêu tan ý đồ của kẻ xấu. Ông không bao giờ mang theo chiếc đồng hồ vàng, cả túi tiền cũng không. Các cô gái phát hiện ra điều đó và báo lại với tôi (vì ban ngày tôi vắng nhà), ranh mãnh thúc giục tôi đi theo ông trẻ Reuben, xem thử ông lén lút làm chuyện gì. Ông lúc nào cũng đến tối mới về, ngay trước cánh thợ gặt chúng tôi một lúc. Con Dolly thì lúc nào cũng có vẻ kiệt sức, mình mẩy bám đầy thứ chất bẩn gì đó rất lạ.
Nhưng tôi từ chối, chẳng phải vì sợ phí thời gian, mà vì tôi nghĩ làm thế là không chính trực và quân tử. Chẳng sao cả khi lén lút vào thung lũng của gia tộc Doone, quan sát mọi thứ xung quanh, bởi vì bọn họ là những kẻ thù chung ai cũng biết, và tôi cũng có lý do riêng để liều mạng. Nhưng lần theo dấu vết của một ông già yếu ớt (dù có lanh lợi bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng cứ là ông già), lại còn là một vị khách của chúng tôi và một người họ hàng bên mẹ tôi thì... “Nghe này!” Tôi nói. “Như thế hèn lắm, anh không làm được đâu.”
Tôi nói thế, mấy cô em gái mới thôi ỉ ôi vì biết có làm thế nào cũng không lay chuyển được tôi. Nhưng hôm sau, tôi không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra chỉ còn mười ba thay vì mười bốn thợ gặt.
“Vắng ai vậy?” Tôi hỏi.
“Ồ, cậu chủ không biết sao?” Bill Dadds nhìn tôi nghi hoặc. “John Fry đi trước khi xong bữa sáng mà.”
“À!” Tôi đáp. “Chắc chú ấy đi công chuyện gì đó.” John Fry bây giờ giống như kiểu quản đốc vậy, do đó tôi nên giữ thể diện và uy tín cho chú. Tuy nhiên, tôi quyết định sẽ gặp riêng chú để “xử lý”.
Hôm ấy, trời tối mịt tôi mới về đến nhà, gần như kiệt lực, chẳng thấy Annie nấu bữa tối hay Lizzy đọc sách bên bếp lửa, ngay cả cô bé Ruth Huckaback cũng không ngồi trầm tư ngắm mấy cái bóng đen. Chưa giận đến mức đỉnh điểm, tôi vào phòng các em, thấy cả ba đang háo hức lắng nghe John Fry say sưa kể về một chuyến phiêu lưu vĩ đại nào đó. Bên cạnh John là bình rượu lớn, chiếc sừng bò đã cạn. Rõ ràng chú tự coi mình là anh hùng, hình như các cô gái cũng có cùng ý nghĩ.
“Hay quá, chú John.” Em gái tôi hớn hở. “Chú thật là quả cảm. Nào chú, kể chúng cháu nghe phần còn lại đi.”
“Chuyện vớ vẩn gì thế này?” Tôi lớn giọng. Cả đám giật thót sợ hãi, khuôn mặt tỏ vẻ hốt hoảng dưới ánh nến mỡ cừu. “John Fry, chú về với vợ ngay đi, nếu không chú sẽ có ngay thứ tôi nợ chú đấy, thay vì sáng ngày mai.”
John không đáp, chỉ gãi gãi đầu và nhìn ba cô gái cầu cứu.
“Anh mới là người nên đi đi ấy.” Lizzie nói, nhìn thẳng vào tôi bằng tất cả sự láo xược khắp thế gian cộng lại. “Ai cho anh cái quyền tự tiện vào phòng con gái thế?”
“Được lắm, cô Lizzie, anh nghĩ mẹ có quyền ở đây đấy.” Dứt lời, tôi đi tìm mẹ vì biết bà luôn về phe tôi, không bao giờ cho phép nhà loạn lên như thế. Nhưng Annie kịp nắm lấy cánh tay tôi, còn cô bé Ruth đứng chắn ngay cửa. Lizzie nói: “Anh đừng có hồ đồ thế, John. Bọn này biết những việc làm của anh rồi, ngoài sức tưởng tượng của anh đấy.”
Nghe thế, tôi liếc sang Annie, có ý hỏi có phải em đã kể hết chuyện của tôi rồi không, nhưng nhìn nét mặt thành thật, trong sáng của em, tôi lập tức an tâm.
Annie ôn tồn nói: “Lizzie, chính em mới là hồ đồ đấy. Anh John nhà chúng ta chưa làm điều gì đáng xấu hổ cả. Hơn nữa, anh ấy làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để nuôi sống cả nhà chúng ta, anh ấy có quyền muốn ra lúc nào thì ra, muốn vào lúc nào thì vào mà không cần sự đồng ý của một cô em gái kém anh ấy những năm tuổi. Nào John, anh ngồi xuống đi, anh sẽ biết tất cả mọi chuyện, dù em không chắc là anh có tán thành hay không.”
Nghe thế, tôi hôn Annie, Ruth cũng vậy, còn John Fry thì trông thoải mái hơn nhiều, nhưng Lizzie chỉ cau mặt nhìn chúng tôi. Rồi em Annie bắt đầu:
“John à, anh thừa hiểu là bọn em rất muốn biết ông trẻ Reuben đến đây để làm gì, nhất là vào thời gian này trong năm, khi ông bận rộn nhất. Ông không bao giờ hạ cố đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, cũng không nói lý do. Rõ ràng ông chẳng biết gì về con gái chúng em. Nếu Ruth biết mà không cho bọn em biết thì đơn giản thôi, vì bọn em chỉ cần hai, ba ngày là thuyết phục được Ruth tiết lộ. Nhưng Ruth chẳng biết gì hơn bọn em cả, công bằng mà nói, chị ấy cũng khá tò mò. Lẽ ra bọn em không đến nỗi phải cố tìm cho ra lẽ như thế, nếu không phải vì ông sáng nào cũng lấy con Dolly cưng của em, cứ như thể nó là của ông vậy, và cưỡi nó đi đâu không biết, đến tối mịt mới mang nó về trong bộ dạng nhếch nhác. Vậy mà ông còn không biết điều. Khi em bảo Dolly là của em, ông nói rằng chúng ta nợ ông một con ngựa lùn nữa chứ. Ý ông là con ngựa nhỏ mà anh tìm thấy ông bị cột chặt trên lưng nó ấy. Chưa hết, ông còn nói sẽ cưỡi con Dolly về Dulverton, bắt nó kéo xe hàng. Ông thật là... hết chịu nổi. John này, anh để ông lấy con Dolly chứ?”
“Làm gì có chuyện đó.” Tôi nói. “Không nhớ lần trước anh nói gì à? Ông mà đòi con ngựa lùn nữa, anh sẽ cột ngay ông lên lưng nó, dẫn tới cái chỗ anh tìm thấy ông hồi nọ cho mà xem.”
Annie bật cười lanh lảnh hệt tiếng chuông ngân, tiếp tục câu chuyện.
“Bọn em cứ bứt rứt không yên. Anh không hiểu được đâu. Tối nào em cũng ra ôm con Dolly tội nghiệp, hôn nó và nài nó kể em nghe nó đã đi đâu, đã nhìn thấy gì hôm đó. Nhưng Dolly không phải là vật cưỡi của nhà tiên tri Balaam nên đâu có nói được gì, dù nó đã cố bằng cách rũ tai và đảo mắt. Rồi em nhờ John Fry cột vào đuôi nó một dải ruy băng trắng, kiểu trang trí vậy để em có thể lần theo nó giữa các ngọn đồi, chừng một, hai dặm gì đấy. Nhưng ông trẻ Ben quá tinh, trước khi đi, ông cắt phăng sợi ruy băng, còn bảo không muốn người của gia tộc Doone đuổi theo. Hết cách, em nghĩ đến anh vì biết anh chạy rất nhanh, rồi em rủ Ruth và Lizzy cùng thuyết phục anh, nhưng anh thẳng thừng từ chối. Thế là bữa tối hôm đó không có món tráng miệng.
Dù có thế, bọn em vẫn không thối chí. Càng khó khăn, bọn em càng quyết tâm. Đêm qua, ông trẻ Ben tỏ ra rất lạnh lùng, dù bọn em làm đủ cách để ông vui. Nên bọn em đưa ông vào giường rất sớm, bàn bạc nhau tìm hướng giải quyết. Anh đó, giờ còn tập tành hút thuốc. Thật đáng ghét. Anh không nhớ bữa tối sơ sài hôm trước và không rút ra được bài học gì sao?”
“Cái gì?” Tôi sững sờ kêu lên. “Anh không bao giờ để em nấu bữa tối cho anh nữa đâu. Anh tưởng em rất hối hận.”
“Em có hối hận, rất hối hận. Nhưng bọn em vẫn phải làm việc cần làm. Trong lúc bọn em bàn bạc, Ruth, vốn là người thông minh nhất, gợi ý bọn em nên nhờ một người nào đó đáng tin cậy giúp đỡ. Rồi em chọn chú John Fry. Vì tiền, việc gì chú ấy cũng làm.”
“Không phải vì tiền, làm ơn đừng nói thế, cô chủ.” John Fry nói, nốc một hơi bia. “Mà là vì yêu mến khuôn mặt khả ái của cô.”
“Vâng, chú John, và bên kia là mặt Đức vua. Thế là Lizzie chạy đi tìm John Fry ngay, bọn em hướng dẫn chú ấy kĩ càng cách lẻn đi lúc mọi người còn đang ăn sáng để không bị ai phát hiện ra, rồi chạy đến chân thung lũng nhỏ hẹp bên sườn núi, nơi sẽ thấy con ngựa lùn của em. Vậy là, không kịp dùng điểm tâm, chú đi một mạch ngược lên thung lũng, theo con đường ông trẻ Ben đã đi, lên đỉnh quan sát cẩn thận kẻo bị phát hiện.”
“Vậy chú thấy gì, John?” Tôi nôn nóng hỏi, dù không muốn tỏ ra hiếu kỳ quá mức.
“John đang sắp kể đến đó thì anh vào. Đúng lúc thật đấy.” Lizze đáp, giọng ngoa ngoắt.
“Vậy để chú ấy kể tiếp đi.” Tôi nói. “Câu chuyện giờ đi quá xa rồi, nên anh cần biết mọi thứ, vì lợi ích của các em và mẹ.”
“Hứ!” Lizzie đanh đá, nhưng tôi không thèm quan tâm, vì nó luôn là đứa khó bảo. Thế là John Fry hớn hở kể tiếp. Vì cách kể của chú không được mạch lạc bằng Lorna, vậy nên tôi mạn phép kể lại dưới đây súc tích hơn, dựa theo đúng câu chuyện của John.
Khi John cưỡi con ngựa lùn của mình (chú khá là vất vả với con này vì mõm nó hệt như cái xô vậy) đến đỉnh thung lũng hẹp, dài, cách nông trại Plover's Barrows chừng hai dặm hoặc hơn về phía nam, chú dừng ngay trên đỉnh, bước xuống, nấp sau một bụi việt quất và nhìn về phía trước. Xung quanh rải rác vài đầm lầy và những bụi cây. Vì chuyên chăn dắt cừu và tìm gia súc đi lạc nên John Fry biết rõ mình đang ở đâu, dù nơi này cách nông trại khá xa. Tất cả là nhờ ơn lũ bò cái đang có con nhỏ. Chúng giở mánh khóe để giữ lại sữa cho bê con bằng việc lánh đi thật xa, bất chấp nơi đó cằn cỗi, trơ trụi thế nào. Lũ bò nhà tôi đương nhiên cũng thuộc cái mánh này, tôi có nghe vài người phàn nàn.
John Fry, như tôi đã nói, biết nơi này khá rõ, nhưng chú (cũng như mọi người dân trong vùng) cực chẳng đã mới đặt chân đến. Kỳ thực là khắp vùng Thomshill, Larksborough và hầu hết Black Barrow Down có tiếng là bị nguyền rủa. Có một chuyện ai cũng biết nhưng tránh nhắc đến là vào một sáng mùa hè, vài người chăn cừu trông thấy ngay cả giữa ban ngày ban mặt địa chủ Thom, người đã bị sát hại tại đó một thế kỷ trước hoặc hơn. Ông vừa đi vừa cầm đầu của mình bên tay trái, còn tay phải giơ về phía mặt trời.
Tính ra John cũng khá là gan khi dám một mình băng qua con truông, ngay cả với con ngựa phi nước đại, cùng ít rượu whisky giắt bên hông. Tôi cá là chú làm điều này không phải vì khuôn mặt khả ái của em Annie, hay đồng guinea vàng ba cô gái góp lại để trả công, mà là vì không thắng nổi sự tò mò. Chú cẩn thận nhìn khắp lượt con truông từ đằng sau lùm việt quất. Thoạt đầu, chú chẳng phát hiện điều gì khác lạ, ngoại trừ ba, bốn con thú hoang đang lang thang tìm cái ăn trong vô vọng, một con cừu bị đuổi ra đây vì bệnh, và vài con quạ thối tha chực chờ bên nó. Ngay khi khấp khởi mừng vì sắp được về nhà, chú bỗng thấy thấp thoáng một dáng người chuyển động ở xa tít trên Black Barrow Down, nhìn không rõ lắm nhưng hình như người này đang đi ngựa, rất cẩn trọng vì sợ đầm lầy và rắn rết. Vì nơi này nổi tiếng là vương quốc của rắn độc, giỏi cả bơi lẫn trườn.
John biết ngay đó chính là ông trẻ Ben, vì người của gia tộc Doone chưa từng đi ngang qua lối này, còn cánh chăn cừu thì không đời nào dám. Nơi này khá nguy hiểm đối với người không có vũ khí, nhất là người đó lại đi theo dõi một người có vũ khí không thích bị theo dõi, và có thể đang đeo đuổi một mục tiêu đen tối nào đó nên mới đặt chân tới nơi hoang vắng, u ám thế này. Nhưng John Fry không cưỡng lại được sự tò mò, muốn tìm hiểu xem ông già đó, một kẻ xa lạ, một người giàu có, đang yên đang lành không biết muốn kiếm thứ gì mà cứ bí bí hiểm hiểm như thế. Vả lại, chú quá phấn khích với hy vọng khám phá một bí mật tày trời nên nhất quyết theo vụ này tới cùng.
Vì sợ bị lộ, chú chờ một lúc cho đến khi ngài Huckaback rẽ trái vào một con mương nhỏ mới nhảy lên lưng ngựa, băng qua vùng đất gồ ghề, lởm chởm, khéo léo đi qua các bãi lầy nhanh nhất có thể cho đến khi đến gần lối vào con mương chừng nửa giờ sau. Chú nhắc mình cẩn trọng vì ông trẻ Ben có thể đã dừng ở đó, hoặc cho ngựa nghỉ ngơi, hoặc đã đến cuối hành trình. Dù thế này hay thế khác, John gần như tin rằng mình sẽ bị bắn, thế thì sẽ không còn ai nghe nói đến chú nữa. Do vậy, chú lái con ngựa lùn đi chệch sang lối vào con mương, nhoài người ghé mắt nhìn quanh góc đá, trong khi con ngựa gặm cây thạch nam.
Con mương trống trơn. Chú bèn nhanh chân đi vào trong, tim đập loạn xạ. Sau chừng nửa dặm hoặc hơn, chú thấy nó rẽ nhánh, bên trái dốc ngược lên trên, bên phải đổ xuôi xuống dưới. Có một ít cát vàng rải đây đó giữa đám cỏ héo khô, chú quan sát kĩ lưỡng để tìm dấu vết của ngài Huckaback.
Ít nhất chú tin chắc ông già đã rẽ phải, thế là chú đi theo lối đó trong nỗi sợ hãi tột độ, ao ước rằng mình đã không làm chuyện quá dại dột, nguy hiểm này. Chú không biết mình đang ở đâu, cũng không dám nghĩ đến vì đã nghe kể về một cái hố khủng khiếp nằm đâu đó trong vùng này có tên gọi là Wizard's Slough. Vì vậy, dù không muốn, chú vẫn phải cưỡi ngựa xuống dốc, hết sức cẩn trọng. Đường đi mỗi lúc một khó; con ngựa chổng hai vó sau lên chống đối dù đã quen với những con đường gập ghềnh nhất. John vừa mới thầm quả quyết rằng Chúa muốn gửi đến lời cảnh cáo thì con đường thình lình tối và sâu hơn khi chú rẽ vào một cái góc, trông thấy một cảnh tượng khiến chú đứng khựng lại.
Ngay trước mặt chú chính là hố tử thần Wizard’s Slough đen ngòm như địa ngục và sủi tăm, bao quanh là cỏ úa mọc lơ thơ. Bên ngoài vòng tròn cỏ úa là màu xanh mời mọc, dụ bất kỳ bàn chân khinh suất nào bước xuống để nhận lấy kết cục lún và chìm. Trên mép hố là cây hoa chuông xanh, cây gọng vó, cỏ lưu ly - những thứ luôn hấp dẫn bọn trẻ con. Hai bên rải rác những búi cây cói, cây irít, cỏ tai hùm và một ít cây tống quán sủi chìm trong nước. Không hề thấy chim chóc hay nghe tiếng hót nào của chúng, chẳng gà gô, chẳng se sẻ, chẳng chích chòe.
Về cái đầm lầy khủng khiếp nhất ở Exmoor, John đã nghe bà nội và mẹ chú kể mỗi khi họ muốn chú bớt quấy phá, nhưng cha chú không dám nhắc tới vì ông là một người sùng đạo, kiêng dè ma quỷ. Điều đó càng khiến John muốn nhìn nó kĩ hơn và giữ tư thế sẵn sàng quay ngựa phi nước đại nếu có chuyện gì xảy ra. Tính ra chú cũng khá là cảnh giác và tỉnh táo dù trơ trọi một thân một mình tại nơi hoang vắng như thế. Cách bên kia đầm lầy vài trăm mét, nơi đất ít hôi thối hơn, chú trông thấy một cái cây bị đốn ngã nằm vắt qua một cái hố lớn, xung quanh là những mảnh gỗ cong, mấy phiến đá, ít sỏi vàng. Tầm nhìn bị che khuất bởi đám cây irít mọc xung quanh bãi lầy nên chú không thể xác định được nó là thứ gì, ngoại trừ việc trông nó có vẻ bí hiểm và có thể liên quan đến yêu thuật. Nhưng con Dolly có vẻ bình yên vô sự vì vẫn còn sống nhăn. Nó được cột vào một gốc cây cách đó không xa, đang phe phẩy đuôi đuổi ruồi.
Khi John đang thầm run, sợ con Dolly đánh hơi được mùi con ngựa của chú và hí lên thì lộ hết, dù nó chẳng thể trông thấy chú, chú chợt trông thấy một thứ gì đó màu trắng trồi lên khỏi cái hố, dưới gốc cây màu nâu. Cảnh tượng đó khiến máu của chú như đông cứng, nhưng chú không thể xoay người bỏ chạy, thay vì thế, chú áp mặt vào giữa những tảng đá, cố ghìm hai vai đang run lẩy bẩy, cầu nguyện. Tuy nhiên, cái thứ màu trắng đó không có gì quá khủng khiếp; nó chỉ là một chiếc mũ ngủ chóp dài có núm tua bên trên mà bọn tội phạm thường đội lúc hành hình. Nhưng khi John trông thấy khuôn mặt đàn ông bên dưới chiếc mũ sau khi cổ và đôi vai từ từ trồi lên khỏi hố, chú tin rằng đây chính là nơi bọn sát nhân đến để được hồi sinh, theo câu chuyện của dân Exmoor. Chú biết tuần trước có người bị treo cổ, và hôm nay là ngày thứ chín.
Chú không lấy đâu ra thêm can đảm để mà đứng yên đó, đợi xem người nọ biến thành cái gì, mà vội nhảy thốc lên ngựa, phi nước đại luôn. Chú cũng không dám về bằng đường cũ, sợ phải đối mặt với Black Barrow Down! Do vậy, chú phi ngựa theo lối khác dẫn về phía Cloven Rocks, sau khi chạy hết tốc lực suốt một giờ và nốc cạn whisky, chú may mắn gặp được một người chăn cừu, anh ta đưa chú về một ngôi nhà chung đâu đó gần Exeford. Tại đây, chú mất bình tĩnh đến độ cần một gallon rượu và nửa đùi lợn muối xông khói mới gọi được hồn vía về nhập xác. Sau đó, chú cẩn thận men theo con đường mòn quen thuộc của lũ cừu, về nhà trước lúc trời tối.
Cuối cùng, Fry cũng kể xong chuyện, sau những tiếng ố á của Annie, Lizzie và cả những lời khen ngợi về lòng dũng cảm của chú, nhưng vẫn lợn cợn chút thất vọng vì chú đã không nán lại thêm một lát để kể được nhiều hơn. Tôi nghiêm giọng bảo chú:
“John này, chú mơ hết một nửa rồi đấy. Chắc chắn là chú ngủ quên sau khi nốc cạn whisky. Chú không đi qua con truông nào hết. Chú vốn giỏi nói dối mà, John.”
Nghe thế, các cô gái giận đùng đùng, đưa tay bịt miệng tôi. Nhưng tôi vẫn chằm chằm nhìn John, chờ chú đáp.
“Đúng là tôi hay nói dối thật.” John nói, nhìn tôi thành khẩn. “Đàn ông là thế mà. Nhưng chuyện này thật một trăm phần trăm đó cậu chủ. Thề có Chúa.”
“Tôi tin chú nói thật, John. Xin lỗi chú. Câu chuyện lạ lùng này chú đừng có hé răng với bất kỳ ai nhé. Để tôi tìm hiểu xem sao. Tôi đang nghĩ đến nhiều khả năng lắm, nhưng chưa đến lúc cho chú và các em biết.”
Họ tỏ vẻ không hài lòng nhưng tôi không thể nói nhiều hơn, và khi họ nằng nặc đòi, dọa sẽ ngủ ngoài cửa phòng tôi suốt đêm, tôi bảo:
“Thôi nào, đừng có ngốc. Chuyện này biết đến thế là quá nhiều rồi. Anh cẩn trọng cũng là vì các em thôi. Anh đang nghĩ đến một khả năng, nhưng rất có thể không đúng. Anh chưa thể cho các em biết bây giờ được, cũng không muốn làm các em tò mò.”
Annie bĩu môi, Lizzie cau mày, còn Ruth trố mắt nhìn tôi, nhưng không ai nằn nì thêm nữa. Tôi thấy nếu trong ba người (lúc này John Fry đã ra về), chọn ra một người để san sẻ bí mật, đó dứt khoát là Ruth Huckaback.