C
hẳng có gì tồn tại dài lâu, ngay cả mùa đông dài nhất trong tất cả các mùa đông. Trong mỗi tác phẩm, văn hào William Shakespeare đều quả quyết như vậy với tâm trạng u uất. Nếu chuyến đi của tôi đến London chẳng giúp tôi tiến bộ gì mấy, nó lại đưa tôi ngược trở lại trăm năm trước bằng một sự việc rất tình cờ.
Bên kia đường, có hai phụ nữ đang nhoài người ra cửa sổ trên lầu, cãi nhau rất kịch liệt, tôi nhanh chân tìm cái góc gần nhất để tránh bị vạ lây. Bất thình lình, một vật gì đó rơi xuống đầu tôi. Thoạt tiên, tôi không dám nhìn lên, nhất là vì nó khá nặng. Khi không nghe thấy tiếng đồ sành sứ đổ vỡ, chỉ có người đàn bà ngoa ngoắt kia cười ha hả, tôi ngoái đầu lại, trông thấy một cuốn sách, một bà đã dùng nó để ném bà kia, mục đích là làm vỡ cửa kính nhà bà kia. Tôi bèn nhặt cuốn sách lên, để nó nơi cửa ngôi nhà mà từ đó nó rơi xuống. Ngay lập tức, người trông nhà xuất hiện, đứng ở cửa, tuyên bố nó không phải của nhà họ, xin tôi đừng nói thêm lời nào. Tôi vội hứa ngay vì không muốn gây hiềm khích với bất kỳ ai. Tôi bảo: “Thưa ông, ông nhận lại cuốn sách đi. Tôi phải đi làm tiếp công việc của mình.” Nhưng ông ta đáp rằng mình không thể nhận cuốn sách được vì nó bị ném quá mạnh, sẽ là bằng chứng kết án người nhà ông ta tội tấn công; ông ta xin tôi cho cuốn sách vào bên dưới áo khoác rồi cứ thế đi đi. Tôi đồng ý nhưng không hoàn toàn làm theo lời ông ta, vì tôi không cho cuốn sách vào bên dưới áo khoác mà cứ thế cầm đi công khai, mặc kệ ai nói gì thì nói. Cuốn sách đó không chỉ là niềm vui của thời thanh niên và giai đoạn trưởng thành, mà còn là niềm an ủi, sự hy vọng của tôi trong những năm tháng bước vào tuổi xế chiều. Nói tóm lại, với tôi, nó gần như là cuốn Kinh thánh. Nó cũng được viết bằng tiếng Anh, và nếu quý vị phát hiện ra bất kỳ điều gì hay ho trong lối hành văn thiếu chặt chẽ của tôi, xin đừng khen tôi, John Ridd, mà hãy dành lời khen tặng cho đại văn hào giữ đai vô địch về sự hiểu biết và trí thông minh ấy, cũng giống như tôi đã có thời đạt được trong môn đấu vật vậy.
Không có gì kéo dài, kể cả cơn giận của một phụ nữ, nếu cô ta là người biết điều. Mẹ tôi là người biết điều nhất trong tất cả, không thể giận Faggus mãi được, nhất là khi bà nhớ lại lời của Annie rằng một thanh niên vốn thích phiêu lưu, ưa thay đổi thì không thể ổn định cuộc sống mà không có chút nuối tiếc, dù cuộc sống mới an toàn, trong sạch đến thế nào. Giả sử có thế đi nữa thì Tom vẫn xứng đáng được tin tưởng vì đã chế ngự được bản chất của mình; khó mà trách cậu được khi cậu có động cơ chính đáng. Annie cũng không hiểu làm thế nào mẹ có thể khiến việc đó hài hòa với sự hiểu biết của mẹ về Kinh thánh, con cừu bị mất, mẩu bạc thứ một trăm và người hành hương đến Jericho.
Lập luận của Annie có hợp lý hay không, tôi không biết nữa, nhưng theo tôi, em không nên lấy người lữ hành Jericho ra làm ví dụ, bởi vì anh ta tình cờ nhập bọn với những người như Faggus, hơn là giống họ. Tuy nhiên, lý lẽ của em thuyết phục được mẹ, Tom được giải oan, hơn thế còn được xem như người bị tổn thương. Nhưng tôi không thể hiểu làm thế nào mẹ biết được những gì Tom nói về sợi dây chuyền là đúng, dù chắc chắn bà có thể giải thích.
Để chứng minh mình đúng, bà đích thân đi tìm Lorna, đưa em đến để Tom có thể kiểm tra món nữ trang đó trước khi trời tối. Lorna liếc nhanh điếu thuốc lá của tôi và mỉm cười (lúc này tôi đã hút đến điếu thứ ba). Tôi vẩy vẩy nó về phía em, có ý khoe “Em xem anh cừ chưa này”. Rồi mẹ đưa em tới chỗ sáng để Tom nhìn kĩ sợi dây chuyền.
Nó nằm trên chiếc cổ thanh tú của em như những hạt sương đọng lại trên cây huệ dạ hương. Tôi thấy bực vì Tom có cơ hội được xem nó ở đó. Không rõ là do em đọc được những ý nghĩ của tôi hay chính em cũng nghĩ như vậy, Lorna quay đi, nhẹ nhàng tháo sợi dây chuyền ra khỏi nơi làm tôn thêm vẻ đẹp của nó. Lúc em quay đi, sợi dây chuyền lấp lánh qua những lọn tóc đen. Rồi em đặt món trang sức ấy vào tay mẹ tôi. Tom cầm ngay lấy, đưa nó đến bên cửa sổ.
“Đừng có đi mất đấy.” Tôi nói. “Cậu không cưỡng được lòng tham của mình đâu nếu nó đúng là kim cương.”
“Jack à, ta phải đánh cậu mất thôi. Giờ ta là người có danh dự rồi, và có quyền yêu cầu một cuộc đấu tay đôi. Cái này cô bán bao nhiêu, cô Lorna?”
“Tôi không quen mua bán.” Lorna đáp. Em có vẻ không thích cậu lắm, nếu không đã đùa lại rồi. “Thế nó đáng giá bao nhiêu, theo ý anh?”
“Cô nghĩ nó đáng năm bảng không?”
“Ồ, không! Tôi chưa từng có nhiều tiền như vậy. Nó rất sáng và rất đẹp, nhưng không thể đáng giá năm bảng được, tôi dám chắc vậy.”
“Hời rồi! Tiếc quá, nếu không vì để tặng cho Annie, tôi giàu to rồi.”
“Tôi sẽ không bán đâu, anh có trả gấp hai mươi lần của năm bảng tôi cũng không bán. Ông nội tôi rất quý nó, tôi nghĩ nó thuộc về mẹ tôi.”
“Có hai mươi lăm viên kim cương hồng và hai mươi lăm viên kim cương lớn nhiều mặt mà ngay cả ở London cũng không tìm đâu ra được. Cô Lorna, thế một trăm ngàn bảng thì sao?”
Mắt Lorna sáng lóe lên khi nghe đến đó, sáng hơn bất kỳ viên kim cương nào, khiến tôi thầm nghĩ: “Ôi chao, ai cũng có khiếm khuyết; giờ tôi đã tìm thấy một khiếm khuyết ở Lorna - em mê tiền!” Rồi tôi thở dài, vì trong tất cả các khiếm khuyết, với tôi, dường như đó là khiếm khuyết tồi tệ nhất ở một phụ nữ. Nhưng trước khi dứt tiếng thở dài, tôi phải tự sỉ vả mình. Lorna lẳng lặng đón lấy sợi dây chuyền từ Faggus, lúc này vẫn còn đang chiêm ngưỡng nó, rồi đến bên mẹ tôi với nụ cười ngọt ngào nhất tôi từng thấy.
“Mẹ kính yêu, con rất mừng.” Em cất giọng thật khẽ. “Xin mẹ hãy nhận lấy nó, được không ạ? Con sẽ rất hạnh phúc vì không món trang sức nào trên thế gian này có thể sánh được với tình cảm mẹ dành cho con.”
Tôi không biết dùng lời lẽ nào để mô tả cho quý vị về thái độ lịch thiệp của em ngay lúc đó, mong nhận được đặc ân hơn là trao đặc ân, và sợ khiến mẹ cảm thấy tổn thương
- nỗi sợ cao quý nhất trong tất cả những nỗi sợ. Mẹ không biết phải nói gì. Đương nhiên mẹ chưa từng mơ nhận một món quà như thế, nhưng bà biết nếu bà không nhận, Lorna sẽ buồn và thất vọng. Do đó, theo thói quen, mẹ làm điều mà mẹ gần như luôn làm, đó là gọi tôi đến giúp. Vì biết mắt mình đang rơm rớm bởi xúc động, tôi vờ như không nghe thấy mà nhìn lảng sang một con mèo hoang đang uống sữa.
Thế nên tôi không biết mẹ trả lời Lorna ra sao. Lúc tôi quay lại vì nóng lòng muốn cho Lorna biết tôi kính trọng em và xấu hổ với chính mình đến thế nào khi nghĩ sai về em, tôi thấy Tom Faggus đã lại cầm sợi dây chuyền kim cương, giảng giải cho mọi người (nhất là Annie, lúc nào cũng tròn mắt ngưỡng mộ sự hiểu biết của cậu) về đá quý, cùng những cảm nghĩ của cậu về món nữ trang mà cậu đang cầm trong tay. Cậu bảo nó cổ thật, nhưng là loại kim cương có chất lượng tuyệt hảo. Chính ánh sáng rực rỡ làm nên giá trị của nó. Nếu các mặt của nó không tương xứng nhau, các điểm sáng không hòa hợp nhau, độ sáng của món trang sức sẽ chập chờn và ánh sáng trung tâm sẽ bị mờ, không thể chinh phục được bất kỳ ánh nhìn chiêm ngưỡng nào. Chúng tôi bật cười trước bài diễn thuyết của Faggus. Làm sao cậu biết tất cả những điều này vì suy cho cùng, cậu chỉ là một gã thợ rèn bình thường ở Northmolton? Cậu không hề tự ái, vì Annie nắm chặt tay cậu, tỏ vẻ khổ sở trước sự thiếu hiểu biết của chúng tôi. Rồi cậu bảo cậu có thể hoàn toàn chắc chắn một điều (tôi tin cậu), món trang sức này không thể thuộc về một gia đình hạ lưu được, mà phải là một trong những dòng họ cao quý, giàu có nhất ở Anh. Nhìn Lorna, tôi tin chắc em xuất thân từ một nguồn gốc cao quý hơn cả những viên kim cương có giá trị nhất.
Tom Faggus khẳng định sợi dây chuyền được làm tại Amsterdam, hai hoặc ba trăm năm trước, rất lâu trước cả khi những thợ kim hoàn ở London bắt đầu am tường về kim cương. Trên chiếc móc vàng, cậu thấy có vài chữ cái, chúng được khắc lộn ngược sao đó nên cậu không hiểu được. Ngoài ra còn có một hình vẽ, cậu tin đó là một con mèo hoang. Rồi cậu đòi một ly sơ náp nữa, hỏi liệu cô tiểu thư Lorna có thể pha cho cậu được không?
Tôi bất ngờ trước sự trâng tráo của cậu. Còn Annie, luôn nghĩ đó là việc của em, trông không được vui lắm. Tôi hy vọng Lorna sẽ bảo cậu tự đi mà làm lấy. Nhưng thay vì thế, em đứng lên pha rượu với vẻ hơi nhún nhường, khiến Tom chột dạ và ái ngại. Cậu đứng phắt dậy, tự chửi rủa mình, cầm lấy ly rượu ấm từ em, nhất quyết không để em làm gì nữa ngoài việc cho đường vào, rồi cậu cung kính cúi chào em. Tôi biết Lorna đang nghĩ gì - sợi dây chuyền này đã bị gia tộc Doone dùng vũ lực chiếm đoạt trong một vụ cướp bóc lớn nào đó, và Faggus biết sự việc đó, dù cậu không tỏ vẻ là mình biết, có lẽ đó là lý do mẹ từ chối nhận nó.
Suốt một thời gian sau đó, chúng tôi không nói gì thêm về sợi dây chuyền; người yêu tôi cũng không đeo nó vì em biết giá trị chứ không biết lịch sử của nó. Em đến tìm tôi ngay ngày hôm sau, cố tỏ ra vui vẻ, xin tôi nếu yêu em thì hãy cất giữ nó như trước đây, không cho em biết nơi cất cũng được. Tôi bảo rằng tôi không thể chiều ý em hoàn toàn; em đã đeo nó lâu như vậy, nó còn là một vật thiêng liêng, có lẽ đáng giá hơn cả triệu bảng. Cho nên nó phải ở gần tim tôi, nghĩa là không thể xa khỏi em. Nghe vậy, em nở nụ cười ngọt ngào, hôn khẽ lên trán tôi, và ước giá như em biết mình nên làm gì để xứng đáng với tình yêu của tôi.
Tom Faggus ra về ngay hôm đó. Tôi lấy làm mừng. Thực ra, Tom là người chính trực, theo tiêu chuẩn riêng của cậu, và quý vị hoàn toàn có thể tin tưởng cậu. Nhưng đôi lúc cậu có hơi quá, nhất là uống nhiều rượu quá mức cho phép; cậu còn cao giọng phán xét linh tinh. Đương nhiên, tôi cũng hoàn toàn tin tưởng cậu, vì tính bộc trực, ngay thật. Do vậy, chúng tôi rất hòa hợp với nhau. Cậu nghĩ tôi là một kẻ ngốc, còn tôi cố hết sức để không nghĩ thêm bất kỳ điều gì xấu về cậu.
Tom chưa khuất dạng, nước mắt Annie chưa kịp khô (em luôn khóc mỗi khi tiễn cậu ra về), thì ngài Jeremy Stickles đến, từ đầu đến chân lấm lem bùn, nét mặt kém vui, dù thích trở lại đây.
“Quỷ tha ma bắt bọn chúng!” Ông vừa kêu lên vừa giậm chân khiến nước bắn lên những cục than hồng. “Sứ giả của nhà vua gì mà khổ quá không biết! Annie, cháu yêu.” Ông lúc nào cũng niềm nở với Annie. “Cháu giúp ta cởi áo khoác với nào, rồi làm cho ta món chả nướng bằng bàn tay xinh xắn kia được không? Cả một ngày rồi ta chưa có miếng gì bỏ bụng.”
“Chắc là ngài đói lắm rồi ạ.” Em gái tôi hăng hái đáp vì em rất thích phục vụ người đang đói. “Ngài trở lại bình an, cháu mừng quá ạ!” Nhưng Lizzie, tình cờ có mặt ở đó, lên tiếng kèm theo nụ cười rất riêng của em.
“Nghe quen quá nhỉ? Có bao giờ ngài Stikcles trở lại mà không đói đâu.”
“Suỵt! Im đi!” Annie mắng em. “Đừng ăn nói thế chứ. Betty ơi, chuẩn bị mọi thứ hộ cháu với nào. Thịt lợn, thịt cừu hay thịt nai, thưa ngài? Chúng cháu có một ít thịt xông khói từ mùa thu ạ.”
“Thịt nai đi.” Jeremy Stickles đáp. “Từ hôm về đến nay, ta chưa được ăn lại món đó lần nào, dù vẫn thường mơ về nó. Ái chà, thế này tốt hơn là bị rượt đuổi trối chết khắp các con truông, John nhỉ? Suốt con đường từ cầu Landacre, ta cưỡi ngựa như bay để bảo toàn mạng sống quý giá. Ba tên Doone hộ pháp phi nước đại đuổi theo, may cho ta là chúng nó to lớn, dềnh dàng quá, nếu không đã bắt kịp ta rồi. Ra xem con ngựa ta thế nào với, John. Hôm nay nó đáng được ăn ngon đấy. Nó đã cứu ta và giờ đến lượt ta phục vụ nó.”
Nói nghe hay thế nhưng ông để mặc tôi làm gì thì làm, còn ông thì ăn uống, nghỉ ngơi. Con ngựa cần được chăm sóc thật; nó mệt đến mức gần như không đứng vững, bê bết bùn, thở hồng hộc. Lúc tôi tắm rửa, cho nó ăn uống xong xuôi, chủ nhân của nó cũng vừa dùng xong bữa, vui vẻ và sảng khoái, thậm chí tỏ ý muốn hôn Annie, chỉ là để cảm ơn, như ông nói. Nhưng Annie vội đáp rằng sự biết ơn không nên thể hiện bằng cách làm tăng bổn phận và nghĩa vụ. Jeremy nói rằng vậy thì cách duy nhất để ông tỏ lòng biết ơn là kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, dài hơn những gì tôi nhắc lại dưới đây, bởi nó không có ảnh hưởng gì đặc biệt đến vận mệnh của Lorna.
Lúc đang cưỡi ngựa về nhà chúng tôi từ thành phố Southmolton thuộc Devon, ông nhận thấy các con đường rất nhão và khó đi, nước túa ra từ mọi hướng; nhưng ông chẳng gặp mấy khó khăn cho đến khi tới cầu Landacre. Ông chỉ có mỗi một kỵ binh, một người không thuộc lực lượng dân quân mà thuộc quân đội Hoàng gia, được Jeremy mang theo từ Exeter. Khi hai người xuống cầu, họ quan sát thấy cả nước sông Kensford và sông Barle đều dâng cao, chảy xiết do tuyết tan. Dòng nước dữ dội đến mức sau khi chúng hợp lại, chỉ còn lan can cầu được thấy bên trên mặt nước, còn con đường nối hai bờ đương nhiên ngập sâu trong nước. Người kỵ binh thấy hoảng, đề nghị quay ngược lại, đi vòng bằng con đường qua Simonsbath, nơi dòng nước ít hung hãn hơn. Nhưng Stickles không đồng ý, ông phi ngựa xuống nước, cho nó bơi đến cầu. Ông tới được đó với chút khó khăn, nhận thấy nước không quá đầu gối ngựa. Trên đỉnh cầu, ông quay ngựa lại để quan sát đường đi của người kỵ binh và hướng dẫn anh ta; đột nhiên, ông thấy anh ta ngã cắm đầu xuống dòng chảy, lại nghe có tiếng nổ súng từ đằng sau, cảm thấy người giật nảy lên như thể muốn bật ra khỏi yên ngựa. Ngoái lại, ông trông thấy ba gã đàn ông ngoi lên từ đằng sau hàng rào của con đường phía trước. Hai tên chuẩn bị lắp đạn lần nữa, tên còn lại đang ngắm vào mục tiêu là ông. Jeremy bèn làm một việc táo bạo mà tôi không tin mình có thể nghĩ ra được nếu rơi vào tình huống cấp bách tương tự. Ông nhận thấy nếu để ngựa bơi ngược trở lại thì cầm chắc cái chết trong tay. Vì vậy, ông thúc ngựa chạy xuyên qua nước, tiến thẳng vào gã đàn ông đang chĩa súng vào mình. Nếu con ngựa bị hẫng chân thì chắc chắn Jeremy đã tới số, vì hai tên kia sắp sửa bắn một phát nữa vào ông. May mắn thay, con ngựa phi nước đại thẳng về phía trước, không cần bơi biếc gì cả, chắc chắn bản thân nó cũng phấn khích bởi tất cả những gì nhìn thấy và nghe thấy. Jeremy ôm lấy cổ con ngựa, nằm rạp người xuống để biến mình thành một mục tiêu khó nhắm bắn, bờm ngựa bay dữ dội trước mặt ông. Lúc đó, nếu như tên cầm súng có não nhạy bằng viên đá lửa thì đã bắn con ngựa trước rồi xử Stickles sau, nhưng thay vì thế, hắn bắn ông và trượt mục tiêu, có lẽ vì sợ họng súng lục Jeremy chĩa vào mình. Phi nước đại hết tốc lực, ngài Stickles cố nhắm mục tiêu đằng sau, mục tiêu của ông bây giờ là gã đàn ông to lớn nhất, lúc này đang nạp đạn và chửi thề ầm ĩ như thể mười khẩu súng thần công cùng bắn ra một lúc. Nhưng khẩu súng lục bị tịt, chắc là do nước ọc vào hai bao súng ngắn. Nhìn thấy ba con ngựa được cột vào một cánh cổng trên đồi, Jeremy biết rằng mình chưa thực sự thoát, đằng sau vẫn còn nhiều nguy hiểm chực chờ. Ông nhắm khẩu súng lục còn lại vào một trong ba con ngựa cột ở đó để làm giảm (nếu có thể) số người truy đuổi. Nhưng một lần nữa, súng lại tịt. Ông không dám dừng lại để cắt dây cương, bởi nghĩ ba tên kia đang đi lên đồi. Ông bèn tận dụng hết mức lợi thế hiện có, tạ ơn Chúa rằng trọng lượng mình cũng nhẹ, ít nhất là so với ba tên kia.
Ông cũng chú ý đến một điều nữa, nó nhen nhóm trong ông chút hy vọng thoát nạn; đó là ngựa của gia tộc Doone dù rất đẹp mã, sung sức nhưng vẫn còn chịu tác động của đợt sương giá kéo dài vừa qua cùng sự khan hiếm cỏ khô. “Nếu bọn chúng không bắt được ta hay bắn trúng ta trong hai dặm đầu, ta vẫn còn cơ hội nhìn thấy lại quê hương mình.” Ông thầm nghĩ khi từ sườn đồi quay lại để xem chúng làm gì. Ông trông thấy thung lũng chìm trong nước sóng sánh. Con ngựa của người kỵ binh ở bên kia, rung hai bên sườn ướt sũng và hí vang. Nửa đoạn đường xuống đồi, ông thấy ba tên Doone đang vội vã đi lên. Ngay lập tức, ông biết rằng cơ hội duy nhất của mình phụ thuộc vào sự kiên cường và sức bền của con ngựa.
Nó đang trong tình trạng khá ổn, ông biết rõ điều đó cũng như cách tận dụng hết khả năng của nó. Mặc dù hôm đó họ đã đi vài dặm trên những con đường bùn nhão khó khăn, nhưng nước sông đã rửa sạch bùn, giúp cả hai khỏe khoắn, tỉnh táo hơn. Stickles khích lệ con ngựa, thúc nó phi nước đại, thẳng tiến về phía Withycombe. Thoạt tiên, ông định rẽ phải, phi hết tốc lực đến Withypool, cách khoảng một dặm xuôi theo thung lũng, nhưng rồi lại nghĩ ở đó sẽ không có ai dám đứng ra bảo vệ ông chống lại bọn Doone, vậy nên ông quyết định tiếp tục con đường của mình, chạy nhanh hơn ông dự tính.
Ba tên côn đồ kia đuổi theo ông với tốc độ nhanh nhất có thể, chắc mẩm với chất lượng đường sá kém như thế này, chẳng bao lâu ông sẽ bị sa lầy trong tuyệt vọng, lúc đó, mạng ông bọn chúng cầm chắc trong tay. Đây cũng chính là điều Jeremy sợ nhất, vì đất nhão và lầy lội kinh khủng sau đợt sương giá cùng mưa tuyết kéo dài. Con ngựa đáng thương cứ thế phi bừa đi vì không còn thời gian để dò dẫm cẩn trọng tìm chỗ đất cứng, với tình trạng đường sá lầy lội thế này, việc không bị lún phụ thuộc vào may mắn hơn là kỹ năng. Jeremy cầu cho sương mù Exmoor sa xuống biết mấy (bình thường ông vẫn chửi nó), để ông có thể nấp bên vệ đường trong lúc những kẻ truy đuổi đi ngang qua. Nhưng sương mù làm gì có sẵn mà sa, cũng chẳng có trận mưa nào để làm ướt thuốc súng của bọn chúng, thậm chí chẳng có cánh rừng hay bãi đất trồng cây làm chất đốt nào ở gần đó, hoặc bất kỳ nơi nào để ẩn nấp. Chỉ có những ngọn đồi, con truông và thung lũng với những cái bóng lơ lửng bên trên, cùng những đụn tuyết ở các góc. Có một lúc, Stickles hoàn toàn tuyệt vọng, đó là sau khi phóng qua một con suối nhỏ vắt ngang qua đường ở Newland, ông sa ngay vào một bãi lầy. Con ngựa làm rách toạc lớp rêu, cây lách và cỏ dại. Lúc này, nó chỉ còn nước lún xuống, chìm nghỉm bên dưới làn nước đen kịt. Trong lúc chật vật xoay xở, Jeremy nhìn thấy ba tên kia lúc này đã lên đến đỉnh đồi, cách ông chưa đầy hai trăm mét, hú hét phấn khích. Dù tuyệt vọng nhưng tâm trí vẫn còn đủ bình tĩnh, ông quyết định cố thêm lần nữa. Ông bò qua đầu con ngựa tới chỗ đất cứng, kéo dây cương. Con ngựa đáng thương dồn hết sức lực và lòng dũng cảm, chồm hai chân trước ra khỏi bãi lầy, nhìn ông trân trối. “Nào, nào, anh bạn cừ của ta!” Jeremy khích lệ trong khi kéo dây cương, còn con vật gan dạ gồng mình, lấy sức bật lên bằng hai chân sau bị lún trong bãi lầy. Nó bật thêm lần nữa, lên được mặt đất cứng. Jeremy lập tức nhảy lên lưng nó, rạp người xuống. Ông biết bọn chúng sẽ nổ súng. Y như rằng, hai viên đạn xé gió sượt qua bên trên ông, con ngựa hoảng lên, phóng vút về phía trước. Trong vòng năm phút, ông đến được Exe, bỏ tít lại phía sau những tên truy đuổi. Suối Exe, dù nhỏ hơn nhiều so với sông Barle, giờ cũng chảy xiết, tung bọt trắng xóa. Không có cầu, con suối thì quá rộng để nhảy qua, nhưng ngựa của Jeremy đi tốt dưới nước. Khi họ tiến về phía đồi Lucott, đến được các nhánh sông hướng về dòng Lynn, ngựa của ba tên kia bắt đầu kiệt sức. Jeremy Stickles biết rằng nếu thoát được các bãi lầy thì ông được an toàn. Thế là ông đứng thẳng lên bàn đạp ngựa, hú lớn, như thể bọn kia chỉ là một bầy cáo.
Bọn chúng đồng loạt nổ súng về phía ông, nhưng khoảng cách quá lớn nên không viên đạn nào tới được chỗ ông mà chỉ cày xéo vu vơ trên lớp đất mặt bên vệ đường. Ông vẫy mũ, đặt ngón cái lên mũi trêu ngươi (người London thời thượng vẫn dùng cử chỉ đó khi muốn biểu lộ sự khinh thường). Bọn chúng vẫn tiếp tục đuổi theo, hy vọng tóm được ông nếu ông trượt ngã hoặc sa lầy. Nhưng vùng lân cận quanh dòng Lynn không lầy lội lắm, viên sứ giả của Đức vua giờ đã nắm rõ đặc điểm của con đường cũng như những kẻ truy đuổi mình. Thế là ông phi một mạch đến Plover’s Barrows an toàn, lòng đầy biết ơn, còn bụng thì đói ngấu.
“Thế người lính xấu số chết đuối rồi sao?” Annie hỏi. “Ngài cũng chẳng buồn đi tìm chú ấy xem sao nữa! Ôi, thật khủng khiếp!”
“Bị bắn hoặc chết đuối, ta không biết nữa. Tạ ơn Chúa vì đó chỉ là một kỵ binh. Đành phải thế thôi chứ biết sao. Giờ có là đại tá đi nữa thì cũng phải chấp nhận.”
“Thế nhỡ ngài bị đạn bắn trúng và nằm vắt trên lưng ngựa thì sao? Ngài có mặc áo giáp không, hoặc áo giáp lưới sắt Milan ấy? Ngài Stickles, có không?”
“Không, Lizzie. Ngày nay chúng ta không mặc những thứ đó. Ta thấy cháu có khuynh hướng thiên về những câu chuyện anh hùng hiệp sĩ thời Trung cổ nhỉ? Ôi, ta đã đánh đổ hết chai rượu mạnh lấy từ khách sạn George ở Southmolton mất rồi. Tiếc quá! Bọn vô lại, chúng có biết là rượu đó quý như thế nào không!”
“Tốt hơn hết là ngài nên tạ ơn Chúa đi.” Tôi nói. “Vì bọn chúng đã không làm ngài phải đổ một thứ chất lỏng còn quý hơn cả rượu.”