"C
hú em biết không…” Jeremy Stickles nói, rít một hơi thuốc dài và duỗi hai chân dọc theo chiếc ghế vì biết mình sẽ nói nhiều. “Bổn phận của ta là phải tìm hiểu kĩ lưỡng về người dân cũng như tất cả mọi thứ trong vùng này. Việc đó mất thời gian và nhọc nhằn hơn ta tưởng, nếu không nhờ sự tử tế của chú em thì hẳn ta đã không trụ nổi. Mọi người ở đây thật lạ lùng, lối nghĩ của họ khác với người London chúng ta. Ví dụ khi nghe nói về bất kỳ thông tin nào hoặc hành vi của bất kỳ người nào, câu hỏi đầu tiên nảy ra trong tâm trí của chú em sẽ là: “Hành động ấy có tử tế, tốt đẹp không?” Lâu sau, chú em lại nói với chính mình: “Luật pháp có cấm điều này không?” Còn đối với người London văn minh, câu hỏi trước tiên sẽ là: “Về điểm này, luật pháp có giá trị như thế nào?” Nếu luật pháp chấp nhận, không cần phải tra hỏi thêm. Chú em hãy tin ta, vì kiến thức của ta về luật pháp khá rộng.
Ta không cần nói thêm về điều đó nữa bởi ta đã chỉ ra cho chú em thấy chú em hoàn toàn sai. Ta chỉ nói về xu hướng thiếu văn minh ở đây thôi, vì nó dẫn đến quá nhiều điều làm ta bối rối, nhất là sự tử tế đối với người lạ - điều này hoàn toàn bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao dân nơi đây lại dung túng cho gia tộc Doone sống ngoài vòng pháp luật quá lâu đến như vậy. Nếu chú em có cái nhìn đúng đắn về luật pháp, bọn Doone không bao giờ có cơ hội sống nhởn nhơ giữa những người dân lương thiện nơi đây. Lẽ ra chú em phải trừ khử cái ung nhọt đó từ lâu rồi mới phải.”
“Stickles!” Tôi kêu lên. “Điều này thật quá tệ! Ngài đã ở đây với chúng tôi gần cả năm trời nay rồi. Nếu họ không bắn ngài thì ngài có chịu tính đến chuyện ra tay trừ khử cái ung nhọt đó không?”
“Chú em à!” Ông đáp. “Lập luận của chú em chẳng ra đâu vào đâu cả, chỉ càng chứng minh rõ ràng điều ta đã nói với chú em thôi. Nếu chú em muốn nghe câu chuyện của ta thì đừng có cắt ngang nữa. Một buổi chiều cách đây sáu, bảy tháng gì đó, trước đợt sương giá kinh hoàng giờ nhắc lại vẫn còn khiến ta rùng hết cả mình, ta cưỡi ngựa từ Dulverton đến Watchett.”
“Dulverton đến Watchett!” Tôi kêu lên. “Điều đó nhắc tôi nhớ đến chuyện gì nhỉ? Tôi chắc chắn mình nhớ điều gì đó…”
“Nhớ điều này này, John, nếu chú em mở miệng chen ngang lần nữa thì khỏi nghe chuyện của ta luôn nhé! Có lẽ ta hơi mệt sau chuyến đi đến Dulverton mà chẳng nên cơm cháo gì. Dân ở đấy nhất định không cho ta biết gì về đồng hương của mình, ông trẻ Huckaback đáng kính của chú em, ngoại trừ việc ông ta là một người kính sợ Chúa, và họ ước ta giống ông ta. Ta thấy mình thật ngốc vì tưởng đâu sẽ moi được tin tức gì từ họ. Đương nhiên ta cảm thấy việc mình tra vấn hại nhiều hơn lợi, bởi vì bọn họ thể nào cũng chạy ngay đến chỗ ông ta để báo rằng có người của Đức vua đang điều tra về ông ta.”
“A!” Tôi không thể nén được, kêu lên. “Rốt cuộc ngài cũng đã hiểu chúng tôi không hẳn là một bầy đần độn và vụng về như ngài tưởng lúc đầu.”
“Ta đang cưỡi ngựa từ Dulverton…” Ông kể tiếp, không buồn dọa tôi nữa, nhưng nét mặt nghiêm nghị của ông đối với tôi mà nói còn đáng sợ hơn cả năm mươi lời đe dọa. “Lúc này chiều tắt nắng rồi, ta bắt đầu thấy mệt. Con đường (nếu nó có thể được gọi là đường) đột ngột ngoặt xuống, chạy đến mép biển rồi vòng quanh phần nhô ra của một vách đá. Ta nghe tiếng vỗ của những cơn sóng lớn. Con ngựa thất kinh nhảy sang một bên; gió từ phía bắc đang thổi rít, đẩy những mảng bọt dập dềnh, hệt như bọn trẻ con ném bóng tuyết. Chân nó chỉ lún xuống cát khô đến khuỷu trên móng, ta cố giúp nó bình tĩnh đối mặt với những cơn sóng, rồi đưa mắt nhìn xung quanh.
Không thấy thị trấn Watchett đâu cả, vì mũi đất nhỏ nhô ra biển một dặm hoặc hơn, ngay bên phải ta. Không gian bên dưới những vách đá đủ rộng cho ngựa và người đi men theo (nhưng chắc không vừa với chú em đâu), dù thủy triều đang lên cao với sự hậu thuẫn của gió bắc. Thật bất ngờ, đập vào mắt ta là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm khuất trong một cái góc bên dưới cát vàng và rong.
Chú em biết đấy, ta không thuộc típ người ưa hưởng thụ, mê cuộc sống xa hoa hay ham hố xác thịt. Cha ta không bao giờ để tóc mình dài quá một phân và ông vô cùng ngoan đạo. Ta luôn cố noi gương ông. Tuy nhiên, bắt gặp một ngôi nhà nhỏ tỏa ra ánh sáng ấm cúng trong lúc ngoài trời vừa tối vừa lạnh, biển cả thì cuộn sóng làm khơi dậy bản tính Adam nguyên thủy trong ta. Ta không thích nhà có quá nhiều cửa sổ. Chú em biết đấy, ta lang bạt ngoài đường hết ba phần tư cuộc đời rồi nên khi vào một ngôi nhà, ta muốn cảm thấy một sự khác biệt. Không khí và ánh sáng chỉ dành cho những kẻ ít ra ngoài, nếu người nào nói về chúng một lần thôi là đủ để chứng tỏ anh ta cần chúng. Chú em biết rồi đấy, ngựa đi cả ngày, mặt trời chiếu lóa cả mắt rồi, nên chuồng tối sẽ giúp nó ngủ ngon hơn.
Do vậy, khi nhìn thấy cái quán trọ chỉ có bốn cửa sổ, ta thầm nghĩ chắc bên trong ấm lắm, có thể giúp ta đánh một giấc ngon lành. Vậy là ta ra hiệu cho con ngựa già dừng lại, nó chỉ chờ có thế vì bốn vó đã rã rời. Bọn ta leo lên trên một khoảnh đất nhỏ có cỏ mọc, gõ cửa nhà trọ. Ai đó đi ra, ghé mắt nhìn ta qua tấm lưới bên trên, rồi cái then được rút ra, một người phụ nữ lịch sự chào ta. Cô này có nước da sậm màu, trông như người nước ngoài, nhưng không phải là người xấu. Cô ta đợi ta nói trước (phụ nữ Anh thì đã không thế.)
“Ta có thể nghỉ đêm ở đây không?” Ta nói và khẽ nhấc mũ chào. (Cô ta không phải người tỉnh lẻ nên chắc chắn sẽ không nhìn ta chằm chằm vì cử chỉ lịch sự đó.) “Ngựa của ta bị mệt vì những bãi lầy, ta cũng chẳng hơn gì mấy. Vả lại, cả hai đều đói khát.”
“Vâng, đương nhiên rồi, thưa ngài, ngài có thể nghỉ lại. Nhưng về thức ăn, tôi e là chỉ còn ít, trừ những món thông thường. Cánh ngư dân đã kéo lưới, nhưng sóng lớn quá. Chúng tôi có - ngài gọi là gì nhỉ? Tôi chẳng thể nhớ được vì khó đọc quá - thịt của con lợn mà tẩm muối vào ấy.”
“Thịt lợn muối xông khói!” Ta nói. “Còn gì tốt hơn thế? Thêm nửa tá trứng ăn kèm và một lít bia tươi. Cô khiến ta đói ngấu rồi đấy. Là độc ác hay hiếu khách đây?”
“Chúa ơi!” Cô ta nở nụ cười vui vẻ, đầy ánh nắng phương Nam. “Ngài rõ ràng chẳng phải là người quanh đây. Ngài thông minh và hóm hỉnh!”
“Sức ăn của ta còn hơn thế. Rồi cô sẽ sửng sốt cho mà xem, thậm chí còn hơn cả trí thông minh của ta nữa.”
Cô ta bật cười, so vai, kiểu mà dân vùng chú em không thể làm, rồi cô ta gọi một cô hầu gái nhỏ dẫn ngựa của ta vào chuồng. Tuy nhiên, ta thích tự mình làm việc đó hơn, nên bảo cô ta sai cô hầu chuẩn bị chảo rán và trứng.
Không biết là do khiếu hài hước, tính cách lịch lãm của ta, hay sự tự do kiểu London cùng kiến thức rộng về thế giới, hay (giả thiết này xem chừng có khả năng nhất) chứng thèm ăn cố hữu và thói mê tỏi của ta, ta để chú em quyết định, John ạ. Nhưng có lẽ do cả ba thứ đó cộng lại nên ta tạo được ấn tượng mạnh đối với nữ chủ quán trọ quyến rũ kia. Ta nói “quyến rũ” là muốn ám chỉ cách ứng xử khéo léo, trí thông minh và nhất là tài nấu nướng của cô ta, chứ vẻ ngoài của cô ta đã thôi khiến đàn ông xao lòng bao nhiêu năm rồi ta cũng chẳng biết nữa. Cô ta bảo là tại thời tiết, và ta đáp: “Nếu có thay đổi gì thì cô cứ đổ lỗi cho thời tiết đi.”
Thôi, bỏ qua những bông đùa giữa chúng ta nhé! Ta (không phải tọc mạch đâu đấy) muốn biết trời đất run rủi thế nào mà một phụ nữ đẹp và thông minh, hơn thế còn tỏ ra rất khinh thường những người dân quê mùa sống lân cận, lại có thể sống trong quán trọ đơn độc ấy, chỉ có những cơn sóng bầu bạn và một người chồng cục mịch suốt ngày quần quật với công việc làm đồ gốm ở Watchett. Cái hình ảnh bên trên cửa quán - một con mèo xấu xí ngồi trên thân cây mục - có nghĩa là gì?
Tuy nhiên, trí tò mò của ta chẳng bao lâu đã được thỏa mãn. Khi biết ta là ai và ta đang thực hiện nhiệm vụ do Đức vua giao phó như thế nào (có thể được gọi là một sĩ quan), cô ta muốn kể cho ta nghe tất cả, thậm chí còn hơn cả những gì ta mong đợi được nghe. Từ lâu lắm rồi, cô ta đã ao ước được gặp ai đó vừa tài giỏi vừa đáng tin cậy, nhất là có giấy chứng nhận từ tòa án. Nhưng những viên thẩm phán của vùng này không đời nào muốn dính líu đến cô ta, tuyên bố rằng đầu óc cô ta có vấn đề, cô ta là một kẻ xấu xa, thậm chí là một người ngoại quốc.
Với vẻ mặt đau khổ, cô ta cam đoan nếu được làm theo ý muốn của bản thân thì cô ta không bao giờ chịu sống quá nhiều năm như vậy tại cái đất nước đáng ghét này, nơi mà bầu trời hết nửa năm đầy sương mù lạnh lẽo, nửa năm còn lại thì mưa dầm mưa dề. Thời tiết cũng khó chịu như vậy vào chính cái đêm định mệnh đưa lối dẫn đường cô ta đến đây. Kể từ đó, nó cứ như thế, khiến cô ta chán ngán. Thể theo nguyện vọng của ta, cô ta cho ta biết lý do tại sao cô ta ở đây. Ta sẽ kể lại cho chú em nghe, ngắn gọn thôi nhé!
Cô ta vốn là người Ý, sau khi bị người tình phụ bạc, cô ta từ vùng núi Apulia đến Rome, trong lòng ấp ủ hy vọng một cuộc sống giàu có, thành công. Tên thánh của cô ta là Benita. Vốn là một cô gái nhanh nhẹn, năng động, muốn tự mình xoay xở cuộc sống, cô ta tìm được việc làm trong một khách sạn lớn. Công việc dần tiến triển, cô ta bắt đầu gửi tiền về cho cha mẹ. Hẳn là cô ta sẽ tiếp tục cuộc sống như thế, cưới một tấm chồng, hạnh phúc bên dưới bầu trời chan hòa ánh nắng, nếu một ngày đen tối kia không dẫn lối đưa đường cho một gia đình người Anh giàu có và cao quý đến đấy, ao ước được nhìn thấy Giáo hoàng. Tuy nhiên, chẳng phải sự mong mỏi nhiệt thành được tận mắt thấy Đức giáo hoàng mang họ đến thánh đường St. Peter’s, mà là vì một vận xui biến ngôi nhà của họ thành chốn ngột ngạt. Mặc dù là tín đồ Công giáo chính thống, một người nhà của họ đã gây chướng tai gai mắt vì sự ích kỷ. Benita không biết giữa họ tồn tại mối thù hận cay đắng đến thế nào. Cô em gái của quý ông mới chết lúc đó đã cưới kẻ mà tất cả họ đều căm ghét. Liên quan gì đó đến việc chia chác đất đai mà Benita không rõ lắm.
Nhưng Benita biết chắc một điều, tất cả họ đều là người có uy thế, giàu có và hào phóng, nên khi họ ngỏ ý muốn thuê cô ta trông nom bọn trẻ, trò chuyện tâm tình với phu nhân, cô ta mừng rỡ đồng ý ngay, không hề hay biết có một kết cục bi thảm đang đợi mình phía trước. Cô ta rất yêu bọn trẻ vì sự đáng yêu của chúng, những thứ chúng tặng cô ta và cách ăn mặc của chúng. Nếu không được gặp lại chúng nữa, chắc cô ta buồn lắm.
Thế là cô ta đồng ý làm việc cho gia đình quý tộc Anh đó. Sau khi gửi cho cha một chiếc giày cũ được lèn tiền đầy đến miệng, cô ta giao phó đời mình cho số phận. Nhưng trước khi đi, cô ta biết mình không thể có một kết cục tốt đẹp vì chiếc lá nguyệt quế được ném vào lửa không phát ra tiếng nổ lốp bốp nào. Cô ta thở dài; thế thì còn làm ăn được gì?
Tuy vậy, thoạt tiên mọi chuyện diễn ra êm xuôi. Ông chủ rất vui vẻ. Benita chưa từng thấy người đàn ông nào tuyệt vời đến vậy và cũng trẻ con đến vậy. Nét mặt ông ấy lúc nào cũng hơn hớn; bất kỳ thứ gì cũng khiến ông ấy thích thú.
Nói đến đây, Benita chảy nước mắt, khiến ta càng thêm thích cô ta và tin tưởng cô ta hơn.
Cứ thế họ đi xuyên qua miền Bắc nước Ý, rồi miền Nam nước Pháp. Lúc đi xe ngựa, lúc đi xe bò, khi trên lưng la, thậm chí có khi đi bộ đến mệt phờ, nhưng ai cũng vui vẻ hết sức có thể. Bọn trẻ lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Cứ thế chúng lớn lên mỗi ngày (nhất là cô chị cả). Benita nhớ đến chiếc lá nguyệt quế, bắt đầu không tin vào điềm gở đó. Rồi một sự việc thình lình xảy đến khiến cô ta phải nghĩ lại.
Ông chủ, vẫn còn rất trẻ, tiếp tục cưỡi ngựa đi trước vì muốn là người đầu tiên thưởng ngoạn một quang cảnh nổi tiếng, dãy núi Pyrenees phía Pháp. Ông ấy hôn gió với vợ, bảo sẽ giúp bà tránh được mối phiền phức sắp tới. Thế là ông chủ rẽ qua một góc cua, cùng con tuấn mã phi nước đại mất hút.
Họ đợi ông ta hết ngày này sang ngày khác, nhưng ông ta không bao giờ trở lại. Một tuần sau đó, thi thể biến dạng của ông ta được chôn cất tại một nghĩa trang nhà thờ nhỏ.
Bà chủ ngụ lại đó sáu tháng - ấy là một câu chuyện sầu muộn (có câu chuyện thật nào lại không thế?) - không thể tin tất cả những nỗi sợ hãi của mình chẳng phải là một giấc mơ. Bà không chịu mặc đồ tang, không cho phép ai khóc hay buồn bã. Bà không tin vào điều đó, giao phó cho Chúa chỉnh đốn nó. Những tín đồ Tin lành thiếu đức tin không thể hiểu cảm giác này. Cứ như thế cho đến ngày bà theo chồng về với Chúa.
Vào mùa thu, tuyết rơi dày dưới chân dãy núi Pyrenees, nghĩa trang nhà thờ nhỏ chìm trong biển tuyết trắng xóa, nhiều người bảo bà chủ rằng đã đến lúc phải rời đi. Lý do thuyết phục nhất là giờ đây bà đang mang trong mình một mầm sống của chồng. Vậy nên khoảng cuối tháng Mười, khi lũ sói mon men tiến về đồng bằng, gia đình nhỏ đó lên đường trở về Anh.
Cách đây chừng mười hay mười một năm, họ dừng lại bên bờ Devonshire, lưu lại Exeter vài ngày, từ đó khởi hành trong một chiếc xe ngựa thuê đến Watchett, miền Bắc Somerset, nơi bà chủ sở hữu một điền trang yên tĩnh. Ước vọng của bà là ở lại đó để chờ chồng, vì theo bà, ông ấy chắc chắn sẽ trở về khi nghe tin về đứa con trong bụng bà. Thế là chỉ với hai hầu nam, hai hầu gái (kể cả Benita), cả đoàn lên đường, nghỉ đêm đầu tiên tại Bampton.
Sáng hôm sau, họ tiếp tục đi với hy vọng sẽ đến nơi trước khi trời tối. Nhưng đường sá nhão và lún, đầy bãi lầy khiến cỗ xe ngựa chất nặng bị gãy trục, phải chờ sửa tại Dulverton mất ba giờ đồng hồ. Nếu họ chịu nghỉ đêm lại đó thì thảm kịch đã không xảy ra. Nhưng bà chủ nằng nặc đòi đi ngay, bảo rằng có khi chồng bà đã đợi sẵn ở nhà rồi. Bà nỡ nào để chồng đợi lâu đến thế?
Lúc này đã sang tháng Mười hai, chiều xuống rất nhanh. Lũ ngựa lại tiếp tục leo lên đồi, kéo theo cỗ xe nặng trịch, bên trong là bà chủ, hai đứa con và Benita, bên ngoài là cô hầu còn lại cùng hai người hầu nam (mỗi người mang một khẩu étpigôn lớn), trên ngựa là ba xà ích người Exeter. Khắp vùng này lâu nay vẫn nổi tiếng với bọn lục lâm thảo khấu nghênh ngang tung hoành, người dân phải cống nộp, không dám chậm trễ. Hai người hầu nam rất sợ dù đã uống chút rượu để lấy tinh thần. Nhưng bà chủ bảo: “Cứ đi đi, ta biết bọn cướp đường không bao giờ cướp phụ nữ.”
Chiếc xe tiếp tục mò mẫm đi trong sương mù, trên con đường lầy lội, thỉnh thoảng bị sụp vào một bãi lầy, bùn văng đến nửa thân ngựa. Thế nhưng họ vẫn trụ được và tiếp tục đi cho đến khi trời tối, không có gì bất trắc xảy ra. Thế rồi, khi họ đến con đường nằm bên bờ biển dẫn về phía thị trấn Watchett, bàn tay của số phận (như Benita nói) chực sẵn túm chặt lấy họ, khiến họ không thể nào thoát ra được.
Dù hoàng hôn tắt lịm từ lâu, vẫn còn ánh sáng màu bạc từ biển hắt lên đủ để thấy rõ các vách đá, dải cát xám và những đám rong tảo vật vờ trôi. Cả một toán đàn ông đi ngựa rình sẵn bên dưới một tảng đá, sẵn sàng tấn công. Ba anh xà ích vội đánh xe phóng về phía biển, lũ ngựa chật vật phi trong cát lún, hai người hầu nam ngồi co rúm lại, lập cập lên cò súng. Bà chủ kiên cường đứng thẳng lên trong xe ngựa, chẳng hét lên hay nói gì, giấu đứa con trai nhỏ sau lưng. Ba anh xà ích cho xe ngựa lao xuống nước, lũ ngựa bắt đầu bơi.
Trước khi những cơn sóng kịp tuôn vào trong xe, toán đàn ông hung tợn nọ đã bao vây lấy nó. Bọn chúng chửi rủa mấy anh xà ích là những kẻ nhát gan điên khùng, cắt dây kéo, tóm lấy bánh xe, tất cả hoảng loạn trong nước và bóng đêm. Lúc xe ngựa nghiêng sang một bên, sắp sửa lật úp, bà chủ kêu lên: “Ta biết người đàn ông đó! Hắn là kẻ thù cũ của chúng ta.” Benita (biết trước tất cả các hòm xiểng sẽ bị lục tung hoặc mang đi) nhanh tay chộp lấy món nữ trang quý giá nhất - sợi dây chuyền kim cương - tròng nó qua đầu cô con gái của bà chủ, giấu nó bên dưới chiếc áo khoác đi đường của cô bé, hy vọng giữ được nó. Rồi một đợt sóng lớn tung bọt trắng xóa cuồn cuộn lao tới, khiến chiếc xe bị ném nghiêng sang một bên, nước biển chồm lên đỉnh, ùa vào cửa sổ giữa những tiếng kêu thất thanh, tiếng vùng vẫy, sau đó, tất cả tắt lịm.
Chuyện gì xảy ra sau đó, Benita không biết. Cô ta bị ngất đi bởi một cú đập vào đầu, cộng với nỗi hoảng sợ đến tê liệt. “Tôi có một vết sẹo.” Cô ta nói. “Nơi rầm cửa rơi trúng!” Khi tỉnh lại, cô ta thấy mình nằm trên cát, một người hầu nam đang rửa trán cô ta bằng nước biển. Bọn cướp đã biến mất. Cô ta cảm ơn anh ta, rồi ngồi bật dậy, chạy đến chỗ bà chủ lúc này đang ngồi trên một tảng đá nhỏ, ôm chặt đứa con trai đã chết, thỉnh thoảng nhìn ngắm nó, thỉnh thoảng đưa mắt tìm kiếm đứa con gái.
Dù có đuốc xung quanh và bà nhìn thấy con trai mình nhờ ánh sáng từ chúng, không ai dám lại gần bà chủ hoặc nói gì, hoặc cố giúp bà. Ai cũng thì thào với người kia hãy tránh ra, nhưng ai cũng nấn ná, lẩm bẩm bảo chuyện này quá kinh khủng để can thiệp vào. Chắc hẳn bà sẽ cứ ngồi thế suốt đêm, với xác đứa con trai nhỏ cứng đờ trong tay, đôi mắt ráo hoảnh không ngớt nhìn nó, nếu cô gái người Ý không rón rén đến bên, nói khẽ: “Đó là ý Chúa.”
“Chắc là vậy.” Người mẹ chỉ đáp được có thế, rồi ngã vào người Benita.
Trước khi ánh bình minh chạm tới Watchett, bà chủ đã được gặp chồng mình. Họ đưa bà vào thị trấn ngay đêm đó, nhưng không phải tới lâu đài của mình vì nỗi đau mất con đã tước đi chút sức mạnh còn sót lại nơi bà. Bà chủ, người ai cũng yêu quý (dù đôi khi kỳ quặc), yên nghỉ tại một nghĩa trang nhà thờ nhỏ ở Watchett, với đứa con trai bên tay phải, và một đứa bé, chưa biết là trai hay gái, ngủ trong lòng bà.”
“Một câu chuyện đau lòng.” Jeremy Stickles nói. “Đưa ta ly rượu sơ náp đi nào, chú em. Thấy chú em xuống tinh thần quá. Đàn ông không được khóc. Để ta làm cho chú em ly nữa nhé!”
Mặc kệ ông chế nhạo (vì đó là tính của ông), tôi thừa biết ông cũng xúc động không kém gì tôi.
“Thế tên bà chủ là gì?” Tôi hỏi. “Và chuyện gì đã xảy ra với cô con gái nhỏ? Tại sao người phụ nữ kia lại ở đó?”
“À!” Jeremy Stickles chỉ chờ có thế. “Benita ở nơi đáng nguyền rủa ấy bởi vì cô ta không thể đi khỏi đó. Gia tộc Doone - chứ còn ai vào đây nữa, chú em thừa biết mà - lấy hết không sót một đồng trinh nào từ cỗ xe ngựa: bất kể ướt hay khô. Benita không bao giờ nhận được lương của mình, vì vụ việc này vẫn chưa được giải quyết xong, và tòa án đã chỉ định một người đứng ra quản lý tài sản của gia đình bà chủ cô ta.”
“Úi chà!” Tôi cảm thương cho vận rủi của Benita, vì biết chút ít về London.
“Vậy là cô gái tội nghiệp đó buộc phải quên đi Apulia, quyết định ở lại Exmoor. Cô ta lấy một người chồng làm đồ gốm xanh Watchett, phần vì anh ta có thể cho cô ta một ngôi nhà, phần vì anh ta cũng đối tốt với cô ta. Họ có với nhau ba mặt con; chú em có thể đến đó thăm họ.”
“Giờ thì tôi đã hiểu rồi, Jeremy, dù ngài kể quá nhanh. Thú thật, tôi thích kiểu của John Fry hơn, chú ấy kể chậm rãi để người nghe theo kịp. Giờ thì, câu hỏi thứ hai nhé! Cô con gái nhỏ sao rồi?”
“Ngốc cũng vừa vừa thôi!” Jeremy Stickles kêu lên. “Ta tưởng chú em là người biết rõ hơn bất kỳ ai chứ.”
“Nếu tôi biết thì đâu có hỏi ngài, Jeremy Stickles.”
“Ngốc hết cả phần thiên hạ.”
“Thôi nào, nói đi! Ngốc thì ngốc.”
“Lorna Doone.”