T
ôi khó lòng kể ra đây tình trạng tâm trí mình suốt một thời gian dài sau đó. Chỉ cần biết là tôi không còn đau khổ, lo lắng về tương lai và tưởng tượng vô vàn những khó khăn chờ đón mình. Với tôi, điều đó có nghĩa tôi là người may mắn nhất trong số những người may mắn kể từ khi thế giới hình thành. Tôi thậm chí không nghĩ về vụ gặt hay những người làm công được nhận lương hơn mức họ xứng đáng được nhận; tôi cũng chẳng mảy may nghĩ đến mối băn khoăn và âu lo của mẹ rằng John Fry ngày càng béo, và cách mẹ thốt lên chừng năm mươi bận một ngày: “Ôi chao, giá như John nhà ta về nhà thì hay biết mấy; mọi thứ sẽ khác!”
Dù bấy giờ không người lính nào đóng quân ở Plover’s Barrows (vì tất cả đang bận quấy nhiễu vương quốc và treo cổ những kẻ nổi loạn), sau khi nhận được thư của tôi báo nơi tôi đang lưu trú, mẹ đã cố gửi cho tôi bằng ngựa thồ mấy chục cân lương thực, tiền và những đồ dùng lặt vặt khác. Trong lá thư do Lizzie viết bằng nét chữ đẹp nhất của em, tôi thấy mẹ có gửi cho Đại úy Jeremy Stickles nửa miếng thịt sườn nai khô khiến ông rất vui sướng. Phần của Lorna là một con ngỗng béo ướp muối cùng vài quả trứng tươi, một lọ anh đào ngâm rượu và chừng bảy, tám cân Anh bơ tươi nhà làm. Ngoài ra là vô vàn lời khuyên được trình bày rất kĩ lưỡng dành cho tôi, nếu tôi chịu đọc thì chắc là có giá trị lắm. Nhưng tôi chỉ quan tâm đến chuyện nông trại và đọc không sót một chi tiết nào. Một người đàn ông đã dâng tặng cuộc đời mình cho vú Betty vì năm bảng trong tất của bà. Những trò hề của cô Sally Snowe, cách cô ta đong đưa lộ liễu với Cha Bowden (Cha già bằng ông nội cô ta kia mà), bởi vì vào Chủ nhật sau vụ treo cổ một người đàn ông Countisbury, Cha đã giảng một bài thuyết giáo rất hay về tình yêu thương, mà Lizzie, với con mắt sắc sảo của mình, phát hiện ra là tác phẩm của Giám mục Ken. Gia tộc Doone im hơi lặng tiếng, không nhiễu nhương yêu sách gì vì những giáo xứ lân cận đã liên kết với nhau, cho chúng ăn uống đầy đủ suốt thời gian mùa gặt, để sau khi làm việc cực nhọc, đến đêm, cánh nông dân có thể yên giấc. Sự liên kết này đã mang lại hiệu quả tốt đẹp, tránh được nhiều phiền phức cho cả đôi bên, khiến ai nấy đều lấy làm lạ sao trước đây không chịu làm thế cho yên chuyện. Nhưng Lizzie cho rằng gia tộc Doone chắc không chịu đựng chuyện này lâu nữa đâu. Chúng im ắng như thế chẳng qua là do Đại tá Kirke nổi tiếng đã treo cổ sáu người họ Doone bị bắt trong đám phiến loạn vì theo ông ta, người có địa vị và dòng dõi như họ, nhất là có theo đạo như họ, lẽ ra nên hiểu biết hơn, đằng này lại đi hùa với đám thợ cày thợ cuốc, đánh xe bò này nọ chống lại Đức vua và Giáo hoàng. Vụ treo cổ một lúc nhiều người họ Doone này gây ra sự phẫn nộ đối với những người vốn đã quen với chúng, và có vẻ khiến những kẻ còn lại không dám manh động.
Một chuyện nữa là Tom Faggus đã về nhà, vết thương chí mạng đã sắp lành. Cậu không có ý định đi đâu nữa, chỉ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Điều khiến cậu đau khổ nhất, đó là bổn phận đối với gia đình và lương tâm không cho phép cậu cứ thế bỏ nhà đi tìm tôi. Cậu đã chứng kiến nhiều người tốt hơn cậu bị treo cổ, nhưng với lòng nhân từ của Chúa, cậu hy vọng mình có thể thoát khỏi cái giá treo đó.
Không còn tin tức gì khác, ngoại trừ giá của móng ngựa lại lên, dù trước đây đã hai xu một pha đin rồi; Betty làm vỡ đầu người tình bằng chiếc tất dài chứa đầy tiền; cuối cùng là Bloxham (được miêu tả là người lính xuất chúng, học giả lỗi lạc) đã được thăng cấp làm nhiệm vụ thu thuế và bắt tất cả quân phiến loạn quanh vùng chúng tôi.
Lorna vô cùng hài lòng với con ngỗng, bơ và những quả anh đào ngâm rượu; Bá tước Brandir tuyên bố rằng ông chưa từng được nếm thứ gì ngon hơn thế, và nài nỉ gã trai nhà quê kiếm cho ông công thức để làm chúng. Nhà quý tộc này, bị điếc đặc và rất kiên định, không hề hiểu bản chất những tình ý tôi dành cho Lorna. Ông kính trọng tôi vì đã cứu cô cháu gái của mình thoát khỏi gia tộc Doone, những kẻ mà ông ghét cay ghét đắng. Sau khi biết chuyện tôi đã ném hai tên ra khỏi cửa sổ, ông vỗ lưng tôi, tuyên bố rằng cửa nhà ông luôn chào đón tôi.
Tôi nghĩ ông thật tử tế, nhất là vì nhờ thế mà tôi được gặp Lorna, không thực sự thường xuyên như tôi ao ước, nhưng dù sao chăng nữa vẫn đủ nhiều trong chừng mực phép lịch sự (luôn là nguyên tắc hàng đầu của tôi) cho phép. Tôi quyết định rằng nếu lúc nào đó tôi có thể giúp được Bá tước Brandir, đó sẽ là “giây phút tự hào nhất cuộc đời tôi”, khi tôi có thể thực hiện lời cam kết.
Và tôi sớm có thể giúp ngài Brandir, như tôi nghĩ, theo hai cách; trước hết là về trí óc ông, kế đó là cơ thể ông, và có lẽ điều thứ hai là sự giúp ích lớn nhất trong đời ông. Tôi sẽ kể quý vị nghe sau đây.
Một ngày, Lorna nói với tôi trong tâm trạng phấn khích. “Em sẽ kể với ông. Em phải kể với ông, John à. Em thật chả ra làm sao khi giấu ông chuyện đó.”
Tôi tưởng em muốn nói về tình yêu của chúng tôi, điều mà chúng tôi đã cố nhắc đi nhắc lại đến ba lượt vào đôi tai già nua của ông nhưng vẫn không thể khiến ông hiểu được. Chuyện này không gây nguy cơ tan nhà nát cửa, thế nên tôi nói: “Ừ, hãy thử cố thêm lần nữa vậy.”
Nhưng Lorna nhìn tôi như thể muốn nói: “Anh đúng là đồ ngốc. Chúng mình đã thống nhất tạm dẹp chuyện đó qua một bên rồi mà.” Nhận thấy tôi bực mình trước sự hấp tấp của em, em bèn xoa dịu.
“Ý em là về người con trai tội nghiệp của ông. Cái chết của người ấy đã đẩy ông vào tình trạng mất khả năng nghe vì ông đã để đầu trần đi tìm con trai trong tiết trời lạnh giá. Em tin là nếu chúng ta đưa được ông về Plover’s Barrows chỉ một tháng thôi, thính giác của ông có thể hồi phục. Ông mới bảy mươi mấy tuổi thôi. Em hy vọng anh còn nghe được em nói sau tuổi bảy mươi thật lâu.”
“Ôi dào!” Tôi nói. “Chúa sắp đặt điều đó. Người cho chúng ta thời gian để nghĩ về những câu hỏi ấy, khi chúng ta qua tuổi năm mươi. Nào, hãy cho anh biết em muốn gì, Lorna. Lại còn nghĩ đến lúc anh bảy mươi tuổi nữa chứ! Chắc chắn là lúc ấy em vẫn còn rất đẹp.”
“Trong mắt người yêu em.” Em đáp, cố làm nhăn vầng trán xinh. “Anh nghĩ thử xem, liệu em có nên cho người ông già nua của em biết sự thật về con trai ông không?”
“Trước hết hãy cho anh biết…” Tôi không bao giờ hấp tấp nếu không liên quan đến chuyện tình cảm của mình. “… hiện tại ông nghĩ gì, tâm trí ông bị khuấy động bởi phiền muộn và lo lắng ra sao.” Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nói về vấn đề này.
“John, anh thừa biết rằng…” Em không khỏi ngạc nhiên về sự điềm tĩnh của tôi. “… người ông đáng thương của em vẫn tin con trai yêu quý của mình sẽ sống lại. Thế nên ông đã thu xếp mọi thứ - tất cả của cải đã được giải quyết dựa trên giả định đó. Ông luôn cho rằng Alan “nông nổi và khinh suất”, nhưng ông yêu con trai mình hơn vì điều đó. Ông không thể tin được một ngày kia ông sẽ chết mà con trai vẫn chưa trở về. Ông luôn dọn sẵn một phòng ngủ tươm tất, và một chai rượu Alan thích lấy từ hầm rượu. Ông cũng bảo em làm một đôi dép theo kích cỡ một chiếc giày mốc meo. Nếu nghe ai nói về một loại thuốc lá mới - dù ông rất ghét mùi thuốc - ông sẽ đi đến đầu kia của London để mua về cho Alan. Giờ anh biết ông điếc như thế nào rồi đấy, nhưng nếu có ai nói “Alan”, thậm chí từ bên ngoài cửa, ông sẽ cúi chào thật lịch sự vị khách cao quý đó, rồi lập tức ra ngoài, tìm kiếm khắp con đường, nhưng không để ai biết điều đó.”
“Tội nghiệp.” Tôi nói, vì hai mắt Lorna giờ ầng ậng nước. “Và ông muốn em cưới Alan. Em phải ngày càng xinh đẹp, được dạy dỗ nhiều hơn, thanh lịch hơn, cho đến khi Alan thấy hài lòng để trở về và hỏi cưới em. Anh hiểu được vấn đề này không, John? Hay anh có nghĩ ông trẻ em phát điên rồi không?”
“Lorna, anh mới là kẻ điên nếu nói người khác điên chỉ vì họ ấp ủ quá nhiều hy vọng.”
“Vậy anh bảo em phải làm gì đây? Việc này khiến em rất đau lòng. Em biết Alan Brandir đã nằm yên bên dưới lớp cỏ ở thung lũng Doone.”
“Nếu em cho ông biết…” Tôi nói nhỏ nhưng rõ ràng. “… vài tuần nữa ông sẽ nằm bên dưới lớp cỏ ở London đấy, nếu ở đây có cỏ.”
“Có lẽ anh đúng, John.” Em đáp. “Mất đi niềm hy vọng là một điều đáng sợ, đối với một người đã bước sang tuổi thất tuần. Thôi, tốt hơn cả là đừng bao giờ cho ông biết chuyện này.”
Việc thứ hai tôi có thể giúp được ngài Bá tước Brandir không quan trọng đối với ông bằng việc thứ nhất, nhưng vì ông không hề biết gì về điều thứ nhất nên nó khiến ông xúc động. Thực tình tôi cũng chẳng thích kể chuyện này cho lắm, bởi lẽ nó đẩy tôi đến một độ cao mà bản thân tôi cũng thấy chóng mặt, tất cả những người bạn của tôi rất ghét (ngoại trừ gia đình tôi), thậm chí đến lúc này họ thỉnh thoảng vẫn gay gắt, dù tôi rất khiêm nhường. Đó là một câu chuyện lịch sử vì có liên quan đến Đức vua; do bị hiểu lầm ghê gớm (nhất là bởi người dân quê tôi), tôi sẽ cố hết sức vượt qua sự dè dặt để kể nó ra đây hầu chuyện quý vị.
Bá tước Brandir cất tiền vàng trong một cái két bằng thiếc rất đẹp, đính huy hiệu bên trên, có hai lớp khóa. Ngoài ra, còn có một sợi xích nặng gắn với một cây đinh được đóng cố định vào tường để không ai có thể mang cái két đi đâu được. Lorna bảo cái két đầy ắp vàng vì em đã thấy ông săm soi nó, em thường nghĩ nếu mà chúng tôi có được số vàng đó để tạo dựng cuộc sống thì sẽ thật tuyệt. Tôi bảo em không được cho phép mình nghĩ những điều như thế, vì nó đi ngược lại với lời răn trong nhà thờ xứ Oare.
Một ngày cuối tháng Tám, lúc chiều muộn, khi ngoái lại sau lưng để xem Lorna có dõi theo không, tôi thoáng thấy hai tên côn đồ (nhìn chúng là biết ngay, không lẫn vào đâu được) đang rình mò từ trong một bụi cây cách chừng một trăm mét đằng sau tư dinh của Bá tước. “Không hay rồi.” Tôi thầm nghĩ, vì quá rành bọn trộm, từ những gì được biết về gia tộc Doone.
Tôi quyết định đợi xem hai tên côn đồ kia giở trò gì, và cứu (nếu có thể) cái két tiền vàng của Bá tước Brandir. Nhưng vì chắc hẳn chúng đã trông thấy tôi rời khỏi nhà và ngoái nhìn lại, nên tôi ra thẳng đường lớn, đi với tốc độ vừa phải cho đến khi chúng không thể thấy tôi nữa. Sau đó, tôi đi vòng lại, tạt vào một quán rượu gần đó, làm vài ly cho tỉnh người.
Tôi ở đấy cho đến khi trời sẩm tối, quán rượu tấp nập những kẻ cướp đường và quân giết người, tôi nghĩ đã đến lúc rời đi. Một, hai tên theo sau tôi, hy vọng kiếm chác được chút đỉnh, nhưng tôi mau chóng “cắt đuôi” chúng. Vì biết rõ vùng này, tôi vào vị trí lúc mười giờ đêm giữa những lùm cây phía đông trong trang viên của ngài Brandir. Tại đây, dù có thể không nhìn thấy, nhưng tôi chắc chắn có thể nghe thấy nếu có sự xâm nhập bất hợp pháp nào từ phía trước hoặc sau nhà.
Theo những gì quan sát được, tôi nghĩ cuộc tấn công có thể nhắm vào đằng sau nhà, và đúng là như thế thật. Khi tất cả đèn đóm đã tắt hết, ngôi nhà chìm trong thinh lặng, tôi nghe tiếng huýt sáo khẽ vang lên từ một lùm cây sát bên, rồi ba dáng người đi qua giữa tôi và bức tường quét vôi trắng, đến bên một cửa sổ mở vào một phần tầng hầm dành cho gia nhân. Cửa sổ được thận trọng đẩy lên bởi một ai đó ở bên trong ngôi nhà. Sau một chốc thì thào và âm thanh gì đó nghe như một nụ hôn, cả ba tên vào bên trong.
“Lũ côn đồ này…” Tôi thầm nghĩ. “… còn tệ hơn cả bọn Doone, vì có tay trong.” Không mất thời gian suy nghĩ đạo đức này nọ, tôi bò dọc theo bức tường, khẽ khàng theo sau chúng vào bên trong, nơm nớp lo cho mạng sống của mình vì chẳng có vũ khí gì, ngoài cây gậy nhựa ruồi cầm tay.
Tôi thấy hối hận ghê gớm vì đã trót theo mấy tên côn đồ này vào bên trong. Tuy nhiên tôi đã quyết tâm không để Lorna bị cướp thêm lần nữa. Vì chúng tôi (hay đúng ra là Annie nhà chúng tôi) mà em đã mất sợi dây chuyền đáng giá, món đồ thừa kế duy nhất của em, do vậy tôi càng nên bảo vệ cái két mà cuối cùng chắc chắn sẽ thuộc về em, trừ phi bị bọn trộm thó mất.
Tôi bước rất khẽ (đó là cái tài của một đô vật dù anh ta có thể nặng đến một trăm hai mươi ký lô), thận trọng đi theo ánh sáng chập chờn từ ngọn đèn của ả hầu gái bất trung. Tôi trông thấy ả dẫn ba tên vào một chỗ nhỏ xíu gọi là chạn thức ăn. Ở đó, ả cho chúng uống rượu, tôi có thể nghe chúng chạm cốc với nhau.
Không lâu sau đó, tôi theo chúng tiến về phía phòng ngủ của Bá tước Brandir mà đã có lần Lorna dẫn tôi vào cho tôi chiêm ngưỡng tấm thảm thêu. Náu mình trong bóng tối cách xa phòng của Bá tước, nhưng gần phòng Lorna hơn mức cần thiết, tôi trông thấy mấy tên vô lại cố mở cửa phòng Bá tước Brandir (đương nhiên là nhờ ả hầu gái cho chúng biết ông chủ bị điếc, ngoại trừ mỗi khi có ai nhắc đến tên Alan). Chúng cố mở ổ khóa, đấm vào nó, thậm chí thúc gối vào, nhưng khi một nhà quý tộc Scotland đã đóng chặt cửa thì mấy tên trộm chỉ có nước khóc ròng. Bọn chúng buộc phải giở chiêu cuối cùng: phá cửa. Thấy thế, ả hầu gái tội lỗi bỏ chạy. Ba tên khốn - đúng là khốn thật, người nào có lòng khoan dung đến mấy cũng không phủ nhận được điều đó - xông vào phòng Bá tước Brandir, cầm theo đèn, xà beng và súng. Tôi nhủ thầm nhà quý tộc phen này gay go rồi, và nếu có mối nguy hại nào hơn nữa có thể ngăn chặn, tôi sẽ cố ngăn chặn.
Khi tới cửa phòng, nấp trong bóng tối, tôi trông thấy hai tên khốn đang cố phá cái két một cách vô hiệu, còn tên thứ ba gí súng vào đầu ngài Bá tước. Với gương mặt gớm guốc cùng những lời nói thậm chí còn gớm hơn, gã này đang hỏi chìa khóa cái két, vì hai gã kia dùng hết cách cũng không mở được nó, cũng chẳng thể lôi nó ra khỏi sợi xích.
“Ta nói cho các người biết…” Ngài Bá tước già rốt cuộc cũng bắt đầu hiểu mấy tên khốn muốn gì. “… Ta không đời nào đưa chìa khóa cho các người. Tất cả là của con trai ta, Alan. Không kẻ nào có được một pha đin.”
“Vậy thì ông hãy đếm những giây phút cuối cùng đi.“ Chìa khóa nằm trong bàn tay co quắp, già nua của ông. “Một, hai và đến ba tôi sẽ bắn ông.”
Tôi thấy ông thà bị bắn còn hơn để bọn chúng cướp của con trai ông. Anh ta đã bị chôn hay nằm phơi xương trắng trong rừng rậm từ ba, bốn năm trước, nhưng với cha mình, anh ta vẫn còn sống. Nghĩ đến đây, tim tôi se thắt, tôi quyết tâm cản chúng lại. Tên trộm cầm súng bắt đầu đếm khi tôi rón rén đi băng qua sàn nhà, vị Bá tước già sợ sệt nhìn vào họng súng, nhưng bàn tay nhăn nheo của ông càng nắm chặt hơn. Gã khốn có phần tóc mái phủ kín mắt đang chĩa súng vào ông hô “ba” và kéo cò. Đúng lúc đó, tôi phang cây gậy vào nòng súng, phát súng hướng vào màn giường. Ngay sau đó, tôi xoay người bổ gậy vào đầu gã, khiến gã nằm sõng soài ra sàn.
Hai tên kia xông vào tôi, một tên cầm súng, tên kia cầm gươm, khiến tôi nao núng. Vì sợ súng hơn cả, tôi tung tấm rèm nhung nặng trịch ra để hắn không thấy tôi đâu mà nhắm bắn, rồi nhanh như cắt quắp lấy tên trộm bất tỉnh, dựng gã lên làm khiên chắn. Ngay lập tức gã lãnh một phát đạn nhưng không biết gì đến đau đớn, đấy là một điều may cho gã. Hai tên kia giờ phó mặc cho tôi định đoạt. Chúng có sức lực dưới trung bình, và không một thanh kiếm nào - trừ phi nằm trong tay người tài giỏi, rắn chắc và mạnh mẽ - có thể đấu lại một kẻ có sức mạnh hơn người được trang bị một cây gậy cứng cáp, đã rèn luyện rất kĩ lưỡng “môn” này.
Tôi dễ dàng tóm lấy hai tên lưu manh, trói chúng lại với nhau, giao cho ông quản gia (một người Scotland lanh lợi, đáng kính) canh giữ, còn tôi đi gọi cảnh sát. Đến sáng, hai tên cướp bị giải đến tòa án hòa giải. Vận may của tôi xuất hiện. Thực ra, nếu chỉ đánh bại và tóm được mấy tên cướp bình thường, hay thậm chí những tên giết người khét tiếng, thì sẽ không mang lại cho tôi nhiều danh tiếng đến thế. Nhưng hóa ra chúng là những tín đồ Tin lành thất nghiệp, là đồng bọn và dưới quyền của Oates, Bedloe và Carstairs, hết sức thân thiết với Dangerfield, Turberville và Dugdale - nói tóm lại, Đức vua đã căm tức những tên này từ lâu lắm rồi, rắp tâm bắt cho bằng được nhưng cho đến nay vẫn thất bại. Khi chuyện này được thông báo công khai, ít nhất có một tá người - những người tôi chưa từng gặp - xuất hiện, xin tôi nhận lời chúc mừng từ họ, bảo đảm là nhớ họ, vì tất cả đều có công nhưng không được chú ý, và không đòi hỏi gì ngoài chút may mắn.
Viên thẩm phán ban tặng cho tôi nhiều lời khen, gấp mười lần so với những gì tôi xứng đáng, và cẩn thận sao chúng ra để Đức vua có thể xem. Trước khi vụ xét xử hoàn tất xong xuôi và hai tên khốn tội nghiệp bị thi hành án, hơn hai mươi người hào phóng ngỏ ý cho tôi mượn một trăm bảng để mua bộ com lê mới, hòng diện kiến Đức vua.
Ngay trong chiều hôm đó, tôi được đưa đến diện kiến Đức vua. Ngài cho triệu tập Bá tước Brandir trước và nghe câu chuyện từ ông (không phải là không có cường điệu dù Bá tước là người Scotland). Đương nhiên, vấn đề cốt yếu Đức vua muốn biết chính xác là có phải hai tên kia phạm tội cướp của không.
Khi đã hoàn toàn tin chắc điều đó, Đức vua xoa tay, ra lệnh cho người mang đến loại giày tra tấn hà khắc hơn (chính ngài phát minh). Ngài tự tra dầu lấy, tỏ vẻ không tin có bất kỳ ai ở London đủ khả năng sử dụng chúng. Tuy nhiên ngài sẽ thử một, hai lần thay vì trì hoãn niềm khoái lạc ấy lại để chờ người tra tấn từ Edinburgh đến.
Việc kế tiếp ngài làm là cho vời tôi đến. Trong cơn hoảng hốt và bấn loạn, tôi mặc vào bộ quần áo tươm tất nhất, thuê một thợ làm tóc thời thượng và uống nửa gallon rượu vì hai bàn tay không ngớt run lẩy bẩy. Rồi tôi đi, không quên cầm theo cây gậy nhựa ruồi, mong sao mọi chuyện diễn ra êm thấm. Tôi được diện kiến Đức vua ngay lập tức, trước khi tôi kịp ước ao. Tôi đứng trước ngài với cung cách khiêm nhường nhất, cúi chào theo cách lịch sự nhất mình có thể nghĩ ra.
Khi tôi không thể tiến lên xa hơn được nữa - vì sự có mặt của Hoàng hậu khiến tôi hãi đến gấp mười lần - Đức vua, với tướng mạo sang trọng, lịch thiệp, bước xuống để khích lệ tôi. Vì tôi vẫn còn cúi đầu, ngài bảo tôi đứng thẳng lên nhìn ngài.
“Ta đã từng nhìn thấy khanh, chàng trai.” Ngài nói. “Vóc người của khanh không dễ gì quên. Ở đâu nhỉ? Có thể là khanh biết chăng?”
“Muôn tâu Hoàng thượng.” Tôi đáp, ngạc nhiên trước cách ăn nói của mình. “Tại Nhà nguyện Hoàng gia ạ.”
Lẽ ra tôi phải nói “tiền sảnh của nhà nguyện”, nhưng tôi không nhớ nổi từ đó, và sợ vì Đức vua cứ nhìn tôi.
“Ta rất hài lòng…” Đức vua mỉm cười khiến khuôn mặt đen và nghiêm nghị của ngài trông tươi tắn hơn. “… khi biết thần dân vĩ đại nhất của chúng ta, ý ta là khổ người, cũng là một tín đồ Công giáo ngoan đạo.”
“John Ridd vĩ đại.” Hoàng hậu bước về phía trước, vì Đức vua có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó. “Ta đã nghe rất nhiều về khanh, từ Lorna yêu quý. À, cô ấy không đến từ đất nước đen tối này, mà đến từ Ý.”
“Nào, John Ridd.” Vừa dứt ra khỏi những suy nghĩ miên man về giáo hội đích thực, Đức vua lên tiếng. “Khanh đã làm một việc lớn cho vương quốc, cho tôn giáo, vừa cứu sống Bá tước Brandir, một nhà quý tộc Công giáo trung thành; vừa bắt được hai tên mật thám đê tiện nhất từng được hậu thuẫn bởi những kẻ dị giáo, và để chúng bắn nhau, chuyện này thật hiếm thấy, rất hiếm thấy, chàng trai. Bây giờ, khanh có thể yêu cầu chúng ta bất kỳ điều gì chính đáng, khanh có thể đòi hỏi bất kỳ tước hiệu nào. Mong muốn lớn nhất của khanh là gì, chàng trai?”
“Tâu hoàng thượng!” Sau khi suy nghĩ một lát, tôi nói. “Mẹ thần luôn nghĩ vì hạ thần được học tại trường Tiverton, với học phí ba mươi mác một năm, nên hạ thần xứng đáng được nhận một huy hiệu. Đó là thứ bà mong mỏi.”
“Tốt! Tốt lắm!” Đức vua nhìn Hoàng hậu, có vẻ đùa giỡn. “Thế điều kiện sống của khanh ra sao?”
“Hạ thần là chủ thái ấp.” Tôi bối rối đáp. “Kể từ thời Vua Alfred. Một người họ Ridd đã ở bên cạnh ngài ấy trên đảo Athelney, nông trại hiện tại của chúng thần là một món quà từ ngài ấy. Chúng thần đã có ba vụ mùa bội thu, có thể lo được một huy hiệu, nhưng thần không muốn nó cho bản thân.”
“Khanh sẽ có một chiếc, chàng trai.” Đức vua nói, tủm tỉm cười với cách nói hài hước của mình. “Nhưng chắc phải tìm một cái thật rộng mới vừa được với khanh. Và khanh sẽ có hơn thế nữa, John Ridd, vì thuộc một dòng họ lâu đời trung thành với Hoàng gia, lại còn làm được một việc lớn cho Hoàng gia.”
Trong khi tôi thắc mắc không biết ý ngài là gì, ngài cho gọi vài người đang đợi ở đầu bên kia căn phòng mang đến cho ngài một thanh gươm nhỏ, như Annie dùng để xiên gà tây nướng. Rồi ngài ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Tôi y lệnh (sau khi phủi bụi trên sàn vì sợ bẩn chiếc quần đẹp nhất), ngài khẽ vỗ vai tôi trước khi tôi kịp biết ngài định làm gì, và nói: “Đứng lên đi, Hiệp sĩ John Ridd!”
Tôi sững sờ và kinh ngạc đến mức đầu óc trống rỗng, đứng lên nhìn quanh, nghĩ nhà Snowe sẽ nghĩ gì về chuyện này. Và tôi lắp bắp: “Thần… đội ơn Hoàng thượng. Nhưng… thần biết làm gì… với nó đây?”