C
ác quan phụ trách huy hiệu đã trao cho tôi một tấm huy hiệu cỡ lớn, nhiều màu sắc, đầy hình ảnh rực rỡ. Họ dành cho tôi vinh dự được nêu ý kiến, nhưng lại không lưu tâm đến những góp ý của tôi. Tôi khăng khăng nài họ khắc hình một con bò khá lớn trên đó để đóng dấu những khoanh bơ trước khi đưa ra chợ bán. Bên kia là một con ngựa và một đàn gia cầm ở dưới. Nhưng các quý ông đó không nghe; họ tìm thứ gì đó hợp lý hơn bằng cách hỏi về biên niên sử của gia đình chúng tôi. Đương nhiên tôi kể họ nghe tất tần tật về Đức vua Alfred, và họ thống nhất dành ra một phần tư để khắc ba chiếc bánh trên một vạch với một con sư tử ngoái đầu lại trên nền vàng. Tôi cũng nói với họ rằng rất có thể đã có một người họ Ridd tham gia trận chiến (cách nông trại Plover’s Barrows không xa mấy) của Bá tước Devon chống lại dòng tộc Dane. Vì nghe nói một vài người Dane được chôn trên đất của chúng tôi, và chúng tôi gọi phần mộ của họ (nếu đúng là vậy) là “những nấm mồ”, các quan phụ trách huy hiệu hoàn toàn đồng ý với tôi rằng một người họ Ridd hẳn đã có mặt ở đó hoặc quanh đó; và nếu ông ta ở đó, chắc chắn ông ta đã làm hết sức mình. Giả sử ông ta làm hết sức mình (như tính cách của những người họ Ridd), thì dĩ nhiên bản thân ông ta đạt chuẩn. Hơn nữa, tên nông trại chúng tôi là minh chứng rõ ràng; chim choi choi là loài chim hoang, giống như quạ. Dựa trên chuỗi lập luận này, không có bất kỳ mối nghi ngại nào, họ gắn vào huy hiệu một con quạ đen trên nền đỏ. Ngoài ra, còn có một con lợn hai đầu ra đời tại nông trại chúng tôi khoảng hai trăm năm trước (dù nó chết sau đó một tuần). Vậy là phần tư thứ ba được in hình một con lợn lòi hai đầu có cặp nanh rất oai, màu đen trên nền bạc. Tất cả đầy vẻ phô phang và to tát; nên tôi nài họ dành một góc khiêm tốn phía dưới bên phải để khắc một bó lúa mì màu vàng dựng thẳng trên cánh đồng xanh.
Tới đây, tôi dừng lại ngắm nghía thành quả vì ngay cả De Whichehalse cũng không thể có một huy hiệu ấn tượng đến vậy. Nhưng các quan phụ trách việc làm huy hiệu bảo trông nó chỉ như một tấm biển hiệu, vì chẳng có khẩu hiệu gì bên dưới; và khẩu hiệu phải có tên tôi mới được. Họ gợi ý trước: “Ridd non ridendus”, nhưng tôi bảo: “Vì chúa, các ngài, hãy để tôi quên tiếng Latin của mình đi.” Rồi họ đưa ra một gợi ý khác: “Ridd readeth riddles1”, nhưng tôi xin họ đừng có bịa như vậy vì không một người họ Ridd nào từng nghĩ, hay viết ra một câu đố từ thời Exmoor hình thành. Gợi ý thứ ba là “Ridd never be ridden2”, vì ngại phản đối thêm nữa, tôi để họ khắc dòng chữ đó bằng đồng lên nền màu thiên thanh. Các quan phụ trách làm huy hiệu cứ ngỡ Đức vua sẽ trả chi phí cho thành tựu cao quý này, nhưng Đức vua, dù tỏ vẻ hài lòng với tài nghệ của họ, cương quyết không chi một pha đin nào. Vì giờ tôi không còn một xu dính túi nên các quan phụ trách làm huy hiệu mặt thoắt xanh rớt như tàu lá, thoắt đỏ như màu trên huy hiệu cho đến khi Hoàng hậu nhẹ nhàng bước tới, bảo rằng nếu Đức vua ban cho tôi huy hiệu, tôi không phải trả đồng nào hết; vậy là đích thân bà chi ra món tiền khá hậu hĩnh.
1. Có nghĩa là Người nhà Ridd đọc những điều bí ẩn/ câu đố.
2. Có nghĩa là Người Ridd không bao giờ bị điều khiển.
Đang vội đi đến phần kết của câu chuyện mà tôi lại dông dài về huy hiệu của mình, chắc hẳn phải có lý do xác đáng, phải không thưa quý vị? Đúng rồi. Đó là bởi Lorna vô cùng hãnh diện về điều đó, cho rằng cái huy hiệu khiến cho toàn bộ vinh quang của em bị lu mờ. Nửa đùa, nửa thật, em luôn miệng gọi tôi là “Hiệp sĩ John”, đến mức tôi phát bực lên với em, cho đến khi mắt em ngấn lệ, tôi lại quay sang bực bội chính mình.
Bắt đầu cạn tiền, hơn nữa, nỗi lo về nông trại mỗi ngày một nhiều hơn, cộng thêm mong ước được về nhà khoe với mẹ huy hiệu cao quý, tôi lợi dụng việc Lorna được Hoàng hậu ưu ái để cầu xin được chấm dứt tình trạng bị giám sát trên danh nghĩa, mà lẽ ra tôi phải đợi ngài Jeffreys về. Tôi rất mừng khi thoát được người đàn ông khát máu, hung tàn và độc ác ngay cả đối với bằng hữu đó.
Bá tước Brandir rất hài lòng về tôi, không chỉ bởi tôi đã cứu mạng ông, mà còn vì cứu được thứ ông đánh giá cao hơn - đó là của cải dành dụm cho Alan. Ông giới thiệu tôi với nhiều bậc tai to mặt lớn, họ động viên tôi, hứa giúp tôi trong mọi phương diện khi nghe những gì Đức vua đã nói. Còn người buôn bán da lông thú, sau khi khen ngợi tôi hết lời, ông đòi hỏi ở tôi một điều duy nhất thôi - đó là hãy nói về ông với người khác như những gì tôi thấy ở ông. Vì gần như Chủ nhật nào tôi cũng thấy ông làm mới lại những bộ lông thú cũ bằng một loại nước bóng để giấu đi mấy vết cắn của bọn nhậy, tôi nài nỉ ông hãy cân nhắc lại vấn đề này và đừng đòi hỏi một điều như vậy. Ông bảo: “Được rồi, được rồi. Ai buôn bán chả dùng chiêu, nhất là chiêu để thu hút khách hàng. Mình sẽ cho cậu ta ở đây - nếu mình là bạn bè đích thực của cậu ta - tùy thuộc vào những gì cậu ta miêu tả về mình.” Tôi còn biết làm gì hơn ngoài việc đồng ý vì điều đó sẽ ngăn được nhiều phiền toái, và tôi không còn tiền để trả cho ông. Nhưng ông còn đòi dùng tên tôi, và tôi xin ông làm sao coi cho được thì làm. Thế là ông gắn lên cửa sổ nào là “Cổ tay áo John Ridd” rồi thì “Áo khoác ngài John”… khi mùa đông đang đến. Mọi người đang kháo nhau về tôi và điều này chắc hẳn sẽ giúp ông làm ăn phát đạt, bởi giá thành vượt xa giá trị là thành công thực sự trong buôn bán.
Khi không khí mùa thu se lạnh tràn về đồi Ludgate, những cậu bé học việc chạy ra ngoài, hít ngửi nó, hớp lấy nó (vì chẳng có gì mấy để ăn); khi lũ ngựa thay lớp lông mùa hè mềm mại bằng lớp lông mới thô cứng phù hợp với mùa đông; khi những bó rơm mới được mang đến chuồng ngựa, vàng ruộm, thơm ngát; khi những chú ngựa con được xếp san sát nhau trong chuồng; khi tất cả người dân London hỏi nhau về sương giá (in sâu trong ký ức tuổi thơ của họ), tôi lại nhớ đến những núi đá lầy lội, những lá cỏ ướt đẫm sương, thậm chí tiếng kêu của lũ cừu nhà chúng tôi (khi mặt trời lặn).
Lorna cũng mong mỏi không kém được về quê để trầm mình trong không khí bình yên nơi thôn dã. Em nói rất nhiều về những hạt sương lóng lánh cũng như mùi nhà bếp của chúng tôi. Nhân tiện tôi cũng muốn chia sẻ một điều rằng cả sương và bánh mì Exmoor đều có thể được tìm kiếm, nhưng không bao giờ được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Sương rất khô và lạnh, thanh khiết, sáng ngời như ngọc trai, có mặt khắp nơi ở quê tôi; còn bánh mì thì rất ngọt, rất đượm, mộc mạc, quý vị ăn một ổ rồi có thể lại muốn thêm ổ nữa.
Nơi đây, hằng ngày đi bộ lẫn trong đám đông nườm nượp (hầu như không ai là không lấn cấn với chuyện kiếm tiền, thậm chí đầu óc nhiều người còn nhiễm nặng một căn bệnh còn tệ hơn, gọi là “chính trị”), tôi không thể không nghĩ đến việc chúng ta chen lấn nhau như thế nào. Chúa đã ban cho chúng ta một trái đất khá rộng lớn, với những vùng đất trải dài đủ chỗ cho tất cả sinh sống mà không cần phải giành giật, đấu đá nhau. Nguồn nước dồi dào chảy qua cát và vách núi với tiếng động uy nghi trong mùa bão lũ, còn dưới tiết trời ôn hòa thì thúc đẩy người ta nghĩ tới sự công bằng. Thức ăn đủ đầy cả trên cạn lẫn dưới nước. Chắc chắn chúng ta được ban tặng quá nhiều thứ, không cần phải giành giật lẫn nhau. Ấy thế nhưng…
Tôi quyết định về quê mà không có Lorna đi cùng. Ai cũng bảo tôi ngốc khi khước từ vận may của mình. Lorna khóc khi tôi đi (khiến tôi hài lòng tợn) và gửi một rương đầy ắp quà cho mẹ, Annie cùng Lizzie. Có vẻ em nghĩ rằng (dù em bảo là không) lẽ ra tôi có thể tiếp tục ở cho đến mùa đông nhưng tôi vẫn cứ bỏ em mà đi. Nhưng tôi thừa biết mẹ sẽ nghĩ (và mọi người ở nông trại cũng thế) rằng tôi ở London đủng đà đủng đỉnh, ăn chơi phè phỡn, ngắm nghía các cửa hàng nọ kia, vờ làm nhiệm vụ Đức vua giao, mặc kệ vụ mùa tự gặt lấy, đó là chưa kể đến chuyện tiêu pha; trong khi suốt thời gian qua chẳng có gì ngoại trừ sự ham thích phiêu lưu giữ tôi ở lại. Song tôi cũng biết huy hiệu và tước vị sẽ xoay chuyển mọi mẩu cằn nhằn này sang sự ngưỡng mộ.
Đúng là thế thật, thậm chí còn hơn cả những gì tôi mong đợi. Khắp giáo xứ tập trung lại trong một bữa cơm ê hề rượu thịt tại tửu quán Mẹ Melldrum - lúc bấy giờ người phụ nữ tốt bụng đó đã chết, tên và chân dung bà được khắc trên một tấm biển hiệu - nơi tôi được mời đến. Nếu như sức khỏe của tôi không tốt hơn vào ngày hôm sau thì không phải là do thiếu những lời chúc tốt đẹp, mà do uống quá nhiều rượu.
Không cần nói, ai cũng biết rằng những người có địa vị cao ngay bên dưới tầng lớp quý tộc suốt một thời gian dài nhìn những vinh quang mới của tôi với sự khinh khi, nhạo báng; nhưng dần dà họ phát hiện ra rằng tôi không phải kẻ ngốc mà đi đòi bình đẳng với họ, thay vì thế tôi cần mẫn với công việc nông trại, tham gia những trận đấu vật, luôn giành phần thắng và ngả mũ chào các quan tòa (cũng y hệt hồi trước); vài quý ông có dòng dõi cao sang thực sự còn thể hiện mong ước được làm quen với tôi. Khi tôi - thẳng thắn, không chút gì ra vẻ -cảm ơn họ vì điều này (có vẻ đối với tôi đó là vinh dự cao nhất từ trước đến giờ), nhưng từ chối đánh bạn với họ vì việc đó sẽ khiến tôi cảm thấy kém thoải mái, và cả họ cũng thế, họ bèn làm những gì mà gần như tất cả người Anh đều làm khi nhận thấy một điều gì đó đúng đắn và hợp lý. Họ bắt tay tôi, bảo rằng họ không phủ nhận là tôi có lý. Dù bản thân họ chắc chắn là người thất bại, họ sẽ đợi cho đến khi tôi lớn tuổi thêm chút nữa và nhận thức rõ hơn về giá trị bản thân.
Hiện giờ mùa đông đã đi qua, gia tộc Doone không còn ru rú trong nhà nữa. Hai mươi con cừu một tuần, một con bò béo, hai con nai chắc nịch (vì sự thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh), sáu mươi giạ bột mì, hai thùng rưỡi rượu táo, năm mươi cân nến, đó là chưa kể đến gần như tất tần tật những thứ khác mà chúng yêu cầu phải có cho bằng được. Những thứ đó lẽ ra đã đủ để giữ người của chúng ở yên chỗ của mình, không làm điều sai quấy, nhưng không hề. Chúng than phiền gì đó về việc có quá nhiều cừu cái, tôi nghĩ vậy, và bất chấp những lời van nài khẩn thiết, chúng vẫn cưỡi ngựa xông tới và mang đi hai cô gái trong vùng.
Hai cô gái này ai cũng biết vì họ từng phục vụ bia ở một tửu quán; nhiều đàn ông từng ngắm nghía họ qua những vại bia (vì họ khá xinh). Mọi người nghĩ không thể nào hai cô lại đi theo bọn chúng như thế được, chỉ có thể là miễn cưỡng thôi. Bà mẹ (dù đã nhận một số tiền, thứ mà gia tộc Doone luôn có đầy) tuyên bố rằng đó là một vụ cướp; và dù trong một khoảng thời gian, chuyện này làm lượng khách hàng tăng lên nhưng chắc chắn sẽ sớm giảm xuống thôi. Hiện giờ ai đang giữ hai cô, liệu các cô có còn tốt bụng, thông minh như xưa?
Trong khi chúng tôi vẫn còn băn khoăn về vụ chiếm đoạt mập mờ này, một sự việc còn tệ hơn nhiều xảy đến, khiến cánh phụ nữ đau lòng. Việc này tôi sẽ kể bằng ngôn ngữ cẩn trọng nhất để không xúc phạm đến bất kỳ ai nếu cách hành văn có thể giúp điều đó.
Khoảng sáu giờ, chị Margery Badcock, một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, chính trực, và là một trong những phụ nữ có nhan sắc mặn mà nhất trong vùng, đang cho con bú và nhìn ra ngoài, ngóng chồng đi làm về. Thực ra, mọi người thường bảo chị rằng đứa bé cũng lớn rồi, nên cai sữa đi là vừa. Nó có thể lũn cũn chạy một mình chừng hai mét, có khi bốn hoặc năm mét nếu có chỗ vịn. Sau chuyến đi liều lĩnh đến đầu kia của cái bàn, nó xoạc chân ra nhìn quanh quất, cười nắc nẻ. Mẹ nó quý nó hơn vàng. Nó thường sán đến để được cho bú, đều đặn như đồng hồ. Thằng bé là con đầu lòng, cả cha và mẹ nó đều dồn hết tình thương và sự quan tâm cho nó, vì chỉ có Chúa mới biết liệu họ sẽ có thêm một đứa con như thế nữa không.
Christopher Badcock là một tá điền làm thuê ở giáo xứ Martinhoe. Anh thuê chừng năm mươi mẫu đất công. Bấy giờ đang là tháng Hai, thời tiết thuận lợi, anh cần mẫn cày xới, chuẩn bị cho vụ xuân. Vì vậy, vợ anh không ngạc nhiên khi trời đang tối dần mà anh nông dân Christopher vẫn còn làm lụng trong “chạng vạng”, như cách chúng tôi gọi.
Nhưng chị kinh ngạc, không, kinh hoàng mới đúng, khi nhờ vào ánh lửa nhà bếp (được nhen lên để chuẩn bị cơm nước chờ chồng về), chị thấy sáu, bảy người đàn ông có vũ khí xông vào phòng và nhào bừa vào chị. Chị hét lên để cô hầu gái ở nhà bếp sau nghe thấy, nhưng cô này sợ đến nỗi không dám lại gần. Hai kẻ khỏe nhất, dữ dằn nhất ngay lập tức túm lấy chị Margery đáng thương. Dù cố kháng cự, chị vẫn chỉ như một đứa bé trong tay bọn họ. Chị giàn giụa nước mắt, gào thét, giãy giụa, nhưng bọn chúng vẫn giật phăng đứa bé ra khỏi tay mẹ nó, quẳng xuống sàn, rồi vắt chị lên ngựa mang đi (vì lúc này chị đã bất tỉnh). Sau khi bảo những kẻ còn lại cướp phá ngôi nhà, bọn chúng cưỡi ngựa về phía thung lũng, mang theo chiến lợi phẩm. Từ những miêu tả của cô hầu, tôi tin chắc kẻ cướp người phụ nữ tội nghiệp mang đi chính là Carver Doone.
Những kẻ bị bỏ lại cảm thấy vô cùng bức xúc, quyết tâm khoắng sạch ngôi nhà, mang đi tất cả những gì có thể ăn được. Sau đó, nhận ra nhà Badcock không thuộc hạng có của ăn của để nên chẳng cuỗm được gì ngoài thịt lợn muối xông khói, vài ba quả trứng, một ít phô mai, vài đồ lặt vặt, chẳng có gì uống được ngoài nước, bọn chúng bực tức, thấy bị xúc phạm, bèn quay vào bếp trở lại, giậm chân thình thịch. Lúc này, đứa bé đang bị bỏ mặc nằm đó.
Thằng bé bắt đầu khóc thét lên đòi mẹ vì vốn được chiều chuộng và muốn gì được nấy. Không thấy mẹ đâu, nó càng gào tợn. Cô hầu gái, nhân lúc đám người hung hăng đang chửi rủa trên lầu, đã lén chạy đến lót một miếng khăn lau bát bên dưới đầu nó, hôn nó, rồi lại chạy biến đi.
Tên cô là Honour Jose, cô muốn làm điều đúng đắn cho ông bà chủ của mình nhưng không thể không hoảng sợ. Nhiều phụ nữ đã chê trách cô (tôi cho rằng việc này không chính đáng) vì đã bỏ mặc đứa bé như vậy. Nếu đấy là con của cô, chắc có lẽ bản năng đã chiến thắng lý trí để giúp cô ở bên cạnh nó lúc hiểm nguy, nhưng đứa bé là con của bà chủ, cô chúc nó may mắn và bỏ nó ở đó khi đám người hung hãn kia xuống lầu. Thất kinh bởi cách ăn nói ngang tàng, tục tĩu (vì chúng chẳng tìm thấy tiền bạc đâu), cô quáng quàng bò ra khỏi đó, hơi thở rời khỏi cô và cô sợ nó sẽ không trở lại.
Trong khi cô hầu gái ở trong lò, che người bằng một bó củi lấp trên người (nếu đang bị nướng, tim cô chưa chắc đập dữ dội bằng), đám người đi xuống lầu, giậm chân rầm rập quanh đứa bé.
“Rowland, thịt lợn muối ngon không mày?” Một tên hỏi kèm theo vài tiếng chửi thề. “Carver tẩu mất với chiến lợi phẩm duy nhất, để mặc bọn mình ở đây trong ngôi nhà đói rách này. Khốn nạn thật! Thức ăn thì chả bõ dính răng. Lục tìm trong chạn xem có gì không mày. Vợ chồng nhà này ăn tối bằng thứ gì vậy?”
“Không có gì, chỉ một, hai củ hành thôi, một ổ bánh mì và một lát thịt lợn muối xông khói bị ôi. Tụi nó sống bần tiện thế này, có gì đâu mà cướp với chả bóc.”
“Mất hết cả hứng! Vậy thì chơi trò chim vàng anh với thằng cu đi! Hãy cưỡi ngựa gỗ đến Banbury Cross. Tạm biệt, tạm biệt, em bé Bunting. Thảy nó lên đi, để xem cổ tay tao có chắc không.”
Sự độc ác của gã đàn ông này thật đáng ghê tởm. Đứa bé cứ bị tung hứng như thế nhưng nó không hề khóc hay la hét gì vì tưởng được chơi đùa như thường ngày. Cô hầu gái nghe bọn chúng nói: “Nếu có người nào hỏi ai giết mày, thì hãy nói “Doone xứ Bagworthy” nhé bé con.”
Khi chúng tôi nghe được câu chuyện này, Kit1 Badcock đáng thương đang đi loanh quanh trong bộ dạng nửa khờ nửa tỉnh, không ngước nhìn lên bất kỳ ai, chỉ cúi gằm xuống đất, rồi hỏi liệu chúng tôi có nghĩ rằng anh đã được đối xử tốt không, và dường như không quan tâm gì đến cuộc sống. Sau khi biết anh là người khỏe mạnh, cường tráng, là một ca sĩ hát tại một tửu quán, có khuynh hướng giễu võ dương oai, chẳng hạn như thường trấn áp phụ nữ, tôi thực sự nghĩ rằng điều này gợi mối thương tâm nơi chúng tôi hơn là nếu anh trở nên ầm ĩ, hung hãn, và thề trả thù lên tất cả.
1. Tên gọi thân mật của Christopher.