J
eremy Stickles đã đi miền Nam trước đợt sương giá để tập trung lực lượng tấn công thung lũng Doone.
Nhưng kiểu thời tiết này làm ngưng trệ mọi hoạt động. Lính tráng cho dù có quen với cái lạnh đi chăng nữa, chắc chắn khó lòng đương đầu với những mối hiểm họa từ các đụn tuyết. Kỳ thực, tôi không quan tâm thời tiết này kéo dài bao lâu, miễn là chúng tôi có đủ lương thực và có thể ngăn mình khỏi bị đóng băng. Tôi chẳng những không muốn ngài Stickles quay lại khiến mọi chuyện xáo trộn, mà còn muốn gia tộc Doone không thể tìm kiếm Lorna trong lúc tuyết rơi dày. Đương nhiên họ sẽ sớm phát hiện Nữ hoàng của mình đang ở đâu, dù dấu vết của chiếc xe trượt và đôi giày đã bị xóa sạch bởi đợt tuyết kế tiếp. Như Gwenny nói, Marwood de Whichehalse chắc chắn đã nhận ra tôi, hẳn đã báo chuyện này với tên Carver rồi. Tôi thấy khá hả hê khi hình dung cảnh Carver phát điên lên lúc nhận ra cô gái gã rắp tâm cưới bằng được đã bị tôi cướp đi, dù tôi biết mình sẽ phải đương đầu với những hậu quả không mong muốn, và đã kêu gọi mọi người khẩn trương đập lúa mì trước khi bọn Doone xuất hiện, đốt sạch mọi thứ. Tuy nhiên, bọn chúng chưa thể đến đây ngay được vì một con ngựa lùn hoang cũng không thể đi trong thời tiết này, nói gì đến lũ ngựa lớn chở những gã hộ pháp nặng nề như bọn chúng. Tính đến giờ, hàng trăm con ngựa lùn hoang đã chết. Một số bị vùi trong tuyết, số khác nhiều hơn chết vì đói.
Phân tích tình hình và diễu võ dương oai một chút, tôi dễ dàng thuyết phục được Lorna tin rằng hiện tại em an toàn, rằng (điều này khiến em còn vui hơn) em không chỉ được chào đón mà còn mang lại thật nhiều niềm vui cho gia đình chúng tôi. Quả thật, Lorna đã chiếm được cảm tình của tất thảy mọi người bằng sự tử tế, dịu dàng, biết lắng nghe. Tôi cứ ước em dành thời gian cho mỗi mình tôi thôi, nhưng mẹ cũng muốn có em, Annie thì gần như tôn sùng em, ngay cả Lizzie cũng không thể ăn nói đốp chát với em, nhất là khi cô em út của tôi biết rằng Lorna đọc sách nhiều không kém gì mình.
John Fry, Betty và Molly thì ôi thôi là rầy rà mỗi lần Lorna vào nhà bếp. Họ vừa tò mò vì tận mắt nhìn thấy một người Doone bằng xương bằng thịt (khi chắc chắn là mình không bị ăn thịt), vừa bày tỏ sự tôn kính đối với những người thuộc dòng dõi cao quý (bất kể có lương thiện hay không), đồng thời ao ước muốn biết mọi thứ về người yêu của cậu chủ John (rơi xuống từ những đám mây tuyết - ấy là họ bảo thế), và nhất là ngưỡng mộ một nhan sắc mà họ chắc là chưa từng thấy trong đời. Vậy là hễ có mặt Lorna trong nhà bếp là chẳng ai nấu nướng gì được.
Tệ hại nhất là Lorna mê mẩn căn bếp này đến mức khó mà xua em ra khỏi đó. Không phải em có khiếu nấu ăn như Annie (thực tế còn ngược lại nữa là đằng khác, vì em thích thức ăn đã được nấu sẵn), mà là vì em thích không gian của căn bếp, ánh lửa cháy vui tươi, những giá treo thịt lợn muối xông khói, sự dồi dào, ấm cúng và hỗn hợp mùi dễ chịu. Ai mà biết được, có thể em (cũng như mọi cô gái xinh xắn khác) còn thích được trầm trồ ngợi khen.
Vì vậy nếu quý vị muốn tìm Lorna (tôi thì lúc nào cũng muốn, chỉ có Chúa mới biết là bao nhiêu lần một ngày) thì cứ vào bếp là gặp. Ý tôi là, không phải em vào đó để nói chuyện phiếm, giết thời gian hoặc tìm kiếm thứ gì, mà em ở đó hết sức tự nhiên như thể ở nhà mình, như thể em gắn bó với căn bếp từ thời bé thơ và dường như (ít nhất trong mắt tôi) thắp sáng nó, khơi lên sự sống động và nhuốm màu sắc cho tất cả những gì tẻ nhạt, ảm đạm, như ánh mặt trời chiếu rọi lên những đống lúa mì.
Nếu có người nào muốn biết liệu các cô gái có thay đổi hay không khi những thứ xung quanh thay đổi (nhưng trái tim họ trước sau như một, mãi mãi kiên định), anh ta chỉ gần gặp Lorna, sau hai tuần sống cuộc sống nông trại, không còn vướng bận âu lo. Có thể điều đó liên quan đến việc ở cùng tôi dù dưới con mắt của những người không biết rõ về tôi, tôi vốn là một đứa ngốc. Mà thôi, tôi sẽ không nói nhiều, kẻo lại mất hình ảnh. Kỳ thực, một tay tôi trông coi việc đập lúa mì, đích thân làm hơn một nửa số việc nông trại (dù hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng ngay cả John Fry cũng phải làm việc cực nhọc trong thời tiết này), nếu không, tôi mong gì bảo vệ được số ngũ cốc nhà mình.
Ta quay lại với Lorna nào. Phải nói là sự thay đổi giữa ngày và đêm, sự dịch chuyển của mây và mặt trời, sự khác nhau giữa cái chết tối tăm và sự sống sáng ngời, không gì sánh được với những biến đổi nơi Lorna. Em lúc nào cũng nhanh nhảu, hoạt bát (như cách nói của người Exmoor chúng tôi) và được trời phú cho đầu óc nhạy bén đến mức tôi không theo kịp.
Trông em tươi vui như ánh lửa mới được khơi, tâm trạng em phấn chấn như thể nhảy múa cùng ngọn lửa ấy. Hơn thế, em không bao giờ nói điều gì gây tổn thương cho người khác. Thậm chí vẻ ngoài của em cũng có nhiều khác biệt. Không biết là nhờ tình cảm ấm áp của chúng tôi, cuộc sống an nhiên tự tại, lòng yêu kính dành cho Chúa, sự tin tưởng lẫn nhau hay do bầu không khí mát lành, nguồn nước trong vắt và món thịt lợn muối xông khói dùng chung với đậu mà Lorna trở nên đằm thắm, đáng yêu, hoàn thiện, mạnh mẽ, linh hoạt, sôi nổi hơn. Từng ngày trôi qua, chứng cứ càng hiển lộ rõ rệt hơn trên đôi má và đôi môi em. Mỗi ngày tôi được phép hôn em một cái, kiểu như xã giao thôi, vì em đang là khách. Tôi có thể hôn em trước bữa sáng hoặc lúc “chúc ngủ ngon”, tùy tôi. Tôi chọn phương án hai để suốt cả ngày làm việc cứ mong chờ đến tối, thích thú nghĩ về nụ hôn đó. Nhưng khi em đến bên tôi vào đầu ngày, tươi tắn, rạng rỡ, chẳng có ai nhìn, chỉ có đôi mắt em long lanh và đôi môi mời gọi, liệu tôi có thể đợi được đến tối? Em mặc váy của Annie, vừa vặn như thể được may cho em, làm nổi bật chiếc eo thon cùng những đường cong - tôi không bao giờ giải thích được điều đó vì không phải là thợ may, nhưng tôi biết dáng em trông như thế nào trong chiếc váy đó, và nó tác động đến tôi ra sao.
Nhưng việc này không quan trọng. Tôi phải viết tiếp câu chuyện của mình vì thời gian này đối với tôi rất đỗi thiêng liêng.
Mặc dù đây là mùa đông dài và khắc nghiệt nhất từng được biết đến tại vùng chúng tôi (từ giữa tháng Mười hai đến tuần thứ hai của tháng Ba, vạn vật chưa lúc nào ngừng đóng băng), nhưng với tôi nó lại là mùa đông ngắn và dễ chịu nhất. Tôi tin rằng Lorna cũng cảm thấy như vậy. Từ ngày Mười lăm tháng Ba, thời tiết biến chuyển ngày càng rõ rệt.
Trong mùa đông dài lê thê đó, có một điều không ai không để ý, đó là âm thanh rền rĩ xuất hiện trong không khí, vào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, nhất là đêm khuya, bất kể khi có gió hay lúc trời lặng. Chúng tôi kháo nhau về một mụ phù thủy (ngụ tại những cái hang bên bờ biển) đang nguyền rủa cả vùng, sương giá cùng tuyết sẽ không chịu chấm dứt cho đến khi chúng tôi tóm được và dìm chết mụ ta. Nhưng đất liền hoàn toàn bị bao phủ bởi tuyết, những khu vực ven bờ biển đều đóng băng thành những dải lớn trôi nổi, Mẹ Melldrum (nếu đó là Mẹ) trú ngụ ở hang nào không ai biết nên không làm sao tiếp cận bà được. Nhắc đến biển khiến tôi nhớ đến một điều đã được nghe kể từ một nguồn đáng tin cậy. Đó là vào đầu tháng Ba, chừng chục thủy thủ đã di chuyển trên băng bằng sào từ Clevedon đến Penarth, chặn thuyền bè qua lại.
Khoảng ngày Mười tháng Ba, tiếng than van, rền rĩ rời đi cùng với thời tiết khắc nghiệt. Nó tan biến vào hư không chẳng biết tự lúc nào, vì chúng tôi đã quá quen với nó nên thoạt tiên còn tưởng mình bị điếc. Rồi sương mù, vốn giăng mắc khắp nơi (ngay cả khi mặt trời chói chang) biến mất, các ngọn đồi bị bao phủ bao lâu nay phơi bày nguyên hình hài của chúng. Bầu trời cũng bắt đầu hiện ra rờ rỡ - dáng vẻ mà chúng tôi đã không nhìn thấy suốt mấy tháng liền. Trong khi đó, từ ngày lễ Các Thánh, sáu tuần trước đợt sương giá khủng khiếp, bầu trời mang một chiếc mặt nạ nặng trịch, xám xịt khi bị mây bao phủ, hoặc nhuốm màu thạch anh tím với rìa mép mù sương khi quang mây. Sau sự đơn điệu, tẻ nhạt ấy, thật dễ chịu khi nhìn ngắm bầu trời thay đổi liên tục, phù hợp với nước Anh chúng tôi, dù vẫn bị người nước ngoài nói không hay.
Bầu trời mềm mại, lốm đốm đó tựa như một điềm báo, vì chẳng mấy chốc, gió phương nam thổi lồng lộng, cơn mưa thần thánh đổ xuống. Đúng là lạnh thật nhưng nó giúp làm dịu cho làn da lâu nay bị khô nẻ vì tuyết và nhãn cầu lâu nay bị chói vì màu sắc trắng lóa. Người ta bắt đầu suy nghĩ, thậm chí ai đó đã tiên đoán rằng năm nay chúng tôi không có mùa xuân, không có mùa gieo hạt, không có vụ thu hoạch là bởi Chúa đã giáng đòn trừng phạt lên vương quốc Anh cùng các thần dân bởi sự xấu xa của Tòa án, và sự khích lệ ra mặt đối với các tín đồ Thiên chúa La Mã. Họ bảo điều này được chứng minh bằng những gì đã xảy ra ở London. Suốt hơn hai tuần, sương giá khủng khiếp bao trùm, đến độ không ai có thể nhìn thấy hàng xóm của mình, ngay cả khi đối diện nhau qua con đường hẹp nhất. Băng trên sông Thames đóng dày gần một mét rưỡi. Cầu London gãy đôi vì sức nặng của băng. Tôi chẳng hề để ý đến những lời tiên đoán này, bởi không tin Thượng đế đóng băng chúng tôi vì tội ác của kẻ khác, cũng không nghĩ nước Anh đã từng được tận hưởng nhiều ánh nắng suốt nhiều thế hệ, nếu Giáo hội La Mã đem đến sương giá và sương mù. Vả lại, tại sao Thượng đế không đóng băng chính Giáo hoàng cho xong, dù (theo quan điểm của chúng tôi) số ông cũng như tất cả những ai theo ông được hưởng ánh nắng ấm áp?
Thôi, bỏ qua chủ đề này đi vì nó nằm ngoài khả năng suy xét của tôi. Hãy để tôi kể những gì mình chứng kiến, rồi quý vị sẽ phải tin tôi. Đương nhiên tôi không thể nhìn thấy gió, nhưng tôi có thể nhìn thấy những nhành cây sồi lớn nặng trĩu chuyển động, những mong hất sạch thứ đang chễm chệ trên chúng. Nhờ thế, tôi để ý thấy một điều mà có lẽ ai đó khi về già có thể giải thích được. Là thế này. Trong cái lạnh kinh người, tất cả cây cối bị đổ nghiêng, cho dù gió đã làm rơi bớt lớp tuyết đậu trên chúng. Nhiều cành cây cong oằn xuống dưới, hệt mái vòm; số khác cong ngược lên trên, như trán hươu. Tôi không biết tại sao lại như thế, nhưng tôi dám thề đó đúng là những gì tôi chứng kiến.
Rồi những hạt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống, mềm mại lan khắp lớp kính cửa sổ, chảy thành dòng và đóng băng trước khi chạm đến đáy do không khí lạnh giá. Ngay lập tức nhận ra sự khác biệt so với tiếng rơi thịch đanh gọn của tuyết, chúng tôi chạy ra ngoài, hân hoan thu vào tầm mắt cảnh tượng ấy. Tuyết vẫn còn chất đống trên các ngọn núi xung quanh chúng tôi, không khí vẫn còn lạnh đến mức hơi thở đóng băng ngay lúc thoát ra khỏi miệng, mưa hóa thành băng khi nó chạm tới bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trời đang mưa. Trước đây vốn tin rằng lời tiên đoán sẽ thành sự thật, nông trại sẽ tan hoang, chúng tôi sẽ chết đói, thi thể chúng tôi sẽ bị vùi trong những cái hố tuyết không cần mộ chí vì nhà thờ đã đóng cửa từ lâu, lúc này mẹ vùi mặt vào ngực tôi, vừa khóc vừa bảo tôi là chàng trai thông minh nhất. Bởi vì tôi đã lên án những nhà tiên tri là phường xuẩn ngốc, ai mà nghe họ thì công việc ắt ngừng trệ hết.
Lorna ngợi khen tôi hết lời, vì tôi đã đoán thời tiết sẽ thay đổi, để lên tinh thần cho mọi người hơn là thực sự hy vọng vào điều đó. Đến lượt em Annie tới, hai má đỏ bừng ngượng ngập, bảo rằng con Winnie sẽ sớm có đủ bốn chân trở lại. Ấy là do một lời nói đùa ngu ngốc của John Fry hoặc ai đó rằng thời tiết thế này thì con người chẳng còn chân, còn ngựa thì mất hai.
Khi cơn mưa đổ xuống nhờ cơn gió phía tây nam thổi tới, chúng tôi thích thú vô cùng, muốn trời mưa nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Chúng tôi thậm chí còn thè lưỡi ra đón nó như trẻ con, bắt đầu nói về những đóa hoa anh thảo. Chúng tôi nhìn và nghe thấy lòng biết ơn của những con vật tội nghiệp còn lại và một ít chim muông sống sót. Từ chuồng bò vọng ra tiếng rống ậm ò của hơn năm mươi con bò đang trong thời kỳ vắt sữa. Lũ ngựa trong chuồng nép sát vào nhau hết mức có thể, chấp nhận bị đá để tìm hơi ấm từ nhau. Lên tinh thần sau tiếng kêu hớn hở của lũ bò, tụi nó bắt đầu đồng thanh khụt khịt, hí vang, phi lộp cộp ra cửa để biết khi nào được làm việc lại. Như thể đáp lại chúng, lũ cừu đang nằm, nhét hết bốn chân bên dưới tấm thân xù xì lông, cất tiếng be be.
Bầy vịt và ngỗng làm thành hàng dọc, lạch bạch tiến về phía trước từ cái ổ bện từ dương xỉ và rơm. Chúng quàng quạc ầm ĩ, vỗ cánh phành phạch, rỉa đuôi, rồi lại đứng thẳng, rướn cổ, cố gáy một điệu cho giống gà trống! Với dáng điệu màu mè, chúng rẩy nước khỏi bộ lông xám nhạt, bắt đầu chải chuốt bộ dạng của mình, vục mỏ vào tuyết, làm nước bắn tung tóe!
Tôi cam đoan là Lorna chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Em cứ chực chạy ào ra ngoài với mỗi đôi giày nhỏ xíu bằng len cừu, để hôn từng con một. “Ôi, đáng yêu quá, dễ thương quá!” Em liên tục liến thoắng. “Chúng mới thông minh làm sao! Nhìn con kia giơ một chân lên để ra lệnh cho những con khác kìa John!”
“Còn em, nghe anh ra lệnh đây này!” Tôi nhìn gương mặt em rạng rỡ, phấn khích. “Thế này nhé! Em vào trong ngay. Ngồi bên lò sưởi cho ấm. Em đang ho đấy.”
“Không đâu John! Không đâu, xin anh đấy, John. Em muốn xem tuyết tan, những cánh đồng cỏ hiện ra, và chú chim cổ đỏ yêu thích nhà chúng ta bay ra - chú chim lâu nay vẫn sống trong bếp, hót cho chúng ta nghe mỗi lúc bình minh ấy. Em phải biết nó phản ứng thế nào khi thời tiết thay đổi!”
“Em không được làm điều gì tương tự như thế.” Tôi đáp ngắn gọn, sung sướng vô ngần vì lại được ôm em trong vòng tay. Tôi nhấc bổng em lên, đưa em vào nhà. Em nhìn tôi, nhoẻn miệng cười thay vì bĩu môi khi tôi không thể đi thật nhanh. Tôi đặt Lorna vào chỗ yêu thích của em, bên cạnh lò sưởi thơm mùi củi dễ chịu. Em trả công bế cho tôi dù tôi không hề đòi hỏi. Vì vẻ đẹp của cơn mưa, tôi vui vẻ ở lại bên cạnh em cho đến khi Annie đến bảo rằng có việc cần tôi chỉ bảo.
Thực ra hiện giờ tôi không cần hướng dẫn gì nhiều vì mọi người đều biết khá rõ những gì cần làm. Đó chỉ là cái cớ khi họ muốn tôi làm việc cho họ. Kỳ thực, đã đến lúc tôi cần làm việc; không phải cho người khác, mà là cho chính tôi, và cho cả Lorna. Trời đang mưa như trút; lớp tuyết bên trên cuối cùng đã đóng băng, cứng đanh, sáng lóa lên tựa chiếc cốc bằng sứ. Mưa tuôn xối xả xuống những chỗ dốc, trong khi tất cả những chỗ thoát nước bị băng bịt kín, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt. Nước đọng thành vũng lớn rồi biến thành một cơn thủy triều dâng về phía bậc cửa. Đó là bởi những đống tuyết lớn, mặc dù chúng tôi đã cào cật lực, và cả bởi con mương, nơi nước từ “thác nước” bị nghẽn lại do các tảng băng to bằng cơ thể người. Về cái “thác nước” (cách chúng tôi gọi dòng nước nhỏ chảy liên tục), theo như chúng tôi biết, trước đây nó chưa từng đóng băng, luôn sẵn sàng cho chúng tôi rửa tay hoặc uống, nhưng cuối cùng nó đã chịu thua, thôi ru ngủ chúng tôi đêm đêm bằng tiếng nhạc róc rách của mình.
Chẳng mấy chốc, tôi có thể khơi thông dòng chảy, chặn được một trận lụt tiềm tàng bằng cách mở cửa cống cũ. Nhưng tôi phải làm việc cật lực hơn nhiều để giữ khu chuồng ngựa, chuồng bò và các nhà kho khác không bị ngập nước. Vì chúng tôi luôn khôn khéo (mọi người xung quanh cũng vậy) xây tất cả các căn phòng ở bên dưới mặt đất để mùa đông được ấm hơn và mùa hè mát hơn cho cả người lẫn gia súc. Tôi không phủ nhận tập quán này, nhưng tôi thấy hình như đó là một dấu tích còn sót lại từ thời con người ta sống trong những cái hang bên dưới lòng đất và chặn miệng hang bằng da bò.
Vấn đề này hãy để những học giả am tường về thời cổ đại nói cho tôi biết, nếu họ muốn. Tôi chỉ biết rằng hiện giờ tập quán đó khiến tôi điêu đứng. Sau một thời gian chịu lạnh và đói, nếu bầy gia súc yếu ớt của tôi còn phải đứng ngập trong nước đến đầu gối, chúng sẽ chết chắc. Chúng tôi đã chịu nhiều tổn thất về gia súc đến mức túng thiếu một thời gian dài, đó là chưa kể đến sự tổn thương về mặt tình cảm. Tôi cam đoan với quý vị, có vài con ngựa, thậm chí vài con bò tôi thương yêu như thể chúng có cùng huyết thống với mình. Vài con trong số chúng đã chết trong đợt sương giá vừa rồi, mỗi khi nghĩ đến chúng, tôi lại thấy đau lòng. Vì vậy, tôi làm việc cật lực cả đêm để cố cứu số còn lại.