“Không có gì sao?” Ellen hỏi khi bà lao vào văn phòng.
Bà biết nếu như có tin tức về Gil, hẳn bà đã nghe thấy rồi. Nhưng dẫu vậy bà vẫn phải hỏi.
“Không,” Boynton đáp.
Betsy và Katherine đã ra về gói ghém đồ đạc đi Frankfurt, lúc này Ellen đã lướt thẳng vào phòng hội nghị. Bà đã thành công đối phó được với tất cả những câu hỏi khẩn cấp dồn dập được đặt ra bởi những người đồng cấp quốc tế, và giờ bà ngồi xuống nhìn chằm chằm Chánh Văn phòng của mình, các sĩ quan phụ tá cấp cao và các nhà phân tích an ninh.
“Báo cáo đi.”
“Phía Đức nói rằng cả ba vụ nổ này rõ ràng do cùng một tổ chức tiến hành,” một sĩ quan phụ tá cấp cao nói. “Nhưng họ không biết là tổ chức nào.”
“Có thể là Al-Qaeda,” một nhà phân tích an ninh nói. “ISIS...”
“ISIL.”
“Dừng lại,” Ellen giơ tay lên. “Các vụ nổ cách nhau vài giờ đồng hồ. Mọi người hẳn sẽ nghĩ rằng nếu vấn đề là khủng bố, hẳn chúng sẽ hẹn giờ cho các vụ xảy ra gần như cùng lúc. Như vụ 11/9.” Bà nhìn các chuyên gia cố vấn ngồi quanh bàn. “Đúng không?”
Chỉ có những cái nhún vai và im lặng.
“Thưa Ngoại trưởng,” một nhà phân tích cấp cao nói, “sự thật là chúng ta không biết mục đích khi đó của chúng là gì. Không, mục đích mà chúng đang nhắm tới chứ.”
“Cái gì? Chuyện này vẫn còn chưa chấm dứt hay sao?” Bà nói.
Bà có thể cảm thấy mỗi lúc, mình lại tiến gần hơn một chút tới tình trạng loạn trí. Trong bà bỗng dấy lên một khao khát được phá ra cười, mãnh liệt đến choáng ngợp, khiến cho bà quay cuồng cả đầu óc. Bà muốn chạy ra khỏi phòng, giơ hai tay lên vẫy, vừa la hét vừa lao xuống sảnh, tiến ra cửa trước, chạy xuống giữa phố. Chạy mãi không dừng lại cho đến khi tới được chỗ máy bay.
Họ đang nhìn nhau, như thể thách thức nhau nói chuyện.
“Cứ nói đi,” bà nói.
Đáp lại bà chỉ là sự câm lặng. Ellen không thể đọc được tâm trí những người này. Họ quá sành che giấu cảm xúc thật của mình, và chắc chắn là cả những suy nghĩ thực sự của họ nữa. Một phần, điều này là kết quả của quá trình huấn luyện trong môi trường ngoại giao và tình báo, và phần còn lại đến từ bốn năm trời phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị trừng phạt vì tiết lộ bất kỳ điều gì nghe có vẻ chân thực, chứ đừng kể đến chuyện nói ra sự thật.
“Chúng tôi nghĩ chúng có một mục đích lớn hơn,” một người phụ nữ lên tiếng, có vẻ như cô ta đã xui xẻo rút thăm phải cọng rơm ngắn nhất. “Và những quả bom này chỉ là lời cảnh báo đầu tiên.”
Cô ta nheo mắt lại và khẽ nghiêng đầu. Tự trấn tĩnh. Mong đợi sẽ bị quở mắng vì đưa ra một tin xấu.
Thay vào đó Ngoại trưởng Adams tiếp nhận điều mình được nghe và gật đầu.
“Cảm ơn.” Bà nhìn quanh bàn. “Vậy lời cảnh báo đó là gì?”
“Rằng chuyện gì đó lớn hơn đã được lên kế hoạch. Rằng đây chỉ là món khai vị so với những thứ mà chúng có thể làm,” được khuyến khích bởi phản ứng từ vị thượng cấp của mình, một trong các nhà phân tích an ninh lên tiếng.
“Rằng chúng có thể và sẽ làm bất kỳ điều gì chúng muốn,” một người khác nói. “Ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào chúng muốn.”
“Rằng chúng sẵn sàng giết chết những người vô tội, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em, ở bất kỳ đâu trên thế giới này,” một người khác nói.
“Rằng chúng là dân chuyên nghiệp,” lại một người khác chen vào.
Đến lúc này Ellen bắt đầu cảm thấy hối tiếc vì đã khuyến khích thái độ thành thật như vậy. “Không phải là những kẻ nhét bom trong đồ lót, trong giày. Không dùng bom đinh giấu trong ba lô. Bất kỳ kẻ nào làm vụ này thuộc dạng hoàn toàn khác.”
“Và chúng sẽ thành công trong bất kỳ việc gì chúng định làm, thưa Ngoại trưởng,” một người khác đồng ý.
“Mọi người nói xong chưa?” Ellen nói.
Họ nhìn nhau, nhìn một người thốt ra tiếng thở dài như để trút hết tất cả ấm ức dồn lại suốt bằng ấy năm. Và đi kèm với nó là bài kinh cầu lo lắng dài dằng dặc.
“Chúng ta biết gì về tin nhắn mà cô Dahir nhận được?” Ellen hỏi.
“Chúng tôi đã tìm thấy nó trên máy chủ,” một trong các sĩ quan tình báo nói. “Không có địa chỉ IP. Chẳng có thông tin nào cho biết nó bắt nguồn từ đâu. Chúng tôi đang xử lý.”
“Tốt. Cô Dahir đâu rồi?” Ngoại trưởng Adams hỏi. “Tôi sắp bay sang Đức trong ba mươi lăm phút nữa, và tôi muốn nói chuyện với cô ấy trước khi đi.”
Họ nhìn xung quanh, như thể mong Anahita sẽ xuất hiện.
“Thế nào?” Ellen hỏi.
“Tôi không gặp cô ấy một lúc rồi,” Boynton đáp. “Có thể cô ấy quay về bàn làm việc rồi. Tôi sẽ gọi cô ấy lên đây.”
Một phút sau anh ta báo lại rằng cô không có ở đó.
Ellen cảm thấy lạnh buốt từ đỉnh đầu xuống dọc sống lưng.
“Tìm cô ấy đi.”
Có phải cô ấy đã biến mất một cách tự nguyện không? Hay là do bị ép buộc?
Dù là gì cũng đều không tốt.
Ellen nhớ lời thì thầm cái tên “Anahita Dahir” và ánh mắt trao nhau giữa Giám đốc CIA và Tim Beecham, DNI.
Bà hiểu ánh mắt ấy. Nó được dành cho bất kỳ ai không mang tên là Jane hay Debbie, Billy hay Tim. Lúc ấy, điều này đã khiến bà giận dữ, nhưng giờ bà thấy mình cũng đang nghĩ giống như thế.
Anahita Dahir. Cô ta tới từ đâu? Gia cảnh cô ta thế nào?
Lòng trung thành của cô ta được đặt ở đâu?
Và giờ thì cô gái đó đang ở đâu?
Một lần nữa, Ellen lại nghe thấy tuyên bố đơn giản kia. Bất chấp lời cảnh báo sớm, những trái bom vẫn nổ. Bởi vì Anahita đã mang tin nhắn đến cho họ quá muộn.
Điện thoại của bà reo vang. Đường dây cá nhân. Đó là Katherine.
“Anh ấy còn sống.” Giọng cô hân hoan, truyền qua đường dây.
“Ôi Chúa ơi,” Ellen rên rỉ và đổ gập người xuống mặt bàn.
“Cái gì?” Boynton hỏi, đôi mắt anh ta mở to vì lo lắng. “Con trai bà à?”
Ellen ngước mắt lên và bắt gặp một ánh mắt thực sự quan tâm, khác hẳn với những gì bà nhận được từ ông Tổng thống. Vào đúng lúc đó, bà chợt nghĩ rằng có lẽ mình đã yêu Charles Boynton.
Bà yêu tất cả mọi người.
“Nó còn sống.”
Lúc này đang nói trên điện thoại, bà hỏi Katherine.
“Nó thế nào rồi? Nó đang ở đâu?”
“Anh ấy bị thương nhưng không nghiêm trọng. Họ bảo rằng anh ấy sẽ bình phục. Anh ấy đang ở zum heiligen… Geist...”
“Thôi được rồi,” Ellen nói. “Chúng ta sẽ tới đó sớm thôi. Gặp mẹ tại Andrews.”
Khi bà gác máy, mẹ của Gil nhắm nghiền mắt lại và hít một hơi thật sâu. Sau đó Ngoại trưởng Adams mở mắt ra và nhìn các sĩ quan phụ tá của mình đang mỉm cười.
“Nó ổn. Nó sẽ bình phục. Tôi sẽ tới thẳng đó. Cậu đi cùng với tôi,” bà nói với Chánh Văn phòng của mình. “Còn điều gì khác chúng ta biết không?” Họ lắc đầu. “Chúng ta có nghi ngờ điều gì không?”
“Những vụ tấn công khủng bố này nhất định đã được sắp đặt trước, thưa Ngoại trưởng,” nhà phân tích tình báo cấp cao trong phòng nói. “Nhưng chúng ta vẫn chưa thể xác định được thủ phạm. Như chúng tôi đã nói, đó có thể là bất kỳ ai, từ một nhóm cực hữu cực đoan nhất đến một nhóm nhỏ Nhà nước Hồi giáo mới thành lập. May mắn là, nếu tin nhắn mà cô bé FSO kia nhận được là đáng tin, đó có thể là vụ đánh bom cuối cùng.”
“Lúc này thôi,” một sĩ quan phụ tá nói. “Điều tôi không hiểu là tại sao chúng lại cảnh báo chúng ta về những quả bom. Tại sao lại phải gửi tin nhắn đó?”
“Chúng không gửi,” nhà phân tích nói. “Dù có là ai thì kẻ lên kế hoạch những vụ đánh bom cũng đều muốn chúng phát nổ.”
“Vậy thì ai đã gửi lời cảnh báo đó?” Ellen hỏi. Khi tất cả im lặng, bà nói, “Suy luận đi.”
“Một nhóm đối nghịch chăng?” nhà phân tích tình báo cấp cao nói. “Có thể là một gián điệp hai mang, nằm vùng trong tổ chức. Một kẻ không cùng chung lý tưởng với chúng và muốn chặn đứng các vụ nổ. Chúng ta đang mò mẫm như những kẻ mù.”
“Không, mọi người đang nhìn vào tất cả các hướng dễ đoán.” Ellen nói, “Vận dụng trí tưởng tượng đi. Không có quá nhiều kẻ vừa có đủ nhân thủ, vừa có chuyên gia trong lĩnh vực này đâu. Tôi muốn một danh sách.” Bà đứng dậy. “Chúng ta cần phải tìm ra ai là kẻ đã vạch ra âm mưu này, và chúng ta cần phải kết liễu nó.”
“Chúng tôi vẫn không hiểu tại sao lại là các chuyến xe buýt đó,” Boynton hỏi. “Tại sao là những thành phố đó? Có phải là ngẫu nhiên không?”
Một lần nữa, tất cả những cái đầu ở đó, như lũ chó trên ô tô, chỉ biết lắc liên hồi.
Ellen đứng dậy, và những người khác cũng thế.
“Tôi muốn nói chuyện với cô Dahir trước khi đi. Tìm cô ta đi.”
Ra đến cửa bà dừng lại. Bà nhớ lại ánh mắt đó. Ánh mắt được trao đổi giữa Giám đốc CIA và Tim Beecham.
“Nối máy với Giám đốc Cục Tình báo Quốc gia,” bà nói với Boynton.
Vào lúc bà quay vào bàn làm việc, cuộc gọi đã được nối.
“Tim à.”
“Bà Ngoại trưởng.”
“Ông có đang giữ FSO của tôi không?”
“Sao tôi lại làm thế?”
“Đừng có làm càn với tôi. Ông có thể có những bản báo cáo tình báo, nhưng tôi nắm tất cả các đại sứ quán đấy.”
“Về mặt nguyên tắc, …”
“Cứ nói thẳng với tôi.”
“Vâng, thưa Ngoại trưởng. Chúng tôi giữ cô ta.”
***
Anahita không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra. Không phải ở đây. Không phải ở một đất nước văn minh.
Không phải ở đất nước của cô.
Cô ngồi bên một chiếc bàn kim loại, đối diện hai người đàn ông mặc đồng phục nhưng không có phù hiệu hoặc thẻ tên. Tình báo quân sự. Hai người khác, thậm chí còn to lớn hơn, đứng ngoài cửa. Trong trường hợp cô lao ra chạy trốn.
Nhưng ngay cả nếu có ra được khỏi bức tường thịt ấy thì cô có thể chạy đi đâu cơ chứ?
Quay về từ bất cứ nơi nào cô đến, chắc họ nghĩ như thế, cô đã nhận ra nó từ sớm.
Cứ như thể cô không phải tới từ Cleveland ấy.
Cô có thể đoán ra từ cách họ nhắc đi nhắc lại tên cô, Anahita. Họ nói cái tên ấy như thể nó được dịch ra thành từ gì đó xấu xí. Kẻ khủng bố. Người ngoài hành tinh. Kẻ thù. Mối đe dọa.
Anahita, họ cười khinh bỉ. Anahita Dahir.
“Tôi sinh ra tại Cleveland,” cô giải thích. “Các ông có thể kiểm tra.”
“Chúng tôi kiểm tra rồi,” tay sĩ quan trẻ hơn trong hai người nói. “Nhưng hồ sơ có thể làm giả mà.”
“Họ làm được sao?” Cô không cố ý nói như thể chẳng biết gì như thế, và cô có thể đoán làm thế chỉ tổ khiến họ càng nghi ngờ hơn. Theo kinh nghiệm của họ thì làm gì có ai ngây thơ thế. Hoặc vô tội.
Chắc chắn là chẳng ai như thế mà lại có tên là Anahita Dahir.
“Dahir.” Từ chữ “dabir.” Theo tiếng Ả Rập nghĩa là “Người thầy” “Giáo viên”.
Còn “Anahita,” theo tiếng Ba Tư nghĩa là “người hàn gắn.” Là “trí tuệ”.
Nhưng nói với họ cũng chẳng ích gì. Họ sẽ ngay lập tức ngừng nghe sau từ “Ba Tư.”
Vì nó sẽ được dịch ra thành “Iran.” Có nghĩa là kẻ thù.
Không, tốt nhất là đừng nên nói gì cả. Cho dù Anahita Dahir bí mật tự hỏi nếu họ không đúng thì sao, và thực sự họ không ở cùng phe thì sao. Thật khó tin cô lại kết đồng minh với những kẻ như thế này.
“Nguồn gốc dân tộc của cô thế nào?” Tay sĩ quan trẻ hơn gặng hỏi. “Bố mẹ tôi đến từ Li Băng. Beirut. Họ đã trốn thoát trong cuộc nội chiến rồi tới đây làm dân tị nạn. Tôi là thế hệ đầu tiên.”
“Đạo Hồi à?”
“Cơ Đốc.”
“Cha mẹ cô thì sao?”
“Cha tôi theo đạo Hồi. Mẹ tôi theo đạo Cơ Đốc. Một trong những lý do họ phải bỏ đi. Những ai theo đạo Cơ Đốc đều trở thành mục tiêu.”
“Ai đã gửi tin nhắn đã mã hóa cho cô?”
“Tôi không biết.”
“Nói thật đi.”
“Thật mà. Tôi thật sự không biết. Ngay sau khi nhận được tin nhắn tôi đã cho giám sát của tôi xem nó. Anh có thể hỏi anh ấy.”
“Đừng bảo chúng tôi phải làm gì. Chỉ trả lời các câu hỏi thôi.”
“Tôi đang cố…”
“Cô có nói cho giám sát biết tin nhắn nghĩa là gì không?”
“Không, tôi không…”
“Tại sao không?”
“Bởi vì tôi không…”
“Cô đã đợi tới khi hai quả bom phát nổ, và đã quá muộn để chặn đứng quả thứ ba.”
“Không, không!” Cô cảm thấy mình đang ngày càng bối rối và cố gắng giữ bình tĩnh.
“Và rồi cô đã xóa nó đi.”
“Tôi tưởng đó là tin nhắn rác.”
“Tin rác ư?” Tay sĩ quan già hơn trong hai người hỏi, giọng ông ta hợp lý hơn. Và đáng sợ hơn nhiều. “Làm ơn giải thích hành động đó của cô.”
“Thi thoảng chúng tôi nhận được các tin nhắn rác. Trên mạng có rất nhiều chương trình tự động chuyên gửi các tin nhắn ngẫu nhiên tới nhiều địa chỉ khác nhau. Hầu hết đều bị tường lửa của Bộ Ngoại giao chặn lại, nhưng vài tin nhắn vẫn lọt qua…” Ngay sau khi nói ra từ “lọt,” cô đã phải hối tiếc, nhưng vẫn tiếp tục dấn bước. “Chuyện đó xảy ra mỗi tuần một lần.” Cô vừa định nói, Anh có thể hỏi bất kỳ ai trong số các FSO còn lại, nhưng kịp kiềm lại được. Cô đang học dần. “Khi vài tin nhắn bị lọt qua, có vẻ như chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Giống như tin nhắn này. Nếu tôi không hiểu được nó, thì tôi phải hỏi.”
“Có phải cô đang đổ lỗi cho giám sát của mình không?” Tay sĩ quan trẻ hơn gặng hỏi.
“Không, tất nhiên là không. Tôi chỉ đang trả lời những câu hỏi thôi,” cô cáu kỉnh.
Cơn tức giận của cô lúc này còn mạnh hơn cả nỗi sợ hãi. Cô quay sang tay sĩ quan nhiều tuổi hơn.
“Nếu chúng tôi biết cái gì đấy là rác, chúng tôi có thể xóa nó đi hoặc đưa cho giám sát của chúng tôi xem để xin ý kiến, rồi sau đó xóa đi. Đó là việc tôi đã làm.”
Tay sĩ quan tình báo nhiều tuổi hơn ngừng lại, rồi rướn người về phía trước.
“Đó không phải là tất cả những gì cô đã làm. Cô đã chép lại những con số này. Tại sao?”
Anahita im lặng. Và vẫn im lặng.
Làm sao giải thích đây.
“Chỉ là tôi cảm thấy lạ.”
Câu nói này vang vọng giữa căn phòng nhỏ im ắng. Tay sĩ quan trẻ hơn lắc đầu ngả người ra đằng sau, nhưng người già hơn vẫn tiếp tục quan sát cô.
“Tôi biết mình không giải thích được nhiều lắm, nhưng đó là sự thật,” cô nói, lúc này chỉ nói chuyện với ông sĩ quan lớn tuổi. “Tôi không hoàn toàn chắc chắn tại sao mình làm vậy.”
Câu này nghe thậm chí còn tệ hơn. Cô có thể đoán được vì tay sĩ quan lớn tuổi không hề phản ứng chút nào. Không hề. Từ những gì Anahita có thể đoán, thậm chí ông ta còn không thở.
Đúng lúc này có tiếng náo động ngoài cửa.
Dù là thế đi nữa, tay sĩ quan tình báo lớn tuổi vẫn không phản ứng. Ông ta tin tưởng hai tay gác cửa sẽ làm việc của họ trong khi ông làm việc của mình. Mà dường như, lúc này việc của ông ta là nhìn cô chằm chằm.
“Tránh sang bên.”
Giờ tay sĩ quan lớn tuổi mới quay sang nhìn cánh cửa, Anahita cũng vậy. Cô nhận ra giọng nói này. Một lúc sau Charles Boynton bước vào, đi sau là Ngoại trưởng.
Ai ai cũng đứng bật dậy dậm chân, cho dù tay sĩ quan lớn tuổi có phần chậm chạp hơn số còn lại.
“Thưa Ngoại trưởng,” ông ta nói, và khi Anahita vừa định nói gì đấy với Ellen, ông ta liền ném sang cô ánh mắt bắt cô phải im lặng.
“Ông đang giữ FSO của tôi,” Ellen nói, nhìn qua Anahita để chắc chắn rằng cô ổn cả.
Người phụ nữ trẻ có vẻ lo lắng, nhưng không bị làm hại.
“Vâng. Chúng tôi có vài câu hỏi với cô ta.”
“Tôi cũng vậy. Làm ơn, cho tôi biết tên ông.”
Ông ta ngần ngừ chỉ một nhịp. “Jeffrey Rosen. Đại tá, Cục Tình báo Quốc phòng.”
Ellen chìa tay ra. “Ellen Adams. Ngoại trưởng, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Đại tá Rosen bắt tay bà rồi mỉm cười, rất khẽ. “Chúng ta nói chuyện được không, Đại tá? Riêng tư, làm ơn.”
Ông ta gật đầu với tay sĩ quan trẻ hơn, người dẫn Anahita rời khỏi phòng, nhưng cô vẫn kịp nói với lại, “Thưa Ngoại trưởng, Gil? Anh ấy...?”
“Trong bệnh viện. Nó sẽ bình phục.”
Anahita gật đầu nhẹ với bà, đôi vai cô rũ xuống như để trút bỏ gánh nặng của hàng giờ đồng hồ lo âu.
“Bà biết tôi không... Tôi không liên quan.”
Tảng lờ điều đó, Ellen gật đầu với những người khác để bà với Đại tá được riêng tư. Chỉ có Charles Boynton ở lại, đứng cạnh cửa.
“Cô ấy đã nói gì với ông?”
“Hệt như những gì có thể bà đã biết.” Ông ta tường thuật lại trình tự các sự kiện từ lúc tin nhắn xuất hiện ở bàn làm việc của FSO đến khi quả bom phát nổ.
“Điều chúng tôi không biết là…”
“Tại sao cô bé lại chép lại những con số,” Ellen nói.
Bà cố gắng không xem cái nhướng mày của ông ta là một hành vi có ý xúc phạm. Ellen Adams đã quen với việc bị người khác đánh giá thấp. Các phụ nữ tuổi trung niên thành đạt thường xuyên bị những người đàn ông nhỏ mọn khinh thường. Cho dù bà không nghĩ rằng Đại tá Rosen là một người như thế.
Ông ta hẳn cũng sẽ ngạc nhiên tương tự khi Tướng Whitehead có thể trả lời được câu hỏi đó nhanh đến vậy.
“Và?” bà hỏi
“Cô ta không giải thích được.”
“Đại tá này, ông không nghĩ rằng nếu là gián điệp của nước ngoài hoặc có liên quan đến vụ này thì chắc chắn cô ấy đã chuẩn bị sẵn cho mình một lời giải thích ư?”
Câu này khiến ông ta ngạc nhiên, và cân nhắc.
“Cô ấy có vẻ vô tội.”
“Và đó là lý do khiến cô ấy có tội sao? Ông rất có năng lực tại những phiên tòa xử phù thủy đấy.” Ellen bước ra cửa. “Tôi sẽ bay sang Đức.”
Ông ta đi theo bà.
“Tôi hy vọng bà đã có được những câu trả lời, thưa Ngoại trưởng. Tôi rất nhẹ nhõm khi nghe tin về con trai bà. Cậu ấy là một người dũng cảm.”
Ellen khựng lại khi nghe câu nói này. Bà dừng chân quay nhìn vị Đại tá tình báo quân đội và tự hỏi liệu ông ta có hiểu sự dũng cảm đó thực sự lớn đến mức nào không. Không chỉ riêng ngày hôm đó, mà là toàn bộ chuỗi ngày khủng khiếp tại Afghanistan. Nhưng gương mặt của Rosen không để lộ bất kỳ điều gì, nó khó hiểu như một dãy mật mã vậy.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục từ đầu mối này. Anahita Dahir biết gì đó.”
“Nếu cô ấy biết bất cứ điều gì, tôi hy vọng rằng mình sẽ được nghe chúng trên chuyến bay tới đó.”
Ellen biết có lẽ bà không nên vui đến thế trước vẻ kinh ngạc trên mặt Đại tá Rosen. Nhưng bà thật sự đã cảm thấy như vậy.
“Đó là một sai lầm.” Lần này không kèm thêm cụm từ thưa Ngoại trưởng nữa. Chỉ là một tuyên bố thẳng thừng, khô khốc. “Cô Dahir có liên quan tới chuyện này. Tôi không biết theo cách nào, nhưng sự thật là như vậy. Đáng lẽ ra ngay cả bà cũng phải nhận ra được điều đó chứ.”
“Ngay cả tôi ư?” Đôi mắt Ellen cũng cứng rắn như giọng nói của bà. “Tôi là Ngoại trưởng của ông. Ông có thể không đồng ý với tôi, rõ ràng là thế. Nhưng ông sẽ phải tôn trọng chức vụ của tôi.”
“Xin lỗi.” Ông ta ngừng lại nhưng vẫn không chịu thỏa hiệp. “Tôi nghĩ bà đang phạm một sai lầm, thưa Ngoại trưởng.”
Ellen dò xét ông ta một lúc lâu. Ông ta đã nói thật điều mình nghĩ. Sự thật của ông ta.
Nhiều hơn bất kỳ ai dám nói sau khi trở thành một phần trong cái khoảng chân không mang tên “hệ thống quan chức Chính phủ cấp cao” đó.
“Để tôi cho bà biết một chuyện nữa, thưa Ngoại trưởng. Anahitar Dahir không đáng tin đâu.”
“Vâng, ông đã nói rõ ràng rồi, Đại tá. Và tin tôi đi, tôi rất coi trọng lời khuyên của ông. Nhưng cô Dahir vẫn sẽ đi với tôi.”
Điều ngài Đại tá đã không nhìn thấy là nét mặt cô FSO trẻ tuổi khi cố gắng thuyết phục Ngoại trưởng Adams rằng cuộc tấn công thứ ba sắp xảy ra.
Trên gương mặt cô ấy đã lộ ra vẻ hốt hoảng vô cùng chân thực. Đây là một phụ nữ trẻ đang cực kỳ muốn ngăn chặn vụ nổ.
Ellen cũng biết rằng, không có Anahita, con trai bà hẳn sẽ chết. Bà mắc nợ cô gái này. Nhưng bà có tin tưởng cô không ư?
Không hoàn toàn. Vẻ mặt của cô bé FSO ấy khi cô ta van xin Ellen tin tưởng mình, hãy làm gì đó, có thể là một hành động, một thủ đoạn để thâm nhập vào ”vòng trong” của Chính phủ. Để thao túng và đánh lạc hướng họ trong khi một âm mưu tấn công lớn hơn được lên kế hoạch.
Ellen biết Đại tá Rosen nghĩ rằng bà ngây thơ hơn cô gái trẻ kia nhiều.
Và trong lúc này, chừng nào bà có thể tách biệt rõ đồng minh với kẻ thù, thì việc ông ta nghĩ thế không thành vấn đề.
Bên cạnh đó, nếu Anahita Dahir có liên quan, Ellen muốn giữ cô ở gần bà. Để quan sát, thậm chí là dụ cho cô ta mắc sai lầm.
Trừ phi chính bà mới là người đang phạm sai lầm, Ellen nghĩ khi dẫn đầu đoàn người đi tới những chiếc limousine đang chờ sẵn để đưa họ tới Andrews.
Khi đã ở trên máy bay, Anahita cố gắng tiến đến gần để gặp Ngoại trưởng Adams, cảm ơn bà vì đã giải cứu mình. Vì đã tin tưởng mình. Vì đã mang cô theo cùng họ sang Đức.
Nơi cô có thể gặp Gil.
Cô những muốn giải thích rằng mình chẳng biết gì, chẳng che giấu điều gì.
Nhưng rồi, hẳn họ sẽ cho đó chỉ là một lời nói dối.