“Xin chúc mừng, thưa Tổng thống. Mọi chuyện đều tốt đẹp,” Barbara Stenhauser nói.
Doug Williams phá lên cười. “Tất cả rất trôi chảy. Tốt hơn cả tôi kỳ vọng.”
Ông tháo cà vạt rồi gác chân lên bàn.
Họ đã quay về Phòng Bầu dục. Một quầy bar được dựng lên, cùng với mấy đồ ăn vặt dành cho gia đình, bạn bè và những người ủng hộ giàu có được mời về để ăn mừng bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống trước Quốc hội.
Dù vậy, Williams vẫn muốn có vài phút riêng tư với Chánh Văn phòng của mình, để thư giãn. Bài diễn văn đã làm được hết tất cả những gì ông mong muốn, và còn hơn thế. Nhưng vẫn còn một chuyện nữa khiến ông chóng mặt.
Ông đan hai tay ra sau đầu rồi đung đưa, trong khi người hầu bàn mang tới cho ông một ly Scotch, một đĩa nhỏ sò huyết bọc thịt lợn muối xông khói và tôm chiên giòn.
Ông ra dấu cho Barb đến ngồi với mình, cảm ơn hầu bàn và khoát tay bảo anh ta rời đi.
Barb Stenhauser ngồi xuống, nhấp một ngụm rượu vang dài.
“Bà ta chịu đựng được chuyện này không?” ông hỏi.
“Tôi nghi ngờ điều đó. Chúng ta sẽ để truyền thông nhắm vào bà ta. Theo những gì tôi thấy trước bài diễn văn của ngài, họ đã bắt đầu làm thế rồi. Bà ta sẽ chết trước khi về được tới nhà. Chỉ để chắc chắn, tôi đã sắp xếp vài Thượng Nghị sĩ thuộc phe chúng ta bắt đầu bày tỏ mối quan ngại về sự phù hợp của bà ta với công việc, xét đến thất bại tại Hàn Quốc.”
“Tốt. Tiếp theo bà ta sẽ tới đâu nhỉ?”
“Tôi đã lên lịch cho bà ta đi Canada.”
“Ôi trời. Giữa tuần này chúng ta sẽ có chiến tranh với họ cơ mà.”
Barb phá lên cười. “Hãy hy vọng đi. Tôi đã luôn luôn muốn một chỗ ở Québec. Các báo cáo ban đầu về diễn văn của ngài cực kỳ lạc quan, thưa ngài. Họ đang trích dẫn lối diễn đạt cao quý của ngài và việc ngài hợp tác với cả đảng đối lập. Nhưng trong dân chúng đang có những nỗi bất bình ngấm ngầm, thưa Tổng thống, rằng việc bổ nhiệm Ellen Adams, mặc dù là dũng cảm, nhưng vẫn là một bước đi sai lầm, đặc biệt sau thất bại ở Hàn Quốc.“
“Một chút phản lực chúng ta phải chịu là điều dễ hiểu. Miễn là hầu hết những gì khốn nạn nhất thì bà ta lãnh đủ. Thêm nữa, như thế giới phê bình sẽ có chuyện để bàn khi chúng ta tập trung vào việc của mình.”
Stenhauser mỉm cười. Hiếm hoi lắm cô mới thấy một chính trị gia hoàn mỹ đến thế. Một người đủ quả cảm để sẵn sàng hứng chịu vết thương da thịt để giết chết một đối thủ.
Cho dù cô biết ông sẵn sàng chịu đựng nhiều hơn một vết thương trên da thịt.
Thực tế Douglas Williams khiến cô sởn gai ốc là điều cô có thể bỏ qua, nếu điều đó đồng nghĩa với việc chương trình nghị sự mà cô tin tưởng bằng cả trái tim sẽ được thực hiện.
Rướn người sang bên kia bàn, cô trao cho ông một tờ giấy.
“Tôi đã chuẩn bị một tuyên bố ngắn ủng hộ Ngoại trưởng Adams.”
Ông đọc tờ giấy rồi hất trả lại.
“Hoàn hảo. Trang nghiêm, nhưng mập mờ.”
“Khen cho có.”
Ông cười, rồi thở dài nhẹ nhõm. “Bật ti vi lên đi. Xem họ đang nói cái gì.”
Ông nghiêng người về phía trước và đặt hai khuỷu tay lên bàn khi chiếc màn hình lớn sáng lên. Ông rất muốn được khoe khoang với viên Chánh Văn phòng về việc mình đã thông thái như thế nào. Nhưng ông không dám.
***
“Đây.”
Katherine Adams trao cho mẹ và mẹ đỡ đầu của cô hai ly Chardonnay lớn; rồi cô cầm lấy cổ chai, tự mang ly của mình đến chỗ chiếc xô pha lớn và ngồi xuống giữa hai người. Ba cặp chân, ba đôi dép, gác lên chiếc bàn cà phê.
Katherine với tay lấy cái điều khiển từ xa.
“Chưa được,” mẹ cô nói, đặt tay lên cổ tay con gái. “Hãy cứ giả vờ thêm vài phút rằng họ đang nói về chiến thắng của mẹ ở Hàn Quốc.”
“Và chúc mừng cậu vì kiểu đầu và gu ăn mặc mới nữa chứ,” Betsy nói.
“Nước hoa nữa ạ,” Katherine nói.
Ellen cười.
Ngay sau khi về nhà, bà đã đi tắm và thay sang bộ đồ mặc nhà. Giờ ba người phụ nữ ngồi đó, sát bên nhau, trong căn phòng nhỏ thoải mái. Các giá sách chật cứng sách và những bức ảnh lồng khung con cái của Ellen và cuộc đời bà với người chồng quá cố che kín toàn bộ các bức tường.
Đó là không gian riêng tư, một chốn linh thiêng dành riêng cho gia đình cùng những người bạn thân nhất.
Lúc này, khi đã đeo kính, Ellen rút ra một tập hồ sơ rồi vừa đọc vừa khẽ lắc đầu.
“Có chuyện gì thế?” Betsy hỏi.
“Những cuộc hội đàm. Lẽ ra chúng không bị bi đát như thế. Nhóm tiền trạm đã làm việc tốt.” Bà giơ mấy tờ giấy lên. “Chúng ta đã có chuẩn bị. Phía Hàn Quốc cũng thế. Mình đã nói chuyện với người đồng cấp của mình. Chuyện này được cho là theo đúng thủ tục.”
“Thế đã xảy ra chuyện gì ạ?” Katherine hỏi.
Mẹ cô thở dài.
“Mẹ không biết. Mẹ đang cố tìm hiểu đây. Mấy giờ rồi?”
“11 giờ 35 phút ạ,” Katherine đáp.
“Là 12 giờ 35 phút chiều ở Seoul rồi,” Ellen nói. “Mẹ rất muốn gọi điện, nhưng sẽ không vội. Mẹ cần thêm thông tin.” Bà liếc mắt sang Betsy, người đang lướt qua các tin nhắn. “Tìm được gì không?”
“Rất nhiều email và tin nhắn động viên từ bạn bè và gia đình.” Betsy đáp.
Ellen tiếp tục nhìn bà, nhưng Betsy lắc đầu, biết rằng Ellen đang muốn hỏi cái gì và không hỏi cái gì.
“Con có thể viết thư cho ông ta,” Katherine gợi ý.
“Không. Ông ta biết chuyện gì đang diễn ra. Nếu muốn liên hệ ông ta sẽ gọi.”
“Mẹ biết ông ta bận mà.”
Ellen chỉ tay vào cái điều khiển từ xa.
“Cũng có thể bật xem tin tức được rồi. Vượt qua chuyện này thôi.”
Cả Betsy lẫn Katherine đều biết rằng những gì hiện lên trên ti vi sẽ được xem như một dạng thuốc giảm đau để giúp Ellen không còn bận tâm tới cái tin nhắn vẫn chưa xuất hiện trên điện thoại mà bà đang chờ đợi.
Ellen Adams tiếp tục đọc báo cáo, cố gắng tìm ra đầu mối dẫn đến đàm phán thất bại tại Seoul. Bà chỉ nghe loáng thoáng những người được gọi là chuyên gia nói trên ti vi.
Bà biết họ đang nói cái gì. Ngay cả các phương tiện truyền thông đại chúng trong công ty của riêng bà – các kênh tin tức tổng hợp quốc tế, các tài liệu, các trang web trực tuyến – tất cả cũng đều cố gắng chĩa mũi dùi vào bà chủ cũ của họ.
Thực ra, trong một nỗ lực chứng tỏ mình không thiên vị, họ sẽ là bên ra tay tấn công đầu tiên. Và mạnh tay. Ellen có thể đã ngửi thấy mùi của vô số quan điểm trái chiều.
Khi nhậm chức Ngoại trưởng, chính Ellen đã từ bỏ và để lại toàn bộ cổ phần cho con gái, đồng thời ra lệnh cả bằng miệng lẫn bằng văn bản, rằng cá nhân Katherine Adams không có bất cứ can hệ gì với chính quyền Williams nói chung, hoặc Ngoại trưởng Adams nói riêng.
Đó là cam kết mà con gái bà thấy dễ dàng tuân thủ. Rốt cuộc, cô chẳng phải là nhà báo trong gia đình này. Bằng cấp của cô, chuyên môn của cô, và sự quan tâm của cô chỉ ở khía cạnh kinh doanh. Cô quan tâm đến mẹ mình chính trong khía cạnh này.
Betsy chạm vào cánh tay Ellen và hất đầu về phía ti vi.
Ngước mắt lên khỏi đống giấy tờ, bà xem một lúc, rồi ngồi thẳng lưng hơn trước.
***
“Ôi chó chết,” Doug Williams nói. “Cô đùa tôi đấy à?”
Mắt ông trừng trừng nhìn Chánh Văn phòng của mình như thể mong cô ta làm gì đó với chuyện này.
Điều Barb Stenhauser đã làm đó là chuyển kênh ti vi. Rồi lại chuyển, lại chuyển. Nhưng bằng một cách bí hiểm, có một điều gì đó đã thay đổi chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi xen giữa ly scotch thứ hai của Tổng thống Williams và bài Thông điệp Liên bang của ông.
***
Katherine bắt đầu cười, đôi mắt cô sáng bừng lên.
“Lạy Chúa tôi, trên mọi kênh luôn.” Cô chuyển qua hết tất cả các kênh, chỉ dừng lại vừa đủ ở mỗi kênh để lắng nghe các học giả và bọn đầu gấu chính trị chúc mừng Ngoại trưởng Adams vì nỗ lực của bà trong công việc. Việc bà sẵn sàng xuất hiện tại đồi Capitol trong dáng vẻ lôi thôi lếch thếch, với vết nhơ từ công việc của bà vẫn còn đeo bám.
Phải, chuyến đi đúng là một thất bại bất ngờ, nhưng thông điệp lớn hơn đó là Ellen Adams, và mở rộng ra là cả nước Mỹ, đã không khuất phục. Sẵn sàng bước vào những chiến hào. Để xuất hiện. Để ít nhất cố gắng khắc phục thiệt hại của bốn năm hỗn loạn.
Thất bại của bà tại Hàn Quốc được quy cho đống hỗn độn mà tên Tổng thống cũ bất tài cùng vị Ngoại trưởng của ông ta để lại.
Lúc này Katherine bật ra tiếng huýt sáo. “Xem này.” Cô giơ điện thoại của mình ra trước mặt mẹ và Betsy.
Một tấm ảnh chế đã lan truyền chóng mặt trên mạng truyền thông.
Sau khi được giới thiệu, Ngoại trưởng Adams bước xuống lối đi tiến về chỗ ngồi để nghe bài diễn văn, ống kính truyền hình chĩa vào một Thượng Nghị sĩ đảng đối lập nhìn bà khinh bỉ và lẩm bẩm:
“Con mụ bẩn thỉu!”
***
“Cái quái gì thế!” Doug Williams, quẳng con tôm xuống đĩa mạnh đến nỗi nó nảy trên chiếc bàn Kiên định, văng xuống đất rồi hạ cánh xuống tấm thảm. “Chết tiệt.”
***
Đang nằm trên giường, Anahita Dahir có một suy nghĩ.
Giả sử rằng tin nhắn lạ lùng ấy đến từ Gil thì sao?
Phải. Đó có thể là Gil. Muốn được liên hệ lại. Được chạm vào.
Cô có thể cảm thấy làn da của anh, ẩm ướt vì mồ hôi từ những buổi chiều Islamabad nóng bỏng, ngột ngạt nhớp nháp ấy. Họ đã lẻn vào căn phòng nhỏ của cô, gần như nằm chính giữa con đường tới cơ quan của anh ở hãng thông tấn và của cô tại đại sứ quán.
Khi đó, cô mới chỉ là một nhân viên mới, đủ mới để chẳng ai để ý đến sự vắng mặt của cô. Gil Bahar là phóng viên được tôn trọng đến nỗi không ai thắc mắc khi anh vắng mặt. Họ sẽ cho rằng anh đang lần theo một đầu mối nào đó.
Trong thế giới bí bức, chật chội tới mức gây ra nỗi sợ không gian kín của thủ đô Pakistan, những cuộc họp bí mật được tổ chức suốt ngày đêm. Giữa các gián điệp và mật vụ. Giữa những người cấp tin và những kẻ bán thông tin. Giữa người mua và kẻ bán của thuốc phiện, vũ khí và cái chết.
Giữa nhân viên đại sứ quán và phóng viên.
Đó là nơi chốn và thời điểm mà chuyện gì cũng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Các phóng viên trẻ và những nhân viên hỗ trợ nhân đạo, bác sĩ và y tá, nhân viên đại sứ quán và những người cấp tin gặp mặt nhau và hòa mình vào trong những quán bar ngầm, trong những căn hộ bé tí xíu. Tại các bữa tiệc. Họ đụng độ nhau. Lập nhóm chống lại nhau.
Cuộc sống xung quanh họ thực quý giá và mong manh. Và họ đã trở thành bất tử.
Cơ thể cô di chuyển, theo nhịp điệu, trên chiếc giường D.C, một lần nữa cảm nhận được cơ thể rắn chắc của anh tựa vào người mình. Cơ thể rắn chắc của anh bên trong cô.
Vài phút sau Anahita tỉnh dậy. Và cho dù cô biết rằng mình đang tự tìm rắc rối, nhưng cô vẫn vươn tay ra lấy điện thoại.
Có phải anh cố nhắn tin cho em không?
Giờ cô đã tỉnh hẳn sau đó mất cả đêm để kiển tra điện thoại. Không có hồi âm.
“Đồ ngốc,” cô lẩm bẩm, ngay cả khi một lần nữa lại ngửi thấy mùi thơm như xạ của anh. Cảm thấy làn da trắng trẻo trần trụi của anh khi nó lướt qua tấm thân sẫm màu ẩm ướt của cô. Cả hai cơ thể tỏa sáng lung linh dưới nắng chiều.
Cô có thể cảm thấy sức nặng của anh trên người mình. Đang nằm đè lên trái tim cô.
***
Nasrin Bukhari ngồi trong nhà chờ máy bay.
Một tay lính gác mệt mỏi ở biên giới vừa kiểm tra hộ chiếu của cô, không thể nào nhận ra đó là hộ chiếu giả. Hoặc có lẽ anh ta thực sự chẳng buồn quan tâm nữa.
Anh ta nhìn xuống tấm hộ chiếu, rồi lại nhìn vào mắt cô. Anh ta trông thấy một người đàn bà trung niên kiệt sức. Chiếc khăn trùm đầu truyền thống đã bạc màu và bị sờn ở phần viền bao lấy gương mặt đã in hằn những nếp nhăn của cô.
Chắc chắn không phải là mối đe dọa. Anh ta tiếp tục công việc của mình. Với người hành khách đang cực kỳ muốn vượt qua biên giới để trốn khỏi cảnh hiểm nghèo và đi tìm một hạnh phúc mong manh tiếp theo.
Tiến sĩ Bukhari biết rằng chính cô là người đang mang theo niềm hy vọng đó trong cái túi của mình. Và hiểm nguy đó cũng chính là thứ đang được chứa trong đầu cô.
Cô đã tới được sân bay sớm hơn ba tiếng so với giờ bay. Giờ cô mới nhận ra có lẽ khoảng thời gian ấy là hơi quá nhiều.
Nasrin Bukhari chỉnh lại tư thế ngồi để có thể nhìn thấy người đàn ông đang tựa vào bức tường phía bên kia phòng chờ lớn bằng tầm nhìn ngoại vi của mình. Hắn đã có mặt ở cửa an ninh khi cô được kiểm tra. Hắn đã bám theo cô đến khu vực phòng chờ, cô gần như chắc chắn điều đó.
Cô đang tìm một người Pakistan. Một người Ấn Độ. Một người Iran. Chắc chắn chúng được cử đến để chặn cô lại. Điều cô không ngờ tới là chúng cử đến một kẻ da trắng. Chính sự nổi bật đó lại là lớp ngụy trang của hắn. Tiến sĩ Bukhari không tin rằng kẻ thù của mình lại có thể nảy ra ý tưởng phi thường này.
Cho dù có lẽ là cô đang tưởng tượng ra mọi thứ. Một ảo tưởng sinh ra từ việc phải nghỉ ngơi quá ít, ăn uống quá ít và quá lo sợ. Cô có thể cảm thấy lý trí của mình đang trôi tuột đi. Đầu nhẹ bẫng do thiếu ngủ, dường như có đôi lúc cô thấy mình đang trôi bồng bềnh phía trên cơ thể.
Là một trí thức, một nhà khoa học, Tiến sĩ Bukhari nhận thấy đây là sự kiện khủng khiếp nhất cho đến giờ. Cô không còn tin tưởng tâm trí mình nữa. Cũng như không còn tin tưởng những cảm xúc của mình nữa.
Cô đang trôi dạt.
Không, cô nghĩ. Không phải thế. Cô có định hướng rõ ràng. Một điểm đến rõ ràng. Cô chỉ việc đi tới đó mà thôi.
Nasrin Bukhari nhìn chiếc đồng hồ cũ tả tơi treo trên tường khu phòng chờ bẩn thỉu. Một lần nữa. Hai tiếng và năm mươi ba phút nữa chuyến bay tới Frankfurt sẽ cất cánh.
Trong tầm nhìn ngoại vi của mình, cô thấy người đàn ông kia rút điện thoại ra.
***
Tin nhắn đến vào lúc một rưỡi sáng.
Không viết trượt bàn phim nữa à. Em có thể là một cuốn album để giúp anh việc gì đó. Cần tìm thông tin về một nhà khoa học.
Ana tắt điện thoại. Thậm chí anh ta còn chẳng buồn kiểm tra lỗi chính tả trước khi gửi tin nhắn nữa.
Cô đã bước vào guồng quay đó, cô biết, hoặc ít nhất nghi ngờ rằng, đối với anh ta cô chỉ là một nguồn tin. Không hơn không kém. Có thể là ngay từ đầu đã thế. Với anh ta giá trị của cô là tay trong ở đại sứ quán và giờ là Bộ Ngoại giao. Nguồn tin của anh ta trong Cục Nam và Trung Á Vụ.
Anahita tự hỏi mình thực sự biết được bao nhiêu về Gil Bahar. Anh ta là một phóng viên được tôn trọng của hãng Reuters. Đã có nhiều lời đồn đại. Những xì xào.
Tuy nhiên Islamabad là nơi được dựng lên bằng những đồn đại và xì xào. Ngay cả các cựu binh cũng không thể nhận ra được điều gì là thật và điều gì là hư cấu. Đâu là thực tại và đâu là hoang tưởng. Trong cái vạc dầu sôi ấy, cả hai thái cực đã hòa vào nhau làm một. Không thể phân biệt.
Điều cô biết là Gil Bahar từng bị một mạng lưới khủng bố của gia tộc Pathan bắt cóc tại Afghanistan vài năm trước và bị giam giữ trong tám tháng trước khi trốn thoát. Nổi tiếng với cái tên “Gia tộc,” Pathan là bí danh của một nhóm khủng bố cực đoan nhất, tàn bạo nhất tại vùng bộ lạc Pakistan-Afghanistan. Nhờ mối quan hệ liên minh chặt chẽ với Al-Qaeda, ngay cả các nhóm Taliban khác cũng phải khiếp sợ chúng
Trong khi các phóng viên khác bị tra tấn, rồi hành hình, chặt đầu, thì Gil Bahar lại bình yên thoát được ra ngoài đến một vết sẹo cũng không có.
Tại sao lại thế? Đó chính là câu hỏi mà người ta bàn tán. Anh ấy đã thoát khỏi bọn Pathan bằng cách nào?
Anahita Dahir đã chọn cách làm ngơ lời ám chỉ khó chịu này. Nhưng bây giờ, khi đã nằm trên giường, cô tự cho phép mình nghĩ đến nó.
Lần cuối cùng Gil liên hệ với cô là một thời gian ngắn sau khi cô được thuyên chuyển khỏi Pakistan đến đảm nhận công việc tại D.C. Anh đã gọi vào số điện thoại riêng của cô, sau vài câu mào đầu lịch sự, anh đã nhờ cô tìm kiếm thông tin.
Tất nhiên cô không trao cho anh cái gì hết, nhưng ba ngày sau xảy ra một vụ ám sát. Nạn nhân chính là người mà Gil từng dò hỏi về lịch trình di chuyển.
Và lần này anh lại muốn có thêm thông tin. Về một nhà khoa học nào đó.