Kể từ khi thầy Dị qua đời, Trương Duy cảm thấy trong lòng trống rỗng, lại thêm chuyện của Ngô Á Tử nên anh thường trong tâm trạng không vui. Anh gần như thay đổi hẳn so với trước kia. Mạo Khiết hỏi: “Sự ra đi của thầy Dị đã tác động rất lớn đến anh có phải không?”. Trương Duy đáp: “Đúng thế”.
Đúng lúc ấy thì Nhiệm Thế Hùng đến đòi bản thảo, Trương Duy đưa cho anh ta những bài viết lúc ở Quảng Châu. Xem xong, Nhiệm Thế Hùng nói: “Tốt lắm. Những bài này so với lần trước khiến người ta càng ngạc nhiên và thấy có giá trị hơn. Những người có tiếng tăm qua đời thì thường còn nổi tiếng hơn khi còn sống, bởi vì lúc ấy mọi ghen ghét đố kỵ với họ dường như không còn nữa, mà chỉ còn lại sự tiếc thương của tất cả mọi người, thầy Dị cũng vậy. Đúng lúc này mà đưa những bài viết của cậu ra thì thầy Dị sẽ càng được mọi người biết đến nhiều hơn, và chẳng phải cậu sẽ lập tức thành danh sao?”.
Vừa nghe nói thế, Trương Duy lập tức lấy lại tập bản thảo từ tay Nhiệm Thế Hùng, nói: “Anh Nhiệm này, để tôi xem kỹ lại đã, hai ngày nữa anh hãy đến lấy, được không?”.
Nhiệm Thế Hùng nói: “Được, quyết định như thế đi. Cậu cứ đưa những bài còn lại cho tôi để tôi cho người biên tập trước”.
Trương Duy đưa những bài còn lại cho Nhiệm Thế Hùng, trong đó có cả bài viết phê bình nhóm Mạc Phi, anh chỉ giữ lại những bài phê bình thầy Dị. Buổi chiều anh tới tìm gặp ông Ngô. Cũng đã lâu không gặp, ông cũng đang định đến thăm anh, thấy anh tới, ông nói: “Thầy Dị mất đi, có lẽ cậu là người đau lòng nhất. Một người ngay từ hồi còn trẻ mà đã gặp được một người vừa là thầy vừa là bạn tốt thì quả là có phúc. Cậu đã có cái phúc ấy, nhưng đáng tiếc… Có điều cậu cũng đừng quá buồn, tuy tôi không thể là thầy của cậu, nhưng làm một người bạn tốt thì hoàn toàn có thể”.
Trương Duy cười đáp: “Thầy đã quá khiêm tốn rồi. Trước đây em không biết khiêm tốn là gì, bây giờ cũng vẫn vậy, nhưng em hiểu, đây là một đức tính tốt”.
“Xem ra đã có tiến bộ rồi đấy. Hà hà, nào, vào đây, hôm nay chúng ta phải uống với nhau một chén!”
Nghe nói đến “uống một chén”, Trương Duy liền nhớ đến chuyện hai giáo sư bàn tán với nhau mà anh nghe được, anh đem kể lại cho ông Ngô nghe. Ông nghe xong liền đáp: “Tôi cũng có nghe nói. Còn nhiều lời đồn ly kỳ hơn nữa kia, có người nói rằng, lúc thầy Dị gặp Thôi Tĩnh Di, bà ấy hỏi sức khỏe thầy thế nào. Thầy Dị đáp, đã khỏe lại rồi, một cuộc vận động lớn đến như vậy còn chẳng trị chết tôi thì một trận ốm qua loa làm gì tôi được. Thôi Tĩnh Di hỏi, có phải là anh vẫn canh cánh trong lòng chuyện năm xưa không? Thầy Dị đáp, trước đây thì có chuyện gì, đều là sai lầm của thời đại chứ đâu phải của một cá nhân? Thôi Tĩnh Di liền nói, thời đại là thời đại, cá nhân là cá nhân, cá nhân cũng có sai lầm. Thầy Dị nói, thôi, tất cả cũng đã qua rồi, nhắc lại chuyện ấy mà làm gì. Hai người chỉ nói có mấy câu ấy thì Thôi Tĩnh Di đi, sau đó thì thầy Dị gặp ông Phương. Ôi, rõ chán cái ông Phương này, mồm miệng cứ hay bép xép”.
Trương Duy thở dài: “Nếu đúng như vậy thì thật là đáng tiếc. Cả đời thầy Dị có thể nói là rất oanh liệt, đến lúc về già nói rằng đã thấu hiểu hết mọi sự đời, không thích bon chen và cũng không muốn viết gì thêm, có viết ra được một cuốn sách hay thì cũng thấy không cần thiết phải xuất bản. Thầy luôn dạy chúng em là phải biết khoan dung, chúng em luôn nghĩ rằng thầy thực sự đã thấu hiểu mọi lẽ, sẽ không còn buồn phiền vì bất cứ chuyện gì nữa. Không ngờ, chỉ mấy câu nói đùa đã khiến thầy tức giận đến nỗi mất cả tính mạng”.
“Cũng không thể nói như thế được. Mặc dù cách sống của thầy Dị khác người, nhưng thầy ấy vẫn có những điểm giống với người bình thường, cũng buồn bực, cũng tức giận. Thầy ấy chỉ uống mấy chén rượu, ai mà ngờ được rằng, nó lại lấy đi mạng sống của thầy ấy. Đúng là chẳng nên trách ai cả, cho dù những lời ông Phương nói là sự thật thì đó cũng là chuyện của mấy người bọn họ, không liên quan gì tới người khác, họ sẽ phải tự giải quyết lấy. Cậu kể rằng, lần trước khi thầy Dị ốm nặng, cô Thôi Tĩnh Di cũng không tới thăm là gì. Tuy miệng thầy Dị nói là không để bụng, nhưng chắc chắn thầy ấy vẫn nghĩ đến. Đó là một điều đáng tiếc. Lần này họ gặp nhau, có lẽ là để kết thúc những điều đáng tiếc trước kia, nhưng không ngờ lại còn gây ra sự đáng tiếc lớn hơn”, ông Ngô thở dài nói.
“Đời người là cả một sự đáng tiếc lớn!”, Trương Duy lẩm bẩm.
“Tất nhiên. Có điều nói đi cũng phải nói lại, tuy cuộc đời thầy Dị gặp nhiều trắc trở nhưng thầy ấy cũng đã sống rất đàng hoàng thẳng thắn. Không cần nói tới những ảnh hưởng của thầy ấy đối với giới tư tưởng, chỉ riêng những điều thầy ấy nghĩ và làm cũng đã là tấm gương cho mọi người rồi”, ông Ngô nói.
“Lúc còn sống, thầy Dị đã đưa tất cả những cuốn sách của thầy ấy cho em, vì em nói là sẽ viết một bài tranh luận với thầy ấy. Em cũng đã viết một bản dài hơn năm vạn chữ và đưa cho thầy ấy xem. Thầy ấy nói, rất tốt. Nhưng sau khi đọc lại những cuốn sách đó, em quyết định viết lại. Bởi sau mỗi lần đọc lại sách của thầy ấy, em lại có thêm thu hoạch mới, thế là những nội dung đã viết trước gần như bị phủ định. Mãi cho tới hồi ở Quảng Châu, em mới viết được một bản khác dài ba vạn chữ. Lâm Hà cũng đã xem và nói rất tốt. Nhưng em vẫn cảm thấy không yên tâm, em muốn nhờ thầy xem giúp”, Trương Duy nói.
“Chuyện ấy tôi không làm được đâu. Nhưng tôi có thể hiệu đính cho cậu. Tôi hỏi một chút, thầy Dị rất ủng hộ cậu, đúng không?”, ông Ngô hỏi.
“Vâng ạ. Hồi còn trẻ, thầy ấy cũng đã tranh luận với thầy giáo của mình là thầy Hồ Lý rồi từ đó bước lên văn đàn, hơn nữa ai muốn bước lên văn đàn thì chắc chắn phải luận chiến với thầy ấy một phen. Trong những năm tháng cuối đời, thầy Dị cũng muốn giúp em một tay. Nhưng không ngờ, bản thảo vừa viết xong thì thầy ấy đã qua đời. Trước lúc lâm chung, thầy ấy bảo em nhất định phải cho đăng hoặc xuất bản những bài viết đó”, Trương Duy thở dài nói.
“Cậu nghĩ sao về những bài viết của mình?”, ông Ngô hỏi.
“Em không muốn nói ra trước, chờ khi thầy xem cho em xong rồi em sẽ nói. Phía nhà xuất bản thì cứ giục, thầy tranh thủ xem cho em càng sớm càng tốt nhé”, Trương Duy nói.
“Được, tối hôm nay tôi sẽ đọc xong, sáng mai cậu đến lấy nhé”, ông Ngô nói.
Sáng hôm sau Trương Duy đến nhà ông Ngô. Ông đang chờ anh. Trương Duy hỏi ông về bài viết của mình. Ông hỏi: “Cậu có muốn tôi nói thật lòng không?”.
“Tất nhiên rồi, bản thảo này không chỉ liên quan đến tình cảm của em với thầy Dị mà còn đến số phận của em sau này nữa.”
“Thôi được, tôi sẽ nói thực lòng. Bài viết rất tuyệt, có thể nói là một kiệt tác. Hơn nữa, tôi còn thấy tư tưởng của cậu trong nửa năm qua đã có sự thay đổi rất lớn. Nói một câu có vẻ hơi khó nghe một chút là nó mang hơi hướng của nền tảng đạo Cơ Đốc. Tôi biết cậu không muốn nghe câu này. Tóm lại, bản thảo rất tốt, qua đó có thể thấy cậu là một thiên tài. Thật đấy, tôi không nịnh cậu đâu, tôi cần gì phải nịnh cậu? Nhưng, Trương Duy này, tôi cảm thấy trong bản thảo của cậu có một cái gì đó mang hơi hướng oán trách. Thầy Dị vừa mới qua đời, cậu đã cho đăng ngay các bài viết này, sợ rằng sẽ bị người đời dị nghị.” Ông Ngô nói, mắt nhìn thẳng vào Trương Duy.
Trương Duy châm một điếu thuốc rồi nói: “Thầy nói rất đúng. Bản thảo này được viết sau khi em đi thăm Ngô Á Tử về, lúc ấy trong lòng em đầy sự phẫn nộ. Em cũng cảm thấy nó quá gay gắt. Em biết, để một năm hoặc nửa năm sau thì bản thảo này đối với em chỉ còn là một thứ bỏ đi. Nếu bây giờ em cho đăng thì không phải là để theo Đạo mà chỉ là đuổi theo Danh, vì thế em quyết định không cho đăng nó nữa”.
“Trương Duy, nếu cậu có thể làm được như thế, tôi thực sự khâm phục cậu. Là bạn của cậu nên tôi mới nói như vậy. Ông chủ nhà sách thì cũng vẫn là thương nhân, cái mà họ coi trọng là lợi ích chứ không phải là Đạo hay không Đạo”, ông Ngô nói.
Ra khỏi nhà ông Ngô, trong lòng Trương Duy rất trống trải, anh không biết nên làm gì. Tự nhiên anh thấy rất nhớ thầy Dị. Anh mua một chai rượu rồi lên xe buýt tới trước mộ thầy. Khi tới đó rồi, anh thấy lòng mình bình tĩnh trở lại. Anh mỉm cười với đôi mắt rưng rưng lệ và ngồi xuống, nhìn vào di ảnh của thầy Dị Mẫn Chi và nói: “Thưa thầy, khi thầy còn sống, em đã không biết rằng thầy lại quan trọng đối với em thế này. Bây giờ thầy đi rồi, em thực sự rất cô đơn. Thầy đã thực sự vượt lên khỏi danh lợi và luôn sống vì sự tồn tại của đạo lý. Em đã viết xong bản thảo ấy, nhưng trong đó lại chứa đựng sự oán thán và sát khí. Đó là vì những ham muốn trong em còn quá sâu đậm, là vì em vẫn bị sự xui khiến của danh lợi. Sự ra đi của thầy khiến em phải nhìn lại mình một cách nghiêm túc nhất. Hôm nay, em đã hoàn thành công việc mà em từng nói với thầy, em xin được đốt nó ở đây để thầy xem. Đây không phải là bản thảo cuối cùng của em, em sẽ còn tiếp tục tranh luận với thầy, sẽ tiếp tục viết. Và em sẽ vẫn tới đây để cùng uống rượu với thầy”.
Đem bản thảo đó đốt xong, Trương Duy uống hết chỗ rượu mang đến rồi quay trở về chỗ ở. Nhiệm Thế Hùng đang đợi anh dưới chân cầu thang. Trương Duy nói cho anh ta biết là anh đã đốt tập bản thảo ấy ở chỗ mộ của thầy Dị rồi. Vừa nghe nói thế, Nhiệm thế Hùng liền thất sắc, anh ta hỏi, vì sao lại như vậy. Sau khi nghe Trương Duy nói lý do, Nhiệm Thế Hùng gầm lên: “Cậu điên rồi! Một cơ hội tốt như vậy sao cậu lại bỏ qua, thế thì sự hợp tác của chúng ta đến đây coi như chấm dứt!”.
Nghe nói thế, Trương Duy thấy cơn tức giận dâng lên trong lòng, anh cũng gầm lên với Nhiệm Thế Hùng: “Anh Nhiệm này, hôm nay anh không nói ra câu ấy thì tôi còn thấy tôn trọng anh, cho rằng anh cũng đáng là một gã đàn ông, khác với những thương nhân tầm thường. Thầy Dị là thầy giáo của tôi, đúng vậy, thầy đã ủng hộ tôi, cho tôi những cơ hội và điều kiện tuyệt vời. Nhưng anh cũng nên biết rằng, cái chết của thầy là một sự mất mát rất lớn đối với tôi, việc thành danh đã không còn quá quan trọng với tôi nữa. Anh cứ việc làm theo ý mình, nếu muốn thì cứ cho xuất bản bản thảo hôm trước, coi như đó là khoản nợ tôi trả cho anh, còn nếu không muốn xuất bản nó thì tôi sẽ trả lại tiền cho anh. Giải quyết xong chuyện này thì tình nghĩa giữa chúng ta cũng coi như chấm dứt, không cần phải qua lại với nhau nữa!”.
Nhiệm Thế Hùng không ngờ Trương Duy lại phản ứng như vậy, anh ta bèn quay người bỏ đi. Trương Duy cũng bước lên cầu thang luôn. Anh vừa vào nhà và ngồi xuống thì lại nghe có tiếng gõ cửa. Anh mở cửa, lại là Nhiệm Thế Hùng. Anh mở cửa cho anh ta vào. Vừa vào đến cửa, anh ta liền nói: “Tôi muốn cậu suy nghĩ lại, cậu vừa viết xong mấy ngày trước, liệu có thể viết lại không?”.
“Tôi đã nói rồi, chẳng lẽ anh cứ bắt tôi phải nói lại lần nữa à?”, Trương Duy gầm lên.
Nghe thế, Nhiệm Thế Hùng liền quay người bỏ đi. Trương Duy cũng nằm xuống giường, tự nhiên anh thấy người rã rời. Một lát sau, anh đã chìm vào giấc ngủ mệt mỏi.
Kể từ sau khi Trương Duy nói với Mạo Khiết rằng anh đã tới thăm Ngô Á Tử, Mạo Khiết bỗng có cảm giác trong lòng anh vẫn có những tính toán khác, hơn nữa cô lại còn nghe được một số tin đồn khác về anh, vì vậy cô tạm thời không nghĩ đến chuyện ly hôn nữa. Trương Duy cũng đang bị rất nhiều chuyện khác chi phối, anh chẳng còn tâm trạng nào để suy nghĩ về quan hệ của hai người.
Hôm ấy, Trương Duy cầm bản thảo những cuốn sách của thầy Dị đến nói với Lâm Hà: “Đây là những thứ vô cùng quý báu của thầy, cô nên cất nó cẩn thận”.
Lâm Hà vẫn chưa vượt qua được nỗi đau, cô thẫn thờ nói: “Anh cứ giữ lấy, nếu thầy đã cho anh tức là nó thuộc về anh. Thực ra, những thứ này cũng không còn quan trọng với thầy nữa, chắc anh hiểu rõ điều ấy. Mà chẳng phải anh nói, những thứ đó rất quan trọng với anh sao?”.
“Nhưng, nhưng… Tôi cảm thấy những thứ này đối với thầy có thể là không quan trọng, nhưng đối với việc tìm hiểu về thầy của những người đi sau thì có.” Trương Duy vẫn nghĩ rằng, những thứ quan trọng như thế này để Lâm Hà cất giữ vẫn là hơn. “Nếu sau này có nhà xuất bản nào đó phát hành nó thì sẽ giúp cho những người muốn tìm hiểu về thầy một cách toàn diện thuận lợi hơn rất nhiều.”
“Hồi còn sống thầy hoàn toàn có thể xuất bản nó, nhưng thầy đã không muốn vậy, chắc chắn phải có lý do. Thầy từng nói với tôi rằng, cuộc chiến không thể xóa bỏ được trên đời này chính là cuộc chiến giữa tư tưởng của con người, chính tư tưởng đã khiến cho con người ta đối lập với nhau, thù hằn lẫn nhau. Các thánh nhân luôn tưởng rằng mình đang giáo hóa thiên hạ, nhưng nào có biết mình đã làm cho giữa con người với con người nảy sinh bao nhiêu mâu thuẫn và thù hận. Thầy thường nói, mấy cuốn sách mà thầy đã viết trước đó lẽ ra cũng không nên cho xuất bản. Anh có biết trong thời gian chung sống với tôi, thầy hay nói câu gì không? “Hãy hưởng thụ cuộc sống, yêu quý cuộc sống”, thế mà không ngờ cuối cùng lại như thế này!” Lâm Hà nói đến đây thì khóc nấc lên.
Trương Duy đành phải mang những cuốn sách đó về và cất vào trong hòm. Anh nghĩ, thánh nhân là gì kia chứ? Chắc cũng chỉ đến thế này mà thôi.