Thoắt một cái đã đến Quốc khánh, nhưng mọi người vẫn lên lớp. Do thầy Dị đột ngột qua đời, khoa quyết định phân công một giáo sư tên là Lưu Toàn Hiền lên lớp thay. Khi thầy Dị còn sống, tổ Nghiên cứu Giáo dục Mỹ học tổng cộng chỉ có năm người mà chia thành bốn phái. Thầy Dị và Mạo Khiết có thể được coi là thuộc một phái, Lưu Toàn Hiền là phái thứ hai, chủ yếu là ở mảng phê bình văn học, Giáo sư Phương thuộc phái thứ ba, chủ yếu phụ trách môn Khái luận văn học, người còn lại họ Ngô, cũng coi như thành một phái. Trước khi Mạo Khiết về, bốn người ấy vốn không bao giờ hòa thuận được với nhau, chẳng ai phục ai. Thầy Dị có lẽ là người nổi tiếng hơn cả, vì thế thầy đã lên làm chủ nhiệm bộ môn. Lưu Toàn Hiền có thể nói là người viết khỏe nhất, mỗi năm bình quân ông ta cho xuất bản vài cuốn sách, Giáo sư Ngô tuy còn trẻ nhưng bình quân mỗi năm cũng xuất bản được một cuốn, tương lai xem ra không thể coi thường. Hai người này thường nói với những người ngoài: “Ông Dị thì xuất bản được mấy cuốn sách đâu? Cứ cho là có đi nữa thì cũng chỉ là trước những năm 80, sau này ông ta có viết được cuốn nào? Lẽ ra ông ta phải nhường chức chủ nhiệm bộ môn cho người khác từ lâu rồi”. Và tất nhiên là họ càng không coi Giáo sư Phương ra gì, từ trước đến nay ông ta chưa hề có một bài viết nào được đăng, càng không nói tới chuyện xuất bản được một cuốn sách. Thầy Dị đã qua đời, người mừng nhất vì có thể thay vào vị trí của thầy đương nhiên là Lưu Toàn Hiền và Giáo sư Ngô rồi. Mừng thì mừng thật, nhưng hướng dẫn nghiên cứu sinh là một việc khá vất vả, ngoài Mạo Khiết ra, ai cũng phải phụ trách hướng dẫn cho một nhóm nghiên cứu sinh, vì vậy chẳng ai lại muốn đèo bòng. Nhưng cũng phải nói thêm là, trách nhiệm đối với việc hướng dẫn nói rằng to thì là to, nói rằng bé thì cũng là bé. Nếu hướng dẫn một cách chi tiết cẩn thận đương nhiên là sẽ rất tốn thời gian và công sức, còn nếu cứ để cho nghiên cứu sinh viết theo ý mình thì công việc lại hơn rất nhiều. Thầy Lý Khoan nghĩ, tổ Nghiên cứu Giáo dục vốn có nhiều mâu thuẫn, nay nếu để cho người khác vào thì có thể sẽ xảy ra chuyện ngoài ý muốn, vì thế ông đã đề xuất nên để cho Mạo Khiết tạm thời thay thầy Dị, nhưng những người khác trong khoa không đồng ý. Bàn đi tính lại, cuối cùng đa số cho rằng, để Lưu Toàn Hiền thay thầy Dị là hợp lý hơn cả, còn Mạo Khiết sẽ là người hỗ trợ, những việc lớn thì do Lưu Toàn Hiền quyết định, những việc nhỏ thì để Mạo Khiết giải quyết, đồng thời bổ nhiệm Lưu Toàn Hiền làm chủ nhiệm bộ môn.
Giờ giảng cho lớp nghiên cứu sinh không phải do thầy hướng dẫn phụ trách một mình mà còn do nhà trường phân công, sắp xếp. Hồi thầy Dị còn sống, Giáo sư Phương không thể có tư cách lên lớp thay cho ông. Giáo sư Phương cũng không bao giờ nhờ thầy Dị lên lớp thay. Mâu thuẫn giữa hai người đó bộc lộ một cách công khai. Sau khi nhận trách nhiệm phụ trách lớp của Trương Duy, để giải quyết tốt công việc trong tổ bộ môn, Lưu Toàn Hiền quyết định phá bỏ lệ cũ, để cho Giáo sư Phương dạy một môn cho lớp Trương Duy. Mạo Khiết không đồng ý lắm với cách làm này nên đã nói với thầy Lý Khoan. Thầy Lý Khoan cũng sợ như thế sẽ có những điểm không phù hợp nên nói lại với Lưu Toàn Hiền, Lưu Toàn Hiền nói, mọi việc đã quyết định vào buổi sáng nay rồi, mọi người cũng đã đồng ý với chủ trương ấy, bây giờ thật khó mà đổi lại. Thầy Lý Khoan nghe vậy, chỉ còn biết nói, thôi, đành chấp nhận vậy.
Lưu Toàn Hiền đã tu nghiệp nhiều năm và bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài, vì thế ông ta luôn có ý định tỏ rõ uy phong trước mặt sinh viên của thầy Dị, khi lên lớp, ông ta toàn đưa ra những lý luận về nghệ thuật mới nhất của phương Tây, nhất là thuyết hậu hiện đại và thuyết cấu trúc. Lúc đầu, mọi người đều trố mắt dỏng tai lên để nghe, bởi vì Lưu Toàn Hiền đã phê phán toàn bộ hệ thống lý luận trước đó. Trương Duy thì coi như đã gặp được một người còn điên khùng hơn mình. Thực ra, những lý luận ấy Mạo Khiết đều đã nói tới, nhưng họ lý giải vấn đề không giống nhau.
Giờ giảng đầu tiên của Lưu Toàn Hiền vừa kết thúc, Phùng Đức Xương lập tức đưa ra ý kiến là cả lớp nên đến thăm thầy Lưu, mọi người đều đồng ý. Nhưng trước khi đi, Phùng Đức Xương gọi điện tới nhà ông ta để hẹn giờ. Căn hộ của Lưu Toàn Hiền to bằng căn hộ của thầy Dị, chỉ có điều bốn xung quanh tường đều bày đầy sách. Mọi người nói chuyện rất rôm rả, Phùng Đức Xương luôn miệng khen, nào là thầy viết được nhiều sách quá, nào là thầy làm tiến sĩ ở nước ngoài nên khi giảng khiến cho bọn em tâm đắc lắm… Bọn Dương Linh cũng phụ họa thêm. Lưu Toàn Hiền khoái chí cười ngất, nói: “Tôi có tật là không biết tự khen mình. Nhiều người cứ bảo tôi là, anh đã viết được rất nhiều sách, bằng tuổi anh mà có thành tích như vậy, ở trường Đại học Phương Bắc hỏi được mấy người? Tại sao anh không tìm mấy người để họ lăng xê mình? Tôi chỉ cười, bởi vì con đường học thuật không phải cứ nói là làm được, phải có một nền tảng vững chắc mới được”.
Thế là mọi người cứ ngồi dỏng tai lên nghe ông ta tự thổi phồng danh tiếng của mình. Một lát sau Phùng Đức Xương nói: “Nghe nói ngày thường đến cả ti vi thầy cũng không xem, chúng em thật sự khâm phục tinh thần làm việc của thầy. Thầy không có sở thích nào khác ngoài công việc ạ?”.
“Có thì có đấy, đó là chơi cờ tướng. Tôi chơi không giỏi lắm, nhưng nếu thi đấu trong khoa thì thường cũng đứng đầu. Tất nhiên thầy Dị thường không tham gia những cuộc thi ấy, nếu không thì tôi cũng không thể có được thành tích như vậy. Trong các em, có ai biết chơi cờ tướng không?”, Lưu Toàn Hiền nhìn mọi người hỏi.
“Trương Duy chơi rất giỏi, còn em thì bình thường thôi”, Phùng Đức Xương nói.
“Em cũng bình thường thôi mà”, Trương Duy cười nói.
“Cậu chính là Trương Duy à? Tôi được biết là cậu rất nổi tiếng.” Lưu Toàn Hiền nói.
Trương Duy ngại ngùng: “Đó có lẽ chỉ vì chuyện em tự tử và xin thôi học mà ra”.
“À, phải rồi, hồi còn ở nước ngoài tôi cũng đã gặp phải những sinh viên như cậu. Họ đều tự cho mình là thiên tài, tất nhiên trong số họ cũng có những người có tố chất thiên tài thật. Điều tôi muốn nói là lý luận về thơ ca của cậu kia. Mấy hôm trước một sinh viên của tôi đến thăm, nói rằng trong dịp hè, các cậu đã tổ chức một buổi tọa tàm về thơ hậu hiện đại, nghe nói bài phát biểu của cậu rất hùng hồn và gây chấn động không nhỏ. Không hiểu tài đánh cờ của cậu thế nào? Cậu đã bao giờ chơi với thầy Dị chưa?” Lưu Toàn Hiền mỉm cười, hỏi.
“Họ đã chơi hòa với nhau đấy ạ”, Lâm Hà nói.
“Thật thế à? Người có thể chơi hòa với thầy Dị không nhiều đâu. Cậu chơi được bao lâu rồi?”, Lưu Toàn Hiền hỏi.
“Cũng phải gần hai năm, em mới học được cách chơi, nhưng thỉnh thoảng em mới chơi thôi ạ”, Trương Duy trả lời.
“Tốt, tốt lắm. Hôm nào đó chúng ta cùng chơi với nhau nhé. Hằng ngày từ ba giờ đến bốn rưỡi tôi đều tới khu tập thể của cán bộ và chơi cờ ở đó. Nếu cậu có thời gian thì có thể tới đó chơi với tôi”, Lưu Toàn Hiền nói.
Một tuần sau đó, buổi sáng Trương Duy lên lớp học, buổi chiều có việc, anh phải ở lại trường. Phùng Đức Xương nói với Trương Duy: “Hay là buổi chiều chúng ta tới tìm thầy Lưu Toàn Hiền chơi cờ đi. Bây giờ thầy ấy là giảng viên hướng dẫn của chúng ta, chúng ta cũng nên thường xuyên đến thăm”. Trương Duy đồng ý. Hai người tới chỗ Lưu Toàn Hiền lúc ba giờ kém năm. Ông ta vừa ngủ đậy, đang định xuống gác thì nhìn thấy hai người ấy đi lên, nói rằng muốn đến chơi cờ. Ông ta liền đồng ý ngay.
Bàn cờ đã bày xong, Trương Duy mời Lưu Toàn Hiền đi trước, ông ta đáp: “Cậu là học trò, cậu đi trước đi”. Trương Duy đành phải làm theo. Ván đầu tiên anh thắng. Phùng Đức Xương ngồi bên, vội nói: “Ván này không tính, hai bên đều chưa biết về nhau, thầy Lưu đã nhường cậu, cậu đừng tưởng là mình giỏi đấy nhé”.
“Tôi biết là thầy Lưu nhường tôi, chứ thực ra làm sao tôi thắng nổi thầy. Có một nước, nếu thầy Lưu mạo hiểm một chút là sẽ thắng ngay, nhưng thầy biết mà không đi, thầy đã nhường tôi.”
Lưu Toàn Hiền cười gượng gạo. Đúng là có một nước như vậy, nhưng quá mạo hiểm. Không ngờ, Trương Duy còn mạo hiểm hơn, dường như anh bất chấp tất cả, thế là anh đã thắng.
Trương Duy thấy Lưu Toàn Hiền có vẻ không được vui, ván đầu tiên, hai người vừa chơi vừa nói chuyện rất hào hứng, sang ván thứ hai thì chẳng thấy ông ta nói câu nào nữa, vì thế anh có ý nhường. Kết quả, hai người hòa nhau. Lưu Toàn Hiền vẫn không thấy phục, thế là hai người lại chơi tiếp ván thứ ba. Sau khi bàn cờ đã được bày ra, Lưu Toàn Hiền nói với Trương Duy: “Không được nhường tôi đâu đấy, nếu không chẳng còn gì là thú vị nữa”. Trương Duy biết rằng Lưu Toàn Hiền đã nhìn ra cách chơi của anh ở ván thứ hai, nên anh không tiện nhường ở ván thứ ba nữa. Kết quả là Trương Duy lại thắng. Lưu Toàn Hiền đứng lên, nhấp một ngụm trà, rồi chậm rãi nói: “Anh hùng ở tuổi trai tráng, giỏi đấy, tôi không thể đọ được, không thể đọ được. Thế còn cậu, Phùng Đức Xương, cậu thế nào?”.
“Em ấy ạ? Người ta có chấp cả con xe thì em cũng không thắng nổi nửa ván”, Phùng Đức Xương đáp.
“Thế thì để lần sau tôi chơi với cậu, may ra còn có thể thắng được mấy ván”, Lưu Toàn Hiền nói.
Tưởng Lưu Toàn Hiền chỉ nói đùa, thế mà sau đó ông ta thường chơi cờ với Phùng Đức Xương thật. Lưu Toàn Hiền rất vui, lần nào ông ta cũng xơi sạch quân của Phùng Đức Xương, sau khi chơi xong, ông ta còn giảng giải cho Phùng Đức Xương cách chơi. Anh ta luôn mồm nói: “Vâng, vâng. Thầy Lưu không những chơi cờ giỏi mà còn rất tốt. Không những nhường cho em thắng, mà còn giảng cho em cách chơi. Em không chỉ học được từ thầy cách chơi cờ mà còn học được cả cách làm người, khác hẳn với những lần chơi cùng thầy Dị, chơi xong rồi chẳng có gì cả. Thầy ấy cũng không dạy em chơi như thế nào, thầy ấy quá là ngạo mạn!”. Lưu Hiền Toàn nghe thấy thế, rất hả hê.
Phùng Đức Xương nói với mọi người: “Bây giờ thì tôi đã biết phải lấy lòng thầy hướng dẫn thế nào rồi!”.