Trong một lần ra phố, mẹ của Lôi Xuân Phương gặp Trương Duy và Mạo Khiết, bà ta liền mời họ vào nhà chơi. Vì có Trương Duy, nên bà ta bèn mở một chai rượu trắng. Bà ta cũng là một người có tửu lượng rất cao, mà một khi rượu vào là lời tuôn ra như suối, vì thế Lôi Xuân Phương phải khuyên mẹ nên uống ít thôi. Mẹ Lôi Xuân Phương nói: “Có uống nhiều một chút cũng không sao. Mọi người nghe tôi nói nhiều một chút chẳng lẽ cũng không được à?”. Trương Duy nói: “Không sao đâu ạ. Cháu không còn mẹ, muốn nghe mẹ ca cẩm càu nhàu cũng không được, bác cứ nói đi ạ”. Thế là mọi người vừa uống rượu vừa nói chuyện rất rôm rả.
Mẹ của Lôi Xuân Phương hỏi Trương Duy: “Tôi xem báo, nghe nói thầy Dị Mẫn Chi đã mất. Dạo này tôi ít khi đi ra khỏi cửa, không rõ ông ấy mất vì bệnh gì?”.
Trương Duy liền đem mọi chuyện kể lại một cách chi tiết, hy vọng bà ta có thể cho anh biết rõ hơn về chuyện giữa thầy Dị, Thôi Tĩnh Di và Lâm Chí Cao ngày trước. Anh kể lại cả việc thầy Dị gặp Thôi Tĩnh Di. Nghe xong, mẹ của Lôi Xuân Phương liền hỏi: “Họ đã nói chuyện với nhau thật à?”.
“Vâng ạ. Có lẽ cô Thôi Tĩnh Di thấy áy náy vì lần trước thầy Dị Mẫn Chi bệnh nặng mà không đến thăm, vì thế khi hai người gặp nhau, cô ấy đã đem tất cả những điều cất giấu bao nhiêu năm trong lòng ra nói, hy vọng thầy Dị có thể hiểu và thông cảm cho cô ấy. Còn cụ thể là nói những gì thì mọi người đều không rõ. Bác hãy nói cho chúng cháu biết đi!”, Trương Duy nói.
“Không, tôi đã hứa với người ta rồi, tôi không thể nói được”, Mẹ của Lôi Xuân Phương đáp.
“Mẹ, mẹ nói đi. Dù sao thì thầy Dị cũng đã qua đời rồi. Hơn nữa chỉ có mấy người chúng ta thôi, sẽ không ai nói cho người khác biết đâu”, Lôi Xuân Phương cũng tỏ ra rất hiếu kỳ trước chuyện của người khác.
Mẹ của Lôi Xuân Phương vẫn không nói. Thế là họ lại uống rượu và nói chuyện về cuộc hôn nhân giữa thầy Dị Mẫn Chi và Lâm Hà. Mẹ của Lôi Xuân Phương nói chuyện với Trương Duy về trường Đại học Phương Bắc, càng nói càng thấy hợp, thấy vui. Một khi vui, lại thêm tác động của rượu, bà Lôi nhiều lời hơn hẳn, bà kể lại chuyện hồi mình còn trẻ.
Một lát sau, Lôi Xuân Phương có chuyện muốn nói riêng với Mạo Khiết, vì thế hai người đã ra hiệu cho nhau vào phòng ngủ, ngoài phòng khách chỉ còn lại bà Lôi và Trương Duy. Hai người cứ nói chuyện mãi, cuối cùng lại quay về chuyện của thầy Dị. Trương Duy nói, thật ra thầy Dị đã tha thứ cho Thôi Tĩnh Di và Lâm Chí Cao từ lâu rồi, lúc ốm nặng, thầy đã hy vọng hai người họ đến thăm để thầy nói lời bỏ qua cho họ trước mặt mọi người, như vậy sẽ chẳng còn ai cảm thấy day dứt và thù hận nữa. Nhưng không ngờ sau này lại xảy ra chuyện như vậy. Nghe đến đây, bà Lôi không nén được bèn lên tiếng: “Tôi sẽ nói cho cậu biết chuyện này. Nhưng cậu không được nói cho người khác”.
“Bác cứ nói đi, cháu rất tò mò. Cháu thực sự không rõ giữa thầy Dị và họ có chuyện gì. Cháu đã nghe rất nhiều lời suy đoán rồi”, Trương Duy nói.
“Thật ra không phải chuyện gì huyền bí đến thế đâu. Chắc cậu đã biết, thầy Dị Mẫn Chi, thầy Lâm Chí Cao và thầy Lý Khoan ở khoa của các cậu là bạn học của nhau rồi chứ?”
“Cháu biết rồi ạ.”
“Tôi, Thôi Tĩnh Di và Giáo sư Phương, cái ông giáo sư mà mọi người hay nói là không biết giữ mồm giữ miệng trong khoa cậu ấy, học cùng khóa với ba người bọn họ. Tôi và Thôi Tĩnh Di ở cùng phòng và cũng học cùng một chuyên ngành. Trong ba người bọn họ, Dị Mẫn Chi là người đẹp trai và tài hoa nhất. Trong thời gian học đại học, ông ấy đã rất nổi tiếng, vì thế Lý Khoan và Lâm Chí Cao cũng có phần ghen ghét đố kỵ. Chúng tôi thường cùng đi chơi với nhau, sau này tôi mới phát hiện ra rằng Dị Mẫn Chi và Lâm Chí Cao đều yêu Thôi Tĩnh Di. Lúc ấy Thôi Tĩnh Di là cô gái xinh đẹp nhất trong số các nghiên cứu sinh, tuy nhiên hoàn cảnh xuất thân của cô ấy thì lại không lấy gì làm tốt, cô ấy là con gái của một địa chủ, nhưng bố đã sớm đi theo Đảng Cộng sản, vì thế cũng không việc gì. Vấn đề là ở chỗ người mà Thôi Tĩnh Di yêu là Dị Mẫn Chi, còn Lâm Chí Cao lại là một người rất mưu mô. Cậu nghĩ mà xem, Dị Mẫn Chi vừa nổi tiếng, lại vừa được một cô gái xinh đẹp yêu, như thế liệu có thể khiến người khác không ghen ghét được không? Lúc ấy hễ cứ có một nhóm nghiên cứu sinh ngồi với nhau mà nhắc đến Dị Mẫn Chi thì y như rằng họ sẽ nói nào là ông ấy đến người ruột thịt cũng không nhận, phản thầy phản bạn, qua cầu rút ván. Đó là do chuyện Dị Mẫn Chi nổi tiếng vì đã phê phán lại thầy hướng dẫn của mình. Hồi ấy, đây là chuyện mà người ta không thể chấp nhận được, rất nhiều người đọc sách thánh hiền nhưng chẳng ai dám phê phán thầy của mình. Thế mà Dị Mẫn Chi đã làm việc ấy, hơn nữa lại còn được mọi người biết đến và được một cô gái đem lòng yêu. Đúng vào lúc chúng tôi tốt nghiệp thì cuộc vận động chống phái hữu bắt đầu nổ ra. Chắc thầy Dị Mẫn Chi đã kể cho cậu nghe chuyện ông ấy bị người ta khép cho tội là phái hữu rồi chứ?”
Trương Duy gật đầu nói: “Một số bài thơ chưa đăng của thầy ấy đã bị người nào đó chép rồi đem đi tuyên truyền và tố giác”.
“Đúng thế, vấn đề là ở chỗ những bài thơ ấy là do Dị Mẫn Chi viết tặng Thôi Tĩnh Di, và chỉ có Thôi Tĩnh Di biết, vậy thì ai là người đã tố giác? Toàn bộ những bài thơ ấy nằm trong một cuốn sổ ghi chép và để ở chỗ Thôi Tĩnh Di. Lúc ấy chúng tôi cũng rất buồn, nhưng chẳng ai có thời gian để nghĩ đến chuyện của người khác, bởi vì chuyện của mình còn lo chưa xong nữa là. Sau khi Dị Mẫn Chi đi khỏi, lúc đầu Thôi Tĩnh Di đã chờ đợi, tưởng ông ấy đi một, hai năm sẽ trở về. Nhưng sự thực lại không diễn ra như vậy. Ngày nào cô ấy cũng khóc, nói rằng chính mình đã hại Dị Mẫn Chi, cô ấy kể lại cho tôi câu được câu chăng về chuyện đã xảy ra. Thì ra đầu tiên là Lý Khoan mượn đọc những bài thơ ấy, sau đó lại cho Lâm Chí Cao xem rồi cuối cùng mới trả lại cô ấy. Và chính chuyện đó đã làm hại đến Dị Mẫn Chi. Sau này, khi đã tốt nghiệp, Lâm Chí Cao, Lý Khoan, Thôi Tĩnh Di và cả Giáo sư Phương đều ở lại công tác tại Đại học Phương Bắc. Còn tôi thì bị điều đi nơi khác.
Nhưng quan hệ của tôi và Thôi Tĩnh Di vẫn rất tốt đẹp, chúng tôi thường qua lại với nhau. Lúc ấy chúng tôi đều nghĩ, chuyến này chắc là Dị Mẫn Chi không quay về nữa. Vả lại, Dị Mẫn Chi là phái hữu còn Thôi Tĩnh Di xuất thân không được tốt, hai người ấy mà gắn bó với nhau thì sẽ càng khổ hơn, thế là chúng tôi khuyên Thôi Tĩnh Di hãy lấy người khác. Cô ấy cũng dao động. Chính lúc ấy, Lâm Chí Cao cứ cách hai ngày lại đến thăm cô ấy một lần và đối xử với cô ấy rất tốt, chuyện gì cũng chiều theo ý cô ấy. Mặc dù vậy Thôi Tĩnh Di vẫn chưa nhận lời, cô ấy quyết định đến Tây Bắc tìm Dị Mẫn Chi một lần. Đến nơi, cô ấy được mọi người cho biết, Dị Mẫn Chi đã chết. Khi trở về cô ấy đã khóc dữ lắm, rồi dần dần cũng trấn tĩnh trở lại. Cô ấy hỏi tôi, Lâm Chí Cao là người như thế nào, chúng tôi biết nói sao ngoài hai chữ “rất tốt” kia chứ. Một hôm, cô ấy khóc và nói với tôi rằng, cô ấy có lỗi với Dị Mẫn Chi. Tôi hỏi vì sao, cô ấy nói, nhà trường yêu cầu cô ấy phải dứt khoát với Dị Mẫn Chi, và cô ấy không còn cách nào khác. Cô ấy còn nói đã tìm hiểu rõ về chuyện bản thảo những bài thơ của Dị Mẫn Chi rồi. Là Lâm Chí Cao nói với cô ấy. Lâm Chí Cao bảo, không phải là Lý Khoan mà có khả năng là một người khác. Lâm Chí Cao chỉ lật giở qua, vì ông ta không thích thơ phú. Vì thế lúc đó cô ấy đã rất hận Lý Khoan. Sau này Lâm Chí Cao ngày càng có vị trí ở trong trường, nhà trường cũng nhiều lần làm công tác tư tưởng với Thôi Tĩnh Di, khuyên cô ấy lấy Lâm Chí Cao, cô ấy cũng dần dần có cảm tình và cuối cùng thì lấy ông ta.”
“Thì ra là như vậy.” Trương Duy cảm thấy rất căm ghét thầy Lý Khoan, anh nghĩ ông ta đúng là một kẻ đạo đức giả.
Bà Lôi ngừng một lát lại kể tiếp: “Nhưng chuyện không kết thúc ở đó. Sau khi Thôi Tĩnh Di và Lâm Chí Cao lấy nhau thì Dị Mẫn Chi đột nhiên trở về và viết thư cho Thôi Tĩnh Di, nhưng mọi sự đều đã muộn, vì ván đã đóng thuyền. Cách mạng văn hóa bắt đầu, chúng tôi lại đọc thấy những bài viết phê phán Dị Mẫn Chi. Tôi thực sự không hiểu, Dị Mẫn Chi vẫn còn đang ở Tây Bắc, cần gì phải phê phán ông ấy. Thì ra nhà trường đã thành lập một tổ phê bình, họ đã viết liền mấy bài như vậy về người khác, khiến ai biết chuyện cũng thấy sợ. Một lần Thôi Tĩnh Di đến nhà tôi, khóc và nói với tôi rằng, cô ấy rất có lỗi với Dị Mẫn Chi và vô cùng đau khổ, bởi vì cô ấy đã phát hiện ra rằng tất cả những bài phê phán Dị Mẫn Chi đều do bàn tay của Lâm Chí Cao dàn dựng, nhưng ông ta đã che đậy rất kỹ, khiến không ai phát hiện ra. Dụng ý của việc làm này rất đơn giản, đó là vì Lâm Chí Cao sợ Dị Mẫn Chi quay trở về sẽ giành lại Thôi Tĩnh Di. Kết quả là Dị Mẫn Chi phải ở lại Tây Bắc mười năm nữa, còn Thôi Tĩnh Di và Lâm Chí Cao cũng đã có con với nhau”.
Trương Duy ngồi im nghe, anh nhớ đến bố mình. Bà Lôi vẫn tiếp tục: “Mọi chuyện cuối cùng cũng đều sáng tỏ, nhưng sau hai mươi năm ở Tây Bắc, Dị Mẫn Chi trở về Đại học Phương Bắc chỉ với hai bàn tay trắng, và ông ấy cũng đã già. Thôi Tĩnh Di vì thế càng đau lòng hơn. Một lần, chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, Thôi Tĩnh Di đã uống say, vừa nằm trong lòng tôi vừa khóc và nói, cô ấy đã làm một chuyện rất sai trong đời, đó là đã vô tình giúp Lâm Chí Cao hại Dị Mẫn Chi. Thì ra trong lúc cãi nhau, Lâm Chí Cao đã nói ra sự thật. Trước đây, dù có ghen ghét đến mấy với Dị Mẫn Chi thì Lý Khoan cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện tố giác ông ấy. Nhưng Lâm Chí Cao thì đã nghĩ đến, hơn nữa lại muốn mượn tay người khác, thế là ông ta đã nghĩ cách để Lý Khoan đến gặp Thôi Tĩnh Di và mượn tập thơ, Lý Khoan đã bị lợi dụng mà không hề biết. Sau này Lý Khoan cũng lờ mờ cảm thấy gì đó, nhưng lại không có bằng chứng. Người tố giác Dị Mẫn Chi chính là Lâm Chí Cao. Lý Khoan rất hối hận, nên ông ta đã tìm mọi cách để bù đắp cho Dị Mẫn Chi và chuộc lại lỗi lầm của mình. Còn Lâm Chí Cao thì không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy, ngược lại, ông ta luôn cho rằng, trong lòng Thôi Tĩnh Di vẫn chưa quên Dị Mẫn Chi, nên thỉnh thoảng lại tìm cách gây chuyện”.
Trương Duy lẩm bẩm: “Thảo nào thầy Lý Khoan luôn tìm cách giúp thầy Dị Mẫn Chi, và còn giúp cả cháu nữa. Thật đáng thương làm sao!”.
“Lâm Chí Cao thì ngược lại, ông ta chẳng hề day dứt nhưng vẫn làm đến chức hiệu trưởng và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, tôi nhìn mà buồn nôn!”, bà Lôi nói.
“Cô Thôi Tĩnh Di sống không hạnh phúc phải không?”, Trương Duy hỏi.
“Hạnh phúc hay không thì sao nào? Đã ngần này tuổi rồi, sống cũng chỉ vì con cái thôi”, bà Lôi thở dài nói.
Mọi chuyện đều đã rất rõ ràng. Xem ra những điều mà Giáo sư Phương nói đều là sự thật, nhưng không rõ lúc ấy Thôi Tĩnh Di đã nói với thầy Dị Mẫn Chi những gì, và Giáo sư Phương nữa, ông ta đã nói gì với thầy Dị Mẫn Chi trong buổi chiều định mệnh ấy?