Mặc dù Phùng Đức Xương đã phải hy sinh cả buổi chiều đến chơi cờ với Lưu Toàn Hiền, nhưng ông ta vẫn không coi anh ta là học trò của mình, và tất nhiên Trương Duy và những người còn lại cũng không ngoại lệ. Giờ đến lớp, Lưu Toàn Hiền thường đưa ra rất nhiều câu hỏi, nhưng lại chỉ hỏi nghiên cứu sinh của mình, nếu họ không trả lời được thì mới hỏi đến nghiên cứu sinh của thầy Dị Mẫn Chi. Những câu trả lời của Ngô Dụng và Lỗ Liên Sinh thường bị ông ta chê bai gay gắt, nói rằng những quan điểm ấy đều đã quá lỗi thời, quá cổ hủ. Sau khi tan học, bọn Ngô Dụng bắt đầu lên tiếng phàn nàn rằng thầy Dị Mẫn Chi và cô Mạo Khiết đều chỉ giảng cho họ những thứ cũ kỹ lỗi thời. Nghe vậy Trương Duy liền mắng: “Những điều thầy Dị Mẫn Chi giảng đều là triết học cổ đại của phương Tây và Trung Quốc, thầy ít giảng về lịch sử hiện đại, còn cô Mạo Khiết cũng giảng những gì giản lược, những môn về chủ nghĩa hậu hiện đại và thuyết cấu trúc đều là do thầy Lưu giảng. Hơn nữa, những lý luận về chủ nghĩa hậu hiện đại cho đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi, vì thế nói đâu là thứ già cỗi và cũ kỹ thì thật là buồn cười, bởi đó là do sự khác nhau về cách nhìn nhận đối với giá trị của chúng mà thôi”. Nhưng mặc cho Trương Duy giải thích thế nào, bọn họ vẫn luôn cảm thấy những thứ mình đã học quá cũ kỹ. Trương Duy không muốn lên lớp nữa. Tuy Lưu Toàn Hiền chưa bao giờ gọi anh trả lời, nhưng anh luôn cảm thấy mình là người ngoài. Đã hai buổi học Trương Duy không lên lớp và cũng không xin phép. Lưu Toàn Hiền có phần tức giận, cho rằng anh coi thường ông ta. Trước khi hết giờ học, Lưu Toàn Hiền nói: “Thầy Dị Mẫn Chi không may qua đời, tôi phải giúp đỡ các bạn cũng là chuyện chẳng còn cách nào khác. Nhưng các cô các cậu nhìn xem, bây giờ trong lớp có tới mười mấy người, đây đâu phải là lớp cho nghiên cứu sinh, là lớp đại học thì đúng hơn. Tôi đã nói với khoa mấy lần, mong rằng sẽ có người khác đến thay, có khi để cho một số thầy giáo từ xưa đến nay không hướng dẫn bao giờ, chỉ toàn nói suông hướng dẫn các cậu có lẽ lại tốt hơn! Tôi cũng chỉ có thể lên lớp như thế này, nếu các cô các cậu cảm thấy không được, thì lần sau không cần đến nữa, nhưng nên nhớ sau này thế nào các cô các cậu hãy tự lo lấy”.
Rõ ràng lời nói ấy là nhằm vào Trương Duy, mọi người đều quay sang nhìn anh, anh rất tức giận nhưng chẳng biết làm thế nào.
Khi giảng đến chủ nghĩa hậu hiện đại, Lưu Toàn Hiền yêu cầu Trương Duy phải trình bày trước. Vì không có sự chuẩn bị nên anh đành nói một cách sơ lược chừng nửa tiếng đồng hồ. Sau khi nghe xong, Lưu Toàn Hiền lại gọi một nghiên cứu sinh của mình trình bày tiếp, người này cũng thao thao bất tuyệt trong nửa tiếng. Tuy hai người cùng nói về một vấn đề, nhưng người nghe có cảm giác như đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sau khi giải lao, Lưu Toàn Hiền bắt đầu giảng, trước tiên ông ta nhận xét một hồi về phần trình bày của cậu nghiên cứu sinh của ông ta, nói đó là một số lý luận sai lầm hiện nay, đều là cách nói mò của những học giả nhà quê của Trung Quốc Đại lục, hoàn toàn không phải là chủ nghĩa hậu hiện đại chân chính. Sau đó ông ta lại đánh giá phần trình bày của Trương Duy, nói rằng những nội dung mà anh đưa ra cũng có vấn đề, ít nhất thì cũng là cách nhìn phiến diện đối với chủ nghĩa hậu hiện đại. Trương Duy cứ tưởng rằng Lưu Toàn Hiền sẽ giảng những lý luận khiến cho anh tâm phục khẩu phục, nhưng nghe đi nghe lại thì đó cũng chỉ là những điều mà Mạc Phi đã nói tới lần trước.
Trương Duy còn phát hiện ra rằng, trong những nội dung mà Lưu Toàn Hiền nhắc tới có những thứ Mạo Khiết đã nói với anh, chỉ có điều góc độ nhìn nhận của hai người khác nhau mà thôi. Vì là người theo đạo Cơ Đốc nên Mạo Khiết đã xem xét nó dưới góc độ triết học của đạo Cơ Đốc, còn Lưu Toàn Hiền không tin bất cứ điều gì, nên đã nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ. Có những nội dung tuy hoàn toàn giống nhau, nhưng thái độ của họ lại hoàn toàn khác nhau, vì thế mà chúng trở nên mâu thuẫn, thậm chí là đối nghịch nhau. Ngô Dụng và Lỗ Liên Sinh hỏi Trương Duy: “Rốt cuộc thì ai đúng?”.
“Ai cũng đúng cả, chỉ có điều cần phải xem họ nhìn nhận vấn đề đó dưới góc độ nào”, Trương Duy trả lời.
Nhưng Lỗ Liên Sinh và Ngô Dụng có vẻ cảm thấy những điều Lưu Toàn Hiền giảng phù hợp với cách hiểu của họ hơn, Lưu Toàn Hiền còn phê phán Mạo Khiết rằng, phương pháp phê bình của cô đã lỗi thời, vì thế dần dần vị trí của Mạo Khiết trong sinh viên không còn như trước, nếu không muốn nói là cô đã trở thành một người lừa gạt… Không chỉ có thế, trong những giờ lên lớp, Lưu Toàn Hiền còn phê phán quan điểm của Giáo sư Ngô, thậm chí còn nói rằng, nếu thầy Dị Mẫn Chi còn sống, ông ta sẽ đàm luận với thầy. Ý tứ của ông ta đã quá rõ ràng, ông ta không phục những quan điểm của thầy Dị, chỉ có điều vì có mặt Lâm Hà nên không tiện nói ra mà thôi.
Về chủ nghĩa hậu hiện đại, Lưu Toàn Hiền là người nắm chắc nhất, vì vậy ông ta đã giảng đến bài cuối cùng. Do có lời đe dọa của Lưu Toàn Hiền lúc đầu nên Trương Duy đành phải cố ngồi mà nghe ông ta giảng. Tuy Trương Duy không mấy tán đồng những quan điểm của Lưu Toàn Hiền, nhưng sự giới thiệu một cách toàn diện của ông ta về chủ nghĩa hậu hiện đại đã khiến anh có được một tiêu chuẩn chính xác hơn về nó.
Chỉ trong nửa học kỳ, Trương Duy đã nhìn thấu con người của Lưu Toàn Hiền. Anh nói với Mạo Khiết: “Nhỏ nhen, đúng là một con người nhỏ nhen. Bề ngoài thì có vẻ tôn trọng mọi người, nhưng đằng sau chỉ muốn tìm cách nắn gân người ta. Khi nói đến em, tuy ông ta không nhắc tên, nhưng nghe cách nói anh biết ngay đó là nói tới ai. Như thế cũng còn là tốt, có thể ông ta đã biết được quan hệ giữa chúng ta. Ông ta đã nói về Giáo sư Phương và Giáo sư Ngô không ra thể thống gì. Lâm Hà vẫn còn chưa vơi đau buồn, thế mà ông ta cũng nói ra những lời như vậy được. Lúc đầu anh cứ nghĩ rằng ông ấy giảng bài hay, ai ngờ con người ông ấy lại tồi tệ đến thế!”.
Mạo Khiết cười với vẻ đau khổ, nói: “Tổ Nghiên cứu Giáo dục Mỹ học từ trước đến nay là như thế, đều là các nhà nghiên cứu cả, nhưng chẳng ai phục ai. Trừ thầy Phương ra, ba người còn lại đều đi du học về, ai mà chẳng biết nước ngoài người ta có những phương pháp phê bình gì. Em đã xem những cuốn sách mà ông ta viết, đều là những thứ sao chép lại. Nhưng bây giờ người ta đã là chủ nhiệm, em không đủ sức để đối đầu, đành phải chịu, thế thôi”.
“Em có thể chịu được, nhưng anh thì không. Con người ấy, không hiểu vì sao ngay từ phút gặp đầu tiên anh đã thấy không ưa rồi”, Trương Duy chửi.
Lưu Toàn Hiền tặng cho các sinh viên mỗi người một bộ sách mà ông ta viết, tổng cộng tới cả chục quyển. Đó mới chỉ là những cuốn mới nhất, còn theo lời ông ta thì những cuốn cũ không tặng nữa, bởi một số quan điểm trong đó đã trở nên lỗi thời. Phùng Đức Xương đứng ra thu tiền, Dương Linh không vui, hỏi lại: “Sao bảo là tặng?”. Phùng Đức Xương đáp: “Đến cả nghiên cứu sinh ruột còn phải mua nữa là chúng ta!”. Dương Linh nói: “Tôi không đưa tiền đâu!”. Nói thì nói vậy nhưng cuối cùng Dương Linh vẫn trả tiền. Lưu Toàn Hiền nói: “Nếu các anh các chị có thể đọc hết mười cuốn sách ấy của tôi thật kỹ thì không chỉ thạc sĩ, mà ngay cả tiến sĩ cũng có thể bảo vệ thành công”. Rồi ông ta còn nói: “Nếu mỗi người viết một bài hoặc mấy bài nói về thu hoạch hoặc những điều tâm đắc của mình sau khi đọc những cuốn sách ấy, tôi sẽ mang những bài viết đó tới tạp chí hoặc nhà xuất bản để họ đăng giúp cho. Nhà trường cũng đã có quy định, các nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài viết được đăng trên một ấn phẩm cấp Nhà nước”.
Bây giờ thì Trương Duy đã hiểu Lưu Toàn Hiền đã nổi lên như thế nào. Ông ta đã dựa vào những bài viết như vậy của nghiên cứu sinh. Ông ta còn yêu cầu nghiên cứu sinh phải viết một bài tùy bút hoặc văn xuôi sau mỗi học kỳ. Nội dung là chuyện học tập và cuộc sống của chính họ. Các nghiên cứu sinh khóa sau học kinh nghiệm từ những nghiên cứu sinh khóa trước, toàn viết về những phẩm chất đạo đức cao quý của Lưu Toàn Hiền, thế là ông ta đem tất cả những bài viết đó tới các tòa soạn để họ đăng lên.
Phùng Đức Xương đã nhanh chóng tìm hiểu về những phẩm chất đạo đức ấy. Vừa hết giờ, anh ta đã chặn ngang đường và nộp cho Lưu Toàn Hiền những bài viết ca ngợi về ông ta. Mọi người biết chuyện đều nói anh ta là đồ cơ hội.
Chương trình học của lớp nghiên cứu sinh sẽ kết thúc vào cuối tháng Mười Hai, đúng vào lúc cuốn sách của Trương Duy xuất bản xong. Có bốn người khác cũng được Nhiệm Thế Hùng lăng xê cùng đợt với Trương Duy, họ đều là những nhà văn và học giả có đôi chút tiếng tăm trên văn đàn. Trên cuốn sách của Trương Duy có hai hàng chữ khiến người ta phải chú ý, đó là: Những lời điên khùng gàn dở của một nghiên cứu sinh trường Đại học Phương Bắc, một nhà thơ siêu thực khác người. Nhiệm Thế Hùng định để Trương Duy ở hàng đầu, nhưng bởi vì anh không chịu hợp tác nên đành để ở vị trí thứ ba. Không ngờ, những người mà anh ta tìm để tâng bốc Trương Duy lại đều là những người thích anh, vì thế mà tên của anh càng được tô hồng hơn. Cuối tháng Mười Hai, những bài phê bình về bộ sách này xuất hiện liên tiếp trên các mặt báo, Trương Duy đã nổi danh vì thế. Đây là điều mà anh không ngờ tới, bởi anh chỉ nghĩ là làm để trả nợ, hơn nữa anh còn sỉ nhục Nhiệm Thế Hùng, anh nghĩ chắc anh ta cũng chẳng còn đối xử với anh ra gì nữa. Anh đã không nghĩ tới khía cạnh, Nhiệm Thế Hùng cần phải dựa vào bộ sách ấy để kiếm tiền và phát triển sự nghiệp.
Nhiệm Thế Hùng cũng không nghĩ rằng Trương Duy lại có thể mang lại cho anh ta một khoản lợi nhuận lớn như vậy, anh ta chủ động mang số tiền nhuận bút còn lại cho Trương Duy, tổng cộng cũng vào khoảng bảy, tám nghìn tệ. Trương Duy gửi cho các em ở Tam Lý Đôn ba nghìn, trả tiền điện, tiền nhà một nghìn, số còn lại cũng không nhiều. Anh nghĩ mà không khỏi buồn cười và chua chát, nổi tiếng rồi mà vẫn là một kẻ nghèo kiết xác.
Trong thời gian nghỉ, Trương Duy đã đọc toàn bộ số sách của Lưu Toàn Hiền, hy vọng có thể nhanh chóng hoàn thành bài tập để còn làm những việc khác. Trong khi đọc, anh phát hiện thấy có một cuốn sách rất quen, anh cố nghĩ xem trước đây mình đã đọc qua sách của Lưu Toàn Hiền chưa, nhưng nghĩ mãi vẫn không ra. Buổi tối, anh đem chuyện đó ra nói với Mạo Khiết. Cô hỏi đó là cuốn nào. Trương Duy nói xong, Mạo Khiết trở về phòng lấy ra một cuốn sách của một giáo sư người nước ngoài viết và Lưu Toàn Hiền là người biên dịch. Trương Duy giở ra xem, nội dung của hai cuốn sách ấy cơ bản là giống nhau. Mạo Khiết cười nói: “Chuyện đạo văn của các tác giả nước ngoài không chỉ có một mình Lưu Toàn Hiền, bây giờ chuyện này chẳng có gì là lạ”.
Trương Duy nghe xong thấy rất bất bình. Suốt đêm ấy anh đã ngồi viết một mạch bài phê bình chuyện Lưu Toàn Hiền đạo văn của người khác. Sáng ngày hôm sau, khi anh vẫn còn cân nhắc có nên gửi đăng hay không thì Nhiệm Thế Hùng đến. Anh ta tới là để báo cho anh một tin vui, cuốn sách của anh đã có số lượng phát hành tới hơn ba mươi nghìn cuốn, anh ta còn mang đến cho Trương Duy rất nhiều bài viết giới thiệu tác phẩm của anh. Nhìn thấy bài viết Trương Duy để trên bàn, Nhiệm Thế Hùng cầm lên xem xong, vui mừng nói: “Từ cách viết và suy nghĩ của cậu trong cuốn sách trước, tôi nói rằng cậu là Lỗ Tấn tái thế cũng không ngoa đấy chứ! Cậu đã không phê phán Dị Mẫn Chi mà bây giờ lại đi phê phán Lưu Toàn Hiền. Lưu Toàn Hiền cũng là một người rất có tiếng tăm, đó là một ngọn đuốc đấy. Nếu cậu có thể châm lửa vào thì sẽ vui đây. Chưa biết chừng cuộc chiến chống sự giả dối trong giới học thuật sẽ được dấy lên từ cậu cũng nên!”.
Trương Duy nhăn nhó nói: “Tôi cũng đang rất băn khoăn về chuyện có nên gửi đăng bài viết này hay không. Ông ta hiện là thầy hướng dẫn của tôi, hơn nữa lại là người lòng dạ hẹp hòi, tôi sợ ông ta sẽ tìm cách trả thù”.
“Điều này cậu cứ yên tâm. Bây giờ cậu cũng là người có tiếng rồi, nếu cậu đưa vấn đề này ra thì không chỉ là phê phán một mình ông ta, mà là phê phán một thói xấu đã tồn tại rất lâu trong giới học thuật, những người ủng hộ cậu sẽ rất nhiều. Đến lúc đó, mọi chuyện giữa cậu và ông ta đều đã công khai, liệu ông ta dám làm gì cậu? Chưa biết chừng đến lúc đó ngay cả tư cách là giảng viên hướng dẫn ông ta cũng chẳng còn. Đăng chứ, nhất định phải đăng.”
Ngày hôm sau một tờ báo đã đăng bài viết ấy của Trương Duy. Anh chưa kịp đọc báo, Nhiệm Thế Hùng đã gọi điện cho anh, nói: “Bài của cậu được đăng rồi đấy. Biên tập viên rất xúc động, nói rằng bài viết đã làm xôn xao chính ban biên tập, vì ngay chỗ họ cũng có người thường làm những việc như Lưu Toàn Hiền, chẳng qua họ cũng chỉ mù quáng chạy theo một chức danh nào đó mà thôi. Hay lắm, cậu đã châm ngọn lửa ấy lên rồi đấy! Cứ chờ mà xem, sẽ xôm trò lắm đây!”.
Lúc đó Trương Duy đang ở nhà Mạo Khiết, Mạo Khiết nghe chuyện xong liền ngồi phịch xuống sô pha. Nhìn thấy điệu bộ ấy của cô, Trương Duy cảm thấy hơi buồn, Mạo Khiết đã không can đảm và kiên cường như anh nghĩ.
Một ngày sau đó, Mạo Khiết nhận được điện thoại của Lưu Toàn Hiền. Trong điện thoại, Lưu Toàn Hiền đã mắng nhiếc Trương Duy không ra thể thống gì. Mạo Khiết không biết nói gì, đành để cho Lưu Toàn Hiền trút hết cơn tức giận. Rồi không biết từ lúc nào, Lưu Toàn Hiền quay sang chửi cả thầy Dị Mẫn Chi và Mạo Khiết, trong đó có một câu rất nghiêm trọng là: “Tôi nghe nói hai người đã sống chung với nhau. Có phải cô đã dạy và xúi giục cậu ta viết bài đó không? Tôi nói cho cô biết, hai người nhất định phải đăng lời xin lỗi tôi trên báo, nếu không tôi sẽ đến tòa án tố cáo!”.
Mạo Khiết rất tức giận, nhưng cô cố giữ giọng bình tĩnh giải thích với ông ta rằng, cô không hề biết chuyện Trương Duy viết bài phê bình ấy. Nhưng lúc đó Lưu Toàn Hiền gần như đã phát điên, ông ta nói: “Cô là đồ mặt dày, cô đã cùng một tên lưu manh sỉ nhục tôi!”.
Những lời xỉ vả của Lưu Toàn Hiền khiến Mạo Khiết bật khóc. Sau khi nghe xong đầu đuôi câu chuyện, Trương Duy vô cùng phẫn nộ, anh lặng lẽ rời khỏi nhà Mạo Khiết và trở về phòng mình. Thế là bài viết thứ hai đã ra đời ngay trong đêm ấy, tất nhiên nội dung của nó là phơi bày chuyện Lưu Toàn Hiền nổi lên như thế nào. Sáng hôm sau, đích thân Trương Duy đem bài viết đến đưa cho Nhiệm Thế Hùng.
Bài viết ấy đã được đăng lên ngay trong ngày. Cùng lúc đó, một tạp chí khác đặt hàng anh viết cho một bài thật cặn kẽ và có so sánh đối chiếu, để người đọc vừa xem là đã thấy rõ vấn đề. Vì cơn phẫn nộ trong lòng vẫn chưa nguôi, nên chỉ trong một ngày Trương Duy cũng đã hoàn thành xong bài viết đó. Nhiệm Thế Hùng cũng tập trung những nhà văn và học giả ủng hộ anh lại, kết quả cho ra một loạt bài khác cùng phê phán những việc làm của Lưu Toàn Hiền, ông ta vì thế mà không thể có được một cái Tết yên ổn.