Lưu Toàn Hiền là người không dễ dàng động đến.
Sau ba ngày Tết, một loạt bài phê bình tác phẩm của Trương Duy cũng liên tiếp xuất hiện trên mặt báo. Từ sau Rằm tháng Giêng, những bài viết mở lối thoát cho Lưu Toàn Hiền cũng lần lượt ra lò. Văn đàn bỗng chốc tưng bừng như ăn Tết.
Tệ hại nhất là có một bài viết đăng trên một tờ báo chẳng có chút tiếng tăm nào, nói rằng những bài viết của Trương Duy có vấn đề về chính trị. Vấn đề không còn là chuyện nhỏ nữa. Có một người đã mang bài viết ấy lên trình cho Hiệu trưởng Lâm Chí Cao và bí thư Đảng ủy của trường. Nhà trường lập tức mang đến cho Đảng ủy một cuốn sách của Trương Duy. Mấy ngày sau đó, Đảng ủy nhà trường triệu tập một cuộc họp để thảo luận về cuốn sách của anh. Phần lớn mọi người đều cho rằng không có vấn đề gì, nói đến cùng thì đó cũng chỉ là những bất mãn đối với thời cuộc chứ chưa đến mức coi là có vấn đề về chính trị. Thế nhưng có một đảng viên tóm lấy một số câu trong đó, cho rằng Trương Duy có sự hoài nghi đối với một số vấn đề mà lịch sử đã kết luận, đó chính là vấn đề chính trị. Trong cuộc họp cán bộ chuẩn bị cho học kỳ mới, Lâm Chí Cao cũng đem chuyện của Lưu Toàn Hiền và Trương Duy nói trước mọi người, đồng thời đặc biệt phê bình Trương Duy, cho rằng anh đã bôi nhọ nhà trường.
Chiếc mũ mà Lâm Chí Cao chụp cho Trương Duy quả thực là rất to. Thầy Lý Khoan đã tìm đến Trương Duy và phê bình anh tơi bời.
Vừa nghe, Trương Duy đã thấy vô cùng phẫn nộ, lại nghĩ tới những việc làm của thầy Lý Khoan và Lâm Chí Cao đối với thầy Dị Mẫn Chi, anh bèn nói: “Thưa thầy, em vẫn chưa được đọc bài viết phê phán em mà thầy vừa nhắc tới, nhưng em sẽ tìm đọc và sẽ đáp trả những kẻ tiểu nhân ấy. Tận đến bây giờ, giữa những năm 90 này rồi mà vẫn còn có những kẻ lưu manh chính trị và dấu vết của thời kỳ Cách mạng văn hóa như vậy! Người khác phê phán em, em không cần đếm xỉa, nhưng nếu là thầy Lâm Chí Cao thì em sẽ không bỏ qua đâu. Ông ta làm hại thầy Dị Mẫn Chi cả đời chưa đủ sao, mà bây giờ còn định hại cả em nữa? Ông ta tưởng là em không biết chuyện ông ta đã hại thầy Dị Mẫn Chi như thế nào ư? Ông ta đã lợi dụng thầy, em biết rõ điều này. Chỉ có điều thầy Dị đã qua đời, thầy ấy không thèm so đo những mối thù này, chúng ta cũng chẳng cần so đo nữa. Nhưng bây giờ xem ra, đã đến lúc em cần phải đáp trả để cho ông ta biết rõ rồi!”.
Thầy Lý Khoan cứ há hốc mồm ra nghe Trương Duy nói, sau đó ông có vẻ rất lúng túng: “Sao cậu lại biết chuyện này?”.
“Thưa thầy, thầy không cần biết ai đã nói cho em. Em biết thầy là người bị lợi dụng, nhiều năm qua thầy luôn day dứt về chuyện này, em rất hiểu. Thầy đối xử với em cũng rất tốt, có lúc em đã cảm thấy tình cảm của thầy dành cho em giống như tình cảm của một người bố đối với một đứa con trai. Nhưng thầy Lâm lại không như vậy. Thầy ấy đã lầm khi cứ tưởng rằng chẳng ai biết những việc làm xấu xa của mình. Không những có người biết mà còn biết rất rõ nữa kia!”, Trương Duy phẫn nộ nói.
“Trương Duy, cậu hãy cho tôi biết, có phải là Giáo sư Phương nói không?”, thầy Lý Khoan nôn nóng hỏi.
“Không phải. Thầy đừng hỏi em nữa, em sẽ không nói cho ai biết đâu. Cho dù có trả đũa lại thầy Lâm, em cũng sẽ không nhắc đến thầy đâu, thầy cứ yên tâm đi”, Trương Duy nói xong thì quay người bỏ đi.
Xem ra nếu cứ làm to chuyện thì sẽ bức Trương Duy vào đường cùng, thầy Lý Khoan lập tức gọi điện cho Lâm Chí Cao, nói cho ông ta biết tình hình. Lúc đầu Lâm Chí Cao cũng có đôi chút lo lắng, nhưng sau đó thì lại nói với thầy Lý Khoan: “Cứ để cho cậu ta nói, xem cậu ta đưa ra được chứng cứ gì? Mà này, anh nói rằng tôi đã lợi dụng anh ấy à? Anh có nhìn thấy tôi chép thơ của Dị Mẫn Chi không? Anh bảo với cậu ta là cứ việc nói ra đi!”.
Thầy Lý Khoan đặt điện thoại xuống, tưởng là mình đã nghe nhầm. Lâm Chí Cao đã chối bay biến chuyện lợi dụng ông. Ông cảm thấy hoài nghi tất cả. Lâm Chí Cao bảo ông cứ mặc kệ Trương Duy, nhưng ông không thể làm như vậy được, ông cần phải ngăn chặn không cho anh tiếp tục chuyện này nữa.
Thầy Lý Khoan gọi điện đến nhà Mạo Khiết. Cô đã lên lớp xong và trở về nhà nhưng không muốn gặp Trương Duy. Sau khi nghe điện thoại của thầy Lý Khoan, cô cứ ngây người ra. Cô không ngờ Trương Duy lại chĩa mũi dao trực tiếp vào Lâm Chí Cao và thầy Lý Khoan. Cô cũng không thể cho thầy Lý Khoan biết rằng ai là người đã cho Trương Duy biết chuyện này, cô phải vờ như không biết và hứa với thầy Lý Khoan là sẽ làm công tác tư tưởng cho Trương Duy.
Mạo Khiết tới gặp Trương Duy và nói với anh vẻ châm biếm: “Dạo này anh vẻ vang nhỉ?”.
“Em nói gì thế? Vẻ vang? Em không thấy có rất nhiều người đang muốn tìm cách dìm chết anh mới hả dạ à? Em không biết chuyện Lâm Chí Cao cũng đang phê phán anh rằng có vấn đề về chính trị à? Có phải em cũng tới để phê phán anh không?”, Trương Duy lạnh lùng đáp.
“Em tới để phê phán anh thì sao nào? Anh tưởng rằng anh là ai? Là anh hùng ư? Nhiệm Thế Hùng là ai anh có biết không? Là một tên lái buôn! Trong con mắt của anh ta chỉ có tiền và tiền, anh ta chỉ tìm cách tâng bốc anh lên để anh làm ra tiền cho anh ta mà thôi! Anh ta nói với anh là sách của anh đã phát hành tới ba mươi nghìn rồi chứ gì? Thực ra là đã tới một trăm nghìn cuốn rồi, nhưng anh được bao nhiêu nào? Hơn mười nghìn tệ tiền nhuận bút phải không? Chưa bằng số lẻ khoản anh ta thu về đâu! Anh luôn bị người khác xúi bẩy sai khiến, anh không rõ điều này à?”, Mạo Khiết nói.
Trương Duy không ngờ là Mạo Khiết lại nói ra những điều ấy, vì vậy trong lòng càng tức giận. Anh vốn cũng đã có những ác cảm đối với Nhiệm Thế Hùng, biết rằng anh ta kiếm được gấp hàng mấy chục lần của mình, nhưng anh ta là người biết giữ chữ tín, cho nên khi nghe Mạo Khiết nói vậy anh chỉ còn biết ngồi đơ người mà chẳng biết nên nói lại như thế nào.
Sau lần ấy Mạo Khiết không tới gặp Trương Duy nữa, còn anh thì cứ ngóng đợi. Nếu cô lại đến và nói với anh rằng: “Thôi mà, Trương Duy, những chuyện trên đời này chúng ta chẳng thể nào lo cho hết được đâu, chúng ta nên sống cuộc sống tự do tự tại của mình thì hơn” thì hẳn anh sẽ buông tay, bởi chính anh cũng đã cảm thấy rất mệt mỏi và khó mà tiếp tục được nữa.
Thế nhưng, khi Nhiệm Thế Hùng tới tìm anh thì cơn giận dữ của anh lại bùng lên, anh không cảm thấy hận gã đầu nậu trước mặt mình mà chỉ thấy hận Lưu Toàn Hiền và Lâm Chí Cao. Anh quyết sống mái với họ một phen nữa. Nhưng trước khi viết, anh muốn nói cho một người nào đó biết về những suy nghĩ của mình, anh nghĩ đến Lâm Hà.
Lâm Hà đang xem ti vi, nhìn thấy Trương Duy, cô mỉm cười, nói: “Bây giờ anh thực sự là người rất nổi tiếng rồi đấy. Đi đến đâu cũng nghe thấy những lời bàn tán về anh”.
Trương Duy cười đau khổ, anh đem những chuyện gần đây xảy ra với mình nói cho Lâm Hà biết, sau cùng anh mỉm cười nói: “Gần đây tôi chẳng còn mấy bạn bè, đến cả những người chịu nghe tôi nói cũng không còn nữa, nên tôi đành đến gặp và nói cho cô biết, bây giờ thì tôi không còn cảm thấy trống trải trong lòng nữa”.
Lâm Hà nhìn Trương Duy, đôi mắt vốn rất đa tình của anh giờ đây hằn đầy những nỗi buồn và oán hận, Lâm Hà nói với anh, vẻ thương hại: “Thế thì anh cứ nói với tôi đi, tôi cũng là bạn anh đấy thôi. Thật ra Mạo Khiết làm như vậy là vì có cái khó của cô ấy, anh cũng đừng trách cô ấy nữa. Anh không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều giống như mình, đều vì chính nghĩa và coi sự giả dối sai trái là kẻ thù. Anh nên hiểu cho cô ấy”.
“Không, tôi không thể nào hiểu được. Nếu chí hướng, lý tưởng đã khác nhau thì chúng tôi cũng khó mà tiếp tục gắn bó với nhau nữa”, Trương Duy nói.
Lâm Hà bật cười: “Con người anh quá là ích kỷ, không biết đến khi nào thì anh mới có thể trầm tĩnh và độ lượng hơn đây?”.
“Thôi, tôi không thể nói với cô được nữa!” Trương Duy đứng dậy, nói: “Từ khi sinh ra tôi đã coi sự giả dối xấu xa là kẻ thù, tôi đến với thế giới này là để thay mặt cho công lý”. Nói xong Trương Duy bước ra khỏi nhà Lâm Hà với vẻ anh hùng lẫm liệt. Lâm Hà đứng ở cửa nhìn theo. Tự nhiên Trương Duy muốn khóc, không hiểu vì sao những bạn bè cũ của anh bây giờ lại đều như vậy.
Rồi cũng không rõ vì sao Trương Duy lại bước chân đến nhà ông Ngô. Ông Ngô đang xem ti vi, nhìn thấy anh, ông mỉm cười nói: “Tôi đang định tới tìm cậu. Xem ra cũng đã có ngày ló mặt lên được rồi đây. Nên chúc mừng cậu một chút chứ nhỉ!”.
Trương Duy cười đau khổ, đáp: “Vâng, nên chúc mừng một chút. Trên đường tới nhà thầy, tự nhiên em nhớ đến mấy câu: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn25, nhưng đáng tiếc chẳng có ai hát những lời này để tiễn em cả”.
25 Câu thơ trích từ “Thích khách liệt truyện” trong cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên. Tạm dịch: Gió hiu hắt chừ, sông Dịch lạnh ghê. Tráng sĩ một đi không trở về.
Ông Ngô nghe những lời này thì biết ngay là đã có chuyện gì. Thầy Lý Khoan cũng gọi điện cho ông, kể cho ông nghe về đầu đuôi sự việc, nhờ ông nhất định phải thuyết phục Trương Duy. Ông Ngô vờ như không biết chuyện gì để mặc cho Trương Duy kể lại toàn bộ sự việc. Ông đứng dậy pha cho Trương Duy một cốc trà nóng, sau đó mới nói: “Trương Duy này, tôi nghĩ mọi người khuyên cậu cũng đều có lý cả đấy. Cậu chớ vội trợn mắt lên như thế, cứ nghe tôi nói đã. Theo tôi, Lưu Toàn Hiền cũng chẳng làm gì được cậu đâu. Cho dù ông ta có dùng đến âm mưu thủ đoạn gì thì mọi người cũng chẳng thèm để ý đến, ngược lại còn ghét nữa. Thời đại ngày nay đã khác, chẳng ai muốn quay trở lại những năm tháng trước đây nữa đâu! Tôi nghĩ, cậu nên bình tĩnh và chờ đợi, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi. Ngược lại, nếu cậu muốn đấu với bọn họ, thì cậu chỉ có một mình, còn bọn họ có hai người, mà cậu còn muốn tiếp tục học ở cái trường này nữa hay không? Vì thế, xét về lâu dài, cậu không nên manh động mà nên bình tĩnh”.
“Không giấu gì thầy, kể từ sau khi thầy Dị qua đời và Lưu Toàn Hiền lên lớp thay thầy ấy, em đã cố nín nhịn rất nhiều. Không ít lần em chẳng còn muốn học ở cái trường này nữa, nay sự việc đã đến nước này thì em lại càng không muốn rút lui. Thầy không cần phải khuyên em nữa đâu, mọi người cũng đều khuyên em và đều bị em mắng lại. Chúng ta có thể coi như những người bạn vong niên, thầy lại giống như bố em, em không muốn nói ra những lời không hay với thầy. Em về đây.” Nói xong Trương Duy đứng dậy ra về, nước mắt anh chực trào ra.
Nghe Trương Duy nói thế, ông Ngô vội giữ anh lại, nói: “Cậu cứ ngồi xuống đây đã, sao cậu cứ như một đứa trẻ ngang bướng thế! Tôi hỏi cậu, cậu đã nghĩ kỹ về đường đi sau này chưa?”.
“Em chẳng có đường đi nào sau này cả. Những người theo đạo như thầy còn có sau này, còn có thiên đường. Nhưng em không bao giờ tin, vì thế em chẳng có sau này, em hiểu rất rõ, mọi người cứ luôn miệng nói nào là yêu mến, nào là chính nghĩa, nhưng đến khi thực sự cần đến thì mọi người lại chẳng khác gì những người Trung Quốc thời cổ, hết tính cái này lại lo cái khác. Em không bao giờ tin mọi người nữa!”
Trương Duy đẩy cửa và bước ra. Những lời khuyên của hai con chiên đạo Cơ Đốc đã khiến chàng thanh niên kiên cường này thấy đau lòng đến cùng cực. Anh đã tin tưởng ở họ biết bao! Đến lúc này anh thực sự không còn người bạn nào nữa. Anh cảm thấy mình giống như một thân cây khô đã rụng hết lá, không vây cánh, không bạn bè, chỉ có một mình với thế gian. Phải chăng ý nghĩa của cuộc sống chính là ở điểm này?
Con người đầy giận dữ ấy lại trở về với cái tổ của mình. Anh nhớ tới bố, tới thầy Dị, anh cảm thấy người ở hiền thường không gặp lành mà dường như còn ngược lại, những kẻ đã hãm hại họ luôn gặp thuận lợi, sau đó còn quay lại hãm hại họ hơn nữa, đúng là đáng ghét hết sức! Anh không thể nào bình tĩnh lại, cũng không thể lo đến chuyện của Mạo Khiết được nữa. Anh tự nhủ: “Nếu bắt mình lựa chọn giữa chính nghĩa và Mạo Khiết, mình sẽ chọn chính nghĩa”.
Ngay đêm ấy anh gọi điện cho Nhiệm Thế Hùng, mặc dù anh vẫn biết con người này chỉ lợi dụng anh để kiếm tiền. Cuộc chiến giữa anh với người khác càng quyết liệt thì sách của anh bán càng chạy, thế mà anh không cầm được thêm một đồng xu nào. Nhưng thôi cũng được, cứ để cho Nhiệm Thế Hùng giữ lấy phần của anh ta, anh sẽ giữ lấy chính nghĩa của mình.
Nhiệm Thế Hùng cầm tập bản thảo lên xem, đó là một bài viết nhằm vào Lâm Chí Cao, tiêu đề cũng rất nổi: Lâm Chí Cao, ông nên hối cải đi. Đọc xong, Nhiệm Thế Hùng liền vỗ đùi khen hay và lập tức gọi cho tòa soạn của một tờ báo buổi chiều, bên đó nghe xong bảo Nhiệm Thế Hùng lập tức mang bản thảo tới.
Nhiệm Thế Hùng đi rồi, chỉ còn lại một mình, Trương Duy nằm trong căn phòng lạnh lẽo mà cảm thấy như đang nằm trong nhà tù. Anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc phải ngồi tù vì bài viết đó. Anh nghĩ đến Socrates, ông đã đến với cái chết bình thản và oanh liệt như thế nào, đó mới là một cái chết vĩ đại. Anh mơ màng rồi chìm dần vào giấc ngủ. Trong mơ, anh thấy mình đang bồng bềnh trên những dải mây ngũ sắc, bay qua rất nhiều núi cao và biển cả.
Sau khi bài viết ấy của Trương Duy được đăng, có tới một nửa số báo buổi chiều trên khắp Trung Quốc thi nhau đăng tải, chỉ trong một đêm mà Lâm Chí Cao đang từ một trí thức danh tiếng biến thành một gã lưu manh, một kẻ lừa đảo chính trị. Ông ta đọc được bài báo ấy trong phòng làm việc thì ngay lập tức ngã lăn xuống đất.
Đầu tiên, ông ta vô cùng phẫn nộ vì xấu hổ, nhưng sau đó, ông ta đã lấy lại được bình tĩnh. Nghe theo lời của chủ nhiệm văn phòng, ông ta chuẩn bị tố cáo anh. Thế là vào giữa tháng Tư, khi mà báo chí đang bàn tán xôn xao về chuyện của ông ta thì ông ta xuất hiện trên truyền hình, đồng thời chọn một thời điểm rất thích hợp để nói cho tất cả mọi người biết rằng, ông ta sẽ tố cáo Trương Duy. Cuối tháng Năm lại có tin Hiệu trưởng Đại học Phương Bắc Lâm Chí Cao tố cáo Trương Duy và tờ báo đã đăng bài viết của anh. Tòa án cũng đã thụ lý vụ này.
Trương Duy cũng đọc được tin này trên báo, anh tìm gặp bà Lôi. Vừa nhìn thấy anh, bà Lôi đã hỏi: “Sao cậu lại bán rẻ tôi như vậy?”.
“Cháu đâu có nói là bác đã cho cháu biết chuyện này”, Trương Duy đáp.
“Thôi Tĩnh Di đã gọi điện cho tôi, hỏi có phải tôi là người nói ra chuyện đó hay không. Tôi đã phải nói dối cô ấy. Cậu đừng đến gặp tôi nữa, coi như chúng ta từ trước đến nay không hề quen biết”, bà Lôi giận dữ nói.
Ra khỏi nhà bà Lôi, trong lòng Trương Duy rất hoang mang, anh bỗng hiểu ra rằng vì sao Ngô Á Tử và Mạo Khiết không muốn tiếp tục ở bên anh nữa. Nghĩ đến đây, anh mỉm cười chua chát. Đúng lúc ấy anh nhìn thấy một đám người đang xúm lại cứu một công nhân vừa ngã từ giàn giáo xuống, xem ra tính mạng của anh ta đang rất nguy ngập. Anh buồn bã nghĩ, người công nhân kia ngã xuống còn có người giúp đỡ, còn anh - một chiến sĩ đấu tranh cho chính nghĩa thì sao chẳng có ai muốn giúp đỡ. Không hiểu đây là thế giới gì nữa?