Giáo sư Phương trở thành thầy hướng dẫn cho lớp Trương Duy

Sau khi bị Trương Duy phê phán, Lưu Toàn Hiền đề nghị không hướng dẫn cho nghiên cứu sinh trong lớp của thầy Dị nữa. Khoa cứ cân nhắc mãi mà chưa đưa ra được quyết định. Sau ngày mùng Một tháng Năm, ông ta lại đưa ra đề nghị một lần nữa, thế là khoa đành tổ chức một cuộc họp để bàn về chuyện này, đồng thời trưng cầu ý kiến của các nghiên cứu sinh trong lớp và mấy thầy cô của tổ Nghiên cứu Giáo dục. Tuy Giáo sư Ngô những năm gần đây viết rất nhiều sách, nhưng ông ta cũng toàn đạo văn, chẳng kém gì Lưu Toàn Hiền, vì vậy mà không dám nhận hướng dẫn. Cuối cùng chỉ còn lại Giáo sư Phương. Giáo sư Phương nhận lời một cách rất thoải mái. Mặc dù các nghiên cứu sinh chẳng thích thú gì, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Trải qua hàng loạt sự việc nói trên, họ đều cảm thấy mấy giảng viên hướng dẫn chẳng có ai là tử tế cả. Giáo sư Phương nhiều lời lắm chuyện mới khiến cho thầy Dị phải chết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, họ thấy thầy Dị vốn có bệnh sẵn trong người, vì thế không thể quy kết mọi tội lỗi cho ông ta được, nên họ đành cố vui vẻ chấp nhận hiện thực. Có điều, bây giờ chẳng ai còn đầu óc nào nghĩ đến chuyện học hành nữa, ai cũng mong nhanh chóng bảo vệ xong luận văn rồi rời xa nơi này.

Đó là chuyện mà Trương Duy không ngờ tới. Phùng Đức Xương lại hô hào mọi người đến thăm Giáo sư Phương, chỉ riêng Trương Duy và Lâm Hà là không đi. Phùng Đức Xương nói: “Bây giờ chuyện đã đến nước này rồi, hai người cứ xem đấy mà giải quyết. Hai người không đi cũng được, nhưng nhớ là không được cản trở việc của chúng tôi đâu đấy”.

Kể cũng lạ, từ khi thầy Dị qua đời thì hễ đi tới đâu, gặp ai Giáo sư Phương cũng toàn nói tốt về ông. Cũng có thể ông ta cảm thấy xấu hổ và áy náy. Lâm Hà và Trương Duy không tới nhà Giáo sư Phương nhưng ông ta lại tới tìm gặp họ. Ông ta nói: “Ai cũng bảo tôi liên quan tới cái chết của thầy Dị Mẫn Chi, tôi thực sự cũng không biết nói thế nào cho rõ ràng về chuyện này. Tôi và thầy ấy là bạn học của nhau, tuy không cùng một thầy hướng dẫn, nhưng chuyên ngành của chúng tôi cơ bản cũng như nhau. Tất nhiên thầy ấy thì như một cây đại thụ, còn tôi thì chẳng làm được gì to tát. Nhưng có lẽ các anh chị không biết, từ trước tới nay tôi và thầy ấy vẫn như thế, chúng tôi luôn chỉ trích nhau nhưng chưa bao giờ làm hại người kia. Tôi cũng tin rằng, tuy chúng tôi luôn khắc khẩu với nhau, nhưng thầy ấy không bao giờ coi những lời nói của tôi là sự thật. Lâm Hà này, tôi xin lỗi vì cứ nhắc tới thầy Dị, nhưng tôi phải nói cho hai người rõ, nếu không thì tôi không thể nào làm thầy hướng dẫn cho các anh các chị được. Nếu hai người vẫn hận tôi thì tùy. Tôi cũng rất áy náy, tôi nhận hướng dẫn các anh các chị cũng là vì muốn bù đắp lại phần nào”.

Rồi Giáo sư Phương cứ giải thích mãi với Lâm Hà rằng, ông ta không hề cố ý, ông ta không biết về bệnh tình của thầy Dị, mong Lâm Hà thông cảm cho ông ta. Lâm Hà không muốn nghe những lời ấy nữa, cô bèn nói, cô cũng đã biết điều này và không hề trách gì ông ta. Rồi Giáo sư Phương lại nói với Trương Duy rằng, những việc làm gần đây của anh là rất đúng, một trí thức chân chính thì nên như vậy. Trương Duy chỉ miễn cưỡng mỉm cười, nói rằng anh không có điều gì trách ông ta cả. Nghe vậy ông ta rất mừng.

Nhưng Trương Duy hầu như không thể lên lớp nghe giảng được. Điều tồi tệ nhất là anh lại thấy ảo giác. Các bác sĩ đã kê thuốc cho anh, anh phải nằm ở nhà dưỡng bệnh, đồng thời chờ đợi những đòn phản kích của Lâm Chí Cao. Giáo sư Phương bảo Lâm Hà đưa ông ta tới thăm Trương Duy.

Đã cuối tháng Sáu, Bắc Kinh rất nóng. Trương Duy đang cởi trần đọc sách thì nhìn thấy Giáo sư Phương, Lâm Hà và một người nữa đi vào. Giáo sư Phương hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh gần đây. Lòng Trương Duy bỗng thấy ấm áp hẳn lên, Giáo sư Phương là người ngoài đầu tiên tới thăm anh. Anh gần như đã quên hết những lời mắng nhiếc của ông ta trước đây, anh nói: “Gần đây, em thường nghe thấy ai đó cứ nói với em rằng, Lưu Toàn Hiền và Lâm Chí Cao thuê người để giết em. Hôm trước ra cửa, em lại nghe thấy tiếng người ấy nói, có người đang chờ em dưới cầu thang. Em nhìn xuống thì quả nhiên thấy có một người đang đi lại dưới đó. Thế là em không dám xuống nữa”.

Giáo sư Phương vừa nghe thế, lập tức mặt biến sắc, ông ta hỏi: “Có chuyện đó thật à?”.

“Thật ạ”, Trương Duy đáp. “Nhưng hai hôm nay em không gặp lại người đó nữa. Cũng có thể hắn nấp trong chỗ tối, nhưng em vẫn không dám xuống gác. Vì thế em không thể lên lớp học và cũng không thể xin phép được. Mong thầy hiểu cho em.”

“Thế còn chuyện cơm nước thì sao?”, Lâm Hà hỏi.

“Tôi có mỳ ăn liền. Có điều ăn mãi cũng chán, đến nỗi bây giờ chỉ ngửi thấy mùi mỳ là đã buồn nôn”, Trương Duy đưa tay chỉ vào túi mỳ tôm.

“Nếu thế thì cậu hãy vào ở trong ký túc xá trong trường. Trong đó có rất nhiều người, bọn họ sẽ không dám ra tay đâu”, Giáo sư Phương nói.

Trương Duy thấy cũng có lý, anh bèn đồng ý, hơn nữa căn phòng của anh cũng đã đến lúc phải trả lại cho người ta rồi.

Trương Duy trở về ký túc xá. Kể từ khi Ngô Văn Hàn chết, trong phòng chỉ còn hai người, hai chiếc giường trống trở thành nơi dành cho khách. Bạn bè người thân của các nghiên cứu sinh trong lớp từ quê ra mà không có chỗ ngủ đều đến đây ngủ nhờ qua đêm. Trương Đại Lượng và Lục Hữu rất tức giận nhưng chẳng biết làm sao, vì những chiếc giường đó đâu phải của họ, đã là nghiên cứu sinh thì phải chấp nhận những chuyện như vậy.

Đã từ lâu Trương Duy không còn thích nghi được với cuộc sống tập thể nữa. Mọi người đều coi anh là người nổi tiếng, khó hòa nhập, bản thân anh cũng có cảm giác như vậy, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của mình anh đành phải chấp nhận vào đó ở.

Những người ở tòa án cũng tới tìm gặp Trương Duy mấy lần, anh đem mọi chuyện nói hết với họ, không giấu giếm điều gì. Đã gần hai tháng kể từ khi sự việc xảy ra nhưng anh vẫn chưa nhận được giấy triệu tập của tòa án. Cũng trong kỳ nghỉ hè, nhiều tin tức được truyền đi trong các cuộc hội thảo về học thuật, mọi người đều rất bất bình về chuyện Lưu Toàn Hiền đạo văn, nhiều tờ báo đã lần lượt đăng ý kiến của các học giả về chuyện này.

Vào năm học mới, cuối cùng nhà trường đã ra thông báo xóa bỏ tư cách giáo sư và giảng viên hướng dẫn đối với Lưu Toàn Hiền, đẩy xuống làm trợ giảng. Còn Lâm Chí Cao thì trước sức ép của dư luận cũng buộc phải từ chức hiệu trưởng. Mặc dù vậy, Lâm Chí Cao vẫn đưa tin rằng, nhất định sẽ tố cáo Trương Duy và đưa anh ra tòa, ý muốn nói rằng, cuộc chiến giữa ông ta và anh vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Thầy Lý Khoan và ông Ngô đến tìm Trương Duy, khuyên anh đừng nên gây sự ở trường Đại học Phương Bắc nữa. Trương Duy im lặng, anh không muốn nói chuyện với họ nữa, họ chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, chưa bao giờ dám vươn vai ra đấu tranh vì công lý, Trương Duy thấy coi thường họ. Hai người ấy cảm thấy việc thuyết phục của mình không có tác dụng thì cụt hứng bỏ về, nhất là ông Ngô, dường như ông cảm thấy xấu hổ, không thể nhìn thẳng vào mắt Trương Duy, cho nên từ hôm ấy ông cũng không tới tìm anh nữa.

Điều nực cười là, người đối xử tốt nhất với Trương Duy bây giờ lại chính là Giáo sư Phương. Ông ta thường tới phòng của Trương Duy vào lúc hoàng hôn hoặc khi trời xẩm tối để chuyện trò với anh dăm ba câu. Ông ta thường bảo: “Bây giờ ngẫm lại mới thấy, cậu không phải là người điên khùng gàn dở, mà là người đã nói một là một, hai là hai. Tôi rất khâm phục những người như cậu. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, một người liệu có thể làm được gì trong cuộc đời này? Dù có lập nên những chiến công hiển hách hay chẳng làm nên trò trống gì thì khi chết đi cũng như nhau mà thôi. Chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng rồi cũng lại từ giã nó với hai bàn tay trắng. Nên đến lúc cận kề cái chết thì người ta mới tự trách mình rằng sao trước kia không biết hưởng thụ, không sống cho vui vẻ mà lại cứ tranh giành với người này người khác làm gì. Ý tôi là, cậu đừng nên quá cố chấp, tuy tôi khâm phục cậu, nhưng tôi vẫn cảm thấy cậu sống như thế này thì thật khổ, bản thân cậu chắc cũng không vui vẻ gì. Vì thế tôi nghĩ, cậu nên trút bỏ gánh nặng đó, những gì đáng hưởng thụ thì cứ việc hưởng thụ, những lúc nên vui thì cứ vui, đừng nên quá để ý đến việc được mất trong đời, có khi cứ vô tâm, vô tư một chút lại hạnh phúc sung sướng hơn đấy”.

Trương Duy vốn không thích nghe những chuyện này, nhưng bây giờ anh không phản ứng quá tiêu cực như trước nữa mà chỉ im lặng.

Một ngày tháng Chín, thời tiết vẫn còn cái oi ả của mùa hè. Trong phòng không có ai, Trương Duy đang định tranh thủ ngủ một giấc. Đúng lúc ấy Giáo sư Phương bước vào. Vừa vào đến cửa ông ta đã nói: “Đồ chết tiệt! Đồ chết tiệt!”.

“Có chuyện gì thế ạ?”

“Hôm nay tôi mới nghe được, vì sao Lâm Chí Cao cứ trù trừ chưa tới tòa án tố cáo cậu. Thì ra, có lần Lâm Hà tới tìm gặp Thôi Tĩnh Di, hai người ấy nói chuyện cả một buổi chiều, thế rồi Thôi Tĩnh Di cãi nhau với Lâm Chí Cao, bảo ông ta đừng có ép người quá đáng, nếu cứ cố làm to chuyện thì cô ấy sẽ không bảo vệ cho ông ta nữa, ra tòa, cô ấy sẽ nói hết sự thật cho mọi người biết, và cái gia đình ấy cũng sẽ tan nát. Lâm Chí Cao suy trước tính sau, đành phải nhượng bộ, dù sao thì cũng là người một nhà và đã chung sống với nhau nhiều năm rồi. Thôi Tĩnh Di và Lâm chí Cao đành thỏa thuận với nhau là cứ giả bộ kiện cậu, tới cuối cùng mà không được nữa thì thôi. Vì thế Lâm Chí Cao lấy lý do là mình đã có nhiều năm làm quản lý, công việc này khiến ông ta không có nhiều thời gian cho chuyên môn để xin từ chức. Nhưng thực ra, ông ta sợ lãnh đạo cách chức, đến lúc ấy thì đúng là không còn mặt mũi nào nữa. Cậu thấy chưa, cuối cùng thì ông ta cũng phải sợ rồi.”

Trương Duy không tin, anh nghĩ đây có thể chỉ là những lời đồn đại mà Giáo sư Phương nghe được ở đâu đó, thế là anh đến hỏi Lâm Hà. Nghe Lâm Hà bảo đúng là cô đã gặp Thôi Tĩnh Di, Trương Duy mới tin.

Đến thời gian viết luận văn, Trương Duy lấy đề tài là “Bàn về tư tưởng mỹ học của Dị Mẫn Chi”. Anh nói với Giáo sư Phương, kể từ khi thầy Dị qua đời, anh luôn muốn viết những bài tưởng nhớ thầy, nhưng mãi mà không hoàn thành được, cuối cùng anh quyết định viết bản luận văn này. Nó hoàn toàn không giống những bài phê bình mà anh viết về thầy Dị trước đây mà chỉ đơn thuần là một luận văn giới thiệu và trình bày về tư tưởng của thầy. Giáo sư Phương đồng ý.