Không lâu sau, Trương Duy và Ngô Á Tử đã bị Phùng Hữu Thành cảnh cáo. Anh ta gọi Trương Duy tới phòng làm việc, ra hiệu cho các sinh viên khác rời khỏi phòng bằng vẻ mặt lạnh như tiền rồi ném cuốn tạp chí đầu tiên do Trương Duy chủ biên “phạch” một cái lên bàn, hỏi: “Đã biết vấn đề của cậu chưa?”.
Trương Duy lắc đầu. Phùng Hữu Thành một tay kẹp điếu thuốc, một tay chỉ vào tờ báo, nói: “Cậu tự suy nghĩ đi, vấn đề của cậu ở đây này!”.
Trương Duy nghĩ một hồi lâu mà vẫn không hiểu, chỉ còn cách lắc đầu. Anh vốn coi thường con người đối diện, nhất là kiểu cầm thuốc của anh ta, mặc dù trong lòng anh cũng có phần thấy sợ.
Phùng Hữu Thành thấy Trương Duy vẫn không nhận ra, liền tức giận gõ vào một góc trên tờ báo và nói: “Cậu nhìn xem, cậu đã viết những gì thế này hả?”. Anh nhìn xuống, thì ra đó là bài thơ mà anh viết cho Ngô Á Tử. Phùng Hữu Thành chỉ vào đó, gằn giọng: “Đây là thơ à? Cái gì mà: Lại đây hỡi em yêu/Hãy để chúng ta hôn nhau thật sâu giữa ngã tư tuổi trẻ/Tuyên chiến với trường đại học như tu viện, bằng tình yêu của chúng ta. Mấy hôm trước vừa mới nói với cô cậu để hai người chú ý hơn rồi. Thế mà sóng trước chưa tan, sóng sau lại ập đến. Cô cậu tự đi mà giải thích với khoa!”.
Mặt Trương Duy nóng lên, anh nói: “Trong trường có rất nhiều đôi yêu nhau, hơn nữa bây giờ đã là thời đại nào rồi, sao cứ phải túm lấy chúng tôi thế?”. Trương Duy nói câu này vì có cảm giác Phùng Hữu Thành đang cố ý tìm cách “trị” anh.
Thấy Trương Duy có vẻ không chịu khuất phục, Phùng Hữu Thành càng tức giận, liền ném thẳng tờ báo vào lòng anh, nói: “Cậu mau về mà xem lại đi! Đọc kỹ những chỗ khoanh mực đỏ ấy. Sau đó viết một bản kiểm điểm cho tôi. Còn nữa, tôi đã nói với lớp trưởng của cậu rồi, phải thu hồi hết những tờ báo mà các cậu đã gửi đi ngay lập tức!”.
“Vì sao?”, Trương Duy có phần phẫn nộ. “Chỉ vì mấy câu đó à? Thế sao các anh không đọc những bài thơ đăng trên các ấn phẩm khác bây giờ đi, những câu thơ như thế ở đâu chẳng có?”
Phùng Hữu Thành dụi nửa điếu thuốc đang hút dở, nói dằn từng tiếng: “Đây là Đại học Phương Bắc, không phải là tạp chí thơ ca. Thôi được rồi, trước hết cậu viết bản kiểm điểm mang đến đây cho tôi đã, sau đó hãy tự mà đến giải thích với Bí thư Lưu. Cậu ra đi!”.
Bí thư Đảng ủy khoa Văn là một ông già gầy gò sắp về hưu, lúc nào cũng mặc một cái áo sơ mi trắng, nhưng cổ áo thì hình như chưa bao giờ được giặt sạch, có lẽ bởi vì nó đã được mặc quá lâu. Bí thư Lưu dù sao cũng là lãnh đạo cấp cao nên không có cái vẻ hống hách như Phùng Hữu Thành. Trương Duy vừa bước vào, ông đã mời anh ngồi xuống và đẩy cốc nước về phía anh. Cử chỉ ấy khiến Trương Duy cảm thấy trong lòng dễ chịu hơn rất nhiều.
Bí thư Lưu nói: “Cho gọi cậu tới thực ra cũng chẳng có việc gì lớn, chỉ là vì một số giáo sư già trong khoa có ý kiến về cậu. Tôi cảm thấy chuyện này cũng không có gì phải làm căng lên, nhưng họ đều là những nhân vật tầm cỡ, có ảnh hưởng không nhỏ trong nước. Chúng tôi không thể không coi trọng những ý kiến đó, vì vậy tôi mới bảo Phùng Hữu Thành nói chuyện với cậu trước”.
Trương Duy nghĩ, nếu vì chuyện đó mà phê bình anh thì dù thế nào anh cũng chấp nhận, vì vậy anh ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào Bí thư Lưu. Ông nói: “Không cần quá căng thẳng, cứ uống nước đi đã. Trời hôm nay nóng thật”. Trương Duy nhấp một ngụm trà, đúng là anh thấy hơi khát. Ông nói: “Trương Duy này, em mới học năm thứ nhất, vì thế có lẽ chưa hiểu rõ một số truyền thống của nhà trường. Điều này cũng khó trách. Nghe nói trước đây em đã viết và được đăng báo không ít bài thơ. Đó là một việc rất tốt, nhưng các giáo sư già không tán thành những bài thơ khẩu ngữ và tiên phong của các em đâu. Không những vậy, tờ báo của các em lại được phát cho tất cả các lớp và đến tay một số giáo sư nữa. Mấy ngày hôm nay liên tục có người gọi điện đến cho tôi, có người còn tới tận phòng làm việc, nói rằng bài thơ của em có vấn đề”.
Trương Duy trầm ngâm nhìn Bí thư Lưu. Ông lại nói: “Em có biết ý kiến của họ về bài thơ của em không? Cái chính là những hành động của cả em và Ngô Á Tử đều quá lộ liễu, rồi bây giờ lại còn viết thành thơ nữa. Như thế chẳng phải đi ngược lại với truyền thống của nhà trường hay sao? Em nghĩ xem, ảnh hưởng từ việc làm của các em tồi tệ đến mức nào? Lúc đầu tôi cũng không mấy để ý đến những lời nói của họ, bởi tôi thấy nó cũng không có gì. Tôi làm công tác sinh viên đã hơn ba mươi năm. Tôi rất hiểu tâm tư của thanh niên và sinh viên. Mấy năm gần đây tư tưởng của họ thay đổi rất lớn. Điều này cũng bình thường thôi. Tuy nhà trường đã nghiêm cấm dứt khoát, không cho sinh viên yêu đương, nhưng đó cũng chỉ là những điều viết trong sổ tay sinh viên, thời đại này ai mà còn lạc hậu đến mức ấy! Chúng tôi cũng biết, làm công tác tư tưởng với sinh viên cũng chỉ là để đề phòng xảy ra vấn đề mà thôi! Theo tôi, xã hội sẽ ngày càng thay đổi nhanh chóng hơn, nhưng một số giáo sư thì không nghĩ như vậy, họ vẫn giữ những định kiến cũ. Chẳng làm thế nào thay đổi được họ. Em cần phải biết, họ có ảnh hưởng rất lớn trong nhà trường và ngoài xã hội, nhiều người còn giữ những cương vị trọng yếu trong Chính phủ và Quốc hội, có người còn là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Họ rất yêu quý trường Đại học Phương Bắc, vì vậy họ không cho phép bất cứ chuyện gì ảnh hưởng tới truyền thống và uy tín của nhà trường. Nếu đem hai sự việc này gắn lại với nhau, thì chuyện của em không còn là nhỏ nữa, rõ chưa?”.
Trương Duy nghe vậy thì cảm thấy lời của vị bí thư già này cũng khá có lý. Nhưng đó đâu phải là đạo lý, ngược lại, đó chính là hành động bóp méo chân lý. Anh đáp: “Thưa Bí thư, chúng em không làm chuyện gì trái đạo lý cả. Còn về bài thơ của em, em thấy cũng không có vấn đề gì, có lẽ từ trước tới nay họ chưa từng đọc những bài thơ hiện đại, chúng đều như vậy cả mà. Một số bạn trong lớp em còn nhận xét đó là một bài thơ hay”.
Bí thư Lưu nghe thế, liền nói: “Trương Duy này, tôi nói nửa ngày rồi mà cậu vẫn không hiểu hay sao? Bây giờ không phải là lúc chúng ta tranh cãi xem ai đúng ai sai, mà phải nghĩ cách làm dịu sự phẫn nộ của các giáo sư ấy đi!”.
“Nhưng nếu làm dịu sự phẫn nộ của họ thì ai sẽ trả lại sự công bằng cho em?” Trương Duy không nén được nữa, bực mình thốt lên.
“Cậu muốn công bằng như thế nào? Chúng tôi đã khuyên cậu tử tế như thế, nhưng cậu lại không hề hối lỗi. Được, bây giờ tôi nói để cậu biết, trước hết, việc cậu yêu đương đã là không đúng…” Vị bí thư càng nói càng kích động, càng nói càng cảm thấy Trương Duy chướng mắt, cuối cùng ông đập bàn, chỉ thẳng vào mặt anh, nói: “Loại sinh viên nào tôi cũng đã gặp rồi, nhưng ngang bướng như cậu thì đây đúng là lần đầu!”.
Vừa nghe thấy ông Bí thư nói mình là kẻ ngang bướng, Trương Duy liền tỏ ra không vui. Anh không nói gì nữa, bởi anh cảm thấy những người như thế này thực sự là quá quan liêu, giọng điệu lúc nào cũng sặc mùi chính trị. Bí thư Lưu hình như vẫn còn muốn nói nữa, nhưng Trương Duy không muốn nghe, anh quay người bỏ đi.
Hành động của anh khiến Bí thư Lưu tức điên lên, ông hết đứng lên lại ngồi xuống, cảm thấy mình bị sỉ nhục quá đáng. Đúng lúc ấy thì Chủ nhiệm khoa Lý Khoan tới. Nhìn thấy vẻ tức giận của Bí thư Lưu, ông hỏi có chuyện gì. Bí thư Lưu kể lại toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, Chủ nhiệm Lý cười, nói: “Thôi, đừng tức giận nữa, thanh niên bây giờ càng ngày càng khó hiểu, họ đang đi tìm cái Tôi của mình, nào là để tóc dài, nào là cạo trọc. Tóm lại họ hoàn toàn khác chúng ta trước đây”.
Nhưng Bí thư Lưu không sao nguôi được cơn giận, ông ta đòi phải xét kỷ luật Trương Duy. Việc này còn chưa kịp tiến hành thì một hôm, thầy Lý Khoan đến chìa cho ông ta một tờ giấy. Ông ta mở ra đọc rồi tròn cả mắt. Đó là một công văn do đích thân hiệu trưởng nhà trường ký, bên trên có viết mấy lời, ý muốn ban chủ nhiệm khoa Văn hãy xử lý sự việc này một cách cẩn thận. Đó là một lá đơn xin thôi học được gửi cho Hiệu trưởng Ngô. Nội dung như sau:
Kính gửi thầy Hiệu trưởng!
Em xin lỗi vì đã làm phiền thầy. Em là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn. Em mới vào trường gần một tháng, nhưng trong khoảng thời gian ấy, em đã phải chịu sự tấn công và sỉ nhục rất lớn. Hôm nay em viết lá thư này gửi tới thầy, hoàn toàn không phải vì muốn thầy có hành động chính nghĩa vì em, mà là với tư cách của một sinh viên sắp rời khỏi Đại học Phương Bắc, nói với thầy về những suy nghĩ của em đối với nhà trường.
Bố em cũng là sinh viên khoa Văn của trường, tốt nghiệp vào những năm năm mươi, đã từng bị coi là phái tả vì mấy bài thơ, hiện nay đang sống ở một vùng nông thôn Tây Bắc lạc hậu. Ông đã không làm nên sự nghiệp lớn, nhưng tình cảm mà ông dành cho Đại học Phương Bắc là rất thiêng liêng. Trong lòng bố em, Đại học Phương Bắc chính là lương tri của ông, là lá cờ đầu của giới tư tưởng Trung Quốc, là mô phạm trong hành vi của người Trung Quốc. Ông thường nói với em rằng, ở Đại học Phương Bắc, con có thể tự do hít thở, tự do ca hát. Từ nhỏ đã được tiếp nhận một sự giáo dục như vậy nên em quyết tâm thi vào đây. Trong mục “Nguyện vọng”, em chỉ ghi duy nhất trường Đại học Phương Bắc, nếu không đỗ, em sẽ không vào bất cứ trường đại học nào khác. Và em đã được toại nguyện.
Em đã bước vào trường Đại học Phương Bắc với một tình cảm thiêng liêng như vậy, giây phút đặt chân vào cổng trường, em như muốn khóc.
Thế mà tình cảm thiêng liêng ấy đã bị cướp đi chỉ sau một tháng. Có ba chuyện mà em không sao tha thứ được. Việc thứ nhất, em phát hiện ra rằng có giáo sư khi lên lớp chỉ đọc giáo án, hơn nữa giáo án ấy đã ố vàng từ lâu, những điều mà giáo sư đó giảng đã quá cũ kỹ, là những điều em đã thuộc tới mức không thể thuộc hơn được nữa. Đó không phải là trường Đại học Phương Bắc trong trái tim em. Thứ hai là chuyện yêu đương của em. Đúng thế, em biết bây giờ có nói với thầy những điều này, thầy cũng sẽ không đồng ý với cách nhìn nhận của em. Em vốn cũng không định yêu đương trong thời gian học đại học, em không muốn lãng phí quãng đời thanh xuân. Nhưng khi nhìn thấy người bạn học Ngô Á Tử, em đã không thể chế ngự được trái tim mình. Bạn ấy cũng yêu em. Em đã do dự một thời gian dài. Trong khoảng thời gian đó, em đã nghĩ rất nhiều. Nếu từ chối tình yêu ấy, em sẽ phải sống những ngày vô cùng đau khổ và buồn bã; còn nếu đón nhận tình yêu ấy, em sẽ có thể vui vẻ học tập và theo đuổi lý tưởng. Sinh viên đại học đã là những người trưởng thành, xét cả yếu tố tinh thần và thể chất, chúng em đều có quyền yêu. Em hiểu là người ta đã tưởng tượng ra tình yêu đáng sợ và bẩn thỉu như thế nào. Nhưng chẳng lẽ những người lớn chưa bao giờ yêu ư? Tình yêu có sai lầm không? Nếu đã không sai thì việc gì phải lén lén lút lút? Em và Ngô Á Tử chẳng qua cũng chỉ nắm tay nhau đi trong vườn trường, thế mà không ít người đã cảm thấy không vừa lòng. Chẳng lẽ như thế là chúng em sai? Bí thư Lưu và anh Phùng Hữu Thành của khoa Văn đã phê bình em, bảo chúng em phải chú ý tới những tác động từ việc làm của mình. Chúng em không dám nữa, nhưng chúng em cảm thấy bị sỉ nhục. Tình yêu vốn là một tình cảm vô cùng thiêng liêng, vậy vì sao trong con mắt một số người ở trường này, nó lại trở thành một thứ tội ác? Đây cũng không phải là Đại học Phương Bắc trong trái tim em.
Việc thứ ba là dư luận về bài thơ của em. Em đã photo bài thơ ấy gửi thầy. Đại học Phương Bắc từ xưa đến nay luôn là cái nôi của nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ, luôn đi tiên phong trong giới văn học, nhưng em không nghĩ rằng, ở đây, một bài thơ bình thường như tất cả mọi bài thơ khác trên các ấn phẩm thi ca lại trở thành một thứ khác thường đến như vậy. Họ nói, bài thơ của em đã tạo ra định hướng không tốt cho sinh viên. Bài thơ ấy thật sự có tác động to lớn đến thế sao? Đây cũng không phải là Đại học Phương Bắc trong trái tim em.
Đại học Phương Bắc trong hiện thực khác với Đại học Phương Bắc trong trái tim em quá nhiều. Khi viết lá thư này gửi thầy trong sự đau khổ tột cùng, việc đầu tiên em nghĩ tới là tự tử. Nếu hiện thực đã quá cách xa so với hình ảnh lý tưởng như vậy, thì vì sao em lại không thể bảo vệ sự trong trắng trong trái tim mình? Em đã đắn đo suốt mấy ngày, nhưng vẫn chưa quyết tâm được. Tự tử thì tuyệt vọng quá! Em không thể bỏ mặc bố em và Ngô Á Tử. Vì thế em quyết định thôi học.
Em sẽ không theo học đại học nữa, sau này làm gì thì hiện giờ em vẫn chưa nghĩ ra.
Trước lúc rời khỏi nơi đây trong nỗi đau khổ, em phải nói với thầy một câu rằng: Đại học Phương Bắc đã biến chất rồi. Thầy phải làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn.
Em chào thầy.
Một sinh viên yêu trường Đại học Phương Bắc
Trương Duy
Đại học Phương Bắc, mùng 9 tháng 10 năm 1987
Bí thư Lưu giận đến nỗi ngồi mãi mà không thốt lên được lời nào. Mãi sau, ông ta mới nói được một câu: “Khốn kiếp!”. Thầy Lý Khoan bèn nói: “Thầy Hiệu trưởng còn gọi điện cho tôi hỏi về tình hình cụ thể, đồng thời nhắc nhở, phải làm tốt vấn đề công tác tư tưởng cho sinh viên, nếu chẳng may xảy ra việc gì thì không ai gánh nổi trách nhiệm đâu”. Nghe thế, Bí thư Lưu liền nói: “Vậy thì được, anh cứ giải quyết đi!”. Thầy Lý Khoan nói: “Anh cũng chớ nên tức giận nữa, Hiệu trưởng Ngô cũng đâu có phê bình chúng ta. Hay là thế này đi, bây giờ anh cũng không tiện ra mặt, để tôi thử xem sao”. Bí thư Lưu quay mặt đi, rít qua kẽ răng: “Không hiểu là thứ sinh viên gì nữa!”.
Thầy Lý Khoan đi tìm Trương Duy, anh không có ở ký túc xá. Lúc ấy anh đang ở sân vận động. Anh đã đem chuyện anh định thôi học nói với Ngô Á Tử, cô suýt nữa thì tát cho anh mấy cái. Cô thấy anh thật quá nông nổi, chỉ vì một sự việc cỏn con ấy mà cũng định thôi học. Nhưng anh lại nghĩ rằng cô quá tầm thường, không những không hiểu và đồng tình với những suy nghĩ, tình cảm thuần khiết của anh mà còn chỉ trích gay gắt như vậy. Anh rất thất vọng về cô. Có điều, anh không muốn làm tổn thương trái tim cô nên không nói ra bất kỳ câu nặng nề khó nghe nào, chỉ cố gắng giải thích. Nhưng Ngô Á Tử thì không kìm chế nổi, cô không thể chấp nhận việc Trương Duy rời bỏ cô vì bất cứ lý do nào. Trong suy nghĩ của cô thì cô chính là lý do duy nhất để anh ở lại Đại học Phương Bắc, nhưng anh đã rũ bỏ cả cô. Cô muốn khóc mà không sao khóc được. Nhưng Trương Duy thì khóc thật. Anh không nỡ rời xa cô. Anh nói: “Anh chẳng còn gì lưu luyến với ngôi trường này nữa, trừ em. Anh biết, anh đi như thế này thì sẽ không còn gặp em được nữa”. Nghe anh nói đến đây, Ngô Á Tử bỗng bật khóc nức nở.
Thầy Lý Khoan mời hai người đi ăn cơm. Đầu tiên, ông chỉ trích những lối suy nghĩ cũ kỹ, sau đó phê bình những việc làm của Bí thư Lưu và Phùng Hữu Thành, sau cùng mới khuyên giải Trương Duy. Ông cũng nói về Đại học Phương Bắc trong suy nghĩ của mình, cuối cùng mới đi vào việc chính: “Thầy biết tình yêu của em dành cho Đại học Phương Bắc rất sâu đậm nên em mới có suy nghĩ thôi học. Nhưng đã bao giờ em nghĩ rằng, những sinh viên như em không nhiều chưa? Một người trải qua rất nhiều khó khăn thử thách mà vẫn giữ được những tình cảm trong sáng và lý tưởng thiêng liêng của mình, đó mới là hạt vàng thật sự. Em cần phải rèn luyện mình hơn nữa, trái tim em quá nhạy cảm và yếu đuối”.
Chính mấy câu sau cùng của thầy Lý Khoan đã đánh thức Trương Duy. Anh đã ở lại.