Việc Trương Duy ở lại đã khiến anh trở thành tâm điểm chú ý trong trường. Bài thơ của anh chính vì bị cấm nên lại càng được truyền đi rộng rãi, lá thư của anh cũng được các thầy cô đem ra bàn luận. Với sự sắp xếp của thầy Lý Khoan, khoa Văn đã tổ chức một buổi thảo luận về bài thơ của Trương Duy, sau đó việc này lan đi khắp trường, chủ đề của các cuộc thảo luận ấy là: Sinh viên đại học có nên yêu hay không? Rất nhiều tờ báo đã cho đăng bài viết của những sinh viên Đại học Phương Bắc về cách nhìn nhận mới mẻ đối với vấn đề tình yêu trong trường đại học, nhiều bài có kèm cả phụ lục bài thơ của Trương Duy. Tất cả những chuyện này đã khiến anh trở thành một người có tiếng tăm trên văn đàn.
Ngô Á Tử cũng vì bài thơ của Trương Duy mà trở thành bông hoa nổi bật trong trường. Khi cô đi trên đường, thường có những chàng sinh viên đi phía sau nói: “Nhìn xem, đó chính là Ngô Á Tử của khoa Văn đấy!”, thậm chí có người còn hét lên: “Ngô Á Tử, anh yêu em!”. Cô quay lại thì chỉ nhìn thấy một đám những chàng trai đang cười với mình, không thể biết ai là người vừa nói câu lúc nãy, cô bèn mỉm cười thích thú. Liễu Xuân Ni thì hét đáp trả: “Các anh chẳng còn hy vọng gì đâu!”. Thế là các chàng trai lại cười ồ lên. Hoặc như khi Ngô Á Tử ôm sách đi, thế nào cũng có một vài chàng sinh viên của khoa Nghệ thuật chạy từ bên đường tới, hỏi: “Xin lỗi, cho hỏi một chút, cô có phải là Ngô Á Tử của khoa Văn không?”. Cô vui vẻ gật đầu. Chàng sinh viên đó lại hỏi: “Liệu cô có thể làm người mẫu giúp tôi được không?”. Cô ngạc nhiên quay sang nhìn Xuân Ni. Xuân Ni bèn kéo tay cô lôi đi. Khi ăn cơm, Ngô Á Tử đem chuyện có người muốn cô làm người mẫu nói với Trương Duy. Anh nghe thấy thế, trong lòng rất tức giận, bèn nói: “Đừng đi, ai mà biết trong lòng bọn họ nghĩ gì”. Cô bĩu môi đáp: “Bọn họ thì có thể nghĩ gì? Chẳng qua chỉ là tới đó ngồi một lúc thôi mà”. Anh nghe thế càng tức, đáp: “Em cứ việc, muốn đi thì cứ đi đi”. Tuy ngoài miệng nói vậy nhưng trong lòng Ngô Á Tử thì lại rất vui, bởi cô rất muốn biết mình có vị trí như thế nào trong trái tim Trương Duy. Không chỉ các sinh viên mà ngay cả các thầy cô trong khoa Văn cũng biết tiếng cô. Nhưng dù sao giảng viên vẫn là giảng viên, họ sẽ không có kiểu chạy tới bên hoặc gọi tên cô, chỉ khi đi một mình, họ mới mỉm cười với cô.
Ngô Á Tử đã sống trong niềm hạnh phúc ngây ngất, cô thường nói với Trương Duy: “Mẹ em thường bảo, phụ nữ cần phải xinh đẹp một chút, sau đó thì phải ở nhà làm một người vợ hiền giúp đỡ chồng mình. Còn đàn ông thì cần phải làm nên sự nghiệp, như thế mới là một gia đình hoàn hảo”. Nghe cô nói thế, tim anh cứ đập thình thịch, anh biết cô đang vẽ ra tương lai của hai người, nhưng anh không đồng tình với việc cô tự ý vạch ra tương lai của anh. Ngô Á Tử nói: “Hồi còn học đại học, bố em cũng đã từng làm thơ, chỉ có điều thơ ông kém anh xa. Bố em cũng đã từng viết thơ tặng mẹ em, nhưng không gây chấn động như của anh, vì thế mà một thời gian sau bố em chuyển sang làm chính trị. Bố em nói: “Thơ, không thể viết mãi được, nhất là trong thời buổi bây giờ, chỉ trông chờ vào việc làm thơ thì sẽ chẳng nên trò trống gì, hơn nữa từ xưa tới nay, những người theo nghiệp thơ văn đều là những người nghèo nhất”. Vả lại, đó cũng lại là con đường rất gian nan và rất khó thành công. Em nghĩ sau này anh đừng làm thơ nữa, anh có thể đi theo con đường như bố em, ông ấy có thể giúp được anh”.
Những lời này, Ngô Á Tử chỉ cần nói một lần cũng đã đủ khiến Trương Duy thất vọng rồi, nhưng cô còn thường xuyên nhắc lại nó, mỗi lần như vậy, cô lại đẩy anh ra xa hơn một chút. Trong suy nghĩ của Trương Duy, văn học và tư tưởng là sự nghiệp suốt đời của anh, trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn hai việc ấy. Lý tưởng đó được bố anh nuôi dưỡng cho từ hồi còn bé. Anh ở lại Đại học Phương Bắc cũng vì muốn thực hiện lý tưởng ấy. Trước khi anh vào đại học, bố anh gần như đã đem hết tất cả những gì cần học ở đại học truyền thụ lại cho anh. Bây giờ, anh tới ngôi trường này là để theo đuổi sự nghiệp văn học và lý tưởng của mình. Hơn nữa, anh tuyệt đối không muốn dựa dẫm vào bất cứ ai.
Một hôm Ngô Á Tử nói với Trương Duy, mẹ cô sắp tới thăm cô, đồng thời bà ấy cũng muốn gặp anh, bởi vì chuyện của hai người đã trở thành vấn đề nóng trong trường, ai cũng biết cả. Ban đầu, Trương Duy nhận lời một cách rất thoải mái, nhưng sau đó anh lại cảm thấy không gặp là tốt nhất. Ngô Á Tử không chịu, nhất quyết bắt anh phải đi. Chẳng còn cách nào khác, anh đành tới gặp mẹ cô. Mẹ Ngô Á Tử công tác ở Hội Phụ nữ, vừa nhìn đã thấy ngay kiểu cách của quan bà. Bà ta nhìn anh một lượt từ đầu đến chân, kỹ đến mức anh thấy rất lúng túng. Bà ta hỏi anh: “Sau này cậu định làm gì?”. Anh đáp: “Nghề nào đó có liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu ạ”. Bà ta nói với vẻ coi thường: “Nghề như thế thì có gì hay ho?”. Anh đáp lại: “Thế làm nghiên cứu thì có gì không hay ạ?”. Trong lần gặp mặt đầu tiên, họ đã để lại những ấn tượng không tốt đẹp về nhau như thế. Sau đó mấy ngày liền, Ngô Á Tử cứ liên tục nhắc đi nhắc lại rằng, bố cô bảo làm trong lĩnh vực nghiên cứu rất vất vả, hơn nữa lương bổng đãi ngộ lại thấp, địa vị trong xã hội cũng không cao. Cuối cùng thì Trương Duy không nén được nữa, anh nói thẳng với cô: “Vì sao mọi người lại ép anh như thế? Con người ta sống dựa vào yếu tố tinh thần là chính. Chỉ cần đủ ăn là được rồi, vì sao cứ phải có nhu cầu cao về điều kiện vật chất? Bố anh tuy gặp phải những thiệt thòi do niềm đam mê văn học mang lại, nhưng ông hoàn toàn không phản đối anh như vậy. Tuy cả đời ông sống trong cảnh nghèo khó, nhưng ông đã sống rất thanh thản và không phải hổ thẹn với lương tâm. Anh cảm thấy chỉ cần như thế là đủ”.
Ngô Á Tử nghe vậy, trong lòng rất không vui, cô gào lên: “Con người anh kỳ quái quá đấy! Sao anh chẳng có chút lương tâm nào thế? Chẳng phải em và mẹ em chỉ muốn tốt cho anh, không muốn anh phải chịu khổ hay sao?”.
Trương Duy nghe Ngô Á Tử mắng mình không có lương tâm, liền nói: “Em không hề nghĩ cho anh, em chỉ đang nghĩ cho bản thân thì đúng hơn. Em đã bao giờ hỏi anh sau này muốn làm gì chưa? Em đã quá độc đoán, chẳng khác gì mẹ em cả, lúc nào cũng chỉ muốn sai phái, điều khiển người khác. Anh không phải kiểu người như thế!”.
Ngô Á Tử quắc đôi mắt đẹp lên: “Sao anh lại nói mẹ em như thế? Được rồi, từ nay về sau anh đi mà làm việc của anh, em không cần phải lo cho anh nữa!”.
Nghe vậy, Trương Duy liền đáp: “Vậy kể từ ngày mai, chúng ta ai lo phận ấy, không cần gặp mặt nhau nữa!”.
Cô trố mắt, ngây người ra một lát rồi đáp: “Tùy anh!”.
Nghe xong câu ấy, anh quay người bỏ đi một cách dứt khoát. Ngô Á Tử lên giường nằm trùm chăn, khóc suốt một đêm. Cô nghĩ mãi mà không ra, vì sao Trương Duy chẳng những không hiểu cho tấm lòng của cô, lại còn đối xử với cô như vậy. Cô quyết định không thèm để ý đến anh nữa. Cô muốn trả thù anh.
Nhà Ngô Á Tử ở ngay trong thành phố nên không những các bạn thời trung học mà ngay cả các nam sinh viên khóa trên cũng thường tới tìm gặp cô, vì chuyện này, những người bạn cùng phòng cô bàn tán rất nhiều. Những chàng trai kia cũng đều biết chuyện của Ngô Á Tử với Trương Duy. Cô tỏ ra lịch sự với tất cả những người ấy, chưa bao giờ làm gì có lỗi với bất cứ ai, cố ý để cho tất cả bọn họ đều nuôi dưỡng hy vọng bằng một câu trả lời rất khôn khéo: “Đã một thời gian rồi chúng tôi không qua lại với nhau nữa”. “Không qua lại” có nghĩa là mối quan hệ của họ không còn sâu đậm nữa, nhưng không còn sâu đậm nữa cũng có thể là họ chỉ tạm thời giận dỗi nhau mà thôi. Nhiều người cũng đã gặp Trương Duy và đều có ấn tượng không tốt về anh. Sự ngạo mạn của anh khiến cho họ có thành kiến. Trên thực tế, Trương Duy không muốn giao thiệp với nhiều người, anh có phần hướng nội và thường không thể hiện rõ tình cảm của mình trên nét mặt. Trong con mắt của những cậu công tử bột thì anh chẳng khác gì một khúc gỗ, chẳng những không có sức sống mà còn không biết cách đối nhân xử thế, rất lạc lõng với thời cuộc. Ngô Á Tử cũng hiểu rất rõ điều này, nhiều lúc, cô muốn thay đổi anh, nhưng anh rất ghét như vậy, thậm chí vì chuyện đó mà tình cảm đối với cô lại dần rạn nứt, vì thế cô không còn muốn tiếp tục thay đổi anh nữa. Cô muốn anh phải tự tỉnh ngộ từ trong đau khổ, rồi sau đó quỳ xuống cầu xin cô tha thứ và chấp nhận sự cải tạo của cô.
Khi lên lớp, Ngô Á Tử thường ngồi ở dãy đầu rồi đi đi lại lại như không có ai. Những khi đi ngang qua cô, Trương Duy luôn hy vọng cô sẽ ngẩng đầu lên nhìn anh một cái, nếu vậy, mọi giận hờn trong lòng anh sẽ lập tức tiêu tan, rồi anh sẽ lại sóng đôi cùng cô trên con đường về lúc tan học hay trên đường tới nhà ăn. Nhưng cô lại cố tình làm ra vẻ không nhìn thấy anh. Có lúc anh đã cố ý đi đi lại lại gần chỗ cô, hy vọng cô sẽ nhìn anh. Chỉ cần như vậy, anh sẽ bằng lòng dẹp bỏ tự ái để được nói chuyện cùng cô. Nhưng cô lại không làm vậy. Anh giận run người. Anh ngồi ở dãy bàn phía cuối và nhìn cô, lúc này, anh chỉ muốn bước tới ghì chặt lấy cô, nói với cô rằng đừng có trừng phạt anh như thế nữa. Nhưng kết cục, anh chỉ có thể ngồi đó, viết ra những dòng thơ buồn.
Có vài lần, họ gặp nhau trên đường. Anh nhìn cô, cô cũng nhìn anh. Anh đã định bước tới nói chuyện với cô, nhưng cô chỉ nhìn anh một cái rồi lại quay mặt đi như không hề quen biết, anh cũng đành quay mặt đi, vờ như không nhìn thấy cô.
Nhưng điều khiến Trương Duy tức giận nhất không phải là những chuyện đó, mà là chuyện cô đã cùng đi dạo với người con trai khác trong vườn trường, tuy nhiều lúc là đi cùng cả đám người. Mỗi lần chạm trán, cô thường nhìn anh từ xa, nhưng đến khi tới trước mặt anh, cô lại ngó lơ đi chỗ khác hoặc lớn tiếng nói cười với người khác, làm như đang rất vui rồi đi lướt qua anh.
Trái tim anh rỉ máu. Anh chỉ hận không thể lôi cô ra khỏi đám đông ấy, nói với cô trước mặt mọi người rằng, quan hệ giữa hai người hoàn toàn chưa chấm dứt, cô phải có một câu trả lời rõ ràng với anh rồi mới được đi cùng người con trai khác.
Sự ích kỷ của tình yêu khiến anh đau khổ tột cùng, một lần nữa, anh lại cảm thấy không thể nào tiếp tục học hành được.
Anh cảm thấy những bài giảng trên lớp càng ngày càng vô vị, ngoài môn Văn học cổ điển còn có chút ít nội dung mới mẻ, những môn còn lại đều là những thứ anh đã biết. Vốn không còn có ý định bỏ học nữa, nhưng bây giờ anh lại muốn làm thế hơn bao giờ hết. Anh không muốn đặt chân vào cái phòng học đó nữa, anh sẽ tự giải thoát cho mình. Sự trừng phạt của Ngô Á Tử đối với anh sẽ không còn hiệu lực nữa.
Trương Duy tới thư viện. Phòng đọc là nơi khiến anh thoải mái nhất, sinh viên cũng tập trung ở đây nhiều nhất. Muốn có chỗ thì phải tới thật sớm để giữ, bữa trưa cũng không được rời khỏi đó, nếu không thì khi quay lại sẽ mất chỗ ngay. Vì thế thời gian cả một ngày của anh đã trôi qua ở nơi này. Buổi trưa anh thường ăn qua quýt chút gì đó rồi lập tức quay trở về thư viện. Việc đọc những tờ tạp chí cũng làm anh thấy đau khổ. Anh cảm thấy các nhà văn nhà thơ Trung Quốc ngày càng rơi vào trong cái vòng trói của chủ nghĩa thực dụng, càng ngày càng hiếm những tác phẩm hay. Anh cảm thấy thơ của mình mới đúng là thơ hay, nhưng nhiều tờ báo ngày càng thu hẹp chỗ dành cho trang thơ, ngoài một số nhà thơ đã thành danh, những nhà thơ mới được đăng bài thì rất hiếm. Sự lo lắng ấy đã khiến anh cảm thấy những lời của Ngô Á Tử lúc trước cũng có phần đúng. Nhưng như vậy anh càng cảm thấy đau khổ hơn.
Xuân Ni nói với Ngô Á Tử: “Hôm qua mình gặp Trương Duy đấy. Anh ấy cứ cúi đầu đi, mình gọi nhưng hình như anh ấy không nghe thấy. Mình phải gọi tới lần thứ hai, anh ấy mới dừng lại rồi mỉm cười rất ngô nghê. Mình hỏi anh ấy đi đâu, anh ấy bảo đến thư viện. Mình lại hỏi, vì sao trông anh có vẻ đau khổ thế? Cậu có biết anh ấy trả lời thế nào không? Anh ấy bảo, sống trên đời quả là một sai lầm, anh ấy đang nghĩ, không biết chết như thế nào mới là tốt. Mình nghe mà giật bắn người. Mình bảo, anh đừng có làm em sợ, em nhát gan lắm. Anh ấy đáp, chuyện ấy thì có gì đâu. Á Á này, cậu thật sự muốn cắt đứt với anh ấy à? Nếu cậu còn nghĩ tới anh ấy thì đi gặp anh ấy mau lên. Mình chỉ lo anh ấy suy nghĩ không tỉnh táo, có chuyện gì thì gay đấy”.
Ngô Á Tử cảm thấy trừng phạt Trương Duy như thế cũng đủ rồi, đã đến lúc nên đi tìm anh. Nhưng lúc trước cô đã trót đẩy sự việc lên đến thế này, bây giờ tới gặp anh, biết nói thế nào đây? Suy nghĩ một lát, cô nói: “Xuân Ni, ngày mai là sinh nhật mình, cậu hãy nghĩ cách nói với Trương Duy giúp mình một câu. Mình không định tổ chức ầm ĩ đâu, ba người chúng ta cùng tới chỗ nào đó ăn cơm với nhau là được rồi. Cậu nhớ là không được nói với Trương Duy rằng mình nhờ cậu nhé, phải làm như chỉ vô tình nhớ ra thôi”.
Xuân Ni cười đáp: “Mình biết rồi. Ai mà biết được các cậu đang làm trò gì”. Ngày hôm sau, Xuân Ni đến tìm gặp Trương Duy trong thư viện, cô làm như chỉ tiện rẽ vào đó. Trương Duy nhìn thấy cô thì cũng cảm thấy rất thân thiết. Trong lúc lật xem cuốn tạp chí, Xuân Ni hỏi: “Gần đây hai người thế nào vậy? Sao không thấy anh tới chỗ chúng em?”. Anh nghe vậy, giận dữ nói: “Không có gì, chẳng qua là tôi không muốn tìm gặp cô ấy. Cô ấy quá ngang ngạnh, chuyện gì cũng cứ muốn điều khiển tôi”. Xuân Ni cười, nói: “Người ta đang giúp anh còn gì?”. Trương Duy cười nhạt: “Giúp tôi? Đó là can thiệp và khống chế tôi thì đúng hơn”. Xuân Ni cười, đáp: “Thôi mà, cả hai người đều cố chấp quá. Nếu một trong hai người mềm mỏng đi một chút thì sẽ tốt hơn nhiều. À mà này, anh biết không, hôm nay là sinh nhật của cậu ấy đấy”. Trương Duy lắc đầu đáp: “Không biết. Để tôi nhớ xem… Phải rồi, hôm nay là sinh nhật cô ấy. Tôi quên mất”. Xuân Ni nói: “Có muốn tiếp tục với cậu ấy nữa không? Nếu muốn thì buổi chiều em sẽ đến gọi anh. Chúng ta sẽ tổ chức sinh nhật cho cậu ấy. Còn nếu anh không muốn thì thôi vậy”. Trương Duy nghe thế vội nói: “Vậy thì buổi chiều đến gọi tôi nhé”.
Từ sau lúc đó, Trương Duy cứ nhấp nhổm không yên, anh cảm thấy vô cùng phấn chấn. Anh phải chuẩn bị quà sinh nhật cho Ngô Á Tử. Nhưng mua gì bây giờ đây? Anh thực sự không có kinh nghiệm gì về những chuyện như thế này. Bánh ga tô thì tầm thường quá. Nghĩ đi nghĩ lại, anh quyết định viết một bài thơ. Bài thơ này kết tinh từ sự đau khổ của anh trong một thời gian dài, vì thế nó đặc biệt sâu lắng. Anh viết nó trên một tấm thiếp tự tạo, rồi cất vào túi áo ngực, làm như không có gì và tới gặp Ngô Á Tử.
Họ gặp nhau dưới chân cầu thang của khu ký túc xá nữ. Nhìn thấy Trương Duy, Ngô Á Tử vẫn mím chặt môi, nhưng tới khi anh nhìn thấy cô thì cô không nén được nữa, liền bật cười. Trương Duy cũng cười. Cô nắm tay lại đấm khẽ anh một cái, coi như xí xóa. Anh thấy thế, trong lòng rất vui.
Trước khi đi ngủ, cô đọc kỹ bài thơ của anh. Đọc mãi, đọc mãi, cuối cùng cô thấy trong đó dường như báo hiệu một mối bất hạnh. Cô cảm thấy thơ của Trương Duy đầy sự đau khổ, nội tâm của anh hoàn toàn không giống những gì cô từng hình dung. Bằng trực giác của phụ nữ, cô cảm thấy giữa tâm hồn hai người có một hố sâu ngăn cách khó có thể san bằng.
Được thầy Lý Khoan giải cứu, Trương Duy càng tỏ ra xem thường Bí thư Lưu và Phùng Hữu Thành. Anh thường sải bước hiên ngang đi lại trong vườn trường, và dần dà trở nên coi thường tất cả mọi thứ ở nơi này. Hơn nửa học kỳ đã trôi qua, anh cho rằng mình hoàn toàn có thể nghe giảng cùng với sinh viên năm thứ ba rồi, chẳng cần phải học như rùa bò với những người đầu óc kém cỏi kia nữa. Nhưng nhà trường đã có quy định, làm vậy đâu có được. Anh nghĩ, những vị giáo sư vốn được tôn vinh như những nhà tư tưởng lớn, xem ra đều chỉ có hư danh, có điều, Đại học Phương Bắc luôn được các phương tiện truyền thông theo sát, do đó mà ở đây, những người vốn vô danh cũng sẽ trở thành những người có tiếng. Danh tiếng hoàn toàn là do người ta dựng lên. Trương Duy coi thường tất cả những hư vinh ấy, và rồi dần dần, anh thấy coi thường cả ngôi trường này. Hình ảnh Đại học Phương Bắc trong lý tưởng của anh đang ngày một mờ nhạt.
Trương Duy đã trở thành người có tiếng, thơ của anh được đăng trên nhiều tờ tạp chí. Những người tìm đến anh mỗi ngày một nhiều, trong số đó có cả những cựu sinh viên Đại học Phương Bắc, có người đã thành danh, có người chưa thành danh, có người đang làm việc tại các cơ sở văn đàn, những người không tới được thì viết thư. Họ đều nhìn anh với ánh mắt ngưỡng mộ: “Đúng thật, nhà thơ là do trời sinh. Dù cậu không viết một câu thơ nào đi nữa thì cậu vẫn là một nhà thơ”. Những người ấy giống hệt Trương Duy, trông như những kẻ đầu óc có vấn đề, ai cũng cho rằng mình hơn người. Tất cả bọn họ đều muốn gặp bạn gái của Trương Duy - người đẹp được truyền tụng lâu nay. Trương Duy rất vui. Ngô Á Tử cũng rất vui. Cô thích cuộc sống như thế này.
Người xưa đã có câu, nếu là vợ bạn thì đừng có trêu. Những người ấy tuy đều là những kẻ háo sắc nhưng vẫn phải nể Trương Duy, nên khi khen Trương Duy may mắn có phúc vì có được một cô bạn gái xinh đẹp thì đồng thời họ cũng thấy buồn cho số phận của mình. Họ tỏ ra rất thân thiện với Ngô Á Tử, rồi ra sức tán dương Trương Duy là nhân tài hiếm có. Ngô Á Tử không ngờ rằng có ngày lại được gặp mặt những thần tượng trong lòng các sinh viên khoa Văn như vậy, chính cô cũng gần như đã hoàn toàn tin rằng Trương Duy là một viên ngọc sáng. Cô chạy đi chạy lại thoăn thoắt chúc rượu cho các “huynh đệ chiến hữu” của Trương Duy, đùa những câu khiến họ vui vẻ, nhận lời giới thiệu họ với những cô gái gần giống cô. Cô cũng thường trả tiền cho những cuộc tụ họp như vậy, hào phóng chẳng khác gì nàng công chúa trong truyện cổ tích.
Một hôm, Trương Duy nghe được từ một nhà thơ khác rằng, Bắc Tử, một nhà thơ vốn là cựu sinh viên Đại học Phương Bắc đã tự tử. Bắc Tử cũng chính là người huynh đệ duy nhất mà Trương Duy nghe tiếng nhưng chưa từng gặp mặt, tuy tiếng tăm của nhà thơ này không lừng lẫy, thậm chí không bằng Trương Duy, nhưng cái tin anh ta tự tử đã gây chấn động không nhỏ. Nhà mỹ học nổi tiếng cả nước và cũng là giáo sư của khoa Văn - thầy Dị Mẫn Chi sau khi biết tin này đã đem toàn bộ bản thảo các bài thơ của Bắc Tử giao cho một nhà xuất bản, đồng thời viết lời giới thiệu cho tập thơ ấy. Cái chết của Bắc Tử và lời giới thiệu của Giáo sư Dị Mẫn Chi đã khiến tập thơ ấy nhanh chóng trở thành một tác phẩm bất hủ. Thầy trò khoa Văn trường Đại học Phương Bắc hầu như ngày nào cũng nói về chuyện này. Giáo sư Phương cũng đề cập đến vấn đề đó trong giờ giảng của mình, tuy nhiên ông ta lại nói: “Theo tôi, anh chàng Bắc Tử này đúng là có vấn đề. Cứ sống yên ổn chẳng tốt hơn hay sao, việc gì phải làm thơ? Viết nhiều quá nên thần kinh mới có vấn đề, cuối cùng thì đi tự tử. Khoa Văn của chúng ta năm nào cũng xuất hiện một vài sinh viên thần kinh không bình thường, hoặc là do yêu đương, hoặc là do áp lực tinh thần quá lớn, cũng có những người do nghĩ ngợi linh tinh nên giống như Bắc Tử. Tôi thấy lớp chúng ta có Trương Duy cũng là người bất bình thường”.
Trương Duy không lên lớp nên không nghe thấy những lời này, nhưng tất cả sinh viên trong lớp đều quay lại nhìn Ngô Á Tử. Sau giờ học, cô đi gặp Trương Duy và bảo anh: “Đừng theo đuổi nghiệp văn chương nữa. Năm nào trường mình cũng có vài sinh viên bị điên. Mới đầu tưởng là do chuyện yêu đương, nhưng thực ra là do quá say mê sáng tác thơ mà ra. Em cảm thấy họ đều mắc bệnh thần kinh. Em lo anh thơ thẩn nhiều quá rồi cũng lại như họ, trở thành Bắc Tử thứ hai mất!”.
Liễu Xuân Ni cũng nói: “Đúng thế. Đừng viết nữa, cuộc sống vốn đã không dễ dàng gì rồi, vào đại học lại càng khó khăn hơn. Việc gì cứ phải làm thơ!”.
Trái tim Trương Duy như bị dao đâm một nhát. Đúng thế, những sinh viên phát điên ấy đều là những người yêu văn thơ. Nhưng điều ấy không có nghĩa là tất cả nhà thơ đều điên. Trương Duy không tranh cãi với Ngô Á Tử, anh chẳng còn muốn tranh cãi nữa.
Trương Duy rất hay bỏ học nên Phùng Hữu Thành đã có cớ tìm anh để trả thù. Anh ta bảo, theo quy định của nhà trường thì số lần vắng mặt của Trương Duy đủ để đuổi học anh hai lần rồi.
Trương Duy thở dài, nói với Ngô Á Tử và Xuân Ni: “Tôi không muốn tranh luận với hai người nữa. Có thể sắp tới tôi sẽ bị nhà trường cho thôi học”.
Ngô Á Tử và Xuân Ni hết sức kinh ngạc, vội hỏi nguyên nhân. Anh liền kể lại những lời của Phùng Hữu Thành. Ngô Á Tử nói: “Thế thì không được. Anh phải tìm Bí thư Lưu, có rất nhiều người trốn học, cớ gì lại chỉ bắt mình anh thôi học?”.
Anh nói: “Chính Bí thư Lưu bảo Phùng Hữu Thành nói với anh như vậy, đằng nào họ cũng định cho anh thôi học rồi. Thôi học thì thôi học, anh cũng chẳng thiết lên lớp nữa!”.
Ngô Á Tử thấy anh lại sắp giở chứng, liền tức giận nói: “Con người anh sao lại cứ cực đoan thế hả! Anh chưa cố gắng thì làm sao lại cứ khẳng định là họ sẽ đuổi học anh? Đi, cùng tới gặp thầy Lý Khoan xem sao!”.
Họ cùng nhau tới phòng làm việc của thầy Lý Khoan. Ông có vẻ không được vui, bèn hỏi: “Có chuyện gì thế, Trương Duy?”.
Anh đáp: “Thưa thầy, chương trình của học kỳ này em đều đã học cả rồi. Em không muốn lãng phí thời gian, vì thế mới tới thư viện đọc sách, có lúc thì đi nghe giờ giảng của khóa trên. Chẳng lẽ như thế là sai ạ?”.
Thầy Lý Khoan nghe thế, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Như thế thì có gì là sai à? Cậu có biết chuyện lần trước cậu làm đã tác động đến khoa rất lớn không? Bí thư Lưu và cậu Phùng rất bức xúc, nhưng vì Hiệu trưởng Ngô nên họ cũng không nói gì về cậu nữa. Nhưng lần này, rõ ràng cậu đã vi phạm kỷ luật của nhà trường. Tôi là người rất trọng nhân tài, thấy nhân tài là yêu quý, nhưng tôi cũng khó mà bao che cho cậu được. Dù cậu có lý do gì đi nữa thì vẫn cứ phải chấp hành kỷ luật của nhà trường”.
Trương Duy đáp: “Thưa thầy, lòng yêu quý và sự giúp đỡ của thầy, em sẽ không bao giờ quên. Em sẽ không làm khó thầy nữa. Nếu thầy thấy khó xử, thầy hãy để mặc mọi người làm theo quy định”.
Ngô Á Tử nghe vậy liền trừng mắt lên. Thầy Lý Khoan cũng cảm thấy có phần khó xử, ông bèn nói: “Tất nhiên là tôi không cảm thấy khó xử, tôi sẽ cố gắng giúp đỡ cậu. Cậu nói cũng có lý, trình độ của các sinh viên khác nhau, cần phải có sự đối xử khác nhau. Tôi cũng cảm thấy chế độ học phần của nước ngoài là rất tốt. Nói thật, cậu đã đặt ra một vấn đề cho sự nghiệp giáo dục của chúng ta”.
Tiếp đó, thầy Lý Khoan còn động viên Trương Duy mấy câu nữa. Có lẽ ông sợ anh nghĩ không thông lại có những việc làm giống như lần trước. Ông dặn anh, thứ nhất, không được viết thư cho thầy Hiệu trưởng nữa, thứ hai, không được nghĩ quẩn.
Trương Duy, Ngô Á Tử và Xuân Ni ra khỏi văn phòng của thầy Lý Khoan thì cũng đã đến giờ ăn cơm. Họ cùng nhau ăn qua quýt ở căng tin rồi Xuân Ni lấy cớ có việc liền bỏ đi trước, để Trương Duy và Ngô Á Tử ngồi lại với nhau. Trương Duy vẫn im lặng. Ngô Á Tử nói: “Em có điều này muốn nói với anh, anh đừng có giận đấy”. Anh đáp: “Em nói đi!”. Cô bèn nói: “Nhưng anh phải cam đoan là không được tức giận thì em mới nói!”. Anh đáp: “Được rồi”.
Cô nói: “Em nghĩ là anh nên thực sự suy nghĩ về tương lai của mình. Anh nhìn lại mình xem, anh đã học được những gì từ những người theo cái nghề văn chương ấy? Họ không xui anh chống đối nhà trường thì cũng lợi dụng anh, có ai thật lòng với anh đâu? Em vốn không mấy ủng hộ anh theo nghiệp văn chương. Anh sống hướng nội, bây giờ lại còn như thế nữa, sẽ càng ngày càng không biết cách làm bạn với người khác. Như vậy bản thân anh không chỉ đau khổ, mà sẽ còn cảm thấy thế giới này đâu đâu cũng toàn là kẻ thù. Nhưng thực ra đó chỉ là do anh tự làm khổ mình mà thôi, anh nghĩ xem có đúng không?”.
Trương Duy như một đứa trẻ mắc lỗi, cứ ngồi im. Anh không thích giọng điệu này, mặc dù anh biết cô chỉ muốn tốt cho anh, nhưng anh rất không thích.
Ngô Á Tử tiếp tục nói: “Tư chất của anh rất tốt, điều này là đáng mừng, nhưng tính cách của anh đã khiến nó trở nên xấu đi. Lẽ ra anh nên nói với các thầy giáo dạy thay, hoặc là nói với thầy Lý Khoan một câu, nhưng anh đã để chuyện đến mức như bây giờ. Anh biết đấy, nhiều người cũng nghỉ học, có người còn nghỉ nhiều hơn anh, hơn nữa họ còn dùng thời gian ấy để ngủ, để chơi, còn anh thì dùng nó để học tập, nhưng người ta lại chỉ muốn tóm lấy anh. Em nói cho anh biết, anh là người quá hiếu thắng, quá thẳng tính, anh không biết khéo léo hơn một chút sao? Anh chỉ cần nhận lỗi với thầy Phùng Hữu Thành hoặc Bí thư Lưu một tiếng thì có thể sẽ không việc gì nữa. Nhưng anh đã làm gì nào?”.
Trương Duy vẫn cứ ngồi nghe. Trong lòng nghĩ: Mẹ kiếp, việc gì tôi phải cúi đầu trước họ? Tôi có gì sai nào? Lúc ấy, anh cảm thấy rất chán ghét Ngô Á Tử, anh có cảm giác cô và những người vừa chỉnh anh đều cùng một bè, đều muốn đồng hóa anh, đều muốn chặt đứt tất cả những góc cạnh của anh, khiến anh cũng phẳng lì và chẳng có cá tính gì giống như họ. Anh không muốn thế, anh muốn mình là mình, dù có phải vỡ đầu chảy máu cũng không tiếc. Đó chính là sự tôn nghiêm của một con người, anh cần tới điều đó. Vì thế khi Ngô Á Tử muốn anh nhận lỗi với những người kia, anh không kiềm chế được nữa, liền đứng lên và nói dằn từng tiếng: “Em nhìn nhầm người rồi. Anh không phải là người như trong tưởng tượng của em. Kể từ hôm nay, chúng ta đường ai nấy đi”.
Nói xong, anh quay người bỏ đi. Ngô Á Tử ngẩng đầu lên nhìn, cho tới khi anh đi hẳn, cô mới định thần trở lại. Cô tức giận ném túi nước uống về phía anh rồi gục đầu xuống bàn khóc. Trong lòng cô đầy sự oán giận.
Họ đã chia tay nhau như vậy.
Trương Duy vẫn không lên lớp học, anh cũng không tới thư viện nữa. Anh nằm đọc tiểu thuyết, nhưng trong lòng thì vẫn nghĩ đến Ngô Á Tử. Dù vậy, bây giờ anh không muốn tới tìm cô nữa. Anh cảm thấy anh và cô thuộc về hai thế giới khác hẳn nhau, nhưng không hiểu vì sao ông Trời lại sắp đặt hai người ở bên nhau? Là để trừng phạt hay để thử thách anh?
Ba ngày sau, chỉ có ba ngày, Trương Duy đã gầy rộc hẳn đi, mắt anh hõm sâu xuống trông càng thêm u uất.
Một hôm, anh nhận được một lá thư. Đó là thư của một người bạn thời trung học, hiện đang học khoa Triết của một trường đại học phía Nam. Nội dung thư y hệt lá thư thần bí mà anh đã sửa lại và gửi đi lúc trước, nhưng cuối thư người đó viết thêm mấy câu: Trước khi sinh ra ta đã là ai? Sau khi mất đi ta sẽ là ai?
Trương Duy không lạ gì mấy câu đó, anh đã từng đọc những câu chuyện về Đạt Ma. Lúc ấy Đạt Ma là hoàng tử của Ấn Độ. Một hôm Ngài nhận được một lá thư thần bí của một vị hòa thượng, nội dung đại loại là hai câu viết trên đây. Sau khi đọc xong lá thư ấy, Đạt Ma đã rời hoàng cung, và từ đó bắt đầu con đường ngộ Đạo.
Trương Duy thực sự không thể ngờ lá thư được gửi đi từ chỗ anh, cuối cùng lại quay về với anh như vậy. Trương Lạc có thể đã cảm thấy sự thay đổi của anh, nên đã từ lâu không viết thư cho anh nữa. Bây giờ anh cảm thấy trong lòng rất buồn, anh thấy Trương Lạc tốt hơn Ngô Á Tử nhiều. Trương Lạc rất thích thơ của anh, nhưng anh đã làm đau trái tim cô.
Bỗng một hôm, các bạn cùng phòng về gọi Trương Duy, nói rằng thầy giáo muốn khoanh vùng cho sinh viên ôn trước khi thi và bảo anh cùng đi. Trương Duy nghĩ, có lẽ thầy Lý Khoan đã làm công tác gì đó. Mấy hôm ấy, trừ một giảng viên, còn tất cả các giảng viên khác đều khoanh vùng nội dung thi cho sinh viên, rồi sau đó còn hứa, chỉ cần đọc kỹ vở ghi chép và làm theo đúng yêu cầu là sẽ qua.
Trương Duy không có vở ghi. Anh mượn vở của người khác xem một lượt. Trí nhớ của anh rất tốt, vì thế chỉ xem một lượt là có thể thuộc lòng bài học. Đến giờ thi môn Lý luận văn học, người coi thi là Giáo sư Phương - chủ nhiệm bộ môn và một người khác. Trương Duy liếc qua bài, thấy tất cả đều có trong vở ghi. Anh cắm cúi làm một lúc rồi dần dần thấy thật vô vị, trong bụng nghĩ, thi kiểu này thì có ý nghĩa gì? Nghĩ đến đây, hai câu nói khiến cho Đạt Ma từ bỏ cả ngai vàng và cuộc sống vàng son lại chợt vang lên bên tai anh. Trước mắt anh như hiện lên cảnh Đạt Ma bỏ đi: Ngài tháo bỏ vương miện, bỏ lại sau lưng những cung tần, mỹ nữ và quyết tâm ra đi. Ngài đã tới một nơi xa lạ, đi tìm triết lý về nhân sinh và thế giới, để sau này cứu vớt người đời.
Thế là Trương Duy viết luôn trong bài thi những dòng như sau:
ĐƠN XIN THÔI HỌC
Mùng Sáu tháng Một năm 1988 là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Ngày hôm nay, quãng đời sinh viên của tôi sẽ kết thúc.
Nửa năm trước, tôi đã đến với ngôi trường đại học vốn được coi là tốt nhất Trung Quốc này. Nhưng cũng chỉ trong nửa năm, tôi đã hoàn toàn thất vọng về nó. Vì thế tôi thấy hoài nghi bố tôi. Đây hoàn toàn không phải là trường đại học mà ông thường nói đến, bởi nơi đây có rất nhiều người vô học nhưng lại trở thành những người có quyền uy. Đi tới đâu cũng có thể đụng phải những kẻ tầm thường nhưng lúc nào cũng khoa chân múa tay, đến đâu cũng đầy những lời lẽ bảo thủ và sự quản lý lạc hậu. Nhưng đó cũng không phải là nguyên nhân chính để tôi coi thường ngôi trường này, mà chính sự hẹp hòi cũng như sự cấm đoán khắt khe của nó đối với tự do của sinh viên đã khiến tôi như vậy, tôi coi thường ngôi trường này vì nó coi trọng tri thức, kỹ thuật nhưng lại xem thường chân lý và lương tri. Mà hai điều này lại chính là tinh thần của Đại học Phương Bắc trong trái tim tôi. Hơn nửa năm qua, tôi đã tìm chúng ở khắp nơi. Đôi mắt tôi hằn lên những tia máu của sự nôn nóng. Tôi đã thất vọng, hoàn toàn thất vọng.
Người ta thường nói, cái gọi là trường đại học, không phải là những tòa nhà đồ sộ, mà là nơi có những bậc thầy vĩ đại. Thế nào gọi là bậc thầy vĩ đại? Là những người thành thục về mặt kỹ thuật chăng? Hay là những kho tri thức? Đều không phải, bậc thầy vĩ đại, phải là những người có một trái tim lớn, có lương tri lớn của nhân loại. Tôi từng gặp không ít người lúc nào cũng thao thao bất tuyệt, những người ấy được gọi là bậc thầy vĩ đại, nhưng tôi chưa bao giờ thấy lương tri lớn ở họ. Xưa kia, Khổng Tử có thể đi khắp thiên hạ mà không sợ gian nguy, mặc dù biết lý tưởng của mình khó có thể thực hiện nhưng vẫn cứ tiến bước, còn ngày nay, người ta chỉ xuôi theo dòng, tôi chưa hề gặp một ai lội ngược dòng.
Ngày nay, tư tưởng con người tồn tại nhiều điều khác biệt nhau, lòng người bất ổn, đúng là lúc cần tới đại cải cách, cần tới sự xuất hiện của các bậc tinh anh và sự giáo hóa của các Thánh nhân. Nhưng các bậc tinh anh và Thánh nhân ấy đang ở đâu?
Những bậc Thánh nhân, anh hùng từ xưa đến nay, phần nhiều đều lập nghiệp ở độ tuổi như tôi bây giờ. Thế mà những chí sĩ ở thế hệ của tôi đang làm những gì? Đang học thuộc những bài học đã quá lỗi thời và chẳng còn tác dụng, đang câm lặng nghe những lời quở mắng của các thầy giáo vì muốn được yên thân, đang tiêu phí những tháng ngày tươi đẹp nhất của tuổi hoa niên trong tình yêu.
Tôi thường cảm thấy xấu hổ về những việc mà mình đã làm trong nửa năm nay, nhưng hôm nay tôi đã chiến thắng bản thân. Tôi không bao giờ còn muốn ngồi đây để cho người khác sắp đặt, để người khác ức hiếp nữa; không bao giờ muốn bị móng vuốt của tri thức trói buộc nữa, không bao giờ muốn bị tình yêu và ham muốn ích kỷ bóp chết lý tưởng theo đuổi những điều thiêng liêng nữa. Xưa kia Thích Ca Mâu Ni vì muốn cứu nhân độ thế đã đi tìm triết lý cho nhân sinh và thế gian, Ngài đã có thể từ bỏ hoàng cung, tôi cũng có thể rời xa người thân, từ bỏ tình yêu của mình, rời xa trường đại học của tôi.
Xin tạm biệt! Hỡi tất cả những kẻ đã gây ra tội lỗi, tôi sẽ vì các người mà chịu hình phạt. Hỡi những con người luôn làm điều thiện, tôi sẽ vì các người dâng lên lời tụng ca!
Một người có cuộc sống không bình thường
Trương Duy
Trương Duy đọc lại thật kỹ một lần nữa, anh cảm thấy viết như thế này dường như không được hay lắm và có vẻ thiếu tình người, nhưng ý chính đại loại là như vậy, anh không muốn tốn thêm giấy mực nữa. Thấy Giáo sư Phương - vị giáo sư luôn đọc giáo án khi lên lớp đang nhìn Ngô Á Tử làm bài, Trương Duy thầm kêu lên: Đồ háo sắc! Anh nhìn kỹ từ phía sau Ngô Á Tử, trong lòng đau thắt. Vĩnh biệt nhé, người tôi yêu!
Trương Duy đứng dậy thu gọn giấy bút. Giáo sư Phương bước tới, ngạc nhiên hỏi: “Cậu đã làm xong bài rồi à?”. Anh ngây người một lát rồi đáp: “Xong rồi ạ”. Nói xong, anh liền ra khỏi lớp. Bên ngoài tuyết vẫn rơi, những bông tuyết bay lất phất trắng cả trời. Đột nhiên anh nhớ tới cảnh cuối cùng của Giả Bảo Ngọc2, cũng trong một ngày tuyết rơi như thế này.
2 Nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần
Trương Duy trở về ký túc xá thu dọn đồ đạc, anh muốn nhanh chóng rời khỏi nơi này nhưng lại cảm thấy có phần lưu luyến, mà nguyên nhân chính là vì Ngô Á Tử. Khi anh bước ra khỏi lớp thì thấy có rất nhiều người đang đi từ phía giảng đường về ký túc, trong số đó có những người cùng lớp với anh, anh vội tránh vào một góc khuất. Anh nhìn thấy Ngô Á Tử và Xuân Ni vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Họ đang nói đến việc phải về nhà bằng cách nào. Khi Ngô Á Tử cười, đôi mắt đẹp mê hồn của cô luôn tỏa ra một thứ ánh sáng rất mãnh liệt. Cô bất giác quay mặt nhìn về phía anh, rồi lại quay mặt đi. Khoảnh khắc ấy làm cho con tim anh như muốn bật ra khỏi lồng ngực. Anh rất muốn bước tới hôn cô thật sâu, nếu không, có lẽ anh không thể nào rời khỏi nơi này được.
Đúng lúc ấy thì anh nghe thấy tiếng hai người bạn đang chửi mình. Một người nói: “Mẹ kiếp, tớ thấy cậu ta cứ như là mắc bệnh thần kinh. Bài thi là bài thi, sao phải biến thành đơn xin thôi học. Tớ không tin là cậu ta thật sự muốn bỏ học, chắc cậu ta không làm được bài nên cố tình làm thế đấy!”.
Người kia nói: “Ai mà biết được! Không rõ giờ này cậu ta còn ở ký túc xá hay không, nếu đi thì không rõ là đi đâu? Chủ nhiệm Lý đã nói rồi, đừng nói với các bạn khác, chỉ hai chúng ta biết là đủ. Này, sao lớp mình lại xuất hiện một kẻ điên khùng như thế nhỉ?”.
Trương Duy vô cùng phẫn nộ, anh không ngờ mọi người có thể nói xấu sau lưng anh như vậy. Anh quyết định sẽ dứt khoát ra đi, không muốn phải gặp lại những con người như vậy nữa, nhưng anh muốn nhìn lại Đại học Phương Bắc lần cuối cùng.
Anh men theo con đường nhỏ, trong lòng thầm nghĩ, không biết đã có bao nhiêu người tài giỏi bị hiểu lầm, trong lòng anh không hề thấy hận mà chỉ buồn. Anh tin rằng mình khác những người kia, bọn họ chỉ là những người tầm thường, còn anh thì không. Anh tin rằng Thượng đế đã chọn được anh từ cái đám đông ô hợp ấy, bây giờ chẳng qua là lúc anh phải ra đi mà thôi. Khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, anh tới phòng học, nơi anh và Ngô Á Tử ôm nhau lần đầu tiên. Chính tại nơi ấy, tại cái phòng học chẳng có gì đáng nhắc đến ấy, anh đã trải qua lễ rửa tội lần đầu trong cuộc đời. Cho đến tận bây giờ, anh vẫn còn thấy hối hận, hối hận vì trong hai đêm ấy anh đã không ăn vụng trái cấm, và đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến Ngô Á Tử luôn gọi anh là kẻ theo chủ nghĩa đạo đức. Sau này anh cũng luôn tự mắng mình, cảm thấy chính vì chuyện này mà Ngô Á Tử mới coi thường anh. Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy tự hào vì sự trong trắng của mình, anh cảm thấy chỉ những người như anh mới có thể vượt qua được sự cám dỗ của dục vọng. Anh đã luôn sống trong sự mâu thuẫn ấy.
Đúng lúc anh đang chìm trong suy tư thì nghe thấy có tiếng gọi quen thuộc. Là Ngô Á Tử. Không lẽ là mơ? Không, là thật. Đôi mắt tuyệt đẹp của cô cụp xuống, trông cô có vẻ rất buồn. Trương Duy chợt nhớ đến vẻ mặt của nữ nhân vật chính do Phí Hà Lệ đóng trong phim Hồn đoạn lam kiều. Cô có vẻ vừa buồn vừa tức giận: “Mọi người tìm anh khắp nơi không thấy nên bảo em đi tìm. Sao anh lại cứ phải như thế?”.
“Quả thực anh không thể tiếp tục học được nữa. Nếu cứ như vậy thì anh phát điên lên mất.”
Một hồi lâu sau, cô vẫn không nói gì. Trương Duy cất tiếng gọi khẽ “Á Á”, cô cũng không đáp lại. Anh liền nói tiếp: “Anh biết là không ai tin anh và cũng không có ai hiểu anh. Ai cũng cho là anh điên khùng, anh đã nghe mấy người cùng lớp nói về anh như vậy”. Nghe đến đây, cô hơi nhúc nhích người, nhưng vẫn không ngẩng đầu lên. Anh lại tiếp tục: “Điều duy nhất khiến anh lưu luyến ở nơi này chính là em. Chính em đã cho anh niềm vui. Có thể sau này anh sẽ không lấy vợ và cũng không thể yêu ai được nữa. Đây có lẽ là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau”.
Ngô Á Tử ngẩng đầu lên, những giọt lệ long lanh tràn ra khỏi mí mắt. Cô nói: “Hôn em đi!”.
Anh ứa nước mắt, hôn cô như điên dại. Những giọt nước mắt tràn qua miệng chảy vào trái tim họ. Có rất nhiều người nhìn từ phía xa nhưng họ chẳng thèm để ý. Một hồi lâu sau, cô mới cất tiếng hỏi: “Anh thật sự muốn ra đi sao?”. Anh gật đầu. Cô lại hỏi: “Anh muốn đi đâu?”. Anh đáp: “Anh cũng không biết nữa”.
Ngô Á Tử vốn cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao Trương Duy có thể nộp bài nhanh đến thế, sau đó cô mới biết sự thật. Cô đoán nhất định anh sẽ đến đây nên đã chạy thẳng tới. Cô lôi tuột anh tới chỗ thầy Lý Khoan. Anh đi theo với vẻ hết sức miễn cưỡng.
Đây là lần thứ ba thầy Lý Khoan tiếp Trương Duy, ông cố nén giận. Ông đã đọc đơn xin thôi học của Trương Duy. Ông cũng biết những suy nghĩ khác người của anh. Bài thi ấy anh chỉ trả lời có một nửa, Giáo sư Phương cho rằng anh không làm được bài nên mới viết như thế, trước đây ông ta đã từng gặp phải những sinh viên như vậy. Thầy Lý Khoan cũng nghĩ như vậy, ông bèn nói với Trương Duy: “Nếu hiện giờ cậu chưa thích nghi được với môi trường đại học, hoặc là không theo được chương trình thì có thể tạm thời bảo lưu một năm, sang năm sẽ học tiếp”.
Trương Duy cảm thấy đây là một sự sỉ nhục, chẳng phải anh đã nói rõ rằng những nội dung ấy anh đều đã học rồi là gì, vì sao còn nói anh như vậy? Vì thế anh lạnh lùng nói: “Em không muốn nhiều lời nữa. Trong bài thi, em đã nói rất rõ rồi. Em biết là chẳng ai hiểu em. Nhưng không sao! Em cũng không cần mọi người hiểu em nữa!”.
Nói xong, anh quay người bỏ đi, đi được mấy bước, anh quay người lại nói: “Cảm ơn sự quan tâm trước đây thầy dành cho em!”.
Trương Duy đi rồi, thầy Lý Khoan gieo phịch người xuống ghế. Ban đầu, đúng là ông cảm thấy cậu học trò này quá ngông cuồng, nhưng rồi lại cảm thấy sự việc có thể không đơn giản như ông đã nghĩ.
Trương Duy trở về ký túc xá thì thấy Ngô Á Tử vẫn còn ở đó chờ anh. Anh mới bắt đầu thu dọn đồ đạc, cô đã trào nước mắt. Cô biết rằng mình không thể nào làm thay đổi con người cứng đầu trước mặt. Cô bỗng thấy hận anh, đồng thời rất muốn bước tới tát cho anh một cái thật mạnh, nhưng cô cố gắng kìm lại. Nhìn thấy vẻ mặt ấy của Ngô Á Tử, Trương Duy biết rằng mình có lỗi với cô, anh bèn nói: “Thật ra chúng ta không hề hợp nhau, chẳng phải chúng ta đã chia tay nhau rồi sao?”.
Cô không nói gì, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên khuôn mặt xinh đẹp. Trương Duy bước tới nắm lấy bàn tay cô và cùng khóc, anh nói: “Sau này anh sẽ tới thăm em. Hy vọng rằng lúc đó em đã tìm được một người con trai tốt hơn anh nhiều. Anh không hợp với em, anh chẳng hợp với bất cứ ai. Có lẽ từ khi sinh ra, anh đã là một kẻ lang thang”.
Ngô Á Tử không kìm nén được nữa. Cô ôm chặt lấy cổ Trương Duy, khóc nức nở. Hai người khóc một hồi lâu, cuối cùng cô nói: “Anh thực sự muốn ra đi sao?”. Anh gật đầu.
Đã đến lúc anh phải đi, cô kiên quyết đòi tiễn anh ra ga. Suốt đường đi, họ cứ nắm chặt tay nhau. Gần tới bến tàu, họ xuống xe, vẫn nắm chặt tay nhau.
Nhiều người hành nghề bói toán bên đường cất tiếng gọi chào mời hai người, nhưng họ làm ngơ. Có một người đàn ông chừng hơn năm mươi tuổi cứ đi theo hai người và nói: “Này cô cậu, hãy xem tình duyên của hai người đi!”.
Ngô Á Tử bắt đầu thấy lung lay, còn Trương Duy không tin nên vẫn cứ cắm cúi đi. Người đàn ông kia lại đuổi theo, nói: “Cô gái, tôi thấy cô không chỉ xinh đẹp mà số mệnh cũng rất tốt đấy, hãy xem thử đi!”.
Ngô Á Tử không mấy thích thú với cách nói ấy nên vẫn cứ bước đi. Người đàn ông kia lại bám theo, nói: “Tôi nói cho hai người biết, hiện giờ hai người tạm thời phải xa nhau một thời gian, nhưng về sau hai người vẫn sẽ nối lại”.
Cả hai đứng sững lại, ngạc nhiên nhìn người đàn ông ấy. Ngô Á Tử lấy ra một tờ mười tệ rồi đưa cho ông ta.
Ngô Á Tử không khuyên Trương Duy nữa, tới tận khi tàu sắp chuyển bánh, cô vẫn nắm chặt tay anh, những giọt nước mắt long lanh trên mi. Cô cắn chặt vành môi. Trương Duy nói: “Sau này em đừng ngang bướng như trước nữa, nếu đổi lại là người khác, cũng chưa chắc đã thích nghi được với em đâu. Em phải cố gắng học hành, không nên dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Em cũng cần học cách chịu đựng, nếu không sau này không thể trở thành một người vợ tốt được. Cũng phải nhớ là đừng cố đòi hỏi ở người khác, nếu bạn đời của em thích làm gì, hãy để cho người ấy làm”.
Ngô Á Tử không thể nghe tiếp được, cô quay đầu đi, nói: “Anh nghĩ là em có thể yêu người khác được hay sao?”. Nói xong câu này, nước mắt cô lại lã chã tuôn rơi xuống mặt đất, không, đúng ra là rơi vào trái tim Trương Duy. Thế là hai người lại cùng khóc.
Đúng lúc ấy thì tiếng còi tàu vang lên, có tiếng ai đó gọi Trương Duy lên tàu. Anh nhìn sâu vào mắt Ngô Á Tử, nói với vẻ mặt đầy bi thương: “Anh yêu em!” rồi quay người bước đi. Nhưng cô không chịu buông tay anh. Đột nhiên cô khóc thành tiếng: “Nhất định phải quay trở lại đấy. Em chờ anh!”.
Trương Duy vừa bước lên, tàu lập tức chuyển bánh. Anh nhìn thấy Ngô Á Tử nước mắt đầm đìa đang chạy theo đoàn tàu. Đến khi bóng cô nhòa hẳn, nước mắt anh cũng trào ra như suối, anh phủ phục xuống bàn khóc nấc lên.