Nhiều năm sau đó, khi đi dạo bên bờ sông vào lúc hoàng hôn, những khi suy nghĩ miên man trong ráng chiều, hoặc những khi tâm sự với bạn bè, Trương Duy thường nhớ đến người đã chìa bàn tay hiền từ giúp đỡ anh những lúc anh rơi vào cảnh đau khổ hoặc khó khăn với một lòng biết ơn sâu sắc, đó là thầy Lý Khoan.
Nếu không có ông, có lẽ anh đã không thể trở lại Đại học Phương Bắc.
Sau khi Trương Duy về nhà chừng ba ngày, thầy Lý Khoan đã viết cho bố anh một lá thư rất dài. Trong thư, ông kể cho bố anh nghe về toàn bộ cuộc sống của anh ở trường, chuyện hai lần anh bỏ học và xin thôi học, kể cả chuyện yêu đương của anh. Ông thừa nhận sự chính trực, tài hoa cũng như tinh thần muốn vươn lên theo đuổi chân lý của anh, nhưng ông cũng cảm thấy đáng tiếc đối với sự cố chấp của anh. Ông nhờ bố anh hãy khuyên bảo anh thật kỹ càng để anh quay trở lại trường học. Cuối thư, ông viết: “Sự chính trực của Trương Duy khiến tôi phải nhìn lại một cách nghiêm túc những bất cập và tiêu cực ở Đại học Phương Bắc, đó cũng là những bất cập và tiêu cực của tất cả các trường đại học trên đất nước Trung Quốc. Muốn thay đổi được tình trạng đó, cần phải có những người như Trương Duy, những con người theo đuổi chân lý một cách không mệt mỏi. Tôi hy vọng cậu ấy quay trở lại trường hoàn toàn không phải vì muốn cậu ấy lên lớp trở lại, mà là mong cậu ấy quay trở lại với chân lý, để tiếp tục theo đuổi nó và không ngừng rèn luyện bản thân, rồi tác động đến những người khác”.
Trong cái nhìn của Trương Kế Sung - bố Trương Duy - thì những lời ấy chẳng có gì quan trọng, ông gần như đã chai sạn trước những lời nói kiểu như vậy. Khi biết nguyên nhân khiến Trương Duy bỏ học, ông đã kể cho con trai nghe câu chuyện của mình. Đêm ấy, lần đầu tiên Trương Duy biết được rằng mẹ anh vẫn còn sống, lần đầu tiên, anh cảm thấy tất cả hy vọng của bố đều gửi gắm vào mình, lần đầu tiên, anh cảm thấy những hành động của mình đã làm đau lòng bố mình đến nhường nào. Anh hối hận. Nhưng điều thực sự tác động đến anh không phải là những chuyện ấy mà là những lời lẽ của thầy Lý Khoan. Trong suy nghĩ của Trương Duy, đó là những lời lẽ hết sức cao thượng, có lẽ nó là tâm huyết cả đời của thầy.
Trương Duy đã trở lại trường. Nhưng anh không đi tìm Ngô Á Tử. Hai bố con anh đã nói chuyện với nhau rất lâu về việc đó, và đều nhất trí rằng, yêu đương lúc này thì thật lãng phí tuổi thanh xuân.
Thầy Lý Khoan đã nhận được thư của bố Trương Duy vào ngày thứ ba sau khi anh quay trở lại trường. Đó cũng là một lá thư rất dài. Mở đầu thư, ông viết về tình cảm của mình đối với Đại học Phương Bắc, tiếp đó là tình hình công việc của ông hiện nay. Qua lá thư ấy, thầy Lý Khoan cũng đã biết thêm rất nhiều điều. Quê Trương Duy ở Tây Bắc, Trương Kế Sung cũng là một cựu sinh viên của Đại học Phương Bắc, chỉ trước thầy Lý Khoan mấy khóa. Lúc đầu ông làm phóng viên trong quân đội, sau đó thì quen một cô gái ở Thiểm Tây và hai người kết hôn. Nhưng không lâu sau, xảy ra cuộc vận động chống phái tả, người vợ ấy đã tố cáo ông rồi ly hôn, vì ông đã từng viết mấy bài thơ “phản động”. Ông bị đưa đi cải tạo ở vùng nông thôn Thiểm Tây. Chính tại nơi này, ông đã quen và kết hôn với một phụ nữ tên là Tam Tú rồi sinh được Trương Duy. Đến Cách mạng văn hóa, vì gia đình ông từng là tư sản nên ông lại bị đấu tố. Khi ông từ trại cải tạo trở về với niềm vui sum họp thì vợ ông đã bỏ đi từ lúc nào. Thì ra, trong thời gian bị giam trong trại, vì không chịu nổi những cay cực đọa đầy, đã có mấy lần ông tự tử. Để cứu ông, bà Tam Tú đã phải đáp ứng yêu cầu của một kẻ đầu sỏ phản cách mạng. Mỗi lần đến thăm ông, vợ ông phải ngủ với hắn một đêm. Trương Kế Sung đã được cứu, nhưng vợ ông thì phải chịu tiếng thất tiết. Trước khi ông trở về, bà đã theo một người gánh hàng thuê bỏ đi trong đêm. Trương Kế Sung không tìm thấy vợ, đành phải nuôi con một mình. Sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc, lẽ ra ông có thể quay trở về thành phố, nhưng ông đã quá chán ghét sự giả dối của nó, hơn nữa đó lại là nơi mà người vợ trước sinh sống, vì vậy ông không đi. Ông đã ở lại nơi miền quê hẻo lánh đó và lấy rượu làm bạn. Trương Duy đã lớn lên trong hoàn cảnh ấy.
Trong thư, Trương Kế Sung cũng bày tỏ sự xấu hổ vì mình đã không làm nên trò trống gì, sau đó ông mới viết về tình hình của con trai:
Khi Duy Duy ra đời thì tôi đang trong thời gian bị đấu tố nên không thể ở bên nó. Mãi cho tới năm nó lên bốn tuổi, tôi mới được trở về. Lúc nó lên hai tuổi thì đã không còn mẹ. Vốn dĩ Duy Duy không phải người như bây giờ. Nó có nhóm máu O, thuộc kiểu người sống rất phóng khoáng, nhưng chính vì hoàn cảnh gia đình như vậy nên nó mới trở nên cực đoan, mới trở thành người có tính cách hướng nội.
Hồi còn nhỏ, Duy Duy thường đánh nhau với bọn trẻ khác, vì chúng đã nói rằng nó là con hoang. Mỗi lần như vậy, nó tỏ ra rất hung dữ, dường như nó muốn giết hết những kẻ dám sỉ nhục mình. Tôi là hiệu trưởng, tất nhiên không thể bênh vực con, do đó đã mắng nó. Thấy tôi không đứng về phía mình, nó đã bỏ đi. Sau này nó kể với tôi rằng, nó đã chạy tới bên một cái giếng và tự tử. Một ông già chăn cừu đã cứu sống nó. Sau khi nó trở về, tôi vô cùng tức giận và đã đánh nó. Tôi cũng hận là không thể đánh nó đến chết. Lúc ấy tôi tức giận như điên và thấy nó thật không biết điều. Nó đã ngủ liền một mạch ba ngày ba đêm, không ăn không uống. Tôi cuống lên nhờ người khác khuyên nhủ nó. Từ đó về sau tôi không đánh nó nữa, cùng lắm cũng chỉ mắng một vài câu. Tôi không thể mất nó. Bây giờ tôi chỉ còn có mình nó là người thân duy nhất. Tôi không đánh mà chỉ giảng giải đạo lý cho nó. Tôi cảm thấy thằng bé là người trọng đạo lý. Nếu không phải là những điều có đạo lý thì nó sẽ nhất quyết không nghe.
Tôi biết điều này rất khó thay đổi. Tôi là người coi trọng chuyện học hành, vốn tưởng là đã giáo dục con mình rất tốt. Nhưng bây giờ xem ra không phải vậy. Tôi chỉ biết dạy con mình ảo tưởng nhưng lại chưa dạy nó phải biết tha thứ. Đó có lẽ là do trong lòng tôi luôn ôm một mối thù hận, cũng có thể là do từ nhỏ trong lòng thằng bé đã tích tụ quá nhiều thù hận. Thưa thầy Lý, thầy cũng là một người cha, chắc thầy cũng biết bố và con trai rất khó tâm sự thẳng thắn với nhau. Tôi thường phải đoán xem thằng bé đang nghĩ gì chứ không thể hỏi trực tiếp nó được. Có lẽ hồi còn trẻ tôi cũng đã có thái độ như vậy với bố mình. Cho nên tôi vẫn hy vọng thầy nói chuyện thêm với nó. Những nhược điểm trong tính cách của nó thật sự quá lộ liễu.
Tôi yêu Đại học Phương Bắc sâu sắc. Tôi biết thằng bé yêu ngôi trường này còn hơn tôi, và tình cảm của nó rất chân thành. Tôi muốn chỉ trích nó nhưng lại không dám. Đến độ tuổi này, người ta càng ngày lại càng yêu chiều con, và càng ngày lại càng dựa dẫm vào con. Tôi hy vọng thầy nể tình tôi là bạn học cùng trường mà giúp đỡ thằng bé nhiều hơn. Qua cách nói của nó, tôi thấy nó rất kính trọng thầy.
Xin hãy thứ lỗi cho tôi về việc nhờ vả vô lý này, nhưng rất mong thầy chấp nhận.
Thầy Lý Khoan gọi Trương Duy tới và bảo anh đọc lá thư này trước mặt mình. Anh vô cùng kinh ngạc. Thầy Lý Khoan hỏi anh: “Bây giờ liệu còn muốn thôi học nữa không?”.
Trương Duy cố nén nước mắt rồi lắc đầu.
“Em phải thi bù môn Lý luận văn học. Em không có ý kiến gì chứ?”
“Không ạ.”
“Thế em đã ôn chưa?”
“Chưa ạ. Nhưng cũng không cần ôn đâu ạ.”
Trương Duy viết cho Ngô Á Tử một lá thư, nói cho cô biết rằng anh đã suy nghĩ rất kỹ và thấy họ không hợp nhau, vì vậy anh quyết định chia tay với cô. Anh chờ Xuân Ni ở chỗ lấy nước sôi, rồi nhờ cô chuyển thư cho Ngô Á Tử. Xuân Ni hỏi: “Sao anh không tự tới gặp cậu ấy?”. Trương Duy đáp: “Tôi đã quyết định dứt khoát chia tay với cô ấy”. Xuân Ni bỏ đi với vẻ mặt hoàn toàn không hiểu.
Anh nghĩ Ngô Á Tử nhất định sẽ tới tìm mình, nhưng cô đã không tới. Anh có phần thất vọng, nhưng cũng cảm thấy dường như được giải thoát.
Thầy Lý Khoan bất ngờ biểu dương Trương Duy trong Đại hội sinh viên: “Trước những hành động của Trương Duy, lúc đầu tôi cũng lấy làm khó hiểu. Tôi cũng từng phê bình cậu ấy. Tôi đã nghĩ rằng vì cậu ấy không làm được bài nên mới như vậy. Sau đó. khi xem kỹ những bài thi khác của cậu ấy, tôi phát hiện ra rằng trình độ của cậu ấy vượt hẳn những sinh viên khác. Thậm chí cậu ấy có thể học chương trình của năm thứ ba hoặc nghiên cứu sinh. Những sinh viên như vậy trước đây không nhiều. Thế mà chúng ta đã nghĩ về cậu ấy như thế nào? Đó là những điểm bất cập trong công tác quản lý giáo dục của chúng ta. Chúng ta đã không coi trọng quy luật cần phải chú ý tới sự khác biệt trong giáo dục. Chỉ vì điểm ấy thôi mà suýt nữa thì Trương Duy bị xử lý và phải bỏ học. Hôm nay tôi xin trịnh trọng xin lỗi cậu ấy. Mọi người đã đọc đơn xin thôi học của cậu ấy chưa? Đó thật sự là một bài hịch chỉ trích những tồn tại trong nền giáo dục đại học hiện đại của chúng ta…”.
Mãi tới lúc ấy, các bạn cùng lớp mới biết được rằng Trương Duy có một trí nhớ thật phi thường. Có thêm những lời khen ngợi của thầy Lý Khoan, Trương Duy bỗng trở thành một nhân vật chính diện. Không lâu sau đó, một phóng viên tờ báo của nhà trường đã đưa tin về chuyện này, hơn nữa ban biên tập còn cho in kèm cả đơn xin thôi học của anh. Các sinh viên trong trường nhìn thấy Trương Duy là nói: “Được lắm! Cậu cừ đấy!”.
Trong khoa mới về một bí thư chi đoàn, là một nữ nghiên cứu sinh rất xinh đẹp, tên là Tô Phi. Tô Phi học chuyên ngành tâm lý. Trong thời gian còn là sinh viên, cô đã là trưởng ban nữ công của sinh viên trường Đại học Phương Bắc, khi học nghiên cứu sinh thì là phó chủ tịch Hội Nghiên cứu sinh và là hội trưởng Hội Tâm lý học của trường. Nhà trường đã giữ cô ở lại. Thầy Lý Khoan đã mời cô tới, bởi thầy cảm thấy ngày nay sinh viên có rất nhiều vấn đề về tâm lý, cần phải có một người hiểu về tâm lý học làm công tác sinh viên. Giọng của Tô Phi khi nói chuyện rất rõ ràng, ngực của cô lại rất phẳng nên các nam sinh bàn tán sau lưng và gọi cô là “Giám đốc nhà máy sản xuất màn hình phẳng”, và đặt cho cô biệt hiệu Giám đốc Tô.
Khi Tô Phi đến nhận việc, thầy Lý Khoan đã nói rằng, cần phải để ý đến cậu sinh viên có tên là Trương Duy.
Gần đây Trương Duy cũng không để xảy ra chuyện gì. Anh nghĩ về hai lá thư nhận được trong học kỳ trước và những lời nói của thầy bói ở bến tàu. Anh không tin rằng những chuyện như thế có thể tồn tại trên thế gian này, nhưng chúng lại khiến anh rơi vào trạng thái mơ hồ khá lâu, thậm chí là suốt đời.
Tuy có lúc anh cũng lên lớp học, nhưng chỉ là để đối phó với một số giảng viên và quy định của nhà trường mà thôi. Khi lên lớp, anh có thể nhìn thấy Ngô Á Tử. Anh nghĩ, anh và cô có đúng là đã yêu nhau thật không? Người ta thường nói tình yêu là tốt đẹp, nhưng xem ra đó chỉ là sự lừa dối mà thôi. Tình yêu có mặt tốt đẹp và cũng có mặt không tốt đẹp, mỗi khi nghĩ tới lòng tốt của Ngô Á Tử đối với anh, anh cảm thấy tình yêu thật tốt đẹp, nhưng chưa hẳn đã là đúng. Anh cũng nhớ tới lời thề của mình, nhưng từ trước tới nay anh vẫn không sao thực hiện được. Anh đã có lỗi với Trương Lạc và giờ đây lại có lỗi với Ngô Á Tử. Người có tín nghĩa chính là người thực hiện được lời hứa của mình, không lẽ tín nghĩa cũng hư vô như thế này thôi sao?
Sự hoài nghi với tất cả càng khiến anh thêm trầm mặc. Nhìn sơ qua, dường như anh có rất nhiều bạn, ngoài những người bạn văn thì những người qua lại với anh cũng không ít, nhưng thực tế, anh hiểu rất rõ rằng mình không có bạn. Tất cả những suy nghĩ này, anh chưa bao giờ nói với ai.
Sau nửa học kỳ như thế, Trương Duy thấy Ngô Á Tử có bạn trai. Cô đã không thể chịu được sự cô đơn. Bạn trai của cô cũng rất đẹp trai, anh từng gặp mấy lần. Lúc đầu anh không chấp nhận nổi điều ấy, nhưng dần dần cũng đã có thể mỉm cười với họ. Anh nghĩ, nếu thật lòng yêu cô thì cần phải chúc cho cô được hạnh phúc và vui vẻ. Nghĩ vậy nên anh cũng cố thể hiện điều đó trên nét mặt. Một hôm, anh nhìn thấy hai người ấy đi tới, Ngô Á Tử có vẻ mất tự nhiên, cô cúi mặt xuống. Nhưng Trương Duy đã mỉm cười với họ từ xa. Đó là điều Ngô Á Tử không thể ngờ tới, vì thế cô bèn mỉm cười và bước đến. Anh vẫn mỉm cười, nói: “Giới thiệu đi chứ!”.
Chàng trai kia cũng biết Trương Duy, thấy anh như vậy, cũng mỉm cười thoải mái và giới thiệu tên mình. Trương Duy bắt tay cậu ta, rồi sau đó hai bên tiếp tục đi theo hướng của mình. Nhưng rồi bỗng nhiên Trương Duy cảm thấy má mình ướt đầm, mắt cũng mờ đi, song anh lấy lại nụ cười ngay sau đó.
Kể từ lần đó, anh đã có thể đối diện với họ một cách thẳng thắn. Lúc về phòng, anh mỉm cười đau khổ với chính mình: Được lắm, lại còn bắt tay tình địch nữa!
Nhưng không ngờ, đúng lúc ấy, có hai người con gái khác cùng theo đuổi anh. Một người là Lý Na của khoa Nghệ thuật, một người chính là Xuân Ni. Lý Na khá xinh đẹp và cũng biết cách trang điểm, thoạt nhìn đã biết ngay là người sau này có thể bước lên sân khấu. Cô thích Trương Duy hoàn toàn là vì những bài thơ của anh. Những bài thơ đó thường được đọc trên Đài Phát thanh của trường. Có người đã chửi thơ anh là những lời nhăng cuội, vớ vẩn, nhưng các sinh viên trong trường lại rất thích, thậm chí còn lén truyền tay nhau. Sau bữa trưa, Lý Na thường tới phòng tập đàn, chính là nơi Trương Duy cũng thường lui tới để tìm ý thơ. Và dần dần, cô đã nảy sinh tình cảm với anh.
Trước ngày kỷ niệm mùng Bốn tháng Năm3, các sinh viên khoa Nghệ thuật phải chuẩn bị một tiết mục biểu diễn. Lý Na nghĩ ra việc dàn dựng một vở kịch thơ. Bí thư chi đoàn của khoa Nghệ thuật tới tìm Tô Phi, Tô Phi cho gọi Trương Duy tới, Trương Duy miễn cưỡng nhận lời. Điều khiến anh không thích nhất chính là phải viết ra những thứ theo yêu cầu của người khác, nhưng lúc đó Lý Na cũng có mặt, nhìn thấy ánh mắt mong đợi của cô, anh đành đồng ý. Anh viết một vở kịch thơ, lần đầu tiên, anh đem những mâu thuẫn nội tâm thể hiện trong một bài thơ có tựa đề Đi tìm thế giới. Bài thơ nói về một thanh niên, trong quá trình học đại học, anh ta bỗng nhiên phát hiện ra rằng học hành là điều hết sức vô nghĩa, thế là anh ta quyết định đi tìm một thế giới có ý nghĩa hơn. Anh ta đã tìm nó trong tình yêu nhưng không thấy, anh ta lại tìm nó trong sự nghiệp, nhưng những điều tìm thấy cũng đều là hư vô, anh ta tìm nó trong cuộc sống tập thể, nhưng cũng chỉ toàn những điều vô nghĩa. Tiến sĩ Faust1 đã tìm thấy tín ngưỡng của mình trong cuộc sống tập thể, nhưng anh ta thì không. Anh ta quá đau khổ và cuối cùng đã tự tử. Trước khi chết, anh ta đã gào to lên với thế giới mênh mang:
3 Ngày Thanh niên Trung Quốc.
Thế giới ơi, khi đau khổ tôi đi tìm kiếm Người, nhưng không thấy đâu dấu vết
Khi tôi sắp rời xa Người, thì dường như Người lại đứng cạnh bên
Tôi nhào đến với Người bằng cả trái tim, nhưng Người lại biến thành hư vô
Không gì cả, không gì cả và không gì cả!
Tôi phải đâm lưỡi dao này vào trái tim mình
Tôi muốn Người phải rên xiết, để Người phải hiện hình
Ôm lấy tôi đang đầm đìa máu chảy, và nói rằng:
“Ta đây, con không chết!”
Hôm vở kịch được công diễn, anh cũng tới xem. Khi tới cảnh chàng thanh niên kia tự tử, anh đã cất tiếng khóc. Tất cả những người ngồi quanh đều quay lại nhìn anh. Anh vừa khóc vừa bỏ đi. Nhiều người bảo anh điên, riêng Lý Na đang diễn trên sân khấu lại bị chinh phục hoàn toàn bởi khí chất hơn người của anh. Cô yêu anh. Khi cô tới tìm, anh bèn đi chơi cùng cô. Họ đi xem phim, cô mời, còn Trương Duy thì bỏ tiền. Lý Na đã khen anh rất nhiều, anh nghe và rất cảm động. Anh quyết định hẹn hò với cô, và thế là Lý Na trở thành bạn gái của anh.
Thời gian đó, Xuân Ni cũng tìm đến với Trương Duy. Lúc đầu, cô chỉ nói về Ngô Á Tử. Anh ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, Xuân Ni luôn nói về Ngô Á Tử với vẻ rất sùng bái. Cô nói, cô thích ngủ cùng giường với Ngô Á Tử, thích mùi thơm của Ngô Á Tử, thích mặc quần áo của Ngô Á Tử, thích cả việc bị Ngô Á Tử mắng mỏ. Cô bằng lòng làm bất cứ việc gì vì Ngô Á Tử.
Vì Trương Duy và Lý Na thường hẹn gặp nhau ở phòng tập đàn nên rất nhiều người không biết, và tất nhiên Xuân Ni cũng như vậy. Trương Duy vốn tưởng Xuân Ni tới gặp anh chỉ để nói chuyện về Ngô Á Tử, nhưng sau đó anh phát hiện ra rằng không phải như vậy. Xuân Ni hỏi anh rằng cô có thể làm em gái của anh được không. Trương Duy vui mừng nói: “Tất nhiên là được. Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời của tôi chính là không có em gái”.
Một hôm, khi gặp Trương Duy, Ngô Á Tử nói với anh bằng một giọng rất khác thường: “Chúc mừng anh!”.
Anh hỏi: “Chúc mừng vì chuyện gì?”.
“Vì anh đã có một cô em gái đa tình!”, Ngô Á Tử đáp.
Trương Duy đỏ bừng mặt. Trong bụng thầm nghĩ, Ngô Á Tử thật nhỏ nhen. Kể từ hôm đó, anh cố tình tránh mặt Xuân Ni. Xuân Ni thấy Trương Duy tránh mặt mình lại càng đau khổ và lo lắng. Cuối cùng, một lần, sau khi tan học, cô chặn ngang đường và nói với Trương Duy: “Em không muốn làm em gái của anh nữa, em muốn làm một người bạn thân thiết hơn”.
“Thì chúng ta vẫn là những người bạn thân thiết đấy thôi!”, Trương Duy mỉm cười nói.
“Không phải là tình bạn thông thường. Ý em là, em muốn làm bạn gái của anh.” Xuân Ni nhìn vào mắt Trương Duy.
“Không được. Ngô Á Tử là bạn thân nhất của em, giữa chúng ta làm sao có chuyện đó được?” Nói xong, Trương Duy bỏ đi.
Xuân Ni đứng ngây tại chỗ.
Ngày hôm sau, Trương Duy và Lý Na đi dạo quanh vườn trường, anh cố tình để Ngô Á Tử nhìn thấy. Hơn mười giờ tối, Ngô Á Tử gõ cửa phòng và gọi Trương Duy ra. Cô nói: “Em biết cái cô Lý Na ấy, sao anh lại yêu cô ta, chẳng nhẽ anh không kiếm được người nào khác hay sao?”.
Trương Duy nghe thấy thế, trong lòng rất giận, nghĩ bụng sao cô ấy lại có thể nói năng như thế được nhỉ? Ngô Á Tử nói tiếp: “Lý Na suýt nữa thì bị đuổi học, anh có biết chuyện đó không?”.
Trương Duy nhìn cô không hiểu. Ngô Á Tử nói: “Cô ta đã từng tiếp khách ở khách sạn. Đồ ngốc ạ!”.
Chuyện này khiến Trương Duy rất kinh ngạc, nhưng anh vẫn không tin. Có điều từ đó về sau, anh thấy coi thường Lý Na. Cô có lẽ cũng nhận ra sự thay đổi ấy nên lại càng đối tốt với anh hơn, còn anh, thấy cô càng tốt lại càng nghi ngờ.
Hôm ấy, Trương Duy đang ngủ trong phòng thì Xuân Ni tới. Anh giật mình, nhận ra rằng cô đã gầy rộc đi, quầng mắt đen thẫm lại. Cô ngồi xuống cạnh giường Trương Duy. Trong phòng không có ai. Xuân Ni hỏi: “Anh thấy Lý Na thế nào?”.
“Cũng được”, Trương Duy đáp.
“Anh nghĩ cô ấy còn trong trắng không?”, Xuân Ni đi thẳng vào vấn đề.
“Chẳng sao cả, cô ấy tốt với anh là được rồi.” Nói xong câu này, Trương Duy cảm thấy đúng là nên như vậy, việc gì phải quá coi trọng chuyện ấy.
“Anh định cứ tiếp tục như thế với cô ấy phải không?”, giọng Xuân Ni gần như chất vấn.
“Ừ!”, Trương Duy bắt đầu có vẻ nổi cáu.
Đột nhiên Xuân Ni nước mắt đầm đìa. Cô nói, ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy anh, cô đã yêu anh, nhưng vì Ngô Á Tử nên cô đành nhường nhịn. Đến khi anh và Ngô Á Tử chia tay nhau, cô đã định đến tìm anh, nhưng Ngô Á Tử luôn nói với cô rằng cô ấy vẫn còn yêu anh. Mãi cho đến lúc Ngô Á Tử có bạn trai mới, cô đã phải tốn khá nhiều thời gian hạ quyết tâm để đến với anh. Cô không thể ngờ anh lại từ chối cô, càng không thể ngờ anh lại yêu một cô gái không còn trong trắng. Ngày nào cô cũng nghĩ đến chuyện Trương Duy sẽ lấy mình, cô luôn mơ thấy anh và cô tay trong tay bước vào nhà thờ. Khi nhìn thấy anh tới chỗ Lý Na, cô vô cùng đau khổ, bắt đầu bị mất ngủ và đau đầu dữ dội. Cô nói, cô không thể tiếp tục sống được nữa.
Xuân Ni khóc rất dữ dội, Trương Duy không biết phải làm gì. Cô vừa khóc vừa nói: “Anh có thể ôm em một chút không?”. Trương Duy bèn ôm cô, đột nhiên cô ôm chặt lấy anh và hôn như điên dại. Những giọt nước mắt của cô làm ướt mặt anh. Anh vẫn không biết nên làm gì, đành mặc cho cô hôn. Rồi cô nắm chặt tay anh, đưa vào trong áo mình, khóc và nói: “Em là của anh. Mãi mãi là của anh”.
Trương Duy phát hoảng, anh rụt tay về, sững sờ nhìn cô. Dường như Xuân Ni cũng đã định thần lại. Mái tóc rối bời, vẻ mặt thẫn thờ, cô bước ra khỏi cửa.
Trương Duy ngồi trên giường nghĩ một hồi lâu nhưng vẫn không biết phải làm sao. Anh không thể phản bội chính mình.
Buổi trưa, một người bạn cùng phòng chạy đến nói với Trương Duy: “Gay rồi, Liễu Xuân Ni đã chết”.
“Chết rồi? Sao lại chết?”, mọi người hoảng hốt hỏi.
“Cô ấy nhảy từ trên tầng xuống.”
Chỗ ấy nghe nói đã có rất nhiều người chết. Thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã có tới năm giáo sư tự tử ở chỗ đó.
Trái tim Trương Duy đau nhói như kim châm, anh ngồi phịch xuống giường, không nói được câu nào.
Ngô Á Tử rất đau lòng, cô khóc rất nhiều, nhưng cô cũng không biết gì về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Xuân Ni. Cô bèn tìm cách hiểu Xuân Ni qua những trang nhật ký. Cô ấy vốn dĩ không thích viết lách gì, nhưng sau này không hiểu vì sao lại bắt đầu viết nhật ký. Qua những trang viết đó, Ngô Á Tử ngạc nhiên phát hiện ra rằng, cô và Trương Duy gần như đã chiếm trọn tâm hồn của Xuân Ni. Cô ấy hầu như đã ghi lại toàn bộ chuyện tình giữa Trương Duy và Ngô Á Tử, có một số chuyện đến cả Trương Duy và Ngô Á Tử đều đã quên, nhưng cô ấy lại nhớ. Trái tim thanh xuân khó có thể lý giải ấy vốn rất thanh bình. Xuân Ni thật lòng mong muốn Trương Duy và Ngô Á Tử mãi mãi yêu nhau, khi Ngô Á Tử để mất Trương Duy, cô ấy đã đau đớn thay Ngô Á Tử. Cô ấy đã chủ động làm người hòa giải cho hai người, nhưng Trương Duy quá kiên quyết. Khi hai người chia tay nhau, sự thanh bình trong trái tim Xuân Ni cũng đổ vỡ. Khi ngọn lửa tình yêu nhen nhóm trong lòng Xuân Ni cũng là lúc cô ấy vô cùng đau khổ. Cô ấy vốn không muốn như vậy, nhưng càng ngày càng phát hiện ra rằng mình yêu Trương Duy sâu sắc đến nhường nào. Mỗi ngày cô ấy đều viết về nỗi đau khổ của mình, đồng thời không quên viết về những việc làm của Trương Duy và Ngô Á Tử. Trong lòng Xuân Ni có lẽ đã diễn ra một cuộc đấu tranh rất gay gắt, cuộc đấu tranh đó đã khiến cô ấy mất ngủ mấy đêm liền. Cô ấy đã nghĩ, có nên bày tỏ tình yêu với Trương Duy không, nếu bày tỏ thì liệu có làm tổn thương Ngô Á Tử không? Và còn Trương Duy nữa, anh có đón nhận tình yêu của cô ấy không? Cô ấy không muốn làm tổn thương bất kỳ ai. Nhưng tới khi cô gái tên Lý Na kia tới bên Trương Duy thì cô ấy gần như phát điên lên. Trương Duy phải là của cô ấy và Ngô Á Tử, người khác không thể nào có được. Thế là cô ấy đã dũng cảm hành động.
Nhưng trái tim trong sáng ấy đã ngừng đập, hơn nữa, cái chết đã chấm dứt tình yêu của cô ấy một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mẹ Xuân Ni đưa tay gạt những giọt nước mắt giàn giụa trên mặt, vừa nghẹn ngào vừa đầy căm phẫn hỏi Trương Duy: “Vì sao cậu không dỗ dành Xuân Ni hả?”.
Trương Duy quỳ trước mặt người mẹ ấy, nước mắt anh cũng tuôn rơi lã chã. Xuân Ni là con một, vì vậy cái chết của cô cũng chính là lời tuyên bố cho một gia đình từ nay về sau sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Đến khi mọi người đều đã bình tĩnh trở lại, Trương Duy vẫn trong trạng thái kinh hoàng, nhất là vào buổi chiều và trước khi ngủ. Có lúc anh ngồi một mình ở sân vận động, có lúc đi lại bên bờ hồ Vô Ưu. Buổi trưa ngày thứ sáu sau cái chết của Xuân Ni, anh cảm thấy không thể nào chịu đựng được sự dày vò trong lòng nữa, bèn nhảy xuống hồ tự tử. Nhưng anh đã nhanh chóng được người ta cứu lên. Khi thầy Lý Khoan đến thăm, anh nói với thầy trong hai hàng nước mắt: “Chính em đã hại chết Xuân Ni”.
Thầy Lý Khoan nhìn chàng thanh niên vừa từ cõi chết trở về với vẻ xót thương: “Trương Duy, em nói xem, tôi sẽ phải ăn nói thế nào với bố em đây?”.
Trương Duy khóc rất dữ dội, anh nói: “Thầy hãy nói với bố em rằng, em đã đền mạng cho người khác”.
Thầy Lý Khoan cười đau khổ và đứng dậy đi đi lại lại trong phòng. Ông nói với Trương Duy: “Trái tim em rất thuần khiết và lương thiện. Điều đó là rất tốt, nhưng em cũng không thể đi tìm cái chết như thế được. Xem ra, cấm các em yêu khi đang học là việc làm đúng đắn. Em xem, chỉ riêng chuyện yêu đương của em thôi cũng mang tới cho chúng tôi không biết bao nhiêu phiền toái rồi”.
Trương Duy không khóc nữa mà trở nên trầm ngâm. Sau khi thầy Lý Khoan đi rồi, anh suy nghĩ rất nhiều, đột nhiên cảm thấy rất chán ghét cái gọi là tình yêu. Anh có cảm giác nó là một thứ rất độc ác. Anh không đến tìm Lý Na nữa, và cũng không để ý đến Ngô Á Tử nữa. Anh nghĩ lại, lúc đầu anh đến với trường đại học này không phải để yêu đương mà là để theo đuổi chân lý, để tìm kiếm một thế giới có ý nghĩa. Tất nhiên anh vẫn không lên lớp mà chỉ tới thư viện. Ngoài việc làm thơ, anh còn đọc các sách triết học, vật lý mới, sinh học, toán học, nhân loại học và tâm lý học giới tính… Thầy Lý Khoan đã nói đúng, Đại học Phương Bắc có một thư viện hàng đầu cả nước, đó chính là kho sách của anh. Hằng ngày, mỗi khi rời khỏi thư viện, anh đều cảm thấy mình có phần giống với Karl Marx5. Nghĩ đến đây, anh lại cảm thấy lòng buồn khôn tả, vì Karl Marx còn có Jenny6, còn bên cạnh anh chẳng có lấy một người để yêu. Anh cảm thấy mình giống như Friedrich Wilhelm Nietzsche7, cả đời cô đơn thách thức thế giới.
5 Thường được phiên âm là Các Mác trong các tài liệu tiếng Việt.
6 Jenny: vợ Karl Marx.
7 Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) là một nhà triết học người Phổ. Nietzsche không được đánh giá cao bởi những người đương thời trong suốt cuộc đời của ông, nhưng đầu thế kỉ XX, ông đã được giới trí thức ở Đức, Pháp và Anh công nhận.
Ngoài giờ ngủ, hầu như những người cùng phòng không mấy khi nhìn thấy Trương Duy. Ngay cả đến giờ đi ngủ, nếu gặp mặt thì anh cũng không nói với họ câu nào. Cái chết của Xuân Ni đã cầm tù anh. Anh cũng bằng lòng chịu như vậy. Anh không cạo râu. Một buổi trưa, Ngô Á Tử nhìn thấy anh từ xa đã hoảng hốt đi đến, nhưng càng tới gần thì càng không nhận ra, vì người ở trước mặt cô râu ria lởm chởm, tóc để dài khác thường, chẳng khác gì người rừng. Trương Duy đang mải suy nghĩ nên không phát hiện ra Ngô Á Tử. Khi anh đi ngang qua, cô cảm thấy rất đau lòng, càng ngày cô càng không hiểu nổi con người mà mình từng yêu. Cô đứng đó, muốn khóc thật to mà không sao rơi được nước mắt. Có mấy lần cô đã tới tìm Trương Duy, nhưng anh không có trong phòng. Cô nhờ những người cùng phòng chuyển lời tới anh, bảo anh khi về thì đến chỗ cô, nhưng anh không tới. Cô lại giận dữ bỏ về.
Mùa đông năm ấy, Trương Duy đã viết rất nhiều bài thơ siêu thực, nhiều tạp chí đã đăng bài của anh trên trang đầu. Tiếng tăm của anh mỗi ngày một vang xa, nhưng thế giới nội tâm của anh thì mỗi ngày một u tối. Những cuốn sách anh đọc trong thời gian ấy cũng rất nhiều, trong những trang sách ấy, anh luôn tìm kiếm một điều: Con người liệu có linh hồn không? Trước khi là con người thì là gì? Sau khi chết, con người sẽ về đâu? Những lời giải đáp của tôn giáo anh không mấy hứng thú, anh muốn có được đáp án từ khoa học. Nhưng tất cả những cuốn sách ấy đều làm anh thất vọng.
Đông qua, xuân tới. Màu xanh trong vườn trường lại bừng lên.
Rất nhiều buổi hoàng hôn, Trương Duy đi đi lại lại bên bờ hồ Vô Ưu. Mái tóc của anh mỗi ngày một dài, bây giờ đã phủ cả xuống vai. Có điều anh cũng đã cạo bộ râu lởm chởm đi sau khi bị bố quở mắng. Vốn dĩ anh cũng không muốn để tóc dài, bởi vì trong trường, những người để tóc dài hoặc là những sinh viên thích nhạc rock, hoặc là người yêu bóng đá. Anh tự thấy mình hơn tầm họ nên không muốn giống như họ, thế nhưng khi mọi người khuyên anh cắt bỏ mái tóc dài đi thì anh kiên quyết giữ nó lại. Người ta có thể nhìn thấy dưới mái tóc đang phất phơ theo gió ấy thấp thoáng một khuôn mặt u uất. Khuôn mặt ấy chính là nét phân biệt anh với những người khác. Sự u uất thuần túy ấy giống như một ngọn lửa màu tím, đôi mắt đa tình vì tâm sự dồn nén ấy mà trở nên xanh hơn, trông như một dòng nước suối trong vắt đã bị người đời quên lãng từ lâu. Người ta cũng rất hiếm khi nhìn thấy anh cười, nhưng những ai may mắn nhìn thấy anh cười thì lại phải giật mình nhìn lại, bởi họ phát hiện ra rằng, trong nụ cười thơ ngây như đứa trẻ ấy là một khoảng trời xanh vỡ vụn.
Hồ Vô Ưu được bao phủ bởi màu xanh và sức xuân. Mùi thơm của hoa đinh hương từ xa bay tới, khiến cho cái hồ đã cướp đi không ít sinh mệnh của những sinh viên ưu tú càng trở nên đẹp như mộng, tới mức có phần ma quái. Thế nhưng hết thảy thầy trò trong trường lại không cảm thấy thế, và dù nó có ma quái thì họ vẫn yêu nó. Những người quá nhạy cảm thì sẽ tự nguyện hòa làm một với nó. Đã có hai nhà thơ lỗi lạc tự tử tại hồ Vô Ưu, họ đều là những người đã viết những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của nó. Các sinh viên Đại học Phương Bắc thường tổ chức những đêm thơ quy mô tại đây vào mỗi lần Tết Đoan ngọ, vừa để tưởng niệm những người đã khuất, vừa để ca tụng vẻ đẹp của hồ. Có thể là do các nhà thơ đã tô vẽ cho nó quá nhiều nên việc họ tìm đến cái chết ở nơi đây lại trở thành một hành động thiêng liêng, và hồ này cũng trở nên thiêng liêng.
Một buổi hoàng hôn, Trương Duy đi đi lại lại bên hồ, tay cầm cuốn Tuyển tập thơ Puskin, bên cạnh là một chiếc túi quân dụng màu xanh, bên trong có ba cuốn sách: Thus Spake Zarathustra, Hồ Walden, Tuyển tập thơ Hordelin và một cuốn vở ghi chép, bên trong là ba mươi sáu bài thơ của anh. Ba mươi sáu bài thơ ấy hầu như đều được sáng tác tại nơi này. Nó là ba mươi sáu bông hoa sóng thấm đẫm mùi thơm của hoa đinh hương, nét dịu dàng của dương liễu, và cả nỗi buồn thương của hồ Vô Ưu. Anh ngồi dựa vào một gốc cây liễu to, vẻ buồn bã. Ánh nắng chiều hắt lên khuôn mặt xanh xao của anh. Một khuôn mặt kiêu ngạo nhưng tiều tụy, một khuôn mặt khiến người ta nhất định phải quay lại nhìn. Anh không nhìn ai, chỉ thỉnh thoảng lật giở tập thơ rồi lại đặt nó lên đùi và nhìn lên ráng chiều với vẻ thất vọng.
Anh nhìn ráng chiều đang đi dần vào lòng hồ Vô Ưu, trong mắt anh đầy những mảng sáng đang vỡ vụn. Khi ánh chiều ấy tan biến trong tầm mắt, anh đi ra giữa hồ, ôm theo một tảng đá. Lần tự tử đầu tiên của anh không thành là vì anh quên buộc vào người một tảng đá.
Bóng đêm đang trùm xuống hồ Vô Ưu. Ba nữ sinh của khoa Thể dục đã cứu anh lên. Lúc ấy họ đang cùng nhau luyện võ bên bờ hồ, đầu tiên họ tưởng anh đùa, không ngờ anh lại chìm dần xuống lòng hồ, tới khi mặt hồ từ từ khép lại chỉ còn vài gợi lăn tăn, một nữ sinh kêu lên, thế là họ vội nhảy xuống. Dưới làn nước, họ nhìn thấy Trương Duy tay ôm chặt lấy tảng đá. Họ phải vất vả lắm mới đưa được anh lên bờ, một cô hô hấp nhân tạo cho anh.
Rất nhiều người đổ đến xem. Ba nữ sinh kia cứu được người nên rất phấn khởi. Họ không biết Trương Duy. Đến lúc có người lôi tập thơ từ trong chiếc túi quân dụng của anh ra, họ mới biết. Họ mở ra đọc bài thơ cuối cùng trong tập thơ của anh, trong đó viết:
Lại một mùa xuân
Tất thảy màu xanh đều đau buồn
Tất thảy màu xanh đều đang trốn chạy khỏi cái chết
Chúng tôi gặp nhau giữa đường
Chúng tôi cùng ôm đầu khóc
Ôi, chín cô em đáng thương và đáng yêu của tôi
Phía trước là hư vô, phía sau cũng hư vô.
Họ không hiểu bài thơ lắm, nhưng có thể nhận ra một sự tuyệt vọng khôn cùng từ trong đó.