Bệnh của Trương Duy không giống các loại bệnh thông thường, anh phải nằm viện và uống thuốc, tiêm, ngủ nghỉ đúng giờ theo lời dặn của bác sĩ. Ngoài ra anh không có việc gì làm. Nằm cùng buồng bệnh với anh có một người bị ung thư, mới hơn ba mươi tuổi. Anh ta tên là Chu Thiên Tế, nhưng xem ra ông Trời đã không hề cứu giúp cho anh ta26. Chu Thiên Tế là cán bộ của một cơ quan, năm ba mươi tuổi đã được đề bạt làm trưởng phòng, nhưng vì thấy vẫn rất nghèo nên anh ta đã bỏ việc ra làm ăn bên ngoài. Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, công việc làm ăn của anh ta đã rất phát đạt. Anh ta đã có vợ và một cô con gái tám tuổi rất xinh xắn, gia đình họ sống khá hạnh phúc. Đúng lúc đó thì anh ta đổ bệnh, hơn nữa lại là căn bệnh vô phương cứu chữa. Khi Trương Duy nhập viện thì Chu Thiên Tế đã trải qua những ngày tháng vật vã nhất và không còn đau khổ nữa, những khi tỉnh táo anh ta thường kể chuyện của mình cho Trương Duy nghe. Anh ta nói, lẽ ra anh ta không nên ra ngoài làm ăn, bệnh của anh ta mắc phải là do việc làm ăn dẫn đến. Trương Duy cũng cảm thấy đáng tiếc cho anh ta và thường nghĩ cách giúp đỡ con người sắp phải từ giã cõi đời này, để anh ta có thể sống những ngày cuối đời vui vẻ hơn.
26 “Thiên tế” nghĩa là “trời giúp”.
Cứ cách một buổi chiều Giáo sư Phương lại vào thăm Trương Duy một lần, thường thì ông ta đi tay không, không mang theo quà gì cả. Mục đích việc thăm hỏi của ông ta là để xem diễn biến tình hình bệnh tật của Trương Duy và kể cho anh nghe chuyện phiếm, và với ông ta thì hình như mục đích thứ hai quan trọng hơn là mục đích đầu.
Giáo sư Phương xuất thân trong một gia đình bần nông. Thời của ông ta mà có thể đi học được, hơn nữa lại vào được trường Đại học Phương Bắc thì đúng là một kỳ tích, nhưng cả đời ông ta cũng chỉ có một chuyện ấy là đáng kể mà thôi, mọi thứ khác chẳng có gì đáng nói. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông ta tiếp tục học nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án xong, do nhà trường đang thiếu giảng viên nên ông ta đã được giữ lại thay vào vị trí của thầy Dị trong khoa. Trong thời gian tiến hành cuộc vận động Tam phản và Cách mạng văn hóa, ông ta không đắc tội với ai vì thế cũng không bị ai tố cáo. Ông ta cũng không dồn tâm sức vào việc nghiên cứu học thuật mà chỉ nghĩ đến chuyện giúp đỡ cho người thân ở quê. Ông ta được phong là giáo sư nhờ một số luận văn và một bộ giáo trình viết theo thầy hướng dẫn trong thời gian mà khắp Trung Quốc đều đua nhau tiến hành các cuộc vận động lớn. Nếu so sánh qua thì tưởng là ông ta hơn ông Ngô, nhưng thực ra trình độ của ông ta kém hơn hẳn, trong khi ông Ngô không hề nghiên cứu về lý luận nghệ thuật. Đúng là chuyện hết sức nực cười. Theo quy định, sau khi được phong là giáo sư thì có thể hướng dẫn cho nghiên cứu sinh và lên lớp cho tiến sĩ. Giáo sư Phương cũng cảm thấy việc mình trở thành một giáo sư là chuyện thật khôi hài và dần dần cũng không còn thấy hứng thú. Đúng lúc ấy thì ông ta ốm nặng, trong thời gian nằm viện ông ta đã nhận ra một điều rằng, việc đọc sách rồi nghiên cứu thật ra chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có sức khỏe mới là vốn quý. Ông ta đã rút ra một kết luận, nhất định phải chăm sóc mình cho tử tế, phải sống cho thật khỏe mạnh, không nên tranh giành, so bì cao thấp với bất cứ ai. “Hãy biết hưởng thụ cuộc sống!”, ông ta thường nói như vậy. Chính vì thế ông ta rất thỏa mãn với hiện tại, ông ta nghĩ mình từ con của một gia đình nông dân nghèo được như ngày hôm nay cũng đã là tốt lắm rồi. Cũng từ đó ông ta không bao giờ đọc nghiêm túc một cuốn sách nào, dù buộc phải giảng cho sinh viên thì ông ta cũng chỉ lật xem mục lục và bìa của cuốn sách rồi lướt qua mấy dòng là xong.
Sau khi Giáo sư Phương đi rồi, Chu Thiên Tế nói với Trương Duy: “Bây giờ tôi ngưỡng mộ nhất là những người như Giáo sư Phương, chẳng tranh giành với ai. Ông ấy đã hiểu được niềm vui của cuộc sống, còn tôi, hiểu ra điều này thì đã quá muộn”. Trương Duy ngẫm nghĩ rồi nói: “Đúng thế, nhưng ông ấy lắm chuyện quá”.
Những lần sau đó Giáo sư Phương toàn kể những chuyện vặt vãnh. Có lúc Trương Duy cảm thấy rất chối, nhưng Giáo sư Phương cứ nói một mạch cho đến hết mà không hề dừng lại giữa chừng. Chu Thiên Tế cũng im lặng lắng nghe. Sau khi ông ta về rồi, Trương Duy mới thở phào nhẹ nhõm và nằm xuống nghỉ ngơi. Chu Thiên Tế nói với Trương Duy: “Sao anh lại không thích nghe nhỉ? Ông ấy kể rất thật và tỉ mỉ đấy chứ! Có thể thấy, ông ấy là một người sống rất nhiệt tâm đấy. Đáng tiếc là trước đây tôi đã không mấy chú tâm tới việc hưởng thụ, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới chuyện thành công và danh lợi, bây giờ thì có muốn cũng không được nữa”. Câu nói này của anh ta đã tác động rất lớn đến Trương Duy.
Người điều trị cho Trương Duy là một bác sĩ đông y, cũng họ Trương, ông đã từng nghe nói đến tên Trương Duy. Bác sĩ Trương rất thích triết học của Lão Trang27, có lúc ông cũng tranh luận với Trương Duy. Buổi tối những khi có ca trực của Bác sĩ Trương, hai người lại cùng ngồi đàm đạo với nhau, có hôm tới tận mười giờ rưỡi - là lúc Trương Duy phải tiêm, uống thuốc và đi ngủ. Có lần, Bác sĩ Trương hỏi Trương Duy: “Cậu có sở thích gì?”. Trương Duy nghĩ một lát, đáp: “Thỉnh thoảng chơi cờ hoặc là viết lách gì đó”. Ông nghe xong liền vui mừng nói rằng muốn chơi cờ với anh. Khi chơi, ông thường lấy chuyện của Chu Thiên Tế ra để khuyên anh chớ nên dành nhiều tâm sức vào chuyện công danh, và cũng không nên quá để tâm đến chuyện của thiên hạ. Trương Duy biết rằng ông làm như vậy là vì muốn tốt cho mình nên trong lòng rất cảm động.
27 Lão Tử và Trang Tử, những bậc hiền triết đã đặt nền tảng cho Đạo giáo.
Có một sinh viên thực tập ở bệnh viện tên là Lô Tiểu Nguyệt, trông khá xinh đẹp. Cô phụ trách việc theo dõi Trương Duy và kiểm tra xem anh có uống thuốc và đi ngủ đúng giờ không. Cô là người rất điềm tĩnh và dễ bằng lòng. Cô thường phải làm tăng ca, nhưng không bao giờ kêu ca phàn nàn. Cô có một người bạn trai thường xuyên gọi điện đến và tới thăm cô vào mỗi dịp cuối tuần. Trương Duy rất có thiện cảm với cô. Những lúc Trương Duy và Bác sĩ Trương chơi cờ với nhau, cô thường lặng lẽ quan sát, lâu dần thì cũng đã hiểu ra đôi chút về cách chơi và đòi Trương Duy dạy cô. Trương Duy cũng muốn thể hiện mình, nên trong những lúc Lô Tiểu Nguyệt nghỉ, anh thường vừa dạy vừa giảng giải cho cô. Nhưng anh thường chỉ nói về triết học. Một hôm, Lô Tiểu Nguyệt hỏi: “Có phải anh rất thích triết học của Đạo gia không?”.
Trương Duy đáp: “Không phải vậy. Tư tưởng triết học của tôi rất phức tạp, nó vừa mang những thứ của Đạo gia vừa có những cái của Nho gia, có những thứ lại là của đạo Phật và Cơ Đốc giáo, thậm chí là của cả đạo Hồi. Tôi không thể trả lời rõ ràng rằng nó thuộc về loại nào”. Nhưng Lô Tiểu Nguyệt nói: “Nhưng không hiểu vì sao tôi lại thấy nó là của Đạo gia. Bác sĩ Trương cũng thường giảng về triết học cho tôi, và đều là triết học của Đạo gia, tôi cảm thấy những nội dung ấy giống như của anh. Dù sao thì tôi cũng không hiểu những thứ này lắm, anh đừng có cười tôi đấy”.
Những lời nói của Lô Tiểu Nguyệt đã nhắc nhở Trương Duy. Trương Duy ngẫm nghĩ kỹ thì thấy, hơn nửa tháng nay đúng là tư tưởng của anh có đôi chút thay đổi. Kể từ khi ít liên hệ với thế giới bên ngoài, anh cảm thấy mình bình thản hơn nhiều. Có lẽ những lời của Giáo sư Phương và Bác sĩ Trương đã tác động đến anh. Ngày hôm sau thức dậy, anh chợt nhớ đến thầy Dị, nhớ đến cảm giác diệu kỳ khi cùng chơi cờ với thầy trong cơn mưa. Anh nghĩ, có lẽ những thay đổi trong những ngày qua một phần cũng có liên quan đến thầy Dị.
Một tuần sau, nước cờ của Lô Tiểu Nguyệt đã trở nên rất có trật tự. Hôm ấy, Trương Duy đang chơi cờ với cô thì Bác sĩ Trương đến. Ông ngạc nhiên hỏi Tiểu Nguyệt: “Cô Nguyệt biết chơi cờ khi nào vậy?”.
“Chừng một tuần nay rồi. Bác sĩ Trương, tôi không thắng nổi Trương Duy, tôi và anh chơi với nhau nhé?”
“Tôi chấp cô một con xe, được không?”
“Không, nhưng anh phải nhường tôi đấy”
Bác sĩ Trương bật cười, đáp: “Được thôi”.
Hai người vào cuộc, Lô Tiểu Nguyệt cố nhớ và đi theo những nước cờ mà Trương Duy đã dạy, không ngờ cô thắng ngay từ ván đầu. Bác sĩ Trương ngượng nghịu nhìn Trương Duy cười. Ván thứ hai, ông đã ăn được của Lô Tiểu Nguyệt khá nhiều quân, thế nên kết quả là hòa. Họ chơi tiếp ván thứ ba, thật bất ngờ, Lô Tiểu Nguyệt lại thắng lần nữa, thế là cả ba vỗ tay tán thưởng. Bác sĩ Trương không hiểu vì sao lại như vậy, ông nói hôm nay đầu óc ông không được minh mẫn lắm, ông hẹn ngày hôm sau sẽ chơi tiếp.
Sau khi Bác sĩ Trương đi rồi, Lô Tiểu Nguyệt hỏi Trương Duy: “Sao tôi lại có thể thắng Bác sĩ Trương được nhỉ?”.
Trương Duy mỉm cười nói: “Tất nhiên là cô sẽ thắng rồi, vì cô là học trò của tôi mà!”. Lô Tiểu Nguyệt hỏi lại, vẻ không hiểu: “Thế thì vì sao anh và ông ấy lại thường hòa nhau?”. Trương Duy cười nói: “Tôi nói cho cô biết một bí mật này, nhưng cô không được nói với người khác đấy!”. Lô Tiểu Nguyệt đáp: “Được rồi, anh cứ nói đi”. Trương Duy nói: “Ngày đầu tiên, tôi toàn thắng ông ấy, tôi nghĩ có thể là do chưa quen nhau lắm nên ông ấy đã nhường tôi. Đến ngày hôm sau chơi lại, tôi phát hiện ra rằng ông ấy chơi không giỏi nên tôi đã nhường ông ấy. Ngày thứ ba, thứ tư tôi tiếp tục nhường ông ấy, vì tôi thấy ông ấy rất quan tâm đến chuyện thắng thua, nếu tôi cứ thắng ông ấy mãi thì ông ấy sẽ không chơi với tôi nữa, nếu tôi giả vờ để thua mấy ván thì chắc chắn ông ấy sẽ đòi chơi với tôi mãi. Gần đây đúng là tư tưởng của tôi có sự thay đổi khá lớn, tâm trạng của tôi cũng tốt hơn nhiều, tôi không muốn nghĩ đến chuyện thiên hạ nữa mà chỉ nghĩ làm sao cho khỏe lại. Mà việc điều trị của ông ấy đối với tôi cũng như chuyện chúng tôi thường mạn đàm với nhau có liên quan rất nhiều tới việc điều trị của tôi, cho nên tôi thà làm người bị thua chứ không muốn làm tổn thương tới sự tự tin của ông ấy”.
“Anh không muốn làm tổn thương tới ông ấy, nhưng lại muốn tôi làm điều đó, như thế thì có gì khác nhau?”
“Khác nhau chứ, cô chỉ càng kích thích ông ấy thôi, ông ấy sẽ còn chơi với cô nữa. Tôi thấy tư chất của cô rất tốt, rất có khiếu chơi cờ, tôi cũng không thể học nhanh như cô đâu!”
“Thế từ nay về sau anh còn dạy tôi chơi nữa không?”
“Tất nhiên là vẫn dạy chứ. Khi tôi dạy cô, tôi nhớ tới cảnh tượng tôi chơi cờ cùng thầy giáo hướng dẫn của tôi, tôi thấy như mình đang được chơi cùng với ông.”
Nhưng Lô Tiểu Nguyệt không phải là một cô gái quá coi trọng chuyện thắng thua. Chính vì thế mà mấy ngày sau, khi chơi cờ với Bác sĩ Trương, cô lại quên hết những nước cờ mà Trương Duy đã dạy cho mà chơi một cách rất tùy hứng, gặp con nào ăn con ấy, kết quả là cô thua liền hai ván, mãi cho tới khi cô định thần và tập trung hơn thì mới thắng được một ván.
Bệnh tình của Trương Duy có những chuyển biến thấy rõ, mọi người đều rất vui mừng. Thầy Lý Khoan đến thăm Trương Duy hai lần, sau khi hỏi bác sĩ về một số tình hình thì nói với Trương Duy: “Tôi thấy bây giờ cậu cứ ở lại trong bệnh viện là tốt hơn cả. Hãy cứ điều trị cho tới khi khỏi bệnh hãy về, các khoản chi phí cậu không cần phải lo”.
Ngày hôm ấy Chu Thiên Tế qua đời, những người thân trong gia đình anh ta đến rất đông, ai cũng khóc rất dữ. Trương Duy cũng rất đau lòng. Anh nằm sấp xuống giường để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Anh nghĩ, dù thế nào thì Chu Thiên Tế vẫn còn có rất nhiều người thân quan tâm đến, sau khi anh ta qua đời vẫn có rất nhiều người khóc và đau buồn, nhưng còn mình, nếu mình chết thì ai sẽ là người khóc và đau lòng, ai sẽ là người chôn cất cho mình? Nghĩ đến đây anh lại nhớ tới những người mà mình đã từng yêu. Đúng là đời người tựa như giấc mơ! Khi anh nằm viện, bạn bè chẳng có mấy người tới thăm, chỉ có Lâm Hà thường xuyên đến trò chuyện, động viên anh. Anh cũng đã nghĩ Mạo Khiết sẽ tới thăm anh, nhưng cô lại không tới, điều này đã khiến anh rất buồn.
Một hôm ông Ngô đến thăm Trương Duy, đây quả là điều bất ngờ. Trương Duy cũng thường nghĩ tới ông trong thời gian nằm viện, anh đã chịu ơn ông, thế mà anh lại giận ông, nổi nóng với ông. Bây giờ khi nhìn thấy ông, trong lòng anh xuất hiện đầy mâu thuẫn. Ông Ngô mang tới cho anh hai lon bia, đúng lúc ấy thì Lô Tiểu Nguyệt đi vào, ông hỏi cô: “Cậu ta có được uống bia không?”. Trương Duy nói: “Tất nhiên là được rồi, phải không Tiểu Nguyệt?”. Tiểu Nguyệt đáp: “Được, nhưng chỉ một lon thôi đấy”.
Gặp nhau sau một thời gian dài, cả hai người đều cảm thấy có rất nhiều điều để nói, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu, may mà còn có bàn cờ. Hai người chơi say sưa, sau khi hết ván, ông Ngô nằm nghỉ trên chiếc giường mà trước đây Chu Thiên Tế đã nằm. Đột nhiên, ông hỏi: “Chiếc giường này vẫn để trống à? Tôi có thể ở lại đây chăm sóc và chơi cờ với cậu được không?”.
Nghe ông Ngô hỏi như vậy, Trương Duy thấy chạnh lòng, anh đem chuyện của Chu Thiên Tế kể cho ông nghe. Ông Ngô cũng cảm động không kém. Đêm ấy, ông ở lại và ngủ trên chiếc giường ấy thật. Hai người nói chuyện mãi.
Ngày hôm sau, Trương Duy mượn mấy cuốn Kinh Phật từ chỗ Bác sĩ Trương và bắt đầu nghiền ngẫm, còn bảo Lâm Hà mang tới cho anh một số cuốn truyện và tập thơ, trong đó có tập thơ của Tagore28. Anh còn mượn cả Kinh Thánh và Kinh Koran.
28 Rabindranath Tagore (1861 - 1941) là nhà thơ, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ nổi tiếng.
Mấy ngày sau, Trương Duy viết ra những điều tâm đắc sau khi đọc số kinh sách kể trên.
Một hôm Lâm Hà đến thăm, Trương Duy đưa cho cô xem những thứ mà anh đã viết. Lâm Hà đọc chúng rất kỹ, rồi nói với Trương Duy: “Tôi cảm thấy thời gian vừa qua anh thay đổi rất nhiều, hình như anh đã bắt đầu tin theo đạo Phật, có đúng thế không?”.
“Không phải thế, chẳng qua tôi chỉ cảm nhận thế giới theo cách cổ xưa nhất của loài người mà thôi. Bây giờ thì tôi cảm thấy nghệ thuật chính là cách để bày tỏ hiệu quả và chính xác hơn cả. Tôi coi triết học chỉ là con đường giải thoát thứ hai”, Trương Duy nói.
Lâm Hà cười, đặt tập bản thảo xuống: “Hồi còn sống thầy Dị cũng đã nói với tôi câu này, thầy nói, nghệ thuật cao siêu và chính xác hơn triết học. Lúc đó tôi không hiểu và cũng không muốn tìm hiểu. Bây giờ nghe anh nói vậy, tôi đã ngộ ra. Thầy còn thường xuyên nói rằng, điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời của thầy là không biết cách thể hiện những cảm nhận của mình bằng nghệ thuật, không biết dùng nghệ thuật để mang lại niềm vui cho mình. Anh may mắn hơn thầy, anh biết làm thơ lại hiểu về nghệ thuật, càng có điều kiện để cảm nhận và hiểu về bản chất của tồn tại”.
Thực ra, những nhận thức này Trương Duy đã có từ lâu, chỉ có điều trước đây anh luôn cho rằng triết học cao hơn tất thảy, là cơ sở của mọi tư tưởng, nhưng bây giờ xem ra nhận thức này là rất nông cạn.