“Vậy sau đó chàng trai thanh mai trúc mã của vợ Lý Vĩnh An ra sao?” Hạ Thanh hỏi.
“Sau đó cậu ta như thế nào thì tôi cũng không tận mắt nhìn thấy, sau khi tôi lấy chồng bên này cũng chỉ về nhà mẹ đẻ vào ngày lễ tết gì đó, dạo loanh quanh chút thôi.” Bác gái kia nghĩ một chút lại nói: “Tôi nghe nói sau khi chàng trai kia rời khỏi thôn chúng tôi cũng không đi xa lắm, sau đó hình như là làm nghề gì trên trấn ấy, hình như là làm thợ mộc hay sao đó tôi cũng không nhớ rõ, nhưng tóm lại là không lấy vợ.”
“Tình cảm ông ấy dành cho vợ Lý Vĩnh An sâu đậm như vậy à!” La Uy hơi ngạc nhiên.
“Bởi vì thanh mai trúc mã của mình bị người ta cướp mất cho nên cả đời không lấy vợ?”
“Ai biết được chứ.” Bác gái kia bĩu môi: “Tôi chẳng tin có người có thể vì một người mà cả đời không lấy vợ, không lấy chồng gì đó. Theo tôi thấy, trừ khi là có vấn đề gì đó hoặc là có suy nghĩ khác người, nếu không không thể nào cứ sống một mình không lấy vợ như vậy được!”
La Uy và Tề Thiên Hoa đều là những chàng trai hơn hai mươi tuổi, trong công việc bình thường cũng là nhân viên xuất sắc, nhưng dù sao không phải phụ nữ, cho nên lúc phân tích những lời bác gái kia nói, bọn họ cũng chỉ để ý đến hàm nghĩa trên câu chữ mà thôi.
Nhưng Hạ Thanh thì khác, bản thân cô cũng là phụ nữ, cách tư duy hoặc là phương thức biểu đạt giữa những người cùng giới có thể sẽ giống nhau hơn, cho nên cô vừa nghe đã hiểu ngay ý tứ sâu xa của bác gái.
“Ý bà là… sau khi vợ Lý Vĩnh An lấy ông ta… vẫn dây dưa mập mờ với ông kia?” Cô dè dặt hỏi.
Bác gái kia cười khẽ: “Tôi không nói thế đâu nhé, tôi chỉ nói có thể là như vậy thôi. Nhớ lúc đó vợ Lý Vĩnh An có bầu thằng Lý Tuấn Cường nhà bọn họ, sau đó sinh ra nó thì mới bắt đầu yên phận sống qua ngày. Trước đó bà ấy còn đòi tự tử, hở một chút là muốn bỏ về nhà các kiểu! Nếu không phải sợ Lý Vĩnh An gây phiền phức cho nhà mẹ đẻ, không khéo bà ấy đã về thật chứ không phải chỉ nghĩ cho có đâu!”
“Cho nên qua bao nhiêu năm như vậy, quan hệ giữa Lý Vĩnh An và nhà vợ ông ta cũng chẳng tốt đẹp gì?”
“Ừ, đúng là thế thật, nhà vợ Lý Vĩnh An sợ Lý Vĩnh An một phép, thấy ông ta cứ như là chuột thấy mèo vậy. Tôi nhớ hình như lần vợ Lý Vĩnh An sinh con, nhà vợ Lý Vĩnh An có qua chơi một lần, thăm cháu ngoại và con gái mình một chút, sau đó Lý Vĩnh An không cho bọn họ sang thăm nữa. Vợ ông ta cũng không được về nhà, Lý Vĩnh An cảm thấy đã lấy ông ta rồi thì là người của ông ta, hở một tí là chạy về nhà mẹ đẻ thật chẳng ra thể thống gì, vợ ông ta vẫn luôn rất nghe lời ông ta, cho nên không về nữa.”
Sau khi bác gái nói xong, hình như đột nhiên nhớ ra vừa rồi mình mới nói nhà mình cùng thôn với nhà vợ Lý Vĩnh An, ngoài ngày lễ ngày tết ra mình cũng chẳng về thăm được mấy lần, nhất thời lại cảm thấy hơi xấu hổ, vội vàng chữa thẹn cho mình: “Bên này đúng là bọn họ có tư tưởng đấy, chồng tôi cũng thế thôi, nhưng ông ấy không quản được tôi. Tôi là tự cảm thấy phiền phức, với lại bên nhà mẹ cũng chẳng còn mấy ai thân thích cho nên mới không về.”
Lúc đang nói chuyện, cửa kêu kẹt một tiếng, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng trước.
“Mẹ, mẹ lại huyên thuyên cái gì với ai thế?”
Một thanh niên khoảng hơn ba mươi tuổi bước từ ngoài vào, xưng hô như vậy chắc là con trai của bác gái này, có điều cách ăn mặc và tác phong của anh ta khác một trời một vực với bác gái có vẻ ngoài chân chất này, cũng không hẳn là quá nghiêm chỉnh đàng hoàng, thậm chí còn có chút xấu và lố lăng, nhất là cái tướng láu cá và tầm thường của “trưởng giả học làm sang” kia, khác hẳn so với khí chất của đại bộ phận người dân trong thôn.
“Ơ kìa con, về rồi đấy à!” Bác gái kia vừa thấy con mình về, mặt mũi lập tức rạng rỡ hẳn lên. Bà ta kéo anh ta ngồi xuống, rõ ràng anh ta đã là một người trưởng thành hơn ba mươi tuổi nhưng trong mắt bà ta lại có vẻ rất non nớt. Bà ta vừa tràn ngập trìu mến xoa gáy con trai, vừa ân cần hỏi han: “Hôm nay con đi đâu vậy? Sao đi lâu thế? Ăn cơm chưa? Có đói không? Có mệt không?”
Dù nói thế nào thì chàng trai kia cũng là người trưởng thành, bị mẹ mình quan tâm như thế trước mặt bao nhiêu người ngoài như vậy chắc cũng cảm thấy không tự nhiên lắm. Anh ta vội vàng nghiêng sang một bên, tránh bàn tay của mẹ.
“Mẹ, để ý chút đi, bao nhiêu người ở đây mà!” Chàng trai dịch người sang một bên.
“Sợ gì chứ, bao nhiêu người ở đây thì con cũng là con trai mẹ! Mẹ quan tâm con trai là việc chính đáng!” Bác gái kia không đồng tình, tiện thể cũng có chút tự hào nhìn ba vị cảnh sát từ thành phố đến: “Để tôi giới thiệu với mọi người, đây là con trai tôi, Lý Tuấn Bình, có lẽ nó lớn hơn các vị một chút, mọi người cứ gọi nó là anh Lý là được!”
“Ôi! Không dám, không dám!” Chắc Lý Tuấn Bình cũng không ngờ mẹ mình lại giới thiệu mình như vậy, bèn vội vàng đứng dậy cẩn thận bắt tay bọn họ: “Các vị là cảnh sát từ thành phố xuống à? Vừa nãy ở bên ngoài tôi có nghe người ta nói có cảnh sát trên thành phố xuống thôn chúng tôi, còn đang nghĩ sao không thấy ai nhỉ, không ngờ lại có duyên như vậy, gặp ngay trong nhà chúng tôi!”
La Uy nhìn người có tên là Lý Tuấn Cường này, anh ta khoảng chừng ba mươi tuổi, kém mẹ anh ta khoảng hơn ba mươi năm. Nếu tính ở thời hiện tại hiển nhiên mức chênh lệch này cũng không có gì đặc biệt, dù sao bây giờ điều kiện sống cũng tốt, cách sống bao gồm cả trình độ giáo dục, áp lực công việc và các nhân tố khác đều quyết định kết hôn muộn, sinh con muộn đã trở thành xu thế. Ba mươi tuổi kết hôn, bốn mươi tuổi sinh con không còn lạ gì, thế nhưng ngược về ba mươi năm trước, lại còn là trong một thôn nhỏ thế này thì e rằng chuyện kết hôn sớm, sinh con sớm mới là xu hướng chứ.
Như vậy tính ra chênh lệch tuổi giữa Lý Tuấn Bình và mẹ anh ta có vẻ hơi lớn.
“Đây là con trai út nhà mình ạ?” La Uy còn muốn thu thập thêm một vài thông tin từ bác gái này, cho nên đương nhiên là định kéo gần khoảng cách hơn, như vậy tương đối dễ dàng để cậu ta mở rộng đề tài câu chuyện.
Không ngờ một câu nói tùy ý của cậu ta lại có vẻ động chạm đến bác gái kia, khiến sắc mặt bà ta lập tức trở nên khó coi.
“Con trai út cái gì! Tôi chỉ có duy nhất một thằng con cưng này thôi! Làm gì còn đứa nào, trai gái gì cũng không có!” Bác gái kia trả lời với giọng điệu có chút ngang.
Không ngờ bác gái này lại thuộc phái “già mới có con”, hơn nữa có vẻ như còn hơi để ý đến chuyện này. La Uy cũng không ngờ một đề tài thuận miệng của mình lại khiến đối phương phản ứng mạnh như vậy, vội vàng phẩy tay với bác gái kia: “Xin lỗi bác. Cháu chỉ thuận miệng hỏi thế thôi chứ không hề có ý gì khác.”
“Không sao không sao! Mẹ tôi có chút nhạy cảm với mấy chuyện như thế này thôi, mọi người đừng để trong lòng!” Lý Tuấn Bình vội lên tiếng: “Là thế này, thực ra trên tôi cũng từng có hai người, tôi cũng quên mất là anh hay chị rồi, dù sao thì bọn họ đều đã mất, sau đó hơn ba mươi tuổi, khó khăn lắm mẹ tôi mới sinh được tôi.”
“Thì ra là vậy, chúng tôi đã thất lễ rồi.” Hạ Thanh nghe anh ta giải thích như vậy cũng hiểu vì sao bác gái này lại phản ứng mạnh như thế: “Chẳng trách bác gái lại quan tâm anh như vậy.”
“Chứ còn gì nữa, quá quan tâm ấy chứ, có lúc tôi cũng cảm thấy hơi khó nuốt.” Lý Tuấn Bình vội vàng nói.
“Bình thường anh làm việc ở nơi khác hay là thường ở trong thôn?” Tề Thiên Hoa lên tiếng.
Lý Tuấn Bình cười khẩy đáp lại: “Bình thường tôi đều ở nhà, nhưng cũng không hẳn là ở lì trong thôn, đôi khi cũng ra ngoài làm ăn chút đỉnh. Dù sao trong phạm vi thành phố chúng ta, chỗ nào tôi cũng đến cả rồi.”
“Vậy anh kinh doanh trong lĩnh vực nào?” La Uy ở bên cạnh thuận miệng hỏi.
Ánh mắt Lý Tuấn Bình lóe lên, ấp úng nói: “Nghề nào cũng làm, không có nghề cố định…”
Ba người nghe anh ta nói vậy thì biết ý, không truy hỏi những chuyện này nữa.
“Mẹ, mọi người vừa nói chuyện gì thế? Con nghe có tiện không?” Lý Tuấn Bình cười hì hì quay đầu hỏi mẹ mình.
“Còn nói gì nữa, nói chuyện của chú Vĩnh An con chứ gì!” Mẹ Lý Tuấn Bình thở dài một hơi: “Con trai ông ta là Lý Tuấn Cường vẫn bám lấy vụ này, cứ đòi phải có một lời giải thích, không phải trước đó đã quậy ầm ĩ một trận bên nhà trưởng thôn sao. Ai biết được ông ta lăn lộn bao nhiêu năm bên ngoài như vậy rốt cuộc đã đắc tội bao nhiêu người chứ. Đúng là sống không cho người khác yên thân, chết rồi cũng không để người khác được thanh tịnh!”
“Không phải nói là ông ấy chết vì lời nguyền kia sao?” Lý Tuấn Bình lẩm bẩm với mẹ mình bằng giọng điệu nhỏ hơn ban nãy gấp mấy lần, cũng không biết là cảm thấy nói mấy lời mê tín dị đoan này có chút xấu hổ hay là trong lòng cảm thấy sợ hãi vì “lời nguyền” kia.
“Anh tin mấy lời đồn liên quan đến lời nguyền kia sao?” Hạ Thanh hỏi.
Trò chuyện với mẹ Lý Tuấn Bình từ nãy đến giờ, cô lại không thấy bất cứ dấu vết gì của việc thờ cúng “đại tiên” hay là “tượng thần” gì trong nhà chính của họ, cũng không nghe ra vẻ gì gọi là quá kính nể “đại tiên”. Hơn nữa, tối hôm trước Lý Tuấn Cường cũng nói với bọn họ rằng những người thế hệ trước đều tương đối thành tín đối với “đại tiên” kia, nhưng đến thế hệ mang tên lót là chữ “Tuấn” của thôn họ Lý này thì không còn mê tín như vậy nữa.
Bây giờ nghe Lý Tuấn Bình chủ động nói ra, Hạ Thanh cũng chợt cảm thấy hơi ngạc nhiên, muốn thăm dò quan điểm của anh ta một chút.
Lý Tuấn Bình bị cô hỏi thẳng thì cảm thấy hơi xấu hổ: “Chuyện này nói thế nào nhỉ… Cô bảo tôi tin hoàn toàn thì cũng không đúng, nói thế nào tôi cũng là đứa tốt nghiệp hết cấp hai một cách đàng hoàng, tốt xấu gì cũng phải có tí học vấn chứ. Nhưng nếu cô nói tôi không tin chút nào thì… Tôi là đứa không dám khẳng định trăm phần trăm điều gì, cho nên phải nói thế nào nhỉ? Thà tin còn hơn không!”
“Vậy anh có biết rốt cuộc chuyện lời nguyền đó là như thế nào không?” Hạ Thanh hỏi tiếp.
Lý Tuấn Bình lắc đầu: “Cái đó thì tôi không biết, bố mẹ tôi cũng không nói mấy chuyện này trước mặt tôi.”
Ba người nghe vậy bèn liếc nhìn về phía mẹ Lý Tuấn Bình ở bên cạnh.
Lúc đầu bác gái kia nghe Hạ Thanh nhắc đến chuyện lời nguyền, sắc mặt đã hơi mất tự nhiên, bây giờ thấy cô không chỉ hỏi con trai mình mà còn hỏi luôn cả mình thì lập tức thấy không vui.
“Các cô cậu đừng hỏi tôi mấy chuyện này! Tôi sẽ không kể cho mấy người nghe chuyện liên quan đến đại tiên đâu! Cô cậu cũng tích ít đức đi, đừng gài bẫy mấy người dân thật thà chất phác bọn tôi! Đi đi đi đi! Con tôi về rồi, tôi còn phải nấu cơm cho nó nữa! Không có thời gian buôn dưa với các vị đâu! Các vị đi chỗ khác hỏi thăm đi!” Bà ta vừa nói vừa đứng dậy làm tư thế đuổi người về.