Buồn ngủ đến cực độ là như thế nào?
Có phải là xung quanh không yên tĩnh hay không?
Chỉ cần yên tĩnh một chút là bạn sẽ ngủ ngay được.
Có phải là không thể gây ồn ào hay không?
Tiếng ồn ào có khi lại dễ ru ngủ nhất!
T
ôi không thể không vận động, chỉ cần dừng lại, cho dù là đang đứng tôi cũng có thể ngủ được. Ăn cơm cũng có khi ngủ gật, người khác đang nói chuyện với tôi, chỉ cần thất thần một lúc có khi tôi cũng ngủ mất. Đó chính là trạng thái của tôi khi tôi bắt đầu bước vào giai đoạn huấn luyện năm lớp mười một.
Kỳ nghỉ hè hết lớp mười, tôi mới mười lăm tuổi, đã quay ba quảng cáo: đồ uống, máy tính và sữa rửa mặt. Trước đó cũng có một vài công ty quản lý và đĩa hát tìm tới tôi, nhưng cha vẫn kiên quyết từ chối họ. Lúc đó tôi mới 14 tuổi, cha cảm thấy tôi còn quá nhỏ. Nhưng dù sao tôi cũng học ngành biểu diễn, sớm muộn gì cũng phải bước vào thế giới giải trí này, thế là năm tôi 15 tuổi, cha đã nhận lời cho tôi quay một vài quảng cáo. Quay quảng cáo đơn giản, lại cũng không mất quá nhiều thời gian, vừa vui lại nhẹ nhàng, thú vị.
Tôi đi quay với tinh thần vui chơi là chính, nhưng thực ra đây là ba quảng cáo tương đối lớn, sau khi phát có rất nhiều công ty bắt đầu chú ý đến tôi.
Năm lớp mười một, trong một buổi biểu diễn của lớp, tôi đóng vai một người chồng ngoại tình, chỉ lên diễn vào năm phút cuối cùng của vở kịch, lén la lén lút lặng lẽ chuồn ra ngoài, sau đó liền ký hợp đồng hợp tác cùng “Văn phòng Phục Ca”, cũng chính nhờ có “Văn phòng Phục Ca” giới thiệu mà tôi có cơ hội hợp tác với Công ty Đĩa hát UFO Records, từ đó, tôi chính thức trở thành một nghệ sĩ.
Khi đó tôi còn nhỏ chẳng biết gì. Thời ấy, người ta thường hâm mộ những thần tượng trẻ tuổi đẹp trai, nên công ty đĩa hát thường phải chú ý đến ngoại hình trước tiên, rồi mới xét đến những yếu tố khác. Ở cái thời ấy, công nghệ kỹ thuật và make up vẫn chưa được phát triển như bây giờ, chẳng ai biết đến trang điểm mấy, vì thế khi ký hợp đồng, người ta phải chú ý đến ngoại hình, giống như tôi và mấy thành viên của bạn nhạc Những chú hổ con ấy.
Tôi của khi ấy ngây thơ thuần chất, ưu điểm bên ngoài chính là ngoại hình, ưu điểm bên trong là rất biết nghe lời. Tôi cảm thấy tôi vào học trường Hoa Cương, sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ, bây giờ lại có công ty đĩa hát và công ty quản lý làm hậu thuẫn, như thế là tôi đã có phong thái của ngôi sao lắm rồi. Ca hát và vũ đạo không phải là thế mạnh của tôi, vì thế tôi vô cùng nỗ lực và dốc sức để tập luyện.
Tôi bắt đầu lấy hai chữ “ngôi sao” làm mục tiêu cho chính mình, ban ngày đi học ở trường Hoa Cương như bình thường, buổi tối đến phòng thu luyện thanh, tập vũ đạo, sáng sớm lại đi học.
Thế nên ban ngày lên lớp, tôi hầu như chỉ biết ngủ.
Lúc đó điều tồi tệ nhất trên gương mặt tôi chính là đôi mắt.
Khi lên lớp, phải cố gắng lấy hai tay chống để đầu không gục xuống, nhưng cho dù là chống tay hay gục đầu thì tôi cũng đều ngủ mất rồi, xung quanh xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không hề hay biết.
Trường học ở trên núi vô cùng có lợi, ví dụ như mây mù sương phủ che lấp khiến thầy giáo không thể phát giác ra bạn đang ngủ gật. Không những thế, rất nhiều người lợi dụng hiện tượng này để ăn uống trong giờ, ăn hết cả hộp cơm mà thầy cũng chẳng phát hiện ra.
Tôi cứ ngỡ rằng thời kỳ huấn luyện đó là giai đoạn thiếu ngủ trầm trọng nhất trong cuộc đời, sau này đi quay phim mới hiểu, điều đó hoàn toàn không đúng.
Tôi không hề biết gì về ca hát, vì thế công ty đĩa hát phải huấn luyện tôi từ những bước đầu tiên, luyện thanh nhạc, tập hát...
Giáo viên yêu cầu tôi lựa chọn một ca khúc mà mình yêu thích nhất, khi đó tôi rất thích nghe Vương Kiệt, vì thế đã chọn ca khúc “Quên đi em, quên đi anh” của anh ấy. Tôi bắt đầu tập hát từ ca khúc ấy, tôi cứ hát, còn giáo viên cứ sửa, cứ chỉnh.
Có đôi khi trước khi tập hát, tôi phải tập thể dục vận động cơ thể, tập lấy hơi, luyện phát âm, có khi để có thể giữ hơi, tôi còn phải tập chống đẩy hay một vài động tác khác. Chỉ với một ca khúc như vậy, mà phải luyện được cho mình tất cả từ phát âm tròn vành rõ chữ, tiết tấu, kỹ thuật cho tới cách lấy hơi...
Nhưng tôi thẩm âm và tiết tấu rất tệ. Khi phá bài tôi chẳng bao giờ nắm bắt được tiết tấu, thày dạy đi dạy lại mà không hiểu sao tôi vẫn không thể đếm nhịp được. Tôi vô cùng lo lắng khi mình chỉ có thể đếm nhịp nhanh mà không đếm được phách chậm. Thế là chúng tôi cùng nhau luyện đi luyện lại, cứ luyện đi luyện lại, thậm chí là học thuộc lòng.
“Khi em để lại cho anh một nỗi đau mà anh không hề muốn trải qua
Tình yêu suy cho cùng mãi mãi cũng chỉ là một giấc mơ
Thế giới của hai ta có quá nhiều những mâu thuẫn bất đồng
Em đã quên anh, em muốn rời xa anh
Ai đó xin hãy nói cho anh biết phải chăng anh đã hy sinh quá nhiều điều
Hãy cứ xem như đó là những điều anh chưa từng có
Hay hãy để cho chúng mãi mãi biến mất trong tâm trí của anh”
[Trích Quên đi em, quên đi anh – Vương Kiệt]
(Giải thích của dịch giả: Bài này chính là bài Tìm Dấu Yêu Xưa của Đan Trường)
Thực ra đua xe cũng cần phải biết thẩm tiết tấu, cách nắm bắt nhịp trong đua xe của tôi rất tốt mà không hiểu sao áp dụng vào ca hát lại chẳng đâu vào đâu. Khó khăn lớn nhất của tôi là đếm nhịp, bao nhiêu năm như vậy rồi mà vẫn không thay đổi được gì, luyện lâu đến mấy mà bước vào phòng thu vẫn cứ phải đau đầu. Cho dù có luyện hàng trăm lần thì ca khúc tôi yêu thích nhất của anh Vương Kiệt vẫn cứ trở thành “nỗi đau mà tôi không hề muốn trải qua”.
Trường của tôi cũng phải học vũ đạo, nhưng chỉ là những bài học cơ bản nhất mà thôi, kể cả học biểu diễn, dù có dựng cả những vở kịch để rèn luyện nhưng vẫn không thể nói là “diễn” một cách thực sự.
Học vũ đạo khó nhất là lúc ban đầu, phải học cách giải phóng hình thể, làm sao cho xương khớp dẻo dai. Ngày nào cũng phải luyện uốn chân, uốn eo... Tuần đầu tiên tôi đi đường cũng cảm thấy uốn éo xiêu vẹo, những người không học khiêu vũ không thể nào hiểu được nỗi đau này. Đàn ông luyện uốn dẻo khó hơn so với phụ nữ, nhưng khi học được những động tác cơ bản rồi thì những bài sau lại học nhanh hơn phụ nữ rất nhiều.
Tôi học khiêu vũ cũng phải học theo kiểu học thuộc lòng, học vẹt, luyện tập không ngừng nghỉ, suốt ngày luyện tập. Cũng may tôi đã từng học vũ đạo trong kinh kịch nên cũng có căn bản, phương pháp giảng dạy của giáo viên vô cùng tốt, sau một quá trình luyện tập không ngừng, cuối cùng tôi cũng biết nhảy, thậm chí bây giờ tôi khiêu vũ rất tốt.
Chuyện gì cũng thế mà thôi, cho dù không có năng khiếu, chỉ cần bạn cố gắng khổ luyện, nhất định sẽ thành công. Đối mặt với bất cứ chuyện gì, không bao giờ tôi nói rằng mình không thể, bạn làm một trăm, một nghìn, thậm chí một vạn lần, rồi sẽ có một ngày, bạn thành công!
Năm 15, 16 tuổi, ban ngày tôi đến trường học, buổi tối lại đến phòng thu luyện thanh, tập nhảy, sau đó bắt đầu thu âm để ra đĩa.
Trước đây mỗi lần thu âm đều phải thu đến hai ngày. Hai ngày ở đây là thu âm liên tục trong hai ngày, thời gian nghỉ ngơi vô cùng ngắn, chỉ tranh thủ về nhà tằm và nghỉ ngơi trong vòng một tiếng đồng hồ, một tiếng có đủ để ngủ một giấc không nhỉ? Sau đó lại tiếp tục thu âm. Tôi thường thu âm từ đêm cho tới sáng, sáng ra nếu có tiết thì lại đi học, tan học lại trở về thu âm tiếp đến sáng hôm sau. Cứ đi học và thu âm liên tục như vậy, tôi chẳng có thời gian để ngủ theo đúng nghĩa của nó, toàn phải tranh thủ ngủ trong giờ học. Giảng viên đại học cũng không nghiêm khắc lắm, tôi ngủ trong giờ cũng chẳng ai để ý. Khi đó tôi nhỏ tuổi nhất, các anh chị khóa trên và các thầy cô luôn châm trước cho tôi, ra ngoài thì các anh chị “tiền bối” cũng rất nuông chiều. Đó là thời gian vui vẻ và tự do tự tại nhất của tôi.
Thời gian dần trôi, Năm lớp 12 tôi chính thức bước vào con đường nghệ thuật, bắt đầu nổi tiếng. Tôi không có thời gian ngủ, cũng chẳng có thời gian chơi, không cảm thấy mệt mỏi, không biết rằng rồi đây mình sẽ làm những gì, nhưng cũng chẳng muốn từ bỏ. Tôi vốn không nghĩ nhiều như vậy, dù sao thì những gì cần phải làm, tôi sẽ làm, cứ như vậy.