L
ần du lịch thứ tư, chúng tôi đến đảo Kê Minh ở Sơn Đông, đồng thời sống trong căn phòng số bốn tuyệt vời nhất.
Giành được căn phòng số bốn quả thực là vô cùng vui sướng, đây là lần đầu tiên kể từ khi quay chương trình chúng tôi được sống trong căn phòng tốt như thế, có tivi, có sofa, tổ hợp đồ dùng trong nhà, chiếc gương to sáng, nền nhà bếp được lát gạch men sứ trắng sạch, còn có cả nhà vệ sinh và toilet nữa! Tuyệt đối có thể xứng với “căn hộ cao cấp” cực kỳ hiện đại hóa! Cuối cùng thì tôi không cần lo lắng đến việc phải dỗ dành Kimi – người thuộc chòm sao Xử Nữ mắc chứng “cuồng sạch”đi tiểu vào bô nữa. Để kỷ niệm chuyến du lịch được ở trong căn nhà cao cấp vĩ đại lần này, tôi và Kimi đã chụp không ít ảnh với đủ kiểu pose kỳ dị ở ngôi nhà đó, kĩ thuật chụp ảnh của Kimi càng ngày càng tiến bộ.
Thế nhưng, không ngờ buổi tối chúng tôi đi ngủ, đã xảy ra một chuyện “thần kỳ”.
Nửa đêm, tôi bỗng bị giật mình tỉnh giấc bởi tiếng đẩy cửa, tôi trông thấy một cái bóng đen thù lù bước vào, một người lạ mặt. Người lạ mặt không ừ không hử, không lên tiếng chào hỏi, chỉ cười nhìn chúng tôi một cái, bèn đi ra... nửa đêm canh ba đấy!
Khi ghi hình chương trình, vì là mượn nhà của người bản địa, chúng tôi đều không khóa cửa. Để thuận tiện cho người quay phim quay chụp, chúng tôi cũng thường không đóng cửa. Có lúc, người dân có nhiều phòng, chúng tôi còn ở cùng gia đình họ, chỉ cần không làm phiền nhau là được. Kết quả, không ngờ nửa đêm canh ba bị người ta xông vào phòng nhìn, sợ chết khiếp. Nhưng ngày hôm đó thực sự quá mệt, tôi chẳng quan tâm được đến anh ta, cứ thế ngủ tiếp.
Sau đó, tôi có kể với họ rằng nửa đêm có người vào nhìn chúng tôi ngủ, họ trêu chọc tôi rằng: “Cậu xác định là người bước vào? Không phải là thứ khác?”.
Độ hot của “Bố ơi mình đi đâu thế” là điều chúng tôi không ngờ tới. Sau khi chương trình vừa phát sóng được một hai tập, chỉ cần nghe thấy chúng tôi đến đâu quay, người dân địa phương bèn gọi họ hàng thân thích của nhà mình về xem. Cứ thế, nhân viên công tác phụ trách bảo vệ bao vây phía ngoài đã không cản được họ, bởi vì họ đều là người của thôn. Thế nên, trong quá trình quay, chúng tôi thường xuyên nhìn thấy rất nhiều người, dùng muôn hình vạn trạng biểu cảm để nhìn chúng tôi từ xa. Đứng trên cây, trèo lên tường, leo lên sườn núi phía xa, thậm chí là cầm cả ống nhòm. Những nơi tổ chương trình chọn đều hẻo lánh, khi họ đi khảo sát tình hình trước, trên đường phố lớn ở đảo Kê Minh đều vắng vẻ, không có lấy mấy bóng người. Kết quả, bởi vì chúng tôi đi quay chương trình, trên đường phố bỗng chốc chật ních người. Khi vác Kimi đi tranh phòng, trên đường đều là người cầm điện thoại chụp ảnh. Đám nhỏ đến chợ thực phẩm mua đồ, tổ chương trình quay bên này, tivi trong tiệm bên đường cũng đang phát sóng chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” số trước, cảm thấy vừa buồn cười vừa như đang xuyên không.
Mấy ngày từ Uy Hải đến đảo Kê Minh thời tiết đều xấu, địa phương còn ban bố cánh báo sóng to gió lớn. Kết quả, nghe nói là có người còn chèo thuyền ba lá lặng lẽ vào đảo. Sau này ghi hình ở trong núi, tổ chương trình đã phong tỏa đường đi, có cặp tình nhân vượt qua mỏm núi đến xem náo nhiệt. Trước đó không lâu, người dân còn tóm được một con báo trên núi. Thật nguy hiểm! Nhưng fan của “Bố ơi mình đi đâu thế” vừa điên cuồng vừa mạnh mẽ, bất kể thế nào, hy vọng mọi người nhất định phải chú ý an toàn.
Nhưng cũng có những người rất thú vị, họ không ngó ngàng gì đến chúng tôi cả. Tôi luôn là đại vương bị từ chối “đen đủi” trong các ông bố. Khi ở Bắc Kinh mượn mành cửa sổ bị từ chối, ở Vân Nam xin ăn chực cơm bị từ chối, ở đảo Kê Minh cũng vậy, cá mà chúng tôi bắt được nhỏ xíu, vừa khéo tôi nhìn thấy một ông lão ra biển đánh cá về, tôi và thầy Quách ngỏ ý với ông lão rằng muốn mua cá to của ông. Nhưng ông lão chỉ nói, “Tôi để ăn! Không bán!”, rồi quay đầu bước đi. Mua cá cũng bị từ chối! Xấu hổ quá đi!!
Theo từng lần ghi hình, tài nghệ nấu nướng của tôi cũng có tiến bộ vượt bậc. Kimi thích ăn cá, trên đảo, tôi đã làm một bữa ăn hải sản thịnh soạn cho thằng bé.
Xem chương trình ghi hình lần du lịch thứ ba, Trương Lượng làm món cá kho, làm thế nào để dùng sống dao đánh vẩy cá, làm thế nào để mổ cá nhét gừng vào trong khử tanh, tôi bèn học theo, cuối cùng đã học được cách làm món cá kho. Lại dựa vào cảm giác để nắm bắt tỉ lệ của các loại gia vị, cuối cùng đã làm được món cá kho thành công mĩ mãn cho Kimi. Kimi về nhà còn kể với mả mí là món cá tôi làm ngon lắm, tôi được cổ vũ, càng tự tin gấp trăm lần.
Lần này, tôi thách thức chính mình bằng món cá hấp! Bởi vì tôi cảm thấy nó đơn giản hơn một chút. Đánh vảy cá, khử tanh, tự nêm nếm gia vị, cho vào nồi hấp là xong. Sau khi bắc ra khỏi bếp, nếm thử, ừm, hương vị không tồi mà!
Tôi còn bắt được rất nhiều cá con, cứ rửa sạch rồi cho vào rán, vừa đơn giản vừa nhanh gọn. Còn có cả cua nữa, cầm dao rạch ra, tôi thích ăn gia vị gì thì sẽ cho gia vị ấy, dựa vào cảm giác để ước chừng tỉ lệ, cứ vậy cho vào nồi xào, một bữa hải sản đã hoàn thành! Trước khi dùng cơm, tôi còn nhờ nhân viên công tác chụp ảnh tôi cùng Kimi để làm lưu niệm, đây là bữa ăn hải sản thịnh soạn lần đầu tiên tôi vào bếp đấy!
Càng ngày Kimi càng thích ứng với môi trường của chương trình, tôi để thằng bé giúp mình trông chừng mẻ cá vừa được rán xong và đuổi ruồi, nào ngờ tôi vừa đi khỏi, thằng bé đã lén ăn vụng, đáng yêu quá đỗi.
Tổ chương trình hệt như những ông bố bỉm sữa, càng ngày càng “biết sống qua ngày”, càng ngày càng tiết kiệm. Nhiệm vụ mới của chương trình là để các bạn nhỏ dùng bốn mươi đồng tự đến chợ thực phẩm mua đồ. Sau khi Kimi độc lập hoàn thành nhiệm vụ ở lần trước, tôi không còn lo lắng về tính tự lập của thằng bé nữa. Mua thực phẩm còn tăng thêm thách thức về trí nhớ, tôi đã nói với nó rằng mình muốn có trứng gà, hoa quả, và rau là được, nhiều quá thằng bé sẽ không nhớ nổi. Quả nhiên, cuối cùng Kimi đã mua về một quả trứng, một quả táo, một quả cam, một cây cải thảo và một vài quả cà chua nhỏ, còn thừa lại rất nhiều tiền. Tôi hỏi thằng bé: “Sao con không tiêu hết tiền vậy?”. Kimi nói: “Như vậy chúng ta sẽ không có tiền nữa”. Kimi, con cũng càng ngày càng biết sống qua ngày rồi đấy!
Dùng những thực phẩm này, tôi vẫn có thể nấu được một bữa ăn thịnh soạn: cà chua trứng gà rang cơm, cải thảo xào tái, táo và cam làm thành salad hoa quả, vừa ngon miệng vừa dinh dưỡng. Người của tổ đạo diễn đều nói: Kimi là “thần mua sắm”, còn anh là “thần nấu nướng”!
Cái dở của lần này,ấy là Kimi độc lập lại khóc lóc tủi thân nhất, suy sụp nhất kể từ khi tham gia chương trình tới nay.
Chiều tối, thằng bé đang ngủ mơ mơ màng màng, thì bị tôi gọi dậy. Bởi vì phải bầu chọn bằng phiếu cho ông bố chăm sóc bọn trẻ vào buổi sáng hôm sau, các bạn nhỏ chỉ có thể chọn ông bố khác. Nhưng Kimi vừa vào cửa nhìn thấy ảnh của tôi, liền chọn tôi. Sau đó, bất kể nhân viên công tác có giải thích với thằng bé rằng không thể chọn bố của mình như thế nào, thì thằng bé đều không ngó ngàng. Nhóm biên đạo càng nói thằng bé càng ấm ức, cứ khóc lóc nói “Con muốn chọn bả bí của con”.
Tôi ở ngoài không biết, thấy thằng bé nức nở bước ra, hỏi nó chọn ai. Trước mặt tất cả các ông bố, thằng bé chỉ khóc. Biên đạo nói nó chọn tôi. Nhưng chương trình yêu cầu chọn ông bố khác, nó cứ ôm lấy tôi khóc mãi, khóc mãi, nói “Con muốn chọn bả bí”. Trái tim tôi như sắp bị tiếng khóc của nó làm cho vỡ tan, nó còn chưa tỉnh ngủ, đang mơ màng, thì bị yêu cầu chọn bố của người khác, nó không hiểu tại sao không thể chọn bố của mình, tôi có bố của tôi mà. Tôi đành phải an ủi nó, nói đây chỉ là trò chơi thôi. Đợi khi về nhà mà thằng bé vẫn khóc, cả quá trình uống sữa cứ sụt sịt, vô cùng đáng thương.
Cuối cùng, ăn cơm tối xong, sắp đi ngủ, tâm trạng của thằng bé mới tốt lên. Tôi ôm nó, giải thích cho nó hiểu, “Sáng ngày mai, bả bí phải ra ngoài hoàn thành nhiệm vụ, con tỉnh dậy sẽ không nhìn thấy bả bí đâu đấy nhé”. “Thế còn nhiệm vụ của con ạ?”, thằng bé chủ động hỏi. “Nhiệm vụ của con chính là sau khi ngủ dậy, sẽ chơi cùng các bạn nhỏ, đợi bả bí quay về. Được không?”. Thằng bé nghe thấy “chơi” bỗng hào hứng lắm, “vâng!” một cách sảng khoái. Ngày hôm sau, thằng bé vô cùng ngoan ngoãn, không nhìn thấy tôi cũng không quấy, cùng các bạn nhỏ chơi đùa vui vẻ.
Bởi vì Kimi, tôi từ “Lâm Chí Dĩnh” đã biến thành “Bả bí của Kimi”. Lần đầu tiên nghe thấy xưng hô này, là đến từ một bé gái chào đời vào năm 2011. Trông thấy tôi, cô bé dạt dào hưng phấn gọi tôi, “Bả bí của Kimi, bả bí của Kimi, Kimi đâu rồi ạ?”. Tôi vô cùng vui vẻ, dù thế nào bạn cũng không ngờ rằng, còn có người thuộc thế hệ 10X biết bạn, đây hoàn toàn là thu hoạch bất ngờ. Mặc dù cô bé là fan của Kimi, nhờ Kimi tôi được thơm lây, nhưng không sao cả, Kimi là niềm tự hào của tôi.