L
ần du lịch bắt đầu từ núi Mã Lan là lần tôi cảm thấy buồn cười nhất.
Buồn cười nhất, đương nhiên là phần hóa trang của năm người chúng tôi.
Ngày hôm ấy, biết chúng tôi phải cải trang, chơi “cosplay” (sắm vai) xuyên không, niềm mong chờ cứ dâng ngập lòng tôi. Tôi được phân vào vai của ông lão thần tiên, nhưng đường đến nơi hóa trang quá xa, tổ chương trình cho phép tôi lái xe moto qua đó, người dân trong thôn đã có lòng cho tôi mượn xe moto của mình.
Mấy lần du lịch này, bất kể là máy kéo, xe ba bánh điện hay là xe tải nhỏ kéo hàng, đều không ngăn được tôi vừa lái xe vừa khoe phong cách đẹp mắt của tay đua. Dù là xe 125cc, thì tôi vẫn có thể làm toát ra được phong thái của xe phân khối lớn. Nhưng trên đường đi, tôi vừa tỏ ra đẹp trai vừa nghĩ, khi quay trở về ông lão thần tiên cũng phải đi xe moto về sao? Buồn cười như thế á?
Kết quả, vừa bước vào cánh cửa của gian phòng hóa trang, Điền Lượng – đang “hóa trang” được một nửa bỗng cười ngất. Mắt của cậu ta được dán thành mắt một mí, cho người ta cảm giác cả ngũ quan phải chen chúc một chỗ, chắc chắn là Cindy không thể nhận ra được.
Tôi phải biến thành một lão đạo có mái tóc bạc phơ, lông mày bạc phơ, bộ quần áo màu trắng. Giờ phải bắt đầu từ “lão” trước đã. Đội tóc giả, dính lông mày vừa dài vừa trắng, còn phải đeo cả chòm râu trắng nữa. Hóa trang thực ra là một công trình vô cùng phức tạp, càng tinh vi càng tốn thời gian. Phần hóa trang của tôi vẫn được coi là đơn giản, chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ. Phần hóa trang của thầy Quách Đào phức tạp nhất, tốn những bốn năm tiếng đồng hồ.
Hóa trang xong tôi bèn đi thay đồ, thì nhìn thấy Điền Lượng – người đã hóa trang thành một cảnh sát xa lạ cực kỳ nghiêm túc. Cậu ta đội tóc giả, đeo kính, khoác lên mình bộ cảnh phục, quả thực là không tài nào nhận ra được. Nhưng trông cậu ta sao mà giống kẻ xấu thế, chẳng giống cảnh sát gì cả, ha ha. Bên cạnh là Trương Lượng – làn da bị bôi đen nhẻm, vẫn chưa tạo hình tóc, nhưng nhìn đã buồn cười lắm rồi.
Mặc xong trang phục của đạo trưởng xong, vừa bước chân ra ngoài thì gặp ngay thầy Quách Đào, hai chúng tôi vừa cười vừa nhìn đối phương từ đầu đến chân. Thầy Quách đã hóa trang thành một người có cái đầu trọc to, nhẵn bóng, khuôn mặt do được dùng khuôn (đổ khuôn cục bộ) và nhựa cao su, đã biến thành ông bụt mặt cười, hoàn toàn không còn cảm giác uy nghiêm, góc cạnh và tạo hình của đàn ông đích thực Tây Bắc trước kia nữa. Râu cũng đã được cạo sạch, cứ cười cười mãi, cảm giác vô cùng thân thiết, mỗi khi tỏ vẻ đáng yêu là trông hệt như “cụ rùa biển” trong bộ phim “Tây Du Ký” vậy. Thạch Đầu chắc chắn sẽ thích anh ấy cho mà xem, phải nói rằng quá buồn cười.
Tôi từng diễn không ít vai võ hiệp cổ trang, nhưng trước giờ chưa từng diễn kiểu vai “ông lão thần tiên lái xe moto”, người bên cạnh đều cười ngặt nghẽo. Đạo bào rất dài, vừa ngồi lên xe trang phục đã bị mắc kẹt, thợ phục trang và trưởng thôn vừa giúp tôi kéo trang phục vừa cười rũ rượi, khó khăn lắm mới thu hết mớ trang phục lên được, chưa kịp đi đã lại rơi xuống. Ông lão ở cửa thân thiện đứng dậy, chu đáo giúp tôi thu gọn toàn bộ, sửa sang đâu vào đấy. Tôi mới phát hiện ra, hả! Ông lão này là đạo diễn Vương đây mà! Ha ha ha, anh ấy đáng yêu quá đi mất! Đạo diễn Vương đích thị là một diễn viên xuất sắc! Anh ấy nhập vai vô cùng nhanh, giống y như thật vậy, diễn tốt như này mà làm đạo diễn quả là phí tài năng quá. Sau đó, khi chúng tôi cùng dỗ dành Angela, anh ấy cực kỳ lợi hại, không hề để lộ sơ hở, gần như là lừa được cả tôi.
Tôi cũng cảm thấy mình buồn cười, còn đại hiệp lông mày trắng nữa. Kết quả, lái xe moto đi qua con đường nhỏ ở thôn quê, hù dọa cả bạn nhỏ bên đường.
Khi hóa trang, họ để tôi đoán phản ứng khi Kimi nhìn thấy mình, có nhận ra tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên hay không. Tôi cảm thấy chắc chắn là không. Lông mày tôi dài như thế này, mái tóc thì bạc phơ, còn mặc đồ cổ trang. Theo Kimi thấy, có lẽ tôi là một người vô cùng kì quái, nó sẽ không dám đến gần, thậm chí có khả năng sẽ òa khóc vì sợ nữa.
Để tránh việc thằng bé không dám đến gần tôi, tôi đã nghĩ ra một cách, để nhân viên công tác phối hợp với tôi “diễn kịch”, điều khiển máy bay để thu hút thằng bé. Như vậy, không những thằng bé sẽ chú ý đến tôi, mà còn có khả năng tin tôi chính là thần tiên.
Kimi đáng yêu quả thực là vô cùng ngây thơ và buồn cười, thằng bé thực sự tin tôi là thần tiên.
Lần này, từ đầu tới cuối Kimi đều là cậu bé vừa đen đủi vừa ấm áp, vừa buồn cười hết sức.
Chúng tôi vừa tới Trường Sa, bữa sáng thằng bé đã bị vị cay hành tới độ biến thành khuôn mặt quả táo đỏ. Bởi vì những món ăn của nhà tôi đều thanh đạm, chúng tôi hoàn toàn không ăn được cay, nên khi gọi món phở bò, tôi đã nói với ông chủ là đừng cho cay, ông chủ quả thực không cho cay, nhưng thịt bò vốn dĩ chính là thịt bò cay.
Vừa tới Bình Giang, thằng bé tìm Angela chơi, vừa vào cửa đã bị ngáng chân, ngã một vố. Mọi người bắt cá chạch, thằng bé đầu tiên là bị nước bùn bắn vào mắt, sau đó giày lại bị bùn đất lọt vào, chân bị dính đất, ngã nhào, hai tay nhơm nhớp bùn. Cái đó quả thực là vô cùng bẩn, bởi vậy mà biểu cảm của thằng bé méo mó nhất.
Khi xem múa rối bóng, thằng bé hưng phấn chạy đi xem, đụng phải máy móc, mũi bị cứa một mảng da, sưng phù. Thằng bé mắt loang loáng nước, nước mắt còn chưa kịp chảy hết, nghe thấy tiếng chiêng trống, lại chuyên tâm xem tiết mục biểu diễn!
Sáng hôm sau, nhận được thẻ nhiệm vụ, nó hưng phấn lắm, khi trèo lên bậc thang lại bị ngã một vố. Khi chúng tôi hóa trang, chúng chăm sóc các em nhỏ, giặt quần áo giúp các em. Trời mùa đông, “tõm” một cái, thằng bé rơi xuống hồ nước. Thợ quay phim đi theo vội vàng đưa thằng bé lên, thằng bé còn nói “thú vị quá!”, bởi vì nó nhớ tới cảnh tượng mọi người cùng nhảy xuống hồ bơi khi chúng tôi kết hôn.
Thay xong trang phục chuẩn bị đi, để tỏ vẻ đẹp trai và tạo pose, thằng bé bèn đi giật lùi, lại một màn ngã ngửa. Bản thân thằng bé cũng cảm thấy lần này ngã đủ rồi, tự sáng tạo ra câu “Lại nữa rồi! Kimi lại nữa rồi!”, kiểu câu bắt buộc phải dùng để bày tỏ sự đen đủi hoặc khi sắp thua.
Điều buồn cười hơn là, nó cứ hỏi người bên cạnh, “Có buồn cười không ạ? Quá buồn cười phải không ạ? Con buồn cười không ạ?”, sau đó tự hỏi tự trả lời, “Buồn cười quá! Con buồn cười quá đi mất!”.
Mỗi lần đến một nơi, Kimi lại có sự trưởng thành và tiến bộ. Lần đi này thằng bé ngã sáu lần bảy lượt, bất kể là nghiêm trọng hay không, thì đều lập tức đứng dậy tiếp tục nô đùa. Tôi cảm động lắm, thằng bé tiến bộ nhanh hơn tôi.
Khi phải đổi bố, tôi luôn lo lắng cho thằng bé, nhưng nó lại thể hiện cho chúng tôi thấy sự chịu đựng và kiên trì hệt như một chàng trai. Đến buổi tối khi đi ngủ, đối diện với căn phòng ngủ trống rỗng, nó nhớ tới chúng tôi, mới tủi thân lẳng lặng quệt nước mắt, mà không khóc um lên. Bởi vì Kimi ngủ thông thường chỉ để mả mí ở bên cạnh, cho dù làm xong chương trình về nhà, tôi muốn dỗ nó ngủ, thì nó cũng chỉ cần mả mí, “Con muốn mả mí ở bên con, ban ngày con sẽ tìm bả bí chơi”, nó phân chia rõ ràng, khi ghi hình chương trình mới lựa chọn chấp nhận cho tôi dỗ đi ngủ.
Khi xem đoạn video này, tôi và mả mí của thằng bé đều lẳng lặng rơi lệ, quá nhiều cung bậc cảm xúc, cảm động, xót xa xen lẫn hạnh phúc.
Kimi là một đứa nhỏ vô cùng đơn thuần, nó tràn đầy lòng hiếu kì và tưởng tượng về thế giới này, nghiêm túc và một lòng đối với thứ nó thích. Thế giới của nó tràn đầy sự hoang tưởng lãng mạn, ngọt ngào vàrất đỗi tươi đẹp.
Ngày hôm sau tỉnh giấc, Kimi nhìn thấy tôi, nó vô cùng hưng phấn: “Giờ con có bả bí Tiểu Chí rồi!”.
Kimi rất hay ngại ngùng, nhưng tôi phát hiện vào thời khắc mấu chốt, thằng bé luôn dũng cảm và lạc quan, nó đang nghiêm túc cảm nhận cuộc sống trong mỗi chuyến du lịch. Không ngừng thử, và sự trưởng thành của nó đang lẳng lặng được vun đắp qua từng lần nhiệm vụ.
Đây quả thực là ý nghĩa và thu hoạch lớn nhất khi chúng tôi tham gia chương trình.