N
ói tôi nghịch ngợm ư? Ấy thế mà khi còn nhỏ, tôi lại là một đứa trẻ vô cùng trầm lặng đấy nhé! Hai tính cách đối lập ấy lại cùng tồn tại trong một con người, khiến người ta khóc không được mà cười cũng chẳng xong.
Tôi trầm lặng đến mức độ nào?
Ba tuổi mới bắt đầu mở miệng nói.
Tôi trầm lặng đến mức độ nào?
Trước năm mười tuổi, tôi thường bị nhận lầm là con gái.
Với mái đầu được tạo hình kiểu quả dưa úp lên, lại còn để mái bằng đằng trước, kiểu tóc ấy thời đó đang thịnh hành lắm, cũng vì thế mà người ta cứ tưởng tôi là con gái.
Các cô các chú các bác đến chơi nhà tôi lần đầu đều xuýt xoa: “Ôi chao con gái nhà anh chị dễ thương quá đi thôi!”. Những lúc như vậy tôi đều vô cùng tức giận, thường xuyên đính chính cho bằng được: “Con không phải là con gái, con là con trai mà!”.
Trước năm tôi mười tuổi, mẹ tôi rất thích để các kiểu tóc của con gái cho tôi. Lúc ấy tôi vô cùng nhút nhát, hay xấu hổ, không thích nói chuyện, tính cách hướng nội, chả trách người ta hay lầm tôi là con gái. Căng thẳng nhất là những khi có việc gấp gáp phải vào nhà vệ sinh, các anh các chú tốt bụng cứ nhất định phải cản tôi lại: “Cô bé ơi, cô bé đi nhầm rồi, đây là nhà vệ sinh nam mà”.
Qua được vòng ngoài thì lại tới vòng trong, bị ngăn cản quá nhiều, tôi bực dọc đành phải trợn mắt lên hét lớn: “Tôi là con trai, tôi không phải con gái, có cần tôi chứng minh cho mọi người xem không?”.
Đến năm lớp ba, lớp bốn gì đó, tôi thực sự không thể chịu đựng thêm được nữa, đành phải xin phép cha mẹ cho cắt tóc theo kiểu con trai. Tới tiệm cắt tóc, tôi chỉ nói đơn giản một câu với người ta: “Cháu muốn cắt kiểu tóc của con trai!”. Kể từ đó trở đi, mái tóc của tôi mới được cách mạng triệt để trở thành kiểu tóc ngắn thông thường của con trai.
Việc bị hiểu lầm là con gái đã trở thành một bóng đen rất lớn in sâu trong tâm trí tôi. Sau này lớn lên, tham gia diễn xuất Hiệp Đạo chính truyện, tôi phải đóng giả nữ, còn phải cải trang tới hai lần, một người là một cô thôn nữ, một người là một nghệ sĩ Nhật Bản. Những ký ức thuở ấu thơ lại hiện lên trong đầu tôi, tâm trạng vô cùng rối bời hoang mang, tôi không ngừng thuyết phục chính mình, rốt cuộc cũng coi như hoàn thành xong vai diễn ấy. Có điều, cải trang thành con gái xong, tôi bất ngờ nhận ra bản thân lại có cảm giác mới mẻ (haha), thậm chí còn không nỡ thay ra (Tôi nói đùa đấy).
Đến năm ba tuổi tôi mới biết nói, tuy rằng người ta hay nói những điều quý giá thì thường đến rất muộn, nhưng cha mẹ tôi vẫn rất lo lắng, thậm chí cha còn lo rằng tôi sẽ bị câm. Ngay cả khi biết nói rồi tôi cũng rất ít nói, hay xấu hổ, giống hệt như Kimi bây giờ.
Trầm lặng ít nói không có nghĩa là tôi không nghịch ngợm, không phá phách. Khi tôi còn nhỏ, còn có một biệt hiệu là “Chú mèo nghịch ngợm”, biệt hiệu này là nhờ biết bao vụ gây rối khiến người lớn đầu bù tóc rối mà ra. Cha còn phải thuê riêng một bảo mẫu cho riêng tôi là đủ biết tôi cần phải trông coi như thế nào rồi.
Lúc ấy sự nghiệp của cha tôi mới vừa bắt đầu, phần lớn là mẹ phải trông coi tôi. Theo như lời mẹ tôi nói thì tôi là một đứa trẻ vô cùng, vô cùng thích vận động.
Khi đó nhà tôi ở khu trung tâm nhất đoạn đường Trung Hiếu Đông, người đi lại đông, xe cộ ùn ùn, rất nguy hiểm. Cha mẹ vô cùng nghiêm ngặt yêu cầu anh em tôi tuyệt đối không được tự ý chạy ra khỏi cửa.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi về thời ấu thơ chính là cùng các anh chị em chơi ở nhà, cùng giành giật đồ chơi của nhau, không ai chịu nhường ai, huyên náo ầm ĩ, nhưng cũng rất vui. Nhà có đông anh chị em là một điều vô cùng may mắn hạnh phúc, không bao giờ thấy cô đơn, tuy rằng không tránh khỏi những lúc cãi nhau, nhưng rồi cũng quên hết nhanh thôi, vừa mới cãi nhau đến đỏ mặt tía tai, sau đó lại làm lành như lúc đầu ngay được, tất cả dính lấy nhau, giống như năm đứa trẻ hồi chúng tôi quay Bố ơi mình đi đâu thế.
Nhắc mới nhớ, anh trai và em trai tôi đều rất biết nghe lời, thuộc diện ngoan ngoãn, hằng ngày đều có thể yên ổn ngồi trong nhà. Nhưng tôi thì rất khỏ bảo, cứ như thể bị tăng động bẩm sinh vậy, chẳng đứng yên được một phút nào, hơi một tý là lại đòi ra ngoài chơi.
Mẹ không đồng ý chứ gì? Ok tôi cũng không nói thêm gì nữa, ngoan ngoãn ngồi chơi trong nhà.
“Rầm, choang”
“Cót két”
“Tính tang”
“Pạch pạch”
“Loảng xoảng”
“Rắc rắc”
“Rừm rừm”
“Èn èn”
…
Rõ ràng chỉ có mỗi một đứa ngồi chơi trong phòng mà nghe như hiện trường đại chiến giữa các vì sao. Chỉ cần nhìn cảnh tôi chơi ô tô đồ chơi, đâm chỗ nọ húc chỗ kia, chạy loạn cả gian nhà, miệng còn không ngừng hò hét, rốt cuộc mẹ tôi cũng chỉ đành bất lực mà hét lên: “Thôi con ra ngoài đi, ra ngoài đi!”.
Thế là tôi đã đạt được mục đích rồi. Tôi đã vượt qua được cửa ải của mẹ tôi.
Ra ngoài rồi tôi mới thấy thực ra cũng chẳng có gì để làm, thế là tôi chạy vài vòng quanh tòa nhà, rồi lại chạy vài vòng quanh công viên ở dưới nhà, tìm xem có bạn nhỏ nào ở đó không. Chạy tới chạy lui rồi cũng chán, tôi lại quay về nhà.
Về đến nhà đại khái tôi cũng có thể yên lặng chơi được khoảng mười phút. Sau đó tôi lại bắt đầu suy nghĩ, tôi phải làm gì đó, tôi phải làm gì đó. Tôi lại bắt đầu cảm thấy dường như ngoài kia đang có chuyện gì lớn lắm, hay ho lắm, cứ như thể tôi là Thần Núi ở khu này vậy, không thể bỏ qua bất cứ một sự việc hiện tượng nào. Thế là cái màn trình diễn lúc nãy lại được lặp lại một lần nữa.
“Rầm, choang”
“Cót két”
“Tính tang”
“Pạch pạch”
“Loảng xoảng”
“Rắc rắc”
“Rừm rừm”
“Èn èn”
Mẹ tôi lại quát lên, tôi lại đạt được mục đích, chạy ra ngoài làm vài vòng nữa.
Tôi rất thích chạy ra ngoài như thế, có lẽ không phải bởi vì ở bên ngoài chơi rất vui, mà là tôi thích tận hưởng cảm giác được tự do thoải mái chạy đi rồi lại chạy về, chạy về rồi lại chạy đi như vậy.
Nhưng tôi chưa bao giờ tự ý lén lút bỏ chạy ra ngoài.
Lúc đó tính cách tôi hướng nội lại ít nói, thực ra là rất nhát gan, không dám tự ý chạy ra ngoài. Nhưng cũng chính vì lí do đó mà tôi lại càng cố chấp, càng kiên trì với sở thích của mình.
Tôi thích xe, anh trai tôi có một chiếc, thực ra tôi có thể chơi cùng anh, nhưng tôi cứ nằng nặc đòi một chiếc cho riêng mình, mà nhất định phải giống y hệt chiếc xe của anh.
Hồi nhỏ, chúng tôi phải tham gia một buổi cắm trại, tôi phải diễn vai hề nên mới hỏi mẹ vai hề thì phải mặc như thế nào. Nhưng mẹ biết đi đâu mà tìm trang phục của chú hề đây? Tìm thì không tìm thấy, muốn mua cũng không biết bán ở đâu. Nhưng ngày hôm sau là tôi phải mặc rồi. Những bạn khác thì mặc tùy tiện bừa bãi một bộ đồ cũ kỹ nào đó là được, nhưng tôi thì không. Tôi nhất định đòi mẹ phải có một bộ đồ đúng của chú hề. Mẹ tôi đành phải tìm khắp nhà mới ra được tấm rèm cửa sổ, cắt rồi may cả đêm, đến khi trời gần sáng mới được một bộ đồ của chú hề khiến cho tôi hoàn toàn hài lòng.
Tính cách ưa vận động của tôi được thể hiện trên phương diện tôi rất hay phạm lỗi, hay phá hoại. Mà kiểu phá hoại của tôi, có lẽ được xếp vào loại nghịch ngầm.
Tôi vô cùng yêu thích công việc tách những tép pháo ra rồi liên kết chúng lại, tạo thành “liên hoàn pháo” hoặc “thuốc nổ” để chơi. Có lúc đứng trên ban công nhìn thấy bác bảo vệ ngồi ngủ ở tầng dưới, tôi sẽ lén trèo xuống, buộc hai dây giầy ở hai chiếc của bác ấy lại với nhau. Sau đó tôi sẽ nhẹ nhàng chạy ra xa, rồi châm ngồi cho “liên hoàn pháo nổ” mà tôi mới sáng chế, ném vào chân bác ấy và trốn vào một góc xem trò vui.
“Đoàng đoàng”, tiếng nổ dền vàng làm cho bác bảo vệ choàng tỉnh. Bác ấy định đứng dậy nhưng hai chân lại bị buộc vào với nhau nên ngã nhào ra đất, nhìn thấy bác ấy thê thảm như vậy, tôi được trận cười ngặt nghẽo.
Bây giờ mỗi khi nghĩ lại những trò đùa tác quái thời ấu thơ, tôi vẫn thấy có chút hổ thẹn.
Tôi của khi còn nhỏ chính là như vậy: ít nói, ưa vận động, nhát gan, nhưng vô cùng kiên trì cố chấp với những điều mà mình thích, những lúc ấy lá gan lại trở nên vô cùng lớn. Đừng bao giờ để khuôn mặt vô tội đáng thương của tôi lúc ấy đánh lừa nhé!