C
ánh diều có thể tự do tự tại bay lượn trên bầu trời cao vợi bởi vì có một sợi dây luôn giữ chặt lấy nó, tiếp thêm sức mạnh và xác định phương hướng cho nó.
Cha tôi thường nói, anh chị em chúng tôi đều là những cánh diều do chính cha tạo ra, cha là người luôn cố gắng hết mình để những cánh diều của mình có thể bay cao bay xa. Nhưng người thả những cánh diều bay cao bay xa ấy lại chính là một “nghệ nhân” đã từng khao khát được tự do bay nhảy trên không trung.
Vai nam chính trong bộ phim dài tập đầu tiên phát sóng trên Đài Truyền hình Đài Loan là do cha tôi – Lâm Đức Hùng đảm nhiệm. Ông cùng với ảnh đế Trần Tùng Dũng cùng nhau đảm nhiệm hai vai trong bộ phim truyền hình Tiệm A Công. Hồi đó ở Đài Loan, Đài Thị là đài truyền hình duy nhất. Thế nên bộ phim truyền hình 16 tập ấy đã giúp cha tôi nổi danh suốt một thời gian dài. Sức hút của ông lúc ấy vượt xa tôi thuở mới vào nghề.
Cha kể thời đó người dân rất thật thà, có khi khán giả còn cho cả vàng vào phong bao lì xì rồi ném lên sân khấu, ai mà tốt số phải nhặt được vài bao. Cha còn kể có lần ông đi lưu diễn, khi lên sân khấu thấy hai hàng ghế đầu chỉ có mỗi một người ngồi, còn mấy hàng ở dưới thì người đông nghìn nghịt, chen lấn xô đẩy nhau. Ông hỏi nhân viên ở gần đó thì họ bảo bởi vì người phụ nữ ngồi hàng đầu ấy đã mua hết số ghế của hai hàng đầu rồi, coi như bao trọn cả hai hàng đó để xem cha diễn.
Thời ấy chỉ có tivi đen trắng, phim hay chương trình truyền hình đều phải phát trực tiếp. Diễn trực tiếp, phát tín hiệu trực tiếp, hiệu quả chính là những gì bạn nhìn thấy trên tivi. Vốn dĩ chẳng có khâu chế tác hay là kỹ thuật hậu kỳ gì cả, cũng không thể NG (quay lại), nên không được phép sai sót. Cha tôi là nam chính trong bộ phim lúc tám giờ (giờ vàng) nhưng khả năng thuộc lời thoại của ông vô cùng kém, thường xuyên nói sai, điều này khiến cha rất phiền muộn.
Thế mạnh của cha là khiêu vũ. Cha nói thực ra mình là một nghệ sĩ tổng hợp, nghề diễn tạm thời để sinh nhai ấy thực sự là một bước đi sai lầm haha. Sau này khi cùng ông tham gia một tiết mục phỏng vấn, quả nhiên ông đã chứng minh mình là một nghệ sĩ tổng hợp. Lầnđó nhạc công chơi bất cứ điệu nào, dù là rumba, chachacha hay walt, ông đều có thể nhảy theo nhạc một cách nhuần nhuyễn.
Mười lăm tuổi cha đã bắt đầu tập nhảy, tất cả đều là tự học thành tài. Cuộc sống thời thơ ấu của cha vô cùng vất vả, phải làm người bưng trà rót nước cho một phòng tập nhảy. Khi đưa trà, ông đã chăm chú quan sát xem giáo viên dạy các học viên nhảy như thế nào, đợi đến khi mọi người về hết, cha mới len lén quay vào phòng học để luyện tập.
Cha là một người hướng ngoại, dám nếm trải, dám thử thách. Ông có thể bước chân vào làng giải trí hoàn toàn nhờ vào sự dũng cảm của mình.
Trước khi nhập ngũ, cha từng đi đây đi đó, khiêu vũ cho người ta xem, vì thế mới được một vài giáo viên dạy nhảy dẫn dắt vào làng giải trí. Sau khi nhập ngũ, cha lại được phân vào đội văn nghệ, có một lần đội có buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, cha nhìn thấy có một người trong giới nghệ sĩ mà cha biết, sau khi diễn xong bèn lân la làm quen với người đó. Người đàn anh đó rất vui vẻ trò chuyện cùng cha, thấy ông vẫn chỉ là một chân quèn trong đội văn nghệ thì vô cùng kinh ngạc, liền nói với đội trưởng của đội cha rằng: “Các anh mau cho cậu ấy vào đội đi, cậu ấy khiêu vũ rất giỏi!”. Từ đó, cha tôi chính thức trở thành vũ công của đội văn nghệ.
Cha là một người rất chịu thương chịu khó, sự chịu thương chịu khó ấy đã mang đến thành công cho ông. Phẩm chất ấy cũng dần dần thấm nhuần trong tôi.
Chúng ta nói về Đội văn nghệ trước nhé! Mất bao công sức cha mới có thể tập thành công vũ điệu mà cha yêu thích, từ đó liền mở rộng sang chuyên ngành biên đạo. Để thường xuyên cập nhât, cha luôn thưởng thức và sáng tạo ra những động tác mới mọi lúc mọi nơi, tập đủ loại tư thế, một ngày có khi chỉ ngủ có ba tiếng đồng hồ. Cha còn trẻ mà đã rụng rất nhiều tóc, thường xuyên kiệt sức tới ngất xỉu, phải đi bệnh viện truyền nước liên tục mới qua khỏi. Những nỗ lực không ngừng của cha cuối cùng cũng có kết quả, cha trở thành biên đạo chính của Đội văn nghệ, nhờ vậy mà được Đài truyền hình Đài Loan tuyển chọn, ký hợp đồng quay phim.
Cha ở Đài truyền hình làm việc được hai năm thì phát hiện ra mình không phù hợp với nghề diễn, thế là cha bắt tay vào làm kinh doanh, từ đó trở đi cha trở thành người vô cùng bận rộn.
Ba đã từng làm rất nhiều ngành nghề, nào là mở lớp học khiêu vũ, rồi tiệm giặt là, cửa hàng tạp hóa, cho đến nhà hàng, kinh doanh xuất nhập khẩu. Cha là người có nhiều ưu điểm, đối xử tốt với mọi người, vô cùng nỗ lực không ngừng vươn lên. Tuy cũng bị người khác lừa gạt đôi lần, song về cơ bản, công việc kinh doanh của cha rất thuận lợi. Sau khi sinh ra chúng tôi, cha phải chia sẻ một phần tâm tư của mình để chăm sóc con cái.
Nghĩ đến những ngày ấu thơ, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là việc hằng ngày cha đều đưa chúng tôi tới trường. Năm anh chị em chúng tôi, lần lượt từng đứa một, cha đều đích thân đưa đi học. Mấy anh chị em chúng tôi cách nhau khá xa, mỗi đứa đi học ở một trường, thế nên cha thường phải thức dậy từ rất sớm. Đưa tôi cũng em trai tôi đi học là vất vả cho cha nhất. Hồi đó, cha vừa phải làm cha, vừa phải đảm nhiệm vai trò của người mẹ, ban ngày đi làm kiếm tiền nuối gia đình, buổi tối về lại phải làm việc nhà, kèm chúng tôi học, ngày nào cũng đi ngủ rất khuya, sáng sớm hôm sau lại phải dậy sớm, đưa từng đứa đi học.
Cứ như vậy năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, cho tới khi đứa nhỏ nhất học cấp ba, cha cảm thấy có thể tin tưởng được, mới chính thức dừng việc đưa đón hàng ngày.
Cha luôn cảm thấy công việc của mình quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con cái, nên mỗi khi có cơ hội, cha đều muốn đích thân chăm sóc cho chúng tôi. Khi chúng tôi bắt đầu đi học, thời gian bên cha ngày càng ít, thế nên cha vô cùng trân trọng giấy phút bên nhau hiếm hoi của gia đình trên con đường về nhà sau mỗi ngày tan học.
Từ khi tôi học cấp một, cấp hai, cho tới cấp ba, cha đều đưa tôi đi học. Khi đó tôi cứ ngỡ rằng đó là điều đương nhiên, cha mẹ thì phải đưa đón con đi học, sau này lớn lên tôi mới biết, hóa ra mọi nhà không như vậy, trường học cũng không có quy định này.
Khi lên đại học, tôi nói với cha rằng không cần phải đưa đón tôi nữa, nhưng cha kiên quyết phản đối, nói rằng ông sợ tôi lại lén đi xe máy.
Trường Nghệ thuật Hoa Cương nằm ở trên đỉnh núi Dương Minh cha sợ tôi đi xe máy sẽ nguy hiểm, hơn nữa lỡ bị nhà trường bắt được thì không hay, thế là lần nào cũng nhất quyết đòi lái xe đưa tôi đi học, lúc đó em trai tôi cũng không cần đưa đón nữa rồi. Tôi chỉ bắt cha đưa đón trong một năm thôi, sau đó tôi liền ở luôn trong trường.
Người thả diều này luôn hiểu rõ về “con diều” của mình, từ đó tìm ra phương pháp giáo dục cho từng đứa. Nói thực, khi còn nhỏ tôi học không tốt lắm, trong mấy anh chị em, chỉ có tôi là chưa tốt nghiệp đại học. Cha thấy tôi học hành thì không bằng con nhà người ta, nhưng mà thư tình của các bạn nữ thì nhận được nhiều lắm, thế là liền quyết định cho tôi vào học Hoa Phong, sau này sẽ tiến vào giới showbiz.
Cha luôn động viên con cái mình phát triển theo thế mạnh của từng đứa, với phương châm giáo dục yêu thương, không đánh mắng, không miễn cưỡng, thậm chí còn nghiên cứu ra phương pháp giáo dục phù hợp với tính cách của từng đứa con. Ví dụ như đối với một đứa con cứng đầu cứng cổ chưa thấy quan tài chưa đổ lệ như tôi, cha vẫn cho tôi thử thách, chỉ cần không có vấn đề gì quá lớn hoặc nguy hiểm, cha sẽ cho tôi cơ hội thử sức mình. Cha biết rõ, có cố gàn cũng chẳng có tác dụng gì với tôi cả, chỉ đành để cho tôi học được cách trưởng thành từ chính những thất bại của bản thân mình.
Khi tôi thực sự phạm sai lầm, gây ra tai họa, cha cũng không trừng phát tôi quá khắt khe, vì dụ như khi ông phát hiện ra tôi lén đi xe máy, ông không đánh cũng không mắng tôi, chỉ lặng lẽ dành thời gian và công sức lái xe đưa tôi đến trường, thế là tôi không còn cơ hội đi xe máy nữa.
Cha là một người theo trường phái hành động, chứ làm chứ không bao giờ nói.
Có một hôm, cả nhà đang cùng ra ngoài ăn cơm, thấy trên tivi có đưa tin một em bé gái sinh non bị bỏ rơi trong bệnh viện, sức khỏe vô cùng yếu ớt, cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Hôm sau, cha lập tức đi đến bệnh viện đó để xem em bé đó như thế nào. Ống thấy bé gái đó thật sự quá đáng thương, thế là nhận nuôi cô bé, đặt tên là Lâm Bội Bội, cố bé chính thức trở thành em gái của chúng tôi.
Bội Bội trước khi học tiểu học vẫn sống cùng chúng tôi, sau này đi học cần phải có học bạ, mà nhà chúng tôi đã có ba anh em rồi, không có tư cách nhận nuôi trẻ nữa, vì vậy cô bé đành phải vào cô nhi viện, chúng tôi đều rất nhớ cô bé, lúc nào rảnh rỗi là lại vào cô nhi viện thăm Bội Bội. Một năm sau, cô bé được một đôi vợ chồng người Mỹ nhận nuôi, tên Trung Quốc chỉ giữ lại một chữ “Bội” làm kỷ niệm, sau này cũng mất liên lạc, cô bé trở thành cô em em gái vô duyên cùng gia đình chúng tôi.
Cha là thành viên của Hiệp hội Tái sinh, chuyên giúp những tù nhận sau khi mãn hạn trở lại có thể hòa nhập cộng đồng, làm lại từ đầu, giúp họ xác định đúng phương hướng, chọn đúng con đường để đi. Khi còn nhỏ, tôi hay được cha dẫn đi làm công ích cùng, cho tới tận bây giờ, tôi cũng là thành viên của hiệp hội đó. Ngoài cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại giáo dưỡng, cha còn đưa tôi đi tham gia rất nhiều các hoạt động công ích và từ thiện khác nữa, giúp tôi hiểu biết nhiều biết về các ngành các nghề trong xã hội, trải nghiệm sự phong phú mà cuộc sống mang lại. Nhờ sức ảnh hưởng từ cha, tôi luôn quan tâm để ý đến những sự vật sự việc xung quanh mình, rất tò mò với những điều mới lạ trong cuộc sống.
Rất nhiều thói quen tốt của tôi là được cha bồi dưỡng nên từ nhỏ. Ví dụ như việc coi trọng bữa sáng. Từ nhỏ cha mẹ đã tập cho chúng tôi thói quen ăn sáng, ít nhất cũng phải có đủ sữa, trứng gà và sanwich, nếu thời giản rảnh rỗi thì bữa sáng có thể phong phú hơn. Có lúc dậy muốn không kịp ăn sáng ở nhà, cha mẹ cũng bắt chúng tôi cầm theo bữa sáng, lên xe rồi ăn. Thế là rèn được cho chúng tôi thói quen phải ăn bữa sáng.
Cha thích khiêu vũ nhưng vì bận kiếm tiền nuôi gia đình nên chưa bao giờ khiêu vũ cho chúng tôi xem. Nếu không phải lần đó chúng tôi cũng biểu diễn chung một tiết mục, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được rằng cha khiêu vũ đẹp đến như vậy.
Thực ra cha có rất nhiều cơ hội tốt trong công việc, nhưng ông đều từ bỏ, vì ông muốn đích thân chăm sóc cho chúng tôi, nên không muốn đi khỏi Đài Bắc.
Ông đã cực khổ quá nhiều năm, cho dù như vậy, khi đi làm gặp phải bao nhiêu vấn đề, vừa về nhà đã lại thấy chúng tôi quậy phá, gây chuyện, nhưng cha chưa một lần tức giận, chưa một lần oán than hay trách móc chúng tôi, cha chưa bao giờ trút giận lên con cái. Cha thường nói: Làm việc khó đến mấy cũng không khó bằng làm người. Ông luôn tin rằng ông trời có thể nhìn thấu mọi việc, thế nên ông luôn quan tâm, giúp đỡ và yêu thương mọi người. Cách sống của ông đã ảnh hưởng sâu sắc tới cách hành xử anh chị em chúng tôi, cho dù là với người thân trong gia đình, hay với xã hội.
Cha luôn để chúng tôi tự do bay nhảy, chỉ cần đừng bay đi lung tung, chỉ cần cánh diều đừng đứt dây, ông sẽ mãi ở đó, nắm chắc dây diều, chúng tôi cứ như vậy ổn định bay lượn trên bầu trời.
“Con có biết xạ thủ làm cách nào để giữ cho tay mình luôn ổn định không?”
Khi còn nhỏ, cha thường dạy chúng tôi, vừa nói vừa luyện bắn súng hơi trong nước: “Con phải luyện được đến trình độ, khi con bóp cò súng, mặt nước không hề lay động, như thế mới là thành công!”.