Thế là các môn thủ công từ đan lát đến khâu vá tôi đều làm được. Nay chúng tôi lại bước vào một môn thủ công mới. Đó là môn cắt chữ. Đối với tôi có lẽ đây là môn khó nhất.
Giờ thủ công cắt chữ hôm đó nghe lời thầy tôi cũng mang dao, kéo và giấy màu đến lớp. Khi các bạn cả lớp đã cắt và dán gần xong, tôi vẫn loay hoay chưa sao cầm được kéo. Tôi giật mình nghe tiếng thầy ngay phía sau lưng. (Chắc là thầy đã lặng lẽ đến đứng bên quan sát việc tôi lúng túng điều khiển chiếc kéo bằng chân từ lâu mà tôi không hề hay biết):
- Khó quá, thôi đừng cắt nữa em ạ. Việc gì em cũng làm được rồi, riêng cắt chữ không được cũng chẳng sao. Thầy không trừ điểm em đâu.
Mấy tiếng ồn ào cũng tiếp luôn:
- Đấy mà, tao bảo có sai đâu. Cắt thế nào bằng chân được kia chứ.
Tôi chẳng biết trả lời thế nào, đành thẫn thờ bặm môi ngồi lặng để khỏi bật lên tiếng khóc. Thế là từ nay môn thủ công cắt chữ sẽ chẳng bao giờ tôi còn mơ đến nữa ư? Nghĩ vậy tôi lại thấy miên man một nỗi buồn buồn, day dứt khôn nguôi.
Một ngày kia khi năm học sắp kết thúc, thầy lại yêu cầu chúng tôi thực hiện bài thủ công cắt chữ nhưng với yêu cầu cao hơn. Bài thủ công không phải cắt một chữ cái riêng lẻ nữa mà yêu cầu về nhà cắt hẳn một chiếc khẩu hiệu: HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM. Bỗng dưng trong tôi xốn xang bừng lên một suy nghĩ mới. Một sự háo hức quyết tâm mới thôi thúc tôi không thể không lao vào thực hiện ngay. Nhưng liệu rồi có thành công không, hay vẫn xôi hỏng bỏng không thì thật buồn quá!
Giờ thủ công hơn một tuần sau, cả lớp hồi hộp chờ thầy trả bài. Cả lớp đều ồn ào lên khen đẹp khi thầy căng khẩu hiệu “HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM!” lên bảng. Chiếc khẩu hiệu được cắt bằng giấy màu rất công phu. Ba chữ “HỒ CHỦ TỊCH” rực rỡ bằng giấy đỏ, hai chữ “MUÔN NĂM!” nhỏ hơn ở dòng dưới bằng giấy xanh màu lá cây thẫm. Chữ nào cũng đều nhau tăm tắp, cũng có chân rết lại vừa có nét thanh vừa có nét đậm. Nền là một băng giấy trắng bóng khiến cho các chữ trong khẩu hiệu càng nổi bật.
- Các em có biết của ai đây không? - Thầy hỏi cả lớp.
- Thưa thầy, của bạn Bằng ạ!
- Thưa thầy, của bạn Huân ạ!
- Thưa thầy, của bạn Thượng ạ!
- Không phải. - Thầy lắc đầu và mỉm cười nhìn xuống lớp.
Cả lớp háo hức muốn biết ngay là của ai.
- Thưa thầy không biết ạ!
Thầy thong thả nói từng tiếng.
- Đây chính là của em Ký.
Cả lớp đang ồn ào liền im bặt. Bỗng có tiếng ai cất lên:
- Thưa thầy bạn Ký nhờ ai cắt hộ ạ!
Thầy bỏ câu khẩu hiệu xuống bàn, điềm tĩnh nói:
- Câu khẩu hiệu này do chính Ký cắt. Thầy đã tự mắt trông thấy Ký ngồi cắt ở nhà. Thấy khó khăn, thầy đã miễn cho Ký. Nhưng với tinh thần tự giác, lần này Ký đã tập và cắt được. Thầy cho Ký điểm 10. Còn em nào chưa tin, xin mời đến nhà, Ký sẽ cắt cho xem.
Không khí trở lại bình thường. Bỗng ở cuối lớp lại có tiếng rộ lên:
- Thưa thầy, thế sao hôm thầy thu bài lại không có bài của bạn Ký ạ?
Đầu đuôi là thế này:
Đúng là trong lần thầy thu bài thủ công cắt chữ hôm ấy, tôi là người duy nhất chưa có bài nộp. Thực ra suốt mấy ngày qua tôi cũng đã tìm mọi cách để bắt đôi chân của mình phải tập cắt chữ theo yêu cầu mới của thầy. Nhưng rồi mọi cố gắng vẫn vô vọng. Đến ngày nộp bài tôi vẫn chưa hề cắt được một chữ. Về nhà hôm ấy tôi cứ miên man suy nghĩ hoài. Chả lẽ mình cứ chịu đầu hàng mãi cái môn thủ công cắt chữ này thật ư?
Giữa lúc ấy tôi bất chợt nhìn lên tấm ảnh Bác treo trên đầu tường giữa nhà. Vậy là ngày sinh nhật 19-5 của Bác sắp đến thật rồi. Thảo nào gần một tháng nay trường tôi phát động phong trào thi đua học tập, lao động và tu dưỡng thật tốt đế lấy thành tích mừng thọ Bác.
Đúng rồi, tôi phải tập cắt chữ bằng được. Và chiếc khẩu hiệu “HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM!” này sau khi chấm điểm xong tôi sẽ đem về dán ngay dưới tấm ảnh Bác giữa nhà kia đúng vào dịp mừng sinh nhật Bác thì còn gì vui hơn, ý nghĩa hơn.
Thế là ngay buổi chiều ấy ăn cơm vừa xong tôi hăm hở lấy giấy, kéo ra ngồi tập cắt.
Chân trái cầm giấy. Chân phải tôi định luồn ngón cái vào một mắt kéo, còn những ngón kia xỏ vào mắt kéo thứ hai. Oái oăm thay, hai cái mắt kéo thì nhỏ, những ngón chân lại to. Tôi liền nghĩ cách mở rộng hai mắt kéo ra. Vui quá. Thế là tôi đã luồn được những ngón chân vào hai mắt kéo rồi. Tưởng thế là ăn chắc. Nào ngờ ngón chân ngắn quá, chứ không dài như những ngón tay nên loay hoay mãi tôi vẫn không sao mở rộng hai lưỡi kéo ra được. Thất vọng ngập tràn. Tôi chỉ còn biết buông kéo ra, vội vàng vào giường đắp chiếu nằm khóc.
Tôi bỗng bật ra một ý tưởng mới. Sẽ thay đổi cách cầm kéo theo kiểu mới. Tôi vùng dậy thực hiện ngay. Lần này không cầm kéo bằng một chân nữa mà chuyển sang cầm bằng hai chân. Mỗi chân cầm một mắt kéo. Cắt đến đâu giấy đứt phăng phăng đến đấy. Tôi hí hửng mừng thầm. Nào ngờ ngay sau đó lại thất vọng. Cả hai chân đã cầm kéo thì còn đâu chân thứ ba để cầm giấy. Vì vậy cắt được đứt giấy chứ không sao lượn được thành chữ. Thế là lại ngồi lặng mặc cho hai dòng nước từ khóe mắt tuôn trào.
Trong màn sương nhòa lệ bất chợt tôi lại bắt gặp ánh mắt Bác trong bức ảnh đang nhìn tôi khích lệ. Như được truyền thêm nguồn sức mạnh mới, niềm tin mới, tôi lại bặm môi ngồi suy nghĩ.
Một ý tưởng mới xuất hiện. Tôi sẽ chuyển về cầm kéo bằng một chân thôi. Nhưng lần này tôi không cố tình luồn những ngón chân vào hai mắt kéo như trước nữa mà chỉ dùng chân phải cầm một mắt kéo, còn mắt kéo kia để tựa xuống giường. Chân trái dùng cầm giấy. Tôi tin phen này sẽ thành công như ý. Nhưng rồi lần nữa thất bại lại đến. Không hiểu sao tôi cắt đi, cắt lại, cắt tái, cắt hồi, cắt rồi cắt nữa giấy vẫn trơ trơ không sao đứt nổi một đường. Giận cá, chém thớt, tôi trách mẹ mua kéo quá cùn.
Thế là hết Bằng đến bố tôi giúp mài lại cái kéo đến mức sáng loáng mà giấy vẫn không sao cắt được. Tôi lại ngồi thừ trong nước mắt. Lại mông lung suy nghĩ. Lại cúi xuống quan sát và quan sát. Giật mình phát hiện ra lý do cắt không đứt giấy: vì tôi chỉ điều khiển được một mắt kéo. Còn mắt kéo kia tôi lại phải nhờ đến ông giường, ông chiếu giúp nên hai lưỡi kéo không nghiến khít. Giấy không đứt là điều hiển nhiên. Không chút chần chừ, tôi nghĩ ngay ra cách mới: bẻ hơi cong hai lưỡi kéo lại cho chúng nghiến sát nhau. Quả thật lần này tôi đã cắt đứt giấy và lượn được thành chữ. Tôi khấp khởi náo nức mừng như vừa được mẹ đi chợ về cho món quà lớn.
Nhưng rồi một thử thách mới lại đến. Cứ cắt xong một nhát, lưỡi kéo lại ngậm tăm. Muốn cắt tiếp, chân trái phải buông việc cầm giấy ra để mở kéo. Đường cắt vì thế luôn nham nhở những vết đứt đoạn. Không bằng lòng, tôi lại chau mày suy nghĩ cách khắc phục. Hết ngồi lại nằm, lại đứng dậy trầm ngâm đi đi lại lại. Hết trong nhà rồi ra sân rồi dạo quanh bờ ao, quanh vườn rau, vườn cây ăn trái. Rồi ngồi lặng bên chiếc cầu ao tam cấp nơi tỏa bóng cây mít mát rượi mơ màng ngắm nhìn đàn cá đang tung tăng bơi lượn giữa ao trong dòng suy nghĩ không dứt. Một lát sau tôi trở vào giường tỉ mẩn cầm kéo cắt lại. Vừa cắt tôi vừa cúi xuống quan sát thật kỹ, thật kỹ từng động tác nhỏ.
Sau một hồi khá lâu suy ngẫm tìm hiểu, tôi đã lóe sáng một cách khắc phục. Tôi bẻ cái kéo trở về bình thường chứ không uốn cong như trước nữa. Tôi dùng một vật cứng (một miếng gỗ nhỏ hoặc một viên gạch) đặt trên giường, tựa mắt kéo thứ hai vào cạnh nó để làm điểm tỳ. Quả thật cách này đã giúp tôi vẫn cắt đứt giấy mà không phải dùng chân trái mở kéo nữa sau mỗi nhát cắt.
Nhưng rồi càng cắt tôi càng thấy vướng vít rầy rà quá. Tôi lại buông giấy kéo tiếp tục nằm thừ suy nghĩ. Cuối cùng một ý tưởng mới bất ngờ rất đơn giản mà hiệu quả đã đến với tôi. Tôi sẽ dùng gót chân trái làm điểm tựa điều khiển mắt kéo thứ hai thay cho những vật thể cứng kia. Không còn nghi ngờ gì nữa, với sáng kiến này ước mơ cắt chữ bằng chân lâu nay của tôi đã thành hiện thực.
Chưa từng cắt và dán một chữ nào bao giờ nay phải cắt và dán cả một khẩu hiệu, đây quả cũng là một khó khăn, bỡ ngỡ không nhỏ. Rồi cách gấp, cách cắt các nét to, nhỏ thế nào cũng buộc tôi phải mày mò xem mãi ở các chữ in mẫu mới tìm ra được.
Ngồi cắt, thỉnh thoảng ngước nhìn lên ảnh Bác tôi lại thấy như Bác thầm nhắc tôi phải cắt thật đẹp. Tôi cẩn thận đưa nhát kéo từng tí một. Khó nhất là cắt đến các chữ có nét vòng như chữ O. Khi lượn kéo theo những nét ấy, ngón chân thường bị chuột rút co quắp, đau điếng. Nhiều chữ cắt gần xong, tôi lại làm rách mất.
Tôi đã có ý định thôi không cắt chữ có nét vòng theo kiểu bình thường nữa. Định cắt chúng theo kiểu chữ vuông, vì như vậy tôi sẽ toàn được cắt nét thẳng cả. Ồ, nhưng không được. Trông chữ nào cũng vuông chành chạnh, thật chán quá! Đã định cắt khẩu hiệu mừng ngày sinh nhật của Bác mà lại cắt xấu như thế thì còn ra gì nữa. Nghĩ vậy, tôi lại tập cắt lại các chữ có nét vòng theo kiểu bình thường.
Nhiều lần đã cắt và dán xong, nhưng chỉ một chữ dán còn lệch tôi cũng bỏ đi cắt lại. Thành ra mê mải gần suốt một tuần tôi mới hoàn thành câu khẩu hiệu này. Tình cờ hôm đó cắt đến hai chữ “muôn năm” thì thầy đến chơi. Tôi vội vàng định thu giấu đi. Nhưng không kịp, thầy đã trông thấy rồi. Thầy rất ngạc nhiên, xoa đầu khen ngợi tôi. Thầy ngồi xuống giúp tôi dán xong hai chữ cuối cùng. Sau đó tôi nộp luôn khẩu hiệu ấy cho thầy...
Lý do hôm thầy thu bài không có bài nộp của tôi là thế.
Nhận bài về, tôi liền nhờ Bằng bắc ghế đứng lên trang trọng dán nó ngay dưới ảnh Bác. Mỗi lần đi học về nhìn chiếc khẩu hiệu là tôi lại thấy như Bác đang mỉm cười âu yếm nhìn tôi: “Cháu hãy cố gắng nhiều nữa nhé!”.