Được tin cả bốn chúng tôi ở chung làng Cồn Quay (tôi, Bằng cùng Tam, Phụ) đều được vào học cấp II xã Hải Hà, tôi sung sướng muốn reo lên. Còn Bằng thì mừng quá, ôm chặt lấy tôi ngay giữa đám đông. Bằng đưa tay cù cù vào nách tôi, cười khúc khích làm tôi cười đến tức bụng.
Tôi được lên học cấp II, cả nhà đều vui lắm. Bố mẹ tôi nhờ cậu Giang (em ruột mẹ tôi, làm nghề thợ mộc) đóng ngay cho một chiếc bàn viết. Mặt bàn là ba mảnh gỗ lim nhỏ, đen bóng, ghép thành một mặt phẳng to như chiếc chiếu manh. Chân cũng thấp chẳng khác gì chân ghế mà các bạn vẫn ngồi học.
Ngày khai giảng, mẹ tôi đội chiếc bàn ấy đến tận trường cách nhà đến ba, bốn ki-lô-mét.
Thấy mẹ tôi đội chiếc bàn lạ tiến vào sân trường, tất cả học sinh đều ngạc nhiên. Các bạn trố mắt nhìn theo và xì xào không ngớt. Thú thật tôi cũng cảm thấy ái ngại và tủi tủi thế nào. Người ta đi học một mình tự do thoải mái, còn mình phải bắt mẹ đội bàn đi theo thế kia. Thật tội quá... Biết làm sao được!
Nhưng rồi đâu phải chỉ như vậy là mọi chuyện đã êm đẹp. Cái bàn đâu biết những băn khoăn của tôi. Nó đã “bỏ” tôi ra đi không một lời tạm biệt chỉ mấy ngày sau đó.
Sáng hôm ấy đến lớp thấy mất bàn, tôi ngơ ngẩn cả người. Bằng rồi Phụ, Tam và nhiều bạn khác tất bật tìm khắp trong lớp, ngoài sân, vẫn chẳng thấy tăm hơi bóng dáng nó đâu. Lòng tôi càng rối như tơ vò. Tôi muốn khóc nhưng phải cố cắn môi chịu đựng. Tôi biết ngồi viết vào đâu trong buổi học hôm nay và những ngày sau nữa? Tôi sẽ về nói bố mẹ đóng cho chiếc bàn mới chăng? Sao tôi lại có thể làm phiền bố mẹ quá vậy? Hay tôi sẽ đem một manh chiếu ngày ngày đến lớp đặt ngồi viết như những năm cấp I?... Cứ thế, càng nghĩ tôi càng tủi thân. Không nén nổi nữa, tôi chạy ra sau lớp khóc một mình. Nhưng Bằng đã biết, Bằng chạy ra lau nước mắt cho tôi. Nó an ủi và khuyên tôi đừng khóc. Song chính nó lại phải đưa tay lên chùi nước mắt cho mình.
Bằng khoác vai tôi, hai đứa cùng sóng vai vào lớp. Nhưng rốt cuộc Bằng vẫn lúng túng không biết cách nào cho tôi có chỗ ngồi viết. Bảo tôi ngồi vào ghế, Bằng đi tìm lục hết các góc lớp rìa sân để mong kiếm ra một mảnh gỗ con nào đó cho tôi có thể dùng tạm làm bàn viết. Chỉ còn vài phút nữa là vào học. Bằng đành trở vào chỗ ngồi, băn khoăn nói nhỏ với tôi:
- Thôi buổi học hôm nay Ký chịu khó ngồi nghe, đừng ghi nữa nhé! Mình sẽ chép bài lại cho.
Ngồi nghe, không chép bài ư? Không, tôi phải tìm ra cách ghi bài bằng được. Nếu cần, tôi sẽ ngồi bệt xuống nền lớp... Ờ, nhưng việc gì phải thế. Tôi có thể để vở ngay xuống chiếc ghế ngồi này mà ghi cũng được. Tôi quay sang bảo Bằng:
- Chẳng cần thế đâu Bằng ạ! Ký để vở xuống ghế này ghi cũng tốt chán.
- Bằng chỉ sợ bề ngang chiếc ghế quá hẹp, Ký viết không được.
- Được, Bằng đừng lo.
Bằng rút một quyển vở còn mới tinh trong ba-lô tôi, đặt xuống ghế và ngồi tránh ra xa để nhường chỗ rộng cho tôi viết.
Giờ Địa lý đầu tiên của năm học bắt đầu. Thầy Huyễn bước vào lớp. Cả lớp đứng dậy nghiêm trang kính cẩn chào thầy. Thầy đưa tay ra hiệu cho lớp ngồi xuống lấy vở ra chuẩn bị ghi bài. Nghe lệnh thầy tôi cũng vội vàng lấy vở mở ra đặt xuống ghế. Một chân giữ vở, một chân cầm bút. Tôi giật mình khi thầy chỉ tay vào tôi quát lớn:
- Em kia! Hỗn quá! Sao để chân lên ghế thế hả?
Tôi hốt hoảng đành bỏ vội chân xuống gầm bàn trong tâm trạng tủi thân trĩu nặng. Nước mắt lại chực ứa trào. Cả lớp bỗng dậy lên tiếng ồn ào:
- Thưa thầy bạn ấy viết bằng chân ạ!
Anh bạn Bích, lớp trưởng vội đứng lên thưa rõ với thầy mọi chuyện. Thầy liền bước ngay xuống chỗ tôi ngồi, khe khẽ nâng hai tay tôi lên nhìn ngắm, hỏi chuyện rồi âu yếm xoa đầu tôi:
- Thầy xin lỗi nhé! Thông cảm cho thầy, vì thầy không rõ hoàn cảnh của em. - Vừa quay trở về bục giảng thầy vừa huơ tay nói với cả lớp - Ký là một học sinh đặc biệt. Tôi mong cả lớp ta từ nay các em sẽ yêu thương giúp đỡ Ký thật nhiều nhé!
Kỷ niệm cười ra nước mắt ấy khiến tôi nhớ mãi.