Năm học mới, tôi được chuyển đến học ở trường cấp II Hải Phương. Đây là một trong những ngôi trường cấp II xuất sắc nhất của tỉnh Nam Định ngày đó, và cũng là ngôi trường giàu truyền thống, ra đời sớm nhất ở phía Nam đồng bằng Bắc bộ. Trường nằm ở trung tâm huyện lỵ Hải Hậu. Trường có vườn sinh vật rất phong phú các chủng loại cây, có vườn địa lý(*), có phòng thí nghiệm khá hiện đại. Tất cả học sinh xã tôi đang học cấp II Hải Hà trong năm học này đều được chuyển về trường này.
(*) Vườn địa lý là khu vườn xây các mô hình về núi, sông, thác, cao nguyên, bình nguyên… và đặt một số thiết bị đo mưa, xác định hướng gió, v.v. để học sinh tham quan khi học một số tiết địa lý có liên quan.
Chiếc bàn cũng theo tôi đến trường mới. Bằng giúp tôi đặt nó ở tận cuối lớp. Nó bẽn lẽn núp mình giữa hai hàng bàn cao. Thấy một chiếc bàn ngộ nghĩnh như vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Thầy hiệu trưởng vào lớp. Lúc này là giờ ra chơi. Trong lớp chỉ còn vài bạn đang xúm lại tán chuyện. Tôi cũng có mặt trong lớp và đang ngồi đọc sách ở một bàn trên cùng. Thấy thầy hiệu trưởng đi thẳng đến chỗ bàn tôi, tim tôi tự nhiên đập nhanh lạ. Thầy chăm chú nhìn và đưa tay cúi xuống gõ gõ trên mặt bàn rồi quay sang hỏi các bạn gái:
- Chiếc bàn này dùng làm gì đây các em?
Tôi càng nóng lòng khi nghe một bạn nói:
- Thưa thầy, của bạn Ký đấy ạ!
- Ký nào nhỉ, mà bạn ấy dùng để làm gì mới được chứ?
- Dạ, bạn ấy dùng để viết bằng chân. - Một bạn nhìn tôi mỉm cười đáp.
Đang bình thường, tự nhiên nét mặt thầy bỗng nghiêm hẳn lại. Thầy định hỏi thêm các bạn một câu gì nữa thì tiếng trống vào lớp đã điểm.
Ngay sau buổi học hôm ấy tôi được gọi lên gặp thầy hiệu trưởng. Tôi hồi hộp, lo lắng không biết có chuyện gì. Tôi tự nhủ lòng phải thật bình tĩnh mới được… Nhưng lạ sao, khi vừa bước chân vào phòng thầy, mặt tôi đã nóng bừng bừng. Thầy đưa ghế bảo ngồi, tôi cũng không dám... Rồi bằng một cử chỉ rất ngượng ngập, tôi ngồi xuống thu mình ở chỗ cuối giường ngủ của thầy. Thầy hỏi tôi:
- Em bị hỏng đôi tay từ khi nào?
- Dạ, thưa thầy từ năm em lên bốn ạ!
- Thế em tập viết từ năm nào?
- Dạ! Thưa thầy từ năm lên bảy ạ!
- Lúc đầu em tập có khó lắm không?
- Dạ, em cũng không nhớ nữa... Nhưng cũng hơi khó thầy ạ!
Tôi nhíu mày suy nghĩ và đáp rất lúng túng.
- Thế thầy mẹ em có còn cả không?
- Dạ, còn ạ!
Và cứ như vậy thầy hỏi câu nào, tôi trả lời câu ấy. Về sau thầy bảo tôi kể lại quá trình tập viết, học tập trong những năm qua...
Suy nghĩ mãi tôi vẫn chưa nói được câu đầu tiên. Mà sao thầy lại bắt mình kể những chuyện này làm gì nhỉ. Từ xưa đến nay đã ai bảo tôi kể thế này đâu.
Ngồi nghĩ mãi, không thể không nói được, tôi đành ngập ngừng lên tiếng và khó khăn lắm mới kể được vài ý mà thầy yêu cầu. Tôi biết kể như vậy còn sơ sài lắm. Chắc thầy còn muốn bảo tôi kể nhiều và nhiều nữa cơ.
Bóng nắng từ bao giờ đã bước qua ngưỡng cửa vào gian phòng tập thể của thầy. Không kịp để tôi tự đội lấy, thầy hiệu trưởng đã cầm chiếc mũ chụp lên đầu cho tôi, tiễn tôi ra cổng trường.
- Thôi em về ăn cơm kẻo đói nhé. Ngày mai thầy sẽ đến chơi.
Đúng hẹn, sáng chủ nhật thầy hiệu trưởng đi bộ đến nhà tôi.
Những năm học trước các thầy giáo cũng hay đến nhà tôi chơi như vậy. Nhưng lần này sao tôi thấy có gì khang khác và cảm động lạ thường. Với tình cảm đặc biệt quý mến, bố mẹ tôi làm cơm mời thầy ở lại nhưng thầy một mực nhất định xin về. Bố tôi phải đem giấu chiếc mũ cát của thầy vào buồng, thầy mới chịu ở lại.
Câu chuyện giữa tôi và thầy hiệu trưởng tiếp tục. Thầy bảo tôi kể tiếp chuyện hôm qua. Lần này tôi kể tự nhiên và có lẽ đầy đủ hơn.
Thầy rời nhà tôi ra về khi mặt trời đã gần xuống ngang cây mít trước nhà.
Đúng hai tuần sau cũng vào một buổi sáng chủ nhật, Đài tiếng nói Việt Nam có bài phát thanh về tôi. Tôi lắng nghe, tôi hồi hộp. Tôi thấy mình như đang bay trong một giấc mơ. Tôi cố nín thở mà sao tim vẫn đập nhanh lạ. Tôi muốn leo lên tận đỉnh cột loa, áp sát tai vào đấy nghe cho rõ. Có phải người ta đang nói về tôi không? Hay một Nguyễn Ngọc Ký nào khác chăng? Không, đúng Nguyễn Ngọc Ký học sinh lớp 6B trường phổ thông cấp II Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định rồi. Ôi! Một người như tôi cũng được giới thiệu trên đài ư? Mà sao chị phát thanh viên lại biết những chuyện về tôi thế nhỉ? Không, tôi chưa gặp chị bao giờ kia mà.
Sau cùng, nghe chị phát thanh viên nói là bài viết của Trần Hữu Độ, tôi mới vỡ lẽ ra đó là bài viết của thầy hiệu trưởng trường tôi. Thảo nào trong suốt thời gian qua thầy đã dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt đến vậy.