Câu chuyện Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh về tôi làm xôn xao dư luận trong xóm. Mọi người ngạc nhiên. Còn bố mẹ tôi thì vô cùng hởi lòng hởi dạ. Trong bữa cơm trưa hôm ấy, tôi được nghe những lời nói sung sướng của bố tôi:
- Thật là vinh dự lắm mới được người ta nói trên đài đấy con ạ. Từ xưa đến nay ở đây đã có ai được như con. Chỉ bây giờ có chế độ ta, con mới được chú ý như vậy, chứ ngày xưa thì những người như con bị người ta khinh rẻ lắm đấy. Từ nay con phải biết trông bè trông bạn mà cố học hành cho giỏi để khỏi phụ công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Đời con tuy thế nhưng chắc rồi sẽ hơn hẳn đời bố đấy.
Tôi ngồi nghe mà thấy thấm thía quá. Những lời dạy của bố tôi quả đã gợi cho tôi biết bao suy nghĩ mới.
Tôi phải làm gì đây để xứng đáng với những lời mà người ta đã nói trên đài. Và đúng lắm, tôi phải học giỏi thì mai đây mới có thể trở thành người có ích, mới được góp phần xây dựng đất nước. Phải học giỏi tôi mới khỏi phụ lòng thương yêu giúp đỡ của các bạn, các thầy, khỏi phụ lòng trông mong của bố mẹ, của mọi người. Thế mà trong những năm qua tôi đã chẳng làm được việc đó. Cả một quãng thời gian năm sáu năm dài tôi đã bỏ phí biết nhường nào.
Không thể học hành như thế này mãi được.
Tôi phải xứng đáng với chiếc khăn quàng đỏ mà ngày ngày mình vẫn mang trên vai.
Làm thế nào để học giỏi bây giờ nhỉ? Đúng rồi, tôi phải chăm hơn nữa, phải chịu khó hơn nữa. Song thế vẫn chưa đủ. Những năm trước tôi đã học rất chăm mà vẫn không đạt điểm giỏi đấy thôi? Phải rồi, tôi phải tìm ra một cái gì nữa kia. Suy nghĩ mãi tôi mới nghĩ ra được mình cần phải học có kế hoạch. Chính các thầy giáo đã chỉ cho tôi thấy học có kế hoạch là cách học thông minh và khoa học nhất.
Kế hoạch của tôi cũng đơn giản thôi. Hằng tuần tôi dành riêng ngày chủ nhật để ôn và hệ thống những bài đã học trong tuần vào một cuốn sổ học tập nhỏ. Tôi làm việc này thường xuyên. Sau khi học xong mỗi chương, tôi đều làm bản tổng kết. Đến cuối học kỳ hay cuối năm, việc ôn thi đỡ vất vả mà bài vẫn nắm vững.
Còn hằng ngày tôi học theo thời gian biểu. Sáng nào cũng vậy, cứ khi chú gà trống o…o… cất tiếng gáy trong chuồng là mẹ tôi dậy nấu cơm sáng. Lúc đó chừng hơn 4 giờ gì đấy. Thế là tôi vùng khỏi chăn, ra bàn ngồi học sau những tiếng gọi rất thương của mẹ. Vừa ngủ dậy, đầu óc còn minh mẫn nên học chóng nhớ. Tôi thường dành thời gian này học ôn lại các công thức toán, lý và xem lại tất cả các bài cần cho buổi học hôm ấy. Có hôm vì thấy trời quá lạnh, mẹ tôi thương nên không gọi dậy. Mẹ tưởng đâu thế là xong chuyện.
Nhưng khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ. Thế là bỏ mặc cơm nước, tôi ngồi vào bàn học một mạch cho đến khi nghe tiếng Bằng gọi đến lớp. Mẹ tôi bực mình bắt tôi phải ngồi ăn cơm bằng được. Nhưng tôi nhất định không chịu. Làm như vậy tôi vừa tỏ thái độ trách mẹ đã không gọi tôi dậy sớm vừa bảo đảm được thời gian học đã quy định. Từ đấy hôm nào mẹ tôi cũng bắt buộc phải gọi tôi dậy sớm để học.
Thời gian tự học buổi chiều tôi thường bắt đầu bằng vài chục phút “xào bài”. Sau đó tôi làm các loại bài tập cho đến 5 giờ. Rất ít khi tôi làm bài tập vào ban đêm, vì ban ngày lợi dụng ánh sáng tôi viết được dễ dàng hơn.
Tôi hay lo xa, không để cảnh “nước đến chân mới nhảy”. Bài tập ngày nào tôi thường làm cho xong ngay ngày ấy. Như vậy gặp bài nào khó quá còn có thời gian suy nghĩ hoặc đi hỏi các thầy các bạn.
Tối đến tôi dành hai tiếng rưỡi để học bài. Khi học, tôi xem trước cả những bài thầy sẽ giảng ngày mai trong sách giáo khoa. Việc làm này rất bổ ích. Nó giúp tôi nắm được tinh thần và những vấn đề khó của bài mới để tập trung theo dõi được bài ngay tại lớp.
Sau đó từ 9 giờ rưỡi đến 10 giờ tôi gọi là thời gian “ngoại khóa”, lúc này tôi có thể đọc sách, xem báo, ghi nhật ký hay nghe đài. Với cách học bài bản như vậy, điểm số các bài kiểm tra, bài thi của tôi ngày một khá lên trông thấy.