Ngoài các trò chơi thể thao, tôi còn tìm ra nguồn giải trí ngay trong bài học. Cách giải trí này vừa giúp tôi hiểu thêm được bài vừa là những trò chơi rất lý thú.
Một thí nghiệm vật lý, một đồ dùng học toán, một mô hình địa lý, một thí nghiệm hóa học, một bản đồ lịch sử... đều là những việc rất hấp dẫn, lôi cuốn tôi.
Một hôm trời đã chạng vạng tối, tôi vẫn mải mê ngồi đắp mô hình núi trong góc nhà.
Vụt nhớ tới một câu ca dao, tôi liền đọc tướng lên:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Mẹ tôi từ cửa bước vào hỏi:
- Tối rồi, mày làm cái gì mà ầm lên thế con?
Dường như không để ý, tôi vẫn say sưa ngồi làm việc và trả lời qua quýt:
- Dạ, con nghịch vớ vẩn một tí thôi.
- Nhưng nghịch cái gì chứ?
Nói rồi mẹ tôi xăm xăm bước đến. Tôi im lặng ngồi dịch ra bên. Khi đã cúi xuống nhìn đi nhìn lại vẫn không hiểu tôi định làm gì, mẹ tôi liền chặc lưỡi:
- Trời, mày nghịch cái gì mà một đống sù sụ thế này? Tao chẳng nhìn ra cái gì cả.
Rồi chẳng đợi cho tôi kịp trả lời, mẹ đã đưa tay bưng lên. Thế là cả “công trình” mà tôi vừa khởi công xây dựng phút chốc đã tan tành. Mẹ tôi hốt hoảng nói chữa:
- Chết thật, thế mà mày không bảo mẹ trước. Tao cứ ngỡ là nó chắc lắm. Mà mày định làm cái gì đấy?
Tôi đưa chân nhặt những cục xỉ vừa bị đổ để gọn vào một chỗ rồi nói chậm rãi:
- Đây là một hòn núi giả con định xây để làm đồ dùng học tập. Vì xây bằng vữa vôi, lại chưa xong nên mới dễ đổ như vậy.
- Thôi cứ để đấy mai làm lại con ạ. Trong nhà còn gói xi-măng, mai mẹ đưa cho mà xây.
“A, thế thì nhất rồi. Có gói xi-măng thì còn lo gì nữa. Cứ xây mãi bằng cái vữa vôi chết tiệt kia thì khó mà thành công được. Hơi động vào đã rữa ra ngay. Nhất là mình phải dùng đôi chân để xây nên lại càng dễ đổ. Thôi được, mai có xi-măng mình cố gắng xây lại thật đẹp”. Tôi thầm nghĩ và mỉm cười trong bóng tối đang tràn vào nhà. Thu gọn các “nguyên liệu” dụng cụ vào một chỗ, đưa hai bàn chân xoa xoa vào nhau, tôi đứng dậy vâng lời mẹ ra ao rửa chân.
Trong nhà mẹ tôi đã đánh diêm thắp đèn. Ngồi vào bàn học, tôi vẫn không thể nào tập trung học được.
Những ý nghĩ về việc xây núi ngày mai cứ lởn vởn trong đầu.
Chiều hôm sau, làm bài xong, tôi bắt đầu lao vào công việc.
Khó khăn đầu tiên là việc đi lấy cát. Nếu có đôi tay bình thường như các bạn thì chuyện rất đơn giản. Chỉ việc ra sau nhà là tôi có thể tùy ý muốn vốc bao nhiêu đem về cũng được. Nhưng thực tế không cho tôi làm như vậy. Khắc phục bằng cách nào đây? Hay nhờ ai giúp vậy. Nhưng có ai ở nhà đâu! Bố mẹ thì đi làm đồng chưa về. Sang nhà Bằng, Bằng cũng đi vắng nốt. Băn khoăn mãi tôi mới nghĩ ra cách đeo ba lô ra sau nhà dồn cát vào đấy mang về. Hôm nọ đi nhặt xỉ vôi cách xa nhà hai ba cây số, tôi cũng làm như vậy.
Có cát rồi, tôi dùng răng cắn cán gáo ra ao múc nước. Pha cát và xi-măng với nước, tôi được một thứ vữa khá tốt, vừa dẻo lại vừa chóng cứng.
Dụng cụ duy nhất là chiếc thìa tôi vẫn ăn cơm hằng ngày. Biết làm như vậy là mất vệ sinh, nhưng lát nữa xong, lại đem ra ao rửa bằng xà phòng thì có gì đáng ngại.
Vừa xây được một lát thì nghe ngoài sân có tiếng người. Dừng thìa vữa đang xây dở trên chân, tôi ngẩng lên nhìn và nhận ngay ra Bằng, Tam, Phụ,
Các bạn bước đến chỗ tôi làm. Bằng ngồi xổm xuống, đảo đầu nhìn khắp cái mô hình xây dở, hỏi tôi:
- Mày định xây cái gì thế này Ký?
Bỏ thìa vữa xuống đất, tôi đáp:
- Tao xây cái mô hình núi đây. Chúng mày thấy thế nào?
Bằng chép miệng:
- Trời, việc gì phải khổ thế. Thầy giáo có bảo làm đâu. Thôi, bỏ đấy đi chơi với bọn tao.
Bằng chưa nói xong, thì Tam đã chen vào:
- Thầy đã không bảo làm thì tao cạch đấy. Mày thừa thời gian nên chỉ bày vẽ cho có việc thôi.
Phụ cãi lại:
- Ồ, sao chúng mày lại nói thế? Ký nó làm vậy là có trách nhiệm cao lắm đấy. - Phụ ra vẻ nhấn mạnh hai tiếng “trách nhiệm”. Nó nói ngọng, nghe ra thành tránh nhiệm!
Một phút im lặng trôi qua. Tôi gượng cười đáp:
- Thôi, mặc kệ cho các cậu nói. Việc mình mình cứ làm. Rồi nó muốn ra sao thì ra... Chiều nay mình không đi chơi với các cậu được đâu. Nhất định phải ở nhà làm xong cái này đã.
- Ừ, thì cậu ở nhà làm cái này. Chẳng chơi với bọn tao thì thôi. Nào, chúng ta đi đi Bằng, Phụ ơi. - Tam nói lớn và đưa tay diễn tả sự bất đồng của mình.
Cu cậu đang định chuồn ra cửa thì Phụ đã kịp túm áo kéo giật lại:
- Nào, nào! Các ông đừng hăng tiết vịt quá thế. Đùa Ký vậy cho vui chứ mày định về thật đấy à? Ở lại xem Ký nó làm thế nào đã. Thôi đừng “hâm” nữa ông “Tam đại gàn” ạ!
Tam, Bằng, Phụ mỗi người một tay giúp tôi xây tiếp “dãy núi”. Nhưng rủi thay, khi sắp xây xong, luống cuống thế nào mấy đứa lại làm đổ sập.
Chiều hôm sau, một mình tôi lặng lẽ ngồi xây lại từ đầu. Kể cả lần tôi làm đổ thì đây là lần thứ tư tôi phải xây lại cái mô hình kỳ quặc này. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này tôi chú ý thận trọng hơn.
Lúc đầu xây còn dễ. Sau càng lên cao càng khó. Nhất là xây đến các đỉnh càng đòi hỏi công phu hơn. Có nhiều đỉnh còn xây toàn bằng những giọt xi-măng nữa kia. Xúc xi-măng vào thìa, tôi giơ lên lắc lắc cho nó từ từ nhỏ giọt xuống. Cứ như vậy giọt này chồng lên giọt khác dần dần tạo thành những đỉnh cao vút. Nhưng không thỏa mãn với kết quả vừa đạt được, tôi lại nhỏ tiếp các giọt xi-măng xuống. Thế là lập tức chúng lại bị đổ sập. Nhiều ngọn tôi kiên trì xây đi xây lại hàng chục lần mà vẫn chưa thành.
Tôi đứng dậy ra sân xốn xang và hứng chí đọc lên hai câu thơ của Tố Hữu:
Thua ván này ta bày ván khác
Có can chi miễn được cuộc cuối cùng
Khác hẳn những lần trước, tôi không xây liền một lúc nữa. Mỗi lần tôi chỉ xây vài cục xỉ hoặc nhỏ thêm vài giọt xi-măng rồi để cho chắc mới xây tiếp. Cứ như vậy chiều này sang chiều khác, ngày nọ tiếp ngày kia chẳng khác gì con kiến xây tổ, cuối cùng tôi đã xây xong chiếc mô hình sau gần một tháng vất vả.
Chiếc mô hình núi mi-ni này được tôi hoàn tất trên nền một miếng gỗ nhỏ diện tích chỉ nhỉnh hơn tờ giấy khổ thếp một chút với hàng chục đỉnh cao thấp nhấp nhô, chứa trong lòng nó là các hang động với nhiều hình thù kỳ dị, lại có cả những thạch nhũ rủ xuống rất kỳ khu.
Hôm “khánh thành” ngoài Bằng, Tam, Phụ còn có cả mấy đứa cháu gọi tôi bằng chú ở nhà sát bên. Đứa nào cũng tròn mắt chỉ trỏ, nhìn đi ngắm lại trong tiếng trầm trồ xuýt xoa không ngớt.
Cu Tản một tay níu áo tôi một tay chỉ vào chiếc mô hình núi, nói hồn nhiên:
- Chú cho cháu chơi chung với nhé!
Cu Cách sợ anh tranh mất phần cũng vội lên tiếng với giọng còn ngọng líu:
- Ứ, chú cho cháu chơ...ơi chung cơ!
- Được rồi, chú sẽ cho cả hai chơi chung luôn. Nhưng các cháu nhớ phải trông giữ cho chú. Không được cho ai động tay vào nhé!
Mấy bác hàng xóm đến chơi ai thấy cũng không tiếc lời tấm tắc, liền bàn với bố tôi nên đặt chiếc mô hình núi ấy vào giữa tủ kính để trưng cho đẹp. Được bố vui vẻ bằng lòng, Bằng, Tam, Phụ liền nhanh chóng giúp tôi chuyển nó từ góc nhà lên đặt trang trọng vào ngay ô giữa của chiếc tủ kính cổ kính như ý mấy bác hàng xóm.
Buổi “khánh thành” kết thúc vui vẻ bằng bữa liên hoan thỏa thích với lạc rang cùng khoai lang luộc mà mẹ tôi vừa bê từ bếp lên.
Một ngày kia thầy hiệu trưởng phát hiện ra liền yêu cầu tôi cho người đến đưa luôn chiếc mô hình núi ấy về trưng trong phòng triển lãm đồ dùng học tập của trường. Và cuối cùng cũng theo gợi ý của thầy, tôi quyết định hiến tặng nó cho trường để làm kỷ niệm trong phòng truyền thống.