N
hững người mentor trong đời tôi, họ chẳng dạy tí kiến thức gì, cũng chưa bao giờ cố vấn kỹ thuật về kinh doanh, nhượng quyền, hay phát triển thị trường. Họ đến, chỉ để vả vào mặt một cú bàng hoàng, trả tôi về với chính mình mỗi khi tôi lu xu bu, mất phương hướng, hay u mê lầm đường lạc lối. Thuốc đắng dã tật. Người dám nói những câu thật đến rát lòng mới là người sau cùng còn ở lại. Đừng chỉ biết vin vào sự ngọt ngào, chiều chuộng, tung hô. Giả dối, sau cùng chỉ là liều thuốc độc.Triệu người quen có mấy người thân? Không biết nữa chỉ một mình ta biết.
Ngày trẻ, tôi bị bệnh hoang tưởng về sức mạnh của mạng lưới người quen. Thời trẻ trâu, có ai dạy đâu mà biết. Sáng ngời, lanh lợi, tỏ ra nguy hiểm và hết sức bề ngoài, tôi tung hoành tại bất cứ sự kiện, đám đông nào, luôn bận rộn và không ngừng trở thành linh hồn của những đám đông xa lạ. Họ là ai, tôi chẳng biết. Họ tâm tư thế nào, tôi chẳng mấy quan tâm. Và cứ thế, chụp hình cùng người này, chia sẻ hình mình với người kia. Manipulation- tôi thật sự chỉ biết chơi trò thao túng quan hệ với những người quen biết. Cho đến khi tôi gặp Tony, người mentor đầu tiên trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Tony cả đời làm việc cộng đồng, bán hết tài sản ở Sydney, dọn nhà qua Delhi lập mái ấm cho các bé gái đường phố bị xâm hại tình dục. Mái ấm rước các em vào, dạy các em học nghề học chữ cho đến khi các em đủ sức bước vào đời. Đứng trước một người selfless - vô ngã như thế tôi thấy mình mất hết vũ khí, bị xé toạc đám mặt nạ nguy hiểm và vô hiệu hóa kỹ năng thao túng tôi ngỡ mình đã luyện đến tầng sư phụ. Tony, hết sức thẳng thắn, sau một thời gian quan sát và làm việc với tôi, ' Phi,you are worth more than a few masks. And it doesn ' matter how many people you seem to know. It matters though how deeply you are connected with just a few to create meaningful connections.' - Phi, giá trị của em lớn hơn vài ba cái mặt nạ. Ra vẻ quen biết nhiều người chẳng giúp gì cho ai cả. Kết nối sâu với vài người trong cuộc đời mới thật sự là xây dựng những quan hệ ý nghĩa cho hành trình phía trước của mình.
Gì vậy? Tôi sững lại.
Có những người như thế trong đời. Họ đến để huỵch toẹt vào trong mặt của mình, vì họ thương và họ rất quan tâm. Tony là một người như thế. Và tôi, chẳng thể sống với những ngày xưa cũ từ khi anh xuất hiện.
Ta ngã xuống, người quen xì xào bàn tán. Ta ngã xuống, họ nâng lên, và họ chỉ là vài người thân trong vô số những người quen. Ta quen biết bao nhiêu người, chụp hình với bao nhiêu người chẳng còn quan trọng nữa. Họ có hiểu ta? Ta có chia sẻ những buổi chuyện trò ý nghĩa? Họ có tin ta không để cùng ta xây tiếp một hành trình? Họ có dám lấy uy tín của riêng mình để giới thiệu ta vào cộng đồng riêng của họ?
Cuộc đời, từ khi học cách xây dựng niềm tin và quan hệ chiều sâu, tôi được nâng đỡ và mở ra cho biết bao nhiêu cánh cửa. Thế giới này thật ra vẫn vận hành dựa trên những cộng đồng riêng tư, rất nhỏ, vận hành bằng lòng tin và sự chính trực của mỗi người. Quen bao nhiêu người, thao túng được bao nhiêu người chả có ý nghĩa gì. Họ, những người nâng ta lên, họ nhìn rất rõ và tránh xa những kẻ lu xu bu, tỏ ra nguy hiểm, quan hệ tưởng rộng nhưng chỉ là trò thao túng. Chạy loanh quanh trên bề mặt rồi sẽ chỉ về tay trắng.
Chi bằng chân thành bám rễ thật sâu ở vài nơi, để xây dựng gốc rễ của niềm tin và nền tảng. Quan hệ từ đó mà phát triển thật vững bền, thật nhanh, thật rộng, và mang lại lợi ích gấp vạn lần những gì ta tưởng tượng hôm nay.
Thôi đừng thao túng nữa. Hãy xây cho mình vài quan hệ thật ý nghĩa, thật sâu. Đừng nghĩ mình quá giỏi, quá hay, vì có thể thao túng bao nhiêu người khác. Họ hiểu hết, thấy hết, và họ chẳng đủ niềm tin hay sự kiên nhẫn để giúp ta đâu. Cuộc sống vốn đơn giản, công bằng khi niềm tin là thước đo quan hệ. Chậm lại, chân thành nhất có thể rồi chân thành hơn thế nữa. Quan tâm đến người khác, quan tâm nghĩa là ta thật sự quan tâm. Thao túng, cuối cùng chỉ là trò của trẻ trâu thôi. Niềm tin và sự chân thành mới là tài sản quý giá nhất của mỗi người trên hành trình bước ra thế giới.
Dù chưa một lần chính thức gọi mentor, nhưng ông chủ tịch tập đoàn lại là người dạy tôi nhiều nhất về đạo đức. Hồi đó, tôi còn non lắm, mới vào tập đoàn, trải nghiệm và kiến thức thị trường quốc tế là con số zero to tướng, nên cũng hay mất tự tin khi bị sếp lớn gọi lên. Bữa đó, tự nhiên chị thư ký riêng của ông gọi tôi hẹn gặp. Ủa, đâu có báo cáo trực tiếp đâu, hẹn gặp làm gì nhỉ? Tôi hoảng hồn nghĩ ra một ngàn câu mà ông có thể hỏi mình. Nghĩ tới phải trả lời sao thôi là xì trét hết mấy ngày. Giờ nhớ lại tức cười. Con người, khi không đủ tự tin thì mang tật suy nghĩ quá đáng (over-thinking), và tưởng tượng ra đủ thứ để mình tự hù mình. Không biết thì cứ bình tĩnh đối diện thôi. Tâm tĩnh thì đời soi theo mà tĩnh.
Chiều hôm đó, 3 giờ chiều tôi có mặt đúng bon. Cái phòng rộng làm sao. Bàn ghế tủ trong phòng gỗ chắc nịch, màu cánh gián đậm, toát ra cái uy thế của người quyền cao chức trọng. Cửa xịch mở. Ông chủ tịch bước vào.
'Phi dạo này công việc tốt hôn?'
'Dạ, có cái tốt, nhưng cũng nhiều cái thấy chưa hợp lý.' 'Cái gì chưa hợp lý nói nghe thử?'
Chẳng hiểu sao, ở ông tỏa ra cái năng lượng bao dung làm tôi cứ thiệt tình khai hết. Khi làm việc với đối tác quốc tế, đứng từ góc độ của nhà đầu tư, tôi thấy rất nhiều việc bất cập và không hiểu tại sao không thấy ai có vẻ bận tâm. Quan hệ và việc kinh doanh sẽ bền vững hơn nếu chỉ cần thay đổi cách tiếp cận xây dựng chiến lược thị trường nền tảng hơn, sớm hơn, dài hạn hơn cùng với đối tác của mình. Ông ngồi nghe, ghi chép cẩn thận lắm, và không ngắt lời. Nói một mạch xong rồi, tôi mới ngỡ ngàng, ủa mà ông gọi mình lên làm gì nhỉ. Chưa kịp nghĩ thêm thì
ông lên tiếng hỏi.
'Phi dám nhận chức Giám đốc phát triển 3 khu vực châu Á, Trung Đông và Đông Âu không?'
'Hả? Thưa ông, nhưng mà tôi thấy mình chưa đủ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm. Sợ không hoàn thành công việc lại ảnh hưởng kết quả công ty.'
'Giờ nói Phi nghe chuyện này, và mong là Phi sẽ ghi nhớ và mang theo suốt cuộc đời này nhé.'
Trời đất. Nghe tới đó là tái mặt, cóng giò như mùa đông lạnh nhất của vạn ngàn thế kỷ. Biết làm gì ngoài chữ dạ thật ngập ngừng.
'Tôi có tiền, rất nhiều tiền. Người có kiến thức, nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, bằng cấp cỡ nào tôi cũng bỏ tiền mua được. Giỏi cỡ nào tôi cũng bỏ tiền mua được. Nhưng tôi không bao giờ có thể mua trái tim và tâm hồn của một con người. Và người tôi cần, là người tôi không mua được.'
Tôi lặng im, như lần đầu bị ai đó lấy cây gậy bọc nhung quất cho một phát vào tim. Sao có thể có một thứ triết học đường phố mà nó vừa cao siêu, vừa đời thường, vừa lấp lánh nhưng lại vừa tạt nước đá vào mặt người ta như thế? Đó, mentor của tôi là vậy đó. Và tôi, ôm câu nói này đi suốt cả cuộc đời.
Tôi hay dặn những người làm việc cùng mình sau này, đừng tính toán nhỏ nhoi, hãy cứ làm hết sức với cái tâm, vụng một chút, cục mịch một chút cũng chẳng sao. Nhưng đừng bao giờ lấy tiền ra so trước đếm sau, tính toán thiệt hơn khi bản thân làm chẳng ra gì. Bạn tính một, người ta tính mười. Đời này, chẳng ai khờ hơn ai, chẳng ai ma lanh hơn ai đâu bạn. Nếu người tôi cần là người tôi không mua được, bạn nghĩ đi bạn có thể bị mua không? Bằng nhiều tiền hay bằng rất nhiều tiền? Nếu bạn bị mua rồi, bạn có phải là người họ cần không nhỉ?
Rất nhiều bạn nhắn tin, hỏi xin làm mentee của tôi. Bạn biết đó, một cá nhân nhỏ bé như tôi thì làm sao có thể dành thời gian cho tất cả mọi người? Hơn nữa, định hướng của tôi là gieo hạt mà, nên chỉ gieo hạt thôi, còn bạn phải làm việc cực nhọc để tưới hạt nảy mầm, vươn lên, ra hoa trổ lá. Giờ vầy, sẵn chương này nói về những mentor trong cuộc đời tôi, cho tôi 10 phút để mentor bạn qua trang sách hôm nay nhé. Xem như mình đã nhận nhau làm mentor và mentee qua lần tương tác đặc biệt này. Và nếu cần hỏi thêm gì sau khi đọc thì cứ inbox hỏi tôi thêm. Thời 4.0 rồi, mình quan hệ mentor- mentee một cách số hóa vậy. Bạn sẵn sàng chưa?
Đây là nguyên lý làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi suy nghĩ và định hướng một cách rõ ràng như pha lê, không hoang mang vì không biết chọn gì, và cũng hết lu xu bu khi trước mặt quá nhiều sở thích và cơ hội. Người khác hay khuyên bạn nên theo đuổi đam mê của mình, vì đam mê sẽ giúp bạn vượt qua mọi gập ghềnh để đi đến thành công. Nhưng đam mê thôi thật ra là không đủ. Hôm nay chia sẻ với các bạn một nghiên cứu về tâm lý học tích cực (positive psychology) của nhà nghiên cứu tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, tác giả sách Flow – The Psychology of Optimal Experience (tạm dịch: Thuyết dòng chảy – Tâm lý hạnh phúc). Theo ông, hạnh phúc là trạng thái nội tại, không liên quan gì đến ảnh hưởng bên ngoài. Và hạnh phúc có thể được nhân lên nếu ta biết cách vươn đến trạng thái 'dòng chảy' này.
Các bạn nhìn vào sơ đồ dưới đây. Trục đứng là mức độ thử thách, từ thấp đến cao. Trục ngang là mức độ kỹ năng của bạn từ thấp đến cao.
Khi không có kỹ năng, kỹ năng thấp và thử thách thấp, con người ta ở những trạng thái như sau:
Khi mức độ thử thách thấp nhưng kỹ năng ở mức trung bình, bạn rơi vào trạng thái boredom – chán nản.
Khi thử thách cao nhưng kỹ năng trung bình, bạn rơi vào trạng thái arousal – bị kích thích muốn vượt qua thử thách mặc dù khả năng còn hạn chế.
Khi kỹ năng cao nhưng mức độ thử thách thấp, bạn ở trạng thái relaxation – thư giãn, không muốn làm gì hơn.
Khi thử thách trung bình nhưng kỹ năng cao, bạn hay trở thành kẻ muốn control – kiểm soát mọi thứ, mọi người.
Trạng thái cuối cùng, khi thử thách cao nhưng mức độ kỹ năng của bạn cũng siêu, bạn rơi vào trạng thái tuyệt vời nhất – trạng thái flow (dòng chảy). Bạn trở thành dòng chảy sung mãn của nước. Không còn rào cản. Không còn giới hạn về không gian và thời gian. Đó là khi bạn sáng tạo không ngừng, làm việc không mệt mỏi, năng lượng sung mãn, và luôn vui vẻ, hạnh phúc, hài lòng nhất với cuộc sống của mình.
Bạn đang ở đâu? Thành thật nhận biết vị trí hiện tại của bản thân là bước đầu tiên giúp bạn chuẩn bị cho hành trình dòng chảy. Nếu có kỹ năng mà thiếu cơ hội thử thách, có khi bạn nên đổi môi trường. Nếu cái gì cũng có nhưng kỹ năng không đủ để theo thì, có khi bạn nên dẹp chuyện lo cào cấu kiếm tìm mà dừng lại để phát triển bản thân mình trước đã. Bạn có kế hoạch gì để đón nhận thử thách ở mức cao nhất nhưng với sự chuẩn bị phát triển tốt nhất về kỹ năng chưa?
Hồi nhỏ, tôi thấy mình thật vô dụng, không đẹp, hát chả hay, không hoa tay, không hoạt náo, nhát như thỏ và chẳng có tài cán gì để mang ra mà trổ với bạn bè. Nhìn mấy đứa popular- nổi nổi trong trường, thiếu điều muốn đào cái lỗ dưới gầm bàn mà trốn. Kỳ vậy? Sao cuộc đời hông công bằng gì hết. Sao kẻ đa tài, sao kẻ trống không?
Lớn lên, cũng cứ vậy mà hoài nghi, ủa cuối cùng là mình sinh ra để làm gì, sao không có thứ tài cán gì để thi thố với đời hết vậy. Sếp đầu tiên trong đời, hồi năm nhất trốn học đi làm, suốt ngày cũng chì chiết, dở quá, không biết tiếp khách gì cả, ăn mặc quê quá, canh đứa này đứa nọ mà học theo kìa. Ồ, bạn đừng tưởng có một mình bạn hoang mang. Ai trên đời này cũng đã từng hoặc đang hết sức hoang mang như thế. Cho đến khi tôi gặp John. Ảnh người Mỹ gốc Phi, qua Việt Nam hỗ trợ tập đoàn xây dựng thị trường những ngày đầu. Hồi đó tôi làm phiên dịch cho sếp nên cũng thường gặp ảnh. Bữa đó họp xong ra ngoài cà phê giữa buổi, tự nhiên John nói, 'I'm very proud of you - Tôi rất tự hào về Phi đó, vì Phi luôn quan tâm mọi người, luôn làm tốt nhất những gì được giao. Tuổi trẻ mà thế, sau này sẽ thành công đấy.'
Chỉ vậy thôi, ảnh làm tôi thay đổi, ồ thì ra mình cũng làm được gì đó nhờ cố gắng. À thì ra không có tài cán gì thì cũng có cách làm nên chuyện đó thôi. Từ đó, thích hay không, chuyện nhỏ hay chuyện lớn, không làm thì thôi, làm thì sẽ làm cho tới, rồi thích hay không hạ hồi phân giải. Nhờ vậy, tôi ngày càng tự tin học hỏi, phát triển bản thân mình.
Kể chuyện này để trả lời cho rất nhiều bạn nhắn tin, hỏi sao em không biết mình thích gì, sao em không có tài cán gì, sao em không biết phải bắt đầu từ đâu. Chuyện nhỏ mà. Đang làm gì cứ làm cho thật tốt. Làm kiểu nửa chừng, chưa hiểu đã chán, chưa học đã nghỉ thì sao biết bản thân sẽ làm được thứ gì. Cứ phải tận tâm tận lực với chuyện đang làm. Làm cho tới sẽ vỡ ra mình thích hay không. Lo chi chuyện tài với cán. Tôi chả tài gì. Toàn khổ luyện đấy thôi. Sau này làm việc với đội ngũ, tôi thẳng thắn chia sẻ để phát triển tiềm năng của từng người, giúp họ nhìn ra và cống hiến bằng chính sức mạnh của mình, và không bao giờ quên câu 'I'm very proud of you'. Câu nói đó, đối với tôi và nhiều người, là nguồn động lực vô giới hạn. Nên, nếu bạn lỡ đang làm sếp, thì đừng quên hôm nay truyền chút năng lượng tự hào này cho đội ngũ, cho đồng đội của mình.
Giờ, tôi sẽ làm cho bạn việc John đã làm cho tôi. Tôi tự hào về bạn. Tôi nghiêm túc nha, vì hiểu rằng ai cũng có sứ mệnh, sức mạnh, và tiềm năng vô tận của riêng mình. Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Cứ làm cho tới những việc đang làm, muốn làm, rồi bạn sẽ nhìn thấy chính mình, bạn ạ.
Tôi rất tự hào về bạn. Tôi nghiêm túc đó nha.
Odense, 09/06/2019