T
rong đời, không ai muốn nhưng chắc chắn sẽ có khi, ta sắp mất hết và người đời vì vậy cũng bỏ ta đi hết. Cuối cùng, người ta kết nối với nhau bằng cái code kiểu gì? Không lẽ tất cả chỉ vin vào chút lợi lạc rất vị kỷ, cá nhân? Không lẽ, một chút cảm thông giả tạo cũng không thèm ra vẻ? Nghĩa nhân mỏng dính như cánh chuồn chuồn thế? Và ta, có biết ai sẽ là kẻ cuối cùng ở lại trước cơn giông?Đó là buổi chiều gai góc nhất trong đời Nabi. Ngày mai, ông đáng giá 1 đô hay 160 triệu.
Xây tập đoàn to đùng cả đời, ông nghĩ, đã tới hồi giao nó lại, nhìn nó lớn lên bằng những bàn tay nuôi nấng trẻ trung và giỏi giang hơn. Con mình, mà bán nó đi, ông nghĩ cũng phải tìm người gìn giữ được những giá trị mà ông hằng nâng niu, vun vén. Nghĩ vậy, nên ông không công bố, chỉ lẳng lặng đi tìm từ vòng tròn kết nối của những người quen.
Stanley bỗng xuất hiện như ánh mặt trời xuyên cả màn đêm. Người Sing, tuổi ngũ tuần, Stanley nghe đâu đã từng bán mua công ty tính bằng tiền triệu. Sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo, xông pha gây quỹ cho nhiều dự án cứu trợ nạn nhân thiên tai, hoạt ngôn, lại rất ư hài hước, vừa gặp là Nabi đã thấy quá tiềm năng. Ông gọi tôi, không nói rõ ý định bán tập đoàn, chỉ dặn sang Bắc Kinh gặp Stanley để tìm hiểu cách hợp tác phát triển thị trường Trung Quốc. Đó là chuyến hành trình 3 tuần xuyên các tỉnh đại lục, tôi đặt vé bay qua Bắc Kinh, trạm cuối cùng trước khi về lại Sydney.
Áo chim cò trắng cam, quần short kem, xăng đan nâu, người nhỏ thó, tóc muối sương, Stanley xuất hiện tại sảnh khách sạn Mariott Wang Fu Jing. Hắn bước về phía tôi, vì tôi đã nhắn đang ngồi đâu và trang phục thế nào. Theo sau, là một em Trung Quốc ăn diện rất quý bà, giày cao gót thiếu điều muốn cao hơn bắp vế. Mặt hất lên tới trời, kiểu ' chỗ này đối với tớ cũng thường thôi nhá' , bản bước chân nọ tréo chân kia như show hàng trên sàn diễn thời trang. Bên cạnh bản, là một anh Trung Quốc tuổi U40, mập tròn, nhìn có vẻ hơi nhà quê và cục mịch. Chúng tôi chào nhau, và Stanley giới thiệu, nói cô này là trợ lý riêng, và anh này là dân làm ăn, vai chú của cô kia.
Câu chuyện giả lả làm quen. Tôi trình bày về kế hoạch phát triển thị trường Trung Quốc và cơ hội hợp tác với đối tác tiềm năng đang tìm kiếm. Stanley ra vẻ lắng nghe, hỏi lung tung, và pha trò đủ kiểu. Buổi gặp gỡ nhẹ nhàng, nhanh chóng. Stanley nói phải bay về Sing nên xin lỗi không thể ở lại để tiếp đãi tôi.
' Phi gặp Stanley xong thấy sao?' - Tối đó Nabi gọi hỏi ngay.
' Somethingdoes not add up about this guy - Có cái gì đó không ổn với bạn này mà tôi cũng chưa rõ là cái thứ gì. Rõ ràng đi với bồ mà giới thiệu là trợ lý riêng, chẳng biết trợ cái quả gì nữa đó. Người không minh bạch, tôi cảm thấy không đáng tin.'
' Phi nói gì vậy. Không phải đâu. Người này tham gia nhiều hoạt động từ thiện lắm. Chắc chắn phải là người tốt.'
Chuyện bắt đầu là như thế, từ một niềm tin mù quáng rằng người có đạo sẽ tốt, rằng người làm từ thiện nhiều chắc tâm tính trong lành như nước hồ thu. Sau đó là cả một bộ phim tâm lý tình cảm xã hội vừa dài vừa gây cấn, cao trào do Stanley đạo diễn. Không biết Nabi tin kiểu gì mà đến nỗi giao Stanley quản lý tập đoàn ngay cả trước khi ký hợp đồng mua bán. Kiểu tin như người đồng đạo. Chỉ nói với nhau về con số đâu đó trăm triệu đô xong là giao cả tập đoàn. Nợ sắp đáo hạn 30 triệu đô vay để mua lại thị trường Mỹ và mua lại toàn bộ một chuỗi khác toàn cầu, Stanley hứa tới ngày sẽ chuyển trả ngân hàng, cấn trừ tiền mua tập đoàn mặc dù hai bên chưa chốt giá. Trên đời này chưa thấy ai M and A (mua bán sáp nhập) kiểu gì kỳ như thế, nhưng niềm tin vào người anh em đồng đạo đã làm cho Nabi vướng vào vụ lừa đảo ngoạn mục của thế kỷ này.
Một tuần trước ngày đáo hạn, ngân hàng nhắc, Nabi gọi, Stanley bảo tới ngày sẽ chuyển. Ba ngày trước khi đáo hạn, Nabi được mật báo là Stanley đã làm một cái vố tay trong: không trả tiền cho công ty vỡ nợ, phá sản, mua nợ ngân hàng và mua lại tập đoàn với giá 1 đô la.
Ba ngày, kiếm đâu ra 30 triệu để đáo hạn ngân hàng? Nabi chới với, ghi xuống vài cái tên của những người có thể cứu mình trong gang tấc. Ông gọi. Không ai giúp.
Kể từ khi Stanley nắm quyền sinh sát trong tập đoàn, hắn nắn gân tất cả những người giữ vai trò chủ chốt. Gọi họp, xong phơi từng người ra xử, nói năng kiểu miệt thị họ trước tập thể. Người sốc quá xin nghỉ. Có bạn chạy cả vào toilet ói tại chỗ vì quá ức. Người sợ mất việc thì chạy theo nịnh bợ, xun xoe. Lợi hại thiệt. Chỉ một cuộc đại thanh lọc ngắn gọn vậy thôi là thành ra hai phe, phe chống và phe nịnh. Hắn tỏ cái quyền uy của ông chủ mới một cách đầy ngã mạn, và những người trước giờ một tiếng ông hai tiếng chú với Nabi trong tập đoàn, 30 giây sau là trở mặt ngay. Họ lôi hết chuyện dưới gầm cầu thang đâu đó ra tố nhau, lấy điểm. Lần đầu tiên trong đời, tôi mục kích thứ gọi là đấu tố. Khủng khiếp! Cuộc đời, cạn lòng nhất là khi đứng nhìn người đời trở mặt nhanh như điện. Hay ghê! Họ có cái công tắc on/off giấu trong nách hay sao á. Bấm một phát là từ on sang off. Tình nghĩa gì nhiều mày mặt thế kia?
Chiều ngày sau cùng trước khi mất trắng, tôi ngồi tần ngần trong văn phòng Nabi. Cái phòng to và lạnh ghê. Thường ngày, chốn này tấp nập người xếp hàng chờ tới phiên được gặp. Sao bữa nay không còn nghe tiếng chân gõ vội vã trên hành lang nhỉ? Họ đâu hết cả rồi? Ông nhìn tôi cười, ' I'll leave it up to him now – Thôi tôi chấp nhận chờ bề trên xử' . Vừa nói, hai tay ông vừa đưa lên trời, lòng bàn tay ngửa lên, nhìn cứ như là tư thế cầu nguyện của người Hồi giáo. Tôi ngưỡng mộ ông trong thời khắc đó. Làm hết tất cả những gì có thể, rồi cười. Nét hiền hòa vẫn hằn lên từng vết khắc thời gian. Đôi khi trong cuộc sống, con người chỉ có thể làm tất cả những gì trong giới hạn khả năng, rồi để phần còn lại cho định mệnh. Đừng tưởng rằng bạn có thể quyết hết tất cả mọi thứ trong đời. Nghĩ lại đi, ngay cả hơi thở của chính mình, bạn đã bao giờ làm chủ được đâu? Cho nên, tận nhân lực là đủ. Phần còn lại, có khi phải dựa dẫm vào vũ trụ. Ở không gian đó, vào thời khắc đó, nhận thức về sự bất lực của con người chạm sâu vào từng mạch máu trong tôi. Từ đây, và đến mãi sau này, tôi học cách thản nhiên trước vạn lý trường thành thử thách. Tận nhân lực, như cách mà Nabi đã làm, tôi dặn mình như thế.
Điện thoại reng. Tiếng rơi xé toạc cả không gian đang lún dần vào chiều sớm.
' Nabi, tôi là dân old school – theo trường phái xưa. Hôm trước mình bàn chưa xong. Nay tôi biết anh đang mắc kẹt. Giờ vầy. Anh chốt cái hợp đồng thị trường Trung Quốc theo đề nghị của tôi lần cuối. Giờ tôi chuyển tiền đáo hạn cho anh.'
Nabi lặng người. Đầu dây bên kia là đối tác gọi từ Hong Kong, ông chủ của một tập đoàn đông dược khổng lồ đặt trụ sở tại Bắc Kinh. Vậy là xong. Nabi thoát.
Hai tháng sau đó, tiếng đồn về phi vụ bất hảo không thành liên quan tới tập đoàn lan ra trong giới đầu tư. Người gõ cửa hỏi mua ngày càng nhiều. Nabi chốt giá cuối cùng, 160 triệu. Tôi thường hay phản tư về chuyện 1 đô hay 160 triệu mỗi khi đời gặp gì nan giải, để nhắc nhở bản thân về sự mong manh của vật chất, bạc tiền. Nhắc mình, đời không cần quá đông những thứ kết nối hời hợt, vụ lợi, kiếm chác tầm thường. Giúp người, không mong cầu gì họ trả ơn. Dùng người, không mong đợi người ta trung thành đến giây phút cuối. Đời luôn chập chùng có đi có đến. Cầm lên được, tận tâm tận sức. Bỏ xuống được, tâm trả về không. Có chăng là học cách trân quý kẻ ở lại sau cùng bên bát nước chè xanh, giữa những giây phút chập choạng của không và có.
Với Nabi, hoạn nạn kiến chân tình. Minh triết, là thứ con người bàng hoàng ngộ ra trong vạn bề hỗn độn. Khi cuộc đời xào xáo, khi lòng người chao đảo, kẻ lặng thinh bên đường sẽ nhìn thấy tận tường bản chất của thế gian. Thấy, không phải để mất niềm tin. Thấy, là khi hiểu ra ta không cần phải chấp. Thấy, để cuộc sống nhẹ nhàng, vô mong cầu, không níu kéo người đi kẻ đến. Thấy, để học cách sửa mình và giúp người tìm được chốn bình yên.
Aarhus, 11/06/2019