B
iết câu này không, nếu yêu thích việc mình làm, bạn sẽ không phải làm việc ngày nào trong cuộc đời này cả.Tôi gặp Brigitte tại hội thảo thiết kế trải nghiệm (experience design) tại Aarhus, Đan Mạch. Brigitte là giám đốc nhân sự toàn cầu của một tập đoàn lớn, có văn phòng ở năm châu. Hỏi, ủa Brigitte tham dự hội thảo này để làm chi. Cô trả lời, để tìm giải pháp cho vấn đề tỷ lệ nghỉ việc ở tập đoàn cao quá.
Ủa Brigitte có làm phỏng vấn người nghỉ việc để tìm hiểu tại sao không?
Có chớ. Tập đoàn trả lương rất cao, chính sách lợi ích rất tốt, nhưng cứ làm một thời gian là xin nghỉ hết. Cơ bản là vì công việc áp lực quá, nên họ đi tìm việc khác lương thấp hơn cũng được, miễn sao đỡ áp lực, đỡ stress, cuộc sống nhẹ nhàng thoải mái hơn. Chúng tôi đã từng tưởng là lương thưởng cao là đủ.
Vậy bạn nghĩ sẽ phải cần gì nữa?
Tôi nghĩ là ai trong đời cũng cần ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Công việc là một phần đời và cũng cần gắn kết với ý nghĩa cuộc sống rất cá nhân của họ. Nên tôi hy vọng sẽ tìm ra cách thiết kế trải nghiệm hành trình sự nghiệp, giúp nhân viên cảm thấy họ đang đóng góp vào một mục đích lớn lao hơn.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính mục đích xã hội của tập đoàn phải thật, và niềm tin cùng với hành động của lãnh đạo phải thật. Đâu có gì tệ hơn là chỉ làm như một chiến dịch giữ người? Cái gì thật nó sẽ vững bền và kết nối con người bằng sức mạnh vô hình của nó.
Nhiều bạn nghĩ rằng chẳng ai có thể thay thế được mình, rằng ta là irreplaceable– không thể thay thế được, vì ta giỏi, vì thiếu ta thì cả thế giới này sụp đổ, rằng họ chẳng thể nào sống được nếu chẳng có ta, rằng ta tạo ra họ và họ sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì nếu không có bàn tay ảo thuật của ta. Cái đó gọi là ngạo mạn. Và người giỏi thường chết vì ngạo mạn.
Ngạn ngữ có câu, núi cao luôn có núi cao hơn, người giỏi luôn có người giỏi hơn. Cuộc đời là như thế, và chẳng ai trên đời này mà không thể thay thế cả. Tôi có người quen ở Singapore, toàn làm CEO công ty lớn, trong đó có một tập đoàn bạn làm đến gần chục năm. Một ngày kia vì bất mãn, bạn quyết định nghỉ việc. Và bạn trông chờ sự sụp đổ hay khốn đốn của cả hệ thống vận hành này. Vì bạn là người dựng nên nó. Vì bạn là người không thể thiếu được cho hệ thống ấy vận hành. Rồi bạn nghỉ. Rồi chẳng có chuyện gì xảy ra. Hệ thống vẫn vận hành. Và tập đoàn vẫn tồn tại. Nội bộ họ có rối một chút, có chao đảo một chút, rồi cũng có người khác được đưa vào. Bạn ngỡ ngàng, à thì ra mình có thể thay thế được.
Mà hồi trẻ tôi cũng hay ảo tưởng vậy lắm. Toàn tưởng mình siêu nhơn không. Nghỉ việc rồi mới thấy, ủa không có mợ chợ vẫn đông. Nên mấy người tâm sự chán quá nhưng em không nghỉ được vì họ rất cần em nên tỉnh dậy đi nghe. Mơ một giấc đẹp vậy là quá đủ. Có khi cái họ cần là nhấn nút refresh – tái tạo và trong màn hình mới có khi không cần bạn.
Ghi hết ra xong, bạn đi tìm cho mình giao thoa của những câu trả lời trên để có thể làm được nghề nghiệp hay công việc mình yêu thích, theo thế mạnh của bản thân, theo nhu cầu của xã hội và kiếm ra tiền. Cứ bình tĩnh, từ tốn mà suy nghĩ. Viết ra, phản tư, suy đi xét lại về những câu hỏi và câu trả lời trên. Rồi một buổi sáng dễ thương nào đó bạn sẽ vỡ ra, à đây là việc cần làm. Được thì đi đâu đó khỏi nơi bạn thường làm việc hay sinh hoạt, hòa mình vào thiên nhiên, cho phép mình ngắt kết nối với thế giới vài giờ để thở sâu, thư giãn, thả cho suy nghĩ của mình tự do đối thoại với bản thân. Mong các bạn sẽ tìm được cho mình hướng đi mới và làm lành với thế giới này, bạn nhé.
Nguồn:Diễn đàn kinh tế thế giới
Trong cuộc đời đi làm của mình, có lẽ thành công nhất của tôi không phải là lương bao nhiêu và địa vị thế nào. Mà tự hào nhất là luôn luôn tạo ra giá trị unexpected - không ai ngờ tới. Khi nhận một công việc, vị trí, nhiệm vụ, tôi luôn tự hỏi mình, giá trị một người bình thường sẽ tạo ra, theo mong muốn tiêu chuẩn của tổ chức khi nhận công việc này là gì, và giá trị có đóng mộc thương hiệu cá nhân của tôi là gì. Câu hỏi này, tôi hỏi mình khi bắt đầu, và lặp đi lặp lại trong suốt quá trình làm dự án. Chưa một ngày, tôi nghĩ là giá trị mình tạo ra đã đủ. Trên đời luôn luôn có những cách tiếp cận hay hơn, hiệu quả hơn, hào hứng hơn, chỉ là cá nhân thiển cận của mình chưa chạm được đấy thôi. Và vì vậy, tôi luôn giữ cho đầu óc mình thật mở, để tiếp nhận thêm cái hay, cái mới, và không ngừng sáng tạo giải pháp mới, giá trị mới cho tổ chức mà không chờ ai yêu cầu hay mong đợi gì từ mình cả.
Bao năm đi qua, chẳng còn đi làm thuê nữa, nhưng ông chủ tịch, và tất cả dàn lãnh đạo cứ vài tháng là gọi hỏi thăm, trao đổi, và mang đến cho tôi không biết bao nhiêu là cơ hội cho đến bây giờ. Giá trị, là thứ không có visa hay thời hạn, không bị đóng khung trong bốn bức tường của một tổ chức nào. Giá trị du hành vượt không gian thời gian, không bao giờ mất tầm ảnh hưởng, và vượt ra khỏi mọi sự tính toán nhỏ nhen, thiển cận của đời thường. Cũng vì vậy, tôi đặc biệt trân quý và tạo điều kiện cho những người tự bản thân luôn chủ động tạo ra giá trị, dù lớn nhỏ, dù hoàn hảo hay vừa chớm nảy mầm. Tôi chọn bỏ qua những kẻ chỉ giỏi lạng lách, né tránh, ngồi đơ mặt chờ người ta giao việc, hay đợi la hét, nặng nhẹ mới miễn cưỡng đi làm.
Tại Việt Nam tôi thấy nhiều người đi làm, có lẽ một phần do giáo dục và môi trường, chỉ thích né việc. Làm sao mà chỉ làm vừa đủ thứ người ta yêu cầu, im thin thít không hề chủ động đưa ý kiến và tạo ra giá trị, né tất cả nếu có thể cho nó khỏe tấm thân lười biếng, hoặc sàng qua sàng lại cho có rồi đẩy hết việc cho người ta. Bạn thử hỏi mình câu này, if you disappear - nếu bạn biến mất, bốc hơi ngay trong giờ phút này, chuyện gì có thể xảy ra cho tổ chức? Nếu bạn là mắc xích không thể thiếu, quan trọng hàng đầu vì những giá trị bạn luôn tạo ra, có lẽ tổ chức sẽ có phần hụt hẫng. Không ai là không thay thế được, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến giá trị mà bạn đã tạo ra.
Còn nếu bạn biến mất, mà một ngày vẫn cứ trôi qua như mấy vạn ngày, thì bạn lăn lông lốc trong trần gian này để làm gì nhỉ? Ở, người ta không trân trọng mình, có khi còn mệt mỏi vì cái sự tào lao của mình. Đi, có hay không có bạn cũng chả sao. Vậy, giá trị của bạn nằm ở đâu? Hay bạn là người vô giá trị? Hay bạn dành hẳn 1/3 cuộc đời mình chỉ để trôi vật vờ cho có? Hay ta fast forward cuộc đời mình cho rồi vì nó chẳng có nội dung gì đáng để dừng lại mà xem?
Giờ, bạn thử lấy cái remote và bấm stop xem sao. Hỏi mình, nếu bạn biến mất ngay giờ phút này thì có chuyện gì xảy ra không nhỉ? Vậy ta có tạo ra giá trị cho tổ chức, cho bản thân, cho chính cuộc đời mình? Hay ta đang lăn lăn như hạt bụi bên đường, chờ đến ngày hóa kiếp? Nếu không, có lẽ ta cần tháo cái tư duy né tránh và quăng nó vào sọt rác, và thay bằng tư duy giá trị - value creation để thay đổi tương lai và cả cuộc đời mình.
Nếu ta biến mất...
Vienna, 17/06/2019