T
rong đời, thiếu phản tư là thiếu soi rọi chuyện quá khứ, chuyện đã qua, đã gặp, thiếu suy ngẫm dở hay, thiếu nhận thức sai đúng. Nếu cứ sống hồn nhiên vô tư như cọng cỏ, cứ sai khỏi sửa, thì đời này một lỗi chắc mắc hoài. Vậy, thì khỏi than trách gì ai. Không biết nhìn lại mình, nhìn lại những tương tác của người quanh mình mà rút ra thành bài học cho bản thân, thì hết đời cũng không hiểu tại sao mình cứ hoài lận đận. Vậy, nên tính tôi hay dành thời gian phản tư, chuyện mình chuyện người, rồi canh theo đó dạy mình, sửa mình. Con người, học có bao giờ là hết. Đời mỗi ngày vẫn có bài học mới, nên mỗi ngày tôi vẫn cứ phản tư.Hắn ngồi lặng thinh, mắt nhìn đăm đăm qua lớp cửa kính trong veo. Chiều thứ bảy phố phường tấp nập. Hắn chẳng nhìn thấy gì. Những giọt cà phê đơn độc cứ chầm chậm rơi vào hư vô…
Vài ánh mắt ngưỡng mộ, dăm ba câu xì xào bàn tán… Đã mấy năm nay, hắn nổi như cồn. Trong giới làm ăn, hắn là biểu tượng của thành công. Trong xã hội, hắn là thước đo của sự hoàn hảo. Những bữa hẹn cà phê cà pháo với hắn cũng vì vậy mà thưa dần. Riết rồi, tôi cũng chỉ theo dõi tin tức về hắn qua báo chí.
' Ủa sao hôm nay lại ngồi đây cà phê một mình? '
Sự tình cờ cũng có cái hay của nó, cái sự thiếu vắng tính toán, cái vụng về của sự ngỡ ngàng, cái chân thật của bản chất…
' Anh làm gì có bạn mà không ngồi một mình? '
' Hả? Người nổi tiếng không có bạn? '
Hắn cười, phảng phất cái đăm chiêu, lặng lẽ của một kẻ độc hành. Thì ra đánh bóng tên tuổi cũng có cái dại dột của nó. Người đời thích nghe kể chuyện. Chuyện hay thì phải có hư cấu. Phim hay thì phải có cao trào. Hắn viết mãi, viết mãi, viết đến khi những giọt cà phê cuối cùng đã nhỏ cạn mà kẻ lặng thinh bên cửa kính kia vẫn chưa tìm lại được bản thân mình.
Hắn là ai? Ta là ai? Kể làm sao một câu chuyện hay mà ly cà phê vẫn đậm đà tình bằng hữu?
Hắn hối hả lên máy bay, bước từng bước nặng nề với hai cái túi xách to đùng. Nhét vội nhét vàng hai cái bao nhựa vào khoang hành lý trên đầu xong, hắn rơi tự do vào cái ghế bé xíu so với cái thân hình gồ ghề. Mặc cho cô nàng bên cạnh líu ríu nép mình vào nửa cái ghế kế bên, hắn chẳng thèm đến xỉa. Chẳng còn gì phải lo, hắn rút ngay tờ báo vừa mới lấy ở cửa lên máy bay, lật soàn soạt qua từng trang, dường như chỉ đọc lướt qua mấy cái tít giật gân cho có. Lật qua lật lại, soàn soạt soàn soạt, thi thoảng lại rung đùi, thi thoảng lại hít mũi một cái rõ to.
Máy bay cất cánh. Bữa trưa nhanh chóng được phục vụ. Từ Hồng Kông đi Thượng Hải không cơm thì mì, làm gì có món nào khác. Cơm là chắc rồi. Phải hơn hai tiếng nữa mới đến Thượng Hải, đói bỏ xừ. Khay vừa đặt xuống, hắn chĩa ngay lấy cái nĩa nhựa, chớp lấy hộp cơm, hất cái nắp đậy ở trên ra. Cơm chiên!
Hắn cũng không kịp nhìn xem có cái gì trong mớ cơm chiên đó nữa. Há miệng rõ to, hắn cắm cái nĩa vào một đầu hộp và cứ thế lua lia lịa từng mớ cơm một. Không quá một phút, hộp cơm hết sạch. Hắn hãy còn chép miệng thèm thuồng. Bao nhiêu đó cơm thì có bõ bèn gì so với sức ăn của hắn.
Cô nàng bên cạnh chỉ biết mở to mắt nhìn, vẻ sợ sệt hiện rõ trên khuôn mặt hãy còn ngơ ngẩn, chưa kịp hoàn hồn sau cái cú lùa cơm 1 phút. Cô tự hỏi không biết hắn có kịp nhận ra mình đang ăn cơm chiên. Hắn có nhận ra hương vị trong trẻo của nắng trong từng sợi cà rốt? Hắn có nhấm nháp được hương vị dạt dào của gió trong từng hạt đậu xanh xanh? Và hắn có cảm nhận được những hạt sương tinh khôi trong từng hạt bắp non mơn mởn?
Tại đây, trong giờ phút này, hắn không tồn tại.
Khi ta vội vã lướt qua thời gian, không kịp dừng lại, không hề tỉnh thức để nhận thức từng hành động và suy nghĩ của bản thân, phải chăng ta đang cho phép cuộc sống của mình bị vô minh đánh cắp?
80 tuổi, một bộ đồ bà ba, một cây gậy, dì lò dò băng qua đường. Tôi giật mình lao ra nắm tay dì kéo lại. ' Dì đi đâu đó? ' ' Qua thăm ông Nghiêm, ông bạn hồi cấp một. Nhà ổng bên kia đường. ' Dì nhìn tôi cười, nét hồn nhiên của thời học sinh thoáng qua trên đôi mắt đã hằn vết thời gian.
Hôm nay giỗ ngoại. Mỗi năm chỉ có dịp này là cả đại gia đình lũ lượt kéo nhau về quê. Đám cháu chắt bọn tôi thì thích tụ tập đàn đúm với nhau. Còn đối với dì, mỗi chuyến về Ngoại lại là một hành trình ngược thời gian, đưa dì trở về với ký ức của một thời vô tư lự. Ông Nghiêm ngồi trước cửa nhà, tóc bạc phơ. Dì bước vào. Hai mái tóc phủ sương. Hai cái ghế đẩu bằng gỗ mộc đã bị gió mưa bào mòn theo năm tháng. Vài câu hỏi thăm sức khỏe. Một mẩu giấy tưa vì xé vội. Một số điện thoại viết nguệch ngoạc bằng cây bút bi đã chảy mực lem nhem. ' Chắc cúng xong rồi. Thôi tui về nhe anh. ' Ông Nghiêm gật đầu cười, lơ phơ hàm răng cái còn cái mất.
Nghe mẹ kể hồi con gái dì đẹp lắm. Mấy anh trai làng cứ mê mẩn thập thò trước nhà, làm Ngoại cũng lo phát mệt. Sau này dì theo dượng tôi đi kháng chiến, cũng một thời oanh liệt. Giải phóng xong, dì ở Sài Gòn tất bật chuyện gia đình, lo con, lo cháu, cũng chẳng mấy khi rảnh rỗi mà về đây chuyện trò với Ngoại. Rồi tai nạn ập đến. Dì bị quẹt xe trên đường đi chợ. Những tháng ngày còn lại, dì lúc nhớ lúc không. Bác sĩ bảo hộp sọ trước bị nứt, không gắn lại được, đành để như vậy cả đời.
Tích tắc vậy thôi, cuộc đời dì hoàn toàn thay đổi. Ngày xưa hễ nhắc đến dì là tôi lại hình dung những bước chân vội vã, vài cái nhíu mày không vừa ý, và tiếng càu nhàu mỗi khi dượng tôi xuất hiện. Mười mấy năm trở lại đây từ hồi xảy ra tai nạn, dì chẳng mấy khi nói gì, chỉ cười mỗi khi nghe bọn tôi kể chuyện, và cứ một hai ngày lại giở lịch xem ngày giỗ Ngoại. Ngoại mất chẳng bao lâu sau khi dì bị tai nạn. Vậy là từ hồi rời khỏi nhà Ngoại đến giờ, hai mẹ con chắc chẳng có được mấy câu chuyện vuông tròn. Ngoại mất rồi, mỗi lần gặp tôi, dì chỉ nói có một câu ' Dì nhớ Ngoại lắm. Nhớ nhà mình ở dưới quê lắm ' .
70 năm, một khoảnh đời vội vã, chỉ để quay về ngồi đây trên chiếc ghế đẩu gỗ mộc, hai mái tóc phủ sương, một ký ức đẹp về một thời vô tư lự trên miền quê Ngoại…
Đã ba năm nay hắn bỗng dưng biến mất khỏi cái chốn Sài thành nhộn nhịp. Ba năm không phải là quá dài nhưng cũng vừa đủ để cái đám bỏ bạn còn bè quên phắt cái gã đã từng là ngôi sao trong làng ăn chơi nhảy múa. Hồi đầu, còn có kẻ lâu lâu buột miệng hỏi vu vơ sao hắn lặn sâu đến thế. Mà hắn lặn sâu thật, chẳng mấy ai lần ra tung tích của hắn ở nơi nào. Mãi rồi người đời cũng đâm ra chán ngán, không còn ai hỏi han chi.
Tôi và hắn cũng không phải là bạn thân, nhưng được cái giữa tôi và hắn câu chuyện chẳng bao giờ là những thứ xa hoa phù phiếm khiến người đời không ít kẻ bán mạng làm nô lệ. Cũng có lẽ vì vậy mà thi thoảng hắn lại lang thang tìm tôi chỉ để ăn một bữa cơm đạm bạc nhà quê.
' Tối nay qua ăn cơm nhe. '
' Ừa, có người nấu và có cơm ăn thì qua. '
Một cái bàn gỗ nứt nẻ, vài cái ghế mây cũ xì, dăm ba món rau xào còn bốc khói, mảnh sân vườn nhà hắn đêm nay có lẽ cũng nhộn nhịp hẳn lên nhờ có thêm một người khách chẳng mấy khi khách sáo như tôi.
' Dạo này làm gì mà lâu rồi không gặp? '
' Làm cái mà tui thích nhất, ngồi suy tư ở góc sân này. '
' Biến mất mấy năm trời khỏi cái chốn phồn hoa chỉ để
ngồi ở góc sân này? '
' Ừa, con người ta cả đời rong ruổi kiếm tìm. Chẳng mấy ai biết rõ mình đang tìm kiếm cái gì và tìm ở nơi đâu. Thi thoảng cũng ngỡ đã tìm ra khi trải nghiệm một niềm vui xác thịt hay vật chất hay ho nào đó... '
' Rồi sao nữa? '
' Rồi nó lại biến mất, trả ta lại về số mo. '
' Vậy bây giờ tìm ra chưa? '
' Thì đó, đơn giản chỉ là một góc sân nhà. '
À thì ra là thế. Tôi và hắn mỗi đứa đều có một mảnh sân nhà. Vuông tròn méo mó ra sao thì cũng là nơi ta thành thực đối diện với bản thân mình, nơi ta chẳng kiếm tìm nên cảm thấy bình yên...
Tôi tiễn anh về nước, chỉ một ly cà phê và những thoáng lặng im bên hè phố Sài Gòn. ' Con người, dĩ nhiên là xấu ' , anh cười, đâu đó có phần cam chịu, đâu đó có chút quay lưng hờn dỗi cả thế gian.
Lăn lộn trong thế giới tài chính của Việt Nam một đoạn dài, có lẽ anh nhìn thấy nhiều hơn 50 sắc thái của những tờ giấy xanh bạc đỏ. Anh sống với vòng quay vật vã hằng ngày của nó, thao túng, quăng nó vào cuộc đời ai đó, trét nó lên bộ mặt lòe loẹt của ai đó, vét cạn khô chút hy vọng cuối ngày. Cuộc đời, ai theo chân đồng tiền, đúc nó thành vũ khí, biến nó thành trò ảo thuật đường phố, người đó mạnh. Anh mạnh, và con người, dĩ nhiên là xấu.
' Lính mình, tất nhiên sẽ chờ cơ hội giết mình. Trợ lý mình, đương nhiên nó sẽ phản mình. ' Bài học cuối cùng anh dạy tôi trước khi rời khỏi Việt Nam, ' Ở đây, người ta không hiểu đâu em. Đừng trông mong, cả những điều đơn giản nhất. ' Và bỏ lại, anh đi, tất cả những năm tháng tìm về, tất cả những ngày mưa ngỡ ngàng nơi đầu phố. Anh đi, bàn tay đung đưa, vai oằn xuống, cúi đầu chào số phận, ta thua.
Không biết nữa, Sài Gòn ngày lễ vắng người, hay những mái ngói chập chùng vốn đã mòn cảm xúc. Hạnh phúc dừng lại, trôi đi, và lòng người chật hẹp theo từng ô cửa hộp diêm. Ô cửa đếm bàn chân bước qua, từng ngày, bóng chân buồn vui, ngắn dài, co giãn trên quãng tám thăng trầm của vô chừng cảm xúc. Nó chờ! Chờ ngày cuối cùng nào đó khi bàn chân chẳng còn chạm vào cung bậc, chợt nhận ra song cửa nám thời gian. Đến đến, đi đi, nặng trĩu những phận phàm. Chân trần trụi, ngửa tay lòng vẫn trắng.
Tết nào, ba cũng nhắc, ' Mình vào thăm bác nghe con ' . Hồi nhỏ, tôi chỉ biết nhà bác có mấy con thỏ hiền hiền, vài con két trổ lông màu sặc sỡ, thích chơi với tụi nó nên hăm hở đi theo. Sau này mới hiểu câu chuyện đằng sau những lần thăm viếng ấy…
Ba kể, trước 75 cơ, hồi mới mua cái nhà đầu tiên trong đời, ba thiếu một chỉ vàng. Người xưa có tiền mới đi mua, không chịu vay ngân hàng như bây giờ. Người ta sợ nợ nần ghê lắm, không như ngày nay cứ vay mượn lung tung mà chẳng chút ái ngại nào. Tới gần ngày chồng tiền nhà, kẹt quá, ba mượn bác. Hai ông già, hồi đó quen biết, chứ thật ra cũng chẳng mấy thân. Vậy rồi năm tháng trôi qua, những biến cố trong đời làm cho ba lưu lạc xứ người.
15 năm sau, ba về, và người đầu tiên ghé thăm là bác. Nhắc chuyện cũ, trả lại một chỉ vàng, rồi cứ vậy Tết nào cũng kể tích một chỉ vàng, và ' Mình vào thăm bác nghe con ' . Tháng qua, năm lại, những câu chuyện xưa nay, những tiếng cười lơ phơ theo thời gian, những cái bắt tay bạc dần theo từng mùa lá. Tết năm nay, ba lại vào thăm bác.
' Tui dìa thăm anh đây. Anh ở trển khỏe nhe anh. '
Bác đi, dặn dò người ở lại, ' Tết thằng Phú vào, nhớ làm tôm kho tàu, canh chua bông so đũa cho nó ăn cơm. ' Cơm dọn ngoài sân, dưới dàn mướp bác vun tưới mỗi ngày, hoa vàng rực, tôm kho tàu chan nước mắt.
' Nếu ba đi trước, con nhớ Tết nào cũng vào thăm bác gái, thắp nén nhang cho ổng giùm ba. '
Bác chẳng một lần nói câu nào, nhưng đã dạy tôi cả đời phải sống mở lòng, học cách cho đi, chẳng bao giờ mảy may nghĩ về nhận lại. Còn mỗi lần theo ba vào thăm bác, tôi học cách nâng niu hai chữ ' biết ơn ' . Ai làm gì đó cho mình, dù rất nhỏ, cũng ghi lòng tạc dạ. Cuộc đời, ta đi qua, còn lại chăng là những giọt mong manh sẽ chạm vào vạt nắng cuối ngày. Ai, và khói nhang nào, sẽ lặng im cùng ta bên tách trà ngày Tết? Câu chuyện hai thế giới, ' tui dìa thăm anh ' .
Thời nay, người ta trôi nhanh quá. Vội vã, như cơn lốc tràn qua, cuốn phăng bao cảm thương nặng nhẹ trong đời. Vơ vét, chẳng bao giờ biết trả. Đạp lên, chẳng một thoáng ngỡ ngàng. Họ đi, vác trên lưng chồng chất những tham si. Lết về phía chân trời, thảy lên đống rác cuối đời, rồi tay trắng ủ rũ về bên ấy. Ngập ngừng tìm, đâu thoáng nhớ mong manh?
Hồi nhỏ, nhà hàng xóm hay mở um sùm vọng cổ. Đứa lên ba lên năm, thi thoảng dừng lại khi nghe câu gì đó lạ tai. Giờ, chẳng nhớ tuồng nào tích nào, chỉ lâu lâu nhớ câu cao dao này:
Nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn Khi vui nó đậu khi buồn nó bay…
Nhưng cuộc đời, đâu đó cũng còn một cánh chuồn rất khác, chở trên câu ' Mình vào thăm bác nghe con ' .
Ký ức quê mùa của tôi về ngoại, là cái lò đốt trấu. Hồi xưa, ngóng tới hè để được về quê. Ba tháng hè, cứ loanh quanh phụ ngoại nấu cơm mé nhà sau. Cái lò trấu, đối với đứa con nít thành thị như tôi, đong đầy hơi ấm, tình thương, và mọi sự vi diệu của thế gian này. Ở đó, ngoại nấu cà ri vịt thơm muốn ngã lăn ra đất. Lấy cây móc bằng thép, đẩy trấu vô, hẩy tro cũ lên, trấu bén lửa tem tép nổ, tàn lửa bay loạn xạ như pháo hoa. Cái lò gạch, bỗng chốc hóa thành vương quốc vô không vô thời, thần kỳ cổ tích. Vừa nấu cơm, ngoại vừa kể chuyện. Ngoại nói: Ông bà sơ con trước đây ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Tới mùa, lúa chất bồ bồ. Nhà mình hồi đó còn nhà máy xay xát ở mé sông. Gạo lau xong, chất bao bao trong kho. Còn trấu, thì mang về đốt lò. Cái lò trấu này, coi cục mịch vậy mà hay lắm. Ô to ở ngoài, lửa phừng phừng, để nấu. Ô nhỏ bên trong, hơi nóng trong lò tỏa ra, để hong cơm, hâm đồ ăn, giữ ấm. Trấu đốt xong, tro đem ra vườn bón cây. Hông bỏ thứ gì. Hồi đó, có lần chợ cháy. Tội nghiệp, dân người ta vậy thôi là mất hết sự nghiệp vì sạp hàng cháy rụi. Con biết hôn, ông bà sơ con lấy hết gạo trong kho, đem ra phát. Mà lóng đó đông quá, chỉ phát mỗi người được một ô.
Một ô là nhiêu ngoại?
Ờ thì đong bằng cái ô gạo vuông vuông. Ngoại cũng hổng biết bi nhiêu.
Cho hết, rồi mình ăn gì ngoại?
Con à, người ăn nên làm ra, phải biết thương dân nghèo. Vậy, gia đình dòng tộc sau này mới phát. Mơi mốt con thành công, là nhờ phước đức ông bà để lại đó nghen con.
Nghe mấy dì kể, không phải chỉ cái lần cháy chợ. Từ thời ông bà sơ, tới thời trước khi mất hết, kho gạo nhà ngoại mở ra phát vậy rất nhiều lần. Hèn chi, cứ mỗi mùa giỗ ngoại, người trong làng mâm cỗ qua cúng bà Hai ì xèo. Ai ai, tôi chả bao giờ nhớ hết.
Cái nghĩa, cái nhân, gốc nó sâu quá xá. Bài học vỡ lòng, tôi học từ đời ông cố bà sơ. Họ gieo cái hạt mà gieo đâu đó tận ba đời. Thâm thế! Còn ta, ta đang gieo gì cho ba đời tiếp nối của mình đây?
Về, tần ngần bên lò trấu đã lạnh tanh, ' Ngoại ơi con nhớ, con người ăn nên làm ra, phải biết thương lấy dân nghèo ' .
Mỗi khoảnh khắc trong đời, mỗi câu chuyện chạm vào ta trong cuộc sống, đều có giá trị vô giá nếu ta biết phản tư. Vì vậy, trước khi kết thúc một ngày, tôi luôn dành thời gian để phản tư về những việc đã xảy ra trong ngày, cách mình nhận thức, phản ứng, giải quyết hay cảm xúc. Nhờ vậy, tôi sửa mình, chùi đèn để tìm mình hằng ngày chứ không chờ sự kiện hoành tráng gì trong đời cả. Tìm lại mình là việc rất chi tiết, rất kỷ luật, đòi hỏi sự cần mẫn và thành thực của ta với chính bản thân ta.
Zurich, 18/06/2019