H
ồi thân ở đây nhưng tâm không bao giờ tại đây, tôi nghĩ bài học giá trị trong đời chắc phải bị ép ra từ những sự kiện vô cùng trọng đại, kiểu sáng mở mắt dậy thấy mình là triệu phú. Chứ từng giờ trôi qua mình đâu có ở đó đâu, toàn lo nghĩ chuyện quá khứ, tương lai, sao biết hiện tại chuyện gì đang xảy ra, bài học gì đang được dạy. Sau 21 ngày lặng im, leo lên chuyến tàu thời gian ngược về quá khứ, mới thấy wow, bài học hay ho cụ thể nó gõ cửa mỗi ngày, đâu kém tự động như chatbot, chỉ cần chịu khó chắt lọc lại qua tương tác đời thường với người xung quanh. Giờ tôi kể bạn nghe vài chuyện của tôi. Xong, chắc bạn cũng nên tập thói quen ngược về quá khứ mỗi ngày, phản tư về những tương tác và lắng nghe bài học thông thái từ chính cuộc đời mình bạn nhé.Hồi mới qua Úc học, job thứ hai của tôi là làm phục vụ tiệc trong Trung tâm hội nghị Sydney. Tiệc ở đó toàn tính mấy trăm tới cả ngàn người, chủ yếu là sự kiện của tập đoàn, tổ chức. Job này cực lắm, vì mỗi phục vụ bị giao 3 bàn, là từ 24 đến 30 người. Phục vụ phải làm tất, từ phục vụ tiệc đứng trước tiệc chính, đến dọn và dẹp bữa ăn 3 món, 2 loại rượu, và cuối cùng là trà, cà phê. Bưng món ăn, phải đúng xì tin rất pro, món khai vị 2 tay 4 đĩa, món chính 2 tay 3 đĩa, lưng thẳng, bước thoăn thoắt, không được nghiêng ngả làm tràn hay lem sốt ra thành. Phục vụ từng người, bao nhiêu đó thứ, cho bao nhiêu đó người theo đúng yêu cầu pro thì tàn tiệc cũng hết hơi. Cho nên, đứa nào cũng thích làm khâu tổ chức hơn, chỉ tập trung chuẩn bị những thứ cần thiết cho phục vụ thôi, như bơ, đường, cà phê, rượu, v.v. Job đó gọi là servery – soạn tiệc.
Hồi đó, tôi hay đi làm cuối tuần, nên giám đốc sự kiện của tôi thường là Maria. Cô người Tây Ban Nha, di cư sang Úc nhiều năm, và làm việc cho trung tâm gần 5 năm gì đó. Đầu tiệc, khi bày binh bố trận đứa nào làm gì, cả đám hay nhao nhao xin làm chân soạn tiệc. Maria thường mắng, ' Đừng lao xao. Lo làm cho tốt công việc được giao. Rồi tự động người trên sẽ chú ý và cân nhắc' .
Làm việc ở đó một năm, thì chắc khoảng 8 tháng sau cùng tôi tự động được Maria giao khâu soạn tiệc. Bài học cúi đầu làm tốt chuyện của mình và sự ghi nhận đó của Maria đã đi theo tôi nhiều tháng năm trong sự nghiệp. Sau này, tôi hay để ý những nhân sự ít nói nhưng cần mẫn, làm ngơ mấy đứa lao xao ý kiến nhưng việc làm chẳng tới đâu. Cho nên, cứ làm tốt nhất việc nhỏ nhất đi. Đừng có nhảy chồm chồm lên yêu cầu đòi hỏi này kia khi bản thân làm chẳng nên thân nên chuyện. Làm tốt, ắt có người ghi nhận. Cơ hội tiến thân đời này nhiều ngả lắm, không phải chỉ là một hướng leo lên trong cùng một công ty. Bạn bè tôi trong giới vận hành chuỗi hay săn đầu người kiểu này, quan sát, phát hiện người làm việc tốt ở một chuỗi nào đó khác rồi tiếp cận. Ta làm, không phải chỉ một mình sếp trực tiếp của mình ghi nhận. Tất cả mọi người xung quanh và trời đất đều có mắt đấy thôi.
Job đầu tiên của tôi hồi đi học Sydney là dọn phòng khách sạn. Nhìn vậy không có dễ, đòi hỏi phải khoa học, nhanh, chính xác, hiệu quả. 16 phòng dọn trong 8 tiếng mỗi ca. Hilton Sydney lại là khách sạn 5 sao, yêu cầu chất lượng rất khắt khe. Trưởng ca đi kiểm tra, quẹt ngón tay vào đâu còn vương chút bụi, drap giường chỗ nào còn hơi nhăn nheo xộc xệch là y như rằng phải làm lại từ đầu. Tôi luyện trong môi trường đó cực hay. Nó dạy tôi không bao giờ cẩu thả. Cũng là bao nhiêu công sức, nếu toàn tâm toàn ý sẽ hoàn thành một cách chỉn chu. Ẩu tả, làm nhanh làm dối cho xong, thật ra chỉ là phí thời gian và công sức.
Nên sau này khi đi làm, tôi đánh giá khả năng nhân viên và đối tác qua chất lượng công việc trả về. Có người, vừa nhìn thấy đã wow. Có kẻ coi xong tự hỏi, ủa thế gian này sao nhiều người đứt dây thần kinh xấu hổ. Làm thấy ớn mà mặt mũi nào dám gởi đi. Đưa người ta một thứ thiếu tôn trọng bản thân như thế thì làm sao nhận về lòng tôn trọng. Cho nên, bài học này nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Nếu muốn người xung quanh ghi nhận, giúp đỡ, và tôn trọng, đừng cẩu thả. Đừng lao xao chen lấn đoạt trước tranh sau. Cứ làm cho thật tốt, thật chỉn chu việc của mình, đời sẽ đương nhiên để ý.
Cũng thời sinh viên làm thêm tại Trung tâm hội nghị Sydney, sau mỗi buổi tiệc, dọn dẹp xong là phải chuẩn bị bày binh bố trận cho ngày hôm sau. Cho nên, nửa đêm còn sắp xếp bàn tiệc là chuyện bình thường. Đêm đó, chuẩn bị mọi thứ cho tiệc đang diễn ra đã xong, tôi lên kế hoạch chuẩn bị luôn cho tiệc hôm sau. Việc đầu tiên phải làm là chở một đống bơ ra để cắt lát, bỏ vào dĩa để sẵn trong phòng lạnh. Vậy là đi ngược vào kho lạnh kiếm bơ.
Đang đi giữa đường, bỗng nhiên gặp ông tổng quản lý bộ phận tiệc người Úc. Chưa kịp chào, tự nhiên ổng hầm hầm hỏi, ' Giờ này không phục vụ tiệc mà đi đâu đây?' . Chưa kịp há nửa cái mồm để trả lời thì ổng tiếp luôn, nói đừng có lười biếng, trốn việc. Đây là lần đầu tiên và cũng là cảnh cáo lần cuối cùng. Nếu còn tái diễn là cho thôi việc.
What the? Cái gì vậy trời? Học môn chụp mũ của ai mà kinh thế? Sao chưa hỏi rõ đầu đuôi đã đâm ngang, la mắng người ta vô lý. Tức muốn quăng cái xe đẩy bỏ về. Mà nghĩ, thôi làm cho xong nhiệm vụ rồi tính tiếp.
Xuống ca, chia sẻ với cô quản lý ca vì còn tức. Cô nói, chuyện nhỏ nha. Ổng mới bị sếp la, nên kiếm chuyện đổ cơn giận lên đầu ai đó. Ai biểu đi ngang đúng giờ thiêng thì dính chưởng. Hơi đâu mà để bụng.
Ủa, chuyện nghiêm trọng đời tôi mà nguyên nhân sâu xa là hổng có liên quan. Vậy mà xém nữa là đùng đùng nghỉ việc. Hiểu ra, mọi chuyện tự nhiên nhẹ nhàng như chiếc lá mùa thu, xoay xoay rồi hạ cánh bình an như chưa từng xao động. Sau vụ án này, tôi học được bài phản tư cách phản ứng của cá nhân, tránh không cho cảm xúc tiêu cực dẫn dắt mà đổ cơn giận lên đầu ai đó khác, chỉ vì hiểu cảm giác bị lãnh cái họa chẳng liên quan.
Thời đầu sang Úc, tôi theo học trường quản trị nhà hàng khách sạn làm bước đệm để kiếm việc làm thêm. Khi nào kiếm tiền và tồn tại được rồi mới dám nghĩ tới chuyện vào đại học. Hồi đó chỉ nghĩ xa được thế. Sau này mới biết, đời này học cái gì cũng xài được hết. Chính 2 năm bước đệm đã giúp tôi tiến xa khi tự kinh doanh và khi bước vào vị trí quản trị chuỗi trong tập đoàn. Cho nên, dù bạn chưa thấy cây cầu nối giữa thứ mình đang học và việc mình sẽ làm, hãy cứ học cho xong. Không uổng phí đi đâu mà sợ.
Nhân chuyện học quản trị khách sạn, mới kể chuyện học nhóm. Ông thầy dạy môn tài chính, cho bài tập làm dự tính lãi lỗ và dòng tiền cho dự án nhà hàng mới mà nhóm chọn làm bài tốt nghiệp cuối khóa. Tới ngày lên thuyết trình, bạn người Đức trong nhóm thay mặt nhóm lên trình bày. Xong, thầy khen làm bài tốt, rồi quay sang tôi và bạn Đài Loan còn lại trong nhóm, nói, chắc bài này bạn người Đức làm là chủ yếu phải không. Trời ơi, nghĩ sao vậy ta? Này là kỳ thị hay là thành kiến dân châu Á? Trong khi tôi ngạc nhiên ú ớ thì bạn người Đức giải bày một cách hơi bối rối, nói dạ em thật ra không giỏi tính toán. Em nhận phần thuyết trình, còn phần tài chính là trách nhiệm của Phi. Ông thầy cười cười có vẻ hơi sượng chút.
Bởi, đời này đương nhiên sẽ có người nghĩ thấp hơn về bạn. Có sao đâu, nếu bạn làm tốt chuyện đang làm, rất giỏi việc đang theo đuổi, thì trước sau gì sự thật cũng phơi ra. Hữu xạ tự nhiên hương. Chẳng ai mang lửa gói vào trong giấy được bao lâu. Khi cần cháy, tàn tro cũng thành ngọn lửa.
Thời theo học MBA, tôi làm thêm bằng công việc chuyên trực ca đêm tại khách sạn Medina Central ở Sydney. Cứ 3 giờ vô ca, 11 giờ ra ca, có khi 11 giờ vô ca, 7 giờ sáng ra ca. Ban ngày đi học, nên làm ca tối để vừa yên tĩnh dễ học bài, vừa kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Công nhận làm tiếp tân khách sạn học được nhiều kỹ năng, vì hằng ngày phải đối diện đủ mọi loại khách trên đời, đủ thứ quốc gia. Và chuyện xảy trong khách sạn thì, trời ơi muôn hình vạn trạng. Cho nên, làm nghề này luyện kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề rất đỉnh. Riết rồi, đương nhiên là ngày nào cũng có chuyện, và chuyện gì rồi cũng thành chuyện nhỏ.
Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất thời tiếp tân đêm là báo cháy. Mới vô làm được chừng 3 tuần, xử lý công việc còn lóng ngóng thì tự nhiên 9 giờ đêm báo cháy. Khách sạn hơn trăm phòng, ca đêm chỉ 1 tiếp tân và 1 trưởng ca. Còi vừa kéo ò e, khách lớp chạy ùa ra sảnh, bu vô quầy tiếp tân hỏi chuyện gì, lớp không chịu chạy mà gọi điện thoại hỏi xem có phải cháy thiệt hay báo động giả. Tổng đài 12 đường dây mà đường nào cũng kêu um sùm. Một đứa mới nhận việc 3 tuần mà quăng cho cục lửa vậy biết xử sao. Tôi hốt ha hốt hoảng vừa cố trả lời khách quầy, vừa hai tay chụp hai điện thoại. Anh trưởng ca bước ra, ngăn tôi lại, bảo bình tĩnh, mình sẽ không giúp được ai trong tình huống này nếu bản thân không bình tĩnh. Dặn lần sau kiểm tra trước tiên với bảo trì ngay xem có phải là báo động giả vì lỗi hệ thống không. Anh kiểm tra rồi, là lỗi hệ thống. Nếu vậy, cứ từ từ trả lời hết điện thoại này đến điện thoại kia. Gọi không được, người ta sẽ gọi lại hoặc tự mình chạy xuống. Trong tình huống khẩn cấp, cần nhất là người trả lời bình tĩnh, biết chắc chuyện gì đang xảy ra và hướng dẫn chính xác, hiệu quả.
Sau đêm kinh hoàng đó, chuyện tương tự xảy ra vài lần nữa. Với tôi, nó thành bài tập luyện kỹ năng đầu lạnh khi xử lý vấn đề. Rối lên chỉ làm cho mọi thứ rối hơn. Quan trọng nhất để giải quyết được các tình huống trong đời là giữ cho bản thân luôn bình tĩnh.
' You were never here.'
Cả hai người bạn già U60 của tôi đều nói thế khi tôi đã luyện xong bài sống trong hiện tại sau 21 ngày lặng im. Hiểu mình đã bỏ qua nhiều con người và khoảnh khắc trong đời, tôi về tìm hai người xin lỗi.
Một ông đã từng là CEO tập đoàn quảng cáo lớn, một ông là doanh nhân nhiều công ty và cả hai đều tình cờ là người Sing. Quen cả hai đâu đó 5-6 năm thì chúng tôi lập nhóm ăn trưa tại khách sạn Park Hyatt mỗi trưa thứ 6 để làm cho đời nhau thêm phong phú. Chuyện thường là đủ thứ chủ đề, kinh tế, chính trị, xã hội, kinh doanh, nghệ thuật, con người, quan hệ, v.v. Nếu nói mentor, chắc hai người đó mentor tôi nhiều nhất và về nhiều chủ đề nhất trong đời.
Thời đó, tôi còn trẻ và lu xu bu lắm. Não lúc nào cũng ra vẻ đang xử lý vài ngàn thứ khác nhau. Nên mang tiếng là ra đó ăn trưa, thật ra tôi chẳng mấy khi tập trung và thật sự dành thời gian cho họ. ' Youwere never here – Em chẳng khi nào hiện diện ở đây.' Mấy năm sau mới nghe lời trách móc nhẹ nhàng như gió, khi tôi đã nhận ra lỗi của chính mình. Họ đã bao dung vì hiểu rằng chưa đến lúc để tôi tự nhận ra. Nhưng họ vẫn ở đó, vẫn giúp đỡ, vẫn là bạn dù tôi đã chưa từng trân quý thời gian họ dành ra cho tôi mỗi trưa thứ 6. Nghĩ mình lúc đó dốt thiệt chớ. Người ta là ai, thành công ra sao trong đời, thời gian quý giá thế nào, mà mỗi tuần vẫn dành thời gian cho một đứa hậu sinh chưa biết điều như tôi. Xin lỗi là chuyện nhỏ. Xấu hổ với bản thân là chuyện lớn.
Kể từ đó, tôi học cách luôn trân quý thời gian người khác dành cho mình dù người đó là ai. Tôi học cách cất điện thoại đi, gác mọi dòng suy nghĩ, tập trung đối thoại với người đang ngồi đó với mình. Nếu không, chẳng phải ta đang phí thời gian của nhau, của ta và cả họ? Giờ bạn nghĩ đi, bạn có từng và đang hành xử thế? Nếu có chắc đã đến lúc nhận ra, và xin lỗi những người mình đã từng bỏ lơ dù họ ở đó cho ta.
Mẹ nói, ' Chiều tối mẹ về. Con ở nhà nhớ học bài. Mẹ về, tối có bữa cơm ngon.' Vậy, rồi dắt chiếc xe đạp mini màu đỏ đã bạc phếch ra, phóng cái ào.
Chỉ biết mẹ về Ngoại. Mà nhớ Ngoại ở xa lắm, sao mẹ đạp xe mini nhanh dữ. Nghĩ tới đó rồi thôi. Đối với đứa trẻ lên 7, chỉ lo viết xong bài, rồi chiều vọt ra sân chơi đánh trỏng, tạt lon. Lâu lâu sựng lại, nhớ mẹ hứa chiều nấu món gì ngon lắm.
Mãi sau này lớn, Ngoại mới kể, thấy mẹ dắt xe mini vô sân trước, cả nhà hết cả hồn. Ngoại hỏi, ' Con đi xe đò dìa ha?' Mẹ cười cười trả lời, ' Dạ hông. Con đạp xe dìa đó má. Đi xe đò tốn tiền.' Mẹ về, xin Ngoại bao gạo, buồng dừa, rồi tất tả trở lên. Từ nhà mẹ xuống quê ngoại, là hơn tám chục cây. Tôi bàng hoàng, ai mà đạp nổi vừa lên vừa xuống hơn 160 cây số. Đêm đó, tôi khóc, khóc nhiều lắm mà không dám cho ai thấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là tình thương vô ngã, vượt xa tất cả mọi giới hạn mà con người đặt ra cho chính bản thân mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu về sự hy sinh, về sự bao la mà người ta tả trong các bài tập làm văn của đám học trò vô tư lự. Tôi khóc, chẳng giải thích nổi vì sao mình khóc. Mọi thứ to lớn quá, thênh thang quá. Và tất cả những gì đứa trẻ trâu này từng nghĩ là ghê gớm, nghiêm trọng lắm trong đời, bỗng trở nên tầm thường một cách không thể nào hiểu nổi.
Thời sau chiến tranh, cuộc sống nhà nhà chật vật. Một ngày đủ cơm ăn đã là may mắn lớn trong đời. Nhắm mắt lại, tôi quay ngược thời gian về với buổi chiều hôm ấy. 5 giờ rưỡi, đám trẻ hàng xóm bị gọi về ăn cơm hết, chỉ mình tôi còn lại ngoài đường. Sao mẹ chưa về? Tôi tần ngần tới lui ngóng mẹ. Gần 6 giờ, chiều chạng vạng, bóng mẹ gầy gò, cong cong đạp chiếc xe mini xuất hiện cuối đường. Chiếc xe dần hiện ra, gương mặt hiền từ hiện ra. Yên sau xe, một bên máng bao gạo, một bên treo buồng dừa. Một người phụ nữ nhỏ bé có sức mạnh đến thế sao? Hay sức mạnh tình thương vượt xa tất cả ngưỡng chịu đựng mà con người hiểu được?
Hình ảnh đó theo tôi suốt cuộc đời, cho suối nguồn yêu thương trong tôi mãi dạt dào chẳng vơi chẳng cạn. Người thầy lớn nhất trong đời là mẹ, và bài học không lời, dạy bằng những giọt nước mắt bàng hoàng, đau đáu chảy về tim.
Sài Gòn, 22/06/2019