Đ
ời này ai mà dạy hết được cho ai trong tình huống nào phải hành xử ra sao. Một cuộc đời ai đếm nổi có bao nhiêu tương tác và tình huống. Cho nên, hành xử sao thật ra phải dựa vào tâm thế. Nó như cái compa giữ cho ta luôn xoay tròn trong phạm vi giá trị nền tảng mà ta đã chọn theo. Nên cuộc sống này khoan hãy nghĩ phải làm vừa lòng ai. Trước tiên nên nghĩ việc mình làm có đúng với giá trị mà mình hằng theo đuổi hay không.Bạn đích thân đón tôi tại sân bay Đài Loan, người có vẻ rụt rè, khiêm tốn, nhưng rất nhiệt tình. Năm đó bạn 27 tuổi. Là con của một đại gia ngành sản xuất vi mạch điện tử hàng đầu Đài Loan, gia đình bề thế, du học Úc về, và đang trong quá trình tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Nói trắng ra, bạn là ông chủ nhỏ của một tập đoàn khổng lồ bên đó.
Mấy ngày khảo sát chuẩn bị địa phương hóa mô hình ra mắt thị trường, bạn đích thân chở tôi đi khắp hang cùng ngõ hẹp ở Đài Bắc, đi tận nơi kiểm tra nhà xưởng của đối tác cung cấp, cùng tôi tham khảo, bàn bạc, lên kế hoạch. Mở thị trường mới là vậy, đi bộ ngời ngời ngoài đường khảo sát đủ các thể loại chớ đâu có ngồi trong phòng máy lạnh đọc báo cáo. Ngày đi, tối bàn, cứ vậy cả tuần lễ, hai đứa không đứa nào than một tiếng. Nghĩ, cậu ấm nhà này cũng OK ghê chứ. Ít có con ông chủ nào mà chịu khó kiểu lấm tay lấm chân thế kia. Nên sau 1 tuần gặp gỡ và làm việc với nhau, tôi đã rất mến Nicholas.
Hai ngày cuối, là lăn vào bếp thử nghiệm để hoàn tất danh mục sản phẩm cho thị trường Đài Loan, cả đội bày biện, thử, đánh giá, ghi nhận, rồi lại thử cho đến khi hết sức.
' Thôi dọn dẹp mai làm tiếp nha' , tôi nói.
' OK. Để tôi dọn dẹp cùng với đội, xong chở Phi đi ăn.' Nói xong, Nicholas vơ mấy cái chén đĩa chậu thau đi rửa.
Tôi quan sát, thấy bạn rửa chén thật là để tâm, nghiêm túc.
Nghĩ, hay dữ vậy, ông chủ nhỏ gì cool quá vậy. Trên đường đi ăn tối, tôi hỏi Nicholas, ' Ủa học rửa chén hồi nào giỏi dữ?' . Bạn cười, ' Nhà ba dạy thế, chuyện nhỏ làm không xong sao làm chuyện lớn. Người ta làm sao mình không biết thì đi quản lý ai. Chén mình ăn rửa còn không xong thì làm chi ông này bà nọ' .
Trời ơi, ông chủ lớn dạy ông chủ nhỏ thiệt là quá đỉnh. Triết lý quản trị, làm người dạy một cách cơ bản, giản dị, đời thường. Vì không có bay bay, hoang tưởng, cao cao ngã mạn nên họ mới xây được một đế chế thế này. Bài đó, khi tận mắt thấy Nicholas thực hành một cách vô cùng trách nhiệm, thật ra nó cũng đập vào tim tôi một cú ngỡ ngàng. Nhắc mình làm gì, tới đâu, được mấy, thì cũng phải quay về bài học cơ bản là khiêm tốn, học hỏi từ chuyện nhỏ.
Thật ra con người cũng hay quên lắm. Lên đời chút là quên ngay những nguyên tắc đạo đức cơ bản trên đời. Nguyên tắc hình như chỉ áp dụng thời chưa là ai, chưa thành đạt, còn khó khăn thôi à. Rủng rỉnh chút là biến thành trọc phú. Mang tiền của chèn ép giá trị làm người, xấc xược ra dáng ông bà chủ. Ờ, đạp người ta trên đường leo lên thì dễ, nhưng nên nhớ bạn sẽ gặp lại họ trên đường phải trèo xuống kia.
Mà sau này tôi hay lấy bài này ra đánh giá con người. Trước khi giao chuyện gì lớn sẽ đẩy cho vài việc có vẻ như vặt vãnh. Nếu thấy thái độ, phàn nàn, làm cho có, cho qua thì hiểu rồi, là kẻ chuyện nhỏ làm không xong sao làm chuyện lớn. Bởi, ai có tật ồ ta là phải hoành tráng và to bự mới xứng thì nhớ nhé. Có khi chính cái tật này đã làm ta mất bao nhiêu cơ hội trong đời. Chuyện nhỏ, có khi là cái cổng cơ hội to đùng, dẫn vào chuyện khổng lồ mà ta nào có biết.
James người Úc, lấy vợ và lập thân ở Singapore, làm ăn cũng lên xuống bấp bênh một thời gian thì xin vào tập đoàn làm trong bộ phận chuỗi cung ứng cho thị trường quốc tế. Anh là dạng nhân viên có nhiều đòi hỏi, và tranh đấu rất dữ để đạt được những quyền lợi cá nhân tốt nhất cho bản thân. Lần đó, anh xin được chuyển về Sydney làm việc cho con cái được về Úc học. CEO lúc đó hứa sẽ tìm cách để tạo điều kiện.
Tập đoàn phát triển quốc tế quá nhanh, việc quản trị chuỗi cung ứng ngày càng đòi hỏi phải thay đổi và hiệu chỉnh cách tiếp cận để giảm chi phí và thời gian vận chuyển, mang hàng hóa đến gần hơn với thị trường. Thế là thuê giám đốc phòng cung ứng mới để xây chiến lược cung ứng mới. Giám đốc mới vào, yêu cầu chuyên viên cung ứng từng khu vực phải làm việc tại thị trường khu vực, dễ dàng quản trị kho trung gian và đối tác cung ứng địa phương. Vậy, nên từ chối đề nghị thuyên chuyển về Sydney của James.
Chiều hôm đó, họp đội ngũ quốc tế, chúng tôi đều tụ về văn phòng Sydney. James mặt mày hùng hổ, bước vô phòng CEO la om sòm, nào là hứa không giữ lời, nào là lời nói không giá trị, v.v. Chưa ai kịp hiểu gì thì ông chủ tịch từ văn phòng bên cạnh bước qua, thế là bị James xực luôn, nói ông chỉ giả vờ đạo đức chăm sóc nhân viên chứ tình thực không hề để ý. Trời ơi, anh quậy tán loạn, bỏ việc, rồi xóa dữ liệu, email cho đối tác nói lung tung về công ty, email cho tất cả đồng nghiệp nguyền rủa công ty các kiểu. Sau vụ lùm xùm đó, anh biến mất. Mãi 5-6 năm sau tôi mới gặp lại James, lúc này mới quay về làm cho một công ty khác của ông chủ tịch.
Tôi hỏi, gì vậy, chuyện gì đã xảy ra 5-6 năm qua. James kể, anh bị stress đủ chuyện lúc đó. Áp lực gia đình phải chuyển nhà, áp lực tiền bạc phải mua nhà, lỡ chuyển trường xong xuôi cho con, v.v, nên bị stress nó hành ra nông nổi. Sau vụ việc, anh xấu hổ trốn hết đồng nghiệp, xóa hết tài khoản liên lạc trên mạng xã hội. Anh đi xin việc khắp nơi ở Sydney nhưng ai cũng yêu cầu có reference - lời nhận xét từ công ty cũ. Anh không dám cho số liên lạc của ai sau khi đã đốt cháy cây cầu, nên đành vào công ty nhỏ làm cho qua ngày tháng. 5 năm sau, khi đã thấm đòn, anh lấy hết can đảm về xin lỗi ông chủ tịch, kể lại hoàn cảnh và xin mọi người bỏ qua cho. Ông chủ tịch liền nhận về công ty mới.
James nói, bởi ở đời học bài học thiệt là đắt đỏ, mất hết 5 năm trốn tránh mình và đời chẳng được tích sự gì. Ra đi mà đốt cây cầu sau lưng thì coi như đốt hết nhiều cây cầu cơ hội khác trong đời này nữa. Thế giới tất cả đều kết nối, đâu phải đốt cháy cây cầu là đoạn tuyệt đâu. Chuyện mình gây ra, đâu phải quay lưng đã thành dĩ vãng. Làm sai, nó sẽ ám ảnh cả đời. Thế giới này những cây cầu đều kết nối với nhau. James kể, hốc mắt tối sầm, gương mặt sạm đen. 5 năm hối lỗi khi nhận ra mình đã bị dẫn dắt bằng cảm xúc thổi phồng trong khi tinh thần quá tải. Bài học của James là bài học nhắc nhở tôi luôn giữ mình tĩnh tâm, nhìn rõ bản chất vấn đề, nhận thức cảm xúc và quản trị cảm xúc cá nhân trong mọi tình huống, hoàn cảnh để không trở nên quá khích đến nước phải hối hận về sau. Nhớ mãi câu này ảnh nói với tôi đêm hôm đó, ' Đừng đốt cây cầu bạn vừa mới đi qua' .
Hồi trẻ, thấy người ta nói người của gia đình và người của xã hội không bao giờ ở chung trong một cái thân, tôi tức lắm. Sao lại là không chứ? Đời này nothingis impossible
- không có chi là không thể, nên quyết tâm sẽ quánh cho đời một trận tơi tả bằng tấm gương sáng ngời của chính bản thân mình. Thế là, trong ngoài dàn trận các kiểu, sau trước hết sức vuông tròn. Tới hồi ngã gục vì đuối quá mới hỏi, ủa sao mình khùng dữ. Làm gì có thứ gọi là hoàn hảo theo thước đo và mong chờ của nhiều người khác. Thế giới 7 tỷ người là 7 tỷ cá nhân có những nghĩ suy, bối cảnh, quan điểm sống rất khác nhau. Hoàn hảo của người này là khiếm khuyết của người kia. Cân bằng của một người là hết sức mất cân bằng của mấy tỷ người còn lại. Cái thử nghiệm hết sức nhân văn và khoa học đó của tôi thất bại, dạy cho tôi bài học cơ bản về tiến lui và về điểm cân bằng.
Khi đã chọn dấn thân, tại mỗi thời điểm trong cuộc sống tôi sẽ có những ưu tiên khác nhau. Có lúc là gia đình, công việc, có khi là bản thân, cộng đồng. Tùy thuộc vào mục tiêu, hoàn cảnh, và nguồn lực tại từng thời điểm mà tôi sắp xếp và tiến lui rất khác nhau. Không có một công thức chung cho bất kỳ ai và cho cả cuộc đời. Mỗi cá nhân, tại mỗi thời điểm, trong mỗi hoàn cảnh sẽ đưa ra những quyết định hoàn hảo nhất trong khung hình của bối cảnh đó.
Ta không cần phải nghe và làm theo sự áp đặt của một ai đó khác. Ta cũng đừng bao giờ mang định nghĩa về sự hoàn hảo của cá nhân ra ép uổng cuộc đời. Không có định nghĩa chung về hoàn hảo. Không có con người luôn luôn hoàn hảo. Chỉ có quyết định hoàn hảo mang dấu ấn rất cá nhân trong một bối cảnh nhất định của riêng người ấy mà thôi.
Còn con người, dĩ nhiên là wabi-sabi- không hoàn hảo một cách vô cùng hoàn hảo.
Bởi, ai đang xây dựng thương hiệu cá nhân kiểu vô cùng hoàn hảo, làm ăn giỏi, người của xã hội, nửa kia lý tưởng của gia đình, lại thêm quý bà quý ông lịch lãm của hành tinh thì nghĩ lại đi nha. Hư cấu nhân vật riết thì sống trong phim đi chớ ngoài đời chỗ đâu mà trốn. Tôi biết rằng mình chỉ được vài thứ và còn phải học đến phát cuồng nhiều thứ. Tôi hiểu mình hoàn toàn sứt mẻ và cách xa hoàn hảo mấy vạn năm ánh sáng thế nào. Ờ, vậy thì đã sao? Ai chả thế! Hơn thua nhau không tính bằng mấy tấm hình đã photoshop ở trên tạp chí, mà tính bằng mức độ kiên tâm phát triển bản thân mình.
Chữ này là phải học thuộc nha, vì chẳng bao lâu nữa mình sẽ sống cùng tụi nó. Humanoid là robot phỏng sinh, có hình dáng hoặc tính cách con người, kiểu như bạn người máy Sofia được chính thức nhận làm công dân Saudi vậy đó. Mà nhắc chữ này, thì nhớ anh bạn đồng nghiệp người Úc tên là Mica, vì ảnh vận hành theo lập trình y chang như bật công tắc on/off trên người máy vậy.
Ai lúc đầu gặp Mica cũng thích, vì người gì lúc nào cũng cười, lúc nào cũng nhanh nhẹn, nói ào ào, trôi chảy theo đúng một tông đều đều, lúc nào cũng phong độ vô cùng ổn định. Có điều gặp tới lần thứ 3 thì người ta bắt đầu hơi mệt, vì ảnh cứ đúng một mức năng lượng đó, đúng một cách tiếp cận đó, đúng một chủ đề công việc đó nói hoài. Hình như đối với Mica, thế giới không còn gì khác ngoài công việc. Và công việc không có gì khác ngoài thực hiện đúng chính xác những gì đã ghi trên giấy trắng mực đen. Trong bộ vi xử lý của anh, không cho phép linh hoạt, sáng tạo, hay thông cảm. Gặp ai cũng đúng như vậy mà nói. Gặp hoàn cảnh nào cũng đúng như vậy mà xử. Cảm xúc người đối diện ra sao với anh là irrelevant – không liên quan. Thiệt tình là lập trình không khác người máy ở chỗ nào.
Mica làm việc rất tốt, rất chăm chỉ, năng nổ, được 10 năm thì từ nhân viên chi nhánh leo đến chức Giám đốc vận hành khu vực Trung Đông. Được 2 năm ở vị trí này, anh xin nghỉ. Lý do là không được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc khu vực đúng như mong đợi. Tập đoàn cử người khác về nhậm chức mà không thăng chức cho anh. Mica nghỉ, nhiều người tiếc vì anh làm việc tốt, nhưng ai cũng đồng ý là anh không thể đi xa hơn và giữ chức vị cao hơn. Lý do đơn giản vì anh không có khả năng thấu cảm. Làm việc ở môi trường quốc tế, văn hóa khác, hoàn cảnh khác, con người và tính cách khác, thì đương nhiên ai cũng phải học, hiểu, và thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với văn hóa địa phương. Cứ như chiếc xe máy ủi thế kia, ai mà hợp tác. Mica không hiểu điều đó. Có lẽ anh sinh ra đã được lập trình cứng đơ như thế. Nếu đếm mức độ thấu cảm từ 0 tới 6 thì anh chắc level 3 – khó khăn trong tương tác.
Mà bạn có nghe về 6 mức độ thấu cảm của con người bao giờ chưa? Tìm đọc quyển sách này nhé: Zero Degrees of Empathy (Độ thấu cảm số không) của tác giả Simon Baron- Cohen. Trong cuốn sách này, tác giả trình bày 6 mức độ thấu cảm của con người như sau:
Quá nhiều lần, tôi nghe chuyện riêng chuyện công đầy nước mắt của những người ' hy sinh' thay đổi. Động cơ đến từ bên ngoài, muốn vừa lòng ai đó, muốn được để ý, được khen, được yêu quý, được cân nhắc, trao cơ hội, v.v. và v.v. Vậy là người ta oằn mình, khổ sở đổi thay, có khi một phần, có khi hoàn toàn, cho đến khi chịu hết nổi và ngã gục.
' Sao tôi hy sinh thay đổi mà không ai biết trân quý sự hy sinh ấy?'
' Tôi không còn nhận ra tôi nữa. Tôi hy sinh, ngậm đắng nuốt cay mà sao không một kẻ quan tâm?'
Thật ra, ta không thể và không nên trách ai. Quyết định thay đổi là do ta, ở ta, và vì ta. Ta thay đổi vì bản thân muốn đánh đổi một thứ gì đó khác. Đó có thể là tình yêu, là danh vọng, vật chất, sự trân trọng, là sự ngạo nghễ của chiến thắng hay đơn thuần là giấc mơ được công nhận theo một tiêu chuẩn khác. Vậy, là có phần ích kỷ? Hy sinh ở chỗ nào? Ta muốn đánh đổi cơ mà. Với họ, không có chữ hy sinh. Bạn muốn, nên bạn tự mang vào. Nếu trách, hãy trách mình trước đã.
Ngày xưa, tôi vướng vào faute này dữ lắm. Tự đâm đầu vô, tự ép xác mình thay đổi cho phù hợp với con người và hoàn cảnh, rồi auto ngỡ ngàng thấy mình sao khổ quá. Nhìn quanh, sao hông thấy ai thông cảm. Ủa kỳ vậy? Tui hy sinh thay đổi vì mấy người mà? Vậy là nổi cơn, phát hỏa, bực bội, trầm cảm vì cái sự hy sinh của mình không được tuyên dương trên màn hình sân khấu lớn. Nghĩ lại, thấy mình rảnh và tào lao thiệt. Tự biên kịch, tự diễn, tự drama. Người ngoài chắc vừa coi vừa cười như show hài thực tế.
Don't change for other people. Đừng thay đổi vì ai hay để đánh đổi một thứ gì khác cả. Thay đổi, là khi ta nhận ra bản thân cần lớn lên, vỡ ra, tìm thấy hành trình hoa hướng dương vươn về phía mặt trời. Do it for yourself - hãy thay đổi vì chính bản thân mình, vì bạn muốn, vì bạn hiểu có một cuộc đời khác đáng sống và nhiều ý nghĩa hơn như thế. Do it for yourself. Thay đổi vì chính ta, và chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Không vì ai khác. Càng không phải để hy sinh...
Do it for yourself!
Manila, 25/06/2019