Tính đến giờ, thành tựu lớn nhất trong đời của em là gì?, tôi cắc cớ quay qua hỏi đứa em. Tính theo khuôn mẫu của xã hội Việt Nam, nó vậy là quá trời thành đạt.
"Làm quốc tế. Đã sắm nhà." Nó nhìn tôi, bảy phần tự mãn, nhưng cũng có ba phần lúng túng.
"Ủa mà sao chị hỏi kỳ thế? Chứ thành tựu lớn nhất của chị là gì?"
"Nói sợ em cười. Là đã giúp được một ông bạn già vượt qua trầm cảm để bắt đầu tập sống."
Mắt trợn tròn, một vạn câu hỏi xẹt qua đầu. Bạn có vẻ loay hoay tìm cho ra thái độ để mà phản ứng với tôi. Bắt đầu từ đâu khi thành tựu mà chúng tôi nhắc đến là hai phạm trù khái niệm rất khác nhau. So sánh thế nào khi nói về những giá trị vô hình mà loài người có vẻ đã bỏ quên trên hành trình gom góp và thu lượm.
"Em biết không. Có người gần hết một đời cũng chưa hề bắt đầu được sống. Họ tồn tại theo dòng chảy của bổn phận và khuôn mẫu áp đặt của xã hội. Em nghĩ đi, chỉ là tồn tại, không dám sống, không dám đối diện chính mình, không dám thoát ra khỏi cái xà lim não."
Tôi có người bạn thân như thế. Ở tuổi gần 60 ông vẫn khóa mình trong cái xà lim, của quá khứ tật nguyền, của những lỗi lầm không biết có cần phải ăn năn hay không nữa.
Chris làm toàn tập đoàn lớn, giữ chức danh cỡ Tổng giám đốc. Đẹp người, phong độ, chức to, xuất hiện sáng ngời và gia cảnh đề huề, ông có lẽ là niềm mơ ước của hàng vạn người trẻ đang trên đường lập nghiệp. Tôi thích sự điềm đạm, vững chãi của Chris, nên hay xẹt qua văn phòng tám chuyện với ông. Giữa những câu chuyện thoắt đến thoắt đi là tiếng cười giòn tan lung linh nắng. Mọi thứ có lẽ vẫn cứ là như thế, nếu không có món mì Ý sốt ragu lợn rừng nó gây rối đội hình.
"Trời ơi, về Sydney không thể kiếm ra món mì Ý sốt ragu lợn rừng tuyệt hảo đã từng ăn ở Florence. Một tháng ở đó chắc hết hai chục ngày ăn đi ăn lại món này. Giờ thì thua rồi. Kiếm mòn mắt Sydney hông hề có." Tôi ca cẩm, vì thiệt tình là nhớ Florence và nhớ Ý, nhớ sự giản đơn tinh tế trên từng góc phố quen.
"Vậy là chưa biết rồi. Để dẫn Phi qua chỗ này. Tha hồ mà Ý."
Cuối tuần đó, Chris chở tôi lòng vòng vào một cái nhà hàng Ý giấu mình bên bờ biển yên bình cạnh công viên quốc gia Vaucluse. Wow! Thiên nhiên chẳng bao giờ phải làm màu, cứ hiện ra mộc mạc, hồn nhiên, nhưng chẳng bao giờ kém phần kiêu sa, lộng lẫy. Bình yên quá! Và lòng người dường như mênh mang hơn theo từng cơn sóng ru bờ.
Tôi kể cho Chris nghe về Việt Nam, về những ngọn đèn dầu, về những ngả rẽ định mệnh trong đời, những buồn vui trải dài theo số phận. Ông ngồi nghe chăm chú, đặt thật nhiều câu hỏi, thoáng đăm chiêu hằn lên nếp thời gian.
trầm cảm phát ra. Tôi giấu hết, giấu hết, túm quá khứ bỏ vào một cái hộp căng phình trong ngăn não, khóa lại. Cuộc đời trôi qua, tôi vẫn diễn đúng vai người thành đạt, bình an, hạnh phúc với đời, với gia đình, và tất cả người thân. Cỡ sáu tháng bệnh phát một lần. Cái xà lim não bung ra. Nỗi đau cũ cứa oằn mình. Tôi chạy thất thần, tìm chỗ tối đen, không người để trốn chui trốn nhủi. Lần nào cũng thế. Mỗi sáu tháng nào cũng thế."
Vậy đó. Trang sức bề ngoài có che đậy một chuyện đời chưa kể? Gấm áo lụa là có giấu vội những niềm đau? Và những vết sẹo thời gian, chúng có phai dần bằng cái mác giả tạo của thành công, hạnh phúc? Bốn mươi mấy năm tóc phai màu sương muối, anh dõi theo đời qua đôi mắt xà lim. Hay thế gian này thật ra chỉ là chiếc xà lim? Cung điện nguy nga hay thành lũy chập chùng xiềng xích những linh hồn bóng tối? Ngày rơi xuống, mặt nạ cười theo tiếng thời gian gõ. Đêm ập về giàn giụa khuyết mùa trăng.
Sao anh một mình ôm lấy nỗi đau? Mọi thứ chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ta có thể sẻ chia cùng ai đó?
Who cares? Phi nghĩ đi, thế gian này có mấy người biết quan tâm người khác? Loài người tiến xa chỉ để bỏ lại chính mình. Chúng ta chạy cuống cuồng theo mây gió, bóng hình, để rơi vãi sau lưng những mảnh đời rất thực. Ai còn nhớ hàng tỷ người đã đến và đã mất? Who cares? Ai chìa vai làm gì gánh thêm một nỗi đau?
I do. Em gánh.
Chris nhìn tôi, góc mắt đỏ hoe giấu sau vầng trán bạc. Không gian vỡ tan. Thời gian loay hoay tìm lại điểm khởi đầu. Vũ trụ vạn sắc đen hay đêm mới là màu? Trăng trong nước hay chỉ là vầng sáng? Ta lướt qua đời nhau, vội vã về đâu đó. Đi thật nhanh cho hết một đoản đời. Giành giật nửa bước chân cho hết buổi xuân thời. Nếu không là thế, loài người biết bắt đầu từ đâu cho phải nhỉ? Ừ thế gian này tình người nhẹ tênh như cọng rơm cành rạ. Nhưng chắc sẽ còn ai đó gánh từng ôm…
Em gánh.
Tôi cũng không biết đạo làm người là sao nữa. Chỉ biết rằng cánh tay cần đưa ra khi chạm một nỗi đau. Làm người là làm gì nếu chỉ biết kêu gào, cào cấu sự chú ý về mình nhưng bản thân chưa một lần chìa tay cho ai khác?
Những ngày và nhiều ngày sau đó, tuần nào tôi cũng dành thời gian gặp Chris. Khi đi công tác thì chúng tôi gọi điện cho nhau. Câu chuyện xoay quanh những công việc xã hội, cộng đồng mà anh bắt đầu tham gia ngoài công việc…
Ba năm sau cái buổi chiều nghiệt ngã đến vỡ tim ở Vaucluse, một buổi trưa ngồi học vẽ batik ở Melaka, Chris gọi.
"Hôm nay là kỷ niệm ngày ragu lợn rừng. Anh chỉ gọi để nói cho em biết là anh rất OK."
"OK là sao?"
"OK là đã không còn phải chạy trốn như xưa. Như em nói, và anh đã nghiệm ra, giúp người khác chữa lành chính là liệu pháp cho anh đó."
Chris lấy bằng huấn luyện viên lặn biển (scuba diving). Anh nói, khi học viên giao cho mình sự sống dưới đáy đại dương, anh học cách chịu trách nhiệm về cuộc đời người khác, học cách trân quý sự mong manh của cuộc sống, và học cách chở che, hỗ trợ cho những người lạ trong đời. Anh lấy bằng lái xe buýt, xung phong làm tình nguyện viên mỗi cuối tuần chở những người già neo đơn trong các trại đi chơi. Cứ nghĩ cái cảnh ông Tổng giám đốc lái xe buýt chở mấy người già, tôi cười hoài không nhịn được. Vậy đó, và anh cảm thấy mình sống đời có ích. Vậy, và anh tìm thấy mình giữa những hạnh phúc rất cỏn con. Từ đó, anh cũng luôn chủ động giúp đỡ bạn bè, những người đang vật lộn từng ngày với cơn trầm cảm.
"À thì ra trên đời còn nhiều số phận khổ đau hơn mình nữa. Anh đi qua niềm đau nhưng vẫn còn nhiều điều để bám víu vào. Nhiều người, mất hết luôn Phi."
Chris gọi, nói anh OK, và báo tin vui cô bạn trầm cảm anh đang giúp đã quay về cuộc sống bình thường.
"I'm OK. And happy anniversary! Anh OK. Và chúc mừng ngày kỷ niệm."
Chỉ đơn giản là như thế. Tôi khóc. Thành tựu trong đời, trước giờ ta tính toán ra sao? Một cái lồng son thếp vàng của những kẻ ghét nhau? Hay cái tài khoản ngân hàng ú ù không lấp đầy lỗ đen trong tâm hồn trống trải? Và cái xà lim não, nó có đang xiềng xích những linh hồn? Ý niệm mon men về hạnh phúc thế trần, cuối cùng, ta đo bằng đơn vị gì cho phải?
FOUND
I've walked the endless roads
Just to look for myself
Only to have found a suffering garden
Arising from seeds of misery
Sitting here this morning
I have found myself
In the embracing morning rays
In the passing gusts of wind
In the trembling raindrops
In the silent earth In mindfulness
In the nameless universe.
TÌM
Tôi đã bước những đoạn đường hun hút
Chỉ để tìm tôi
Nhưng chỉ thấy ngôi vườn phiền não
Nảy mầm từ hạt giống khổ đau.
Sáng nay ngồi đây trong hiện tại
Tôi đã tìm thấy tôi
Trong ánh nắng ban mai dìu dịu
Trong cơn gió thoảng qua
Trong sớ đất âm thầm
Trong giọt mưa xuân run rẩy
Trong sự tỉnh thức
Và vũ trụ không tên.
Ai cũng có một chuyện đời để kể. Ai cũng giấu trong xà lim một bí mật không tên. Mở lòng ra, và lắng nghe trong sự rỗng không của những phán xét tầm thường, ta sẽ tìm thấy họ, thấy đời, và có cả bản thân mình trong đó.