T
ôi đã gặp và trò chuyện với bao nhiêu người của nhiều đạo giáo khác nhau. Đâu có ai là xấu mà cũng đâu có ai vì theo đạo mà đương nhiên tốt. Chuyện bạn theo đạo hay không theo đạo, chuyện bạn theo đạo gì cũng chỉ là tấm áo bên ngoài. Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người có đạo hay không, hành vi hằng ngày của mỗi người có đạo hay không, đó mới là câu chuyện.Nếu Họ Ăn Gian Thần Thánh…
Trong số những người mà tôi hướng dẫn trong khóa Train-the-Trainer (đào tạo nhà huấn luyện) tại Kuala Lumpur, Ahmad và Mohamed là hai bạn tích cực tham gia, áp dụng tốt nhất trong chuyến hướng dẫn thực tế đi thăm đối tác nhận nhượng quyền. Tôi nói với Fauzi, sếp của hai bạn, chú ý hai bạn này nhé. Họ là những hạt giống có năng lực cho đội ngũ tương lai.
Hai tháng sau, tôi quay lại thăm thị trường. Và nghe đội ngũ thông báo hai bạn đã bị cho thôi việc.
"Thôi việc là sao?", tôi hoang mang. Đây là hai người tôi kỳ vọng nhất cơ mà! Mọi người chia sẻ, họ bị đúng sếp Fauzi đuổi việc, vì bị bắt gặp đang lén hút thuốc trong tháng Ramadan (tháng fasting – nhịn ăn của đạo Hồi).
Tôi bước vào phòng Fauzi, "Ủa, sao anh đuổi việc Mohamed và Ahmad?".
"Tháng Ramadan là tháng người theo đạo nhịn cả ngày để giữ mình cho thánh, và để hiểu và thông cảm hơn với những người không được đầy đủ như mình. Fasting là một trong 5 nền tảng cơ bản của đạo Hồi. Hoặc là bạn theo đạo và giữ gìn 5 nền tảng này, hoặc là bạn đừng theo đạo. Phi nghĩ xem, họ lén lút ra hành lang hút thuốc như thế thì theo đạo làm gì? Ifthey can cheat God - Nếu thánh thần mà họ cũng ăn gian được, thì ai mà họ chẳng dám ăn gian?"
Lúc bước vào, tôi định ra tay xin xỏ vì tôi nghĩ họ có tài năng, và vì tôi cũng tiếc thời gian và công sức đã bỏ ra để đào tạo cho các bạn.
"Tôi biết Phi rất tiếc họ. Tôi cũng tiếc vì họ là hai người đắc lực của tôi trong đội ngũ vận hành. Nhưng tôi không thể thỏa hiệp với những nguyên tắc nền tảng về giá trị sống của một con người. Một khi bạn thỏa hiệp, bạn cũng dần dần trôi đi xa hơn giá trị cốt lõi của mình. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ chẳng còn giá trị."
Thôi không xin nữa. Fauzi nói đúng. Và bản thân tôi cũng hết sức quyết liệt về việc giữ gìn giá trị sống của một con người. Bạn phụ trách dự án của tôi có lần hỏi, "Sao chị từ chối dự án đó? Em thấy dự án của họ đúng hệt với tiêu chí của chị mà? Và người chủ doanh nghiệp đó tính tình có vẻ cũng được mà?".
"Ừ chị hiểu. Chỉ có một điều, chị nhận thấy bạn ấy thỏa hiệp với giá trị sống của mình. Chuyện rất nhỏ, nhưng làm chị quyết định không làm việc với bạn. Số là chị đọc vài lần các tút của bạn ấy trên facebook, copy nguyên xi từ nhà chị, nhưng cứ lơ như là của chính mình. Nếu chuyện nhỏ như thế mà ta còn ăn gian, sao làm được chuyện lớn em?"
Bản chất con người vốn tham lam. Trong lục dục có pháp dục – ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn, và vì nó, người ta sẵn sàng thỏa hiệp. Một khi đã thỏa hiệp, bạn sẽ đi xa dần, xa dần, và ngày nào đó bạn không còn giá trị mà mình hằng gìn giữ nữa. Có khi, chính bạn cũng không nhận ra mình đã trượt quá xa. Có khi, bạn tưởng và nói về giá trị đó, nhưng hành vi của bạn chẳng đi đôi. Khi ấy, ta trở thành kẻ mang hàm đạo đức giả.
Ta có thỏa hiệp chăng trong những năm sống vừa rồi? Ta còn chăng hay đã trôi quá xa giá trị cốt lõi đã một lần quyết tâm gìn giữ?
⇒ Tu
Đời này, nhiều người khoe đang tu quá. Tui thì không có biết tu nên thắc mắc, như thế nào gọi là tu?
Thế giới có 7 tỷ người, thì có đến 7 tỷ cách sống và cách nghĩ khác nhau. Nên, sao hợp với bạn nhất thì làm. Nền tảng chỉ một - hết khổ. Ai nhỏ thì giải thoát cho bản thân. Ai lớn thì giải thoát cho nhiều hơn một. Cách làm, thì thời đại sáng tạo mà, xài cách tiếp cận tư duy thiết kế đi. Tư duy thiết kế - design thinking là tìm ra giải pháp cho vấn đề thôi. Vấn đề của mỗi người là gì, thì chỉ có người đó biết mà giải quyết. Nên đạo, là con đường từng người tìm ra cho chính bản thân mình. Đạo tên gì cũng đạo. Đạo màu nào cũng đạo. Ai thích màu mè hình thức chút, đúng kiểu quầo áo, pháp khí - cứ làm. Ai thích xuất gia, tại gia, ẩn cư, hoàn tục
- cứ làm. Ai thích ở nhà thờ mẹ kính cha - cứ làm. Kiểu gì
miễn bạn thoải mái và nhất tâm là được.
Có điều, cái khó nhất của chữ tu, là tu tâm dưỡng tánh. Làm sao đó hông biết, làm kiểu gì hông biết, miễn tu tâm dưỡng tánh thì thôi. Còn không, thì có màu mè trích kinh nói kệ bao nhiêu cũng chẳng là tu. Gặp chuyện cứ sân si, sao gọi là tu? Tính toán hại người lợi mình, thì mặc chi áo sồng, lần chi tràng hạt? Cái áo, không phải là đạo. Câu kinh, không phải là tu. Còn tham làm tiên làm Phật, được người đời ca tụng xưng tên, sao gọi là buông bỏ?
Người chẳng tu, nên còn viết nói này nói nọ, mong chư vị bỏ qua cho. Nhưng không viết, thấy mình có lỗi cùng đường đạo. Có chữ tu, hay không có chữ tu, cuối cùng, quan trọng đến thế sao? Còn trụ, sao tìm ra vô trụ?
Nhưng Cũng Không Có Đạo
Hôm trước, trên đường đi lang thang với một người bạn, tôi hỏi "What makes you happy? - Cái gì sẽ khiến anh hạnh phúc?". Anh bạn trả lời nếu tìm được soulmate - một người yêu mình hiểu mình - thì cuộc đời hẳn sẽ vô cùng hạnh phúc. Kiểu này đau khổ là chắc luôn. Tôi bèn kể cho anh nghe chuyện một ông anh của tôi cả đời chẳng thấy hạnh phúc vì tìm hoài cũng không ra đứa yêu mình hiểu mình kiểu đó. Khi ta trụ vào một ý niệm, ôm khư khư lấy nó, nghĩa là ta đang mất tự do, và sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc.
Cách đây hai năm, ngồi ở Singapore, tôi kể cho mấy đứa em nghe chuyện cuộc đời mình, rồi nói, nếu ngày mai lăn đùng ra chết, chị cũng OK à, không tiếc cũng không sợ gì. Ra đi, nghĩa là đã xong sứ mệnh này, cũng tò mò muốn biết sứ mệnh tiếp theo của bản thân là cái chi chi. Cứ bình tĩnh như nước thôi, chẳng sinh chẳng diệt.
"Nước không bị ràng buộc bởi sự sinh diệt của sóng. Nước được tự do, không sợ cao hay thấp, đẹp hay xấu. Khi nói về các cặp từ cao-thấp, đẹp-xấu, đó chỉ là những từ ngữ nói về sóng. Đối với nước, những từ ngữ đó vô giá trị.
Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.
Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành."
Đọc cái đoạn ở trên trong cuốn Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi của thầy Thích Nhất Hạnh, mỉm cười nhẹ tênh.
Tôi thì, có đạo nhưng cũng không có đạo. Tôi chọn không trụ vào tên của đạo, giống như cách mà nước vẫn chảy trên kênh rạch, sông hồ, biển cả, đại dương. Hông lẽ nước ở trong ao thì nước hổng có cool? Mà nước ra đại dương thì bạn có dám chạm vào không, khi thênh thang không bờ không bến? Nghĩ vậy, nên với tôi vũ trụ này chỉ có một đạo thôi, đạo của vũ trụ, xài được cho cả người được dán nhãn có đạo và không có đạo. Nên, đi tới đâu trên thế giới, tôi cũng đến thăm đền đài, nhà thờ, chùa chiền các kiểu để hiểu về tín ngưỡng của tất cả mọi dân tộc trên thế giới này. Tín ngưỡng nào dạy người đời ở hiền, giúp người, từ bi bác ái, thì tôi đều cho là đạo của bản thân. Nên đến đâu cũng vào quan sát, tham gia hết một buổi hành lễ, học cách người địa phương làm dấu, lạy lục rồi bắt chước theo. Không có chia phe đạo của họ của tôi, đạo này tốt đạo kia xấu. Muốn phân biệt tốt xấu, nói này nói kia, trước tiên có lẽ nên đọc cho hết, học cho tới giáo lý của mỗi đạo, cho thiệt là tinh thông đi rồi lên tiếng. Mà người đọc xong, tinh thông đạo giáo rồi, thường là chỉ lặng im chẳng lên tiếng bao giờ.
Cách đây mấy tháng khi tham gia thảo luận tại một diễn đàn, tôi bị hỏi một đặc tính quan trọng nhất mà tôi sử dụng khi đánh giá chọn đối tác hay người kế nhiệm là gì. Chữ ngay lập tức tôi bật ra là chữ Integrity– Tính chính trực. Để cho dễ hiểu, integrity là chân thật và luôn tuân thủ những giá trị đạo đức nền tảng của bản thân. Điều này cũng có nghĩa là không do dự chút nào khi nói không với những cơ hội không đúng, không thể hiện giá trị đạo đức của mình. Nghe vậy mà khó lắm nhe. Nói tôi đạo đức thế này thế nọ thì dễ nhưng khi nghe một cục tiền cực lớn hay một cơ hội cực to thì lòng tham con người nó nổi lên ngay. Có điều, người không chính trực thì trước sau gì người ta cũng biết và tẩy chay. Tất cả những mối quan hệ lâu dài, đưa bạn đến nhiều chân trời mới lạ đều dựa trên một chữ integrity– tính chính trực. Vậy người có tính chính trực họ ra sao?
Với tôi, đây là đạo. Còn cái tem dán của người khác theo đạo gì tôi chẳng mấy quan tâm. Đạo ở trong lòng, trong đời, trong cách con người đối đãi, hành xử mỗi phút giây. Đạo là sống chính trực với bản thân, với con người, xã hội. Làm gì có đạo nào xấu, và làm gì có chuyện ai có mác theo đạo thì đương nhiên là tốt. Chỉ có mỗi người tự vấn tâm mỗi cuối ngày và biết rõ mình có đạo hay không. Tôi tự vấn, và hiểu có khi mình đúng, có lúc mình sai. Tôi vẫn phản tư và sửa mình mỗi ngày vì chưa tìm thấy đạo.
Mỗi người sinh ra trên đời đều mang một trách nhiệm to lớn nhất phải hoàn thành. Đó là trách nhiệm với bản thân. Nếu bản thân còn chao dao, chưa tìm được mục đích sống, chưa hiểu vì sao mình tồn tại, còn trượt dài trên những con dốc cảm xúc bất định, không điểm dừng, thì chỉ riêng việc takecare- lo cho tinh thần của mình ổn định thôi đã là quá sức, làm chưa tới, chưa xong. Ở thời đoạn đó, khi bản thân chưa ổn, làm sao ta giúp đỡ hay hỗ trợ tinh thần gì cho ai đó khác. Mỗi người sinh ra trên đời đều mang trách nhiệm to lớn nhất là trách nhiệm với bản thân. Bạn cũng vậy. Họ cũng vậy.
Không ai có thể chữa lành vết thương cho người khác. Vết thương của ai, chỉ người đó có thể chữa lành cho họ mà thôi. Điều tốt nhất bạn có thể làm, là giúp họ tìm ra cách tự chữa, tìm ra người có khả năng giúp chữa, và cầu nguyện cho họ sớm nhận ra, chỉ có họ và sự cố gắng của bản thân họ mới có thể cứu rỗi chính mình. Tu thân mà, đâu có tu giùm được. Nếu có, thì dịch vụ tu hộ, tích đức thay chắc đã nở rộ rồi.
Hồi trẻ, tôi nghĩ mình siêu nhơn, có thể fix - sửa chữa và tái tạo bất kỳ ai. Ca nào khó, chữa hoài không thấy thay đổi thì sẽ cố chấp tìm mọi giải pháp dù đó là mission impossible
- điệp vụ bất khả thi. Sự cố chấp này làm cho bản thân lúc nào cũng trong tình trạng xì trét và chẳng hề vui vẻ. Tại sao mình cố gắng vậy mà họ chẳng mảy may cố gắng? Tại sao mình hy sinh vậy mà họ chẳng quan tâm? Ủa cuối cùng là chữa cho mấy người chớ đâu phải chữa cho tui? Sao mấy người bàng quan quá vậy? Cứ thế một thời gian dài, cho đến khi tôi nhận ra, à vấn đề là chính bản thân mình. Cảm xúc còn trượt băng lên xuống. Thân chưa OK mà sửa gì ai.
Noone can be fixed - không ai chữa được cho ai. Chỉ có cá nhân đó tự ngộ ra và tự thân vận động, cố gắng hết sức để thay đổi bản thân mình. Không ai phải chịu trách nhiệm cho ai. Mỗi người chúng ta đều phải tự mang vác trách nhiệm tu thân. Đừng bao giờ đổ thừa, mong chờ, kêu gào bắt người khác phải giúp mình. You, no one else, are responsible for your well-being - chỉ có bạn, không ai khác chịu trách nhiệm cho sức khỏe tinh thần của bản thân. Rồi, tự thân vận động đi nhe. Khi mình đã ổn rồi, tự khắc sự bình yên của mình sẽ giúp được cho ai đó khác.
Cho nên, giúp người là giúp bản thân mình trước đã. Và giúp đời, là giúp cho thế giới này bớt đi một kẻ tào lao. Kẻ tào lao này, không ai khác, chính là bản thân ta. Areyou responsible for yourself? Bạn đã thấy mình chịu trách nhiệm với bản thân chưa? Bạn đã nhận ra hạnh phúc là con đường tự chọn của mỗi người?
Trên chuyếntàutừ Hamburg đến Lunderskov, Đan Mạch
05/06/2019