Lưu Nhảy Vọt hai hôm nay trúng quả đậm. Hôm qua, diễn kịch ở góc phố, được năm trăm tệ. Tiền không quan trọng. Cái chính là thông qua màn diễn này, gã làm quen được với Nghiêm Khắc. Nghiêm Khắc là ông chủ của Nhiệm Bảo Lương. Từ rày trở đi, Nhiệm Bảo Lương nói chuyện với gã, chắc cũng phải đổi khẩu khí. Hôm nay, lại diễn một vở kịch ở Hiệu tóc Man Lệ, buộc Mã Man Lệ phải nôn ra hai trăm mốt tệ. Hai trăm mốt cũng đếch quan trọng, cái chính là Mã Man Lệ đã mở đầu cho cái sự trả nợ. Có mở đầu tức là đã công nhận khoản nợ. Cộng thêm số tiền tích cóp từ trước, Lưu Nhảy Vọt nghiễm nhiên có trong tay tổng cộng bốn nghìn mốt tệ. Trên đường đến bưu điện, Lưu Nhảy Vọt rảo bước đầy phấn chấn. Trên đường ngập ngụa mùi khí thải ô tô, nhưng Lưu Nhảy Vọt vẫn thấy không khí ở đây trong lành quá, tinh thần sảng khoái lạ. Thằng con bảo trong điện thoại, học phí là hai nghìn bảy trăm sáu mươi tệ năm hào hai xu. Nhưng Lưu Nhảy Vọt không định gửi cho nó nhiều như thế, chỉ gửi độ một nghìn rưỡi thôi. Chẳng phải vì gã muốn giắt tí vốn phòng thân, mà vì lo thằng con trai nói dối. Thằng ranh này không phải tay vừa. Với thứ nó, phải đi một bước, dòm một bước.
Cạnh bưu điện có một quầy báo bày bán hàng chục loại báo, tạp chí. Tờ báo đăng ảnh cô ca sĩ và Nghiêm Khắc hôm qua vẫn treo ở chỗ bắt mắt. Nhiều người không mua báo hôm nay, mà vẫn mua tờ báo ấy. Khi ngang qua quầy báo, thấy mọi người đang chăm chú đọc, Lưu Nhảy Vọt bất giác cười thầm. Bởi bọn họ chỉ biết có một mà không biết hai. Mọi người đều tưởng chuyện nói trên báo là thật. Nhưng hôm qua Lưu Nhảy Vọt đã lại diễn nó thành giả. Hoặc giả, vở kịch hôm qua là giả, nhưng Lưu Nhảy Vọt lại diễn nó thành thật. Thấy mọi người chăm chú đọc báo, Lưu Nhảy Vọt có cảm giác như cả thế giới này đều say lơ mơ hết cả, duy có gã là tỉnh táo.
Bước lên bậc thang ngoài cửa bưu điện, Lưu Nhảy Vọt đột nhiên dừng lại. Bởi gã nghe thấy giọng quê. Trước thùng thư ở góc rẽ vào bưu điện, một lão hát rong độ ngoài 50 tuổi đang vừa kéo nhị, vừa hát. Dưới đất đặt một chiếc bát sứ. Trong bát chỏng chơ vài đồng xu. Hát rong là chuyện bình thường, nhưng người đàn ông hát rong lại là người Hà Nam. Ông ta hát bài "Dâng hiến tình yêu" đang thịnh hành bằng giọng Hà Nam đặc sệt. Cây nhị lạc điệu, giọng của ông ta cũng lạc điệu, ý a ý éo, nghe cứ như lợn bị chọc tiết, Lưu Nhảy Vọt thấy chối cả màng nhĩ. Nếu ngày thường mà gặp chuyện này, có lẽ Lưu Nhảy Vọt cũng chẳng hơi sức đâu mà để tâm. Nhưng hôm qua và hôm nay, liên tiếp hai vở diễn lớn đều thành công mỹ mãn, lòng đang phơi phới, tự dưng, thấy việc này mình không nhúng tay vào không xong. Theo cách nghĩ của Lưu Nhảy Vọt, xử lý việc không đâu kiểu này cũng chia làm hai loại: nói có uy và nói không có uy. Gặp người trên cơ mình, cái việc không đâu này không dám xía mũi vào. Gặp người dưới cơ mình, mới dám hiên ngang đứng ra giải quyết. Lưu Nhảy Vọt mặc dù chỉ là một tay đầu bếp ở công trường, nhưng tự gã cảm thấy, thân phận gã cao hơn lão hát rong đến nửa cái đầu. Thêm nữa, lão hát rong là người Hà Nam. Có câu "Sợ người lạ, bắt vạ người quen". Lưu Nhảy Vọt bèn quay lại, bước xuống bậc, đến trước thùng thư bưu điện. Lão hát rong vẫn đương nhắm mắt hát say sưa. Lưu Nhảy Vọt giật giọng:
- Dừng! Dừng! Tôi bảo nhà ông đấy!
Hát đương phê, lão hát rong bỗng giật bắn người. Lão tưởng gặp phải nhân viên quản lý đô thị, vội buông chiếc nhị xuống, mở to mắt ra nhìn người đối diện. Thấy Lưu Nhảy Vọt không mặc đồng phục của cánh quản lý đô thị, nghĩ chắc chẳng liên quan gì đến mình, ngay lập tức có phần bực bội:
- Sao thế?
Lưu Nhảy vọt:
- Ông đang hát bài gì đấy?
Lão hát rong ngạc nhiên:
- "Dâng hiến tình yêu" chứ bài nào.
- Người Hà Nam phỏng?
Lão hát rong gân cổ lên:
- Người Hà Nam thì động chạm đến ai?
- Có đấy. Ông thử nghe mà xem. Có câu dâng hiến nào của ông mà không sai nhạc không? Mất mặt ông, chuyện nhỏ. Nhưng để mất mặt người Hà Nam, là to chuyện rồi đấy.
Lão hát rong vẫn không phục:
- Ông là ai? Việc đếch gì đến ông?
Lưu Nhảy Vọt chỉ về công trường xây dựng đằng xa:
- Trông thấy chưa? Tòa nhà kia kìa, của tôi xây đấy.
Lưu Nhảy Vọt nói nghe thì to tát, nhưng lập lờ. Đằng xa có tới mấy tòa nhà CBD đang xây dở. Trong đó có một tòa, mặc dù không thể nói là của Lưu Nhảy Vọt xây, nhưng là của đội xây dựng chỗ Lưu Nhảy Vọt xây. Chính vì lập lờ, nên người nghe có thể hiểu Lưu Nhảy Vọt là ông chủ công trường, cũng có thể hiểu Lưu Nhảy Vọt là một công nhân xây dựng. Nhưng cả hai trường hợp này đều không phải, bởi Lưu Nhảy Vọt chỉ là một anh đầu bếp của công trường. Thế nhưng, một anh đầu bếp cũng hoàn toàn có thể nói lập lờ nước đôi như vậy. Khẩu khí của Lưu Nhảy Vọt đã bắt nọn được lão hát rong. Lão thấy Lưu Nhảy Vọt mặc vét, thắt cà vạt, ngỡ Lưu Nhảy Vọt là ông chủ của công trường. Coi như gặp cao thủ. Lão hát rong có phần nản:
- Ở quê, tôi vẫn thường hát trụy(5).
- Thế thì cứ trụy mà hát.
Lão hát rong vẻ tủi thân:
- Tôi hát rồi, nhưng chẳng ai nghe cả.
Lưu Nhảy Vọt rút từ trong túi ra một đồng xu, quẳng vào chiếc bát sứ:
- Tôi nghe.
Lão hát rong nhìn đồng xu quay tít thò lò trong bát sứ, rồi lại nhìn Lưu Nhảy Vọt. Lão chỉnh dây, bắt đầu hát trụy. Lần này, lão hát bài "Chị Hai Vương nhớ chồng". Khi nãy, hát "Dâng hiến tình yêu" bị sai nhạc, nhưng đến bài "Chị Hai Vương nhớ chồng", lão hát rong hát rất thành thục, nhả chữ rõ, âm tròn vạnh. Khi hát "Dâng hiến tình yêu", chẳng ma nào thèm nghe, nhưng giờ hát "Chị Hai Vương nhớ chồng", mọi người cứ xúm đông xúm đỏ. Mọi người xúm đến không phải để nghe hát trụy, mà vì thấy hai gã người Hà Nam đấu khẩu với nhau nghe hay hay. Lão hát rong thấy nhiều người xúm quanh, tưởng bọn họ đến để nghe mình hát, càng phấn khích, mắt lim dim, cổ rướn lên, gào rống nỗi niềm tâm sự của chị Hai Vương, đến độ bao nhiêu gân xanh trên cổ đều nổi hết cả lên. Lưu Nhảy Vọt thấy mình vừa chỉnh nắn lại một sai lầm của thế giới, đắc ý lắm, đưa mắt nhìn đám đông xung quanh. Trong đám người lố nhố trước quầy báo, có một gã từ nãy đến giờ vẫn đứng đọc báo. Thấy bên này huyên náo, cũng ngẩng mặt lên nhìn sang. Vừa vặn, bắt gặp ánh mắt của Lưu Nhảy Vọt. Gã đó cảm thấy chuyện này cũng thú vị, nên mỉm cười với Lưu Nhảy Vọt. Lưu Nhảy Vọt cũng hiểu ý, mỉm cười đáp lại. Gã đó bỏ lại tờ báo, cùng mọi người xúm đến nghe hát trụy. Gã lần đến đứng sau lưng Lưu Nhảy Vọt. Chị Hai Vương tâm sự toàn bằng tiếng phương ngữ Hà Nam, nên mọi người chẳng hiểu lão hát rong đang hát gì. Ngày xưa, hồi ở quê, Lưu Nhảy Vọt đã từng nghe bài này. Giờ nghe lại, thấy vào quá. Gã cũng lim dim mắt, ngúc ngoắc đầu theo điệu hát. Bỗng, Lưu Nhảy Vọt thấy nhột bên hông. Lúc đầu, gã chẳng để ý. Nhưng sau, linh cảm thấy có gì đó không ổn, liền mở mắt, tay chạm vào bên hông. Thôi chết, chiếc túi du lịch đeo bên hông đã bị gã đứng đằng sau khi nãy cắt đứt dây giật mất. Nhớn nhác tìm. Nhưng gã kia đã len ra khỏi đám đông, chạy vụt đi như tên bắn. Do sự việc xảy ra quá nhanh, phản ứng đầu tiên của Lưu Nhảy Vọt là tri hô:
- Có trộm!
Lúc trấn tĩnh lại, mới nhớ ra mình còn có chân, liền vội vàng đuổi theo. Tay kia rõ là trộm chuyên nghiệp. Hắn không chạy men theo phố lớn, mà lủi qua phía sau bưu điện, chạy vào một khu chợ bán buôn quần áo. Tọa lạc trong một con ngõ nhỏ, nhưng khu chợ này bán toàn hàng hiệu. Có điều, chẳng có lấy một chiếc là hàng thật, giá cực mềm. Thế nên chợ luôn ồn ào, nhộn nhịp. Nhiều khách Nga đến đây mua hàng, xách túi to túi nhỏ. Lưu Nhảy Vọt đuổi theo đến khu chợ, thấy quầy bán quần áo san sát, người đi chợ chen vai thích cánh. Tên trộm đã kịp lẩn vào đám đông mất dạng.
Do sự việc xảy ra quá nhanh, Lưu Nhảy Vọt quên mất bộ dạng của tên trộm, chỉ nhớ nửa mặt bên trái hắn có một vệt chàm xanh, giống hình bông hoa hạnh.