Nghiêm Khắc là Tổng giám đốc Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á. Quê ở Lễ Lăng, tỉnh Hồ Nam. Trước 30 tuổi, Nghiêm Khắc gầy nhẳng. Sau 30 tuổi, bạn bè xung quanh đều phát tướng, bụng gã nào cũng phưỡn ra, nhưng Nghiêm Khắc vẫn gầy. Trước 32 tuổi, Nghiêm Khắc nghèo. Bố mẹ gã đều là nông dân vùng làm nông Lễ Lăng. Nghiêm Khắc lên Bắc Kinh học đại học. Người ta một ngày ăn 3 bữa, nhưng hồi đại học, Nghiêm Khắc ngày chỉ ăn hai bữa. Mà cũng chẳng phải hai bữa. Buổi trưa mua một món, ăn một nửa. Buổi tối, mua xuất cơm, ăn tiếp thức ăn còn thừa từ lúc trưa. Tốt nghiệp đại học xong, làm quần quật mười năm vẫn chưa nên cơm cháo gì. Mười năm chuyển mười bảy công ty. Năm 32 tuổi, Nghiêm Khắc gặp quý nhân. Khi người ta gặp vận đen đủi, đêm tối dường như không có điểm tận cùng. Nhưng khi đã đổi vận, thì phất lên chẳng cần mấy tí. Nghĩ lại cái sự phát tích của mình, Nghiêm Khắc thường liên tưởng đến nhân vật Cao Cầu đời nhà Tống. Đương nhiên, cũng không phải giống Cao Cầu hoàn toàn. Kể từ khi gặp quý nhân đến nay, cũng chỉ độ mươi năm hơn, vậy mà Nghiêm Khắc đã từ kẻ không một xu dính túi trở thành người giàu bạc tỷ. Chuyên ngành của Nghiêm Khắc hồi học đại học không phải nhà đất, không phải xây dựng, không phải kinh tế, cũng chẳng phải tài chính-tiền tệ, mà là luân lý học. Nói luân lý không mang lại lợi lộc gì. Thế nên, Nghiêm Khắc chẳng bao giờ nói chuyện luân lý, chỉ xây nhà trên quả đất của nhân loại, việc mà ngay từ hồi còn bé tí gã đã nhìn thấy ở quê. Nhờ việc này mà gã thoắt cái trở thành người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Ảnh gã chễm chệ trên tấm biển quảng cáo bên đường vành đai bốn. Trong ảnh, mắt gã như lồi ra để nhìn ngắm cơ man nhà và đất của chính gã. Thế giới này làm quái có cái định luận nào. Hồi còn khổ sở, Nghiêm Khắc không bao giờ kể chuyện ngày xưa, ngày xưa. Thế nhưng bây giờ, những lúc gã vô tình nhắc lại chuyện ăn thức ăn thừa hồi đại học, mọi người đều phá lên cười, bảo, Nghiêm Khắc rõ là người hài hước.
Sau khi phất lên, Nghiêm Khắc cũng có nhiều phiền toái. Cái sự phiền toái này chẳng liên quan gì đến chuyện giàu nghèo, mà liên quan đến những người xung quanh gã. Sau 40 tuổi, Nghiêm Khắc phát hiện Trung Quốc có hai sự thay đổi lớn. Một là, người ta ngày càng béo phì. Hai là, bụng dạ con người ngày càng hẹp hòi. Những tưởng, cơ thể đã phình ra, thì bụng dạ cũng phải to rộng ra mới phải. Nhưng không. Sau khi cơ thể phình ra, bụng dạ người ta lại chật hẹp hơn. Bụng dạ hẹp hòi cũng chẳng sao, đằng này, còn cố chấp, càng ngày càng cứng nhắc. Đối tượng gã phục vụ là một lũ cứng nhắc. Người khác cứng nhắc thì không sao, bạn bè xung quanh cứng nhắc cũng không sao, nhưng vợ gã cũng ngày càng phát phì, bụng dạ ngày càng hẹp hòi, tư duy ngày càng cứng nhắc. Đây chính là điều làm gã đau đầu. Vợ Nghiêm Khắc là Cù Lợi. Trước 30 tuổi, cô ta mảnh khảnh, dáng trí thức. Qua tuổi 30, bỗng trở thành một bà béo, để ý vụn vặt, từng li từng tí. Đường đường là vợ của một CEO (2), gia tài bạc tỷ, ấy vậy mà đi cãi nhau với tất cả những hiệu chăm sóc sắc đẹp xung quanh, chỉ vì mỗi chuyện đầu tóc. Từ chuyện của vợ, Nghiêm Khắc cảm khái mà rằng: Người Trung Quốc sao lại không biết hài hước đến mức ấy cơ chứ? Trước đây cứ nghĩ hài hước là chuyện ăn nói, sau này mới biết là chuyện giống người. Người hài hước và không hài hước là hai loại động vật. Trái khoáy ở chỗ, người thì không hài hước, nhưng việc họ làm lại hài hước. Cứ từ nhà ra phố mà xem, bọn họ làm cả thế giới biến dạng hết cả. Hàng tắm hơi thì gọi là "Quảng trường tắm", quán ăn thì gọi là "Thành phố ẩm thực", hiệu cắt tóc thì gọi là "Trung tâm chăm sóc sắc đẹp". Đến ngay "gà" trong hộp đêm, lúc đầu được gọi là "tiểu thư", sau cũng chuyển sang là "công chúa". Đi ngoài phố, Nghiêm Khắc cảm tưởng mình thuộc nhóm thiểu số. Vốn không hài hước, giờ cũng đã học được cái hài hước. Người ta giới thiệu về gã rằng:
- Ông Nghiêm Khắc - Tổng giám đốc Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á.
Nghiêm Khắc vội ngăn lại:
- Ấy chớ, chỉ xây nhà thôi.
Người ta bảo gã gầy, muốn giữ eo. Gã bảo:
- Cũng muốn béo lắm. Nhưng phải có cái mà tống vào mồm chứ.
Người ta bảo gã làm ăn lớn. Có đến nửa số nhà ở Bắc Kinh đều do gã xây. Gã lắc đầu:
- Chỉ là khuân vác gạch vữa, lao động nặng nhọc, mong các vị đừng chê cười.
Người ta bảo gã hài hước. Nhưng dần dần, gã không còn hài hước nữa. Không hài hước không có nghĩa là hài hước không tốt, mà là, hài hước làm Nghiêm Khắc không ít phen bị hố. Xung quanh rặt một lũ béo phì lòng dạ hẹp hòi. Cho dù là trong cuộc sống hay trong làm ăn, bọn họ đều thô bạo. Nước lẽ ra phải đến 100 độ mới sôi, nhưng bọn họ chỉ cần 50 độ là đã sôi sùng sục. Nước xuống 0 độ mới đóng băng, nhưng bọn họ chỉ 50 độ là đã đóng băng cứng rồi. Điểm sôi và điểm đóng băng của bọn họ là một. Vốn chỉ là một câu nói đùa. Nhưng sau khi bạn bè trở mặt, hoặc giả, chưa trở mặt, mà chỉ vì lợi ích bản thân, sẽ coi câu nói đùa trước đây là chuyện nghiêm túc để xét nét. Khi thời gian thay đổi, địa điểm thay đổi, thái độ con người thay đổi, đặt cùng một câu nói vào một hoàn cảnh và không khí khác nhau, câu nói ấy sẽ ngay lập tức thay đổi ý nghĩa, đặt ngay Nghiêm Khắc vào tình thế khó xử, không thể nào trở về với trước kia bằng con đường cũ. Ý nghĩa câu nói bị làm cho thay đổi, còn đáng sợ hơn cả chuyện bạn bè trở mặt. Sự trái khoáy từ đó mà ra, còn ghê gớm hơn cả chuyện người nghèo phải số hẩm. Nghiêm Khắc lắc đầu:
- Không cho hài hước, thì ta đếch cần hài hước nữa.
Sau 40 tuổi, Nghiêm Khắc phát hiện, sự thay đổi lớn nhất của mình là, trước 40 tuổi thích nói chuyện hài hước. Qua tuổi 40, bắt đầu không nói cười tùy tiện. Lâu dần, thấy phản cảm với những câu chuyện cười. Nếu là cấp dưới nói đùa với gã, gã sẽ cau mày:
- Không nói chuyện nghiêm túc được à?
Nếu là bạn bè, gã sẽ không vào hùa với câu chuyện. Mà nói lại câu chuyện vừa xong bằng một giọng nghiêm túc. Hoặc giả, sau 40 tuổi, ngoại trừ cái cơ thể gầy nhẳng ra, những cái khác của Nghiêm Khắc cũng đều thay đổi rưa rứa mọi người. Không thích nói chuyện với lũ người này, nhưng hàng ngày vẫn cứ phải nói. Càng nói càng thấy khô khan, cũng giống như cuộc sống, càng ngày càng chối. Giống như mụ vợ cả ngày ca thán đau khắp mình mẩy, mắt khô lưỡi rát. Giống như chiếc động cơ thiếu dầu máy, phải chạy khan, sớm muộn cũng sẽ bốc cháy. Dầu máy ơi, mày đâu rồi?
Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á có mười mấy công trường xây dựng trực thuộc. Mười mấy công trường xây dựng tất phải có mười mấy tay cai thầu. Nhiệm Bảo Lương là một trong số đó. Ngoài quan hệ xã giao, làm ăn với bọn người béo phì kia, Nghiêm Khắc thường đến công trường xây dựng. Công nhân ở công trường xây dựng chẳng có ai béo. Công nhân có người quê Hà Bắc, Sơn Tây, có người quê Thiểm Tây, An Huy, cũng có người quê Hà Nam. Nói chuyện với đám béo phì, chuyện càng nói càng khô. Nhưng khi đến công trường xây dựng, hễ nghe công nhân khắp nơi trên cả nước mở miệng là Nghiêm Khắc lại thấy vui. Món ăn ngày qua ngày của họ chỉ là củ cải hầm rau cải, rau cải hầm củ cải, nhưng khi họ đã nói, thì câu nào cũng hóm hỉnh, hài hước. Hoặc giả, câu nói của những công nhân này đã kích hoạt một dúm tế bào hài hước còn sót lại trong đầu Nghiêm Khắc. Mọi cai thầu, hễ thấy Tổng giám đốc Nghiêm Khắc đến, đều tưởng ông ta đến kiểm tra công trình. Đương nhiên, có kiểm tra công trình, nhưng quan trọng hơn là đến để nghe đám công nhân nói chuyện, để thay đổi không khí. Nếp xưa có từ dân giã, trí tuệ có từ dân gian. Những câu chuyện và lời nói hay ho đều đã bị đám người béo phì kia nhắm sạch cùng với bào ngư, vây cá cả rồi. Chỉ còn chút nước sái vẫn vương lại giữa củ cải và rau cải. Chính nô lệ là những người tạo nên lịch sử. Câu nói của Mao Chủ tịch thật chí lí.
Trong số mười mấy cai thầu, duy chỉ có Nhiệm Bảo Lương quê Thương Châu, Hà Bắc là được Nghiêm Khắc yêu mến. Kiểu nói của Nhiệm Bảo Lương ngồ ngộ, mà bỗ bã. Đám công nhân khi nói chuyện với Nhiệm Bảo Lương, thấy gã nói năng rất khôn ngoan. Nhưng Nghiêm Khắc lại thấy gã nói năng có phần ngờ nghệch. Hoặc giả, không thể nói là ngờ nghệch, mà là thô. Cũng chẳng hẳn là thô, mà là sỗ. Có điều, nói thì sỗ, nhưng cái lý sự thì không hề sỗ. Câu nào câu nấy đều đại thật. Thoạt đầu nghe, thấy có vẻ buồn cười, nhưng sau nghĩ lại, mới thấy đó là lời nói thật. Té ra, lời nói thật mới là lời hài hước nhất. Một buổi chiều, Nghiêm Khắc đến công trường của Nhiệm Bảo Lương. Khung tòa nhà CBD(3) đã xây được hơn 50 tầng. Hai người đi thang máy lên đến tầng thượng. Trong bóng chiều tà, cả thành phố Bắc Kinh ôm trọn trong tầm mắt. Nghiêm Khắc cảm khái:
- Cảnh đẹp quá.
Nhiệm Bảo Lương chỉ xuống những con phố phía dưới. Trên phố, người đi lại lúc nhúc như đàn kiến:
- Giờ này, "gà" bắt đầu xuất trận rồi.
Rồi nhổ một bãi nước miếng, chửi:
- Đĩ điếm thì cứ gọi là đĩ điếm, còn bày đặt "tiểu thư"!
Lại bảo:
- Sếp ạ, mình đừng xây nhà lầu nữa, xây nhà thổ đi. Kiếm tiền ngon ơ, chẳng phải nhọc sức như thế này.
Rõ vớ vẩn! Nhưng, lúc đầu nghe thấy rất sỗ, sau ngẫm lại, thấy buồn cười. Lúc đến, Nghiêm Khắc đang có chuyện buồn bực. Nhưng giờ, gã ôm bụng cười ngặt nghẽo, quên hết mọi phiền muộn. Vốn dĩ, tối hôm đó phải dự một bữa tiệc, nhưng Nghiêm Khắc vẫn nán lại công trường hơn một tiếng đồng hồ. Lúc này, đèn điện trên quảng trường Thiên An Môn bừng sáng. Chưa bao giờ cảnh đẹp như thế. Dần dần, trung bình cứ một tuần, Nghiêm Khắc lại đến công trường của Nhiệm Bảo Lương một chuyến. Trong đó, có một nguyên nhân là đến để nghe công nhân và Nhiệm Bảo Lương nói chuyện. Đến giờ ăn cơm, cũng đến nhà bếp công trường ăn cùng công nhân. Cánh công nhân ăn món củ cải hầm rau cải của Lưu Nhảy Vọt đến phát ngấy lên rồi. Bưng bát lên là thấy buồn nôn. Nhưng Nghiêm Khắc ăn rất ngon lành, sạch cả nước lẫn cái, chén liền một lúc hai bát, vã mồ hôi. Nhiệm Bảo Lương thấy sếp ăn đã quá, than thở:
- Phải làm cách mạng thôi. Chỉ cần làm cách mạng, ngày nào sếp cũng được ăn món này.
Nghiêm Khắc lại cười.
Trưa hôm ấy, Nghiêm Khắc lại đến công trường của Nhiệm Bảo Lương. Mọi người đang ăn trưa. Nhiệm Bảo Lương đã phát ngấy với bếp ăn công trường, nên ra ngoài mua một suất cơm hộp, đang ngồi xổm đánh chén trên bậc thềm trong chiếc sân xinh xắn của mình. Chiếc sân xinh xắn của Nhiệm Bảo Lương không thể gọi là sân. Nó cách nhà tạm của công trường độ 3 thước, núp bóng một cây táo, hình vòng tròn, được quây lại bằng những tấm ván bỏ đi. Một khoảnh con bằng cái bàn tay trước nhà. Nhưng không thể nói nó không phải là một cái sân. Nhiệm Bảo Lương đang ăn món gà xào hạt dẻ. Thấy Nghiêm Khắc đến, tưởng gã lại đến ăn cơm trưa, vừa nhai gà, vừa nói:
- Sếp đợi tí, để tôi bảo người đi mua cơm.
Nhưng, hôm nay Nghiêm Khắc đến công trường, không phải để ăn cơm, cũng chẳng phải để nghe công nhân và Nhiệm Bảo Lương nói chuyện, mà là để tìm một người. Tìm người này không phải vì bản thân họ, mà là để người đó đóng giả thành một người khác. Sau khi nghe sếp nói một thôi một hồi, Nhiệm Bảo Lương vẫn thấy mông lung khó hiểu:
- Sếp muốn diễn kịch à?
- Không phải diễn kịch, mà là diễn cuộc sống.
Nhiệm Bảo Lương thừ người, rồi bật cười:
- Sao phải diễn cuộc sống? Ngoài đường có mà đầy.
- Cuộc sống trước đây dở quá, thì phải diễn lại chứ!
Nói rồi, Nghiêm Khắc kể tường tận cho Nhiệm Bảo Lương nghe đầu đuôi cái cuộc sống dở của mình. Khi gặp rắc rối, Nghiêm Khắc giấu người khác, giấu lũ béo phì kia, giấu mụ vợ, nhưng không giấu người như Nhiệm Bảo Lương. Thì ra, Nghiêm Khắc có quan hệ tình cảm với một nữ ngôi sao ca nhạc đang lên. Cô ca sĩ này suốt ngày hát những bài ca ngợi tổ quốc, ca ngợi người mẹ. Ca tụng nhiều quá, bản thân tổ quốc và người mẹ chưa thấy nhàm chán, nhưng bản thân cô ta lại mắc bệnh chán ăn. Kỳ thực, mắc bệnh chán ăn cũng là giả. Ca ngợi tổ quốc, ca ngợi người mẹ nhiều quá, người hát không còn tình cảm của mình trong đó nữa, hát chỉ để hát, thành ra, thính giả và khán giả thấy chán tổ quốc, người mẹ và chán cả cô ta. Cô ta mượn luôn phương thức này để chuyển hướng dư luận, rồi thay đổi con đường của mình. Cô ta chán luôn tổ quốc, người mẹ. Nói cách khác, tất cả những điều này thuần túy chỉ để lăng-xê. Hôm ấy, Nghiêm Khắc đến nhà thăm cô ta, không phải vì tổ quốc và người mẹ, mà chỉ vì hai người bọn họ. Khi đã làm xong việc cần làm, Nghiêm Khắc ra về. Cô ta đeo một cặp kính râm tiễn Nghiêm Khắc xuống dưới nhà. Dưới nhà có một con phố. Cảnh tượng khá nhộn nhịp. Người sửa giày, người nướng thịt cừu, người sửa xe đạp, người nổ bỏng ngô, người bán ngô luộc, người bán khoai lang nướng. Trước khi chia tay, cô ca sĩ đến hàng nướng khoai lang, mua một củ khoai nướng. Vừa vặn, phóng viên của một tờ báo lá cải - đang ăn vặt ở quầy hàng đối diện - trông thấy cô ca sĩ. Anh ta rất đỗi ngạc nhiên, rồi thuận tay chụp một pô ảnh. Bức ảnh này người khác chụp thì không sao, nhưng khi người chụp là phóng viên, thì chỉ ngày hôm sau, nó đã xuất hiện trên mặt báo, chiếm hẳn nửa khổ. Có 2 bức ảnh được đăng. Một bức chụp toàn cảnh con phố. Nhộn nhịp người qua lại và hàng quán. Góc trên bên phải của bức ảnh toàn cảnh là một bức chụp đặc tả. Trước hàng khoai nướng, cô ca sĩ đang cầm một củ khoai lang nhét vào mồm. Dưới ảnh là lời bình: Bệnh chán ăn là để lăng-xê? Chuyện này đăng báo chẳng sao, bảo là lăng-xê cũng không hề gì. Bản thân sự việc chính là lăng-xê, lăng-xê kiểu tích cực hay tiêu cực thì cũng thế cả. Vấn đề ở chỗ, bên vai phải của cô ca sĩ xuất hiện cái đầu của Nghiêm Khắc. Nghiêm Khắc trong ảnh trông gầy gò, giống y kẻ mắc bệnh chán ăn. Nghiêm Khắc không hề bận tâm chuyện mình lên báo. Gã chẳng phải đã trương ảnh mình trên tấm biển quảng cáo ở đường vành đai 4 suốt ngày đấy thôi. Khổ nỗi, trên báo không phải chỉ có một mình gã, mà bên cạnh còn có một ngôi sao ca nhạc. Thế là to chuyện rồi. Cho dù gã trương ảnh mình cạnh đường vành đai 4, thì trên đời này cũng chẳng có mấy ai nhận ra gã. Chết cái, Cù Lợi - vợ Nghiêm Khắc– lại quá rõ mặt gã. Từ lâu, cô ta đã nghi ngờ gã có bồ bịch bên ngoài. Bây giờ, bức ảnh đăng chềnh ềnh trên báo, nỗi hoài nghi của cô ta chẳng phải đã ứng với hiện thực rồi sao? Tuần trước, Cù Lợi đi Thượng Hải thăm mẹ đẻ, buổi chiều sẽ về đến Bắc Kinh. Xuống máy bay, tất sẽ nhìn thấy tờ báo này. Chỉ vì mỗi chuyện tóc tai không như ý mà cô ta sẵn sàng cãi nhau với hiệu làm đầu. Bây giờ, thấy Nghiêm Khắc bên cạnh một cô gái khác, lại đăng lên báo, e cô ta dám cầm dao giết người lắm. Cù Lợi có một thói quen. Trước khi vung dao, phải điều tra cho rõ. Mà quá trình điều tra còn đáng sợ hơn cả chuyện giết người. Dựa vào lô-gíc này mà suy đoán, Cù Lợi sau khi xem báo, tất sẽ đến hiện trường để điều tra. Để qua mặt mụ vợ, Nghiêm Khắc muốn bố trí lại toàn bộ hiện trường, diễn lại cuộc sống ngày hôm qua. Đợi khi Cù Lợi đến điều tra, mọi người đều bảo Nghiêm Khắc và cô ca sĩ kia không phải đến cùng một lúc, biến chuyện tất yếu thành chuyện tình cờ, biến hai người có quan hệ thân mật với nhau thành hai kẻ xa lạ, biết đâu sẽ lật lại được vụ án, tránh được kiếp nạn này. Tại hiện trường con phố có mười mấy hàng quán. Với những người nướng khoai, nướng xiên cừu, khâu giày, nổ bỏng ngô…, Nghiêm Khắc đều đã dặn dò, thỏa thuận xong. Duy có tay bán ngô luộc, người An Huy, hễ mở mồm ra là run lẩy bẩy, sợ làm lộ chuyện. Phải tìm một người đóng thế hắn ta. Mà phải đóng cho thật giống. Người giống hắn ta, trong công trường có mà ối. Bèn tìm đến Nhiệm Bảo Lương. Nói xong câu chuyện, Nghiêm Khắc thấm mệt. Nhiệm Bảo Lương cũng đã vỡ vạc. Nhưng gã vẫn hoài nghi:
- Nhỡ bà chị không đọc tờ báo này thì sao? Thế thì chúng mình công toi à?
Nghiêm Khắc:
- Mụ ta không đọc, thì người khác cũng sẽ mách mụ ta. Xung quanh mụ ta, toàn bọn béo.
Bọn béo thì chẳng có đứa nào tử tế cả. Nghiêm Khắc đã từng nói với Nhiệm Bảo Lương rồi. Nhiệm Bảo Lương cũng hiểu. Nhưng gã lại ca cẩm:
- Phức tạp quá. Nếu là tôi, bỏ quách vợ đi. Thế là xong tất tật mọi chuyện.
Nghiêm Khắc trợn mắt nhìn Nhiệm Bảo Lương:
- Sự việc đâu có đơn giản như ông nghĩ. Nếu bỏ được, tôi đã bỏ từ lâu rồi.
Lại bảo:
- Trên ti-vi, ngày nào người ta chẳng diễn kịch? Một người đi kiểm tra thị sát, xung quanh toàn bố trí hiện trường giả. Cũng giống như tôi đối phó với mụ vợ. Mỗi người đều có cái khó riêng của mình.
Nhiệm Bảo Lương hiểu, màn kịch này không diễn không được. Nhưng gã lại gãi đầu:
- Nhưng nếu để đóng kịch, thì sếp tìm nhầm chỗ rồi. Công trường có hàng trăm con người thật đấy. Nhưng từ lúc bò ra khỏi bụng mẹ, họ đều phải quần quật mưu sinh, hơi rỗi đâu mà đi đóng kịch.
Điện thoại di động của Nghiêm Khắc đổ chuông. Nhưng gã chỉ nhìn màn hình, chứ không nghe máy. Ngắm nghía Nhiệm Bảo Lương một hồi, gã bảo:
- Tôi thấy ông được đấy.
Nhiệm Bảo Lương nhảy dựng lên, cứ như oan ức lắm:
- Sao sếp lại đánh giá tôi thế? Lột da ra, tôi là đứa thật thà nhất quả đất!
Rồi tìm cách lái câu chuyện:
- Sếp ạ. Ta bàn chuyện nghiêm túc đi. Tiền công trình chậm hơn nửa năm nay rồi. Phải phát thôi. Tiền nguyên vật liệu còn đỡ, chứ còn lương của công nhân, nửa năm không trả, hay xảy ra chuyện lắm.
Rồi lấy tay làm điệu bộ:
- Trong vòng chưa đầy một tháng, xe tôi bị chọc thủng lốp tới năm lần.
Nhiệm Bảo Lương có một con xe San-ta-na second-hand. Nghiêm Khắc ngăn gã lại:
- Việc tôi nói cũng là chuyện nghiêm túc. Nói gở, nếu tôi bị mụ vợ chém chết, ông đến đâu đòi tiền?
Nhiệm Bảo Lương ngẩn tò te, đang định nói điều gì đó, bỗng "rầm" một tiếng, cửa sân bị đạp toang. Lưu Nhảy Vọt tiến vào. Gã không nhìn ngó, cũng chẳng nói chẳng rằng, cứ đi thẳng đến gốc cây táo, rút ra một sợi dây thừng, buộc nó lên cành táo. Nhiệm Bảo Lương và Nghiêm Khắc đều ngạc nhiên. Nhiệm Bảo Lương quát:
- Lưu Nhảy Vọt, ông làm cái quái gì đấy?
Lưu Nhảy Vọt thò cổ vào trong thòng lọng:
- Quần quật nửa năm mà tiền lương chẳng thấy đâu. Để đến nỗi vợ con ly tán. Chán sống!
Thì ra, Lưu Nhảy Vọt vừa tống tiễn Hàn Thắng Lợi xong. Chuyến này, Hàn Thắng Lợi không về tay không. Lưu Nhảy Vọt nặn ra hai trăm tệ từ tiền mua thức ăn của nhà bếp đưa cho y. Chỗ khuyết hai trăm tệ này, Lưu Nhảy Vọt đợi khi ra chợ mua thức ăn sẽ tìm cách bù lại. Tiếng là tiền mua thức ăn, kỳ thực, hai trăm tệ này đã bị Lưu Nhảy Vọt ăn dôi ra từ những lần đi chợ trước. Chỉ có điều không muốn trả nợ, nên cố tình nói với Hàn Thắng Lợi như thế cho ra vẻ hoàn cảnh. Nhưng Hàn Thắng Lợi không giống những bận trước. Trước khi đi, y dặn, còn lại ba nghìn bốn trăm tệ cả vốn lẫn lãi, tôi chỉ cho ông 2 ngày. Hai ngày nữa mà không trả, là dùng dao nói chuyện. Xem sắc mặt gã, không giống nói đùa. Của đáng tội, hiện Lưu Nhảy Vọt cũng có trên ba nghìn tệ. Nhưng, số tiền này là để phòng khi có chuyện đột xuất, bình thường không dám động tới. Trong tay mà không có sẵn năm nghìn tệ, Lưu Nhảy Vọt sẽ cảm thấy không yên tâm. Sau khi Hàn Thắng Lợi đi khỏi, chưa hết buồn bực, thì thằng con Lưu Bằng Cử lại gọi điện từ quê Hà Nam lên, bảo hai nghìn bảy trăm sáu mươi tệ năm hào ba xu tiền học phí không thể trì hoãn được nữa. Hai ngày nữa (cũng lại hai ngày) mà không nộp, nó sẽ bị nhà trường đuổi học. Nợ tiền người, con giục tiền, Nhiệm Bảo Lương lại chưa trả lương. Bị dồn từ ba phía, Lưu Nhảy Vọt đành đi tìm Nhiệm Bảo Lương đòi tiền. Cú điện thoại của thằng con hóa ra lại là cái cớ hay ho. Gã biết rõ, bản thân Nhiệm Bảo Lương cũng bí tiền. Nếu muốn Nhiệm Bảo Lương trả lương, thì không thể dùng biện pháp thông thường được. Tháng trước, lão Trương người An Huy, nhà có việc, phải bỏ về giữa chừng. Nhiệm Bảo Lương không chịu trả lương. Lão Trương liền trèo lên cần cẩu, đòi nhảy xuống tự vẫn. Hàng trăm người đổ xô đến xem. Đội cứu hỏa đến, công an cũng đến. Nhiệm Bảo Lương đứng dưới hét tướng lên:
- Ông Trương, xuống đi. Tôi chịu nhà ông rồi.
Lão Trương xuống, Nhiệm Bảo Lương liền trả lương lão ta. Lưu Nhảy Vọt cũng muốn bắt chước lão Trương để đòi lương. Lưu Nhảy Vọt vốn không định làm như vậy. Dù sao, cũng là bạn bè mười mấy năm với Nhiệm Bảo Lương. Nhưng, tình cảm bạn bè đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vì chuyện mua thức ăn cho bếp ăn công trường. Đã thế, lại đang bị tình thế bức bách, Lưu Nhảy Vọt chẳng hơi sức đâu mà nghĩ ngợi nên hay không nên. Nhiệm Bảo Lương không thể ngờ Lưu Nhảy Vọt dám chơi khó mình kiểu này. Gã nổi đóa:
- Lưu Nhảy Vọt, ông nói nhăng nói cuội gì đấy? Vợ con ông ly tán là do tôi chắc? Vợ ông theo trai là chuyện có từ sáu năm về trước rồi.
Rồi chỉ vào Nghiêm Khắc:
- Có biết đây là ai không? Tổng giám đốc Nghiêm Khắc. Một nửa số nhà ở Bắc Kinh này đều là của ông ấy xây đấy. Ông làm thuê cho tôi. Còn tôi làm thuê cho ông ấy.
Lại giơ tay phân bua với Nghiêm Khắc:
- Sếp trông thấy cả rồi đấy. Không phát lương nhanh, liệu có ổn không? Ngày nào cũng như thế này cả.
Nghiêm Khắc từ nãy tới giờ chẳng nói năng gì, chỉ xem hai bọn họ đấu khẩu. Giờ mới vỗ tay:
- Diễn quá hay!
Rồi hỏi Nhiệm Bảo Lương:
- Ông bố trí phải không? Thế mà dám bảo không biết diễn kịch. Làm đạo diễn được rồi đấy, bố ạ.
Nhiệm Bảo Lương tức quá, vứt toẹt hộp cơm xuống đất, món gà xào hạt dẻ văng vung vãi:
- Sếp mà nói thế, tôi cũng treo cổ đấy!
Rồi chỉ tay về phía khung tòa nhà đã xây được hơn 60 tầng đằng xa, sấn đến đá Lưu Nhảy Vọt:
- Muốn chết, thì lên đấy mà nhảy xuống, nhá!
Nghiêm Khắc ngăn Nhiệm Bảo Lương lại, chỉ vào Lưu Nhảy Vọt, quả quyết:
- Không cần tìm diễn viên nữa. Chính ông ta đấy!