Chiều hôm đó, Lưu Nhảy Vọt mặc quần áo của một người khác, đóng giả thành một người khác, ngồi bán ngô luộc ở ngã tư. Lưu Nhảy Vọt không biết mặt người kia, nhưng nghe Nghiêm Khắc bảo, hắn ta là người An Huy, độ cao thấp, béo gầy và khuôn mặt đen đúa gần giống với Lưu Nhảy Vọt. Thực ra, hình dáng có khác một chút cũng chẳng sao. Mọi sự đóng giả đều chỉ để qua mặt một người, để đối phó với một tấm ảnh, chứ chẳng ai có thể phân biệt được rõ ràng những chi tiết nhỏ của kẻ bán ngô luộc trong ảnh với một kẻ bán ngô luộc khác ngoài đời. Trong ảnh, hình của người bán ngô chỉ bé như hạt đậu, nên chỉ cần giống đại khái là được. Huống hồ, trong vở kịch này, người bán ngô không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là người bán khoai lang và người bán thịt cừu nướng ngay bên cạnh. Nếu Cù Lợi – vợ của Nghiêm Khắc – tới hiện trường điều tra, họ sẽ là những đối tượng có khả năng bị cô ta hỏi han nhiều nhất. Còn người bán ngô chỉ là trông mèo vẽ hổ, phòng xa mà thôi. Bình sinh, đây là lần đầu tiên Lưu Nhảy Vọt đóng vai một người khác. Nghiêm Khắc trả cho Lưu Nhảy Vọt năm trăm tệ "tiền cát-xê". Lưu Nhảy Vọt nhận tiền rồi vào vai luôn. Gã hỏi Nghiêm Khắc:
- Ông bảo hắn ta là người An Huy, nhưng tôi là người Hà Nam. Lúc nói chuyện, giọng tôi bị lộ tẩy thì làm sao?
Nghiêm Khắc chột dạ, thấy Lưu Nhảy Vọt nói có lý. Điều này, quả là gã chưa tính đến. Nhưng sau nghĩ lại, thấy Lưu Nhảy Vọt nói vô lý đùng đùng. Trong ảnh, người có nói đâu. Hắn kia là người An Huy, nhưng chỉ có mỗi mình Nghiêm Khắc biết. Cho đến khi kịch mở màn, Cù Lợi không thể biết được lai lịch người này. Nghiêm Khắc thở phào, nói với Lưu Nhảy Vọt:
- Ông người Hà Nam thì cứ nói tiếng Hà Nam. Quan trọng là không được căng thẳng, hồi hộp quá.
Rồi dặn:
- Ông không phải nhân vật chính, nhưng cũng không được chủ quan. Mụ vợ tôi giống như loài chồn sóc. Có lúc, chén cả vịt ốm. Nếu không, tôi đã chẳng nhờ ông đóng thế cái tay An Huy kia.
Lưu Nhảy Vọt gật gù, gạt tay An Huy kia sang một bên, rồi lại hỏi câu khác. Gã chỉ vào tấm ảnh trên báo, rồi gõ gõ mặt sau tờ báo, nói:
- Gây cho người ta bao phiền toái thế này, cái tay chụp ảnh nó mưu toan gì nhỉ? Tiền chăng?
Nghiêm Khắc than:
- Đằng sau tiền, còn ẩn một chữ: Hận. Hận người khác sống sướng hơn mình.
Lưu Nhảy Vọt lại gật gù, hiểu rồi. Trong tấm ảnh, góc xa xa có một trung tâm thương mại tổng hợp mới xây. Nghiêm Khắc chỉ lên mái nhà trung tâm thương mại:
- Nên ém một tay bắn tỉa ở đây. "Pằng" một phát, tên kia ngoẻo luôn.
Lưu Nhảy Vọt còn một câu hỏi nữa. Câu hỏi này cũng giống với câu hỏi của Nhiệm Bảo Lương, một ông chủ bự như Nghiêm Khắc, khi để xảy ra chuyện như thế, có gan làm sao không có gan chịu? Quan hệ với gái thì cũng đã quan hệ rồi. Vợ biết thì cũng đã biết rồi. Ra tòa bỏ quách vợ, rồi kết hôn với cô ca sĩ kia, thế có phải xong chuyện không? Sau này, chẳng việc gì phải lén lén lút lút nữa. Việc đếch gì phải nhọc công tốn sức diễn lại cuộc sống để gạt mụ vợ? Về điểm này, Nghiêm Khắc thật không bằng cái tay Lý Canh Sinh chuyên làm rượu rởm của Công ty rượu Thái Bình Dương ở Lạc Thủy, Hà Nam. Đành rằng Lý Canh Sinh cướp vợ của Lưu Nhảy Vọt, nhưng hắn ta còn dám làm dám chịu. Nghĩ thế, nhưng Lưu Nhảy Vọt không dám hỏi thẳng Nghiêm Khắc, chỉ tự nhủ, con người ta ai cũng có cái khó của mình. Một ông chủ hách như thế, té ra, cũng gặp phiền toái vì vợ. Từ đó, Lưu Nhảy Vọt có chút cảm thông với Nghiêm Khắc. Hoặc giả, hai người có phần đồng bệnh tương liên. Bảo đồng bệnh cũng chẳng đúng. Nhưng hai người đều giống nhau ở chỗ: sợ vạch rõ chân tướng của thế giới.
Nghiêm Khắc dặn dò Lưu Nhảy Vọt đừng căng thẳng, nhưng sau khi đóng bộ quần áo của gã An Huy kia rồi, Lưu Nhảy Vọt chẳng hề thấy căng thẳng một tí nào, chỉ thấy không thoải mái. Không thoải mái không phải vì phải đóng giả thành một người khác, mà vì quần áo của gã An Huy có mùi. Chỉ trông là biết ngay, bộ quần áo này là hàng si-đa bày bán ở vỉa hè chợ đêm. Chẳng biết đã qua mấy đời chủ. Chua lòm. Thêm cả mùi hôi nách. Không hiểu là vết tích sót lại của tay chủ nào. Quần áo thì bốc mùi, nhưng món ngô luộc của tay An Huy này, được cái, ngon ra trò. Một chiếc nồi gang to đặt trên bếp than tổ ong. Lưu Nhảy Vọt vừa dọn hàng ra đã có khách đến mua. Trông biết ngay, toàn khách quen. Thì ra, bán bắp ngô cũng có thể làm cho người ta nổi tiếng. Lưu Nhảy Vọt lại thấy phục tay người An Huy. Nghe Nghiêm Khắc bảo, hắn ta nhát gan lám, hễ mở miệng là run lẩy bẩy. Nhưng Lưu Nhảy Vọt lại thấy, cái gã yếu bóng vía này rất được việc. Lưu Nhảy Vọt nghĩ thầm, đợi khi nào mình và Nhiệm Bảo Lương trở mặt với nhau, cũng sẽ đi bán ngô. Khi Lưu Nhảy Vọt tiếp quản hàng ngô luộc, Nghiêm Khắc dặn dò rất cẩn thận:
- Cái tay An Huy bán thế nào, thì ông cứ bán như thế, mọi thứ đều không được thay đổi.
Nhưng sau khi tiếp quản, Lưu Nhảy Vọt lập tức tạo ra sự thay đổi. Những thứ khác vẫn nguyên xi, chỉ thay đổi giá bán ngô. Ngô ngọt luộc bán theo bắp. Trước đây, gã An Huy bán một bắp một tệ. Nhưng đến Lưu Nhảy Vọt, giá lập tức tăng lên thành một tệ một hào. Kinh nghiệm mua thức ăn ở chợ đã được Lưu Nhảy Vọt áp dụng vào bán ngô. Một bắp ăn dôi ra một hào. 100 bắp là kiếm được mười tệ. Không thể làm không công cho cái gã An Huy kia được. Có khách hàng vừa móc tiền, vừa thắc mắc:
- Vẫn một tệ cơ mà? Sao hôm nay lại một tệ mốt?
Lưu Nhảy Vọt trả lời ngay:
- Hôm qua, Hoài Nhu bị mưa đá, ngoài đồng ngô hỏng hết cả. Bán một tệ mốt là phải rồi.
Người kia ngó Lưu Nhảy Vọt:
- Đổi người à?
- Cậu em tôi tối qua uống say quá. Tôi là anh họ nó.
Lưu Nhảy Vọt cặm cụi bán ngô đã ba tiếng đồng hồ, mà Cù Lợi vẫn chưa lộ diện, vẫn chưa đến điều tra. Xem sắc trời, hôm nay, chắc cô ta không đến nữa. Đến hay không, Lưu Nhảy Vọt cóc cần quan tâm. Đã có trong tay năm trăm tệ tiền cát-xê đóng kịch, ngô bán được một nửa, cũng có cơ kiếm được năm-sáu tệ. Nếu mai phải diễn tiếp, sẽ lại thu tiền cát-xê, lại có thêm tiền chênh lệch từ bán ngô. Kể ngày nào cũng diễn như thế, Lưu Nhảy Vọt chẳng mấy mà phất. Nhưng giấc mơ của Lưu Nhảy Vọt ngay lập tức bị dập tắt. Khi Lưu Nhảy Vọt đang mải mơ mộng hão huyền, thì một chiếc Mercedes từ từ đi tới, đỗ bên lề đường. Từ trong xe, một bà béo bước xuống. Phía bên kia, Nghiêm Khắc cũng ra khỏi xe. Lưu Nhảy Vọt hiểu, chiêng trống đã nổi, kịch đã mở màn. Vợ Nghiêm Khắc béo thì béo thật, nhưng trông là biết ngay, hồi trẻ cô ta không hề béo. Bây giờ, dáng người, khuôn mặt đã thay đổi, nhưng vẫn còn mặn mà lắm. Tay trái cô ta dắt một con chó, tay phải cầm một tờ báo. Chính tờ báo đăng ảnh nữ ngôi sao ca nhạc và Nghiêm Khắc mà Lưu Nhảy Vọt đã nhìn thấy. Lưu Nhảy Vọt lên giây cót tinh thần: chuẩn bị lên sân khấu.
Cù Lợi bay từ Thượng Hải về Bắc Kinh lúc bốn giờ chiều. Lẽ ra về lúc hai giờ, nhưng vì Thượng Hải có mưa rào kèm theo sấm chớp, nên chuyến bay bị lùi lại hai tiếng đồng hồ. Cù Lợi đến Thượng Hải thăm mẹ đẻ. Vốn dĩ, quan hệ giữa cô và nhà mẹ đẻ không được thuận hòa cho lắm. Hồi nhỏ, Cù Lợi hợp với bố, chứ mẹ thì không. Bà ta tính khí cục cằn, hơi một tí là đánh Cù Lợi. Cù Lợi có một đứa em gái, nhưng bà mẹ với cô ta lại khác hẳn. Có mắng chửi, nhưng chưa bao giờ ra roi. Thế mới biết, tức khí cũng tùy với từng người. Trong nhà chia làm hai phe: phe bố và phe mẹ. Nhưng phe bố yếu thế. Trong nhà, phe mẹ mặc sức thao túng. Người Thượng Hải thường rất quyến luyến gia đình. Thế nhưng, khi thi đại học, Cù Lợi quyết định thi tận Bắc Kinh, chính là vì muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của bà mẹ. Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau được hai năm thì bố Cù Lợi mất. Kể từ đó, Cù Lợi không trở lại Thượng Hải nữa. Có về, cũng không rẽ qua nhà mẹ đẻ. Nhưng gần một năm trở lại đây, Cù Lợi bắt đầu năng về thăm mẹ, có khi một tháng một lần. Ngay cả Nghiêm Khắc cũng không hiểu sự thay đổi này bắt nguồn từ đâu. Do Cù Lợi đã thay đổi, hay mẹ cô ta đã thay đổi. Nhưng cho dù là ai, Nghiêm Khắc cũng không phản đối sự thay đổi này. Chỉ cần Cù Lợi đi khỏi, là cả Bắc Kinh trở thành cõi riêng của Nghiêm Khắc. Gã có thể yên tâm hẹn hò với cô ca sĩ sao và những cô gái khác. Nhưng Nghiêm Khắc không biết rằng, Cù Lợi về Thượng Hải không phải là để thăm mẹ, mà là để khám bác sĩ tâm lý. Cù Lợi cho rằng, mình mắc bệnh trầm cảm nặng, nhưng giấu không nói với Nghiêm Khắc. Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau đã 12 năm. Năm năm đầu, cuộc sống nghèo khó, hai vợ chồng thường xuyên khục khặc nhau. Hồi ấy, Cù Lợi còn dịu dàng. Chuyện khục khặc vợ chồng của những người dịu dàng đều diễn ra dưới hình thức chiến tranh lạnh. Năm năm sau, cuộc sống giàu lên, Cù Lợi bắt đầu phốp pháp, thì mỗi khi khục khặc, hai vợ chồng lại bắt đầu lớn tiếng cãi cọ. Ỏm tỏi năm năm, lại thôi. Quay về với chiến tranh lạnh. Trong thời gian chiến tranh lạnh, Cù Lợi đột nhiên phát hiện mình có bệnh. Bệnh không ở cơ thể, mà ở tâm, lúc nào cũng như bồn chồn, lo lắng một điều gì đó. Vừa lo Nghiêm Khắc thay lòng đổi dạ. Hôm nào, trước khi đi ngủ, Cù Lợi cũng lén vào nhà vệ sinh kiểm tra quần lót của đức ông chồng. Vừa lo cho bản thân. Lại như không phải lo lắng cho hai người, mà lo lắng cho cả thế giới. Xung quanh hễ có sự thay đổi, cho dù là chuyện tay đóng giày trước cửa nhà thôi không làm nữa, hay lãnh đạo nhà nước thay đổi nhân sự, toàn những chuyện chẳng hề liên can tới mình, nhưng cô ta vẫn cứ cảm thấy như thế giới này loạn rồi, tất tật mọi thứ đều bất ổn. Rõ là bệnh trầm cảm. Người khác khi bị trầm cảm, thường không ngủ được, cơ thể tiều tụy, gầy gò, ốm yếu, nhưng Cù Lợi thì ngược lại. Ngày nào cũng cảm thấy thiếu ngủ, càng ăn, càng béo. Hễ có chuyện buồn bực là ăn bánh hamburger. Ăn đến đẫy bụng, phát mệt. Khi ấy, tự khắc lăn ra ngủ. Thế là cô ta đi khám bác sĩ tâm lý. Bắc Kinh cũng có bác sĩ tâm lý. Nhưng người Thượng Hải tính nhỏ mọn, nhiều người bị trầm cảm hơn, nên bác sĩ tâm lý ở Thượng Hải giỏi hơn Bắc Kinh. Cù Lợi còn nghĩ, bệnh trầm cảm bây giờ mới bị, nhưng biết đâu cũng có liên quan đến thời thơ ấu, đến mẹ. Chữa bệnh ở Thượng Hải, còn có thêm yếu tố "địa lợi". Thế là, cô ta đều đặn một tháng một lần bay xuống Thượng Hải khám bác sĩ tâm lý. Những người khác sau khi khám bác sĩ đều giải tỏa được tâm lý. Nhưng Cù Lợi càng khám, càng thấy tâm lý nặng nề hơn. Bác sĩ tâm lý khám cho Cù Lợi là đàn ông, người Phụng Hóa, Chiết Giang, cùng quê với Tưởng Giới Thạch. Hơn 30 tuổi, cũng nói tiếng quan thoại Chiết Giang. Nhưng anh ta không có râu, kiểu tóc và sự chuyển động của ngón tay trông như người đồng tính. Nhưng khả năng đoán biết tâm lý của người khác thì thật đáng nể. Từng vụ việc, sự kiện, từ ngoài vào trong, từ nông đến sâu, thông qua hiện tượng để nhận biết bản chất, nói năng cứ gọi là đâu ra đấy. Nhưng ban đầu, anh ta cũng không nói trúng ngay, chỉ vòng vo tam quốc. Cho đến nửa năm sau, khi hỏi ra Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau đã 12 năm, 3 lần sảy thai, không giữ được người con nào, thì mọi thứ mới sáng tỏ. Gã đồng hương với Tưởng Giới Thạch lấy ngón tay cái và ngón giữa chụm vào nhau hành hình chữ O giơ lên, đầu gật gù, miệng nói giọng quan thoại Chiết Giang. Thế thì đúng rồi. Mọi căn nguyên đều từ chuyện sảy thai mà ra, chứ không hề liên quan đến tuổi thơ và người mẹ của Cù Lợi. Điều mà Cù Lợi lo lắng không phải là Nghiêm Khắc, cũng không phải bản thân, cũng chẳng phải cả thế giới, mà là con cái. Kiểm tra quần lót của Nghiêm Khắc vì sợ chồng có con với người đàn bà khác. Rồi lại bắt đầu chiến tranh lạnh. Chỉ vì mỗi chuyện đầu tóc mà cãi nhau loạn lên với các hiệu làm đầu xung quanh, ấy là để xả cơn phiền muộn ra ngoài. Càng ăn càng béo là vì tâm lý đã đập bát thì đập cho tan luôn. Rồi tiến tới, căn nguyên của bệnh cũng chẳng phải ở chuyện con cái nữa, mà là sợ mình không có con, sau này, tài sản sẽ rơi vào tay ai. Nói cách khác, là tiền. Đã tìm ra nguyên nhân, tay bác sĩ cảm thấy nhẹ nhõm, khoan khoái hẳn. Bản thân Cù Lợi, lẽ ra, cũng nên thấy nhẹ nhõm mới phải, nhưng không, cô ta càng trầm cảm, u uất hơn. Bởi cô ta không có cách nào giải quyết căn nguyên này. Vốn không đến mức lo lắng cho thế giới như thế, nhưng giờ đây, Cù Lợi lại càng lo lắng hơn. Vốn dĩ điều làm cô ta lo lắng là cả thế giới, nhưng sau khi nghe lời mách bảo của bác sĩ, dần dần, nỗi lo lắng của Cù Lợi tập trung cả vào một mình Nghiêm Khắc. Hơn lúc nào hết, cô ta để ý đến nhất cử nhất động, mỗi lời nói, việc làm của Nghiêm Khắc ở bên ngoài. Cô ta cũng biết, sự lo lắng và kiểu để ý thái quá như vậy rất dễ phản tác dụng. Cũng có thể, điều mà cô ta cần chính là sự phản tác dụng. Muốn dùng sự phản tác dụng, dùng sự bùng nổ, dùng kết quả tồi tệ nhất, dùng sự giết người, dùng sự máu chảy thành sông để chứng minh cái sai không phải ở mình, đồng thời, đổ hết trách nhiệm cho đối phương và thế giới. Ngày trước, cô ta lo Nghiêm Khắc có người đàn bà nào đó ở bên ngoài. Bây giờ, Nghiêm Khắc chẳng có người đàn bà nào ở bên ngoài cả, điều ấy lại làm cô ta thấy không yên tâm. Có khi, Nghiêm Khắc vụng trộm ở ngoài càng nhiều lại càng tốt. Càng nhiều, càng làm cho mong ước của cô ta sớm thành hiện thực. Chuyến đi Thượng Hải lần này vốn không phải để khám bệnh, mà là một thói quen. Hôm qua, một bạn ruột của Cù Lợi gọi điện thoại mách chuyện báo đăng ảnh Nghiêm Khắc chụp với cô ca sĩ sao. Bạn ruột của Cù Lợi cũng là vợ của một gã nhà giàu, to béo phục phịch. Đương lúc cảm khái, giọng bà bạn có phần hưng phấn. Điều ấy lại giúp Cù Lợi nhận rõ bộ mặt thật của bà bạn ruột. Cũng thuộc dạng người lúc nào cũng mong bạn mình gặp xúi quẩy. Loại tâm lý có vấn đề. Nhưng bà bạn ruột không hề biết rằng, khi biết tin này, Cù Lợi không hề buồn bã, mà trái lại, cũng hưng phấn như bà bạn ruột. Giống như ngựa chiến khi ngửi thấy mùi sa trường và máu, là máu trong huyết quản lập tức sôi sục. Nhưng trong điện thoại, Cù Lợi lại làm ra vẻ khổ tâm, cũng có ý để cho bà bạn mắc lừa. Thực sự, cô ta đã sẵn sàng cho sự kìm nén. Cô ta muốn nuốt trọn quả mật đắng và liều thuốc độc này. Núi lửa tích tụ càng lâu, thì lửa phun ra càng dữ dội. Máy bay chở Cù Lợi đáp xuống sân bay thủ đô Bắc Kinh. Nghiêm Khắc tất tưởi ra đón vợ, trong tay cầm một tờ báo. Cù Lợi biết, Nghiêm Khắc cố làm ra vẻ thật thà để che giấu sự thật, chiếm lấy tiên cơ. Sau khi lên ô tô, Cù Lợi ngồi ôm con chó cưng, còn Nghiêm Khắc thì giở tờ báo ra, chỉ cho vợ xem bức ảnh, rồi giải thích:
- Mình có tin hay không thì tùy. Nhưng lúc ấy tôi đang mua khoai lang, không để ý cô ta là ai.
Ý đồ quá lộ liễu của chồng chợt làm Cù Lợi sôi giận. Vốn không muốn mắc bẫy của bà bạn ruột, nhưng giờ đây Cù Lợi lại sập bẫy. Cơn giận đã định kìm nén, bỗng chốc bùng lên. Cù Lợi nói:
- Mình việc gì phải căng thẳng thế? Để tôi đến hiện trường hỏi han là ra hai năm rõ mười ngay ấy mà.
- Chuyện từ hôm qua, ai người ta nhớ?
Cù Lợi mặc kệ, bảo lái xe đi thẳng đến đoạn phố trong ảnh. Nhưng mụ làm như vậy lại vừa vặn mắc lừa Nghiêm Khắc. Nghiêm Khắc không phải muốn che giấu quanh co, mà muốn khuất phục đối phương một cách mềm mỏng. Điều gã ta mong đợi chính là để Cù Lợi đến hiện trường. Trước đây, Cù Lợi từng đến những hiện trường khác, làm gã cứ nơm nớp. Nhưng lần này thì khác. Mọi việc đều đã được cắt đặt kỹ lưỡng. Đến mức, gã lo mình đã mất công đạo diễn một vở kịch như thế. Gã không phải muốn nhân dịp này để phủ định việc mình đã làm, mà là để phủ định cả con người Cù Lợi. Nghiêm Khắc cũng vào vai, làm ra vẻ bất đắc dĩ:
- Mình thích thế nào thì tùy.
Rồi cùng Cù Lợi đến con phố hôm qua.
Lưu Nhảy Vọt vốn rất tự tin, nhưng khi trông thấy Cù Lợi và Nghiêm Khắc xuống xe, vở kịch bắt đầu mở màn, gã bỗng thấy có chút căng thẳng. Dù sao, trước đây, gã cũng chưa từng bao giờ diễn kịch, càng chưa từng diễn cuộc sống. Diễn cuộc sống, té ra, còn khó hơn cả diễn kịch. Còn một lý do nữa khiến Lưu Nhảy Vọt căng thẳng, bồn chồn. Đó là cả ngày gã sống với đám công nhân ở công trường, mọi người đều thuộc tầng lớp dưới trong xã hội, nói những điều giống nhau, làm những việc giống nhau, chưa bao giờ tiếp xúc với đám người có tiền như Nghiêm Khắc, Cù Lợi. Không biết thường ngày bọn họ hay làm những việc gì, nói những chuyện gì, vở kịch này nên diễn thế nào. Cù Lợi tay dắt chó, không hề sốt ruột đi điều tra ngay, mà để mặc cho con chó dẫn đường, đi lại thong dong trước các hàng quán ở góc phố. Nghiêm Khắc có vẻ sốt ruột, giục:
- Không tin, mình đi hỏi người bán khoai nướng kia kìa.
Cù Lợi không hỏi người bán khoai nướng, tiếp tục đi dạo qua các hàng quán khác. Nhưng như thế, mụ ta lại càng trúng kế của Nghiêm Khắc. Cù Lợi vòng lại trước chiếc nồi gang của Lưu Nhảy Vọt. Giống như gã An Huy kia, Lưu Nhảy Vọt bắt đầu thấy toàn thân run lên. Cù Lợi thấy vậy, bèn dừng lại trước hàng ngô luộc, mở tờ báo ra hỏi Lưu Nhảy Vọt:
- Này anh, hôm qua, anh có trông thấy cô ca sĩ này không?
Lưu Nhảy Vọt nói không ra lời, run rẩy gật đầu. Cù Lợi có vẻ rất đắc ý:
- Cô ấy đi mấy người?
Lưu Nhảy Vọt lắp bắp:
- Hai ạ.
Nghiêm Khắc đứng sau Cù Lợi, mặt xanh ngắt vì sợ. Cù Lợi hỏi:
- Thế người kia là ai?
- Mẹ cô ta.
Cù Lợi ngẩn người:
- Sao anh biết đó là mẹ cô ta?
- Tôi nghe cô ấy nói: "Mẹ, mẹ ăn ngô nhé, con đi mua khoai nướng."
Cù Lợi thở phào. Phía sau cô ta, Nghiêm Khắc cũng thở phào, còn lén giơ ngón tay cái về phía Lưu Nhảy Vọt ra chiều khen ngợi. Trông chân chất thật thà như công nhân công trường, ấy thế mà đóng kịch tài ra phết. Cù Lợi hỏi Lưu Nhảy Vọt xong, không hỏi ai nữa. Kể cả hỏi người khác, nhưng đã có phần mở đầu êm xuôi thế này, Nghiêm Khắc cũng cóc sợ. Cù Lợi dắt chó, quay trở lại xe. Nghiêm Khắc cũng đi theo, làm ra vẻ oan uổng lắm. Gã trèo lên xe trước, mạnh tay đóng cửa đánh "rầm" một cái. Lúc này, Cù Lợi nói với lái xe:
- Đợi chút, tôi muốn mua một bắp ngô luộc.
Rồi dắt chó, quay lại chỗ Lưu Nhảy Vọt, hỏi:
- Ngô bán thế nào đấy?
Lúc này, Lưu Nhảy Vọt không còn căng thẳng nữa, thậm chí còn cảm thấy ngượng vì cái sự căng thẳng của mình khi nãy. Té ra, diễn kịch quá dễ. Lưu Nhảy Vọt giờ đã lấy lại bình tĩnh, trở thành một người bán ngô thực thụ:
- Một tệ mốt một bắp.
Cù Lợi vừa chọn ngô, vừa hỏi như tình cờ:
- Cái cô ca sĩ hôm qua đến đây buổi sáng hay buổi chiều, hả anh?
Lưu Nhảy Vọt thấy mụ mị cả người. Không có gợi ý kịch bản trước, đành phải tùy cơ ứng biến. Lưu Nhảy Vọt buột miệng:
- Buổi sáng. Lúc ấy, tôi vừa dọn hàng ra.
Cù Lợi gật đầu, mỉm cười. Lưu Nhảy Vọt ngỡ mình lại diễn đúng bài, cũng nhoẻn miệng cười. Cù Lợi chọn lấy một bắp ngô, móc ra hai tệ đưa cho Lưu Nhảy Vọt:
- Khỏi cần trả lại.
Rồi lại dắt chó đi về xe. Lưu Nhảy Vọt đinh ninh vở kịch đã thành công mỹ mãn. Ở trên xe, Nghiêm Khắc cũng đinh ninh vở kịch đã thành công rực rỡ. Chiếc Mercedes vút đi trên đường phố. Cù Lợi chỉ mải gặm ngô. Đã chắc mẩm phần thắng, nên Nghiêm Khắc cố ý làm già:
- Báo người ta nói là nói chuyện ăn hay không ăn, mình lại cứ đi liên tưởng đến chuyện nam nữ linh tinh. Toàn nghĩ vớ nghĩ vẩn!
Lại bồi thêm:
- Nói thật. Lần sau, mà mình còn nghi ngờ lung tung kiểu này, là không xong với tôi đâu.
Nào ngờ, Cù Lợi ngẩng phắt đầu lên, ném toẹt chiếc bắp ngô đang gặm dở vào mặt Nghiêm Khắc, làm rơi cả kính của đức ông chồng. Con chó nằm dưới chân cũng giật mình, nghếch cổ lên sủa ăng ẳng. Nghiêm Khắc nổi đóa:
- Làm cái trò gì đấy? Thích vô cớ gây chuyện phỏng?
Cù Lợi mắt ầng ậng nước, chỉ vào tờ báo:
- Nghiêm Khắc, lần sau, muốn lừa tôi, anh phải tính toán cho cẩn thận vào. Tay bán ngô nói là buổi sáng, nhưng thử nhìn vào chiếc đồng hồ sau lưng các người xem!
Nghiêm Khắc sờ soạng nhặt chiếc kính dưới chân, đeo nó lên, rồi nhìn vào tờ báo. Thì ra, trong bức ảnh chụp toàn cảnh, góc mái của nóc tòa Trung tâm thương mại tổng hợp gắn một chiếc đồng hồ điện tử. Mặc dù hơi mờ, nhưng vẫn có thể trông rõ con số: 17:03:56. Mặt Nghiêm Khắc ngây như phỗng.