Đến đầu năm 1967, Mỹ đã đưa vào miền Nam trên dưới nửa triệu quân, gây "chiến tranh cục bộ" và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vậy nhưng tình hình với Mỹ không được khả quan cho lắm. Chúng đang vừa bị sa lầy trên chiến trường miền Nam vừa bị thua đau trên bầu trời miền Bắc. Trong bối cảnh đó, đầu tháng 1/1967, Thường trực Quân ủy Trung ương đã họp bàn về Kế hoạch chiến lược A và kế hoạch xây dựng lực lượng.
Ngày 4/4/1967, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chủ trì cuộc họp, cùng một số ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương nghe Cục Tác chiến báo cáo bước đầu bản dự thảo kế hoạch quân sự mùa hè. Ngày 6/4/1967, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh trình bày tiếp bản dự thảo kế hoạch đã được bổ sung, sửa chữa trong cuộc họp trên của Thường trực Quân ủy Trung ương. Lúc này, kế hoạch đã phát triển thành kế hoạch quân sự từ mùa hè 1967 đến mùa hè 1968. Bản dự thảo khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của thắng lợi mùa khô 1966-1967, đồng thời cũng nêu lên những nhược điểm tồn tại cần khắc phục như quân số, tiếp tế, việc phối hợp giữa các chiến trường,…
Sau khi các ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương trao đổi và cho ý kiến để định hướng cho Cục Tác chiến bổ sung, sửa chữa, ngày 18/4/1967, tập thể thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu tiếp tục thảo luận, tập trung vào một số vấn đề quan trọng. Qua đó thống nhất cần xây dựng một kế hoạch chiến lược nhằm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam, đẩy địch vào thế phòng ngự, mất ý chí xâm lược và khả năng tiến công. Mốc kế hoạch được xác định là từ hè năm 1967 đến hè năm 1968.
Chiến trường càng đẩy mạnh hoạt động, địch phản ứng bằng tăng cường và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ tháng 10/1966 đến tháng 3/1967, Mỹ dùng không quân đánh vào thủ đô Hà Nội, bắn pháo từ bờ nam ra bắc vĩ tuyến 17, dùng tàu chiến và thủy lô đánh phá ven biển Quân khu 4 và đánh phá các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc. Hoạt động đánh phá của địch đã gây cho ta nhiều tổn thất về người và của.
Với quyết tâm chuẩn bị tiến tới giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam, đồng thời dự kiến địch có khả năng mở rộng "chiến tranh cục bộ" ra miền Bắc và sang đất bạn Lào, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đặc biệt quan tâm chỉ đạo góp phần duy trì và phát triển phong trào cách mạng của nhân dân Lào anh em. Cuộc họp giữa các đồng chí Lê Duẩn và Cayxỏn Phômvihẳn từ ngày 18 đến ngày 22/5/1967, đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ tương trợ giữa nhân dân hai nước chống kẻ thù chung. Sau khi nghe đồng chí Cayxỏn thông báo về chủ trương xây dựng và các mặt hoạt động sắp tới, đồng chí Lê Duẩn hoàn toàn đồng ý với phương hướng của Đảng bạn và cùng đồng chí Cayxỏn bàn về kế hoạch phối hợp hoạt động trong vài ba năm tới trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế.
Ngày 20/6/1967, sau khi đánh giá tình hình trong các năm 1965-1966 và 1966-1967, Thường trực Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về "Quyết tâm chiến lược trước mắt". Trong đó xác định trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan của ta tới mức cao nhất, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Mục tiêu cần đạt được đó là buộc Mỹ phải chịu thua, từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, chúng ta đạt được mục tiêu về độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.
Trong cuộc họp trong hai ngày 30/6 và 1/7/1967, Bộ Chính trị bàn về việc thực hiện quyết tâm chiến lược trước mắt. Hội nghị nhấn mạnh: phải tiến lên thời kỳ mới, phải thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tốt nhất là trong đông - xuân - hè 1967 - 1968, hoặc có khả năng sớm hơn. Đồng thời cũng chuẩn bị kế hoạch cho hai năm 1968 - 1969 và chuẩn bị tư tưởng kiên trì đánh lâu dài, quyết tâm đưa cách mạng miền Nam chuyển sang bước phát triển mới.
Ngày 12/10/1967, Cục Tác chiến dự thảo xong kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa toàn miền Nam. Dự kiến diễn biến ba trong đợt. Bộ Chính trị xác định cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp. Dưới công tác chỉ đạo chặt chẽ và chuẩn bị kỹ lưỡng, giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công chiến lược nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam.