Nàng là một vỏ ốc tròn xoe, đầy đặn và bóng láng như cây dẻ ngựa1. Thật yên bình và thoải mái, nàng nằm cuộn tròn như cô mèo nhỏ trong lòng bàn tay tôi. Sóng sánh và đùng đục, nàng đẹp như đóa hoa màu hồng trên nền bầu trời mùa hạ, căng mọng như sắp mưa.
1Cây dẻ ngựa: cây lá chia thành bảy thùy với hoa màu trắng hoặc hồng.
Bề mặt cân đối, mềm mại của nàng được tô vẽ với độ chính xác tuyệt vời. Những đường xoắn hoàn hảo cuộn tròn vào đỉnh bên trong của chiếc vỏ và một cái chóp đen bé xíu như con ngươi trong đôi mắt long lanh. Nàng nhìn chằm chằm vào tôi bằng độc nhãn thần bí, và tôi cũng chăm chú nhìn lại nàng.
Lúc này, nàng là vầng trăng đơn côi trên nền trời đêm, vành vạch tròn đầy và căng tràn sức sống. Lúc này, nàng là đồng tử của chú mèo, lặng lẽ lướt qua bãi cỏ dài giữa đêm khuya thanh vắng. Lúc này, nàng là hòn đảo cô đơn, bình lặng giữa muôn trùng đợt sóng đang không ngừng lan tỏa, bủa vây.
Có thể nói, những hòn đảo luôn thật tuyệt vời! Những hòn đảo trong không gian, như nơi tôi đã từng được đặt chân đến, luôn được bao bọc bởi muôn ngàn đợt sóng lao xao, chẳng có cầu nối, đường cáp hay điện thoại và hoàn toàn cô lập với thế giới nhộn nhịp bên ngoài. Trong khi đó, những hòn đảo của thời gian lại giống như những kỳ nghỉ ngắn ngày của chúng ta, khi mà quá khứ và tương lai hoàn toàn bị tách rời, chỉ có hiện tại là hiện hữu. Sự hiện hữu này mang đến cho cuộc sống trên đảo một vẻ trong lành và huyền diệu nhưng cũng không hề thiếu vắng sự đa sắc. Bạn sẽ được sống như con trẻ, hay như các bậc thánh thần khi mỗi ngày hòn đảo lại được gội rửa bởi sự hòa hợp giữa không gian và thời gian để mang trọn vẹn linh hồn của chính nó. Và khi sống trong không gian đặc biệt này, mỗi người chúng ta lại mang những nét tương đồng với các hòn đảo: đơn độc, toàn vẹn, hiền hòa; ngưỡng mộ sự cô độc của người khác nhưng không xâm nhập lên “bờ biển” của họ và chỉ đứng nhìn với vẻ sùng kính trước sự kỳ diệu đó. John Donne từng cho rằng: “Không ai là một hòn đảo”. Nhưng tôi lại nghĩ: Chúng ta là những hòn đảo trong cùng một đại dương.
Tất cả chúng ta, xét cho cùng, cũng chỉ là những cá thể đơn lẻ mà cô độc không phải là trạng thái ta có thể lựa chọn cho mình. Nhà thơ Rilke cũng đã từng nói: “Cô độc không phải là điều chúng ta có thể lấy đi hay để lại”.
Có thể bạn không thích khi phải nghĩ rằng mình không có ai để chia sẻ. Bạn muốn trốn tránh sự thật này. Dường như nó chứa đựng sự hắt hủi hoặc bỏ rơi nào đó. Tương tự như tâm trạng của người phụ nữ không có bạn nhảy trong buổi khiêu vũ. Họ sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn trên chiếc ghế thẳng lưng trong khi những cô gái khác đã cùng bạn nhảy xoay tròn trong những vũ điệu tuyệt vời nơi sàn nhảy.
Con người, đặc biệt là phụ nữ chúng ta, thường cảm thấy lo lắng khi đối diện với cảm giác cô đơn và luôn mong muốn sẽ không bao giờ cảm thấy cô độc. Khi những mối quan hệ gần gũi như gia đình, bè bạn không thể khuấy động không gian của mình, chúng ta thường tìm đến ti-vi hay báo chí, thời trang như một phương tiện để thay thế. Chúng ta có thể vừa làm việc nhà, vừa theo dõi bộ phim truyền hình dài tập đang được trình chiếu. Thậm chí, những giấc mộng ban ngày còn diệu kỳ hơn thế, chúng hấp thụ dưỡng chất trong các câu chuyện kể và sau đó quay lại dưỡng nuôi thế giới tinh thần và đời sống nội tâm của chúng ta. Thay vì vun trồng nỗi cô đơn và chờ đợi những giấc mơ đơm hoa kết trái, chúng ta có thể chìm đắm trong không gian êm dịu của những bản tình ca hay cùng bạn bè vui chơi, chuyện trò. Lấp đầy sự trống trải rất đơn giản, nhưng khi nhạc tắt màn hạ, chúng ta phải học cách sống chung với nỗi cô đơn vì giai điệu tâm hồn là điều không thể thay thế.
Quả là một bài học khó khăn khi vì một lý do nào đó mà bạn phải tạm rời xa gia đình, bạn bè và học lấy “nghệ thuật sống chung với nỗi cô đơn”, dù chỉ một giờ, một ngày hay một tuần. Tôi đã lo sợ là nó sẽ gây đau khổ và khó khăn như khi tôi phải cắt rời một phần của cơ thể mình - một phần thân thuộc mà không có nó tôi sẽ không thể sống được. Tuy nhiên, khi điều đó đã xảy ra thì thật đáng ngạc nhiên, tôi lại nhận ra rằng, được ở một mình mới thực sự là điều quý giá nhất. Cuộc sống hối hả quay trở lại lấp đầy khoảng trống, làm cho nó phong phú hơn, đầy đặn hơn và căng tràn nhựa sống. Và rồi, như một chú sao biển, bạn sẽ lại mọc một “cánh tay” mới, hoàn hảo, tròn vẹn, và thậm chí là đủ đầy hơn trước.
Tôi đã được trải nghiệm cảm giác cô đơn này trong suốt một ngày dài và hai đêm thâu. Một mình, tôi lang thang trên bờ biển vào ban đêm, dưới ngàn ánh sao lung linh và ngắm nhìn những chú mòng biển lượn vòng ở đuôi cầu tàu, ngụp lặn tìm những mẩu thức ăn mà tôi đã ném cho chúng. Buổi sáng, tôi dành trọn thời gian cho công việc, và sau đó tận hưởng bữa ăn trưa trên bờ biển, một mình. Cuộc sống này khiến tôi cảm thấy mình trở nên gần gũi hơn với những sinh vật đáng yêu của thế giới tự nhiên: từ chú chim dẽ Bắc Mỹ rụt rè làm tổ nơi thủy triều lên xuống đến chú chim choắt chạy xuống mặt nước ven bờ lấp lánh bằng những bước chân nhỏ e dè, những chú bồ nông đập cánh uể oải bay lượn theo chiều gió, và những chú mòng biển uốn cong mình ngắm nghía đường chân trời.
Không hiểu sao lòng tôi lại trào dâng một cảm giác yên bình lạ kỳ khi ngắm nhìn chúng. Vẻ đẹp của trời biển bao la chợt có ý nghĩa với tôi rất nhiều. Tôi đắm mình trong vẻ đẹp ấy, lòng như muốn tan ra và hòa vào vũ trụ mênh mông này.
Cảm giác này còn khiến tôi thấy gần gũi hơn với người bạn đời của mình, ngay cả trong sự cô đơn. Bởi vì đây không phải là sự cô đơn thuần túy, không phải là khoảng cách địa lý cũng chẳng phải hoang đảo hay những vùng đất hoang vu lởm chởm đá cách ngăn bạn với người trong mộng của mình. Đây chính là hố sâu về mặt tinh thần, là sự cằn cỗi của tâm hồn, là hoang mạc trong trái tim mà bạn đang lầm đường lạc lối trong đó và trở thành một lữ hành xa lạ. Khi bạn cảm thấy lạ lẫm với chính bản thân, nghĩa là bạn đã tự tách mình ra khỏi mọi người. Và nếu bạn không thể chạm vào tâm hồn mình thì làm sao bạn có thể tìm thấy chìa khóa để mở cánh cửa bước vào trái tim người khác. Nhiều lúc tay bắt mặt mừng với bạn bè giữa thành phố rộng lớn, tôi vẫn có cảm giác như một hoang mạc nào đó đang trải rộng giữa chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều loanh quanh trong cõi hoang vu cằn cỗi và đã đánh mất suối nguồn đem lại nhựa sống cho mình – hoặc đã thấy những dòng suối ấy trong tình trạng cạn kiệt. Tôi bắt đầu nhận ra rằng, khi cảm nhận được tâm hồn mình thì đó cũng là lúc ta tìm thấy con đường để khám phá trái tim người khác. Và, đối với tôi, tâm hồn – dòng suối dạt dào bên trong mỗi người – chỉ có thể thông dòng trở lại khi ta bắt đầu bằng nỗi cô đơn.
Tôi thả bộ xuống biển, những giai điệu rì rào của sóng biếc vỗ về từng bước chân. Mặt trời ấm áp trên lưng và đôi chân trần trong khi gió lùa qua mái tóc. Sau khi nô đùa thỏa thuê với sóng như những chú chim choắt, tôi trở về nhà, ướt sũng, mê mẩn, choáng váng, căng tràn một ngày cô độc, vành vạnh như vầng trăng trước khi bị đêm tàn lấy đi một mảnh để thành trăng khuyết và sóng sánh như ly nước tràn đến tận miệng. Quả thật, mức độ căng đầy cũng có thể đong đếm, như Psalmist đã diễn tả: “Chiếc cốc của tôi đã chực tràn”. Tôi cầu nguyện trong niềm hy vọng pha chút lo âu, rằng đừng để ai đến phá vỡ cuộc sống tĩnh lặng này, nếu không, tôi có thể tràn ra mất.
Liệu đây có phải là những gì vẫn thường xảy ra với người phụ nữ? Bản năng của phụ nữ chúng ta – chăm lo cho con trẻ, cho người bạn đời, cho xã hội – thật sự là bản năng cống hiến. Người phụ nữ luôn mong muốn được sẻ chia tất cả những gì mình có với mọi người xung quanh để rồi theo đó, thời gian, sức lực, sức sáng tạo của chúng ta cạn đi theo những dòng chảy ở bất kỳ thời điểm nào, khi qua bất kỳ khe suối nào. Mãi mãi, người phụ nữ như dòng suối mát lành, sẵn sàng chia sẻ bản thân thành từng “ngụm” nhỏ cho những ai đang khát – những ai đang cần đến họ, và rất hiếm khi cho phép mình được vùng vẫy trong thời gian, trong sự tĩnh lặng và an bình, để mình được trở lại tràn đầy, sóng sánh.
Đây quả là một nghịch lý lạ thường. Người phụ nữ, về bản năng là muốn hy sinh, nhưng họ lại chẳng hề thoải mái nếu phải chia bản thân mình thành từng phần nhỏ. Vậy thì về cơ bản, đây có phải là sự mâu thuẫn? Tôi tin rằng việc khiến người phụ nữ không hài lòng không phải là sự phân thân của chính mình, mà là e ngại sự hy sinh vô ích. Chúng ta lo lắng không phải vì năng lượng của mình cứ khe khẽ chảy qua những lỗ nhỏ, mà là sợ nó bị đổ xối xả vào mương, vào rãnh. Chúng ta không nhận thấy kết quả của sự hy sinh một cách cụ thể như những gì người đàn ông nhìn thấy trong công việc của họ. Thường chẳng có lời khen ngợi nào cho việc phụ nữ vắt sức hàng ngày để chăm lo nhà cửa, và những người xung quanh cũng hiếm khi ngợi ca thành quả lao động của chúng ta. Ngoại trừ việc nuôi dạy con trẻ, vai trò của phụ nữ luôn rất thầm lặng. Chúng ta làm việc theo những khuôn mẫu sẵn có với hàng tá việc không tên của người nội trợ, những truyền thống trong gia đình và lề thói của xã hội. Nó giống như một trò chơi dây phức tạp mà ta phải khéo léo tạo hình từ những sợi dây bé xíu luồn qua kẽ tay. Là một nửa của nhân loại, nhưng làm thế nào để phụ nữ chúng ta có thể định hướng rõ ràng giữa trăm ngàn công việc không tên hay giữa những mối quan hệ phức tạp của con người? Vì thế, một số chị em đã bắt đầu cho rằng mình giống một chiếc điện thoại hay một máy giặt tự động.
Sự cống hiến có mục đích chẳng bao giờ làm cạn kiệt nguồn sống của phụ nữ. Khi chúng ta cống hiến càng nhiều, khả năng tự tái tạo cũng tăng lên tương ứng – như việc tiết sữa của người mẹ nuôi con. Thế nhưng, ngày nay, khi cuộc sống đã tương đối đầy đủ thì rất nhiều phụ nữ không còn cảm thấy sự quan trọng của mình, cả trong những cuộc đấu tranh sinh tồn lẫn trong cuộc sống gia đình. Không còn cảm giác được hy sinh, được cống hiến có mục đích, chúng ta cồn cào đói mà không hiểu cơn đói ấy bắt nguồn từ đâu. Chúng ta lấp đầy sự trống rỗng của mình bằng những quyết định vội vã để nhận về những nhiệm vụ bắt buộc với những chuẩn mực xã hội mà nhìn chung, chúng đều vì những mục đích nhỏ nhoi. Và bỗng nhiên ta thấy mọi suối nguồn trong ta khô cạn, rỗng không.
Tất nhiên, ngay cả việc hy sinh có mục đích cũng cần có những suối nguồn nuôi dưỡng. Sữa mẹ được tạo thành khi cơ thể tiếp nhận thêm dưỡng chất. Và nếu như bản năng của người phụ nữ là hy sinh, thì tất nhiên họ cũng cần được bù đắp. Nhưng bằng cách nào?
Đó là sự cô đơn, nàng ốc trăng đã gợi nhắc tôi như vậy. Thỉnh thoảng, con người nên được sống một mình. Có vẻ như đối với phụ nữ chúng ta, đây là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ bất khả thi và là một ước mơ xa vời. Chúng ta sẽ không được trả thêm thu nhập cho những kỳ nghỉ của chính mình. Hay sau một tuần mệt nhọc với những công việc tề gia, ta cũng chẳng thể có một ngày nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Thậm chí sau ngày dài dọn dẹp, nấu nướng, ta cũng chẳng còn sức lực để thảnh thơi tận hưởng thế giới của riêng mình.
Nhưng liệu đây có phải chỉ đơn thuần thuộc về vấn đề kinh tế? Tôi không nghĩ vậy. Bất kỳ người làm công ăn lương nào, dù có mức sống ra sao, cũng luôn trông đợi một ngày nghỉ trong tuần hay một kỳ nghỉ trong năm. Có lẽ những người mẹ và những người nội trợ là người làm công duy nhất chẳng có kỳ nghỉ. Họ là những người không bao giờ được nghỉ ngơi nhưng lại hiếm khi phàn nàn về những thiệt thòi của mình.
Thật ra, giải quyết vấn đề này cũng không mấy khó khăn. Nếu bạn thuyết phục người phụ nữ rằng một ngày nghỉ ngơi hay một giờ được sống trong thế giới của riêng mình là nguyện vọng chính đáng, thì họ sẽ tìm ra cách để đạt được điều đó. Nhưng trên thực tế, họ luôn cảm thấy nhu cầu của mình là thứ yếu, và vì vậy mà ít khi nỗ lực để có được nó. Khi quan sát những người phụ nữ có điều kiện tài chính và hoàn cảnh sống cho phép có được những giây phút nghỉ ngơi nhưng lại không muốn tận dụng cơ hội ấy, bạn sẽ hiểu rằng vấn đề ở đây không phải là kinh tế. Nó phụ thuộc vào niềm tin bên trong hơn là vào áp lực bên ngoài, mặc dù sự hiện diện của những áp lực này vẫn ít nhiều tác động và gây ra những khó khăn. Cơ bản là thế giới và cuộc sống hiện đại không quan tâm đến sự cần thiết phải có những khoảng lặng, cả ở nam giới và phụ nữ.
Thật khó giải thích. Dường như bất cứ điều gì diễn ra trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể được chấp nhận dễ dàng hơn nhu cầu này. Nếu chúng ta dành thời gian cho những cuộc hẹn làm ăn, những mối quan hệ xã hội hay đi mua sắm, đến hiệu cắt tóc thì thời gian ấy được cho là bất khả xâm phạm. Nhưng nếu ta nói rằng mình cần dành thời gian để được ở một mình, ta sẽ bị cho là bất nhã, ích kỷ hoặc lập dị. Thật buồn cười cho nền văn minh của chúng ta, nó đã làm cho chúng ta phải giấu đi sự thật mình đang tận hưởng những phút giây của riêng mình như giấu giếm một tội lỗi nào đó.
Thật sự, được sống một mình là một trong những thời khắc quan trọng nhất của đời người. Những dòng suối trong tâm hồn ta sẽ chỉ được tuôn chảy khi bạn ở một mình. Cũng như vậy, để sáng tạo, những nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ cần cảm nhận được nỗi cô đơn của chính họ. Người phụ nữ cần khoảng lặng để nhận ra sự cần thiết của mình: họ là sợi tơ mỏng manh nhưng chắc chắn, là trung tâm trong những mối quan hệ phức tạp của con người. Phụ nữ sẽ tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn mình như cách Charles Morgan từng viết: “Sự bình lặng của tâm hồn đứng yên giữa những hoạt động của tinh thần và thể xác, như trục quay vẫn đứng yên dẫu bánh xe quay đều”.
Đối với tôi, đây là một hình ảnh đẹp mà phụ nữ có thể lưu giữ trước mắt như cái đích để mình nhắm đến. Vẫn là một cái trục cố định giữa bánh xe của những mối quan hệ, nghĩa vụ và bổn phận bao quanh. Được ở một mình không phải là mục tiêu, nó là bước đệm để ta tiến về phía trước, là phương tiện để ta đạt được mục đích của mình. Nó như một “căn phòng của chính mình”, cần thiết cho mỗi người phụ nữ, trước khi họ tìm được chốn trú chân thật sự của đời họ. Nhưng vấn đề không đơn giản chỉ là tìm kiếm “căn phòng của chính mình” - khoảng thời gian được ở một mình - mà cốt yếu là làm thế nào để giữ được sự bình thản trong tâm hồn giữa bộn bề cuộc sống. Và trên thực tế, đó là vấn đề nuôi dưỡng tâm hồn.
Có thể nói, người phụ nữ được thừa hưởng suối nguồn tinh thần từ các thế hệ trước, nhưng cuộc sống làm nó sắp cạn kiệt và khiến họ vận động miệt mài như một cái máy. Ở Mỹ cũng như một số quốc gia tiến bộ khác, cuộc sống của phụ nữ thoải mái hơn, tự do hơn, có nhiều cơ hội hơn, một phần nhờ những cuộc đấu tranh về bình đẳng giới. “Căn phòng của chính mình” – thời khắc được cô đơn - ngày càng trở nên phổ biến và phụ nữ có quyền tận hưởng những giây phút một mình nhiều hơn.
Thế nhưng, thành quả đạt được một cách khó khăn này không đủ giúp chúng ta học cách hưởng thụ quãng thời gian quý báu đó như thế nào. Những nhà hoạt động xã hội chỉ đấu tranh cho những quyền lợi vốn thuộc về phụ nữ, còn việc khám phá phương thức tận hưởng chúng thì vẫn còn để ngỏ để người phụ nữ tự kiếm tìm. Và ngày nay, phụ nữ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm ấy. Lâu nay, quỹ thời gian rỗi rãi tích lũy được thường bị chúng ta dùng cho những hoạt động sáng tạo hơn là nuôi dưỡng, vun trồng lại suối nguồn tinh thần của mình. Chúng ta tự làm mình bận rộn bằng những hoạt động hội hè, đoàn thể hay chăm lo cho công danh, sự nghiệp. Không biết làm thế nào để nuôi dưỡng tinh thần, chúng ta bỏ qua và cố khỏa lấp những nhu cầu của nó. Thay vì đứng yên như trục bánh xe, chúng ta tham gia vào những hoạt động ngày càng cách xa trục và khiến mình bị mất cân bằng.
Tôi nghĩ chúng ta đang dần đánh mất một cách vô thức giá trị nữ tính của mình. Trong những thời đại trước, đa số phụ nữ sống cuộc đời khá bình lặng dưới những chế độ chuyên quyền và hà khắc, nhưng môi trường đó lại có khả năng nuôi dưỡng giá trị nữ tính của họ, cho dù có chủ ý hay không. Những khoảnh khắc riêng tư lúc ở nhà đem đến cho họ cơ hội được ở một mình. Họ có nhiều nhiệm vụ tựa như những gam màu lạnh trong một bức tranh, nhưng cũng có nhiều công việc mang đầy tính sáng tạo. Chẳng có gì dưỡng nuôi tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ bằng những công việc sáng tạo, thậm chí cả những việc thoạt nghe có vẻ đơn giản như nấu ăn hay may vá. Làm bánh, khâu vá quần áo, thực hiện thiên chức của người mẹ như dạy dỗ hay hát ru cho con là những công việc nuôi dưỡng tâm hồn phụ nữ nhiều hơn là khi chúng ta lái xe đưa cả gia đình đi mua sắm tại siêu thị, hay làm việc nhà với sự trợ giúp của những thiết bị hiện đại. Ngày nay, trong việc nội trợ cũng như đa số lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, tấm màn cơ khí hóa, tự động hóa đã hạ, che chắn và chia cắt giữa đầu óc và tay chân. Điều này đã giúp người phụ nữ rỗi rãi hơn rất nhiều nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta mất đi bao cơ hội vun bồi sự sáng tạo và giá trị nữ tính.
Tôn giáo hay tín ngưỡng nói chung luôn có những tác động mạnh mẽ đến con người, nhất là người phụ nữ. Ở lứa tuổi nào, phụ nữ cũng cần có những giờ phút yên bình, tự do nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và tinh thần. Tôn giáo đã trở thành chỗ dựa của chúng ta. Nơi đây, chúng ta không bị quấy rầy bởi những vai trò “làm mẹ”, “làm vợ” hay “quý bà”. Và hơn tất cả, chúng ta được là chính mình – một tổng thể hài hòa không bị chia cắt thành hàng ngàn mảnh với những bộn bề lo toan. Người phụ nữ hiến dâng tâm hồn mình trọn vẹn trong khi thờ cúng, nguyện cầu, và hoàn toàn được chấp nhận. Và trong khi được hiến dâng và chấp nhận như vậy, giá trị nữ tính sẽ được hồi sinh. Người phụ nữ luôn khao khát được cống hiến hoàn toàn và mong muốn được coi trọng như một cá thể độc lập chứ không phải là một tập hợp những chức năng. Khát vọng này ám ảnh chúng ta và nếu không được thỏa mãn, nó có thể khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối với những ảo vọng hoặc các vấn đề về sức khỏe, tâm lý.
Giải quyết vấn đề này chắc chắn không phải là đưa người phụ nữ trở vào nhà và một lần nữa, nhét vào tay họ cây chổi hay cái kim. Những công cụ hiện đại đã giúp con người chúng ta tiết kiệm năng lượng và thời gian. Và câu trả lời đưa ra là chúng ta cần làm sao để không lãng phí thời gian và công sức vào những việc vô ích, hay tích lũy những điều tưởng chừng sẽ giúp đơn giản hóa cuộc sống nhưng thực tế lại khiến nó nặng nề hơn, hoặc thêm những thứ mà ta chẳng bao giờ có thời gian để sử dụng hay tự hào về nó, và cũng đừng bị ru ngủ trong những trò tiêu khiển để lấp đầy các khoảng trống.
Nói cách khác, giải pháp được đưa ra ở đây không phải là những hoạt động xa rời trục quay của bánh xe cuộc sống mà cuối cùng chỉ dẫn đến sự tan vỡ. Cuộc sống của phụ nữ ngày nay càng có nguy cơ rơi vào trạng thái mà William James đã mô tả theo tiếng Đức là “Zerrissenheit”, nghĩa là “tan chảy thành ngàn mảnh nhỏ”. Người phụ nữ không thể liên tục sống trong trạng thái “Zerrissenneit” vì khi đó chúng ta không còn là chính mình nữa. Chúng ta phải tự giác nỗ lực chống lại các lực ly tâm trong cuộc sống hiện đại bằng những khoảng thời gian được ở một mình, suy ngẫm, cầu nguyện, thưởng thức âm nhạc, nghiên cứu các triết lý, tư tưởng hay đọc sách, học hành hoặc làm lụng. Đó có thể là các hoạt động thuộc về thể chất, tri thức, nghệ thuật, hoặc bất kỳ sự sáng tạo nào bắt nguồn từ bản thân. Không nhất thiết phải là những công việc quá lớn lao, mà nó chỉ nên là của riêng bản thân chúng ta. Xén cỏ tỉa hoa vào buổi sáng, viết một bức thư hay ngân nga một điệu nhạc cũng sẽ đem đến cho ta cảm giác yên bình trong một ngày náo nhiệt.
Nàng ốc trăng nói đó là sự cô đơn. Những tín đồ giáo phái Quaker(2) lại cho rằng đó là sự tập trung vào điều cốt lõi. Còn Plotinus lại nghĩ, cách chúng ta sở hữu bản thân phụ thuộc vào cuộc sống nội tâm của chính mình. Căn phòng của sự “biết mình biết ta” chính là nơi mà những người hành hương vào đó có thể được tái sinh, Thánh Catherine của Siena đã nhận định như vậy.
Trong hành trình khám phá sức mạnh từ cuộc sống nội tâm, phụ nữ chúng ta phải luôn ở vị trí tiên phong và đó thật sự là một điều cần thiết. Trước đây, tuy bận rộn với nhiều công việc gia đình khiến chúng ta ít có thời gian ngơi nghỉ nhưng đó cũng chính là những cơ hội để chúng ta khám phá thế giới nội tâm của chính mình và tìm thấy nguồn sức mạnh tinh thần kỳ diệu – điều mà đa số quý ông không nhận ra trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của họ. Thế nhưng ngày nay, do nỗ lực giải phóng bản thân và chứng tỏ sự bình đẳng với phái mạnh, chúng ta lại bị cuốn vào quá nhiều hoạt động ngoài xã hội mà quên đi nguồn sức mạnh nội tâm của mình. Sức mạnh cơ bắp của phái mạnh không hẳn lúc nào cũng phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Nam giới cũng đang chịu áp lực và họ cần quay về thế giới nội tâm để tìm ra phương thức giải quyết cho những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Phải chăng họ đã nhận ra rằng sức mạnh của đất trời chính là ở nội tâm?
Ốc trăng, ai đã đặt cho nàng cái tên này nhỉ? Tôi nghĩ đó hẳn là một phụ nữ rất nhạy cảm. Còn tôi, tôi sẽ đặt cho nàng một cái tên khác: ốc đảo. Tôi không thể mãi mãi sống trên hòn đảo của mình. Nhưng tôi có thể đem nàng về, đặt trên bàn làm việc của mình ở Connecticut. Nàng sẽ ngự trị ở đó và sẽ nhìn tôi bằng con mắt độc nhãn kỳ bí. Nàng, với những đường vòng mềm mại cuốn vào đỉnh lõi nhỏ bên trong, sẽ lưu giữ dùm tôi những ký ức đẹp đẽ về hòn đảo mà tôi đã được sống vài tuần ngắn ngủi. Nàng sẽ nhắc tôi về sự “cô độc” để tôi nhớ rằng trong cuộc sống, mình nên có những khoảng lặng để được ở một mình, được nghỉ ngơi, hay đơn giản là mỗi ngày nên dành một giờ hay vài phút để sống với chính mình, để giữ cho tâm hồn - “hòn đảo” của mình - luôn nguyên vẹn. Nàng sẽ giúp tôi ghi nhớ rằng nếu không biết giữ cái ốc đảo nhỏ bé đó được vẹn nguyên thì rất khó có thể cống hiến cho gia đình, bè bạn hay xã hội. Và nàng cũng sẽ nhắc nhở tôi rằng, mỗi người phụ nữ nên vững vàng như chiếc trục của bánh xe giữa vòng quay những hoạt động của mình, rằng chúng ta nên là người mở đường để đạt đến sự tĩnh tại, để không chỉ tự bảo vệ mình, mà còn bảo vệ cuộc sống của gia đình, xã hội, và có lẽ, của cả nền văn minh này nữa.