Chiếc vỏ sò tôi đang cầm trên tay là món quà của một người bạn. Nó thật khác lạ so với những vỏ sò khác trên hòn đảo này. Bạn khó tìm được chiếc vỏ sò nào hoàn hảo như vậy. Hai nửa của loài động vật mỏng manh này ôm trọn lấy nhau khít khao. Mỗi mặt trông như chiếc cánh rập rờn của chú bướm đã được điểm tô bằng những họa tiết giống hệt nhau, mờ mờ trắng, ngoại trừ ba tia màu hồng xòe ra từ đường nối màu vàng chấp hai nửa mảnh vỏ lại. Chính những ánh hồng nổi lên trên cái nền màu trắng đó khiến tôi gọi nó là “Hai nửa bình minh”, hay “Bình minh đôi”. Tôi cầm hai nửa tạo vật hoàn hảo đó bằng ngón cái và ngón trỏ. Vỏ sò bóng mượt, vẹn nguyên, không vết hoen bẩn. Tôi tự hỏi không hiểu làm thế nào mà vật thể mong manh này có thể chịu đựng được những đợt sóng bão táp trên bờ biển.
“Hai nửa bình minh” là một thực thể kỳ lạ và tôi nghĩ mình thật may mắn khi có được nó trong tay. Nhưng khi được sống trên hòn đảo tuyệt vời này, bạn sẽ nhận ra người dân nơi đây cũng lạ kỳ như vậy. Một người nào đó có thể mỉm cười khi gặp bạn trên bãi biển, sau đó tiến về phía bạn và thật nhẹ nhàng, trao tặng bạn một chiếc vỏ sò mà chẳng vì lý do nào cả. Sau đó người ấy sẽ quay đi, để bạn tiếp tục ở lại một mình. Bạn chẳng cần đền ơn hay báo đáp gì cả, và cũng chẳng có nghi thức xã giao hay một mối thân tình nào đâm chồi nảy lộc. Nó đơn giản chỉ là một món quà, được trao và nhận hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở của lòng tin. Người ta sẽ mỉm cười với bạn, hồn nhiên như trẻ thơ, vì họ biết chắc bạn sẽ không khước từ và cũng sẽ mỉm cười lại với họ. Bạn sẽ làm như vậy, vì bạn biết rằng mình cũng chẳng mất mát gì. Nụ cười, hành động, mối bang giao hiện hữu trong không gian, trong sự gần gũi và tinh khiết của hiện tại. Nó như cân bằng trên một trục không khí vô hình, như một chú mòng biển chao liệng trên bầu trời.
Những mối quan hệ hồn nhiên, trong sáng như vậy bao giờ cũng thật đẹp. Nhưng nó cũng rất mỏng manh, dễ bị phá vỡ hay trở nên xấu đi vì những lý do chẳng hề ăn nhập – mà có khi cũng chẳng cần một lý do hữu hình nào cả, đơn giản chỉ vì cuộc sống, sự tích lũy sống và thời gian. Bất kỳ mối quan hệ nào, dù là bạn bè, yêu đương hay tình cảm gia đình, thì ban đầu bao giờ cũng thật trong sáng. Nó trong sáng, đơn giản, và không vướng bận gì. Nó giống như tầm nhìn của người họa sĩ trước khi được đưa vào tranh, hay như bông hoa tình yêu trước khi kết thành một thứ quả gọi là trách nhiệm, cứng cáp đấy nhưng cũng thật nặng nề. Khởi đầu, mọi mối quan hệ đều có vẻ rất đơn giản. Sự giản đơn của mối tình đầu, hay sự thân mật và gắn bó trong các mối đồng cảm, có thể ban đầu chỉ là một cuộc trò chuyện thú vị bên bàn ăn, nhưng sau đó sẽ phát triển thành một thế giới riêng tư. Hai người lắng nghe nhau, hai vỏ sò gặp nhau, tạo nên thế giới riêng giữa họ. Chẳng có ai hay điều gì có thể làm vướng bận mối quan hệ thống nhất hoàn hảo lúc ấy. Nó hoàn toàn thoát khỏi những yêu cầu, lo lắng của cuộc sống hiện tại, và cũng không hề vướng bận trách nhiệm đối với tương lai hay những ràng buộc thuộc về quá khứ.
Nhưng rồi sau đó, mối quan hệ thống nhất, hoàn hảo ấy bỗng phai mờ một cách nhanh chóng. Nó thay đổi, trở nên phức tạp và là gánh nặng trong mối tương quan với thế giới bên ngoài. Tôi cho rằng đây là điều tất yếu trong phần lớn mối quan hệ của chúng ta, cả với bạn bè lẫn vợ chồng, con cái. Tuy nhiên, sự thay đổi về hình thái trong hôn nhân là rõ ràng nhất. Vì hôn nhân là mối quan hệ sâu sắc nhất và gìn giữ được mối quan hệ ấy cũng tốn nhiều công sức nhất. Và cũng bởi vì chúng ta, vì lý do nào đó, đã nhầm khi cho rằng: nếu không thể duy trì mối quan hệ ấy như thuở ban đầu thì thật là bi kịch.
Bình minh của mọi mối quan hệ bao giờ cũng rất đẹp. Sự hoàn hảo trong thế giới riêng tư ấy luôn khoác vẻ tươi mới của buổi sớm mùa xuân. Quên đi mùa hạ đang tới, bạn mong muốn kéo dài mùa xuân tình yêu của thuở ban đầu, khi hai người mới gặp gỡ, quên đi quá khứ và tương lai. Bạn bất bình trước mọi sự thay đổi, ngay cả khi bạn biết rằng thay đổi là quy luật tự nhiên, là một phần trong quá trình tồn tại và phát triển của cuộc sống. Tương tự sự biến đổi trong các đồ thị toán học, xúc cảm của mọi mối quan hệ đều khó giữ được độ mãnh liệt ban đầu. Nhưng bạn đừng quá lo lắng khi nó chuyển sang giai đoạn phát triển mới mà thay vào đó, hãy đón nhận nó như mùa hạ nối tiếp mùa xuân. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những tích tụ và khiến nó ngày càng nặng nề: lớp phủ của những điều nhàm chán, những thói quen trái ý lẫn nhau. Đó là tấm áo khoác ngột ngạt cần được cởi bỏ trong cuộc sống cũng như trong mọi mối quan hệ.
Có thể nói, cả phụ nữ lẫn nam giới đều cảm nhận được những đổi thay trong mối quan hệ của mình. Chúng ta luyến tiếc và thậm chí là muốn níu kéo thuở ban đầu mặc dù cuộc sống đã không ngừng biến đổi và trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Một điều chắc chắn rằng khi mối quan hệ tiến triển đến một mức độ nào đó, cả hai người sẽ bị cuốn vào những vai trò đặc trưng và thiết thực hơn: ở nam giới thì đó là những công việc ngoài xã hội, còn đối với phụ nữ thì đó là những cống hiến truyền thống cho gia đình, chồng con. Trong cả hai vai trò, những mối quan hệ mang tính chức năng có xu hướng thay thế cho mối quan hệ cá nhân đầy say mê ban đầu. Người phụ nữ có thể tìm thấy trong mối quan hệ mới với các con của mình những cảm giác tương tự như trong mối quan hệ cũ, ít nhất là ở thời gian đầu. Trong những ngày đầu chăm sóc cho đứa con mới chào đời, một lần nữa họ lại cảm nhận một sự kết nối kỳ diệu giữa hai con người tồn tại chỉ vì nhau - một bầu trời bình yên trên khuôn mặt người mẹ chăm sóc đứa con thơ. Tuy vậy, đây chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, và chẳng thể thay thế cho mối quan hệ hoàn chỉnh ban đầu.
Trong khi bị lôi cuốn vào những vai trò mới, mỗi người đều bỏ lỡ một điều gì đó trong mối quan hệ ban đầu và giữa họ vẫn tồn tại những khác biệt lớn về nhu cầu. Với người đàn ông, trong lãnh địa của mình, họ ít có cơ hội tạo lập những mối quan hệ mang tính chất cá nhân nhưng lại có điều kiện để cống hiến cho công việc. Trong khi đó, phụ nữ tuy có cơ hội để phát triển những mối quan hệ riêng tư, nhưng nó không mang đến cho họ cảm giác về sự sáng tạo vốn là một nhu cầu từ bên trong. Mỗi người có những ước muốn khác nhau và đôi khi, người này lại hiểu lầm mong muốn của người kia nên tình yêu bỗng trở nên mong manh, dễ đổ vỡ hoặc gặp những trục trặc bất ngờ. Thay vì phàn nàn về người bạn đời của mình, bạn hãy chấp nhận một hướng giải quyết khác, hãy tự nhủ rằng đây là một người mới - một mối quan hệ mới - và như thế bạn sẽ thấy vấn đề đơn giản hơn rất nhiều.
Chúng ta hãy nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy bản thân khi yêu và được yêu. Nhưng liệu điều này có trở thành hiện thực? Tôi tin rằng sự đồng cảm thật sự sẽ được khám phá khi ta “bước vào thế giới của riêng ta và thấu hiểu được bản thân mình”, như Eckhart1 có lần đã nói. Nó có thể được tìm thấy thông qua những hoạt động sáng tạo được nuôi dưỡng từ bên trong mỗi người. Trong những hoạt động sáng tạo, người phụ nữ có thể củng cố sức mạnh của mình. Chỉ khi nhìn nhận lại bản thân, con người chúng ta mới có thể tự củng cố những mối quan hệ của cá nhân mình.
1Có thể tác giả đang đề cập đến Meister Eckhart (1260 - 1328) - một triết gia, nhà thần bí Ki-tô giáo người Đức.
Nhưng liệu mối quan hệ khắng khít giữa “hai nửa bình minh” có thể được tái lập khi nó đã không còn nguyên vẹn như xưa? Hiển nhiên, có nhiều mối quan hệ không bao giờ trở lại được như thời kỳ đầu. Giai đoạn “bình minh đôi” ngắn ngủi có thể là tất cả những gì cả hai đạt được. Tuy nhiên, khi một mối quan hệ thay đổi, sự cần có nhau ban đầu của hai người không mất đi, nó chỉ bị vùi lấp giữa những lo toan của bộn bề cuộc sống. Nó vẫn luôn ở đó, chờ đợi để được khám phá và tái khẳng định.
Chúng ta có thể tìm lại thời kỳ “bình minh đôi” bằng cách tái hiện khung cảnh buổi đầu gặp gỡ. Nếu có thể, mỗi người nên có những kỳ nghỉ cho riêng mình hoặc cùng người bạn đời sống lại những phút giây ban đầu. Tương tự như người phụ nữ có thể thanh lọc và làm mới bản thân khi tận hưởng chuyến du lịch một mình, mối quan hệ ban đầu cũng có thể được hồi sinh trong những kỳ nghỉ chỉ dành cho hai người. Phần lớn đôi uyên ương cho rằng họ đã có những cảm nhận bất ngờ khi cùng nhau tận hưởng một kỳ nghỉ như vậy. Thật tuyệt vời khi chúng ta tạm rời xa con cái, nhà cửa, công việc với những lo toan của cuộc sống thường ngày để được ở bên nhau, dù trong một tháng, một tuần hay thậm chí chỉ là một đêm. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị biết bao khi cảm nhận sự trở lại diệu kỳ của “bình minh”. Bạn sẽ không bị quấy rầy bởi tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi hay lo lắng cho buổi học ở trường của các con – những thứ vẫn thường chia cắt bạn với người bạn đời và làm mối quan hệ yêu dấu ban đầu trở nên nhạt nhòa. Thay vào đó, bên chiếc bàn nhỏ, các bạn sẽ có một không gian cho riêng mình, cùng thưởng thức bữa ăn sáng tuyệt vời bên nhau. Một hạnh phúc giản đơn mà không phải cặp vợ chồng nào cũng có được.
Tôi vẫn tin rằng cách thức này cũng mang lại cho các con bạn nhiều điều tốt lành. Chúng ta cũng nên dành cho con một khoảng thời gian được ở một mình, có thể là một lúc nào đó trong ngày, trong tháng hoặc trong năm. Nếu được bảo bọc quá cẩn thận, các con bạn liệu có thoải mái, khỏe mạnh và cuối cùng, có thể trở nên độc lập?
Tất cả chúng ta đều ao ước mình là nguồn yêu thương duy nhất của một ai đó. Một bài hát nổi tiếng ngày xưa có viết: “Đừng ngồi dưới cây táo với ai khác ngoài anh, em yêu nhé!”. Và có lẽ, như Auden(2) từng nói trong một bài thơ, đây là lỗi lầm cơ bản của loài người:
Phải chăng là một sai lầm bẩm sinh
Khi mỗi người đàn ông và phụ nữ,
Đều khát khao những điều không thể
Rằng tình yêu chẳng phải cho khắp thế gian,
Mà chỉ duy nhất dành riêng một người.
Liệu đây có phải là một sai lầm? Bàn về những dòng thơ này với một triết gia Ấn Độ, tôi đã có được câu trả lời rõ ràng khi ông nói: “Mong ước mình được là nguồn yêu thương duy nhất là điều bình thường. Sự cần có nhau là điều cần thiết trong tình yêu và không ai có thể thay thế được người bạn yêu trong sự cần có nhau ấy. Chỉ khi xét về phương diện thời gian, nghĩa là khi chúng ta mong muốn mãi mãi được duy nhất yêu thương, thì lúc đó chúng ta mới sai lầm”.
Đúng là chúng ta sẽ sai lầm khi ước mong sự “chỉ một và duy nhất” ấy sẽ luôn tồn tại, cả bây giờ và mãi mãi về sau. Nhưng ta vẫn có thể tìm lại những khoảnh khắc “chỉ một và duy nhất” ấy, dù chỉ là tạm thời. Khoảnh khắc cho con bú, khoảnh khắc cùng con vui đùa trên bãi biển, cùng tìm kiếm những vỏ sò, đánh bóng hạt dẻ, hay chia sẻ những kỷ vật quý giá dường như luôn hiện hữu, nhưng không bao giờ là mãi mãi.
Cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra rằng chẳng có mối quan hệ “chỉ một và duy nhất” nào tồn tại vĩnh viễn, và cũng không nên như vậy. Một mối quan hệ như thế bao giờ cũng tồn tại trong những giới hạn, cả về không gian lẫn thời gian. Nó có thể cần thiết nhưng lại là yếu tố cô lập chúng ta với thế giới xung quanh, cản trở những khía cạnh còn lại trong cuộc sống của ta, những mối quan hệ, những trách nhiệm và cả những khả năng khác trong tương lai. Nó không chỉ giới hạn sự phát triển của bản thân mỗi người mà còn hạn chế sự tiến bộ của cả xã hội. Cuộc sống luôn tồn tại những thực tế không thể chối bỏ và nó cần được vận hành liên tục. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đang lãng phí thời gian khi dành riêng cho bản thân hoặc cùng người bạn đời của mình trải qua những giờ phút nghỉ ngơi. Những khoảnh khắc “chỉ một và duy nhất” ấy thật sự là những phút giây quý giá và diệu kỳ. Khoảnh khắc bên nhau cùng ăn sáng, cùng vui đùa trên bãi biển sẽ như ánh sáng của chiếc đèn trên bàn ăn, lan tỏa từ ngày này sang ngày khác và có khả năng hồi sinh tuổi thanh xuân của mỗi người. Nhưng cuộc sống không phải là bãi biển êm đềm sóng biếc, và chúng ta cũng không còn là những đứa trẻ vô lo. Và cũng chẳng bao giờ có một kiểu mẫu hoàn chỉnh cho sự trở lại vĩnh hằng, tất cả đơn giản chỉ là để ta nghỉ ngơi và tỉnh táo lại mà thôi.
Chúng ta sẽ hiểu rằng, thực tế chẳng mối quan hệ nào có thể trở lại nguyên bản dạng thức ban đầu, và, hơn thế nữa, nó cũng chẳng thuộc về một dạng thức riêng lẻ nào. Đây không phải là điều quá tệ hại, mà chỉ là một phần của những điều huyền diệu luôn diễn ra trong cuộc sống cũng như trong sự phát triển không ngừng của vạn vật. Tất cả những mối quan hệ nhân sinh trong cuộc sống đều sẵn sàng thay đổi, phát triển, và được tái tạo ở những dạng thức mới. Mỗi giai đoạn của cuộc sống có thể sẽ tương ứng với một dạng thức riêng biệt, như mỗi vỏ sò trên bàn làm việc của tôi tượng trưng cho một chặng đường trong cuộc sống lứa đôi – hay trong bất kỳ mối quan hệ nào đó.
“Hai nửa bình minh” được sắp xếp đầu tiên trong bộ sưu tập các vỏ sò của tôi. Tôi nghĩ đây là hình ảnh độc đáo cho một sự khởi đầu: hai nửa hoàn mỹ gắn với nhau bằng một khớp nối duy nhất, gặp nhau ở mọi điểm, và bình minh của ngày mới lan tỏa trên mỗi mảnh vỏ sò. Thật lộng lẫy, mong manh và pha chút phù du nhưng “Hai nửa bình minh” không phải là hão huyền.