“Con phải giành bằng được cơ hội hợp tác lần này cho mẹ! Tuyệt đối không được để thằng con hoang đấy trèo lên đầu lên cổ!”
Giọng nói the thé của người đàn bà qua sóng điện thoại vẫn không bớt chua đi chút nào. Dường như mỗi thời mỗi khắc đều sẵn sàng hóa thành lưỡi dao sắc nhọn xuyên thẳng màng nhĩ người khác.
Khang giơ điện thoại ra cách xa tai thêm vài phân, thở dài một hơi. Bàn tay còn lại đưa lên day day lên thái dương.
Có vẻ như việc anh không lên tiếng khiến người ở đầu dây bên kia bất mãn, giọng nói quen thuộc lại vang lên, âm lượng còn lớn hơn ban nãy: “Khang! Con có nghe mẹ nói không đấy?”
“Con vẫn đang nghe đây.” Khang trả lời, giọng uể oải.
“Thế con bị câm hay sao mà không trả lời mẹ hả?” Mẹ anh lại tiếp tục đay nghiến: “Sao con không bao giờ chịu làm theo ý mẹ thế? Nếu con nghe mẹ, chịu làm thân với mấy lão già chết tiệt kia thì giờ này đã nghiền nát được thằng con hoang đấy dưới gót chân rồi, đâu có phải mệt mỏi thế này! Giờ mẹ tính từng đường đi nước bước cho con mà con còn…”
“Mẹ.” Khang ngắt lời mẹ, chậm rãi trả lời: “Sắp đến giờ hẹn rồi, con cúp máy đây.”
“Thái độ của con kiểu gì đấy hả? Con có nghe lời mẹ nói không? Này…”
Không quan tâm người ở đầu dây bên kia có định nói thêm gì không, Khang lập tức ngắt máy. Ngay sau khi cuộc gọi kết thúc, điện thoại anh lại lập tức rung lên, vẫn là số điện thoại đó. Anh không nghe máy.
Mẹ anh gọi thêm bốn năm lần, thấy con trai vẫn không chịu bắt máy thì nhắn tin yêu cầu anh phải gọi lại ngay sau khi gặp mặt đối tác xong. Anh lại thở ra một hơi dài thườn thượt.
“Mẹ sếp hôm nay có vẻ nóng nảy hơn mọi ngày ạ.” Xe dừng đèn đỏ, trợ lý đang lái xe thuận miệng bắt chuyện bằng một câu vô thưởng vô phạt.
Khang gật đầu: “Ừ, nóng như ăn phải thuốc nổ ấy, chắc vừa bị ai đấy chọc tức.” Anh đã quen với việc mẹ đi ra ngoài bị ai đó chọc tức rồi trở về trút giận lên đầu con trai. Từ khi anh còn bé đã như vậy, sau này lớn lên cũng chẳng khác gì.
Suy cho cùng, hiện tại mẹ chỉ có một mình anh là người thân. Anh cũng không còn cách nào khác, buộc phải chịu đựng những lần lên cơn bất chợt của mẹ.
“Mai đặt mua giúp tôi mấy gói trà thanh nhiệt, gửi tới địa chỉ của bà ấy. Nhắn là con trai gửi tặng uống cho hạ hỏa, khỏi cần cảm ơn.” Vừa nói, anh vừa quen tay mở album ảnh trong điện thoại, lướt về những bức ảnh rất cũ.
Trợ lý đáp: “Vâng ạ.” Đồng thời nhanh nhẹn note việc này vào sổ.
Với tính tình của mẹ Khang, trợ lý có thể đoán được bà sẽ phát điên thế nào khi nhận được trà thanh nhiệt con trai gửi tặng. Nhưng đó không phải vấn đề trợ lý cần lo. Vấn đề cấp thiết nhất hiện tại là làm thế nào để đến được địa điểm hẹn với đối tác trước giờ đã đặt lịch.
Chiều hè nóng như rang. Giờ tan tầm, đường toàn xe với người chen chúc. Mùi khói bụi, mùi mồ hôi quyện vào nhau, từ bốn phương tám hướng xộc thẳng vào mũi khiến Thư như muốn ngất đi. Cô vừa trải qua một đêm trực dài với hai ca cấp cứu, thêm một ngày làm việc căng thẳng. Hết giờ làm, cô chỉ muốn lập tức bật điều hòa rồi nằm xuống giường đánh một giấc.
Vậy mà cô lại phải chen chúc giữa một đống người, trên con đường duy nhất đi từ bệnh viện về nhà.
Đến ngã tư đúng lúc đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, cô dừng lại. Đúng lúc này, phía sau vang lên tiếng hét thất thanh: “Tránh ra! Cái xe Vision trắng kia dẹp sang một bên đi! Không đi thì dẹp gọn vào cho người ta đi!”
Một tràng âm thanh chói tai càng ngày càng gần Thư. Người phụ nữ tầm tuổi trung niên béo ục ịch cưỡi trên con xe cub liên tục luồn lách qua khe hở giữa những chiếc xe, tạt đầu ô tô, bắt xe máy nhường đường.
Bà ta lao thẳng về phía Thư, bấm còi inh ỏi. Thư ngước mắt, nhìn lên đèn tín hiệu. Đèn đỏ ở ngã tư này kéo dài hơn một trăm giây, còn lâu mới tới đèn xanh. Cô yên tâm tiếp tục đứng đó.
Người phụ nữ kia nghiêng xe, đánh lái, lách qua khe hở giữa một chiếc xe máy và một chiếc xe bán tải để lao tới chỗ Thư. Rồi bất ngờ, bà ta va vào thùng sau xe bán tải. Theo phản xạ, tay phải bà ta kéo tay ga về phía mình.
Chiếc xe cub rồ ga, lao vụt về phía trước theo một quỹ đạo kì quặc. Lao thẳng vào Thư đang dừng đèn đỏ.
Thư còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ nghe “uỳnh” một tiếng, mở mắt ra đã thấy mình ngã sõng soài trên đất. Đầu gối mài xuống mặt đường xước xát, cổ chân đau nhói. Còn xe thì bị đâm lệch sang bên, va phải chiếc xe con bóng loáng bên cạnh.
Khang ngồi trong xe, đang mải lướt điện thoại, không màng tới xung quanh. Đột nhiên, bên tai anh nghe một tiếng vang lớn. Xe hơi rung lắc.
Có gì đó không ổn rồi!
“Hình như chúng ta bị ai đó va vào rồi sếp, để em xuống xem tình hình thế nào.” Trợ lý nói rồi vội vàng mở cửa, xuống xe.
Khang thuận miệng “ừm” một tiếng. Trên màn hình điện thoại lại hiện lên tin nhắn dồn dập từ mẹ. Anh phát phiền với mớ tin nhắn đó, dứt khoát tắt nguồn điện thoại, nhét vào túi áo. Sau đó dựa lưng vào ghế xe, lơ đãng nhìn ra bên ngoài.
Thư ngồi trên đất, thử cử động chân. Người phụ nữ vừa đâm vào cô chỉ thẳng vào mặt cô, gào toáng lên: “Cái con điên này! Mày điếc à mà còi nãy giờ không thèm tránh đường? Tại mày mà tao bị ngã, hỏng hết cả xe rồi đây này!”
Ánh mắt lơ đãng chạm phải đường nét trên khuôn mặt Thư, Khang chợt giật mình. Qua một lớp cửa kính nên chỉ nhìn được mờ mờ, nhưng cũng đủ để trái tim anh hẫng một nhịp.
Anh lập tức xuống xe.
Lúc này, vài người đàn ông đã dừng xe, giúp hai người vừa va quệt dựng xe lên, dắt gọn vào lề đường. Trợ lý của Khang xem xét vết lõm trên thân xe, tính toán chi phí sửa chữa.
“Sếp, thân xe bị lõm và xước sơn rồi.” Thấy Khang xuống, trợ lý lập tức báo cáo.
Người phụ nữ vừa đâm vào Thư liếc mắt qua hai người đàn ông, thấy cách ăn mặc có vẻ nghiêm chỉnh thì tìm cách thoái thác trách nhiệm. Bà ta chỉ vào Thư, luôn miệng đổ lỗi: “Tao đã bấm còi rồi, tại nó không chịu tránh sang một bên nên tao mới đâm phải. Cái xe này hỏng không liên quan gì đến tao hết!”
Khang nhíu mày nhìn đèn đỏ vẫn còn mấy chục giây, tâm tình bực bội dường như bắt đầu bị châm ngòi. Anh thẳng thừng: “Bà bị mù màu phải không? Chỉ có người mù màu mới không phân biệt được xanh với đỏ, đâm phải người ta còn cãi chày cãi cối thế thôi!”
“Mày…” Bà ta gân cổ lên nhưng chưa nghĩ ra được gì để cãi tiếp. Bà ta đuối lý thật, hai người đàn ông vừa xuống khỏi chiếc xe sang này cũng có vẻ không dễ chọc. Bà ta lầm bầm chửi tục vài câu rồi leo lên xe, lao đi mất.
Đây là lần đầu tiên trợ lý của Khang thấy có người trơ tráo đến vậy, trợn tròn mắt không biết làm sao. Khang rất nhanh tay rút điện thoại ra, định chụp lại biển số xe của bà ta, nhưng thấy màn hình đen thui mới nhớ ra mình vừa tắt nguồn.
Thôi vậy.
Anh bảo trợ lý: “Cậu lái xe sát vào lề đường đi!” Còn bản thân thì bước về phía Thư. Mỗi bước chân kéo gần khoảng cách giữa hai người, anh lại thấy trái tim mình thắt nghẹt vào thêm một chút.
“Cô có sao không? Có đứng lên được không?” Anh hơi cúi người, nghe thấy giọng chính mình vang lên, hơi khàn khàn.
Thư ngẩng đầu lên, có vẻ do dự: “Cổ chân tôi hơi đau, không biết có bị làm sao không.”
Khang vẫn nhìn Thư không chớp mắt. Trong đầu anh hiện lên một khuôn mặt xinh đẹp, rồi các đường nét nhòa nhạt đi. Khuôn mặt tan biến khi Thư giơ tay lên khua khua trước mặt anh: “Này, anh gì ơi! Anh sao đấy?”
Khang định thần trở lại. Anh lắc đầu: “Tôi không sao. Để tôi đỡ cô dậy nhé!” Không đợi Thư trả lời, anh cúi người xuống, nắm lấy cánh tay cô, dùng lực kéo lên.
Cơn đau nhói đột ngột dâng lên từ thắt lưng khiến anh cau mày. Chỉ một động tác cúi xuống kéo người khác đứng dậy đơn giản cũng đủ để mồ hôi lạnh ròng ròng chảy trên trán. Anh cắn răng, nén cơn đau đỡ Thư khập khiễng đi về phía vệ đường, tới bên cạnh xe cô.
Cơn đau mãnh liệt hơn khiến đầu óc Khang quay cuồng, chân anh như muốn khuỵu xuống. Mặt mũi anh tái mét, thân thể anh loạng choạng, vô thức đổ về phía Thư.