J
onathan cất bốn nghìn franc vào một phong bì đặt trong một ngăn giữa tám ngăn kéo tủ gỗ ở đằng sau cửa hàng của mình. Ngăn kéo này nằm trên ngăn cuối cùng, không chứa gì ngoài các mẩu dây đầu thừa đuôi thẹo và vài nhãn giá có lỗ dập – những thứ bỏ đi mà chỉ những người tằn tiện hoặc điên rồ mới cất giữ, anh nghĩ. Nó là một ngăn kéo bình thường (Jonathan hoàn toàn chẳng biết nó đựng cái gì nữa) mà anh chẳng mấy khi mở ra, vậy nên Simone cũng sẽ không mở nó ra, anh nghĩ vậy, trong đôi lần hiếm hoi cô phụ việc trong cửa hàng. Ngăn kéo để tiền của Jonathan là ngăn trên cùng ở bên tay phải dưới mặt quầy gỗ. Mấy nghìn franc còn lại được anh cất vào tài khoản đồng sở hữu ở ngân hàng Societe Generale vào sáng thứ Sáu. Chắc phải hai đến ba tuần nữa Simone mới để ý đến khoản tiền dôi ra, và chắc cô sẽ không bình luận gì. Mà nếu cô có nói gì thì Jonathan vẫn có thể trả lời là có vài khách hàng đột xuất trả tiền. Anh thường ký séc để trả các hóa đơn, và thường thì sổ tiết kiệm được cất trong ngăn kéo bàn viết phòng khách, trừ phi một trong hai người họ phải lôi nó ra để trả tiền gì đó, chuyện chỉ xảy ra một lần một tháng.
Đến chiều thứ Sáu, Jonathan đã tìm được cách để sử dụng một phần khoản tiền một nghìn franc. Anh mua một bộ vest bằng vải tweed màu mù tạt cho Simone trong một cửa hàng trên đường France với giá 395 franc. Anh đã thấy bộ vest đó cách đây vài ngày, trước cả khi đến Hamburg, và nghĩ tới cô – cổ tròn, vải tweed màu vàng sậm điểm nâu, bốn chiếc khuy nâu sắp hình vuông trên áo dường như được sinh ra dành cho Simone. Giá tiền từng khiến mắt anh trố ra sửng sốt, thậm chí còn từng nghĩ cái giá này thật quá đáng. Giờ thì nó thậm chí có vẻ còn là một món hời, và Jonathan mê đắm nhìn món đồ mới được chăm chút gấp lại giữa những mảnh giấy trắng như tuyết. Và vẻ trân trọng của Simone càng khiến anh vui sướng hơn. Jonathan nghĩ nó là món đồ mới đầu tiên mà cô có, bộ đồ xinh đẹp đầu tiên trong vài năm nay, vì những chiếc váy mua ở chợ hay Prisunic không đáng kể.
“Nhưng chắc nó phải đắt kinh hoàng đấy nhỉ, Jon!”
“Không – không hẳn. Các bác sĩ ở Hamburg đã đưa cho anh một khoản tạm ứng – phòng trường hợp anh phải quay lại đó. Khá hậu hĩnh. Đừng nghĩ nhiều.”
Simone mỉm cười. Jonathan thấy cô cũng không muốn nghĩ về tiền. Không phải trong thời điểm này. “Em sẽ coi đây là món quà sinh nhật của mình.”
Anh cũng mỉm cười. Sinh nhật của cô đã qua được gần hai tháng rồi.
Sáng thứ Bảy, điện thoại của Jonathan reo. Sáng hôm đó nó đã reo vài lần nhưng lần này tiếng chuông không có quy luật báo hiệu một cuộc gọi đường dài.
“Reeves đây… Mọi chuyện thế nào?”
“Ổn cả, cảm ơn.” Jonathan đột nhiên thấy căng thẳng và cảnh giác. Trong cửa hàng anh đang có một khách hàng, một người đàn ông đang chăm chú nhìn vào các mẩu khung gỗ mẫu trên tường. Nhưng Jonathan đang nói tiếng Anh.
Reeves nói, “Ngày mai tôi sẽ đến Paris và muốn gặp anh. Tôi có một thứ cho anh – anh biết đấy.” Anh ta vẫn bình tĩnh như thường.
Ngày mai Simone muốn anh tới nhà cha mẹ cô ở Nemours. “Chúng ta có thể hẹn vào buổi tối hoặc – tầm sáu giờ đi được không? Tôi có hẹn vào buổi trưa rồi.”
“Được chứ, tôi hiểu. Các bữa trưa Chủ nhật của người Pháp! Chắc chắn rồi, tầm sáu giờ nhé. Tôi sẽ ở khách sạn Cayre. Nó nằm trên đường Raspail.”
Jonathan đã nghe đến tên khách sạn ấy. Anh báo sẽ cố gắng có mặt ở đó từ khoảng sáu đến bảy giờ tối. “Chủ nhật có ít chuyến tàu hơn.”
Reeves bảo đừng lo gì cả. “Hẹn gặp anh ngày mai.”
Rõ ràng là anh ta mang thêm tiền đến. Jonathan chuyển sự chú ý vào người đàn ông muốn mua khung tranh.
Chủ nhật Simone trông thật lộng lẫy trong bộ vest mới. Trước khi họ khởi hành đến nhà Foussadier, anh đã dặn cô đừng tiết lộ chuyện anh được các bác sĩ Đức trả tiền.
“Em có phải đứa ngốc đâu!” Simone tuyên bố với vẻ nhanh nhảu khiến Jonathan thích thú, cảm thấy cô thật sự nghiêng về phía anh nhiều hơn là cha mẹ cô. Thường thì Jonathan cảm thấy ngược lại.
“Thậm chí hôm nay,” Simone nói ở nhà cha mẹ, “Jon phải tới Paris để nói chuyện với một đồng nghiệp người Đức.”
Đó là một bữa trưa Chủ nhật đặc biệt vui nhộn. Anh và cô đã mang một chai Johnnie Walker đến.
Jonathan lên chuyến tàu lúc bốn giờ năm mươi từ Fontainebleau, vì không có chuyến tàu tiện đường nào từ ga St. Pierre-Nemours, và anh đến Paris lúc năm rưỡi chiều. Anh lên Metro. Có một trạm ở ngay cạnh khách sạn.
Reeves đã để lại tin nhắn cho Jonathan báo lên thẳng phòng anh ta. Reeves đang mặc áo ba lỗ, rõ ràng vừa mới nằm đọc báo trên giường. “Xin chào Jonathan! Cuộc sống thế nào?... Ngồi xuống đã – đâu cũng được. Tôi có thứ này cho anh xem đây.” Anh ta đi về phía vali. “Đây... là món khai vị.” Reeves giơ một cái phong bì trắng vuông vắn lên, rút một tờ giấy đánh máy trong phong bì ra và đưa cho anh.
Bức thư viết bằng tiếng Anh, được gửi tới ngân hàng Thụy Sĩ, ký tên bởi Ernst Hildesheim. Bức thư yêu cầu mở một tài khoản ngân hàng cho người tên Jonathan Trevanny, kèm theo địa chỉ cửa hàng của anh ở Fontainebleau, nói rằng đính kèm một tờ séc trị giá tám mươi nghìn mác. Bức thư được đánh máy nhưng có chữ ký kèm theo.
“Hildesheim là ai?” Jonathan hỏi, trong lúc đó nghĩ rằng đồng mác Đức ngang giá một phẩy sáu đồng franc Pháp, vậy nên tám mươi nghìn mác tương đương với khoảng hơn một trăm hai mươi nghìn franc Pháp.
“Một doanh nhân ở Hamburg – mà tôi đã trợ giúp vài việc. Hildesheim không bị giám sát gì cả và khoản tiền này cũng sẽ không xuất hiện trong sổ sách kế toán công ty anh ta, vậy nên anh ta cũng không có gì phải lo lắng. Anh ta gửi séc cá nhân. Vấn đề là, Jonathan, khoản tiền này được gửi dưới tên anh, ngày hôm qua thư đã được gửi đi từ Hamburg, vậy nên đến tuần sau anh sẽ nhận được mã số cá nhân. Nó tương đương với một trăm hai mươi tám nghìn franc Pháp.” Reeves không mỉm cười nhưng vẻ mặt mang đầy sự thỏa mãn. Anh ta với tay lấy một chiếc hộp trên bàn viết. “Xì gà Hà Lan không? Tuyệt lắm đấy.”
Vì xì gà là một thứ mới lạ, Jonathan nhận một điếu, mỉm cười. “Cảm ơn.” Anh châm xì gà bằng que diêm Reeves chìa ra. “Cũng cảm ơn vì số tiền.” Jonathan nhận ra khoản tiền đó chưa bằng một phần ba số tiền thỏa thuận. Không được một nửa. Nhưng anh không thể nói điều này ra.
“Một khởi đầu tốt đẹp, đúng vậy. Mấy gã casino ở Hamburg khá hài lòng đấy. Những gã mafia khác lởn vởn quanh đấy, thuộc băng Genotti, tuyên bố không hay biết gì về cái chết của Salvatore Bianca, nhưng đương nhiên chúng phải nói như vậy rồi. Điều chúng tôi muốn làm bây giờ là hạ gục một gã trong băng Genotti như để trả đũa cho Bianca. Và chúng tôi muốn tóm một con cá lớn, tầm capo – một đầu lĩnh chỉ dưới quyền sếp bự, anh hiểu không? Có một gã tên là Vito Marcangelo hầu như cuối tuần nào cũng di chuyển từ Munich tới Paris. Gã có một cô bạn gái ở Paris. Gã là đầu lĩnh buôn bán ma túy ở Munich – ít nhất là đối với băng của gã ở đó. Hiện giờ việc mua bán ma túy ở Munich còn rầm rộ hơn nhiều so với ở Marseille…”
Jonathan nôn nóng lắng nghe, chờ một lời dẫn để anh có thể nói rằng mình không muốn nhận thêm công việc nữa. Bốn mươi tám giờ vừa qua suy nghĩ của Jonathan đã thay đổi. Anh cũng thấy ngạc nhiên khi chỉ sự hiện diện của Reeves thôi cũng lột sạch cảm giác muốn mạo hiểm của anh – có thể là khiến hành động này trở nên chân thực hơn. Nhưng rồi không thể không kể đến việc rõ ràng là anh đã có một trăm hai mươi tám nghìn franc ở Thụy Sĩ. Anh ngồi xuống mép ghế bành.
“Trên một con tàu đang di chuyển, ban ngày, tàu tốc hành Mozart…”
Jonathan lắc đầu. “Xin lỗi, Reeves. Tôi thật lòng không nghĩ mình đủ sức làm vậy.” Anh bất chợt nhận ra Reeves vẫn có thể chặn tờ séc bằng đồng mác. Anh ta chỉ cần đánh điện cho Hildeshiem là đủ. Thôi thì cứ để vậy đi.
Reeves trông tiu nghỉu. “À. Vậy thì – tôi rất xin lỗi. Thật đấy. Chúng tôi chỉ phải tìm một người khác là được – nếu anh không nhận. Và – tôi e là anh ta cũng sẽ được phần nhiều hơn.” Reeves lắc đầu, rít xì gà, và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ trong giây lát. Rồi anh ta cúi người và nắm chặt lấy vai của Jonathan. “Jon, phi vụ đầu tiên đã diễn biến hết sức tốt đẹp mà!”
Jonathan ngồi ngả lưng ra sau và Reeves thả anh ra. Anh co rúm lại, như một người bị ép nói lời xin lỗi. “Phải, nhưng – bắn một người trên một chuyến tàu ư?” Jonathan có thể hình dung cảnh mình bị tóm ngay lập tức, không thể trốn thoát đi đâu hết.
“Không phải bắn. Chúng ta không được phép tạo ra tiếng ồn. Tôi đang nghĩ hay là thắt cổ.”
Jonathan chẳng tin nổi vào tai mình nữa.
Reeves bình tĩnh nói, “Đó là phương pháp của mafia. Một cái dây mảnh, im lìm – Một cái thòng lọng! Và anh sẽ kéo chặt nó. Thế là xong.”
Jonathan nghĩ đến cảnh các ngón tay của anh chạm vào một cái cổ ấm máu. Thật ghê tởm. “Tuyệt đối không có khả năng này đâu. Tôi không thể.”
Reeves hít sâu, rít một hơi nữa, chuyển tư thế ngồi. “Gã này được bảo vệ cẩn mật, theo luật có hai vệ sĩ. Nhưng trên tàu – người ta sẽ thấy nhàm chán với việc ngồi lì một chỗ, sẽ đi lại trong hành lang, hoặc sẽ đi vệ sinh một, hai lần gì đó, hoặc đi đến toa ăn, có thể chỉ đi một mình. Khả năng là không thực hiện được, Jonathan, có thể anh sẽ không tìm được cơ hội, nhưng anh có thể thử. Hoặc chỉ cần đẩy gã ta ra khỏi cửa là được. Cửa tàu vẫn có thể mở ra trong khi tàu đang chạy, anh biết đấy. Nhưng gã sẽ hét lên – và có thể biện pháp đó sẽ không giết được gã.”
Thật lố bịch, Jonathan nghĩ. Nhưng anh không cảm thấy buồn cười. Reeves im lặng suy tư, nhìn lên trần nhà. Jonathan đang nghĩ nếu anh bị tóm với tội giết người hoặc cố gắng giết người thì Simone sẽ không thèm chạm vào một đồng nào trong khoản tiền này. Cô sẽ thấy kinh hãi, hổ thẹn. “Đơn giản là tôi không thể giúp được anh đâu,” anh nói và đứng dậy.
“Nhưng – ít nhất thì anh có thể lên chuyến tàu đó. Nếu thời cơ thích hợp không xuất hiện thì chúng ta chỉ cần nghĩ ra một cách khác, một gã đầu lĩnh khác cũng được, một biện pháp khác cũng được. Nhưng chúng tôi rất muốn giết được gã này! Gã sẽ chuyển từ ma túy sang kinh doanh sòng bạc ở Hamburg – tổ chức sòng bạc – có tin đồn như thế.” Reeves cố gắng đổi hướng, “Anh có muốn dùng súng không, Jon?”
Jonathan lắc đầu. “Tôi không có can đảm, Chúa ơi. Trên một chuyến tàu à? Không đời nào.”
“Nhìn cái thòng lọng này đi!” Reeves nhanh chóng rút tay trái ra khỏi túi quần.
Có vẻ anh ta cầm một sợi dây mảnh, màu trắng. Một đầu dây được xỏ qua một cái lỗ, và bị chặn lại bởi một nút thắt ở cuối dây. Reeves tròng nó quanh cột đầu giường và kéo mạnh sợi dây sang một bên.
“Anh thấy không? Nilon. Mạnh gần bằng dây thép. Không ai có thể gầm gừ quá một câu...” Reeves nhỏ giọng dần.
Jonathan phẫn nộ. Không nhiều thì ít, một bên tay anh sẽ phải chạm vào nạn nhân. Và cần ít nhất ba phút để tắt thở không phải sao?
Reeves có vẻ đã bỏ cuộc. Anh ta tiến về phía một ô cửa sổ và quay lại. “Cứ nghĩ thêm về chuyện đó đi. Anh có thể gọi cho tôi hoặc tôi sẽ gọi cho anh trong vài ngày tới. Marcangelo thường rời khỏi Munich vào các trưa thứ Sáu. Lý tưởng nhất là kết thúc phi vụ vào cuối tuần tới.”
Jonathan lao ra cửa. Anh bỏ xì gà vào một chiếc gạt tàn trên tủ đầu giường.
Reeves đang nhìn anh, vậy nhưng ánh mắt ấy như thể ở rất xa, chưa gì đã bắt đầu cân nhắc vài người khác thích hợp với nhiệm vụ này. Vết sẹo dài của anh ta trông dày hơn thực tế, có lẽ là do ánh sáng. Nó hẳn đã khiến anh ta mắc phức cảm tự ti trước phái nữ, Jonathan nghĩ. Vậy nhưng anh ta đã mang vết sẹo ấy bao lâu? Có thể chỉ mới hai năm, khó mà nói được.
“Có muốn xuống dưới uống một ly không?”
“Không, cảm ơn,” anh nói.
“À, tôi có một quyển sách muốn cho anh xem!” Reeves lại tiến về phía vali, rút một quyển sách bìa đỏ rực ra khỏi góc trong cùng của vali. “Đọc đi. Cứ giữ nó cũng được. Đó là một quyển báo. Sách tài liệu. Anh sẽ thấy loại người mà chúng ta đang đối phó. Họ cũng bằng da bằng thịt như mọi người khác thôi. Ý tôi là cũng rất yếu ớt.”
Quyển sách có tên Tử thần: Mổ xẻ các tổ chức tội phạm ở nước Mỹ.
“Thứ Tư này tôi sẽ gọi cho anh,” Reeves nói. “Thứ Năm anh sẽ đến Munich, ở qua đêm, tôi cũng sẽ ở một khách sạn nào đó bên đấy, sau đó đến tối thứ Sáu anh sẽ quay lại Paris bằng tàu.”
Tay Jonathan đã đặt trên nắm cửa và giờ anh xoay nó. “Xin lỗi, Reeves, nhưng tôi e đó là chuyện không thể diễn ra. Tạm biệt.”
Anh bước chân ra khỏi khách sạn và đi thẳng sang ga Metro bên kia đường. Vào sân ga, trong khi đang đứng chờ tàu anh đọc dòng giới thiệu trên bìa sách. Ở bìa sau là ảnh chụp hồ sơ tội phạm, chính diện và quay nghiêng, của sáu đến tám gã đàn ông ghê gớm, miệng trễ xuống, mặt vừa thả lỏng vừa độc ác, tất cả đều có đôi mắt đen sì, gườm gườm. Sự tương đồng của những nét mặt ấy, dù béo hay gầy, thật là kỳ lạ. Có một đoạn gồm năm đến sáu trang toàn tranh ảnh. Các chương được đặt tên theo các thành phố của nước Mỹ – Detroit, New York, New Orleans, Chicago, và ở cuối sách, cạnh mục lục, là một đoạn nói về các băng đảng mafia trông như cây gia phả, chỉ có điều những người này đều cùng một thế hệ: ông trùm,đầu lĩnh, thủ lĩnh, tay sai, số tay sai phải đến năm mươi tới sáu mươi tên trong trường hợp của băng Genovese mà Jonathan đã nghe tên. Các cái tên này đều là người thật, và nhiều trường hợp còn có cả địa chỉ ở New York và New Jersey nữa. Trên tàu về Fontainebleau, Jonathan đọc lướt qua quyển sách. Có “Willie Dùi phá băng” Alderman, kẻ mà Reeves đã nhắc đến ở Hamburg, giết người bằng cách cúi xuống bên vai họ như thể đang trò chuyện và chọc một cái dùi phá băng qua màng nhĩ của họ. “Willie Dùi phá băng” cười toe toét trong ảnh chụp, ngồi giữa nửa tá đồng đảng mang tên Ý đang đánh bạc, ngoài ra còn có một giáo chủ, giám mục, một giáo sĩ cấp cao (tên của họ đều được liệt kê) sau khi “các tu sĩ nhận được một khoản tiền cầm cố trị giá 7.500 đô la trong thời gian năm năm.” Jonathan gập sách lại, trong một thoáng ngắn ngủi dâng lên cảm giác tuyệt vọng, sau vài phút nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ anh lại mở sách ra. Sau rốt thì, quyển sách này chứa đựng các sự kiện thực tế và các sự kiện thực tế thì đều hấp dẫn.
Jonathan đi xe buýt từ ga Fontainebleau-Avon đến chỗ gần lâu đài, rồi rẽ vào đại lộ France về cửa hàng của mình. Anh có mang chìa khóa theo và vào cửa hàng để cất quyển sách về mafia trong ngăn kéo tủ ít khi dùng đến cùng các đồng franc đã giấu từ trước trước khi đi bộ về nhà trên đường St. Merry.